Kiều Thanh Quế - Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
(Toquoc)- Với những đóng góp xuất sắc - đặc biệt về nghiên cứu, phê bình văn học - Kiều Thanh Quế được ghi nhận là “người thứ nhất phác họa một bộ mặt của văn học mới, ghi nhận sự diễn tiến của văn học mới và vẽ khoáng được cái đồ biểu đường tiến hóa của văn học mới” (Thanh Lãng)(1), “Nhà phê bình văn học hiếm có của Nam Bộ” (Hoài Anh)(2), “Kiều Thanh Quế có thể coi như nhà phê bình văn học chuyên nghiệp duy nhất của văn học Nam Bộ” (Đoàn Lê Giang)(3)...
Tác gia Kiều Thanh Quế (1914-7.4.1947)(4), còn có các bút danh khác như Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai. Sự nghiệp văn học của Kiều Thanh Quế khá phong phú, bao gồm nhiều kiểu loại văn thể khác nhau như sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký; viết nghiên cứu, phê bình, biên khảo, trao đổi, đọc sách, điểm sách, dịch thuật; nghiên cứu theo đối tượng tác gia, tác phẩm, thể loại, giai đoạn và trào lưu; khảo cứu văn học sử Việt Nam từ dân gian tới trung đại và đặc biệt quan tâm giai đoạn văn chương đầu thế kỷ XX; mở rộng khảo sát văn học Việt Nam trong mối liên hệ tiếp nhận, ảnh hưởng và so sánh với một số hiện tượng văn học tiêu biểu thuộc các nước Ấn Độ, Nga - Xô viết, Pháp, Trung Quốc... Theo thống kê chưa đầy đủ, đương thời ông cộng tác với nhiều báo, tạp chí và nhà xuất bản khắp trong Nam ngoài Bắc: Mai, Tin điện Sài Gòn, Văn Lang tuần báo, Nam Kỳ tuần báo, Đông Dương tuần báo, Tiểu thuyết thứ bảy, Tạp chí Tri Tân, Độc lập và in sách tại các nhà Đức Lưu Phương, Mai Lĩnh, Tân Dân, Đời Mới, Phượng Hoàng...
Tuy nhiên, vì nhiều lẽ khác nhau, tác phẩm của ông chưa được in lại một cách hệ thống và có giai đoạn gần như bị quên lãng. Trước đây, trong công trình Mảnh vụn văn học sử, nhà nghiên cứu Bằng Giang cho rằng: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, chắc không thiếu những trường hợp một bút hiệu nào đó rất quen thuộc từ trước “những ngày binh lửa cháy quê hương” lại biến mất như KIỀU THANH QUẾ...”(5). Trên thực tế, ông là một trong số ít các cây bút nghiên cứu, phê bình của Nam Bộ có công đối với sự phát triển của phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX và đến nay vẫn cần được khám phá thêm. Hướng đến mục đích xác định vai trò và vị trí nhà văn Kiều Thanh Quế trong tiến trình phát triển và hiện đại hoá nền văn học dân tộc, công việc trước tiên là cần sưu tập, hệ thống hoá và xuất bản, giới thiệu toàn bộ các tác phẩm của ông với công chúng bạn đọc.
*
Quê nội Kiều Thanh Quế ở làng Hắc Lăng, xã Tam Phước (nay thuộc xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); bên ngoại ở làng Hương Điền (gần cầu Sông Dinh), xã Long Hương, cùng huyện Long Đất). Hai bên nội ngoại đều khá giả. Cha ông là Kiều Văn Mười. Mẹ là Tô Thị Lê, con cụ Tô Tân Hợi có ngôi nhà thuộc loại cổ nhất thị xã Bà Rịa. Khi còn thịnh đạt, bà Tô Thị Lê có mở tiệm buôn Thanh Quang ở chợ Vũng Tàu, sau phải dẹp bỏ.
Sinh ra ở vùng đất đỏ giàu truyền thống đấu tranh, Kiều Thanh Quế là anh cả của hai người em, một trai và một gái. Em gái ông là bà Kiều Thị Vạn, trong kháng chiến chống Pháp là một cơ sở cách mạng, nay đã mất. Người em trai tên là Kiều Nguyên Trung, tham gia kháng chiến, hiện nghỉ hưu ở phường Phước Trung, thị xã Bà Rịa. Thuở nhỏ Kiều Thanh Quế học tại Bà Rịa, sau đó lên Sài Gòn học ở trường Pétrus Ký và tham gia các tổ chức yêu nước. Sau khi lấy bằng thành chung ông dạy học ở trường trung học Nguyễn Văn Khuê, nhưng chỉ hai năm sau xin nghỉ. Không khí đấu tranh sôi động của nhân dân đã nhen nhóm trong tính cách và tâm hồn của chàng trai trẻ tuổi những tình cảm yêu nước. Tinh thần chống Pháp không chỉ thể hiện bằng những bài viết đăng trên báo mà qua hành động dám tấn công một người Ấn có quốc tịch Pháp thu thuế chợ Lương Điền. Nhân vụ này, cộng với ngững mối lo vốn có từ trước, thực dân Pháp đã quản thúc ông tại Bà Rá (1939), một thời gian sau chuyển về Cần Thơ (1940). Điều đó không làm tắt ngọn lửa yêu nước và nhiệt tình đối với nền văn học dân tộc trong ông mà nó càng thôi thúc sự đấu tranh và sáng tạo. Mặc dù sống giữa vòng kìm kẹp của mật thám, Kiều Thanh Quế vẫn dõi theo những bước đi của nền văn học và có nhiều đóng góp cho nền phê bình còn non trẻ lúc bấy giờ bằng những công trình tiêu biểu như Phê bình văn học (1942), Ba mươi năm văn học (1942), Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam (1943), Thi hào Tagore (1943)... Riêng cuốn Thi hào Tagore được ông ký là Nguyễn Văn Hai, tên người bạn là con của một vị ân nhân đã đùm bọc ông trong thời gian bị quản thúc ở Cần Thơ.
Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, nhiều cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ bùng lên xóa tan bầu không khí ngột ngạt trong xã hội, khí thế sôi động của lịch sử chuyển dần sang báo chí và đời sống văn học. Các hội khuyến học và tổ chức văn học được thành lập rộn rịp. Nhóm Tây Đô văn đoàn ra đời với những thành viên có uy tín trong làng văn làng báo thời bấy giờ như Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (tức Tây Đô Cát Sĩ), Bác sĩ Lê Văn Ngôn (em nhà nghiên cứu Lê Thọ Xuân), Tố Phang (tức Thuần Phong Ngô Văn Phát), Trúc Đình và Kiều Thanh Quế lúc này đang bị quản thúc tại Cần Thơ. Năm 1941, nhóm tổ chức quyên tiền xây mộ nhà thơ yêu nước Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) và mấy năm sau còn tổ chức trao giải thưởng văn chương mang tên Thủ khoa Nghĩa (24-6-1944). Với sự giúp đỡ của các thành viên nhóm Tây Đô văn đoàn, Kiều Thanh Quế có nhiều thuận lợi trong công việc phê bình văn học vốn là niềm đam mê lớn nhất của ông. Đây cũng là thời kỳ viết sung sức nhất trong quãng đời sáng tạo ngắn ngủi của Kiều Thanh Quế. Bằng Giang cho rằng, ở vào giai đoạn này, Kiều Thanh Quế là một trong những cây bút “viết khoẻ nhất”(6) cho tạp chí Tri Tân bên cạnh các cây bút kỳ cựu của tờ tạp chí có công đối với nền văn học Việt Nam trong giai đoạn gần giữa thế kỷ XX như Lê Thanh, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố... Chính Phạm Thế Ngũ đã nhận xét: “Ngay từ 1941 miền Nam đã cung cấp cho tạp chí Tri Tân những cây bút khảo luận xuất sắc: Lê Thọ Xuân, Tố Phang, Kiều Thanh Quế”(7).
Ngọc Nhơn, bạn văn của Kiều Thanh Quế đã viết những dòng như sau trong buổi gặp gỡ cuối năm 1944 với nhóm Tây Đô văn đoàn: “Vừa lên tới đỉnh đồi, tôi gặp ngay một người trẻ tuổi đứng ngó mông ra ngoài biển... Tôi biết là Kiều Thanh Quế có lẽ ông đang đón gió bốn phương, tự thành Vienne (Học thuyết Freud) hay tự Ấn Độ (Rabindranath Tagore) hoặc ông đang nghe ngóng phong trào văn học để điều khiển ngọn bút cho hạp thời. Trên đàn văn học Nam Kỳ, ông đã chiếm một địa vị kha khá nhờ hai tai rất thính của ông. Chẳng những ông đón tiếp phong trào mau lẹ, ông cũng là một trong những người khơi nguồn những phong trào ấy. Quyển Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam là giai phẩm của văn đàn Nam Kỳ trong năm vừa qua và trong những kẻ có chút công phu, tôi không thể nào chẳng kể tên ông được”(8).
Khoảng cuối năm 1942, mãn hạn quản thúc, Kiều Thanh Quế trở về Sài Gòn dạy môn Việt văn tại trường Nguyễn Văn Khuê. Tại đây ông tiếp tục viết bài cho tạp chí Tri Tân ngoài Hà Nội và mở rộng quan hệ với các nhà văn thuộc nhiều thế hệ như Hồ Biểu Chánh, Trường Sơn Chí (tức Ung Ngọc Ky), Phạm Thiều, Thiếu Sơn, Lê Thọ Xuân, Ca Văn Thỉnh, Khuông Việt...
Trong thời gian cộng tác với tạp chí Tri Tân, khoảng năm 1943-1944, Kiều Thanh Quế từng cùng Ngươn Long - đại diện Nhà xuất bản Đức Lưu Phương - ra thăm Hà Nội. Gặp đúng lúc máy bay Đồng minh ném bom Hà Nội nên phải nhờ cụ Nguyễn Văn Tố mua giúp vé tàu về Nam . Qua Huế, ông ghé thăm nhà văn hoá Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút Nam phong tạp chí. Khi Kiều Thanh Quế trở về Sài Gòn thì chính nơi đây cũng bị đánh bom. Ngay sau đó ông trở về quê. Trong thời gian này, ông vừa tiếp tục cộng tác viết bài cho tạp chí Tri Tân vừa gấp rút hoàn thành các sách chuyên khảo như Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội, Cuộc vận động cứu nước trong Việt Nam vong quốc sử...
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Kiều Thanh Quế hăng hái tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đến khoảng nửa sau năm 1946, Ung Ngọc Ky nhờ Kiều Thanh Quế xuống Nam Bộ và chuyển tài liệu cho Hoàng Xuân Nhị, Giám đốc Viện Văn hoá kháng chiến và Sở Giáo dục Nam Bộ. Tại Đồng Tháp Mười, Kiều Thanh Quế gặp họa sĩ Lương Đông, nghệ sĩ Khương Mễ và phụ giúp cho báo Độc lập của Kỳ bộ đảng Dân chủ. Ngay sau đó Hoàng Xuân Nhị lại giao nhiệm vụ cho Kiều Thanh Quế trở về quê nhà thu thập tài liệu để sau này biên soạn lịch sử kháng chiến tưởng đâu sẽ thắng lợi trong ngày một ngày hai(9).
Trở về quê hương, Kiều Thanh Quế ngày càng gắn bó với lực lượng vũ trang và trở thành người của Quốc vệ đội do Đoàn Hồng Tâm làm Chỉ huy trưởng. Kiều Thanh Quế là một nhà yêu nước, một cán bộ cách mạng chân chính nhưng trước hết ông là một nhà văn, một cây bút phê bình xuất sắc của Nam Bộ và của cả nước giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Đến nay một số tác phẩm của ông - tất cả đều thuộc lĩnh vực nghiên cứu, phê bình - đã dần được in lại. Tên tuổi của ông cũng chính thức được khẳng định trong trong một số bộ lịch sử văn học, tuyển tập phê bình, từ điển văn học, nhân vật lịch sử Việt Nam và danh nhân quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu(10)...
*
Vận mệnh đã gắn bó Kiều Thanh Quế với văn chương khi có truyện ngắn đầu tay được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy vào khoảng năm 1938-1939 với bút hiệu Quế Lang. Nhìn nhận những vấn đề nhạy cảm trong xã hội đang được văn học đề cập đến, trong đó có vấn đề tình dục, không chỉ bằng những bài phê bình, Kiều Thanh Quế còn sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông vừa có tiểu thuyết Hai mươi tuổi (1940), vừa có tập truyện Đứa con của tội ác (1941). Tập sau được chia thành hai chương, thực chất là hai truyện (Đứa con của tội ác và Đêm hè). Cả Hai mươi tuổi và Đứa con của tội ác tập trung phê phán lối sống buông thả, không lý tưởng của một bộ phận thanh niên bấy giờ. Hai tác phẩm trên tuy không mấy thành công ở mặt nghệ thuật nhưng lại bộc rõ quan điểm xã hội của tác giả. Toàn bộ hai quyển tiểu thuyết có tới 27 chỗ bị cắt bỏ do kiểm duyệt, có nơi cắt tới hai trang sách, thiết nghĩ có lẽ do tác giả viết khá mạnh bạo về chuyện luyến ái. Tiếp theo, sách Nam - mô A - di - đà Phật (1941), ngoài bìa định danh thể loại là “tiểu thuyết” nhưng lại có thêm phụ đề “Sách truyện cổ nước Nhựt”. Kỳ thực đây là tập truyện cổ Nhật Bản (gồm ba truyện: Nam - mô A - di - đà Phật, Đầu tráng sĩ và Lòng hối hận) được Kiều Thanh Quế dịch từ bản Pháp văn của F. Challaye. Sách Một ngày của Tolstoi (1942) thực chất là truyện ký danh nhân được chia thành 6 đề mục (cuối sách còn có thêm phần phụ lục bản dịch Tự truyện của S. Zweig kèm theo tựa đề dẫn nhập Một thể văn còn chậm phát triển trong làng tiểu thuyết Việt Nam) nhưng chưa rõ Kiều Thanh Quế dịch theo nguồn tài liệu nào hay do ông phỏng dịch, phóng tác, viết lại? Ngoài ra Kiều Thanh Quế còn có truyện ký Hoa mai in ba kỳ trên Tạp chí Tri Tân (1943) mà phần mở đầu cũng lại định danh thể văn là “tiểu thuyết”... Nhìn chung những sáng tác văn xuôi của Kiều Thanh Quế không nổi trội, không tạo được tiếng vang nhưng cũng có ý nghĩa nhất định cả về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt trên phương diện phản ánh thực trạng xã hội và vấn đề xác định lý tưởng, lựa chọn con đường hành động của thanh niên dưới chế độ thực dân nửa phong kiến... Hy vọng những sáng tác văn xuôi của Kiều Thanh Quế sẽ được chúng tôi tập trung khảo sát trong một dịp khác.
*
Như bao nhà văn yêu nước khác, khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi thì Kiều Thanh Quế cũng đồng thời xếp bút nghiên “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Tính ngược trở lại, với chừng mươi năm cầm bút - khoảng thời gian không dài - Kiều Thanh Quế đã có được số trang nghiên cứu, biên khảo, phê bình và dịch thuật đáng nể trọng. Điều đáng nói ở đây là lĩnh vực nghiên cứu, phê bình vốn đòi hỏi cả nguồn kiến văn sâu rộng và những trải nghiệm cá nhân, sự nhạy cảm và tinh thần nhập cuộc, năng lực bao quát vấn đề và bản lĩnh phát hiện “tính vấn đề” trong những vấn đề mà đời sống văn chương đang đặt ra. Vậy mà nhà phê bình trẻ Kiều Thanh Quế đã làm được...
Ngay ở giai đoạn đầu cầm bút cộng tác với báo Mai do Đào Trinh Nhất (1900-1951) làm chủ bút, nhà phê bình trẻ Kiều Thanh Quế mới ngoài hai mươi tuổi đã có được tiếng nói thực sự tự tin. So với các cây bút sáng tác và phê bình cùng trang lứa, Kiều Thanh Quế làm nên “hiện tượng” nhưng là hiện tượng mang tính phổ biến của cả một thế hệ, một thời đại. Dường như chính quá trình giao lưu và hội nhập Đông - Tây khi đó đã đào luyện được cả một thế hệ trí thức trẻ đầy tài năng và bản lĩnh. Trên tinh thần nhập cuộc, Kiều Thanh Quế thẳng thắn nhận xét tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng: “Trong Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, từ chương đầu đến chương chót, đều thấy quan thiết đến hành vi, tâm tính, trạng thái tinh thần của một bỉ vỏ - một người đàn bà ăn cắp. Người ấy là vai chủ động. Người ấy là Bính (...). Về văn chương của Nguyên Hồng, tất ai cũng phải công nhận nó dài và hơi nặng nề. Có nhiều câu, đọc xong, ta nhận thấy ngay nó đã mất cái lẽ quân bình của nó (...). Văn phóng sự là một lối văn có rất muộn. Ở Pháp, mãi đến cuối thế kỷ 19, vẫn chưa nghe nói đến. Nhưng tới gần đây, ở Pháp cũng như ở ta, phóng sự tiểu thuyết đã thay phong tục tiểu thuyết (romans de mceurs) mà chiếm một địa vị quan trọng trong văn giới. Ngay ở nước ta đã có những ngọn bút phóng sự hữu giá: Trọng Lang, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nhất Chi Mai, Việt Sinh... giờ trong làng văn phóng sự, xin thêm vào tác giả Bỉ vỏ, ông Nguyên Hồng. Đem vào văn chương Việt Nam phóng sự tiểu thuyết, một đối tượng (objet) mới: nghề “chạy vỏ”, “chạy dọc”, ông Nguyên Hồng quả có công với văn giới (“Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng- Mai, số 58, ra ngày 22/10/1938; tr.9)...
