Lửa lò đường và …đom đóm

1.
Ngày ấy phương tiện di chuyển chỉ là những chiếc xe đạp và thổ mộ. Những chuyến xe ngựa ở phía quê, băng cầu ra phố thong dong qua lại trước nhà mỗi ngày, luôn được lũ trẻ con ngóng đợi thường gợi lên trong tâm hồn non nớt của tôi một ấp ủ nào đó. Giả dụ như được theo chân ngựa mải miết lang thang. Ngẫm ra cái ý thích luôn được chu du đây đó trong tôi, phải chăng, đã hình thành từ những ngày trẻ dại, khi được dõi mắt theo từng dấu chân ngựa lướt vội trên đường.
Khi sống lại với biết bao kỷ niệm ấu thơ, ký ức tôi cứ bám riết lấy những vòng xe thổ mộ và ngọn roi vút cao từ cánh tay bác xà ích già. Tôi vẫn còn nhớ bác ấy – với tên gọi theo thứ bậc của người miền Trung. Bác Sáu quê ở Nghĩa Điền. Gia đình tôi cùng những nhà lối xóm thường quen đi xe của bác. Mẹ đến chợ. Các chị tới trường và chiếc xe ngựa của bác Sáu, không quên đưa cả nhà tôi vào phố dự lễ những sớm ngày chủ nhật. Nếu đi nhà thờ Rừng Lăng vào buổi chiều, chúng tôi cũng đợi xe bác chở ra chứ không chịu đón xe của người khác.
Tiếng vó ngựa lốc cốc gõ nhịp nhàng trên mặt đường, rất khác những tiếng gõ đều đặn trên mặt cầu Hàng Bố. Tiếng vó ngựa gần gụi, thiết thân, là chuỗi âm thanh hay ho nhất mà tôi ghi nhận được nơi tiềm thức mình suốt một chặng đời ở đó. Không sống tại Quảng Ngãi sao có thể biết những chuyến xe thổ mộ rong ruổi trên đường chất đầy rau củ, hoa màu thấm đẫm sương đêm từ quê lên tỉnh. Sao biết bác Sáu và những thứ bánh trái đặc sệt quê mùa được bác dấm dúi cho mỗi khi tôi nhảy lên xe và luôn dành chỗ ngồi cạnh bác.
Cái bánh ít không nhân, trộn mật đỏ thẫm, ngọt lịm. Rồi bánh khô, bánh nổ… Mấy thứ bánh này hồi lớn thêm, tôi còn có dịp thưởng thức hoài hoài vậy mà ăn, vẫn không thấy ngon như hồi ngoài đó. Có lần tôi cắc cớ hỏi: “Sao lúc nào trong xe bác cũng có bánh?” Bác cười : “Để thay bữa trưa rồi ăn nửa buổi, ăn xế. Chứ chi? Bánh quê. Chắc thiệt. Còn hơn đĩa cơm, tộ bún, ổ bánh mì… Ăn mấy miếng, tu ít hợp nước cái đầy ứ bụng. Khỏe re”. Khi đó, tôi cũng nghĩ vậy. Khỏe re. Được đi xe ngựa của bác mà lại có bánh ăn. Sau này, tôi vẫn nghĩ vậy. Khỏe re. Khi được sống ở Quảng Ngãi.
2.
Mùa này Trà Khúc êm đềm xuôi chảy. Bao giờ cũng vậy, dòng sông hiền hậu trong tiết xuân, hanh hao vào mùa hạ để rồi chồm mình, bật dậy hung hăng khi mùa bão lũ quay về. Đó là dòng sông đầu tiên trong cuộc đời tôi. Một dòng sông có khởi đi từ ấu thơ, chảy dài, luồn lách qua mọi ngóc ngách tâm hồn tôi những hồi khô cằn, mỏi mệt. Để tôi luôn thấy lòng nhẹ nhõm, tươi tắn mỗi khi được dầm mình lặn hụp. Để nhận ra: Nhờ đó, mình đã biết yêu sông và tha thiết quá với sông.
Cứ cách ngày, mẹ tôi lại ra bến giặt giũ. Mẹ bưng thau đồ đi trước, tôi lấp vấp chạy theo. Tôi thích lắm, mỗi khi được đi theo người nhà ra sông. Các anh tôi nói sông có Hà Bá bắt mấy đứa nhỏ ra một mình mà lại còn ham chơi, nghịch nước. Có mẹ, tôi sợ gì? Tôi ưa ngắm những bộ quần áo đủ sắc màu trôi lềnh bềnh trên nước. Sông, ngày ấy sạch và ngắt xanh. Lũ chúng tôi vẫn có lệ tắm trưa. Dù luôn bị người lớn đe nẹt, cấm đoán. Mẹ bảo tắm trưa không tốt chút nào. Dễ bị cảm nắng và nhiễm nước, nhưng cái thú trốn nhà đi tắm trưa mới tuyệt vời biết bao!
Cảm giác lén lút, canh rình các bậc phụ huynh mê mệt trong giấc ngủ rồi nháy nhó nhau đi chân trần, chạy bộ ra bến. Và ngâm dầm và chơi đùa thỏa thích trong sợ sệt thấp thỏm… Sao có thể quên? Tôi rất nhớ cây sung già nua quá chừng là thân là nhánh. Có những nhánh sà thấp ơi là thấp, là đà sát sông và mấy thằng con trai ưa đu ra tận đó để nhảy “ùm”, “ùm”… Tôi cũng nhớ, những lần về phe các anh để lấy cắp áo của các chị đem đi giấu. Những tiếng cười nghịch ngợm, những giọt nước mắt… sao cứ khiến mình mãi bồi hồi.
Hồi đó, gia đình tôi sống chung với mấy người bà con phía ngoại. Ba gia đình với hai căn nhà quay mặt ra phố, lưng quay lại lò đường. Ba gia đình cảnh ngộ như nhau. Đều đông con và luôn túng thiếu, khó khăn. Có phải, vì vậy mà người lớn rất dễ cảm thông còn bọn trẻ con thì gần gũi. Ăn gì cũng chia, chơi gì cũng hú.
Tôi hay nhớ đến thằng Hạnh con dì Hằng. Thằng này là em tôi nhưng nhiều tuổi hơn nên thường bắt tôi gọi anh xưng em. Còn dọa nếu mà tôi méc người lớn thì kí. Kí, cho tét đầu đổ máu mới thôi! Nó vừa hăm vừa trợn tròn mắt gầm gừ, khiến tôi sợ bắt… tè cả ra quần. Sợ hơn cả ma da ngoài sông Trà Khúc. Tất nhiên, nó như vậy nên tôi rất ghét. Thế mà có lần tôi thấy tội hết sức. Đó là khi nó lỡ làm mất chiếc xe đạp bị dì chú đánh quá chừng. Lại còn bắt ra sân sau quỳ, không cho ăn cơm. Tôi lén người nhà đem nước ra cho Hạnh uống và còn chịu ngồi canh dì chú đi khỏi, để kêu nó vô và xúc cho một tộ cơm nguội. Hình ảnh nó vừa cắm cúi ăn vừa nức nở khóc luôn gợi trong tôi rất nhiều thương cảm, cho mãi tới bây giờ.
Phía trước nhà chúng tôi là hai cây gòn thẳng đuột. Chẳng hiểu sao đó là nơi trú ẩn của lũ dơi khi đêm về. Mùa nóng lũ trẻ nằm dài trên chiếc chiếu trải ngoài hè chờ mẹ gãi lưng, lim dim nghe kể chuyện. Đám lau nhau chọc những trái đã khô. Bông gòn trắng rụng đầy vuông sân nhỏ. Xóa trắng mênh mang một trời nơi đó. Cũng ngoài đó, miền đất thân thương với thứ tiếng Quảng hết sức khó nghe đậm đà ân nghĩa và món “don”, “don”… rất độc đáo nhưng không phải ai cũng có thể ăn được.
Tựa như cơm hến ở Huế vậy. Hay các loại mắm của dân miền Trung. Mắm cá cơm, mắm ruốc, may ra còn dễ… tiếp nhận chứ mắm mực, mắm ruột, có người, sống nơi đây cả đời vẫn không biết thưởng thức đã sao? Tôi thích ăn don nhưng vẫn mê món ngọt ở ngoài đó hơn. Các loại bánh đã ngon mà kẹo còn gấp bội phần. Mạch nha xứ Quảng rồi kẹo gương, đường phổi. Hồi nhỏ sao mà tôi thèm mấy thứ này và có lẽ, ở ngoài đó được ăn nhiều nên răng tôi bị sâu đục cũng không phải ít…
3.
Người ta bắt đầu dựng che khi trời trở lạnh. Đó là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất trong năm mà tôi được biết. Mía, được thu hoạch ngoài bãi, trên đường, những gánh mía quẫy vai, những cộ mía chất nặng. Lửa được nhóm, chảo đường đầu tiên lục sục sôi trên bếp đậm nâu những ánh bạc, sáng ngời… Hồi trước, làm đường theo kiểu thủ công, phải dùng trâu kéo che để ép mía rồi nấu trong những chảo to tới khi sánh lại, mới đổ muỗng rút mật.
Phía sau nhà lũ chúng tôi là che của chú Thinh. Đây là địa chỉ hết sức quen thuộc của bọn nhỏ ba nhà. Chúng tôi chạy ù ra đó bất cứ lúc nào có thể để xin mía lựa, đường dẻo rồi ngồi ngay bên lò chấm mút với nhau. Mùa đông xứ Quảng bên ngoài lạnh ngắt mà ở trong che, sao ấm áp lạ lùng.
