Vũ Quần Phương - Trang thơ trước biển lớn cuộc đời
Thuộc lớp nhà thơ xuất hiện thời chống Mỹ, Vũ Quần Phương đến với thơ từ khá sớm. Ở tập 'Sức mới' (Nhà xuất bản Thanh Niên,1958), chàng sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội Vũ Ngọc Chúc trình làng với bút danh Vũ Quần Phương - một giọng điệu trữ tình nhiều hứa hẹn.
Nhà thơ Vũ Quần Phương |
Chim gù trên tổ, bếp cơm reo
Em nhỏ học bài trên ngưỡng cửa
Khói bay ra mờ mịt ao bèo.
(Khói bếp)
Khởi đầu sự nghiệp văn chương từ một cảnh quê - tình quê ấy, đến nay Vũ Quần Phương đã có trên 40 năm gắn bó với thơ. Anh lần lượt xuất hiện với Cỏ mùa xuân (in chung với Văn Thảo Nguyên,1964), Hoa trong cây (1977), Những điều cùng đến (1983- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Cát sáng (tập thơ về tình yêu - in chung với Bằng Việt, 1985), Vầng trăng trong xe bò (1988), Vết thời gian (1996- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), Quên chữ quên câu ( 2000), Giấy mênh mông trắng (2003)...
Thơ Vũ Quần Phương, như nhận xét của nhiều người, gắn bó có chủ đích với mạch sống chung của dân tộc, của đất nước với bao nhiêu đổi thay kỳ diệu, làm sáng lên những phẩm chất bình dị mà cao quí từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn, từ những điều giản dị ẩn khuất đến hành động cao cả, anh hùng. Anh viết về Bác Hồ kính yêu với lòng biết ơn vô hạn:
Bác Hồ ơi, vị muối mặn con ăn
Đã kết đậm bao tình thương của Bác
Manh áo ấm con mặc khi trở rét
Đã dệt vào trăm mối Bác lo toan.
(Thấm trong Di chúc, 1969)
Chất trữ tình trong thơ Vũ Quần Phương là sự điềm đạm sâu sắc, không ồn ào, lên gân, cao giọng. Anh là nhà thơ có "con mắt xanh" và trái tim nồng ấm tình đời, sự mẫn cảm thông tuệ của "người quan trắc". Còn nhớ câu thơ Vũ Quần Phương viết khi còn trẻ măng, trong đêm "thức cùng đất nước", lắng nghe trong cõi huyền vi trời đất chuyển vần có cả "Tiếng trẻ nhà ai u ơ trở giấc/ Theo gió đêm về vọng đến đài tôi". Anh đã có câu thơ bộc lộ nhân sinh quan của thời đại mới:
Ta tính đất trời ta định đời ta
(Trên đài quan trắc khí tượng, 1958)
Nhà thơ đã "phát hiện và mách bảo giúp chúng ta, sau cái vẻ ngoài bình lặng của cuộc sống, có một mạch ngầm ấm nóng với bao nỗi vui - buồn - mừng - giận... hy sinh, chiến thắng... Cái hương vị ngọt ngào của tình yêu, hạnh phúc" (Vũ Quang Vinh - Vũ Văn Sĩ).
Dẫu ngày mai cỏ che khuất chân bia
Thời gian che những mặt người chúng ta không gặp lại
Tiếng bom dội qua câu thơ tình ái
Vẫn rung lòng những đôi lứa mai sau.
(Những điều cùng đến, 1968)
Một sức liên tưởng đa chiều, gợi suy ngẫm và hồi tưởng những năm tháng ác liệt, sống chết với quân thù trên mỗi thước đất chiến hào nóng bỏng!
Thơ Vũ Quần Phương giữ được sự điềm tĩnh cần thiết giữa dòng chảy hối hả của cuộc đời. Anh cảm động trước sự cần mẫn của những người trồng cỏ bên hè phố,nao lòng trước một làn điệu dân ca vấn vít "ba cánh đồng trăng sáng", chợt lững thững một chiều trung du đến với người chăn bò sữa, lại trở về với các cụ chép sách trong thư viện, đến với người chăn vịt một đêm sao.
Thơ ấy có sức ôm chứa bởi mối giao kết máu thịt với cuộc sống mà nhà thơ trân trọng. Nhiều bạn trẻ chép thơ tình Vũ Quần Phương:
Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời...
(Trước biển)
Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro, em biết không.
(Áo đỏ)
Trong các cây bút thơ sung sức của Hội Nhà văn Việt Nam, Vũ Quần Phương có cách đóng góp riêng, có lúc khiến ta cảm phục cả nhà thơ và người đợi chờ thuỷ chung trên nhịp cầu đôi lứa:
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ...
(Đợi)
Chủ nghĩa nhân đạo thời đại chúng ta đã cho anh triết lý nhân sinh Việt Nam từ niềm yêu tin cuộc sống đầy lo toan vất vả nhưng cũng thật ấm lòng, giúp cho thơ tránh được cái nhìn "siêu thực" nhợt nhạt, giúp cho thơ từ chốn cao siêu trở về với đời sống thường nhật "cõi trần":
Thôi thông ở lại với trời
Ta về phố chợ với người hồng nhan
Cõi trần bào ruột xót gan
Bát cơm nóng hổi, giòn tan miếng cà...
(Giã từ Yên Tử)
Vũ Quần Phương có đức tính siêng năng của người dân quê nhà, chịu học, chịu nghĩ ngợi, chịu khó đi về với những điều tâm đắc, thức khuya dậy sớm, đọc và viết. Anh thông hiểu thơ, tin yêu và trân trọng văn học dân tộc.
Vũ Quần Phương còn là người bình thơ có uy tín. Anh là chủ biên, viết lời giới thiệu nhiều công trình, tuyển tập thơ lớn nhưng cũng sẵn lòng chi chút, chia sẻ tâm tư với đồng nghiệp cùng trang lứa và với cả những cây bút trẻ. Anh đã in Thơ với lời bình(1989),góp vào việc bình giảng văn học trong nhà trường nhiều năm qua.
Sinh năm 1940, quê gốc Quần Phương nay là xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, Vũ Quần Phương làm công tác biên tập văn học ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, rồi ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội giữ cương vị Chủ tịch Hội. Nhà thơ Vũ Quần Phương là đại biểu Quốc hội khoá IX (1992-1997), Phó tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam . Nhiều năm công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam , nhà thơ hiện là Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam . Năm 2007, nhà thơ Vũ Quần Phương được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học (đợt II).
Anh viết trong niềm yêu quê hương da diết:
Tên Quần Phương, thân tha phương
Tôi lấy tên quê làm độ đường
Sáu tuổi tiễn cha về với đất
Nấm mộ ven đồng hoá cố hương.
(Thơ tặng quê, làng Quần Phương,1991)
Mỗi nhà thơ đều có một điểm khởi đầu. Phải chăng, với Vũ Quần Phương quê hương - gia đình là điểm khởi đầu thiêng liêng nhất để từ đó, anh đến với tình yêu đất nước, với trang thơ biển lớn cuộc đời.
Phạm Trọng Thanh