Home » » LÊ THỊ MÂY

LÊ THỊ MÂY

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011 | 23:06

Lê Thị Mây - Nữ sĩ viết trường ca
Nếu phải kể tên các nhà thơ từng viết trường ca thì có thể kể tới các tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái… mới giật mình nhận ra những tên tuổi ấy chiếm hơn 99% là nam và tính đến nay chúng ta chỉ có duy nhất một nhà thơ nữ viết trường ca, đó là Lê Thị Mây - người không những viết một mà có tới hai trường ca.
Thực ra đã có lúc tôi cho rằng Lê Thị Mây viết trường ca là lựa chọn có “tính toán”, bởi trước cô, sau cô và cho đến hôm nay chưa từng có nhà thơ nữ nào viết trường ca. Bởi thế, nếu lựa chọn viết trường ca, chưa biết thành công hay thì chí ít cô cũng được độc giả cũng như đồng nghiệp quan tâm chú ý hơn. Mà thu hút được sự “chú ý” trong thời buổi “thơ in ra chỉ đi tặng” cũng đáng lắm chứ. Nhưng tất cả điều nghi ngờ ấy đã không đúng, thậm chí ý nghĩ ấy còn không mảy may tồn tại trong con người có phần lặng lẽ và giản dị như cô.
Cô nói nếu làm thơ hay làm nghệ thuật nói chung mà tính toán như thế thì khó mà hay chứ đừng nói thành công. Nếu trước khi viết mà nghĩ được như thế là mình tỉnh, mình tiếp cận tài liệu, mình tiếp thu những vấn đề của xã hội thì trang viết thế nào cũng bị chi phối, không thể thoát ra khỏi sự thăng hoa cần có của nghệ thuật. Khi đã bắt tay viết thì cuộc sống tạm để lại một bên, không có sự “chen chân” những xô bồ hay êm đềm của cuộc sống thường nhật bên cạnh bám theo ngòi bút của mình. Lúc đó là một thế giới của riêng người cầm bút, người sáng tạo và trong thế giới ấy các nhân vật đã được hình tượng hoá và trừu tượng hoá rồi. Đó là một trong những vì sao khi đọc trường ca của Lê Thị Mây “nhiều người không dứt ra được” cho đến khi những dòng chữ cuối cùng xuất hiện. Dù là kể lại, nhớ lại con người, sự kiện… trong chiến tranh thì Lê Thị Mây cũng không dùng giọng trần thuật, tường thuật đều đều mà lúc nào cũng chứa chan tình cảm, lúc dồn dập, tha thiết tạo nên sức hấp dẫn của thể thơ dài là trường ca như:
“Vén sương ra đường
Cuốc
Xẻng
Giây cháy chậm
nổ mìn
ngắn chỉ tày gang
Giây cháy chậm
phá bom
cũng tày gang
kề cái chết
Lời thề cảm tử vùi sâu trong ngực
Con đường sống đường bươm xa âm thầm quyết liệt
Tiểu đội mỗi người
một bà Triệu
một bà Trưng
một nữ Oa vác đá vá vết thương
Ổ gà ổ trâu lõm vết đau lên mặt
Rễ cây cằn úp hồn lúa phù sa”
(Trích trường ca Lửa mùa hong áo)
Lửa mùa hong áo là tập trường ca đầu tiên của nhà thơ Lê Thị Mây được thai nghén từ một chuyến đi trở lại Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh do bộ Giao thông tổ chức. Chuyến đi kéo dài hơn một tháng của năm 1998. Bản thân Lê Thị Mây cũng là thanh niên xung phong nên hôm đến ngã ba Đồng Lộc, một thời khói lửa của quá khứ xa xôi bỗng nhiên lại hiện về cứ như thế tất cả mới chỉ vừa xảy ra. Rồi quá khứ chưa phai mờ thì hiện tại lại ập đến. Một búi sả mọc ở gần đấy làm cô chạnh lòng thương cho những người con gái tuổi mới đôi mươi mãi mãi không về. Những người con gái mà khi ngã xuống mái tóc còn vương mùi sả. Cô đã ngồi và khóc, tự nhủ có lẽ mình phải viết một cái gì đó. Nhưng tự nhủ vậy chứ chưa viết ngay được, coi như món nợ với đồng đội và văn chương.
Trong suốt thời gian từ năm 1998 đến năm 2002 cô thường mơ thấy cả đoàn quân con gái cùng ra chiến trận mà chẳng hiểu sao cô cũng đi theo và điều trăn trở ấy càng có sức thôi thúc cũng như nhắc nhở cô về món nợ mà mình đã tự hứa. Rồi cô nhớ lại hồi Đồng Hới bị san bằng, cầu Đồng Hới bị đánh phá, phải làm cầu phao thì có cuộc họp giao quân. Họp xong đi ra hiệu ảnh của thành phố chụp cùng mấy anh em thì lúc trở về đơn vị mấy anh em đó đã bị bom đánh. Cả cô Lũ chở đò nữa, những chuyến đò mà chuyến trước chuyến sau cuộc sống của con người đã biệt ly… Những sự thật đau thương ấy đã khiến Lê Thị Mây viết được chương dạo đầu làm nguồn cảm xúc, mạch cảm xúc chính mà nếu như không có khúc dạo đầu đấy chắc chắn đã không có trường ca “Lửa mùa hong áo”. Cô nói với tôi rằng: “Khi bắt đầu viết, tôi không chọn hình thức để thể hiện nội dung mà chọn tâm thế để viết, chọn tâm thế cảm xúc để viết. Mình vừa là người viết, vừa là đồng đội, vừa là thời đại, vừa là quá khứ… tất cả được gặp lại qua chuyến đi đã trở thành những trang viết…Tâm nguyện muốn viết nó lâu rồi, hàng chục năm nay rồi nhưng không viết được và phải chạm được đến cảm xúc mới viết được”.
Lê Thị Mây là thế, khi viết luôn phụ thuộc vào cảm xúc, thậm chí bị cảm xúc dẫn dắt, câu này kéo câu kia, chương này kéo chương kia cuốn thành một bố cục. Một bố cục ngẫu nhiên của sự thăng hoa mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của sắp xếp. Chỉ đến khi hoàn thành rồi mới đọc lại, biên tập lại, nhiều khi cũng làm chính mình ngạc nhiên vì cái bố cục vô thức đó.
Còn ở trường ca thứ hai là chuyến đi về Côn Đảo chứng kiến những tàn khốc của chiến tranh và man rợ của kẻ thù. Không kìm nén được những đau thương, nhất là một trong hàng trăm, hàng triệu nạn nhân của nhà tù khét tiếng này là người thân của nhà thơ. Khác với “Lửa mùa hong áo”, cô bị ám ảnh bởi quá khứ và giấc mơ thì trường ca “Tự khúc ánh sáng” có thể coi là những “đối thoại” về chiến tranh. Người đọc nhận ra cuộc đối thoại này xuất phát từ niềm tin, từ lương tri qua đó dựng lên những số phận, thân phận của con người trong cuộc chiến. Cuộc đối thoại đó còn là bản anh hùng ca bất diệt về những điều thiêng liêng. Đến trường ca này thì Lê Thị Mây không chỉ cho người đọc thấm thía về chiến tranh bằng cái nhìn của người chứng kiến, người trong cuộc mà dường như còn là chính mình. Kẻ thù có thể giam giữ được thể xác, có thể tra tấn hành hạ thể xác nhưng không thể xiềng xích nổi niềm tin ấy:
“Những bàn tay vươn ngoài song sắt
Làm sức mạnh lá cờ
Vẫy người đi tranh đấu
Mỗi khắc sống trọn niềm yêu dấu
Xiềng xích không thể xiềng xích niềm tin
Thế giới của con và cha
Sẽ phục sinh, tiếp sinh
Gieo và gặt trên cánh đồng tư tưởng
Là nhịp tim nhịp đập của con người”
(Trích Trường ca Tự khúc ánh sáng)
Hay:
“Những người tù hát
Dù xiềng xích đòn roi quần áo tả tơi
Này tiếng hát reo qua từng hẻm phố
Sài Gòn ơi
Hỡi đồng bào ơi!”
(Trích Trường ca Tự khúc ánh sáng)
Khi được hỏi trong hai trường ca thì cô thích cái nào hơn? Khác với nhiều nhà thơ khi nhận được câu trả lời đó dễ nhận được câu trả lời là “đứa con tinh thần nào của tôi cũng giá trị như nhau và có lẽ tác phẩm thành công nhất của tôi còn ở phía trước mà tôi đang chờ, độc giả đang chờ”, nhưng Lê Thị Mây không ngần ngại thẳng thắn xác định mình thích Tự khúc ánh sáng hơn Lửa mùa hong áo. Cô là vậy, và vẻ đẹp của con người cũng như thơ ca là sự chân thật, chân thành. Có thể vẻ đẹp ấy không hiển hiện ngay bên ngoài mà chỉ lặng lẽ âm thầm nhưng có sức lâu bền.
Ngoài hai trường ca, Lê Thị Mây còn có hơn mười tập thơ. Mỗi bài thơ là những dấu ấn tâm trạng của cô, có lúc bất chợt, có lúc âm ỉ và bản thân mình cũng không nghĩ có ngày viết trường ca. Và hoá ra chỉ khi không thể tải được hết cảm xúc trong dung lượng con chữ của một bài thơ nên nó đã trở thành trường ca. Cô muốn gửi gắm qua trường ca truyền tải một tinh thần trong cuộc chiến tranh đã qua là cuộc chiến tranh nhân dân. Không có nhân dân không thể chiến thắng được, mà nhân dân ở đây là những người còn rất trẻ, họ mới 16, 17 tuổi như những lời mở đầu: “Mười sáu tuổi cởi khăn quàng mơ ước/ Mũ tai bèo đỏng đảnh bím đuôi sam/ Mười chín đôi mươi mẹ tiễn vợi làng”. Họ là những nguyên mẫu đầy tự hào nhưng cũng đầy bi thương của cuộc chiến.
Lê Thị Mây có nhiều thơ viết về chiến tranh, có bài thơ viết khi mới ở độ tuổi hai mươi. Nhưng kể cả những bài thơ dang dở ở lứa tuổi đôi mươi ấy cho đến bây giờ thì cách nhìn về chiến tranh không khác chỉ có chăng là khác ở cách diễn đạt. Nghĩa là ấn tượng đấy nó đã khắc vào thế rồi, viết thời điểm này hay thời điểm khác thì nó không giống nhau, nó phụ thuộc phần nhiều vào cảm xúc. Bất kỳ nguời nào cũng thế - nhất là người làm nghệ thuật, cảm xúc là sợi chỉ của sáng tạo. Thế nên dù còn một trường ca từ năm 1977 chưa xong, vẫn liên quan đến chiến tranh, nhưng nếu không có cảm xúc thì có lẽ với Lê Thị Mây nó sẽ mãi mãi trở thành thiên trường ca và chưa xác định khi nào hoàn thành. Các bài thơ “dự định” cũng vậy, khi nào có cơ hội cảm xúc thì cô viết chứ không đặt trước cho mình. Nói cách khác thì cảm xúc “cho” mình cái gì- bài thơ hay trường ca thì mình nhận lấy.
Hoá ra, nhà thơ để viết được những vần thơ hay thì còn cần một thứ quan trọng khác nữa, ấy là cảm xúc.
Ngân Hà
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved