Home » » HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P1 )

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG VĂN HỌC TRUNG QUỐC ( P1 )

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011 | 23:51


MỞ ĐẦU
                                       *
  1. 1.      Lý do chọn đề tài
Văn học Trung Quốc là một nền văn học rất lâu đời và phong phú. Ngay từ trước Công nguyên, nền văn học Tiên Tần (thời cổ đại) đã có những thành tựu rực rỡ như: Thần thoại, Kinh thi, văn xuôi triết học, Sở từ, Sử kí… Sang đến thời trung đại thì Đường thi, Tống từ và tiểu thuyết Minh Thanh đã trở thành ba thành tựu văn học rực rỡ, chói lọi.
Đến thời kì hiện đại, văn học Trung Quốc đã có nhiều thành tựu nổi bật và ngày càng được khẳng định cả về số lượng lẫn chất lượng, văn học thời kì mới này cũng đã tự tin tiếp nối một cách xứng đáng với văn học truyền thống.
Ngoài thể loại tiểu thuyết thì truyện ngắn là một thế mạnh của các tác giả trong thời kì mới trong việc ghi lại rõ nét hiện thực đời sống. Với những trang viết có giá trị, những nhà văn đương đại Trung Quốc đã phản ánh hiện thực một cách sinh động và chân thực qua các tác phẩm truyện ngắn. Từ những biến động phi thường của cả đất nước Trung Quốc vào những thập niên cuối thế kỉ XX đến những rung động nội tâm phong phú và phức tạp của con người đương thời đều được các tác giả bắt kịp thời để ghi lại trong tác phẩm của mình. Đọc những tác phẩm này, chúng ta không những nắm bắt được những thăng trầm đổi thay của thời đại mà còn thấy được một cách tương đối đầy đủ các khía cạnh đa dạng và phức tạp của cuộc sống và cả tâm tư tình cảm của con người. Chúng ta dường như cảm nhận được hơi thở của thời đại mình đang sống, cảm thấy những sự kiện mà các nhà văn đề cập trên đất nuớc Trung Quốc rất gần gũi với nguời ViệtNam. Chính vì lẽ đó mà những sáng tạo thời kì mới đã đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên, đằm sâu trong sự đồng cảm của những trái tim chân thành. Gấp trang sách đang đọc lại chúng ta miên man suy ngẫm vấn đề cùng tác giả và khó có thể quên được những hình tượng nhân vật đã làm nên sức sống và ý nghĩa cho tác phẩm.
Những hình tượng nhân vật trong văn học đương đại rất đa dạng và đặc sắc. Đó là một giáo viên mẫu mực với lí tưởng cao đẹp của sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ,  đó là một người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật và trân trọng cái đẹp đúng nghĩa, đó có thể là một người nông dân thật thà chất phác sống chí tình chí nghĩa, hay đó chỉ là một ông lão bơ vơ lạc lõng giữa chốn đô thị xa hoa hiện đại… Chúng ta nhận thấy rằng những hình tượng nhân vật này được khắc hoạ một cách chân thực độc đáo. Họ đã nhân danh cho tình người thiêng liêng và bao la để làm đẹp cuộc đời và làm đẹp lòng người. Họ đã làm sáng thêm ngọn lửa nhân văn cao đẹp và giữ cho nó sáng mãi theo thời gian.
Từ những điều trên, chúng tôi cảm nhận rằng tìm hiểu hình tượng nhân vật trong các tác phẩm đương đại Trung Quốc mà cụ thể là hình tượng nhân vật trí thức, hình tượng nhân vật nông dân và hình tượng nhân vật lao động khác là một vấn đề rất thú vị.
Chúng tôi muốn đi sâu khám phá để có những hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa giáo dục tư tưởng của các tác phẩm đương đại, cũng như khẳng định được tài năng và sức sáng tạo mới mẻ của các tác giả trong thời kì mới. Hy vọng rằng đề tài này cũng sẽ giúp cho bạn đọc tiếp cận các tác phẩm một cách dễ dàng và tăng sự say mê hứng thú đối với văn học Trung Quốc đương đại hơn.
  1. 2.      Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài “ Tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn đương đại Trung Quốc” chúng tôi hướng vào những mục tiêu sau:
-         Nghiên cứu hình tượng nhân vật trí thức, hình tượng nông dân và hình tượng người lao động khác trong một số truyện ngắn đương đại Trung Quốc để làm sáng tỏ nội dung văn học.
-         Trên cơ sở đó, khám phá và hiểu rõ được những sáng tạo trong văn chương của các nhà văn đương đại, đồng thời nhận thấy được những giá trị nhân văn trong tác phẩm của họ.
-         Phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại trong nhà trường và công tác giảng dạy sau này.
-         Mặt khác, có thể vận dụng tìm hiểu, so sánh với văn học ViệtNamđương đại.
  1. 3.      Lịch sử vấn đề
Các truyện ngắn chúng tôi đề cập đến trong đề tài hầu hết đều là tác phẩm đương đại nên số lượng những bài nghiên cứu về chúng tương đối ít ỏi. Đồng thời những bài nghiên cứu ấy cũng chỉ tiếp cận từng tác phẩm dưới góc độ xã hội hoặc xoay quanh các yếu tố lịch sử, chính trị… mà chưa đọc thấy có công trình nào chuyên đi sâu nghiên cứu về các hình tượng nhân vật theo hệ thống. Điều này gây không ít khó khăn trong việc tìm hiểu và tiếp cận vấn đề.
3.1. Nghiên cứu ở nước ngoài
         Ở đây chúng tôi chủ yếu đề cập đến những nghiên cứu về Văn học Trung Quốc đương đại của chính các tác giả người Trung Quốc. Đó là “Đương đại Trung Quốc văn học” của Diêu Đại Lương chủ biên (1993) và “Hai mươi năm văn học thời kì mới” của Vương Thiết Tiên, Dương Kiếm Long, Vương Khắc Cường, Mã Di Lỗ, Lưu Đỉnh Sinh (2001). Cả hai đều nghiên cứu về tình hình văn học đương đại Trung Quốc với sự “nở rộ” và “cách tân đổi mới” của các thể loại văn học ở phương diện cả nghệ thuật lẫn nội dung. Họ khẳng định những thành tựu cũng như tiềm lực của văn học thời khì mới. Và cả hai sự nghiên cứu này đều quan tâm nhiều đến tiểu thuyết, tản văn và thơ ca mà chưa chú ý nhiều đến truyện ngắn.
3.2. Nghiên cứu ở Việt Nam
         Nghiên cứu văn học Trung Quốc thời kì đổi mới ở Việt Nam thì người cần nói đến là PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp với các chuyên luận và tiểu luận. Chuyên luận và tiểu luận của ông là tập hợp các bài viết đã được đăng trên các báo, tạp chí thời gian qua. Trong “Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời kì mới” của PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp (2003) gồm những bài viết nghiên cứu bao quát văn học Trung Quốc thời kì mới gồm ba phần: Thời sự văn học, Thể loại văn học và tác giả văn học. Ở phần Thể loại văn học, ông đã tìm hiểu một cách khái quát về tình hình phát triển và những đổi mới trong nội dung lẫn hình thức của các thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca và cả lí luận… Ngoài ra còn có phần “Niên biểu văn học thời kì mới” (1976 – 1996).
