Home » » Xong cuộc tuần du

Xong cuộc tuần du

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012 | 23:52

Cách đây 2 năm, tôi có dịp được tiếp xúc với nhà thơ Hoàng Cầm tại nhà riêng của ông. Vì bị bệnh nên ông chỉ có thể nghiêng người tiếp tôi trên giường. Cụ vừa mở nắp hộp đựng thuốc lào vừa ve một điếu, nêm vào nõ rồi hỏi tôi về đề tài muốn phỏng vấn. Thực ra khi đó tôi muốn hỏi chuyện cụ về bài thơ Bên kia sông Đuống cho loạt bài của tôi về chủ đề “Gặp lại các tác giả trong sách giáo khoa” - nhưng lại nói chệch đi: Cháu đến xin cụ tư vấn về... tình yêu ạ! 

Cụ dừng mồi thuốc, dùng ngón tay bật bung que đóm bằng gỗ ép mỏng, dụi vào chân điếu cày cho rụng hết tàn đóm rồi ngước nhìn tôi cười, mắt như sáng lên. Cụ nhắm nhẳng hỏi: “Bao tuổi rồi? Yêu nhiều chưa? Thấy yêu là sướng hay khổ?...” Tôi thành thực: Cháu yêu rồi, nhưng không nhiều... như cụ. Cháu chả hiểu tình yêu là gì nên mới nhờ cụ tư vấn chứ ạ?! Cụ gãi gãi thái dương tủm tỉm: “Thế thì không như tôi. Tôi yêu sớm, yêu nhiều người lắm và cũng có rất nhiều người yêu tôi. Đến bây giờ, tôi vẫn yêu. Nếu như tôi không phải nằm đây, hằng ngày, tôi sẽ đi đây đó trong Hà Nội để nhìn ngắm những cô gái đẹp. Tôi thích ngắm nhìn những cô bán hàng hoa". 

Đặc biệt, tôi thích gái miền quan họ kiểu như chị Vinh (người được cho là nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ Lá diêu bông - PV). “...Chị Vinh võ vẽ chữ nho, đọc thông quốc ngữ, người quê gốc cũng Tiên Du, nên hát quan họ thì làm mê người ta ngang với nhan sắc của chị. Chị cũng thừa biết thằng bé con này nó mê đắm mình nên chị cứ hay trêu đùa, lắm lúc tôi phát khóc, nhưng cũng nhiều giờ phút tôi có một hạnh phúc không gì sánh bằng là được chị Vinh cho ngồi sát bên, chầu rìa những cuộc chơi tam cúc ngày Tết, ngày Xuân hay ngày hội. Chị thường hay nhờ những đêm trăng sáng vào mùa Hè, mùa Thu, tổ chức những đám thanh thiếu niên tụ tập ở cái bãi sau ga, hát ví, hát trống quân, hát ống, hát giao duyên, hát vấn đáp, đặc biệt là về môn hát quan họ thì chị là bà chúa của dân ca! Giọng ngọt, say như mật ong, đôi mắt đen thăm thẳm với hàng mi cong và dài, má luôn luôn ửng đỏ, môi đã hồng lại thường hay cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na...”. 

Tôi không phải là người yêu đương bừa bãi. Thế mà tôi vẫn bị phụ. Càng bị phụ, tôi càng yêu, càng say đắm và dấn thân cho tình yêu... Với tôi, tình yêu không có tuổi. Khi tôi yêu, tôi chỉ biết yêu, cho đi và chờ đợi. Người đàn ông nên thế, chỉ cần yêu tử tế và chờ đợi, còn đàn bà người ta có thuộc về mình hay không điều đó phụ thuộc vào họ chứ không phải vào mánh lới của mình. Nếu có thì đó chỉ là sự chiếm đoạt chứ nào đâu phải là yêu. Và đã yêu thì không hối hận...”. 

Tôi hỏi cụ: “Thế cụ có ân hận bao giờ không?”. Cụ lắc đầu: “Không. Người ta hay nói, yêu ai là yêu cả một đời. Nhưng tôi vẫn hay nghĩ vui, tôi có hai đời: Tôi yêu ai yêu cả “hai cuộc đời”. Một là cuộc đời - con người tôi, còn cuộc đời thứ hai ấy là đời thơ của tôi dành cho những tình yêu mà tôi đã thiết tha theo đuổi, để mất và tiếc thương...”. 

Giờ đây, thi sĩ đa tình xứ Kinh Bắc đã đi qua hai cuộc đời mà cuộc đời nào (theo quan niệm của ông) cũng đều đắm chìm trong tình yêu - thơ. Mong cho ông được thanh thản với cuộc “tuần du chưa vợi khối ân tình” ở nơi miền cực lạc! 
Huy Thông
(*) Tên một bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved