Home » » GIAI CẤP VÀ DÂN TỘC

GIAI CẤP VÀ DÂN TỘC

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:41

GIAI CẤP VÀ DÂN TỘC
CHƯƠNG XI

GIAI CẤP VÀ DÂN TỘC

Mục tiêu

Sau khi học xong chương này anh/chị nắm được quan điểm cơ bản của triết học Mác-Lênin về giai cấp và các quan hệ giai cấp, dân tộc; từ đó, hiểu được sự vận dụng lý luận này của Đảng ta vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Nội dung

I. NHỮNG HÌNH THỨC CỘNG ĐỒNG NGƯỜI TRONG LỊCH SỬ

1. Những hình thức cộng đồng người trước dân tộc

a. Thị tộc

Thị tộc là cộng đồng người gồm khoảng vài trăm người cùng huyết thống. Thị tộc là một đơn vị sản xuất và là một hình thức tồn tại cơ bản của xã hội nguyên thuỷ. Ngoài những đặc trưng về huyết thống, thị tộc còn có những quan hệ cộng đồng chung về ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng, văn hoá.

Thị tộc có khu vực cư trú, vùng săn bắt và tên gọi riêng.

Cơ sở kinh tế của thị tộc là quyền sở hữu chung về tư liệu sản xuất và tài sản chung. Mọi thành viên trong thị tộc cùng lao động và cùng hưởng thành quả lao động.

Hội đồng thị tộc lãnh đạo thị tộc. Người đứng đầu thi tộc được gọi là tộc trưởng và được bầu ra để lãnh đạo thị tộc.

b. Bộ lạc

Bộ lạc là một tập hợp dân cư được tạo thành từ nhiều thị tộc có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân liên kết với nhau. Nói khác đi, nhiều thị tộc có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân liên kết nhau tạo thành bộ lạc. Thị tộc gốc được gọi là bào tộc.

Bộ lạc có đặc trưng: có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hoá, tín ngưỡng và cùng chung sống trên một vùng lãnh thổ (mặc dù chưa bền vững). Bộ lạc có sở hữu cao hơn thị tộc (lãnh thổ, nơi trồng trọt, săn bắt, chăn nuôi, v.v.)

Hội đồng tộc trưởng lãnh đạo bộ lạc.

c. Bộ tộc

Bộ tộc là cộng đồng dân cư hình thành từ sự liên kết nhiều bộ lạc và liên minh các bộ lạc trên cùng cùng một vùng lãnh thổ nhất định tạo thành. Bộ tộc đông hơn bộ lạc. Mỗi bộ tộc có tên gọi riêng và có đặc điểm kinh tế, văn hoá riêng. Khác với thị tộc và bộ lạc, bộ tộc có vùng lãnh thổ tương đối ổn định, dân cư đa dạng và đan xen, đa ngôn ngữ và văn hoá. Ngôn ngữ của bộ lạc nào chiếm vị trí trung tâm của sự giao lưu được coi là ngôn ngữ chung của bộ tộc. Thời kỳ bộ tộc đã xuất hiện chế độ tư hữu, nhà nước đã xuất hiện.

2. Dân tộc

Dân tộc là cộng đồng xã hội - tộc người ổn định bền vững, là sự kết tinh độc đáo các thể cộng đồng về lãnh thổ, về ngôn ngữ, về kinh tế, về văn hóa, tâm lý và tính cách.

Những cộng đồng người được coi là dân tộc có các đặc trưng chủ yếu sau:

Một là, cộng đồng về lãnh thổ, bao gồm chủ quyền về vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa, v.v. Trong một quốc gia nhiều dân tộc thì lãnh thổ quốc gia gồm lãnh thổ của tất cả các dân tộc thuộc quốc gia ấy hợp thành. Lãnh thổ là chủ quyền không thể chia cắt, là cơ sở hình thành nên tổ quốc của mỗi quốc gia dân tộc.

Hai là, cộng đồng về kinh tế. Cộng đồng chung về kinh tế đảm bảo cho sự tồn tại và thống nhất của mỗi quốc gia dân tộc.

Ba là, cộng đồng về ngôn ngữ. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của dân tộc mình, nhưng trong một quốc gia bao giờ cũng có một ngôn ngữ chung thống nhất. Ngôn ngữ được chọn làm ngôn ngữ thống nhất của dân tộc quốc gia bao giờ cũng là sản phẩm và kết quả tất yếu của một quá trình hết sức lâu dài của sự phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam như người Tày, người Thái, người Nùng, người Mường, người Êđê, đều có ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhưng tiếng Kinh (Việt) được coi là ngôn ngữ chung của dân tộc Việt Nam. Một dân tộc có thể dùng các ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp nhưng tiếng mẹ đẻ - ngôn ngữ chung của dân tộc, một quốc gia thống nhất là đặc trưng bản chất và là nhân tố kết nối các dân tộc thành một quốc gia có chủ quyền. Ngôn ngữ là nền tảng văn hoá đồng thời còn là di sản văn hoá tinh thần của dân tộc.

