Lê Đạt, dăm điều muốn nói
Tôi gặp Lê Đạt lần đầu tiên ở giỗ đầu Phùng Quán. Hôm ấy, thấy tôi ngưỡng mộ “tinh thần Phùng Quán”, ông bà Cao Nhị đưa tôi tới, xuất ăn theo không báo trước với chị Trâm, vợ ông cố thi sĩ Phùng Quán.
Ngồi mâm với các nhà thơ trưởng lão, Lê Đạt, Dương Tường, nhà soạn kịch Văn Tại, và ông bà Cao Nhị, tôi cứ mải miết quên, phăng cả cái vớ vẩn của mình, kể tại sao tôi mê ông Quán rồi khoe luôn mấy bài thơ con cóc của tôi làm bên trời Đức. Thế mà các ông chẳng thèm mắng gì. Kệ tôi diễn vở, đặc biệt ông Lê Đạt thi thoảng lại cười khà.
Hình ảnh tôi mang theo hôm đó, về ông Đạt: Ông là người hiền, khuôn mặt hiền, luôn cười độ lượng. Mãi sau này, kể cả khi tôi bức xúc việc bên Mỹ, có kẻ tung tin nói xấu, bịa tạc việc ông sang Paris ở nhà bà Thụy Khuê nhằm bôi bẩn nhân cách ông, bày tỏ với ông lại việc này, “Phu chữ” của tôi vẫn cười xòa, khuôn mặt tươi rói rói, chứ chẳng diễn gì. Với ông, cái chuyện thị phi vu cáo ấy, xưa nay là trò vặt vãnh không có gì phải phiền muộn.
Lê Đạt với tôi là người đã giác ngộ, nhận ra hết cõi trần, nên ai khen, chê bai gì, ông đều lấy nụ cười đáp lại. Đấy là một thái độ sống của một người từng trải qua biết bao thăng trầm, ngấm tận lõi sự đời, hướng toàn tâm, ý tới mục tiêu sống quan trọng của đời ông theo đuổi: “Góp một tiếng nói vào nền văn học Việt Nam hiện đại, trong việc tìm tòi con đường mới của thơ ca”. Có lẽ vì điều đó, Lê Đạt trong chặng cuối, đã viết được hai cuốn thơ để đời, sẽ còn tốn nhiều giấy mực: Bóng chữ và Ngó lời.
Về hai tập thơ này, có lần ông tâm sự: “Thọ ơi, cách tân đều phải trả giá. Mình làm thơ có người không hiểu, đấy là lỗi ở mình.”
Viết mãi bao năm ra được hai tập thơ mỏng tang chứ dầy dặn gì đâu, nhưng Bóng chữ sau khi xuất hiện đã thực sự trở thành dư luận, hiện tượng và có sức ảnh hưởng nhiều tới thế hệ sau ông. Không ít nhà thơ lớp trẻ tìm tới ông, tìm thơ ông, cả trong nuớc và hải ngoại, nhằm học hỏi thi pháp của ông. Ông là một phong cách, thơ không lẫn vào ai, rất gợi, tạo nhiều tầng ngữ nghĩa ở sự đan cài những cặp từ, hai và ba nối nhau. Thơ ông, tạo nên những hình ảnh đẹp, gợi, lạ, ở từng chữ, cách tân mà vẫn giữ đầy tiếng nhạc đinh đong, ngân mãi trong những người yêu thơ ông.
Lao động nhọc nhằn, tự nhận là Phu chữ, Lê Đạt khiêm tốn và lắng nghe người khác, không hề phản ứng thiếu văn hoá như nhiều người làm thơ mà tôi từng chứng kiến. Đó biểu hiện thái độ của một người có tri thức uyên bác, rộng và sâu, nhưng khiêm nhường và chịu suy nghĩ, lắng nghe độc giả và đồng nghiệp. Nếu không suy nghĩ về thất bại của thơ ông, ở một bộ phận công chúng, có lẽ ông không buồn buồn khi nói với tôi, không dũng cảm tự nhận ra: Cách tân phải trả giá…
Năm ông tặng tôi cuốn Ngó lời bên Đức, đến khi tôi về thăm nhà, ông hỏi: “Ngó lời thế nào?” Tôi trọng ông, nên không dám lừa dối ông. Nói tuột: “Ngó lời là bước thụt lùi của Lê Đạt.” Ông thoáng buồn, im lặng buồn, nhưng lại cười ngay; Và, một năm sau gặp lại, Lê Đạt nói: “Ừ, Bóng chữ chín hơn Thọ nhỉ!” Hứng lên, tôi xủng xoảng nhận xét thơ ông, coi thơ Lê Đạt là sự cách tân mà không dứt nổi sự dan díu với thơ Đường. Thơ ông là sự cắt gọn, nhưng giàu chữ, thơ Đường: sự thượng thặng của lắp chữ, sắp từ mềm mại đứng bên nhau, tạo tầng nghĩa, giữ nhạc phách. Ông nhìn tôi rồi lại cười. Tôi đồ rằng khi ông nói Phu chữ là nói tới sự đòi hỏi lao động nghiêm túc, nặng nhọc của việc sáng tạo trên con đường thơ thôi, chứ ông phu phen gì, ông là bậc Đại trượng phu.
Bây giờ ông mất rồi, thế mà tôi vẫn nhớ rất rõ ràng hôm nào ông sang Đức đọc thơ tại Nhà Văn Hoá của Viện Goethe. Lê Đạt phất phơ bộ quần áo lụa rộng như lão nông dân Việt Nam, bên cạnh là chị Thái Kim Lan, tiến sĩ triết học, người đàn bà xứ Huế, đẹp mảnh mai trong tấm áo dài tha thướt, là người dịch thơ và phiên dịch đêm đó cho Lê Đạt. Ông không đọc thơ như các diễn giả khác. Lê Đạt đưa hai tay vươn ra thế giới, trước bao cử tọa đứng vây lấy thi sĩ tới từ Việt Nam. Ông hát. Một điệu hát rất lạ mà tôi không thể nhớ nổi từ đâu nguyên thể. Tôi mơ hồ đã nghe ở đâu? Biết bao lần nhớ lại đêm ấy, hình dung lại, tôi nhớ tới nhiều làn điệu ca trù mà cha tôi đã đàn, nhớ tới nhiều bài ru của mẹ tôi cho các cháu nội ngoại. Hình như âm hưởng Lê Đạt hát thơ đêm đó mang hơi thở của nhiều thứ dân ca tôi đã nghe. Bóng chữ được đọc như thế và khi những âm thanh cuối cùng vừa dứt, cử tọa quốc tế đã nhao lên, rào rào tiếng vỗ tay kéo dài không chờ sự dịch nghĩa của chị Thái Kim Lan. Thế mới biết, ngôn ngữ, âm thanh thơ Việt có sức mạnh kì lạ, nhất là khi nó đan cài, biểu cảm với âm nhạc của dân tộc Việt Nam, tạo nên một sự cuốn hút, một cách thưởng thức thơ đầy ấn tượng, khó có thể nào quên. Lê Đạt, ở một góc chiếu về canh tân, ông hẳn hấp thu nhiều ở nền văn hoá Nga, hay Pháp… nhưng buổi thơ hôm ấy, cũng như đọc cả hai tập thơ của ông,Bóng chữ và Ngó lời, cái gốc rễ văn hoá Việt cứ trồi lên, để thơ ông không bao giờ là đứa con lai đánh mất nguồn cội, bản sắc rằng ông là nhà thơ Việt Nam. Và tôi cho rằng, thế giới ưu ái, chú ý tới các sắc tộc chậm phát triển chính là họ chú ý tới, cái mà nhờ nó có thể phân biệt: Anh từ đâu tới, cả khi thơ anh, truyện anh, tiểu thuyết của anh, bàn về “Con Người chung chung” trên hành tinh đang hội nhập này.
Năm kia tôi về phép, rủ ông đi chơi Tây Hồ, rồi về nhà tôi ở Ngọc Hà cho cô Lan Anh nấu, chiêu đãi ông một bữa cơm rau. Trên đường đi tôi đánh bạo hỏi Lê Đạt: “Anh Đạt ơi, em là một đảng viên. Trong em, anh giờ vẫn là một đảng viên (Đảng viên ngày đó vào đảng là tự nguyện đứng vào những người tiên phong đón nhận cái chết cho tổ quốc). Ngày xưa anh lại từng là bí thư chi bộ. Hồi Nhân Văn, em hỏi chú Trần Lê Văn, chú bảo, bọn mình có chống Đảng đâu. Em hỏi lại anh, anh có chống ai hồi đó không?” Lê Đạt nghiêm túc nói: “Mình ở trong Kháng chiến, không lạ gì các tổ chức chính trị và vũ trang. Mình làm sao mà có sức chống lại ai. Chúng mình chỉ muốn đổi mới thơ thôi.” Theo sát nhiều hoạt động của Lê Đạt bấy nay, tôi thấy ông vẫn là người thường xuyên tham gia Hội Thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam, phát biểu nhiều ý kiến đóng góp chân thành xây dựng Hội Nhà Văn, cho các nhà thơ trẻ. Ông là người nghiêm túc và chân thành với không chỉ đời sống thơ của cá nhân ông. Ông ghét thói diễn, khi có lần phê phán cả người bạn thân của ông và nói: “Cái cậu X. dạo này hay diễn quá!” Năm nào, giới thiệu truyện Thất Huyền Cầm ở khách sạn Guomann, tôi mời ông. Lê Đạt nghiêm túc hỏi: “Thọ có diễn không?” Tôi bảo, thưa anh, em là người bộc trực, nghĩ gì viết ấy, nói vậy… Nguyễn Văn Thọ không diễn.”; “Ừ, không diễn thì tớ tới!” Lê Đạt bấy nay chân đau. Ông từ chối người rước, lọ mọ tới với tôi. Suốt buổi lắng nghe một cách cẩn trọng. Ông lim dim mắt nghe chăm chú nghệ sĩ ưu tú Hoàng Yến đọc truyện của tôi. Khi về, ông tới bên tôi, chỉ nói một câu: “Thọ ơi, anh dặn, giảm chất thơ ở vài truyện đi!”
Tôi biết, không chỉ với tôi như vậy, tôi từng chứng kiến dăm lần, ở buổi ban đầu chập chững của nhà thơ nữ Phan Huyền Thư, trong quán café, ông đọc chậm, chữa từng chữ cho thơ Thư, để có ngày thơ cô bay lên. Không biết chị Thư có còn nhớ không?
Ông đã dìu dắt bao nhiêu anh chị em thế hệ sau ông như thế?
Năm ấy Lê Đạt đau lắm. Tôi và con gái tôi tới thăm, chờ ông thiền trước bàn thờ Phật xong mới dám cất tiếng. Năm ngoái, về thấy ông khoẻ lắm, lại còn nói sẽ cố gắng viết xong toàn bộ hồi kí của ông trong suốt cuộc đời thơ. Thế mà khi sắp bay về thăm nhà lần này, tôi đột ngột nghe tin ông mất. Mất vì một cú ngã lơ quơ ở chính ngôi nhà con trai mình.
Máy bay hạ cánh, tôi tất tưởi chạy tới lễ tang ông. Với vòng hoa có bốn chữ của nhà phê bình Đặng Tiến: “Chân Cầu Hoài Bóng Chữ.”Anh Đạt ơi, chữ của Đặng Tiến, nhưng cũng là lòng em đây, em vẫn ở chân cầu u hoài nhìn Bóng chữ của anh…
Ở với ông đúng mười mấy phút. Nhìn vào khuôn mặt thản nhiên của Lê Đạt sớm ấy, trong cỗ quan tài mà tôi không sao cầm được xúc động. Lê Đạt vội ra đi, khi mà sức viết của anh, thơ và văn xuôi còn bao hưng phấn, dào dạt! Ô hô! Tạo hoá rõ bất công và vô duyên, nếu như những kẻ nhan nhản như tôi còn đây, mà không tự biết mình, đẻ ra những thứ không từ đáy ruột mình, nhạt nhẽo và không cần thiết cho người đọc?
Anh Lê Đạt ơi!
Thương tiếc, tiếc thương anh! Như một lạy muộn màng với trang viết này.
Hà Nội, tháng 5/2008
Nguyễn Văn Thọ