Home » » MARX GỬI LUDWIG FEUERBACH Ở BRUCKBERG

MARX GỬI LUDWIG FEUERBACH Ở BRUCKBERG

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012 | 04:26

MARX GỬI LUDWIG FEUERBACH Ở BRUCKBERG
Mùa hè năm 1843 Mác đã từ Cologne đến Kreuznachvà tại đây ông đã tổ chức lễ cưới Jenny von Vestphalenngày 19 tháng Sáu. Từ tháng Ba đến tháng Chín 1843 Marx đã thương lượng với Ruge về việc xuất bản ở nước ngoài tạp chí Deutsch-Französische Jahrbücher. Bức thư này gửi cho Feuerbach có liên quan đến ý định của Marx muốn thu hút những đại biểu tiên tiến của giới trí thức Đức và Pháp cộng tác với tạp chí này. Cuối tháng Mười 1843 Marx đã đi Paris và đã xuất bản tạp chí này tại đó. (Lời chú dẫn của Nxb. Chính trị Quốc gia)*
Kreuznach, 3 tháng Mười 1843
Thưa Ngài!
Vài tháng trước đây, trên đường ghé qua, tiến sĩ Ruge đã thông báo cho Ngài kế hoạch của chúng tôi về việc xuất bản tờ Deutsche- Französische Jahrbüchervà đồng thời đã được Ngài hứa hợp tác. Vấn đề giờ đây đã được thu xếp đến mức là Parisđược chọn làm địa điểm ấn loát và xuất bản ấn phẩm này, còn số được ấn hành tháng đầu sẽ phải ra trước cuối tháng Mười một.
Vài ngày nữa tôi sẽ đi Paris song trước khi đi tôi không thể tiến hành một cuộc đi dạo chơi nhỏ dưới hình thức thư tín đến chỗ Ngài, bởi lẽ tôi chưa có điều kiện trực tiếp làm quen với Ngài.
Ngài là một trong số những cây bút đầu tiên tuyên bố về sự cần thiết phải có sự liên minh khoa học Pháp-Đức. Vì vậy, Ngài – không nghi ngờ gì nữa – là một trong số những người đầu tiên sẽ ủng hộ hoạt động nhằm mục đích biến liên minh này thành hiện thực. Vấn đề là ở chỗ có kế hoạch công bố promiscue1* những tác phẩm của các tác giả Đức và Pháp. Những tác giả ưu tú ở Paris đã đồng ý. Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu nhận được của Ngài một bài viết nào đó, mà chắc chắn rằng Ngài đã có sẵn một tài liệu gì đó rồi.
Từ phần lời tựa của Ngài viết cho lần xuất bản thứ hai tác phẩm Bản chất của đạo Cơ Đốc, tôi gần như có thể vững tin đưa ra kết luận rằng Ngài nghiên cứu cặn kẽ về Schellinghoặc chí ít cũng có dự định viết thêm một tài liệu gì đó về anh chàng khoác lác ấy[1]. Thật thế, đó sẽ là sự ra mắt tuyệt vời!
Như Ngài đã biết, Schelling là thành viên thứ 38 của Hiệp bang Đức ([German] Confederation). Toàn bộ cảnh sát Đức nằm trong sự chi phối của ông ta, điều đó thì bản thân tôi đã có dịp thấy rõ khi tôi là người chủ biên tờ Rheinische Zeitung. Số là bản chỉ dẫn kiểm duyệt không để lọt một điều gì nhằm chống lại vị thánh Schelling. Vì vậy, ở Đức chỉ có thể tiến hành phê phán Schelling trong các tập sách có khối lượng dày hơn 21 tờ in, mà những cuốn sách dầy hơn 21 tờ in lại không phải là những cuốn sách dành cho nhân dân. Cuốn sách của Kappđáng được hết sức hoan nghênh, nhưng nó lại quá cặn kẽ và trong đó những kết luận lại không đạt vì xa rời những sự việc thực tế. Ngoài ra, các chính phủ của chúng ta đã tìm ra cách vô hiệu hóa những tác phẩm như vậy. Không được viết về chúng. Người ta hoặc ỉm đi không nói đến chúng, hoặc trừng trị chúng dựa vào vài câu phản bác khinh bỉ đăng trên một số ít ấn phẩm bán chính thức, trong đó có đăng những bài bình luận sách. Bản thân Schelling thì làm ra vẻ như thể không biết gì về sự phê phán đó, và bằng cách tạo ra một vụ ầm ĩ mách lẻovề tài liệu nhảm nhí của ông già Paulus[2]ông ta đã làm cho người ta không chú ý đến cuốn sách của Kappnữa. Đây là một thủ đoạn ngoại giao tài tình!
Còn bây giờ xin Ngài hãy hình dung là Schelling sẽ bị vạch mặt ở Paris, trước mắt tất cả các nhà văn Pháp! Lòng hiếu danh của ông ta sẽ bị đụng chạm. Chính phủ Phổ sẽ bị bẽ mặt một cách hết sức khó chịu; đây sẽ là đòn giáng vào chủ quyền bên ngoài của Schelling mà ông vua hiếu danhấy lại quý chủ quyền bên ngoàicủa mình hơn là chủ quyền bên trong.
Ngài Schelling thật khôn ngoan biết bao trong việc nhử bẫy người Pháp – thoạt đầu là nhân vật yếu đuốiCousintheo thuyết chiết trung, về sau thì thậm chí cả nhân vật tài năng Leroux! Bởi vì Pierre Lerouxvà những người tương tự ông ta vẫn quan niệm Schelling là nhân vật đã đặt chủ nghĩa duy thực lý tính thay vào chỗ chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, đã thay tư duy trừu tượng bằng thứ tư duy bằng xương bằng thịt, thay triết học phường hội bằng triết học thế giới! Còn với những người theo chủ nghĩa lãng mạn và theo thuyết thần bí ở Pháp thì Schelling nói: tôi là sự kết hợp triết học và thần học: còn với các nhà duy vật Pháp thì ông ấy nói: tôi là sự kết hợp thể xác với tư tưởng; còn với các người theo chủ nghĩa hoài nghi ở Pháp thì ông ấy nói: tôi là người phá huỷ giáo điều, tóm lại: tôi... là Schelling! Schelling đã biết kết hợp không những triết học và thần học, mà kết hợp cả triết học và ngoại giao. Ông ta đã làm cho triết học biến thành khoa học ngoại giao tổng hợp, ngoại giao thích dụng cho mọi trường hợp của cuộc sống. Vì thế, sự phê phán Schelling gián tiếp là sự phê phán toàn bộ nền chính trị của chúng ta và đặc biệt là chính sách của Phổ. Triết học của Schelling là chính sách Phổ sub specie philosophi2*.
Vì vậy Ngài sẽ giúp nhiều cho công việc mà chúng tôi đã khởi xướng, và nhất là giúp cho chân lý, nếu như Ngài viết một bài nhận định về Schelling ngay lập tức, cho số đầu tiên. Ngài chính là người thích hợp nhất để làm việc đó, vì Ngài hoàn toàn trái ngược với Schelling. Tư tưởng chân thành thiếu thờicủa Schelling – chúng ta phải thừa nhận tất cả những gì tốt đẹp cả ở đối phương của chúng ta – song để thực hiện tư tưởng ấy thì ông ta đã không có được năng lực nào ngoài trí tưởng tượng, không có nghị lực nào ngoài sự hiếu danh, không có phương cách nào để thúc giục người ta, ngoài thuốc phiện, không có một cơ quan ngôn luận nào, ngoài sự nhạy cảm dễ bị kích động như ở phụ nữ, - tư tưởng chân thành thiếu thời ấy của Schelling mà đến nay ở ông ta đã còn lại như một ước mơ viển vông thời niên thiếu, thì đã lại trở thành chân lý, thành hiện thực, thành một công việc nghiêm chỉnh và dũng cảm đối với Ngài. Vì vậy, Schelling là bức biếm hoạ đã định trước(anticipated caricature)của Ngài, và một khi hiện thực chống lại sự biếm hoạ thì sự biếm hoạ phải tan biến đi như sương mù. Vì vậy tôi coi Ngài là đối thủ tất yếu, tự nhiên của Schelling, một đối thủ mà các đấng thiên nhiên và lịch sử đã trao cho sứ mạng ấy. Cuộc đấu tranh của Ngài chống ông ta là cuộc đấu tranh của triết học đích thực chống lại triết học giả hiệu.
Vì hy vọng rằng Ngài sẽ thuận lòng làm việc này cho nên tôi hy vọng vững chắc sẽ nhận được bài viết của Ngài[3]. Địa chỉ của tôi: "Gửi ngài Mäurer. Rue Vanneau No 23 ở Paris, để chuyển cho tiến sĩ Marx". Vợ tôi, còn chưa được quen biết Ngài, xin gửi lời chào Ngài. Ngài không hình dung được là có bao nhiêu người hâm mộ Ngài trong phái đẹp.
Tiến sĩ Marx của Ngài
Công bố lần đầu có lược bớt trong cuốn sách của Grun: "Ludwig Feuerbach in seinem Briefwechsel und Nachlass, sowie in seiner Philosophischen. Charakterentwicklung". Bd. I, Leipzig und Heidelberg, 1874
Công bố toàn văn lần đầu
In theo bản viết tay
Nguyên văn là tiếng Đức