Tiểu luận gần đây của PGS.TS Hồ Sĩ Hiệp là “Một số vấn đề văn học Trung Quốc đương đại” gồm hai phần: Phần 1 là Thời sự văn học và phần 2 là Nhà văn và cuộc sống, các bài viết ở tiểu luận này đa dạng và cụ thể hơn, chủ yếu là những nét nổi bật cũng như những suy nghĩ khi đọc những tác phẩm văn học Trung Quốc đương đại. Bên cạnh đó còn đề cập đến văn học Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao khi Hồng Kông và Ma Cao đã trở về Trung Quốc và Đài Loan là một phần không thể chia cắt. Phần 2 là giới thiệu chân dung một số nhà văn Trung Quốc quen thuộc với độc giả Việt Nam như Trương Hiền Lượng, Trương Khiết, Vệ Tuệ… 
Trên đây là một số công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại của các nhà nghiên cứu nước ngoài và ViệtNam. Chúng tôi chưa đọc thấy công trình nào chuyên đi sâu nghiên cứu phương diện hình tượng nhân vật trí thức, hình tượng nhân vật nông dân và hình tượng nhân vật lao động khác trong các truyện ngắn Trung Quốc đương đại để làm sáng tỏ tính cách nhân vật và thấy được những giá trị đáng ghi nhận của các sáng tác cũng như những sáng tạo độc đáo của các nhà văn đương đại.
            Với tinh thần học tập không ngừng, chúng tôi sẽ kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu nghiên cứu, những ý kiến bổ ích từ người đi trước để đi sâu tìm hiểu các loại hình tượng nhân vật này trong một số truyện ngắn được tuyển chọn theo chủ đề một cách cụ thể, có hệ thống.
  1. 4.      Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
            Đối tượng nghiên cứu là một số truyện ngắn Trung Quốc đương đại của nhiều tác giả khác nhau, nhưng trong đó đi sâu vào các loại hình tượng là hình tượng nhân vật trí thức, hình tượng nhân vật nông dân và hình tượng nhân vật lao động khác.
            Trong phạm vi nghiên cứu đề tài này, chúng tôi chưa có điều kiện tìm đọc nhiều truyện ngắn Trung Quốc đương đại vì số lượng tác phẩm rất đồ sộ. Đề tài khảo sát của chúng tôi chủ yếu dựa trên các văn bản: Tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc “Thời đại ảo” của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, ấn hành năm 2003; “Truyện ngắn Trung Quốc hiện đại” của Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, ấn hành năm 2003; “Truyện ngắn Giả Bình Ao” của Nhà xuất bản Công an nhân dân, ấn hành năm 2003; Tuyển tập “Cao lương đỏ” của Nhà xuất bản Lao động, ấn hành năm 2007.
  1. 5.      Đóng góp của đề tài
Những truyện ngắn súc tích, dễ đọc dễ hiểu đã ngày càng tạo được ưu thế và hấp dẫn thế hệ độc giả ngày nay. Những tài liệu nghiên cứu về các tác phẩm truyện ngắn đương đại cũng khá nhiều nhưng chủ yếu là ở sự khái quát về thời sự văn học, các thể loại văn học và phong cách của một số tác giả của thời kì mới… mà chưa có công trình nào chuyên đi sâu nghiên cứu về nghệ thuật xây dựng các loại hình tượng nhân vật trí thức, nhân vật nông dân và nhân vật lao động khác trong các sáng tác của thời kì mới. Do đó đến với đề tài này, trong một số truyện ngắn được tuyển chọn từ những tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc đương đại, chúng tôi muốn bước đầu nghiên cứu để làm sáng tỏ tính cách nhân vật, từ đó thấy được tài năng sáng tạo của các nhà văn trong thời kì đổi mới cũng như hiểu được giá trị nhân văn sâu sắc và ý nghĩa giáo dục tích cực qua tác phẩm của họ.
  1. 6.      Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp hệ thống
Nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã tuyển chọn hai mươi truyện viết về các loại hình tượng nhân vật trí thức, nhân vật nông dân và nhân vật lao động khác trong 04 tập truyện ngắn Trung Quốc đuơng đại như đã nêu ở phần đối tuợng, phạm vi nghiên cứu. Do đó, để việc nghiên cứu được thuận lợi, chúng tôi đã chọn phương pháp hệ thống. Phương pháp này giúp chúng tôi hiểu bao quát các tác phẩm để thấy được sự gắn kết của chúng, đồng thời thấy được đặc điểm nổi bật và mối liên hệ của các nhân vật.
6.2. Phương pháp liệt kê
                        Chúng tôi tiến hành liệt kê, ghi lại những dẫn chứng cần thiết trong các bản dịch và nhiều tài liệu khác có liên quan để dẫn chứng phù hợp với từng đề mục của khoá luận.
6.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
Chúng tôi tiến hành phân tích các dẫn chứng nhằm làm nổi bật các luận điểm cần triển khai. Sau đó thâu tóm, khái quát chúng lại.
  1. 7.      Dàn ý của khóa luận
Đề tài: Tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn Trung Quốc đương đại.
PHẦN MỞ ĐẦU
  1. Lý do chọn đề tài
  2. Mục đích nghiên cứu
  3. Lịch sử vấn đề
  4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
  5. Đóng góp của đề tài
  6. Phương pháp nghiên cứu
  7. Dàn ý của khóa luận
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở lí luận
  1. Nhân vật trong tác phẩm văn học
  2. Quan niệm nghệ thuật về con người – phạm trù trung tâm của thi pháp học hiện đại
Chương 2: Vài nét về truyện ngắn Trung Quốc đương đại
  1. Tìm hiểu chung về thể loại truyện ngắn
1.1.            Khái niệm
   1.2.     Nguồn gốc
1.2.1.      Chí quái
1.2.2.      Truyền kì
1.2.3.      Tiểu thuyết
  1. Truyện ngắn Trung Quốc giai đoạn hiện nay
2.2.            Giai đoạn quá độ
2.2.            Giai đoạn đột phá
2.2.            Giai đoạn điều chỉnh từng bước
2.2.            Giai đoạn phát triển sáng tạo mới
  1. Những nội dung tiêu biểu được phản ánh trong  truyện ngắn đương đại Trung Quốc
Chương 3: Tìm hiểu hình tượng nhân vật trong một số truyện ngắn Trung Quốc đương đại
  1. Hình tượng nhân vật trí thức
1.1.            Những nhà giáo dục chân chính, hết lòng yêu nghề mến trẻ
1.2.            Văn nghệ sĩ với tấm lòng trân trọng cái đẹp và hi sinh vì nghệ thuật
  1. Hình tượng nhân vật nông dân
2.1.            Người nông dân chân chất thật thà, có tấm lòng cao đẹp
2.2.            Người nông dân vất vả gian nan nhưng biết khát khao hạnh phúc, dám đấu tranh cho tình yêu
  1. Hình tượng nhân vật lao động khác
3.1.            Những thanh niên trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay
3.2.            Những người cao tuổi và sự chiêm nghiệm của họ về cuộc sống
PHẦN KẾT LUẬN
PHẦN NỘI DUNG
*
CHƯƠNG 1
 CƠ SỞ LÍ LUẬN
  1. 1.      NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC
“Nhân vật văn học” là một thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay cả khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật… Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người; nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhân vật văn học chủ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể.
Nhân vật văn học là một trong những quan niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách. Những nét chung về nhân vật văn học có thể cho phép nêu lên những hiện tượng văn học như : văn học về “con người thừa” (ở văn học Nga thế kỉ XIX), văn học về “thế hệ vứt đi”(ở Mĩ thế kỉ XX) …
Từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể rút ra một kết luận: nhân vật trong tác phẩm văn học chính là con người hoặc các loài cây, các sinh thể hoang đường nhưng mang những đặc điểm giống với con người. Nhân vật ấy là đứa con tinh thần của nhà văn, là máu thịt của nhà văn để thể hiện quan niệm thẩm mĩ và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Các nhà lí luận cũng nhấn mạnh đến tính nghệ thuật, tính ước lệ của nhân vật văn học. Nhân vật văn học không hoàn toàn giống như con người thật ngoài đời vì chúng có những đặc trưng nghệ thuật và được thể hiện trong tác phẩm bằng các phương tiện văn học thông qua quan niệm và biện pháp nghệ thuật của nhà văn, nhưng không vì thế mà chúng kém phần chân thật. Đã là tác phẩm văn học thì không thể thiếu nhân vật văn học.
Như vậy nhân vật văn học là hình thức cơ bản để qua đó nhà văn miêu tả đời sống một cách hình tượng. Bản chất của văn học là có quan hệ mật thiết với đời sống, nó chỉ tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò tấm gương phản chiếu cuộc sống. Nhân vật văn học vì thế là đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất với con người có thật trong cuộc đời. Tác phẩm văn học nào cũng là một hệ thống chỉnh thể của những hệ thống nhỏ hơn. Các nhân vật trong các tác phẩm cũng thực sự tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, chúng liên quan với nhau, móc nối với nhau không chỉ bằng tiến trình các sự kiên miêu tả, mà suy cho cùng còn bằng logic của nội dung nghệ thuật của nhà văn.
Hệ thống nhân vật đem lại cho hệ thống nghệ thuật của tác phẩm một sự thống nhất, đồng thời quan hệ giữa các nhân vật trong mỗi hệ thống ít hay nhiều đều phản ánh mối quan hệ xã hội hiện thực của con người.
  1. 2.      QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI – PHẠM TRÙ TRUNG TÂM CỦA THI PHÁP HỌC HIỆN ĐẠI
Con người trong tác phẩm văn học là con người được thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Một nhà văn không thể miêu tả hiện thực nếu không thông qua hình tượng nghệ thuật và không có quan niệm nghệ thuật của mình về con người. Theo GS. Trần Đình Sử trong giáo trình Dẫn luận thi pháp học (NXB Giáo dục, 1998) thì Quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc lí giải, cảm thụ và miêu tả con người trong nghệ thuật. Quan niệm nghệ thuật là cách cắt nghĩa, lí giải về con người trên cơ sở hấp thu các yếu tố thế giới quan nhất định của thời đại, tạo ra một quan niệm của mình về thế giới và con người.
Văn học là nhân học, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Con người là đối tượng chủ yếu của văn học. Dù miêu tả thần linh, ma quỉ, miêu tả đồ vật, hoặc giản đơn là miêu tả các nhân vật, văn học đều thể hiện con người. Mặt khác, người ta không thể miêu tả về con người, nếu như không hiểu biết, cảm nhận và có các phương tiện, biện pháp nhất định. Mặt thứ hai này tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình tượng con người trong văn học.
Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật trong đó.
Quan niệm nghệ thuật về con người hướng cho người ta cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, là nguyên tắc cảm thấy, hiểu và miêu tả con người trong văn học và các nguyên tắc đó có cơ sở sâu xa trong thực tế lịch sử, nó là một sản phẩm của lịch sử và cũng đồng thời là sản phẩm của văn hóa, tư tưởng và quan niệm nghệ thuật về con người cũng mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ.
Trong các thể loại văn học khác nhau, do chức năng và hệ thống phương tiện biểu hiện khác nhau, quan niệm nghệ thuật cũng có sự khác nhau.
      Một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với quan niệm về con người mới. Quan niệm con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật, thành bản chất nội tại của hình tượng nghệ thuật. Quả là sự vận động của thực tế làm nảy sinh những con người mới và miêu tả những con người ấy sẽ làm cho văn học đổi mới. Đổi mới cách giải thích và cảm nhận con người cũng làm cho văn học thay đổi căn bản. Trong lịch sử văn học, việc sử dụng lại các đề tài, cốt truyện, nhân vật truyền thống là rất phổ biến nhưng cách giải thích và cảm nhận của họ là mới, tạo thành tiếng nói nghệ thuật mới. Cũng vẫn là con người đã biết, nhưng hôm qua được nhìn ở một góc độ, hôm nay nhìn sang góc độ mới cũng tạo thành sáng tác văn học mới.
      Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của văn học. Nghệ sĩ là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người, do đó càng khám phá nhiều quan niệm nghệ thuật về con người thì càng đi sâu vào thực chất sáng tạo của họ, càng đánh giá đúng thành tựu của họ.
      Quan niệm nghệ thuật về con người biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc của tác phẩm văn học, nhưng biểu hiện tập trung trước hết ở nhân vật, bởi nhân vật văn học là con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. Nhân vật biểu hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định và các đặc điểm mà anh ta lựa chọn. Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả. Muốn tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người phải xuất phát từ các biểu hiện của nhân vật, thông qua các yếu tố tạo nên nó.
      Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người là cách cắt nghĩa, lí giải về con người trên cơ sở hấp thu các yếu tố thế giới nhất định của thời đại, tạo ra một quan niệm của nó về thế giới và con người.

CHƯƠNG 2
 VÀI NÉT VỀ TRUYỆN NGẮN TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI
  1. 1.      TÌM HIỂU CHUNG VỀ THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN
1.1.      KHÁI NIỆM
Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm cho truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ, giai thoại, truyện cười, hoặc gần với những bài kí ngắn. Nhưng thực ra không phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời. Nội dung của thể loại truyện ngắn có thể rất khác nhau : đời tư, thế sự, hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó lại là ngắn. Truyện ngắn có thể kể cả một cuộc đời hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong cuộc sống nhân vật, nhưng cái chính của truyện ngắn không phải ở hệ thống sự kiện, mà ở cái nhìn tự sự đối với cuộc đời. Truyện ngắn trung đại cũng là truyện ngắn nhưng gần với truyện vừa. Truyện ngắn hiện đại khác hẳn. Đó là một kiểu tư duy khá mới, vì vậy nói chung, truyện ngắn đích thực xuất hiện muộn trong trong lịch sử văn học. Ở nhiều nước trên thế giới, truyện ngắn gắn liền với báo chí: khuôn khổ báo chí không cho phép dài. Truyện ngắn nói chung không phải vì “truyện” của nó “ngắn”, mà vì cách nắm bắt cuộc sống của thể loại. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Chính vì vậy trong truyện ngắn thường rất ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Chỗ khác biệt quan trọng giữa tiểu thuyết và truyện ngắn là, nếu nhân vật chính của tiểu thuyết thường là một thế giới, thì nhân vật truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Truyện ngắn không nhằm hướng tới việc khắc hoạ những tính cách điển hình có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Mặt khác, do đó truyện ngắn lại mở rộng diện nắm bắt các kiểu loại nhân vật đa dạng của cuộc sống, chẳng hạn như chức nghiệp, xuất thân, gia hệ, bạn bè,… những kiểu loại mà trong tiểu thuyết thường hiện ra thấp thoáng trong các nhân vật phụ.
   Cốt truyện của truyện ngắn có thể là nổi bật, hấp dẫn, nhưng chức năng của nó nói chung là để nhận ra một điều gì. Cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình người. Truyện ngắn là một thể loại dân chủ, gần gũi với đời sống hằng ngày, lại súc tích, dễ đọc, gắn liền với hoạt động báo chí, có tác dụng, ảnh hưởng kịp thời trong đời sống.
Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết. Nhiều nhà văn lớn trên thế giới và nước ta đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình.
Mặc dù thuật ngữ truyện ngắn ra đời muộn (khoảng cuối thế kỷ XIX) nhưng bản thân truyện ngắn đã xuất hiện và tồn tại ngay từ buổi bình minh của nhân loại, khi con người biết sáng tác văn chương. Trải qua hàng ngàn năm, với bao biến cố thăng trầm của thể loại, ngày nay truyện ngắn đã chiếm lĩnh được vị trí quan trọng trên văn đàn trong kỉ nguyên Hiện đại, Hậu hiện đại, khi con người bị dồn ép về mặt thời gian hơn bao giờ hết. Con người không có đủ thời gian cho những bộ tiểu thuyết đồ sộ như : Tây du kí, Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử, Hồng Lâu Mộng, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Trăm năm cô đơn…Truyện ngắn đã hàm chứa cái thú vị của những điều sâu sắc trong một hình thức nhỏ, gọn, xinh xinh và đầy truyền cảm, truyền dẫn cực nhanh những thông tin, nhanh cũng là một thế mạnh để truyện ngắn chinh phục độc giả đương đại.
Raymond Carver – một trong những bậc thầy truyện ngắn thế giới ghi nhận: “ngày nay tác phẩm hay nhất, tác phẩm hấp dẫn và thỏa mãn nhất về nhiều mặt, thậm chí có lẽ tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là tác phẩm được viết dưới dạng truyện ngắn”. Truyện ngắn gắn chặt với báo chí. Đây là một lợi thế lớn, bởi hiện tại báo chí kể cả báo điện tử đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Người đọc quen và thích đọc truyện ngắn trong vài chục phút hoặc trong một vài giờ. Hơn nữa, sau nhiều năm chiếm lĩnh văn đàn, thơ, kịch, tiểu thuyết dường như vắt kiệt về khả năng hồi sinh và đổi mới thể loại. Trong khi đó truyện ngắn còn là mảnh đất tương đối trống, điều này tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các cây bút trẻ khẳng định tài năng.
1.2.      NGUỒN GỐC
1.2.1.      CHÍ QUÁI
Một thể loại văn xuôi tự sự trong văn học Trung Quốc, thường ghi chép những chuyện li kì quái đản, xuất hiện và phát triển dưới thời Lục Triều từ đầu thế kỉ III đến cuối thế kỉ VI. Tiểu thuyết chí quái tiếp tục phát triển truyền thống của thần thoại, ngụ ngôn, dã sử, tạp sử các thời đại trước nhưng có căn nguyên sâu xa trong điều kiện lịch sử thời Lục Triều (281 – 598), một giai đoạn cực kì hỗn loạn, đầy rẫy những đau thương chết chóc, lan tràn rộng rãi đủ mọi thứ mê tín, tôn giáo.
Nội dung rất phức tạp, có loại ghi những chuyện kì lạ về các mặt địa lí, động vật thực vật như “Bác vật chí, Thần dị chí”, có loại mang tính chất dã sử như “Hán Vũ Đế nội truyện, Thập dị kí”, có loại chuyên kể những chuyện thần quái như “Liệt dị truyện, Oan hồn chí” … Gạt bỏ bộ áo hoang đường, loại nào cũng có những chuyện có giá trị hiện thực song song đáng chú ý hơn cả là những mẫu chuyện dân gian được cải biên ghi lại trong “Sưu thần kí” của Can Bảo. Tiểu thuyết chí quái đã chuẩn bị cho sự ra đời của tiểu thuyết truyền kì đời Đường và có ảnh hưởng nhiều mặt đối với kịch, tiểu thuyết các thời đại sau.
1.2.2.      TRUYỀN KÌ
Một hình thức văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ truyện kể dân gian, sau được các nhà văn nâng lên thành văn chương bác học, sử dụng những môtip kì quái hoang đường, lồng trong một cốt truyện có ý kiến trần thế, nhằm gợi hứng thú cho người đọc. Gọi là tiểu thuyết nhưng tiểu thyết truyền kì có dung lượng ngắn và kết cấu không theo kiểu truyện dài thu ngắn phần nào đã có dấp dáng của thể loại truyện ngắn cận hiện đại. Sự tham gia yếu tố thần kì vào câu chuyện cũng không phải là do những lực lượng tự nhiên được nhân hoá như kiểu thần thoại, hoặc những nhân vật có phép lạ như kiểu trời, bụt, thần tiên … trong truyện cổ tích thần kì mà phần lớn ở ngay hình thức “phi nhân tính” của nhân vật (ma quỉ, hồ li, vật hoá người …). Tuy nhiên, trong truyện bao giờ cũng có những nhân vật là người thật, và chính những nhân vật mang hình thức “phi nhân” thì cũng chỉ là sự cách điệu, phóng đại của tâm lí, tính cách một loại người nào đấy; vì thế truyện truyền kì vẫn mang rất đậm yếu tố nhân bản, có giá trị nhân bản sâu sắc.
1.2.3.      TIỂU THUYẾT
Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn đặc biệt phổ biến trong thời cận đại và hiện đại. Với những giới hạn rộng rãi trong hình thức trần thuật, tiểu thuyết có thể chứa đựng lịch sử của nhiều cuộc đời, những bức tranh phong tục đạo đức xã hội, miêu tả cụ thể các điều kiện sinh hoạt giai cấp, tái hiện nhiều tính cách đa dạng.
Mầm mống tiểu thuyết ở Trung Quốc cũng xuất hiện sớm, vào đời Nguỵ Tấn (thế kỉ III – IV) dưới dạng “chí quái”, “chí nhân”. Đến đời Đường, tiểu thuyết “truyền kì” đời Đường thể hiện những nhu cầu cho đời sống cá nhân, phê phán các thói tục xấu xa hoặc sự bất bình đẳng xã hội, khẳng định các phẩm chất tính cách cá nhân tốt đẹp. Tiểu thuyết “thoại bản” đời Tống (thế kỉ XI – XIII) tiếp tục thể hiện vấn đề số phận và phẩm chất cá nhân trong đời sống. Gần một vạn tiểu thuyết ngắn, vừa và dài thời Minh – Thanh có thể chia ra các loại sau : tiểu thuyết đời Minh có bốn loại là giảng sử (bao gồm cả Thuỷ Hử), thần ma, nhân tình thế thái và tiểu thuyết thị dân; tiểu thuyết đời Thanh có sáu loại là giảng sử, châm biếm, nhân tình, hiệp tà, hiệp nghĩa, khiển trách. Đó là cách chia của Lỗ Tấn trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược. Còn V.I.Xêmanốp chia tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc ra làm hai loại là tiểu thuyết anh hùng và tiểu thuyết đời thường. Tuy nhiên có thể chia tiểu thuyết cổ điển ra làm năm loại dựa trên đề tài và chủ đề tư tưởng như sau : tiểu thuyết giảng sử, tiêu biểu là Tam Quốc diễn nghĩa, đây là loại tiểu thuyết lấy đề tài trong lịch sử rồi “diễn nghĩa” ra; tiểu thuyết hiệp nghĩa, tiêu biểu là Thuỷ Hử, tác phẩm viết về anh hùng hảo hán trọng nghĩa khinh tài; tiểu thuyết thần ma, tiêu biểu là Tây du kí, tiểu thuyết nói về đề tài trong thần thoại hoặc truyện tôn giáo; tiểu thuyết nhân tình thế thái, Hồng Lâu mộng là tiêu biểu, tác phẩm lấy đề tài từ đời thường nói về những số phận con người bình thường và tình cảm bi, ai, hỉ, nộ thường nhật, loại cuối cùng là đoản thiên tiểu thuyết, đó là truyện ngắn. Có hàng ngàn tác phẩm, tiêu biểu hơn cả là Liêu trai chí dị – đây là bộ truyện ngắn văn ngôn kế thừa chí quái truyện thời Nguỵ Tấn và truyền kì đời Đường cùng những sáng tạo mới. 
Theo Lí luận văn học của nhiều tác giả do Phương Lựu chủ biên (NXB Giáo Dục, 2004) thì tiểu thuyết có những đặc điểm nổi bật sau :
Đặc điểm tiêu biểu thứ nhất làm cho tiểu thuyết khác biệt sử thi (anh hùng ca), ngụ ngôn là ở cái nhìn cuộc sống ở góc độ đời tư. Đời tư là tiêu điểm để miêu tả cuộc sống một cách tiểu thuyết.
      Nét tiêu biểu thứ hai làm cho tiểu thyết khác với truyện thơ, trường ca là chất văn xuôi, tức là một sự tái hiện cuộc sống không thi vị hoá, lãng mạn hoá, lí tưởng hoá.
      Thứ ba, cái làm cho nhân vật tiểu thuyết khác với các nhân vật sử thi là ở chỗ nhân vật tiểu thuyết là “con người nếm trải” trong khi các nhân vật kia thường là nhân vật hành động.
      Thứ tư, ở tiểu thuyết cốt truyện không đóng vai trò chủ yếu. Tiểu thuyết chứa bao nhiêu cái “thừa” so với truyện vừa nhưng đó lại là cái chính yếu  trong thành phần của thể loại tiểu thuyết: các suy tư của nhân vật về thế giới, về đời người, sự phân tích cặn kẽ các diễn biến tình cảm, sự trình bày tường tận các tiền sử của nhân vật, mọi chi tiết và quan hệ giữa người với người, về đồ vật và môi trường, và nói chung về toàn bộ tồn tại của con người.
Thứ năm: Tiểu thuyết hướng về miêu tả hiện thực như các hiện tại đương thời của người trần thuật.
Tiểu thuyết hấp thụ mọi lời nói khác nhau của đời sống, san bằng ngăn cách lời trong văn học và ngoài văn học, tạo nên sự đối thoại giữa các giọng khác nhau. Cuộc sống trong tiểu thuyết là một cái gì chưa xong xuôi. Kết cấu của tiểu thuyết thường là kết cấu để ngỏ.
      Cuối cùng, với các đặc điểm đã nêu, tiểu thuyết là thể loại văn học có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ thuật của các loại văn học khác.
Tóm lại, tiểu thuyết là thể loại tự sự dân chủ, năng động và giàu khả năng phản ánh đời sống nhiều mặt bậc nhất của các thể loại văn học.
      Chúng ta có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà thể loại tiểu thuyết chiếm địa vị trung tâm trong hệ thống thể loại văn học cận đại, hiện đại. Nhưng lẽ dĩ nhiên, ta cũng  không thể phủ nhận vai trò cũng như chức năng riêng của các thể loại khác. Và truyện ngắn cũng vậy, nó là thể loại khá quan trọng trong thời đại ngày nay, khi mà ngày càng phát huy được khả năng phản ánh mau lẹ, kịp thời và sâu rộng hiện thực.
  1. 2.      TRUYỆN NGẮN TRUNG QUỐC GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Trong sự phục hưng và phát triển của văn học trong thời kì mới, trước hết phải nói đến thể loại truyện ngắn. Thể loại văn học này có thành tựu chói sáng từ trước và sau “Ngũ tứ” (1919) mà đỉnh cao là những kiệt tác bất hủ của đại văn hào Lỗ Tấn. Có thể nói truyện ngắn Lỗ Tấn mà tiêu biểu là AQ chính truyện, Lễ cầu phúc, Khổng Ất Kỷ, Nhật kí người điên, Cố hương là những “phát đại bác” ầm vang mở dầu cho nền văn học hiện đại cách mạng Trung Quốc. Trong văn học thời kì mới truyện ngắn là thể loại văn học “anh hùng”, “thủ công”. Nó là những “quả lựu đạn”, những “quả bộc phá” làm nổ tung ngục tù chính trị và văn nghệ đen tối mười năm “cách mạng văn hoá” của tập đoàn Lâm Bưu và “bè lũ bốn tên”, mở ra một con đường mới cho văn học hiện thực chủ nghĩa Trung Quốc phát triển trong thời kì cải cách, mở cửa.
Nữ văn sĩ Vương An Ức – chủ tịch hội nhà văn Thượng Hải – sau khi đọc những tiểu thuyết hay và truyện ngắn hay nhất của các năm gần đây đã nhận xét:
Cái mà tôi gọi là da thịt của cuộc sống trong các thiên truyện kia ngày một rắn chắc hơn. Chúng tựa hồ như bước ra khỏi quan niệm phức tạp. dị kì của những năm 1990, từ trong định nghĩa hư không mà tiến vào thế giới trải nghiệm vô danh mà sinh khí bừng bừng. Tiểu thuyết Trung Quốc đã sống bao nhiêu năm, đã có bao nhiêu người cầm bút mà vẫn cứ xuất hiện bao nhiêu sáng tạo mới mẻ, bởi vì những kinh qua của cá nhân đã không hề trùng lặp. Nó là một loại vật chất không có cách gì để quy nạp, trừu tượng hoá, cái này là cái này, cái kia là cái kia, là thực thể sống sinh tồn và phát triển theo lí do riêng lẻ. Xã hội đang trong đà vươn tới hiện đại, dầu vậy vẫn có nhiều cách giải thích khác nhau nếu xuất phát từ các góc độ khác nhau và tiểu thuyết của chúng ta đã phản ánh xu thế đó. (Thái Nguyễn Bạch Liên, 2003)
 Phát hiện của bà Vương An Ức tuy không phải là mới mẻ mà vẫn theo nguyên lí phổ biến của tiểu thuyết và truyện ngắn nói riêng và văn học nói chung đều bắt nguồn từ cuộc sống thông qua những trải nghiệm, giải thích của những người cầm bút; nhưng có điều ở Trung Quốc vào những thập niên cuối thế kỉ XX đã xảy ra bao nhiêu biến động phi thường, tiêu biểu như mười năm loạn lạc trong Đại Cách mạng văn hoá, như hơn hai mươi năm cải cách, mở cửa phát triển và nay đang tiến tới xã hội tiểu khang với cuộc sống sung túc, dư dật, khá giả. Những biến động ấy buộc mỗi thành viên của cộng đồng một tỉ ba dân Trung Quốc phải có sự thay đổi căn bản mới tương thích nổi với cuộc sống thời đại. Đấy chính là ngọn nguồn bất tận cho vô vàn các trang viết giá trị của các văn nghệ sĩ.
Theo Tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp trong “Một số vấn đề Trung Quốc thời kì mới” (2003) thì sự phát triển của truyện ngắn Trung Quốc trong văn học thời kì mới chia làm bốn giai đoạn sau đây:
2.1.      GIAI ĐOẠN QUÁ ĐỘ
Giai đoạn này bắt đầu từ khi đập tan tập đoàn “bè lũ bốn tên” đến năm 1977, khi tác phẩm Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ ra đời.
Văn đàn sau khi đập tan tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh đã tồn tại hai loại tác phẩm văn học: Một loại là “phê phán bè lũ bốn tên”, ca ngợi tác phẩm của thời đại các nhà văn cách mạng vô sản tiền bối. Phần lớn loại tác phẩm này là hồi ức, tản văn và thơ ca. Một loại tác phẩm khác có thể gọi là “thay đầu đối mặt” gồm truyện ngắn và tiểu thuyết. Những tác phẩm này chỉ là vứt bỏ cái vỏ bề ngoài văn học của “bè lũ bốn tên” nhưng linh hồn của nó vẫn là chủ đề và xung đột cũ, chưa có gì thực sự đổi mới về hình thức và nội dung.
2.2.      GIAI ĐOẠN ĐỘT PHÁ
Tháng 11-1977 truyện ngắn Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ xuất hiện, tiếp theo là truyện ngắn Vết thương tạo nên hàng loạt truyện ngắn “phản ứng dây chuyền”. Những truyện ngắn này là loại tác phẩm “kêu đời”. Vết thương miêu tả “mười năm động loạn” của cuộc “cách mạng đại văn hoá”. Đây có thể coi là một cuộc cách mạng của văn học từ phương diện tư tưởng đến phương thức biểu hiện – một cuộc cách mạng của chủ nghĩa hiện thực chống lại chủ nghĩa phản hiện thực. “Văn học Vết thương” trong cuộc tranh luận gay gắt đã phát triển nhanh chóng. Trong hai năm 1977, 1978 truyện ngắn của “Văn học Vết thương” đã chiếm lĩnh vị trí quan trọng trên văn đàn Trung Quốc giai đoạn đầu sau cuộc “Cách mạng văn hoá”.                      
2.3.      GIAI ĐOẠN ĐIỀU CHỈNH TỪNG BUỚC
Đầu năm 1980 giới sáng tác kịch bản toạ đàm hội thảo, thảo luận, phê phán khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật không đúng đắn, đồng thời nêu ra vấn đề lí luận của “hiệu quả xã hội”, gây nên sự chú ý của văn đàn. Rất nhiều nhà văn có ý thức lấy tác phẩm làm “hồ sơ xã hội”, làm tấm gương soi đối với tư tưởng sáng tác và phương pháp nghệ thuật nhằm mục đích nhìn lại, tổng kết, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội và điều kiện đời sống. Do đó, “văn học vết thương” dần dần đi đến vị trí “chi lưu”. Một trào lưu mới của văn học mạnh mẽ đi lên, bắt đầu thay thế vị trí của “văn học vết thương” và trở thành trào lưu chính của truyện ngắn trong thời kì mới. Đó là hàng loạt tác phẩm văn học lấy việc “miêu tả trước mắt” làm đề tài chính. Bắt đầu từ truyện ngắn Kiều Xưởng trưởng nhậm chức sáng tác năm 1979. Tiếp theo là các truyện ngắn ưu tú khác xuất hiện cũng được người đọc đón nhận nồng nhiệt như Trần Hoán Sinh lên thành phố… Nhà văn đem ánh mắt từ “mười năm động loạn” để nhìn cuộc sống hiện đại, biểu hiện một cách sinh động, chân thực cuộc sống mới, con người mới và vấn đề mới của thời kì mới sau cuộc “Cách mạng văn hoá”.
2.4.      GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO MỚI
Một mặt, do nhiệm vụ trọng tâm của đất nước đã chuyển sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đời sống nhân dân đã đi vào quỹ đạo chính. Mặt khác, do sự phát triển thay đổi không ngừng của chính bản thân văn học, vì vậy từ năm 1981 trở đi phần lớn tác phẩm miêu tả những vấn đề lớn lao của xã hội theo kiểu “tính bộc phá” giống như các giai đoạn trước đã dần dần giảm bớt. Về đề tài, truyện ngắn đã hướng đến lĩnh vực rộng lớn của đời sống, hướng đến sự phát triển “phóng đại” của đời sống. Về mặt thủ pháp biểu hiện, truyện ngắn hướng đến những sự phát triển ngày càng tăng của tính đa dạng hoá.
Qua sự phát triển trong sáu năm, sáng tác truyện ngắn đã có được những     thành tựu nổi bật.
Trước hết, truyện ngắn đã phát huy đầy đủ ưu thế thể tài của mình: một mặt phản ánh một cách kịp thời hiện thực đời sống đang phát triển nhanh chóng về mọi mặt, phản ánh một số mảng cuộc sống có ý nghĩa của những năm tháng quá khứ; mặt khác, phản ánh chủ lưu hiện thực đời sống của thời kì mới, đồng thời cũng miêu tả bức tranh đời sống muôn màu muôn vẻ, rộng rãi bao la đang diễn ra.
Những tác phẩm phản ánh mâu thuẫn và những xung đột trong hiện thực đời sống hiện tại chiếm vị trí chủ lưu mà Lưu Tâm Vũ, Trương Khiết… là những nhà văn tiêu biểu của văn học thời kì mới ở thể loại văn học này. Họ đi lên từ việc viết về đề tài “cách mạng văn hoá”. Tiếp theo là những tác phẩm hồi tưởng lịch sử, tổng kết các lời giáo huấn lịch sử bị coi là tác phẩm của “văn học phản tư”…Tiếp theo là những truyện ngắn miêu tả cản trở trong quá trình “bốn hiện đại hoá” và cuộc tranh đấu khắc phục trở ngại của cái gọi là “văn học cải cách”, những truyện ngắn này từ nhiều góc độ khác nhau đã phản ảnh những biến đổi to lớn ở nông thôn hiện tại.
Ngoài một số “chủ lưu” này, về đề tài truyện ngắn đang hình thành mấy xu hướng phổ biến sau đây :
Viết về cuộc sống thời cũ, cuộc sống quê hương và cuộc sống của thời kì thiếu niên, nhi đồng với số lượng không ít. Nhà văn Uông Tăng Kỳ lấy tình cảm con người và phong thổ quê hương Cao Bưu, thuộc tỉnh Giang Tô, quê hương của ông làm đề tài. Truyện ngắn Ngày hôm qua còn lại của Phùng Ký Tài đều là những truyện ngắn tiêu biểu về đề tài này.
Một số nhà văn khác chú ý lựa chọn đề tài góc cạnh, từ bề mặt, bối cảnh, hình ảnh của cuộc sống để biểu hiện bề mặt của đời sống xã hội mà mình đang sống. Hơn nữa, các nhà văn có suy nghĩ, quan sát và phát hiện nhiều vấn đề rất có ý nghĩa đối với cuộc sống. Thành công của Lưu Tâm Vũ không chỉ là ở chỗ tác giả phát hiện sự huỷ hoại của “mười năm động loạn” đối với con người theo kiểu “tiểu lưu manh” như trường hợp của Tống Bảo Kỳ nhưng quan trọng là ở chỗ tác giả đã chỉ ra sự độc hại của cuộc “cách mạng văn hoá” đối với trường hợp “tiêu chuẩn học sinh tốt” qua nhân vật Tạ Huệ Mẫn…
Truyện ngắn của thời kì mới đã sáng tạo nhiều hình tượng nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn, có chiều sâu, gây chú ý nhất cho mọi người là sự xuất hiện hình tượng người lao động có tâm hồn cao đẹp. Nhân vật Thiên Cẩu, Hắc thị trong hai truyện ngắn cùng tên của Giả Bình Ao đã biểu hiện một cách điển hình đức tính tốt đẹp của người nông dân bình thường Trung Quốc.
Truyện ngắn thời kì mới còn sáng tạo hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa phong phú và đa dạng. Đó là một người yêu nước và vươn lên với lí tưởng cao đẹp như Trần Cảo trong truyện Mắt đêm của Vương Mông; hay đó là nhân vật “chị”- đại diện của những con người mang nặng vết thương lòng do ảnh hưởng của “bè lũ bốn tên”, đắm chìm trong những nỗi đau đến cháy lòng nhưng chị đã biến đau thương thành sức mạnh để dùng hết sức lực của tuổi trẻ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
Ngoài ra truyện ngắn thời kì mới đã sáng tạo hình tượng các nhân vật nhỏ bé và con người bình thường trong cuộc sống đời thường: Chương Hào, một thanh niên thời hiện đại trong sự mê muội những cái giả tạo, ảo ảnh hay ông lão Vương Hữu Phúc với sự lạc lõng và bất cập trong một cuộc sống “thời thượng” đến xa lạ chóng mặt…
Truyện ngắn của thời kì mới về mặt thể loại, phương pháp biểu hiện đã đạt được sự rộng rãi bao la và tự do phát triển. Thể tài, cách thức và phương pháp biểu hiện của truyền thống (thông qua tình tiết, bối cảnh, chi tiết sáng tạo nhân vật) vẫn chiếm địa vị chủ yếu, đồng thời xuất hiện nhiều phương pháp biểu hiện phong phú, đa dạng hơn thể loại truyện ngắn thời kì trước đó.
-               Truyện ngắn theo thể tản văn hoá hoặc thể tản văn : Đó là truyện ngắn của Uông Tằng Kỳ, truyện ngắn sáng tạo mới của Vương Mông, một số truyện ngắn của Phùng Ký Tài…
-               Truyện ngắn sáng tác theo tâm thái tiểu thuyết, chẳng hạn như truyện Thiên Cẩu Hắc thị của Giả Bình Ao…
-               Truyện ngắn theo thể hí kịch hài hước.
-               Truyện ngắn theo thể công văn.
Tuy có nhiều ưu điểm và đổi mới nhưng sáng tác truyện ngắn thời kì này còn tồn tại một số biểu hiện sau đây :
Trước hết, đó là tình trạng bắt chước lẫn nhau. Rất nhiều tác giả truyện ngắn không nhận thức được rằng việc sáng tạo ra cái mới trong văn học là đáng quí. Vì vậy, hễ có một truyện ngắn mới hay xuất hiện là lập tức nhiều tác giả khác mô phỏng theo. Tình trạng này dẫn đến việc trùng lắp đề tài, công thức hoá và khái niệm hoá mà sáng tác văn học nên tránh.
   Mang tiếng là truyện ngắn mà nội dung thì không ngắn, đó là vấn đề khá phổ biến. Viết về nhân vật nhất định là viết “truyện”, viết về sự kiện chắc chắn là viết “sử”. Theo đuổi cái gọi là “hoàn chỉnh”, “phong phú” và “sâu sắc” dẫn đến kết quả là “truyện ngắn” mà không ngắn. Một vấn đề khác cũng quan trọng đó là những năm gần đây sức mạnh tư tưởng của truyện ngắn đã giảm sút. Có một số nhà văn tự cảm thấy cần phải né tránh phản ánh những vấn đề gay gắt của cuộc sống, theo đuổi cái gọi là “xa lánh chính trị, càng xa càng tốt” và “câu chuyện không có năm tháng”. Điều này làm cho sức mạnh tư tưởng của truyện ngắn mềm yếu. Nếu không kịp thời khắc phục thì truyện ngắn của thời kì mới không đạt được kết quả cao như mọi người mong đợi…
  1. 3.      NHỮNG NỘI DUNG TIÊU BIỂU ĐƯỢC PHẢN ÁNH TRONG TRUYỆN NGẮN ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC
Thứ nhất, đó là lên án những “vết thương” do ảnh hưởng của “Bè lũ bốn tên”, đề cập đến hoàn cảnh giáo dục và những quan niệm mới về con người. Tiểu biểu cho nội dung này là truyện Chủ nhiệm lớp của Lưu Tâm Vũ. Truyện nói lên sự ảnh hưởng dai dẳng của độc tố mà “Bè lũ bốn tên” đã gieo vào tâm trí của thế hệ trẻ làm họ suy nghĩ lệch lạc và thậm chí tha hoá, đồng thời truyện cũng đề cao trách nhiệm của nhà giáo dục trong việc cải tạo tâm hồn, thanh lọc trí óc cho lớp thanh niên lệch lạc ấy bằng một trách nhiệm lớn lao và tấm lòng cao cả. Hay đó là truyện Vết thương của Lưu Tân Hoa, truyện đã nêu bật lên sự ảnh hưởng nặng nề và sự phân biệt nghiệt ngã mà con người đã chịu từ nọc độc do “Bè lũ bốn tên” để lại. Họ không thể chối bỏ quá khứ, bị cho là phản bội (dù là nhiệm vụ hay bị hiểu lầm đi chăng nữa) và phải chịu sự khinh rẻ, đề phòng của mọi người. Hay đó là truyện Bảo vệ anh đào của Cừu Sơn Sơn nói về tấm lòng hi sinh cho sự nghiệp giáo dục, tất cả vì học sinh thân yêu, quyết không để sự bất công, dốt nát ảnh hưởng đến thế hệ sau. Hay đó là sự chiêm nghiệm về cuộc sống của nhà văn nặng nghiệp văn chương, muốn hết lòng thực hiện lý tưởng nhưng những quan niệm lỗi thời đã kìm hãm không cho những khát vọng nghệ thuật bay cao bay xa. Nhưng chung nhất vẫn là sự ý thức mạnh mẽ trách nhiệm