Sông Đà Rằng – hạ lưu sông Ba
Nước sông Ba chảy qua Thạnh Hội
Lỡ thương nhau rồi nỡ vội đi đâu
Để cho thác Thá u sầu
Hòn Ngang, dốc Võng đâu đâu cũng buồn
Lời ca dao khắc khoải ấy mỗi khi nhớ lại luôn gợi trong tôi những tháng năm tuổi thơ đẫm nước mắt.
Ngày xưa mẹ tôi đã gặp cha tôi trên một chuyến đò muộn trên dòng sông Ba. Cha tôi đã thề sông hẹn biển sẽ sống trọn đời với người mình yêu dấu. Thế rồi cha tôi lại đi theo một người đàn bà khác vào một chiều đầy dông bão. Khi những cơn đau đớn vật vã khóc than qua đi, chiều nào mẹ tôi cũng bế tôi ra bờ sông với một niềm tin đến một lúc nào đó cha tôi sẽ trở về. Nỗi chờ mong của mẹ gần như hóa đá. Bến sông xưa đã hóa thành bến đợi.
Dòng sông Ba bao dung và rộng lượng cứ thao thiết chảy cuốn trôi đi bao hoài niệm tuổi thơ cùng những gì cay đắng nhất của đời người. Cha tôi bỏ đi; mẹ tôi, người con gái thị thành chưa một lần dãi nắng dầm sương, phải ngày lại ngày chèo đò đưa khách sang sông.
Tôi đã lớn lên từ những chuyến đò nhọc nhằn của mẹ, từ những lời ru thấm đẫm ánh trăng, từ những thanh âm vọng lại của tiếng mái chèo khua nước đêm đêm. Dòng sông cả một đời vắt kiệt sức mình để bồi đắp phù sa cho cây cối ruộng vườn. Còn mẹ cũng một đời lam lũ tần tảo nuôi con. Có lẽ niềm vui duy nhất neo giữ cuộc đời mẹ với dòng sông này là sự trưởng thành, lớn lên từng ngày của tôi.
Ngày tôi đậu đại học là ngày vui nhất đời mẹ. Mẹ khóc như chưa bao giờ được khóc. Sau niềm vui ấy lại bắt đầu bao nỗi lo mới dành cho mẹ. Suốt mấy ngày liền mẹ chạy vạy ngược xuôi vay mượn bà con lối xóm chuẩn bị đủ tiền cho tôi đi học. Đêm trước ngày đi, lần đầu tiên tôi khóc không phải vì bị đòn roi. Cũng lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra vô số nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ như những lớp sóng vỡ ra từ mưa nắng cuộc đời. Mỗi ngày xa quê là mỗi ngày tôi tự trách mình và càng thương mẹ hơn bao giờ hết.
Tôi vẫn tiếp tục bước đi đến những chân trời mới. Và ở quê nhà mẹ tôi tiếp tục thức cùng bến đợi…
Cao Vĩ Nhánh (Tạp chí Nhà văn Tp HCM