GS.TS.Josef Sayer
Tổng Giám đốc MISEREOR
Tổng Giám đốc MISEREOR
Kính thưa: GS.TS.Đỗ Hoài Nam , Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa: PGS.TS.Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa: TS.Hoàng Văn Kể, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng
Kính thưa: Giám mục, TS.Nguyễn Chí Linh, Phó chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam
Kính thưa: Tổng giám mục Nguyễn Như Thể
Thưa các giáo sư và các học giả, các quý bà và quý ông!
Tôi vô cùng vinh dự được thay mặt cho MISEREOR chào mừng quý vị đến tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường” tại thành phố Hải Phòng xinh đẹp này. Xin được gửi lời cám ơn chân thành nhất tới PGS.TS.Phạm Văn Đức, người đã nỗ lực hết mình trong việc tổ chức Hội thảo này.
MISEREOR là một tổ chức hỗ trợ phát triển và hợp tác, được Hội đồng giám mục Đức sáng lập 50 năm trước đây nhằm mục đích đấu tranh chống đói nghèo cùng những hệ quả của nó, vì công bằng và phẩm giá của con người. Hiện nay, chúng tôi hoạt động ở 97 quốc gia thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Quá trình hợp tác của chúng tôi với nhân dân Việt Nam bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ XX. Nhìn lại quãng thời gian vừa qua, chúng tôi rất vui mừng bởi chúng ta đã gây dựng được sự tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau và một tình hữu nghị đang ngày càng trở nên bền vững - đó chính là cơ sở cho sự tin tưởng lẫn nhau. Và, đó cũng chính là lý do mà chúng ta cùng nhau tụ họp tại Hội thảo hôm nay.
Hội thảo này là sự tiếp nối Hội thảo quốc tế diễn ra vào tháng 10 năm 2007 tại Hà Nội do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và MISEREOR đồng tổ chức, với chủ đề “Công bằng xã hội, trách nhiệm xã hội và đoàn kết xã hội”. Tôi vui mừng được gặp lại nhiều học giả từ Hội thảo lần trước và như vậy, chúng ta có thể tiếp tục trao đổi với nhau những chủ đề đã được thảo luận rất hiệu quả 16 tháng trước đây. Đó là Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với những chủ đề như vậy và đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân thành và cùng nhau tích cực thảo luận.
Ngay trong thời gian của Hội thảo tháng 10 năm 2007, chúng ta đều có ý muốn duy trì những đối thoại đó và do vậy, Hội thảo lần này đã được tổ chức. Hội thảo lần này tập trung chủ yếu vào vấn đề “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”, nối kết những kinh nghiệm của Việt Nam với kinh nghiệm của nhiều nước khác trên thế giới, cũng như kinh nghiệm của Đức. Đặc biệt, ở Đức, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mô hình kinh tế thị trường xã hội đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng giúp người nghèo có cơ hội hội nhập.
Khi lựa chọn chủ đề cho Hội thảo lần này, không một ai trong chúng ta đoán trước được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là đối với những nước nghèo. Hội thảo của chúng ta diễn ra trong bối cảnh cần phải có một sự điều chỉnh lớn hơn trong phạm vi toàn cầu để thiết lập những điều kiện khung cho thị trường. Thậm chí, ngay cả những người mà trước đó, không hề nghĩ mình sẽ đồng quan điểm, cũng đã nhận ra sự khẩn thiết này. Trách nhiệm và vai trò của nhà nước, của khu vực doanh nghiệp và của xã hội dân sự đang được xem xét lại một cách có phê phán dưới một nhãn quan mới. Dường như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này đang thúc đẩy việc xác định lại mối quan hệ giữa nhà nước, kinh tế và xã hội.
Với MISEREOR, một sự tái định nghĩa như vậy đã là quá chậm. Trên thực tế, hơn 1,2 tỷ người đang phải sống với mức thu nhập dưới 1 USD/một ngày, 923 triệu người đang bị đói và nhiều cha mẹ không biết làm sao để kiếm cơm cho con ăn hàng ngày, nhiều trẻ em đang bị buộc phải lao động để kiếm miếng ăn cho mình và không được đến trường, rất nhiều người trên thế giới không thể tiếp cận các loại hình chăm sóc sức khoẻ và mỗi năm có hơn 500.000 phụ nữ phải chết khi sinh nở hay mang thai. Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta còn rất xa mới đạt tới việc hiện thực hoá Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Hơn nữa, rõ ràng rằng, mối quan hệ giữa người giàu và người nghèo, giữa các nước khác nhau là không công bằng, không bình đẳng và lại càng không được định hướng tới phúc lợi toàn cầu.
Trong những tháng tới, hi vọng rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới trong khuôn khổ nhóm G20 mở rộng sẽ mở đường cho những cải cách cơ cấu chủ yếu, như thiết lập một hệ thống kinh tế thế giới mới. Nhóm G8 sẽ được mở rộng và trở nên tiến bộ hơn với sự tham gia của những nước đang phát triển ở phương Nam . Bản thân điều đó là rất tốt, nhưng vẫn còn xa mới có thể gọi là đủ.
Điều cần được quan tâm không phải chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật và những điều chỉnh để né tránh những rủi ro trong trò chơi tự do của những lực lượng thị trường, mà còn là làm sao để đạt tới công bằng và thể chế hoá mối quan tâm mang tính đạo đức đối với công ích (phúc lợi chung) với tư cách những cái không thể thiếu được trong tiến trình nhằm giảm bớt những nguy cơ gây xung đột, dù ở phạm vi toàn cầu hay trong nội bộ một quốc gia.
Nếu chỉ có đại diện của 20 quốc gia tham gia vào bàn đàm phán thì quyền lợi của những người nghèo sẽ chẳng bao giờ có được đếm xỉa đến, mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra cơ hội cho sự tái kết cấu hướng tới phúc lợi toàn cầu.
Với tư cách một tổ chức Công giáo, MISEREOR luôn hướng tới việc cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Vẫn còn rất nhiều người trên thế giới đang phải chịu cảnh nghèo đói và thiếu thốn. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần phải có sự góp sức thiện chí của tất cả mọi người trong xã hội, cái mà Giáo hoàng John Paul II và Giáo hoàng Benedict XVI đã gọi là “toàn cầu hoá của sự liên đới” mà hiện đang trở thành một nhu cầu và sự nỗ lực cốt yếu: một sự liên đới giữa tất cả các dân tộc và tất cả mọi người, và đối với Việt Nam, là sự liên đới giữa mọi công dân Việt Nam và giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Thật là đáng chú ý, khi mà từ Hội thảo lần trước và trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo lần này, chúng tôi thường nghe thấy các bạn nói: chúng tôi ở Việt Nam hết sức mong muốn giúp người nghèo hội nhập. Khoảng cách giầu nghèo phải được khắc phục. Đó là lý do tại sao các bạn mong muốn tranh luận về mô hình kinh tế thị trường xã hội và tìm kiếm những hình thức khác của một nền kinh tế công bằng.
Xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn và giúp người nghèo hòa nhập là nhiệm vụ trọng yếu của Học thuyết xã hội Công giáo. Do đó, MISEREOR chúng tôi rất lấy làm vui mừng khi Hội đồng giám mục Việt Nam đã tham gia Hội thảo lần này với tư cách một trong ba thành viên đồng tổ chức Hội thảo. Trong những năm qua, sự hợp tác của MISEREOR với Giáo hội Việt Nam và với các tổ chức quốc tế khác vì lợi ích của nhân dân Việt Nam , đặc biệt là vì những người nghèo là rất hiệu quả. Điều này đã được thể hiện rõ trong rất nhiều hoạt động cụ thể, dù là ở Việt Nam hay trong những lần viếng thăm của các đại diện của Viện Khoa học xã hội Việt Nam ở Aachen (Đức) ngày 10 và 11 tháng Giêng năm 2009, hoặc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam. Những cuộc viếng thăm đó đã tạo ra những cơ hội tốt để thúc đẩy và mở rộng sự hợp tác giữa chúng ta. Chúng tôi chân thành cám ơn về điều đó.
Tôi thật sự hy vọng và mong rằng, trong thời gian Hội thảo, chúng ta sẽ có những trao đổi hiệu quả về các ý tưởng, quan điểm, cách nhìn và kinh nghiệm, không chỉ vì mục đích tranh luận khoa học.
Thay mặt cho MISEREOR, một lần nữa, tôi muốn gửi lời cám ơn tới Viện Triết học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng giám mục Việt Nam và tất cả những cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tham gia tổ chức cuộc Hội thảo này.r
Người dịch: ThS.LƯƠNG MỸ VÂN
(Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt