Chú giải ngắn về hậu hiện đạiBài viết được đăng lúc 8:36:24 AM, 03.08.2011
Ảnh: internet |
INRASARA
Cảm thức hậu hiện đại (postmodern sensibility)
Cảm thức hậu hiện đại (postmodern sensibility)
Cảm thức hậu hiện đại là một lối cảm nhận về thế giới như là hỗn độn, vô nghĩa, bất khả nhận thức; nơi mọi bảng giá trị đều đổ vỡ, mọi định hướng ý nghĩa đều vô vọng. Con người không còn tin vào những gì lâu nay họ từng tin: Thượng đế hay Nhà nước, Tổ quốc hay Con người, Chân lí hay Lịch sử,... Mọi “nỗ lực khôi phục trật tự đẳng cấp, hoặc những hệ thống ưu tiên nào đó trong cuộc sống, đều vô ích và không thể thực hiện được” (I.P. Ilin). Nhận thức thế giới của con người luôn là nhận thức đầy thiếu khuyết. Mọi tri thức không gì khác thứ hiện tượng được diễn dịch đầy chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ (discourse), hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Còn hơn thế, nó là một trò chơi ngôn ngữ. Trong lúc ngôn ngữ như phương tiện diễn đạt “chân lí” cũng không đáng tin cậy.
Cảm thức thế giới là hỗn độn, “khi mọi trung tâm không chắc chắn, các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng “tình cảm mật thiết” (I.P. Ilin). Thâm nhập thực tại, họ vượt bỏ niềm tin vào các đại tự sự (grand narratives) - nói như Lyotard, chỉ là “các hệ thống giải thích”, những thứ chính thống hóa, toàn trị hóa quan niệm về thời đại vừa phiến diện vừa mang ở tự thân sự bạo động.
Phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là tinh thần dân chủ mới của hậu hiện đại. Hậu hiện đại tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi Tây phương, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”,... Nên có thể nói, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa. Thật sai lầm tai hại khi kết án hậu hiện đại chống lại truyền thống. John Barth: “Một nhà văn [hậu] hiện đại…có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Nghĩa là hậu hiện đại chấp nhận truyền thống (không chấp nhận truyền thống mới là phi-hậu hiện đại), nhưng không để cho truyền thống thành gánh nặng.
Hiện đại và hậu hiện đại
Khác với tham vọng của chủ nghĩa tiền phong đòi cắt đứt mọi quan hệ, qua đó tạo ra phong cách đặc thù đẫm tính cá nhân, một phong cách khép kín đầy ngạo mạn, chủ nghĩa hậu hiện đại muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ. Hầu hết thủ pháp hậu hiện đại như sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và tính không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.
Nhiều đặc tính ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa. Nhưng điều khác biệt chính yếu giữa hậu hiện đại và hiện đại là nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp để quy chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng - khoái hoạt!
Viết hậu hiện đại
Tất cả cái mới đã bị khai thác cạn kiệt, nên có thể nói: không còn gì mới dưới ánh mặt trời. Cho nên định danh đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt the literature of exhaustion của John Barth không phải không lí do. Nhưng mươi năm sau thôi, ông nghĩ khác: đó là thời văn chương [của sự] phong dật the literature of replenishment (1980). Nhà văn hậu hiện đại nhìn khắp xung quanh thấy cả kho tàng trân bảo văn liệu và ngữ liệu sẵn có, họ đến đó, cúi xuống nhặt lấy và khai thác. Khi nhận ra rằng mỗi văn bản là một liên văn bản, mặc cảm đụng hàng không còn nữa. Phỏng nhại pastiche là sáng tạo, cắt dán là sáng tạo - sáng tạo hậu hiện đại.
Rất nhiều nhà thơ lẩy ra các thành ngữ, tục ngữ hay ca dao có nội dung gần nhau, sắp đặt chúng theo hàng dọc, hàng ngang để tạo thành bài thơ. Không ít người viết còn lượm nhặt các khẩu hiệu, các bảng cấm hay khuyến dùng để làm ra tác phẩm mới.
Tôn trọng và nói lên “sự thật” lịch sử là mục đích của mọi sử gia và con người bình thường, nhưng nhà văn hậu hiện đại nghĩ khác. Lịch sử không phải là quá khứ mà là câu chuyện về quá khứ do một cá nhân hay cộng đồng kể lại. Đó chỉ là một trong những diễn ngôn (discourse) đầy bất toàn. Do đó, Phan Bá Thọ không e ngại chế tác tiểu sử của Hemingway, cố tình nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa và sai lệch rồi nhét bừa vào bài thơ nữa. Không vấn đề gì cả, đó chính là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại, lối viết không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ nhằm phá vỡ tính mạch lạc của lối kể truyền thống.
Nhà thơ hậu hiện đại có thể sử dụng tin từ tờ báo ngày, thông tin trên mạng làm thứ chất liệu sẵn có, chế biến tùy ý, thêm vài nhận định chủ quan để làm ra bài thơ.
Thể hiện tinh thần “sáng tạo”, hầu hết các nhà thơ hiện đại chọn thơ tự do không vần và tránh tối đa các thể thơ truyền thống. Nhà thơ hậu hiện đại đối xử vô phân biệt truyền thống hay hiện đại. Họ xài đủ thể thơ có trong tay. Nguyễn Thế Hoàng Linh tuyệt chiêu với lục bát hậu hiện đại.
Nguyễn Hoàng Tranh: thơ thị giác (visual poetry), kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh. Đặng Thân một mình một cõi với thơ phụ âm. Lê Văn Tài với thơ cụ thể concrete poetry tạo một hiệu quả nghệ thuật đặc biệt. Ở đó chữ và nghĩa hoàn toàn vắng mặt, dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều, tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.
Nguyễn Hoàng Nam sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng,…để làm ra tác phẩm mới lạ mang nội dung của thời đại đã tạo cảm xúc đặc biệt. Dấn thêm một bước, thi sĩ này còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó.
Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết tiểu luận ngôn ngữ. Đinh Linh và Đặng Thân đã làm như thế. Hậu hiện đại giải khu biệt hóa thể loại, nhà thơ thích thú kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi họ muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.
Cuối cùng, sáng tác hiện đại rất ý thức về tác giả, về bản quyền tác giả trên tác phẩm mình. Bởi họ tìm tòi và độc sáng. Nhà hậu hiện đại nghĩ ngược lại, chẳng có gì là độc sáng cả. Mỗi sáng tạo là một vi phạm bản quyền, nhiều hay ít, ẩn hay hiện, lộ liễu hay kín đáo, nên họ không kiêng nể sử dụng ngay tác phẩm có sẵn và chế tác trên nó.
Đọc hậu hiện đại
Thơ để làm gì, nếu nhà phê bình không đoái hoài, người đọc thì không thể tiếp nhận?
Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa phát triển rất đa dạng với quy mô toàn cầu. Nó là một hệ thống mở đang vận động. Do đó, nó gây khó dễ không ít cho người tiếp nhận. Một trào lưu văn học mới nào bất kì muốn đặt nền tảng và phát triển cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các đối tượng liên quan. Nhất là độc giả Việt Nam với bao ngáng trở, về tri kiến (chưa được chuẩn bị chu đáo từ các cấp học), về tâm thế, cả về truyền thống ít chịu chấp nhận cái mới nữa.
Đòi hỏi trước tiên là: cứ tạm chấp nhận điều mình chưa hiểu, các sáng tác còn xa lạ với những gì lâu nay ta xem đó mới là thơ. Chấp nhận, và kiên nhẫn truy tìm hành trình sáng tạo của tác giả, triết lí nằm ở bề sâu sáng tác đó, qua đó chúng ta có thể thay đổi cách đọc của chính mình. Chỉ như thế, người đọc mới cơ hội thưởng thức các tác phẩm đương đại xuất sắc trên thế giới. Cả trong nước nữa, biết đâu!
Vả lại, đâu phải mỗi nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại áp dụng đầy đủ thủ pháp hậu hiện đại đều có tác phẩm hậu hiện đại hay. Nếu thế ai viết hậu hiện đại là thành thiên tài mất! Thái độ công bằng cần thiết của độc giả là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì sẽ làm tăng thêm sự hiểu lầm và dẫn đến những suy nghĩ hàm hồ về hậu hiện đại. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó được tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó.
Phê bình hậu hiện đại
Mươi năm qua, đã có không ít lời dị nghị về hậu hiện đại. Bên cạnh vài nhà phê bình mang tâm cảm ủng hộ hậu hiện đại nhưng bởi chưa hiểu thấu đáo hậu hiện đại, nên đã xảy ra vài ngộ nhận đáng tiếc.
Một nhà văn hậu hiện đại đúng nghĩa mang cảm thức hậu hiện đại chưa đủ, hắn cần thể hiện thái độ giải trung tâm (decentralization) trong mọi hành động văn học (không phân biệt trung tâm với ngoại vi các loại), giải khu biệt hoá (de-differentiation) từ thể loại cho đến ngôn từ,… Ở đó, giọng đặc trưng là giễu nhại (parody) với tinh thần văn phong phi nghiêm cẩn (unseriousness) thể hiện qua các thủ pháp đặc thù. Không thể khác.
Còn lại - khi loại thơ kia đẹp và văn chương quá, lí tưởng với cao cả quá, căng thẳng bật máu với đóng thùng trịnh trọng quá, đầy “hàm ngôn” cũng như đau khổ “sâu sắc” quá, em thuộc về anh trọn vẹn với anh đi em khóc sập trời mùi mẫn quá,… vân vân. Tất cả thuộc về dòng nào khác, chứ không thể là hậu hiện đại. Nếu nó tự nhận hậu hiện đại, thì đó chỉ là thứ hậu hiện đại giả hiệu, không hơn không kém.
I.R.S.R (269/07-11)
Bài viết có tham khảo:
F. Jameson, Postmodernism. or, the Culture Logic of Late Capitalism, Durham: Duke University Press, 1993; J. Culler, Postmodern Narrative Theory, Hampshire: MacMillan Press, 1998; Inrasara, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn Nghệ, Hoa Kì, 2002; Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.
Cảm thức thế giới là hỗn độn, “khi mọi trung tâm không chắc chắn, các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng “tình cảm mật thiết” (I.P. Ilin). Thâm nhập thực tại, họ vượt bỏ niềm tin vào các đại tự sự (grand narratives) - nói như Lyotard, chỉ là “các hệ thống giải thích”, những thứ chính thống hóa, toàn trị hóa quan niệm về thời đại vừa phiến diện vừa mang ở tự thân sự bạo động.
Phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là tinh thần dân chủ mới của hậu hiện đại. Hậu hiện đại tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi Tây phương, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”,... Nên có thể nói, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa. Thật sai lầm tai hại khi kết án hậu hiện đại chống lại truyền thống. John Barth: “Một nhà văn [hậu] hiện đại…có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Nghĩa là hậu hiện đại chấp nhận truyền thống (không chấp nhận truyền thống mới là phi-hậu hiện đại), nhưng không để cho truyền thống thành gánh nặng.
Hiện đại và hậu hiện đại
Khác với tham vọng của chủ nghĩa tiền phong đòi cắt đứt mọi quan hệ, qua đó tạo ra phong cách đặc thù đẫm tính cá nhân, một phong cách khép kín đầy ngạo mạn, chủ nghĩa hậu hiện đại muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ. Hầu hết thủ pháp hậu hiện đại như sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và tính không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.
Nhiều đặc tính ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa. Nhưng điều khác biệt chính yếu giữa hậu hiện đại và hiện đại là nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp để quy chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng - khoái hoạt!
Viết hậu hiện đại
Tất cả cái mới đã bị khai thác cạn kiệt, nên có thể nói: không còn gì mới dưới ánh mặt trời. Cho nên định danh đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt the literature of exhaustion của John Barth không phải không lí do. Nhưng mươi năm sau thôi, ông nghĩ khác: đó là thời văn chương [của sự] phong dật the literature of replenishment (1980). Nhà văn hậu hiện đại nhìn khắp xung quanh thấy cả kho tàng trân bảo văn liệu và ngữ liệu sẵn có, họ đến đó, cúi xuống nhặt lấy và khai thác. Khi nhận ra rằng mỗi văn bản là một liên văn bản, mặc cảm đụng hàng không còn nữa. Phỏng nhại pastiche là sáng tạo, cắt dán là sáng tạo - sáng tạo hậu hiện đại.
Rất nhiều nhà thơ lẩy ra các thành ngữ, tục ngữ hay ca dao có nội dung gần nhau, sắp đặt chúng theo hàng dọc, hàng ngang để tạo thành bài thơ. Không ít người viết còn lượm nhặt các khẩu hiệu, các bảng cấm hay khuyến dùng để làm ra tác phẩm mới.
Tôn trọng và nói lên “sự thật” lịch sử là mục đích của mọi sử gia và con người bình thường, nhưng nhà văn hậu hiện đại nghĩ khác. Lịch sử không phải là quá khứ mà là câu chuyện về quá khứ do một cá nhân hay cộng đồng kể lại. Đó chỉ là một trong những diễn ngôn (discourse) đầy bất toàn. Do đó, Phan Bá Thọ không e ngại chế tác tiểu sử của Hemingway, cố tình nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa và sai lệch rồi nhét bừa vào bài thơ nữa. Không vấn đề gì cả, đó chính là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại, lối viết không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ nhằm phá vỡ tính mạch lạc của lối kể truyền thống.
Nhà thơ hậu hiện đại có thể sử dụng tin từ tờ báo ngày, thông tin trên mạng làm thứ chất liệu sẵn có, chế biến tùy ý, thêm vài nhận định chủ quan để làm ra bài thơ.
Thể hiện tinh thần “sáng tạo”, hầu hết các nhà thơ hiện đại chọn thơ tự do không vần và tránh tối đa các thể thơ truyền thống. Nhà thơ hậu hiện đại đối xử vô phân biệt truyền thống hay hiện đại. Họ xài đủ thể thơ có trong tay. Nguyễn Thế Hoàng Linh tuyệt chiêu với lục bát hậu hiện đại.
Nguyễn Hoàng Tranh: thơ thị giác (visual poetry), kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh. Đặng Thân một mình một cõi với thơ phụ âm. Lê Văn Tài với thơ cụ thể concrete poetry tạo một hiệu quả nghệ thuật đặc biệt. Ở đó chữ và nghĩa hoàn toàn vắng mặt, dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều, tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.
Nguyễn Hoàng Nam sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng,…để làm ra tác phẩm mới lạ mang nội dung của thời đại đã tạo cảm xúc đặc biệt. Dấn thêm một bước, thi sĩ này còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó.
Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết tiểu luận ngôn ngữ. Đinh Linh và Đặng Thân đã làm như thế. Hậu hiện đại giải khu biệt hóa thể loại, nhà thơ thích thú kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi họ muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.
Cuối cùng, sáng tác hiện đại rất ý thức về tác giả, về bản quyền tác giả trên tác phẩm mình. Bởi họ tìm tòi và độc sáng. Nhà hậu hiện đại nghĩ ngược lại, chẳng có gì là độc sáng cả. Mỗi sáng tạo là một vi phạm bản quyền, nhiều hay ít, ẩn hay hiện, lộ liễu hay kín đáo, nên họ không kiêng nể sử dụng ngay tác phẩm có sẵn và chế tác trên nó.
Đọc hậu hiện đại
Thơ để làm gì, nếu nhà phê bình không đoái hoài, người đọc thì không thể tiếp nhận?
Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa phát triển rất đa dạng với quy mô toàn cầu. Nó là một hệ thống mở đang vận động. Do đó, nó gây khó dễ không ít cho người tiếp nhận. Một trào lưu văn học mới nào bất kì muốn đặt nền tảng và phát triển cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các đối tượng liên quan. Nhất là độc giả Việt Nam với bao ngáng trở, về tri kiến (chưa được chuẩn bị chu đáo từ các cấp học), về tâm thế, cả về truyền thống ít chịu chấp nhận cái mới nữa.
Đòi hỏi trước tiên là: cứ tạm chấp nhận điều mình chưa hiểu, các sáng tác còn xa lạ với những gì lâu nay ta xem đó mới là thơ. Chấp nhận, và kiên nhẫn truy tìm hành trình sáng tạo của tác giả, triết lí nằm ở bề sâu sáng tác đó, qua đó chúng ta có thể thay đổi cách đọc của chính mình. Chỉ như thế, người đọc mới cơ hội thưởng thức các tác phẩm đương đại xuất sắc trên thế giới. Cả trong nước nữa, biết đâu!
Vả lại, đâu phải mỗi nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại áp dụng đầy đủ thủ pháp hậu hiện đại đều có tác phẩm hậu hiện đại hay. Nếu thế ai viết hậu hiện đại là thành thiên tài mất! Thái độ công bằng cần thiết của độc giả là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì sẽ làm tăng thêm sự hiểu lầm và dẫn đến những suy nghĩ hàm hồ về hậu hiện đại. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó được tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó.
Phê bình hậu hiện đại
Mươi năm qua, đã có không ít lời dị nghị về hậu hiện đại. Bên cạnh vài nhà phê bình mang tâm cảm ủng hộ hậu hiện đại nhưng bởi chưa hiểu thấu đáo hậu hiện đại, nên đã xảy ra vài ngộ nhận đáng tiếc.
Một nhà văn hậu hiện đại đúng nghĩa mang cảm thức hậu hiện đại chưa đủ, hắn cần thể hiện thái độ giải trung tâm (decentralization) trong mọi hành động văn học (không phân biệt trung tâm với ngoại vi các loại), giải khu biệt hoá (de-differentiation) từ thể loại cho đến ngôn từ,… Ở đó, giọng đặc trưng là giễu nhại (parody) với tinh thần văn phong phi nghiêm cẩn (unseriousness) thể hiện qua các thủ pháp đặc thù. Không thể khác.
Còn lại - khi loại thơ kia đẹp và văn chương quá, lí tưởng với cao cả quá, căng thẳng bật máu với đóng thùng trịnh trọng quá, đầy “hàm ngôn” cũng như đau khổ “sâu sắc” quá, em thuộc về anh trọn vẹn với anh đi em khóc sập trời mùi mẫn quá,… vân vân. Tất cả thuộc về dòng nào khác, chứ không thể là hậu hiện đại. Nếu nó tự nhận hậu hiện đại, thì đó chỉ là thứ hậu hiện đại giả hiệu, không hơn không kém.
I.R.S.R (269/07-11)
Bài viết có tham khảo:
F. Jameson, Postmodernism. or, the Culture Logic of Late Capitalism, Durham: Duke University Press, 1993; J. Culler, Postmodern Narrative Theory, Hampshire: MacMillan Press, 1998; Inrasara, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008; Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, California: Văn Nghệ, Hoa Kì, 2002; Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.