Và chú Thinh nữa chứ! Đôi mắt sáng quắc, mặt đen nhẻm với điếu thuốc rê to sụ nằm vắt vẻo trên môi. Cái điếu thuốc của chú hay lắm kìa! Hồi không hút nó rớt hẳn xuống cằm làm mình tưởng như chú cắn đầu thuốc để chơi chơi. Vậy mà chừng chú rít lên thấy đốm lửa mới hay điếu thuốc đang còn… cháy. Sau này tôi cũng thấy nhiều ông già nhà quê hút thuốc rê như vậy nhưng không ai có cái kiểu… tức cười như chú.
Chú Thinh hiền khô. Chỉ la sơ sơ mấy đứa lén vô che rút mía trộm. Chú thường cho đám nhỏ nhà tôi mấy tộ đường dẻo thơm lừng và nước mật ngọt lịm. Mẹ mua mấy cái bánh tráng nướng cho đám trẻ con dính đường dẻo. Cả bọn, trên dưới chục đứa ngồi vây quanh mẹ vừa ăn vừa chí chóe, chẳng mấy chốc, tộ đường thiệt to hết sạch. Anh Thẩm còn bày trò, ôm cái tô lên ngang mặt, thò lưỡi liếm qua liếm lại. Mật, mẹ đem thắng với đậu phộng, gừng thành kẹo chia đều cho lũ nhỏ. Và như thế mùa mía rộn vui khắp cùng. Ở ngay trong những ngôi nhà như nhà tôi chẳng hạn. Chứ che, thì thôi khỏi nói.
Từ nhỏ tôi đã thích nhìn lửa. Luôn tìm thấy ở lửa những xao động yêu thương, những rực rỡ ấm áp… nhưng chỉ mãi về sau này, khi đã đi qua rất nhiều năm tháng thăng trầm của đời mình, tôi mới chợt nhận ra không ở đâu lửa hay ho như lửa ở che. Lửa rực đỏ, lan tỏa bao trùm, chấp chới bao khuôn mặt người ngời ngợi chờ mong, cho một mùa đường no đủ. Với tôi, thuở ấy cũng như bây giờ. Có thể thêm những bước chân trâu rậm rịch, tiếng kĩu kịt của vòng xoay và những tiếng củi nổ thưa thớt. Rồi tiếng cười tiếng nói, tiếng la và tiếng nước mía sôi lên trong chảo tạo thêm cho lửa ở che rất nhiều lung linh huyền ảo. Che và mùa mía xứ Quảng đã đắp đổi thêm cho ký ức tôi, bao sóng sánh ngọt ngào.
Mùa đông mau tối lắm. Chiều, đi học về, lũ tôi băng cánh đồng phía sau nhà ra che, gặm chưa rồi mấy khúc mía, đùa giỡn với nhau mới có một đỗi, trời đã sẫm lại. Và đêm. Tiếng mẹ, tiếng các dì í ới vọng từ gian bếp nhà, lồng lộng theo gió tới tận ngoài che. Rồi bọn tôi líu ríu trở về. Tôi sợ nhất cỡ này. Trống ngực đánh thình thịch, khi chạy nhón chân, co mình trong cái lạnh chiều đông, băng vội qua đồng với rất nhiều đom đóm lập lòe.
Sao mà nhiều thế, những là đom đóm ở phía sau căn nhà của chúng tôi. Các anh tôi bảo đó là ma trơi. Các chị tôi bảo ấy đích thị oan hồn, khiến phút chốc cả thân hình tôi co rúm lại, khi chợt nhớ ra. Một lần cha về phép, tôi thủ thỉ kể lại, cha cười rất to và ngay đêm sau, rủ tôi ra khỏi nhà. Cha chỉ những ánh đèn đom đóm nói có màu vàng và nhỏ luôn sáng đều là những chú đom đóm đực. Thi thoảng lóe sáng lại rất to, xanh biếc, ấy của mấy nàng đom đóm cái. Con biết chưa? Tôi đã biết và còn biết thêm đó là những tín hiệu tìm nhau trong tình yêu đom đóm.
Dù đã nhiều năm sống cách xa nhưng Quảng Ngãi vẫn rất gần với tâm thức tôi. Một nơi chốn mình đã trải qua. Một không gian mình đã sống với biết bao yêu thương, gắn bó. Những con người cùng bao hoài niệm… Đó cũng là nơi tôi được sinh ra và sống, suốt một thuở ấu thơ. Sau này, khi đã lớn thêm, trưởng thành, đã ở nhiều nơi, cư ngụ nhiều chỗ. Tôi vẫn thấy tận cùng sâu thẳm lòng mình, những mối dây tình cảm buộc ràng, níu chặt về nơi ấy. Một nơi cứ như thể quê nhà.
Nguyễn Mỹ Nữ (VNQĐ)