Nhận xét về tiểu thuyết Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Kiều Thanh Quế xác quyết: “Chúng tôi như hơi mắc mớp bởi cái đầu đề” nhưng vẫn có phần tỏ ý đồng tình khi đặt các sáng tác của họ Vũ trong một hệ thống:
“Những điều ông Phụng viết là những điều người ta đã nghĩ mà không dám viết.
Vấn đề dâm luôn luôn được ông chú mục.
Trong Kỹ nghệ lấy Tây, ông quan sát nó bằng bộ óc kỹ nghệ gia.
Trong Số đỏ, ông đề cập nó bằng giọng văn hài hước mà cay chua.
Trong Lục sì, ông quan thiết nó bằng phương pháp của nhà khảo cứu.
Nay trong Làm đĩ, ông nói đến nó bằng một ngòi bút tiểu thuyết gia.
Trái với Giông tố, một bộ tiểu thuyết hỗn độn, trong ấy, ông Phụng cơ hồ muốn nhét tất cả những ý nghĩ ghét con người đểu giả, thù xã hội ác nghiệt của mình, Làm đĩ là một thiên ký ức của một gái đĩ, vốn giòng thế gia lệnh tộc, bị hoàn cảnh xã hội khe khắt thúc phọc, xô vào hố trụy lạc.
Tìm được một thể văn (thể ký ức) rất tốt cho ngọn bút tôn phong của mình, họ Vũ, trong Làm đĩ nấp mình dưới giọng điệu một con đĩ, công kích xã hội và nói toạc móng heo ra tất cả những ý nghĩ làm cau mày bọn đạo đức rởm xứ mình” (“Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng- Mai, số 76, ra ngày 10/3/1939; tr.9)...
Đồng thời với việc tỏ rõ chính kiến bênh vực Khái Hưng trong bài Giở lại vụ án đạo văn “Thoát ly” - “Ngược dòng” và phê phán cái tiểu thuyết - truyện vừa Nắng đào của Nguyễn Xuân Huy chỉ bởi nó “không có biểu tỏ gì cả”, “chủ tâm thi vị hoá đồng quê và khảy cho ta nghe một khúc sơn thôn tấu nhạc” và quên mất nhiệm vụ “viết một truyện tả khổ cảnh dân quê”... Kiều Thanh Quế còn đi sâu phân tích, biện thuyết việc tiên sinh Phan Khôi từ địa hạt khảo cứu bước lầm sang địa hạt sáng tác. Kiều Thanh Quế chủ ý so sánh văn Phan Khôi với văn Ngô Tất Tố, Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Công Hoan và đối sánh với văn Xuân Diệu để minh chứng việc họ Phan “viết tiểu thuyết theo hồi tiểu thuyết chưa tiến bộ”. Sau khi dẫn mấy đoạn văn “ngây ngô”, “non nớt”, “buồn cười” trong Trở vỏ lửa ra của Phan Khôi, Kiều Thanh Quế nhẹ nhàng và thâm thúy trong lời kết:
“Đã lấy của Phan Khôi cái dở là trả Phan Khôi cái hay, giờ xin kết luận:
- Trở vỏ lửa ra, quyển truyện đầu tay (theo lời Phan Khôi tuyên bố) của Phan Khôi, quyết phải là quyển truyện chót của Phan Khôi vậy!
Ông Phan Khôi nên dành để nghệ thuật quý báu của mình (nghệ thuật khảo cứu) mà phụng sự những điều mình sở đắc.
Tiểu thuyết không phải địa hạt của Phan tiên sanh.
Cúng tôi thành kính qui tiên sanh về địa hạt của tiên sanh: khảo cứu, đề tài tư liệu.
Chúng tôi thành thật:
Với tiểu thuyết, “trở vỏ lửa ra” tiên sanh;
Với khảo cứu, đề tài tư liệu, “trở vỏ lửa vào” tiên sanh.
Và mong tiên sanh đừng để nhà xuất bản Tân Dân lợi dụng tên “Phan Khôi” của tiên sanh mà bán Phổ thông Bán nguyệt san cho chạy.
Một tấm lòng...
Mong tiên sanh biết cho!” (“Trở vỏ lửa ra” Phan Khôi hay là: Trả Phan Khôi lại cho địa hạt của Phan Khôi- Mai, số 104, ra ngày 29/9/1939; tr.9)...
Trước biến thiên của một thời đại đang trong quá trình Âu hoá và đặc biệt sự vận động trong đời sống tinh thần xã hội đã tạo nên những quan niệm đạo đức, thẩm mĩ và lối sống mới. Một trong những biểu hiện có phần mang tính hình thức nhưng lại tác động và ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong đời sống văn chương là vấn đề tình dục - tính dục. Kiều Thanh Quế đã lựa chọn ba tác phẩm của ba cây bút tiêu biểu Vũ Trọng Phụng - Trương Tửu - Nguyễn Vỹ để lý giải hiện tượng này:
“Văn chương Việt Nam tiến bộ. Nhà văn không còn sợ luân lý Khổng - Mạnh nữa. Họ nói: “Văn học muốn tiến hoá phải thoát ly tinh thần luân lý phong kiến” (Hồ Xanh). Rồi họ mạnh dạn mang quan niệm tình dục vào văn chương. Một vài nhà văn đương thời tiêu biểu cho xu hướng này: Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Nguyễn Vỹ. Tôi muốn lấy 3 tác phẩm: Làm đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng của họ làm trụ điểm cho cuộc lập luận này.
Họ Vũ, họ Trương, họ Nguyễn, cả ba đều có ý muốn phóng túng tình dục văn chương họ tố cáo họ!
Tình dục, giai cấp phú hào đang thi vị hoá nó để hành lạc. Người ta dựa vào học thuyết Freud mà dâm đãng hoá tình dục. Freud thật là đắc tội mà tạo ra một cái thuyết để cho muôn người hiểu sai” (“Làm đĩ”, “Thanh niên S.O.S”, “Người đàn bà trần truồng”- Mới, số 108, ra ngày 27/10/1939; tr.9)...
Với khúc dạo đầu này, quả thật Kiều Thanh Quế đã bắt nhịp với đời sống sáng tác và trực diện bàn đến những chủ đề “nóng”, cập nhật những tác gia và tác phẩm tiêu biểu. Từ điểm nhìn cái TÔI của nhà phê bình, Kiều Thanh Quế góp thêm một tiếng nói riêng, hiện đại, chuyên sâu và đầy bản lĩnh. Mới bước vào nghề nhưng Kiều Thanh Quế đã tạo lập được phong thái phê bình đúng nghĩa, có nghề và đứng từ góc độ nghề nghiệp mà xem xét tác phẩm, chưa nhuốm các bệnh phê bình văn chương xu thời, quảng cáo, phải đạo, áp đặt một chiều, công thức máy móc.
Trong sự bề bộn của đời sống văn học đầu thế kỷ XX, việc Kiều Thanh Quế chọn một tờ tạp chí như Tri Tân ở Hà Nội để cộng tác vẫn không cho thấy tác giả là người đứng hẳn về xu trào cũ trong văn học. Các bài báo phê bình của ông mang tính thời sự nóng bỏng, thể hiện một con người luôn đứng giữa dòng của đời sống phê bình văn học. Trong công trình sưu tập tư liệu Tạp chí Tri Tân (1941-1945) - Phê bình văn học, các soạn giả đã chọn giới thiệu tới 18 mục bài của Kiều Thanh Quế(11). Trên thực tế, với tổng cộng bốn chục bài đã in trên Tri Tân tạp chí, tạm thời có thể chia thành bốn cụm bài sau đây: Tiểu luận nghiên cứu - Đọc sách sáng tác - Đọc sách nghiên cứu, phê bình - Trao đổi, tranh luận...
Tiểu luận nghiên cứu
Các tiểu luận nghiên cứu của Kiều Thanh Quế tạo nên một vùng quang phổ rộng, đi từ văn học dân gian đến trung đại và hiện đại, từ thơ ca đến văn xuôi và kịch, từ vấn đề tác giả đến tác phẩm và bạn đọc... Lướt qua các thể ca dao, thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, tiểu thuyết, Kiều Thanh Quế nhấn mạnh tính đại chúng của văn học từ văn học dân gian tới tiểu thuyết hiện đại.
Với văn học trung đại, Kiều Thanh Quế là một trong số những người khởi đầu đặt vấn đề so sánh Truyện Kiều với Hoa tiên: “Truyện Kiều là một áng văn chương không tiền, tuyệt hậu. Nó ra đời dưới triều Gia Long, đồng thời với một áng văn chương khác hiện nay cũng còn tính danh: Hoa Tiên truyện... Truyện Kiều về giá trị văn chương ăn đứt Hoa Tiên. Nhận xét này sẽ được minh chứng bằng những giòng chép trong Truyện Kiều và trong Hoa Tiên đem đối chiếu nhau...” (Nỗi lòng Tố Như dưới triều Gia Long, so sánh hai áng văn chương dưới triều ấy: “Kiều” và “Hoa Tiên”. Tri Tân, số 50, tháng 6/1940; tr.18). Ngoài ra ông còn trực tiếp về tận quê hương Phan Văn Trị ở Cần Thơ để “tìm dấu người xưa”, đồng thời dạo qua vườn thơ cổ mà cảm nhận vẻ đẹp mùa thu với cuộc đời. Khi khác, qua câu chuyện với Giáo sư Phạm Thiều, Kiều Thanh Quế ghi lại những khía cạnh thuộc về mối quan hệ giữa nguyên tác và bản dịch, nhấn mạnh cái chưa đạt qua trường hợp bản Nôm Chinh phụ ngâm, đồng thời phân tích đặc trưng tính nhạc trong thơ với sự minh chứng từ thơ Lamartine (1790-1869) đến thơ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu (Câu chuyện con số trong thơ và nhạc trong thi ca. Tri Tân, số 117, tháng 10/1943; tr.10-11+14-15+21).
Hướng về đời sống văn học đương đại, Kiều Thanh Quế đi sâu lý giải sự khác biệt và mối quan hệ giữa phê bình và văn học sử: “Trong phạm vi văn học, phê bình văn học (critique littéraire) ở nhằm chặng thứ hai sau văn học sử (histoire littéraire) - chỗ mà văn học sử chấm dấu hết là chỗ phê bình văn học bắt đầu... Văn học sử là địa hạt của Quá khứ, trong đó các nhà văn tên tuổi vững chãi hay thường thường các nhà văn đã qua đời được nói đến... Phê bình văn học là địa hạt của Hiện tại, trong đó không những các nhà văn hiện đại còn sống được nói đến mà cả đến một vài nhà văn quá cố bị bỏ quên, nếu có dịp cũng được nhắc nhở đến. Ví như Vũ Trọng Phụng đã qua đời. Nhưng lúc này nếu có một tác phẩm nào của ông hợp thời được tái bản, tác phẩm ấy cũng được ngọn bút nhà phê bình đem ra phân tách và giới thiệu với công chúng” (Phê bình với văn học sử. Tri Tân, số 111, tháng 9/1943; tr.5)... Cũng từ điểm nhìn văn học sử, Kiều Thanh Quế chú trọng tổng kết tình hình văn học Nam Kỳ qua một năm, bao quát từ vấn đề tác giả tới tác phẩm, từ sinh hoạt văn chương tới bình luận văn thể: “Năm vừa qua là một năm rất đáng ghi nhớ của văn học xứ Nam Kỳ. Với năm ấy, Nam Kỳ văn học bước vào một kỷ nguyên mới. Mầm hoạt động đã bắt đầu hưng khởi... với những cuộc lễ kỷ niệm Đồ Chiểu, Thủ khoa Nghĩa, đức Khổng Tử, Nguyễn Du; với cuộc diễn thuyết có tánh cách lịch sử: Theo dấu Cao hoàng; với mấy giải thưởng văn chương của Hội Khuyến học Nam Kỳ và Hội Khuyến học Cần Thơ; với các sách của mấy nhà văn Nam Kỳ do các xuất bản xã và các ấn quán Hà Nội đứng in, phát hành mà đáng để ý nhất là Bịnh ho lao, Triết lý về vũ trụ và nhân sinh, Phật giáo triết học... Đoạn đường văn học 1943 của Nam Kỳ tuy có hơi ngắn nhưng trông về tương lai có nhiều hy vọng lắm! Có điều đáng mừng lắm!” (Văn học Nam Kỳ 1943. Tri Tân, số 126+127, tháng 01/1944, tr.30-31+45). Liên quan đến câu chuyện đánh giá tình hình văn học năm 1943, hai tháng sau Kiều Thanh Quế còn có dịp minh định trở lại một vài chi tiết liên quan đến tác giả và tác phẩm của Phan Văn Hùm: “Tác giả Phật giáo triết học, ông Phan Văn Hùm, vừa gởi thơ lại tòa báo bảo rằng: “Tôi chưa từng tuyên bố công nhận là đúng những lời biện chánh của sư Mật Thể trong tạp chí Viên Âm. Tôi chỉ có viết thư cho tạp chí ấy, hứa sẽ yêu cầu nhà xuất bản sách tôi, như có cho in lại quyển Phật giáo triết học thời hãy in luôn cả bài biện chánh của sư Mật Thể. Là để độc giả xem xét, chứ riêng phần tôi, tôi chưa có thể xem xét được lời sư Mật Thể đúng hay không đúng. Vì muốn xem xét được thấu đáo, tôi phải học Phật không biết mấy mươi năm nữa. Rủi cho nhà xuất bản sách tôi đã in xong lần thứ hai quyển sách Phật giáo triết học, khi báo Viên âm có bài nói trên của sư Mật Thể vừa phát hành”... Trong Tri Tân số Xuân Giáp Thân, tôi có bài nói về Văn học Nam Kỳ 1943, trong đó tôi có đả động đến câu chuyện “Mật Thể - Phan Văn Hùm”. Tôi bảo: “Những lời biện chánh xác đáng của nhà sư chính Phan Văn Hùm cũng tuyên bố công nhận là đúng”. Tôi bảo thế, là do một hôm đến chơi nhà Phạm Văn Điều, Phạm quân mách với tôi về cái “tin văn” sốt dẻo ấy. Câu chuyện trong công tội, tôi đem ra ánh sáng; về bài báo của tôi chỉ có tánh cách một bài “tin văn”, chớ không phải một bài phê bình. Những “tin văn” thì rất có thể cải chính nếu kẻ thông tin nghe lầm” (Chung quanh “Phật giáo triết học” với triết lý vũ trụ và nhân sinh. Tri Tân, số 135, tháng 3-1944; tr.17). Tương tự với cách tổng kết một thời đoạn văn học sử đã nêu, có khi Kiều Thanh Quế tập trung phân tích thành những xu hướng văn học Việt Nam trong năm 1944 từ tình hình xuất bản đến đóng góp ở các thể loại thơ ca, tiểu thuyết, loại nghiêm trọng (chỉ loại sách khảo cứu) và loại phê bình văn học (Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua. Tri Tân, số 175-178, tháng 2/1945, tr.18-19+30-32).
Mở rộng sang địa hạt văn học nước ngoài, Kiều Thanh Quế lược khảo tiến trình văn học châu Âu từ khởi nguyên đến thế kỷ XIX. Ông phỏng chia văn học châu Âu thành bốn chặng lớn: Thời kỳ văn học phôi thai (đoạn lịch sử dĩ tiền: không tính được, mà cũng không phỏng định được) - Tư trào văn nghệ (văn học của bọn kỵ sĩ, hiệp sĩ) - Thời kỳ văn học quý tộc (quân chủ phong kiến, quý tộc và tăng lữ găng nhau) - Thời kỳ văn học bình dân (tinh thần bình dân, dân chủ, tự do, chủ yếu phát triển từ thế kỷ XX)... nhưng mới chỉ là bản phác thảo sơ lược (Cuộc tiến hóa văn học Âu châu. Tri Tân, số 158 và 159, tháng 9/1944).
Coi trọng phương tiện mở ra những ô cửa sổ nhìn ra văn học nước ngoài cũng như việc tiếp nhận, giới thiệu văn học thế giới về Việt Nam , Kiều Thanh Quế không chỉ trực tiếp tham gia dịch tác phẩm mà còn phát biểu những quan niệm riêng về dịch thuật. Một mặt ông khẳng định “Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương”, đồng thời chú trọng từ bài học kinh nghiệm cụ thể dịch thơ Tàu và dịch thơ Tây cho đến sự tán đồng “Một quan niệm dịch thơ”. Với một sức đọc đáng trân trọng, Kiều Thanh Quế đã đưa đến cách xác định “Giá trị một bản dịch” qua đúc kết của các bậc văn hào và dịch giả nổi tiếng thế giới cũng như bằng thực tiễn tình hình dịch thuật trong nước, kể cả với những đề xuất hữu lý của chính ông về sự dịch thoát ý, tóm lược, giản lược, cách dịch giữ nguyên tên đất, tên người theo bản ngữ. Đặt trong mặt bằng chung, Nguyễn Đình Vĩnh đã đánh giá đúng mức: “Có thể nói, so với những nhà phê bình khác ở chặng đường nửa đầu thế kỷ XX thì Kiều Thanh Quế là người có các công trình viết về văn học dịch tương đối bề thế và hệ thống hơn cả... Nhìn chung Kiều Thanh Quế đã theo dõi và nắm bắt được một cách tương đối kịp thời mảng sách báo văn học dịch, vận dụng nhiều kiến thức lý luận trong việc nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng và cao hơn hết là đã xác định được đúng vai trò của văn học dịch trong sự phát triển chung của nền văn học dân tộc”(12).
Đọc sách sáng tác
Trong số những mục bài của Kiều Thanh Quế được xếp vào mục phê bình thì loại đọc sách sáng tác chiếm số lượng chủ yếu. Với gần hai chục mục bài, Kiều Thanh Quế đọc rộng các tác phẩm thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký, thơ ca, kịch...
Với bộ phận văn xuôi, Kiều Thanh Quế quan tâm đến các tiểu thuyết vừa xuất bản của Ngô Tất Tố, Tú Hoa, Tô Hoài. Đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố, trước hết Kiều Thanh Quế xác định đặc trưng thể loại và đánh giá ý nghĩa nội dung hiện thực: “Lều chõng của Ngô Tất Tố là một phong tục tiểu thuyết nhưng lại có tính cách lịch sử - lịch sử khoa cử ngày xưa!... Các nhân vật của lịch sử không có trong đó; nhưng cả một thời đại của Quá khứ trong đó được tiểu thuyết hóa bởi một nhân vật của lịch sử khoa cử Việt Nam : ông đầu xứ Ngô Tất Tố... Đọc Lều chõng, nhiều người chỉ nghĩ đến những chỗ khả quan của một chế độ khoa cử phiền phức ngày xưa thôi. Chớ mặt trái chế độ ấy còn chứa đựng biết bao nhiêu là chi tiết đáng thương tâm: nào là phải đóng quyển văn viết bài thi cho hợp phép; nào là không được đồ, di, câu, cải, nếu không, phạm trường qui! Ngoài ra, còn nào là ngoại hạn, ngoại hàm, khiếm trang, khiếm tị, phạm úy, v.v... Kể sao cho xiết những điều vô ý thức ấy? Nó chỉ tổ làm khổ, làm mờ tối niên lực sáng tạo của sĩ phu ta thuở trước thôi!” (Phê bình “Lều chõng”. Tri Tân, số 33, tháng 02/1942; tr.10-11)... Đọc tiểu thuyết Bóng mơ của bà Tú Hoa, sau khi phân tích đặc điểm cốt truyện, nội dung và tính cách nhân vật, Kiều Thanh Quế thẳng thắn so sánh và đúc kết: “Bà Tú Hoa, trong Bóng mơ, đã cố hiểu kẻ khác qua tâm hồn mình. Các nhân vật đàn bà của bà rất linh động. Tả tâm lý đàn bà, bà tỏ ra có nhiều chỗ rất khám phá. Bức thư Oanh (tình nhân của Chương) viết cho bạn, lời lẽ quả của một người đàn bà trăm phần trăm. Chúng tôi ít gặp ở các ngọn bút đàn ông những bức thơ viết giùm cho các nhân vật đàn bà, những tính cách đàn bà như trong bức thơ của Oanh ở Bóng mơ. Còn văn tài tác giả Bóng mơ, chúng tôi có cảm giác như nó là hình ảnh của cô dâu mới về nhà chồng: rụt rè, dè dặt nhưng không khỏi vụng về! Nhiều bạn làng văn ở Nam Kỳ bảo rằng, trước Bóng mơ, bà Tú Hoa, dưới một bút danh khác, đã có viết nhiều tiểu thuyết rồi. Bảo thế là ngụ ý rằng ngọn bút Tú Hoa cũng đã quen với nghề văn lâu rồi. Nhưng các tiểu thuyết của bà đã xuất bản từ trước đều viết theo một lối văn xưa: nghĩ sao viết vậy, không đếm xỉa đến cú pháp là gì cả! Ngày nay khác! Bà hành văn theo lối mới: đúng cú pháp và cốt được giản dị, rõ ràng. Bước đầu của sự thay đổi lối văn hay là sự phôi thai của một tài nghệ bao giờ cũng là giai đoạn ngượng nghịu, ngỡ ngàng... Ước mong rằng giia đọan phôi thai tài nghệ của bà Tú Hoa rồi đi qua, để đưa ngòi bút bà đến thời kỳ điêu luyện... Và ước mong rằng ngòi bút bà rồi trở nên phóng khoáng được, để cung cho tác phẩm bà một sức mạnh mà quyển Bóng mơ mỏng meo không có!” (Phê bình “Bóng mơ” - tiểu thuyết của bà Tú Hoa. Tri Tân, số 59, tháng 8/1942; tr.6-7). Đọc tiểu thuyết Quê người của Tô Hoài, sau phần tóm tắt cốt truyện và trích dẫn, Kiều Thanh Quế đi đến xác định: “Quê người là tổng hợp của nhiều cảnh đời, nhiều nhân vật vừa hài vừa bi, quanh năm sống vất vả sau lũy tre xanh. Tác giả Quê người là tay thợ nề khéo, chỉ đưa qua những nhát bay giản dị, đủ tô nên bức tường lớn phẳng phiu. Những nhát bay giản dị là nghệ thuật Tô Hoài: câu văn ngắn mà đủ nghĩa và linh động, nhờ những chữ không cầu kỳ mà đặt đúng chỗ. Còn bức tường lớn phẳng phiu mà có người không bằng lòng đem quyển Quê người đối chiếu. Cũng hữu lý thay người ấy! Vì Quê người với nhiều nhân vật của nó, xem thoáng qua như không được “phẳng phiu”. Phẳng phiu ở đây có nghĩa là trật tự. Quê người bề ngoài hình như thiếu trật tự. Nhưng với một quan niệm nghệ thuật rộng rãi, chúng ta sẽ thấy được trật tự nội tại (odre imcanente) của nó” (Phê bình “Quê người” - tiểu thuyết của Tô Hoài. Tri Tân, số 69, tháng 10-1942, tr.10+16)... Đọc tập truyện ngắn Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, Kiều Thanh Quế những nhận xét ngắn gọn, tinh tế và không hề cũ trước thời gian: “Phê bình Chân trời cũ, chúng tôi cũng để ý đến “tánh cách ngòi bút” của tác giả nhiều hơn cốt truyện tấc giả dàn xếp. Làm thế, chúng tôi có cái lý của chúng tôi: cốt truyện tác giả dàn xếp trong các đỏan thiên của mình toàn là chuyện gia đình tác giả - một gia đình Trung Hoa sống ở đất Việt Nam . Các đoản thiên ấy cũng có một màu sắc lạ, một hương vị mới. Những điều dễ làm thắc mắc lòng tôi, tôi tin rằng không phải màu sắc ấy, phong vị ấy - chỉ là hai lợi khí để thỏa mãn tánh hiếu kỳ của tôi trong nhất thời thôi! Điều dễ khiến tôi cảm động là lòng sầu xứ không thôi cộng với nỗi đau khổ của tác giả (...). Ngòi bút Hồ Dzếnh đã có được lắm đặc tánh khả quan trong khi phô diễn. Nó nên tỏ ra có sức mạnh trong những tiểu thuyết dày dặn thì tên tuổi của người Minh hương ấy - Hồ Dzếnh là người Minh hương, - văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn Việt Nam hữu tài” (Phê bình “Chân trời cũ” - tập truyện ngắn của Hồ Dzếnh. Tri Tân, số 67, tháng 10/1942; tr.9)... Khi tập truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân được tái bản, Kiều Thanh Quế đã đi sâu phân tích, dẫn giải cả về nội dung và chiều sâu hình thức nghệ thuật: “Thời xưa! Một thời xưa của nước Việt Nam cổ. Những cái vang, cái bóng của cổ thời ấy, Nguyễn Tuân trịnh trọng ghi chép lại như một nhà lịch sử ký sự, bằng ngọn bút tỉ mỉ của một nhà tiểu thuyết chơi văn. Vang bóng một thời là một toàn khối đựng đủ “mùi tiêu sái” của người xưa trong các quan niệm “chơi”, “nhàn”, v.v... Văn Tự lực văn đoàn mềm mại dịu dàng. Văn Trương Tửu, Lê Văn Trương mạnh mẽ, đột khởi. Văn Nguyễn Tuân thì dí dỏm như một cô gái làm nũng, có khi lại “đỏng đảnh” như một người đàn bà khó chiều. Trong hai thuộc tính ấy, văn Nguyễn Tuân mạnh bạo đi đi đến nhiều tiểu xảo văn thuật có khi cũng ý nhị mà lắm lúc cũng ngô nghê! (Sự quá quắt bao giờ cũng cụng nhằm những viên đá tảng đánh vỡ gò trán!). Tiểu xảo văn thuật của Nguyễn Tuân luôn luôn nhu dụng đến các phép ẩn dụ (métaphore), hình tượng (imagination), nhân cách hóa (personn fication)” (Nhân quyển “Vang bóng một thời tục bản” - Tập truyện ngắn của Nguyễn Tuân- Tri Tân, số 145, tháng 6/1944; tr.10-11+15)...
Về thơ, Kiều Thanh Quế chỉ viết bài đọc sách tập Tiếng thu của Lưu Trọng Lư - một hiện tượng độc đáo trong làng Thơ mới. Ông luận bình, đề cao tính nhạc trong thơ họ Lưu: “Đừng ai cố tìm tư tưởng trong thơ Lưu Trọng Lư. Vì vô ích... Lưu Trọng Lư bao giờ cũng chỉ biết chú trọng có âm thanh và nhạc điệu... Nhạc điệu thơ Lưu Trọng Lư gồm nhiều thuộc tánh. Khi thì nỉ non... Khi thì lẳng lơ... Khi thì sang sảng như “tiếng hát chị đò đưa”... Khi thì buồn bã... Khi lại ai oán não nùng đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương... Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ là khúc Tiếng thu tuyệt vời”... Rồi Kiều Thanh Quế lại cũng nhắc khéo: “Giá trị của bài Tiếng thu này là ngoài việc phả được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo rắt còn tượng trưng được một bức họa chấm phá: một bức thủy mặc Tàu hay một tấm Kakemono Nhựt cũng nên! Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Xin trình bày dưới đây để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng nâng niu tập thơ Tiếng thu (...). Bài thơ Nhựt ấy, tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó viết nên bài Tiếng thu rồi. Vậy để làm quà cho những bạn hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép lại bản Pháp văn của bài thơ Nhựt ấy (...)” (Thi sĩ Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”- Tri Tân, số 138, tháng 4/1944; tr.6+16-17).
Tới địa hạt kịch, Kiều Thanh Quế chú trọng phân tích cả kịch bản trong tương quan chặt chẽ với vở diễn. Với tập kịch Đồng bệnh (gồm các vở Nhất tiếu, Khúc Nghê Thường, Đồng bệnh) của Khái Hưng, Kiều Thanh Quế xác định: “Khái Hưng viết kịch với bộ óc một nhà tiểu thuyết, thích cái gì mới lạ, khả dĩ làm vui được độc giả của mình. Từ Tục lụy đến Đồng bệnh, Khái Hưng tạo ra những nhân vật chẳng giống ông, mà giống những kẻ ông gặp gỡ trên đường giao tế. Nhân vật của Khái Hưng không vui vẻ trẻ trung, không lãng mạn, mà có những tính khí gàn dở, lố bịch, buồn cười (...). Độc giả cũng như khán giả đọc đến đây, xem diễn đến đây, sao khỏi chẳng nhếch một nụ cười. Rải rác trong Đồng bệnh, thường có những đoạn, những phút hái được nụ cười của độc giả, của khán giả na ná như thế (...). Ngòi bút Khái Hưng dồi dào lắm! Nhưng dồi dào phải đâu đồng nghĩa với đặc sắc?! Khái Hưng viết tiểu thuyết diễm tình, gia đình thành công, không ai chối cãi được. Bắt sang lịch sử tiểu thuyết, tác giả Tiêu Sơn tráng sĩ vẫn còn đáng trọng hơn Lan Khai. Nhưng trong phạm vi kịch bản, chúng tôi không làm sao khỏi đặt Khái Hưng dưới Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ” (Phê bình “Đồng bệnh” - kịch của Khái Hưng. Tri Tân, số 53, tháng 7-1942; tr.19-20)... Tiếp đó Kiều Thanh Quế (bài ký tên Tô Kiều Phương) vừa phân tích nội dung vừa tổng thuật quang cảnh đêm diễn vở Đêm Lam Sơn của Hoàng Mai với đoạn kết: “Và bạn Mai Văn Bộ mời tất cả khán giả đứng dậy, trước khi ra về, cùng hát với sanh viên bài Tiếng gọi sanh viên. Giọng hát phụ họa vang rền gần vỡ trần rạp hát Địa Phượng Sài Gòn” (“Đêm Lam Sơn” - Kịch lịch sử 4 hồi của Hoàng Mai. Tri Tân, số 108, tháng 8-1943; tr.13-14)...
Đọc sách nghiên cứu, phê bình
Trên thực tế, kiểu bài đọc sách nghiên cứu, phê bình thường đòi hỏi vốn kiến thức chuyên sâu, kén chọn cả người viết lẫn người đọc. Với Kiều Thanh Quế, ông đọc rộng các lĩnh vực triết học, khảo cứu văn học cổ, phê bình văn xuôi và thơ ca hiện đại.
Nhận xét về sách Triết học Bergson, Kiều Thanh Quế vừa dẫn chứng, phân tích những ý kiến của Lê Chí Thiệp bàn về Bergson vừa nêu thêm những suy nghĩ, đánh giá, yêu cầu riêng khi triển khai đề tài: “Giảng về trực giác của Bergson, Lê Chí Thiệp giản dị và minh bạch lắm. Nhưng ông thiếu những sự đối chiếu (rapprochements), thành thử những lời bàn giải của ông lửng lơ không có căn bản chắc chắn. Ước gì ông vừa bàn về “trực giác” của Bergson lại vừa nói chút đỉnh đến “tri lương tri” của Vương Dương Minh thì hay biết mấy. Chỗ dị đồng giữa Vương Dương Minh và Bergson, cũng như chỗ dị đồng giữa Bergson và Tagore, chắc hẳn là không phải không có!... Trực giác của Bergson là trực giác suy lý (intuition discursive). Nó có khác với trực giác của nhà Phật, là trực giác thần bí (intuition mystique)... Bàn thuần về trực giác Bergson, quyển sách ra đời mười mấy năm về trước có lẽ hợp thời hơn. Vì bấy giờ, triết học Bergson đang thạnh hành. Chớ bây giờ, triết học Bergson cơ hồ đã nguội lạnh như đống tro tàn... Muốn gợi đống tro tàn ấy lại bốc lên thành khói lửa, phải đem đối chiếu triết học Bergson với một vài học thuyết của Đông phương dị đồng với nó... Việc làm của Lê Chí Thiệp là việc đầu tay. Chả trách nó hơi khô và suông!... Sau Lê quân, học giả nào biên tập về triết học về Bergson nên làm sống triết học ấy thêm một chút. Làm sống bằng những sự đối chiếu mà chúng tôi đã mạo muội trình bày. Đó là còn quên kể sự đem đối chiếu quan niệm về chiêm bao của Bergson với quan niệm về chiêm bao của Freud” (Phê bình “Triết học Bergson” của Lê Chí Thiệp. Tri Tân, số 52, tháng 6/1942; tr.10-11).
Về sách nghiên cứu, Kiều Thanh Quế đọc ba chuyên khảo của các tác giả Từ Ngọc, Trần Thanh Mại, Đinh Xuân Hội. Trước khi đi vào trích dẫn, phân tích và đánh giá nhân vật Nguyễn Trường Tộ, Kiều Thanh Quế nêu nhận xét chung về lối viết của Từ Ngọc: “Nếu cầu toàn như Sainte Beuve, tất chúng tôi không hài lòng được với quyển Nguyễn Trường Tộ của ông Từ Ngọc. Vì chương đầu quyển sách biên tập về đời tư Nguyễn Trường Tộ hãy còn “giản dị” nhiều lắm. Nhưng chúng tôi bằng lòng cái mỹ ý của ông Từ Ngọc, trong những chương sau, nhắc nhở cho quốc dân ta nhớ lại những điều sáng suốt, đáng lẽ phải được Triều đình bấy giờ hoan ngênh lắm, của một người Việt Nam hồi cuối thế kỷ mười chín” (Đọc “Nguyễn Trường Tộ” của Từ Ngọc. Tri Tân, số 28, tháng 12/1941; tr.9)... Trong một trường hợp khác, Kiều Thanh Quế đánh giá cao công phu truy tầm ta liệu những cũng cảnh tỉnh tâm thế quá yêu đối tượng nghiên cứu của Trần Thanh Mại: “Đoạn đời phung cùi lở lói đau thương của tác giả Đau thương, Trần Thanh Mại trình bày một cách thành thật và rõ rệt. Ta thấy Trần quân chịu khó vào Sài Gòn tìm Mai Đình nữ sĩ - người bạn gái, người tình nhân của thi sĩ - để hỏi thăm về thi sĩ. Ta thấy Trần quân để bước đến Quy Hòa - quê hương dân cùi - để theo dấu Hàn Mạc Tử. Lối săn tài liệu ấy kể cũng “cảm tử” chẳng kém lối Tam Lang năm xưa dùng viết thiên phóng sự Tôi kéo xe làm sôi nổi làng văn một dạo!... Nhiệt thành phơi ra ánh sáng tất cả chi tiết về đoạn đời đau thương của Hàn Mạc Tử, điều ấy cần cho một quyển sách biên tập về Hàn Mạc Tử lắm. Nhưng vì bị lòng xót thương Hàn Mạc Tử ảnh hưởng quá mạnh, Trần Thanh Mại đôi khi để lộ một sự tán tụng thơ Hàn Mạc Tử quá đáng, khiến những độc giả thận trọng đố khỏi đâm ngờ vực thi tài của Hàn Mạc Tử!” (Phê bình “Hàn Mạc Tử” của Trần Thanh Mại. Tri Tân, số 46, tháng 5-1942; tr.6-7)... Cũng với tinh thần cầu toàn, thận trọng, Kiều Thanh Quế góp ý chi tiết về cách khảo văn bản của Đinh Xuân Hội: “Trước khi sao chép Lục Vân Tiên, Đinh Xuân Hội đã nhận xét: “Truyện của người đường trong tiếng nói theo thổ âm và lối viết lại theo cổ cách”. Thế mà đến lúc sao chép, ông lại làm khác: tiếng thổ âm Nam Kỳ nào ông không hiểu, ông liền chép theo tiếng Bắc; có đoạn ông tự tiên bỏ hai ba câu, bốn năm câu. Từ đầu đến cuối truyện, ông chép sai nhiều lắm. Dưới đây, xin phép độc giả “lược qua” những chữ chép sai, những đoạn sao lục thiếu của ông Xuân Hội”. Và Kiều Thanh Quế lập bảng thống kê 22 dòng thơ có chữ sai và cách sửa chữa, đính chính lại cho đúng (Phê bình “Lục Vân Tiên dẫn giải” của Đinh Xuân Hội. Tri Tân, số 106, tháng 7/1943; tr.6-7+18-19).
Với loại sách cập nhật nghiên cứu, phê bình văn học đương đại, Kiều Thanh Quế chú ý đến các tập sách của Vũ Ngọc Phan, Ph. V. H. (?) và Hoài Thanh. Về bộ sách Nhà văn hiện đại, trước hết Kiều Thanh Quế nêu yêu cầu cần nhận thức lại tiêu chí “nhà văn” và cần phân biệt rõ nhà văn - nhà bác học - nhà báo - dịch giả đặng có cách đánh giá sát hợp từng đối tượng cụ thể. Những ý kiến và quan niệm trên của Kiều Thanh Quế hầu như là đòi hỏi quá nghiêm nhặt, hơn nữa lại không phù hợp với thực tiễn lịch sử văn học hiện đại ở giai đoạn ban đầu, khi mà chức danh nghề nghiệp hoạt động văn hóa văn nghệ chưa phân định rõ và bản thân các thể loại còn mang tính hỗn dung, đan xen lẫn nhau. Với cách nhìn như vậy, Kiều Thanh Quế đánh giá có phần còn chủ quan, áp đặt: “Quyển nhất Nhà văn hiện đại sẽ là một mớ tài liệu hữu ích cho các nhà làm văn học sử sau này nếu nó mang một tên khác”, song ý kiến nhận xét của ông về đóng góp và đặc điểm sự dịch thuật của Phạm Quỳnh - Phan Kế Bính - Nguyễn Văn Vĩnh - Trúc Khê lại thực sự sáng rõ, hợp tình hợp lý. Đặc biệt ông đề cao vai trò cá nhân nhà phê bình và là lên tiếng phản biện: “Sự thiên vị mà người đọc tưởng là nhận thấy trong một bài phê bình, chỉ có thể coi là một sự khiếm khuyết trong sự xét nhận của nhà phê bình, chứ thật ra đã phê bình một cách chân chính thì bao giờ cũng phải đặt tình cảm ta ngoài (tr.15)... Viết câu ấy, Vũ Ngọc Phan chỉ thấy người ta thiên vị, trong lúc phê bình, vì có cảm tình với tác giả mình quen biết. Ông còn quên hay bỏ sót một điều: người ta cũng thiên vị vì quá trọng tiền nhân, dễ dãi để cho dư luận, để cho các thành kiến văn lệ mờ ám, dẫn dắt... Một tác phẩm được mọi người cho hay, vị tất đã là hay! Điều gì cổ nhân bảo phải, vị tất đã là phải! Ta không nên tin bừa theo cổ nhân, theo dư luận. Ta nên theo Descartes chỉ tin điều gì mình cho là phải là chân lý thôi... Trong phạm vi văn học ở nước ta hiện đang cần có những “kẻ điên thiên tài” như Nietzsche, để lật đổ bao nhiêu thành kiến và lệ có từ trước, để đặt các danh sĩ Việt Nam ngồi vào đúng chỗ của họ, để gieo vào thần trí quốc dân ta ý nghĩ chân xác về chân lý là chỉ tin điều gì mình cho là phải là chân lý thôi!” (Phê bình “Nhà văn hiện đại” của Vũ Ngọc Phan. Tri Tân, số 73, tháng 11/1942; tr.10-11+16)... Với Luận tùng I, Kiều Thanh Quế nhận xét tỉ mỉ từ những chi tiết hình thức như không thấy sách biên tên tác giả đến việc những lầm lẫn, bất nhất ở bài bàn về thể loại, đồng thời đánh giá cao phần đóng góp: “Các tiểu luận khác trong tập Luận tùng I như Cái lối văn rườm rà mà trống rỗng đang nhiễu hại xứ này, Nhân tuần và văn chương, Nhớ sách, Phát vấn đề phải cho trúng cách, Muốn hiểu rành mọi sự... đều có tánh cách luận lý chắc chắn, bổ ích cho người đọc. Để đánh đổ những thành kiến văn lệ, những lề thói hủ bại trong văn chương nước nhà, Ph. V. H. (Phan Văn Hùm - NHS chú) trưng ra những tỉ dụ hoan ngộ (spirituel)... Nơi phần phụ lục, Ph. V. H. đem biện chứng pháp đối chiếu với triết học Kinh Dịch và dùng óc khoa học bình luận giảng giải hai câu Kiều: Đêm thu gió lọt song đào - Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời... Có vài tiếng chuông ứng lên chọi lại kiến giải Ph. V. H. Nhưng tiếng chuông Ph. V. H. vẫn không vì thế mà chẳng vang dội xa” (Phê bình “Luận tùng I”. Tri Tân, số 92, tháng 4-1943; tr.16-17)... Đến tập sách nổi tiếng Thi nhân Việt Nam, nhìn chung Kiều Thanh Quế tán thưởng cách làm của Hoài Thanh nhưng lại lên tiếng phản biện thơ Huy Cận, Xuân Diệu “chỉ là những lời thơ để đọc trong một thời”, “có lắm câu không được sáng sủa”, “nhạc điệu của thơ hai ông, tôi thấy nó làm sao ấy!”, thậm chí chê cả thơ Hàn Mặc Tử - Bích Khê lẫn người khen thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê. Bên cạnh việc phác thảo các trường phái thơ thi sơn, tượng trưng, đa đa và siêu tả chân bên Pháp, Kiều Thanh Quế châm biếm, công kích lối thơ lập thể (cubisme) - “thơ mù tịt”: “Năm ngoái ở Hà Nội, một nhóm thi sĩ đưa ra một lối thơ lạ và một tập sách cổ động cho lối thơ ấy: Xuân thu nhã tập. Theo nhóm thi sĩ ấy, thơ là một đạo, nó có tánh cách thần bí tổng hợp. Nó cũng có Âm có Dương. Và Âm - Dương sáng tạo, rung động. luân chuyển thành một cái vòng Thái cực đồ: Âm + Dương = Sáng tạo = Rung động = Thơ = Đạo. Lý thuyết của Xuân thu nhã tập còn lắm điều quái dị nữa. Nhưng thôi, hãy kể một vài câu thơ Xuân thu: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mê - Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y. Đố ai hiểu được hai câu thơ ấy? Chỉ có một người hiểu được thôi. Người ấy là ông Đinh Gia Trinh, bạn của tác giả hai câu thơ kia: ông Xuân Sanh. Thì người bạn của Xuân Sanh đã được Xuân Sanh giải rõ hai câu thơ ấy, tưởng khó có được một kẻ thứ hai hiểu nổi hai câu thơ “mù tịt” ấy (...). Thưởng thức và giải được thơ Xuân Sanh như Đinh Gia Trinh kể cũng tài tình. Nhưng có một điều rầy rà là từ đây hễ ông Xuân Sanh làm thơ thì ông Đinh Gia Trinh phải giảng. Có thế người ta mới hiểu được! Vì hễ ông Xuân Sanh cho ra tập thơ thì ông Đinh Gia Trinh lại phải cho ra một tập sách giảng nghĩa thơ Xuân Sanh” (Nhân đọc “Thi nhân Việt Nam ” của Hoài Thanh và Hoài Chân. Tri Tân, số 134, tháng 3/1944; tr.10-11+14-15+21-22).
Trao đổi, tranh luận
Với bản tính trung thực, Kiều Thanh Quế viết cả loạt bài trao đổi, tranh luận đáng chú ý. Nói cho đúng, đây chỉ là cách phân loại mang tính hình thức bởi một phần nội dung “trao đổi, tranh luận” đã tiềm tàng hiện diện trong các mục bài nghiên cứu, đọc sách, điểm sách. Ngược trở lại, trong nhiều trường hợp, chính các cuộc trao đổi, tranh luận cũng là nội dung được đẩy cao từ các bài đọc - điểm sách.