của bản thân cùng lòng yêu nước thiết tha, muốn dùng hết sức lực và tài năng phục vụ tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thứ hai, đó là những truyện viết về những mối quan hệ của xã hội, cộng đồng, vấn đề cải tạo những mối quan hệ ấy theo chiều hướng tốt đẹp, làm ngời sáng tình người với nhau. Đồng thời cũng nêu lên được những giá trị truyền thống tốt đẹp cần phải được gìn giữ. Những truyện Chim phóng sinh của Hoàng Mỹ Hoa, Lá thư tình của Cố Công, Kính của Giả Bình Ao là những suy ngẫm, trăn trở về giá trị truyền thống ngày càng bị mai một trong xã hội ngày nay. Sự phóng túng của lớn thanh niên, thói đạo đức giả tạo được che đậy đến nực cười hay sự lạc lõng của lớp người đi trước giữa cảnh xa hoa dị thường của lối sống hiện đại hoá điện cuồng đã làm cho người đọc phải gấp trang sách lại để suy gẫm. Đó như những tiếng chuông cảnh tỉnh con người hãy quay về cội nguồn để gìn giữ những giá trị tốt đẹp vốn có. Những truyện như Đinh hương tháng Mười của Vương Tùng, Song cầm tế của Lương Hiểu Thanh, Lá phong của Vương Mông thì cũng những vấn đề trên nhưng các tác giả đề cập đến có phần thẳng thiết và da diết hơn bằng những triết lí sâu sắc lay động lòng người, kết hợp với bút pháp tượng trưng đầy ý nghĩa biểu cảm. Đề tài những người nông dân cũng được đề cập đến một cách chân thật và đầy ý nghĩa giáo dục, sự cảm phục cùng lòng yêu quí đã trở thành điểm nhấn cho những tác phẩm này. Chúng ta như được hiểu thêm về đời sống cơ cực của những người nông dân, hơn thế nữa còn thấy được ở họ vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng. Những truyện ngắn về người nông dân của Giả Bình Ao là những truyện như thế. Hắc Thị, Thiên Cẩu, Triền núi hẹp đều là những thiên truyện cảm động về những người lao động thật thà, mộc mạc nhưng thanh cao thuần khiết. Trên nền phong cảnh hùng vĩ của núi non hay bạt ngàn của đồng lúa xanh mơn mởn, chân dung của những người lao động vẫn hiện lên sừng sừng và tỏa sáng nơi tâm hồn trong trẻo, cao đẹp, soi rọi cho những ước mơ cháy bỏng, khát vọng tự do, được là chính mình, sống bằng năng lực và tình yêu của bản thân mình.
Thứ ba là những truyện có nội dung phản ánh cuộc sống và sự khát khao tình cảm của con người thời hiện đại. Đây là những câu truyện nhẹ nhàng, trầm lắng và sâu sắc. Những câu chuyện rất đỗi đời thường, xảy ra hằng ngày trong đời sống. Đó là truyện Nhà văn và thiếu nữ của Triệu Quảng Tồn, Chào em, Tiểu Mai của Vương Quân, San San và Sa Sa của Nhiêu Kiến Trung, Đoá hồng cuối cùng của Từ Tuệ Phấn – những câu chuyện tưởng chừng bình thường nhưng đó lại hiện thực của cuộc sống mà hằng ngày chúng ta vô tình hay hữu ý đã bỏ quên mất. Những cảm xúc bình thường nhất cũng tạo nên những vẻ đẹp tự nhiên nhất. Những câu chuyện trên như những bài tình ca êm đềm, thơ mộng tạo sự đồng cảm với người đọc. Thêm vào mảng nội dung này còn có những câu truyện về những thân phận của tình yêu. Họ yêu nhau thật lòng nhưng vì nhiều lý do, mà áp đảo nhất là sự môn đăng hộ đối – sự phân biệt nghiệt ngã giữa giàu và nghèo làm cho tình yêu của họ thật buồn và đầy bi kịch. Tiêu biểu cho những mối tình ngang trái ấy là truyện Hai vé xem phim của Khuyết Danh, Chuông gió của Lưu Quốc Phương. Nếu ở trên là những bản tình ca sâu lắng, lãng mạn của những chuyện hằng ngày trong cuộc sống bộn bề này thì các thiên truyện ở dưới như những khoảng lặng buồn của bản tình ca trắc trở phân li làm cho chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Còn truyện Thời đại ảo của Ngô Huyền như một tiếng chuông gióng lên cảnh báo con người trong thời đại khoa học kỹ thuật. Khi mà máy móc dần thay thế con người thì sự ảo ảnh mộng mị của thế giới ảo sẽ làm con người ta xa rời cuộc sống, biến ta thành môn đồ sùng tín đến mê muội không tìm ra lối thoát. Chính vì thế ngày nay tâm thế và phương châm sống của con người đã phần nào bị “ảo hoá”. Trong cuộc sống, con người không thể chỉ chạy theo ảo tưởng mà quên đi hiện thực, phải biết chọn lọc những tác động để không bị sa vào thời đại ảo một cách mù quáng, tỉnh táo và ý thức là luôn luôn cần thiết và con người càng ngày càng phải thận trọng với những phát minh của mình. 
Trên đây là những nội dung tiêu biểu của một số truyện ngắn đương đại Trung Quốc. Tuy chưa có điều kiện tìm đọc thêm và vì tư liệu quá đồ sộ nên chúng tôi chỉ đi vào một số truyện tiêu biểu. Nhưng thiết nghĩ qua những thiên truyện này chúng ta phần nào thấy được xã hội Trung Quốc đương thời về bối cảnh cuộc sống cũng như tâm tư tình cảm của con người Trung Quốc hiện nay.
Ở đây chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu thể loại truyện ngắn Trung Quốc đương đại với sự chọn lọc một số truyện tiêu biểu. Nếu như tiểu thuyết là mảnh đất có khả năng bao trùm cả cuộc đời số phận nhân vật một cách chi tiết tỉ mỉ nhất thì với đặc trưng thể loại – truyện ngắn chỉ là những lát cắt cuộc đời nhân vật, những khoảnh khắc của tâm hồn trước hiện thực nên dung lượng ngắn gọn, hạn chế. Cho nên, cái “hồn” của truyện ngắn hay sự bộc lộ tư tưởng của tác giả trước các hiện thực của cuộc sống được thể hiện chủ yếu qua các nhân vật. Vì thế cách xây dựng hình tượng nhân vật để bộc lộ được cái nhìn của tác giả cũng như đặt ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội đi liền với sự thành công của tác phẩm truyện ngắn. Với một sự phản ánh hiện thực một cách kịp thời mà súc tích thì các hình tượng nhân vật trong các truyện ngắn Trung Quốc đương đại cũng rất đặc sắc, đây cũng là đề tài mà chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu qua các hình tượng nhân vật cụ thể. Đó là hình tượng nhân vật trí thức, hình tượng nhân vật nông dân và hình tượng nhân vật lao động khác.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved