Nhớ anh Hoài Anh
Hoài Anh là một tác giả sáng tác nhiều lĩnh vực. Anh là một người có trí nhớ đặc biệt. Anh viết truyện lịch sử, biên khảo, phê bình… và cái mà anh nâng niu nhất chính là thơ.
Cách đây ít ngày, Nguyễn Tý hiện đang làm ở báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi nói anh Hoài Anh bị bệnh nặng khó qua khỏi, trong một lúc tỉnh táo anh có nhắc đến tôi. Sau một ngày tôi mới thu xếp được công việc vào bệnh viện Nguyễn Trãi thăm anh. Thấy anh tôi thật e ngại. Anh nằm liệt trên giường với đủ thứ dây dợ loằng ngoằng, gương mặt phù nề, mắt nhắm nghiền, hơi thở chính là sợi dây níu kéo sự sống thì khó nhọc, ngắn, gấp gáp, mong manh. Văn và Vũ, hai đứa con sinh đôi rất giống nhau của anh túc trực bên cạnh. Vũ vừa lấy tay nâng mí mắt anh vừa nói: “Bố ơi! Có chú Đông La đến thăm bố đây này”. Đôi mắt mệt mỏi chợt linh động hơn nên tôi biết anh có nhận ra tôi, tôi nắm lấy tay anh, anh không thể nói được, đôi mắt chỉ thấm ra ít nước mắt như một lời vĩnh biệt. Vũ lau nước mắt cho anh và nhắc lại mấy lần câu nói trên, tôi bảo: “Bố cháu biết rồi, thôi để bố cháu nghỉ”. Lát sau chúng tôi phải ra ngoài để các bác sĩ tiến hành công việc chăm sóc, điều trị. Tôi nói với Văn: “Thôi chú về, có gì thì báo cho chú biết”. Vừa về nhà được một lúc, điện thoại reo, Văn gọi: “Chú ơi, bố cháu mất rồi, như vậy chú là người bạn gặp bố cháu cuối cùng đấy!”. Thưa vâng, chỉ sau khi tôi đến thăm anh khoảng 15 phút, anh đã vĩnh viễn ra đi!
Vào năm 1983, cách đây đã 29 năm, khi tôi mới 27 tuổi, một hôm nhà thơ Anh Thơ đã viết một mảnh giấy “Thân gửi nhà phê bình trẻ Hoài Anh!” để giới thiệu tôi và nhờ gởi đăng báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh bài thơ đầu tiên “Hoàng hôn yên tĩnh” của tôi. Tôi đến tòa soạn hỏi gặp anh Hoài Anh đưa thư và thơ, mới thoáng để ý anh đã ở độ tuổi gần 50, đúng là có dáng văn sĩ. Khi bài thơ được đăng, đến tòa soạn lấy nhuận bút, quả thật với tâm trạng lâng lâng của người lần đầu thấy tác phẩm của mình hiện diện trang trọng trên mặt báo:
Không phải hoàng hôn có giăng kín hạt mưa mù
Nhớp nháp con đường rừng hoang vu lầy lội
Không phải hoàng hôn bước hành quân gấp vội
Chưa đặt ba lô đã lo tìm củi nấu cơm
Ôi nhớ quá em ơi bao nhiêu hoàng hôn!
Những ngưỡng cửa của ngày vào đêm yên tĩnh
Những lúc ở bên anh những người lính
Cột đạn, cột ba lô vác súng lên đường...
Tôi đã quên béng mất người đã trực tiếp đưa bài thơ cho báo. Nhưng khi lấy tiền, chị phát nhuận bút nói: “Anh Hoài Anh có dặn khi nào anh đến lĩnh nhuận bút thì gặp ảnh”.
Thế là từ đó bắt đầu một tình bạn vong niên (anh hơn tôi 19 tuổi) giữa hai chúng tôi. Có lẽ nền tảng của tình bạn đó chính là sự đồng điệu, là những người sáng tác cùng quan tâm đến tri thức, lý luận. Anh là người có tri thức rất uyên thâm về nhiều mặt, đặc biệt về lịch sử, văn hóa xưa. Chính tôi được trực tiếp nghe hai cây đại thụ của nền văn học Việt Nam nổi tiếng thông minh là Chế Lan Viên và Nguyễn Khải nói về Hoài Anh: “Hoài Anh là bách khoa toàn thư đó”. Còn tôi, khi mới viết văn lại đang làm việc tại một viện nghiên cứu khoa học. Đã nghiên cứu thì làm cái gì cũng dựa trên tri thức nên tôi chú ý đến học thuật một cách rất tự nhiên. Đối tượng tôi “công phá” đầu tiên chính là tranh luận với Đỗ Minh Tuấn và Trần Mạnh Hảo về Chủ nghĩa siêu thực trên Văn nghệ Quân đội và Văn nghệ Trẻ, bởi tôi rất thú vị khi thấy cơ sở lý luận của nó lại liên quan nhiều đến tâm lý và vật lý hiện đại, đặc biệt tính phi lo-gic đã có phần dựa trên Nguyên lý bất định. Chính Giáo sư Trần Đình Sử đã rất chú ý tôi viết về siêu thực và rất lâu về sau này, ông đã không ngần ngại viết thư nói thẳng ra là ông rất quý mến tôi.
Thế là gần ba chục năm, trừ những năm sau cùng anh đã yếu và nghễnh ngãng nặng, tôi đã chở anh Hoài Anh khắp các ngõ ngách Sài Gòn, từ những quán cóc vỉa hè bia hơi đến những cửa hàng sang trọng đặc sản với bia “ken”, trong trạng thái lâng lâng, từ muôn nẻo đời sống văn nghệ đến mọi ngõ ngách của tri thức học thuật, tầng cao tầng thấp của giá trị văn học. Hai chúng tôi đã bao lần say sưa đàm đạo.
Hoài Anh là một tác giả sáng tác nhiều lĩnh vực. Anh là một người có trí nhớ đặc biệt. Anh viết truyện lịch sử, biên khảo, phê bình… và cái mà anh nâng niu nhất chính là thơ.
Nhưng viết về thơ Hoài Anh, không thể không kể đến những bài thơ kháng chiến. Ngoài bài thơ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến, trong giai đoạn chiến tranh phá hoại, anh cũng có những câu thơ rất ấn tượng. Về cái không khí căng thẳng của thủ đô, trước một cơn bão lớn nhất, trước thử thách khắc nghiệt nhất của lịch sử, anh đã viết:
Ta đứng đây trụi trần trên sống lưng của đất
Nghìn câu thơ hay xưa không cứu nổi nữa rồi
Không câu nào nói hết đêm nay đầy bí mật
Chỉ mình ta đối diện với lòng thôi.
Và về những mất mát hy sinh:
Mà nay nhà đổ cây rời
Máu loang trộn vữa thịt rơi nghẽn đường
Đặc biệt bài thơ đã trở thành tiêu biểu bài Nhớ ngày thủ đô kháng chiến của anh đã khắc họa một cách rất sinh động những ngày gian khổ.
Trong một bài phỏng vấn trên báo Văn hóa Văn nghệ Công an, tôi đã hỏi:
- Thưa nhà thơ Hoài Anh, anh có thể cho biết anh đã sáng tác bài thơ “Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến” trong hoàn cảnh như thế nào được không?
HOÀI ANH:
- Tôi vốn sinh ở nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 1946, cha tôi dẫn tôi ra Hà Nội thăm một người cô và được giữ lại chơi. Ít lâu sau khi thấy có dấu hiệu của cuộc xung đột Việt - Pháp, nhân đó tôi đã được chứng kiến những ngày Hà Nội sắp bước vào chiến đấu. Khung cảnh những giờ phút quyết liệt của lịch sử ấy đã sớm in vào trí não ngây thơ của tôi, để rồi sau này trở thành thơ. Tôi đã cố gắng tái hiện một cách trung thực, sinh động nhất. Trong đời một người, những ấn tượng của tuổi thơ là những ấn tượng sâu đậm nhất.
Rồi kháng chiến nổ ra. Một thời gian sau tôi gia nhập bộ đội. Lúc đầu làm liên lạc, văn thư, rồi quân báo, địch vận. Tôi đã học hỏi các đàn anh trong đơn vị, bắt đầu tập làm thơ, viết kịch.
Năm 1954, đơn vị tôi tiếp quản Thủ đô Hà Nội, tôi ngồi trên xe cam - nhông nhẩm những đoạn đầu tiên bài thơ Ngày về Hà Nội. Đêm đầu tiên tôi bồn chồn náo nức không ngủ được nên đã hoàn thành được bài thơ. Sau đó, khi đã hoàn thiện, tôi đọc cho anh em trong đơn vị nghe. Nhiều anh là lính trung đoàn Thủ đô cũ thích bài thơ đã khuyến khích tôi viết về Thủ đô kháng chiến. Với những ấn tượng của chính mình đã trải, tham khảo chuyện của những anh em đã trực tiếp chiến đấu, tôi đã viết nên bài thơ Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến. Sau đó tôi còn mở ra thành cả một bản trường ca rồi đặt cho nó cái tên là Tổ khúc Thủ đô kháng chiến. Nó được in báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1954, đến năm 1965 thì được in vào tập Sức mới, tập thơ đầu tiên chọn lọc thơ của những tác giả xuất hiện từ 1954-1965. Nó đã gây được tiếng vang, sau đó nhiều lần được chọn in vào những tuyển tập thơ.
Bài thơ đã được viết từ mấy chục năm về trước nhưng đã có một ngôn ngữ thơ khá hiện đại: “Khi ngọn cỏ cũng vươn mình chống giặc/ Lòng mỗi người đều hóa chiến khu”. Có những câu thơ, khổ thơ được nhiều người biết đến:
Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy
Ra phố mua một bao thuốc lá
Chín năm sau anh mới trở về nhà
Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến
Chín năm rừng lòng vẫn thủ đô.
Đi mua có một bao thuốc lá thôi mà chín năm mới trở về nhà. Không biết có dân tộc nào đi vào cuộc kháng chiến khốc liệt bảo vệ Thủ đô mình, Tổ quốc mình, lại nhẹ nhàng thanh thản đến thế không? Nhưng câu thơ giản dị mà hay đến ngạc nhiên.
Với thơ, hình như nhiều người biết đến những bài thơ anh viết về kháng chiến nhiều hơn. Nhưng thực tế, nếu ai theo dõi chặng đường sáng tác của anh, sẽ thấy anh còn làm khá nhiều thơ tình. Trong tập 99 ngọn, Hoài Anh có bài chỉ hai câu:
Tôi ăn như người nhồi đạn vào nòng súng để đi săn
Một con thú hoang có tên là hạnh phúc
Quả thực, có thể nói hành trình thơ ca của Hoài Anh như một sự giãi bày khôn nguôi của một kẻ luôn săn tìm hạnh phúc. Mọi sắc thái của tình cảm trước hạnh phúc đều được anh thể hiện trong thơ. Hạnh phúc luôn ở phía trước, luôn hư hư thực thực, luôn giày vò trái tim dễ bị tổn thương, ít vui nhiều buồn của anh.
Bài Phục sinh (tập 99 ngọn) như một bức chân dung anh tự họa về con người và sự nghiệp của mình:
Định mệnh đóng đinh tôi lên thập giá
Vết giáo thơ đâm lủng một bên sườn
Ngày phục sinh, tôi bước ra từ nấm mộ
Để lại vùi mình vào hang đá cô đơn
Bài Nhân vật (tập Dạ lan) cũng là là một bức tự họa, nhưng với những đường nét khác:
Nhà viết kịch đi tìm nhân vật mới
Anh yêu em khi phát hiện về mình
Một nhân vật tình nhân luôn kém cỏi
Vai thuộc lầu diễn xuất vẫn chênh vênh
Bài thơ Thơ dọc triền bão của Hoài Anh là một bài thơ tình dài, một sự biểu đạt kép: cơn bão của tự nhiên và cơn bão của tình cảm trộn lẫn vào nhau đã khắc ghi được những kỷ niệm đầu đời về tình bạn, tình thơ và tình yêu:
Ở bạn ra
Tôi quyết định về nhà…
Bão chạy thi… tôi về nhà trước bão…
Lộp độp mưa rơi bìa bản thảo…
Tôi thấy thơ lạnh run lên
Tủi thân ư? Làm sao thơ khóc?
Thương một đời áo mỏng
Tôi kéo chăn đắp cho thơ
Khi làm thơ tình, Hoài Anh cũng có nhiều dụng công, tạo ra những tứ thơ độc đáo, gây ấn tượng mạnh:
Cầu thang nhà em
Lên rất dễ
Xuống rất khó
Lên: Lồng ngực lao về phía trước
Xuống: trái tim rớt lại đằng sau
Với anh, tình yêu là quý giá nhất, nhưng cũng mong manh nhất:
Mới hôm qua anh là người nghèo nhất
Mà hôm nay mang kho báu nhất đời
Như trọc phú phập phồng lo của mất
Anh dậy canh chừng, đêm lạnh sương rơi
Anh luôn tôn vinh tình yêu. Với anh, kể cả sự hy sinh cho tình yêu cũng là một niềm hạnh phúc:
Như người bảo vệ già thường ít ngủ
Anh thức canh hạnh phúc của em thôi
Sung sướng thấy giấc mơ em đầy tinh tú
Ngôi sao một nào cũng gọi sao đôi.
Nhưng hạnh phúc trong cuộc đời không dễ tìm kiếm, nó như một thứ dung dịch không dễ định hình, khó nắm giữ. Tất cả những sắc thái tâm trạng trước tình yêu đều được Hoài Anh tái hiện trong thơ. Vừa hồi hộp đó, rồi chua chát ngay đó:
Run run tay nhận lá thư em
Chỉ lặng nhìn chưa dám bóc xem
Đời bao lần nhận thư rồi nhỉ
Còn lại cùng anh một dãy tem
Đây là một nỗi nghi hoặc:
Cũng trong nhan sắc dịu dàng
Biết đâu Địa ngục - Thiên đàng đôi nơi
Còn đây là một sự mâu thuẫn, tính bất định:
Em quá yêu tôi, tôi thấy sợ
Em không yêu nữa bỗng tôi buồn
Cái cân hạnh phúc điêu là thế
Tôi bớt, em bù thật mặt hơn
Sự thất bại trong tình yêu, không phải cứ mãi là đau đớn, thời gian sẽ làm lành lại tất cả, rồi nó sẽ trở thành những kỷ niệm ấm áp êm đềm trong lòng mỗi con người:
Tình yêu đi như một thoáng người qua
Bóng người đẹp đọng đau thành nỗi nhớ.
Thi sĩ là người luôn dễ bị thương tổn, nhưng cũng là người biết tự băng bó cho mình, bởi cái đích cuối cùng của họ là sự sáng tạo chứ không phải là gì khác. Hoài Anh cũng vậy, để viết nên những câu thơ tình rưng rưng tâm trạng, anh đã phải trả giá bằng bao nỗi buồn, bao phiêu lưu và bao nỗi cô đơn. Đôi khi, sự đau khổ chừng như chưa đủ, nên anh còn tự tạo ra thêm cho mình nữa. Rồi cuối cùng, tất cả, cả hạnh phúc, cả khổ đau, cũng chỉ là chất liệu để anh tạo dựng nên thi phẩm mà thôi. Chính niềm vui của sự sáng tạo đã giúp anh mãi đứng vững:
Buổi sớm như bàn ủi
Lấy điện từ mặt trời
Ủi phẳng đêm nhàu nát
Nếp nhăn gương mặt đời.
Anh Hoài Anh ơi! Nếu cuộc đời có số phận thì số phận của em là có một tình bạn với anh. Em sẽ không bao giờ được chở anh lòng vòng trên phố phường Sài Gòn và say sưa đàm đạo bên những ly bia như những ngày xưa nữa rồi. Thôi vĩnh biệt anh, anh hãy yên nghỉ vì anh đã sống một cuộc đời có ý nghĩa và để lại những trang đời, trang văn thật giá trị.
TP. Hồ Chí Minh
03-4-2011
Đông La