Nguồn: K. Marx và F. Engels. Toàn tập. Tập 27. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996. Phiên bản điện tử: http://dangcongsan.vn/cpv


*
Về cách phiên âm tên nước ngoài, chúng tôi điều chỉnh theo phiên âm của bản dịch tiếng Anh trên website: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1844/df-jahrbucher/feuer.htm (chú thích của triethoc.edu.vn)
1*- xen kẽ
[1] Marx có ý muốn nói đến lời tựa viết cho cuốn sách: Ludwig Feuerbach. Das Wesen des Christenthhums. Zweite, vermehrte Auflage. Leipzig, 1843, S. XXIII (Ludwig Feuerbach. Bản chất của đạo Cơ đốc. Xuất bản lần thứ hai, có bổ sung. Leipzig, 1843, tr. XXIII.) Nhưng như bức thư trả lời của Feuerbachgửi cho Mác ngày 25 tháng Mười 1843 cho thấy rõ, Feuerbach khi nhắc đến cuốn sách phê bình Schelling sắp xuất bản là có ý nói đến không phải cuốn sách của ông ta mà là cuốn sách của Kapp, người bạn và môn đồ của ông ta: "Friedrich Wilhelm Joseph von Schelling". Leipzig, 1843. (chú thích của Nhà xuất bản)
[2] Đây là nói đến cuốn sách: H.E.G. Paulus. Die endlich offenbar gewordene postive Philosophie der Offenbarung / Triết học thực chứng của sự khải thị rút cục đã được công bố. Darmstadt, 1843 615 (chú thích của Nhà xuất bản).
2* dưới hình thức triết học
[3] Trong thư trả lời ngày 25 tháng Mười 1843 Feuerbach hoàn toàn đồng ý ý kiến đánh giá về mặt chính trị đối với triết học của Schelling trong thư của Marx nhưng ông lại khước từ gửi bài viết về Schelling cho tờ Deutsch-Französische Jahrbücher, viện cớ rằng ông đang bận những kế hoạch sáng tác khác. (chú thích của Nhà xuất bản)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved