Đức Giám mục, TS. Giuse Nguyễn Chí Linh
Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
Kính thưa: GS.TS.Đỗ Hoài Nam , Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa: GS.TS.Josef Sayer, Tổng Giám đốc MISEREOR
Kinh thưa: PGS.TS.Phạm Văn Đức, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Kính thưa: quý vị đại biểu tham dự hội thảo
Theo tôi được biết, Ban Tổ chức đã mời Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam tham dự và phát biểu tại cuộc Hội thảo này. Nhưng vì bận việc, ngài chỉ thị cho tôi đến đây thay mặt ngài. Vậy trước hết, nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam , tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến toàn thể quý vị.
Với tư cách là một chức sắc thuộc Giáo hội Công giáo, điều tôi muốn phát biểu hơn cả là lập trường của Giáo hội Công giáo đối với chủ đề “trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường” mà Ban Tổ chức đã chọn để hội thảo.
Đây là một vấn đề lớn, khó có thể trình bày cặn kẽ trong khuôn khổ một bài góp ý năm ba phút. Tôi chỉ xin mượn một vài khái niệm mà tôi tạm gọi là “khái niệm đôi”, với hy vọng có thể giản lược hoá một chủ đề phức tạp. Khi dùng “khái niệm đôi”, ý tôi muốn nói rằng trong Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, đó là những cặp khái niệm luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, tính bất cả phân ly của những khái niệm đôi đó là chìa khoá để hiểu học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo đối với những hoạt động kinh tế cũng như đối với giới hữu trách, như Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân.
Trước hết là khái niệm “kinh tế - đạo đức”. Theo quan điểm Thánh kinh, của cải vật chất là ân huệ của Thiên Chúa. Câu chuyện nguyên tổ Adam - Eva trong vườn địa đàng (x. Sáng thế ký 2, 16-17; 1, 26-30; 2, 15-16) cho thấy con người không phải là chủ nhân, mà chỉ có sứ mệnh “quản lý cho tốt các ân huệ đã lãnh nhận”(1). Hiểu theo nghĩa đó, của cải vật chất trong thiên nhiên là tặng phẩm của Thiên Chúa nên tự nó là tốt. Chỉ có sự lạm dụng mới làm cho nó ra xấu. Theo đó, hoạt động kinh tế đích thực phải luôn đi đôi với đạo đức. Đó là một mối quan hệ có tính cách vừa nội tại vừa tất yếu. Nội tại, vì kinh tế và đạo đức tương tác và điều kiện hoá lẫn nhau. Tất yếu vì nếu tách rời ra khỏi đạo đức, kinh tế không còn ý nghĩa đích thực nữa.
Khái niệm đôi thứ hai là “kinh tế - con người”. Cũng theo Thánh kinh, khi sáng tạo con người, Thiên Chúa đã tạo mọi điều kiện để con người được hạnh phúc (x. Sáng thế ký 1, 26-31). Đáng tiếc là con người đã phản bội Ngài nên cuộc sống đã trở thành cay cực. Nhưng Thiên Chúa vẫn là Tình Yêu, vẫn muốn cứu vớt con người. Ngài làm tất cả vì con người. Theo Học thuyết xã hội của Giáo hội, đó cũng chính là định hướng cho mọi hoạt động kinh tế, như lời khẳng định của Công đồng Vatican II: “Con người là nguồn cội, là trung tâm và là mục tiêu của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội”(2). Tất cả mọi nền kinh tế lấy con người làm phương tiện đều phản bội chức năng của mình. Học thuyết xã hội của Giáo hội không phủ nhận vai trò chính đáng của lợi nhuận, vì đó là chỉ số đầu tiên cho một doanh nghiệp hoạt động tốt. Nhưng cũng rất có thể một doanh nghiệp thành công về lợi nhuận nhưng lại xem thường hoặc thậm chí làm nhục phẩm giá của công nhân(3). Tóm lại, theo quan điểm Công giáo, một nền kinh tế đích thực phải là một nền kinh tế hoạt động vì con người, lấy con người toàn diện làm mục tiêu tối hậu.
Tiếp theo là khái niệm “kinh tế - liên đới”. Của cải tự nó có mục tiêu phổ quát, nghĩa là để chia sẻ cho mọi người. Mọi hình thức đầu cơ và ích kỷ kinh tế đều trái đạo đức(4), vì nó không lưu chuyển của cải đến tha nhân. Thánh Phaolô, một trong những vị thánh nổi tiếng của Kitô giáo đã có công đặt nền móng cho nền thần học Công giáo, cho rằng “Ham mê tiền bạc là cội rễ mọi điều xấu xa” (1Tm 6, 10), vì khi quá ham mê tiền bạc, người ta không nghĩ đến người khác nữa. Đối với Đức Giêsu, vị sáng lập Kitô giáo, người nghèo phải là đối tượng hàng đầu được phục vụ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II minh hoạ ý tưởng đó một cách mạnh mẽ hơn rằng bỏ quên người nghèo là một tội ác(5). Hoạt động kinh tế phải là một hoạt động liên đới để nhờ đó, tiến tới một xã hội ngày càng nhân bản và công bằng hơn. Hiệu năng kinh tế và tình liên đới không thể tách rời nhau trong một xã hội văn minh tiến bộ. Kinh tế phát triển phải đi đôi với sự phân chia ngày càng đồng đều và đồng bộ về an sinh. Một nền kinh tế thành công về hiệu năng nhưng lại tập trung ưu đãi cho một thiểu số nào đó là một nền kinh tế bỏ rơi người nghèo. Chạy theo tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên một nhóm xã hội hay bỏ quên cả một dân tộc, đó là điều rất đáng cảnh giác vì hiện tượng đó rất thường xảy ra tại các nước nghèo và các thể chế chính trị chuyên quyền.
Kết luận
Sở dĩ Giáo hội Công giáo có một học thuyết xã hội là vì Giáo hội muốn đề nghị những nguyên tắc và những giá trị có thể bảo đảm một xã hội xứng đáng với con người. Nguyên tắc căn bản nhất để xây dựng mọi nguyên tắc khác là nguyên tắc liên đới. Bí quyết và ánh sáng để áp dụng nguyên tắc này chính là tình yêu, giá trị ưu việt nhất của giáo lý công giáo. Một nền kinh tế thành công là một nền kinh tế có khả năng thể hiện được tình yêu phổ cập ở mức độ cao nhất. Đó chính là điều mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là một “nền văn minh tình thương”. “Hành vi cá nhân sẽ mang trọn vẹn tình người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu”(6). Tóm lại, tình yêu phải hiện diện và thâm nhập vào mọi quan hệ xã hội, trước hết là quan hệ kinh tế.
Xin cám ơn và cầu chúc Hội thảo thành công
(1) Hội đồng Giám mục Việt Nam , Uỷ ban Bác ái xã hội. Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Nxb Tôn giáo, 2007, tr.233.
(3) Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Thông điệp Centesimus Annus, số 35.
(4) Sđd., tr.235.
(5) Gioan Phaolô II. Thông điệp Sollicitude rei socialis, số 36.
(6) Hội đồng Giám mục Việt