Trung thành với bản tính và phong cách từ thời viết cho báo Mai, Kiều Thanh Quế vừa đi sâu phân tích qua từng trường hợp cụ thể vừa hướng đến khái quát, chỉ rõ yêu cầu, mục đích phát triển một nền phê bình khoa học, có tính cách chuyên nghiệp. Khi đọc thấy những sự “bất bằng”, Kiều Thanh Quế thường bộc lộ rõ thái độ và phê bình quyết liệt. Ông từng chỉ ra việc một nhà văn “cẩu thả”, “không thận trọng”, “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đem chuyện Vương An Thạch ghép vào chuyện đời Lê Quý Đôn, từ đó đi đến kết luận: “Quyển Trạng hụt của Nguyễn Nam Thông, biên tập về cụ Lê, chỉ là một đống giấy vụn. Vì ngoài sự đề tài tư liệu chẳng xác đáng, nó còn không có phép tắc chi cả. Lối của nó là lối chép danh nhân truyện ký (biographie) mà tác giả nó, ông Nguyễn Nam Thông, lại áp dụng lối viết tiểu thuyết. Nhiều đoạn tiểu thuyết hóa của ông để độc giả thấy rõ sự muốn kéo dài lôi thôi của ông, chớ tựu kỳ trung chẳng bổ ích cho câu chuyện về Lê Quý Đôn gì cả. Quyển Trạng hụt của ông không đáng đem nói lên mặt giấy. Nhưng sự quá khinh thường độc giả của ông bắt buộc chúng tôi không được phép bỏ qua” (Vương An Thạch hay Lê Quý Đôn? Tri Tân, số 37, tháng 3/1942; tr.13)... Trong vài trường hợp khác, sự đọc rộng đã giúp Kiều Thanh Quế chỉ ra những sự tương đồng, những hình thức phóng tác, vay mượn cả cốt truyện - mà ngày ấy chưa quá qui kết thành “đạo văn”. Với chứng cứ chắc chắn, Kiều Thanh Quế mô tả: “Lan Khai có lẽ mê Stefan Zweig lắm!... Dịch văn Zweig đã không xong (xem lại bài phê bình Bức thơ của người không quen), bây giờ Lan Khai bắt sang mô phỏng ý truyện của Zweig. Quyển Tội và thương từ đầu đến cuối mô phỏng y theo tiểu thuyết La peur của Stefan Zwaig (Tác phẩm này của Zwaig nguyên bằng Đức văn, được Alzir Heila diễn Pháp văn và do Bernard Grasset, Paris xuất bản)”. Sau khi so sánh, đối chiếu từng đoạn văn giữa Tội và thương với bản tiếng Pháp La peur, Kiều Thanh Quế đi đến kết luận: “Tưởng chúng tôi có chép hết quyển sách ông đem đối chiếu với tác phẩm Zweig cũng không gây hứng thú gì thêm cho độc giả được. Họa chăng chỉ làm độc giả thêm bực tức thôi!” (Cuộc kỳ ngộ Lan Khai - Zweig, “Tội và thương” gặp “La peur”. Tri Tân, số 43, tháng 4-1942; tr.17-19)... Khi khác, tiếp bước Lê Thanh, Kiều Thanh Quế đặt dấu nối về cách phóng tác mà không ký chú rõ xuất xứ: “Sau bài phê bình Tội và thương của Lan Khai, nhiều người chuộng sự thành thật trong văn chương tỏ lời khuyến khích ngọn bút hèn kém này, nhưng cũng có lắm kẻ nệ chấp cho chúng tôi làm thế là vì ác ý với tác giả. Ở đây, chúng tôi xin miễn thân oan cho mình và xin theo đuổi công việc của mình... Lan Khai đã phỏng theo Stefan Zwaig nhưng không cung khai sự thật. Đoàn Phú Tứ đã theo Sacha Guitry, dầu theo khôn ngoan, nhưng cũng có ý giấu giếm then chốt công việc trứ tác của mình. Đó là lỗi của hai ông. Chớ Corneille đã theo Guilhem de Gastro, có ai trách tác giả Le Cid đâu!” (Vở “Jalousie” của Sacha Guitry biến thể trong “Ghen” - kịch ba hồi của Đoàn Phú Tứ. Tri Tân, số 76, tháng 12-1942; tr.8-9)... Nhưng rồi cũng có lần Kiều Thanh Quế bị/được các ông Hằng Ngôn viết trên báo Thanh Niên, ông P. T. viết trên báo Thanh nghị phê bình cuốn Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam cũng như việc “vẽ ra cho to chuyện” về sự kiện trích ý kiến Phạm Thiều và in sách Học thuyết Freud đã khiến họ Kiều phải giải trình tường tận với mục bài Từ ông Phạm Thiều và câu chuyện Nhạc trong thơ đến đâu là sự thật? Rồi Kiều Thanh Quế bày tỏ quan điểm riêng: “Người ta đối với tôi một cách vô lý như thế. Tôi thấy không cần tìm hiểu nguyên nhân. Vì nguyên nhân ấy lẽ tất nhiên là không được đẹp cho lắm! Có nhiều bạn quen khuyên tôi nên im lặng là hơn. Nhưng sự thật bao giờ cũng phải đưa ra ánh sáng dư luận. Tôi không trả lời cũng không ham bút chiến lôi thôi, tôi chỉ yêu chân lý” (Vì yêu chân lý. Tri Tân, số 142, tháng 5-1944; tr.5-6)... Quan tâm đến tình hình đời sống nghiên cứu, phê bình, Kiều Thanh Quế còn trực diện phê phán mạnh mẽ lối phê bình quảng cáo, chiều lòng, xu nịnh, vụ lợi. Ông đi sâu tìm hiểu, phân tích những mánh khóe của cả phía người phê bình lẫn nhà xuất bản: “Lối phê bình quảng cáo của nhiều nhà báo ở nước ta (và cả ở nước Pháp nữa!) chỉ giá trị bằng những lời rao của bọn trẻ bán báo - không hơn không kém! Hoặc nhận tiền của nhà xuất bản, hoặc cảm tình riêng với tác giả, các nhà phê bình quảng cáo “hạ giá” ngòi bút, viết lên mặt báo những lời ca ngợi quá đáng, xem hớ hênh đến buồn cười... Vâng, bình giả sở dĩ hạ thấp giá trị ngòi bút xuống làm việc quảng cáo chính bởi quá nhu nhược để cho các tác giả, các nhà xuất bản không chân chính mua chuộc bằng nhiều ngón tinh ngoan... Vậy muốn tránh các nhà phê bình quảng cáo, hãy biết kể tội những tác giả, những nhà xuất bản trước đã! Vì chính họ dùng nhiều mưu chước khôn lường được để đưa các nhà phê bình đi vào con đường lầm lỗi, thiên thu bị nghệ thuật kết án!” (Phê bình quảng cáo. Tri Tân, số 98, tháng 6/1943; tr.19+21)... Nhưng không chỉ đóng vai trò “người phản biện”, Kiều Thanh Quế cũng rất chú trọng đến việc liên hệ, giới thiệu các phương pháp và hình thức phê bình hiện đại từ nước ngoài vào Việt Nam. Có khi ông thuật nguyên cả một thiên về phê bình văn học trong sách Văn học khái luận của Tào Bách Xuyên. Mặc dù cách dịch các thuật ngữ chưa thật sát sóng song đã tạo được những đường nét cơ bản, trong đó nhấn mạnh tới sáu kiểu phê bình thời cận hiện đại: 1) Khoa học phê bình (scientific criticism); 2) Luận lý phê bình (moral criticism); 3) Giám thưởng phê bình (appreciative criticism); 4) Ấn tượng phê bình (impressire criticism); 5) Biểu hiện phê bình (expressive criticism); 6) Xã hội phê bình (sccial criticism)... Điều này cho thấy trong không khí “tiếp xúc đồng đại” giữa văn học Việt Nam và thế giới đã tạo điều kiện cho Kiều Thanh Quế - rộng hơn là các nhà văn hóa Việt Nam - có thể cập nhật, bắt nhịp được với các tư trào nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học nước ngoài...
Với khoảng năm chục mục bài tiểu luận, nghiên cứu, đọc sách, điểm sách, dịch thuật, trao đổi, tranh luận, Kiều Thanh Quế đã tạo dựng cho mình một chân dung, một phong cách và bản lĩnh phê bình sắc nét. Trên cơ sở thâm nhập sâu vào thực thể các tác phẩm sáng tác, nghiên cứu và phê bình, Kiều Thanh Quế tiến tới có những khảo luận chuyên sâu, có những đóng góp to lớn đối với đời sống văn chương giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - ThS. Phan Mạnh Hùng
(Còn tiếp)