Bốn là, cộng đồng về văn hóa, tâm lý, tính cách. Văn hoá là yếu tố đặc biệt trong sự gắn kết cộng đồng dân tộc thống nhất. Đặc trưng chung của văn hoá dân tộc là thống nhất trong tính đa dạng. Văn hoá là động lực phát triển của dân tộc, là công cụ bảo vệ độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia dân tộc. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc bao gồm đấu tranh chống đồng hoá về văn hoá. Đồng thời, mỗi dân tộc có tâm lý, tính cách riêng. Nó phản ánh những điều kiện sống, điều kiện địa lý, dân cư, văn hoá, v.v.

Bốn cộng đồng này vừa kết dính dân tộc vừa tạo ra động lực để mỗi dân tộc phát triển.

Dân tộc ở châu Âu (Tây Âu) hình thành do sự phát triển tư bản chủ nghĩa. Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la tinh, do những điều kiện đặc thù, dân tộc hình thành không cùng với chủ nghĩa tư bản, có dân tộc hình thành trước chủ nghĩa tư bản, gắn với điều kiện lịch sử về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở các nước đó.

Dân tộc Việt Nam có quá trình hình thành sớm. Dân tộc Việt Nam hình thành trước chủ nghĩa tư bản, gắn liền với hoàn cảnh đặc thù của ta. Quá trình dựng nước và giữ nước cũng là quá trình hình thành dân tộc Việt Nam. Quá trình chống thiên tai và giặc ngoại xâm đã sớm cố kết con người trên mảnh đất này để hình thành nên dân tộc Việt Nam.

II. GIAI CẤP VÀ ĐẤU TRANH GIAI CẤP

1. Giai cấp

a. Khái niệm giai cấp

C.Mác và Ph.Ăngghen chưa nêu ra một định nghĩa về giai cấp, mà đến Lênin, năm 1919, trong tác phẩm “Sáng kiến vĩ đại” đã nêu ra một định nghĩa về giai cấp: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn người to lớn khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này thì có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định”.

Như vậy, nói giai cấp là nói đến sự khác nhau giữa các tập đoàn người về địa vị trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định. Địa vị khác nhau này được thể hiện ở ba quan hệ xét từ ba mặt trong quá trình sản xuất như sau:

Thứ nhất, khác nhau về quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất (sự khác nhau đó được pháp luật quy định và thừa nhận).

Thứ hai, khác nhau về vai trò của họ trong tổ chức lao động, trong tổ chức quản lý sản xuất.

Thứ ba, khác nhau về phương thức và quy mô thu nhập hay phân phối của cải xã hội.

Ở đây, khác nhau về quan hệ đối với tư liệu sản xuất là sự khác nhau cơ bản nhất. Trong định nghĩa, Lênin chỉ ra thực chất của tình trạng xã hội phân chia giai cấp là do tập đoàn này có thể chiếm đoạt sản phẩm lao động của tập đoàn khác. Trong xã hội có giai cấp, ngoài giai cấp thống trị và giai cấp bị trị (những giai cấp cơ bản của xã hội) còn có các giai cấp, tầng lớp trung gian khác. Bộ phận này không có vị trí cơ bản trong phương thức sản xuất thống trị, nó thường xuyên bị phân hoá. Nhân tố chi phối sự phân hoá này chính là lợi ích. Nghĩa là các giai cấp trung gian, các tầng lớp trung gian ngả về giai cấp nào trong xã hội là do lợi ích của họ chi phối.

Định nghĩa giai cấp của Lênin là một định nghĩa khoa học có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Nó cho ta cơ sở để phân biệt giai cấp với tầng lớp, vì tầng lớp không gắn với sản xuất vật chất. Nó cũng cho ta cơ sở để phân biệt giai cấp với đẳng cấp - hệ thống khép kín được pháp luật quy định và thừa nhận, có tính chất cha truyền con nối.

Việc vận dụng lý luận trên đây để xem xét các giai cấp trong lịch sử cũng cần tránh giản đơn, bởi các quan hệ giai cấp biểu hiện thông qua nhiều hiện tượng phức tạp.

b. Nguồn gốc giai cấp

Triết học Mác-Lênin đã bác bỏ những quan niệm sai lầm cho rằng, giai cấp là những người cùng huyết thống, sở thích, nghề nghiệp, v.v. Sự xuất hiện giai cấp gắn liền với lịch sử phát triển của nền sản xuất vật chất của xã hội.

Nguồn gốc sâu xa của sự ra đời các giai cấp là do sự phát triển của lực lượng sản xuất, còn nguồn gốc trực tiếp của nó là do chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất.

Sự xuất hiện giai cấp diễn ra theo hai con đường:

Thứ nhất, sự phân hóa trong nội bộ công xã thành kẻ giàu, người nghèo; kẻ bóc lột - người bị bóc lột. Đó là do lực lượng sản xuất phát triển, phân công lao động phát triển. Sự phát triển của kinh tế dẫn đến xuất hiện của cải dư thừa trong xã hội. Khi ấy, những người có chức, quyền trong bộ lạc, thị tộc có cơ hội lấy một phần của dư thừa làm của riêng. Chế độ tư hữu ra đời, xuất hiện giai cấp có của và giai cấp không có của, kẻ bóc lột và người bị bóc lột.

Thứ hai, những tù binh của các cuộc chiến tranh không bị giết như trước kia nữa mà được giữ lại làm nô lệ để phục vụ những người giàu có. Những người đứng đầu công xã do có địa vị xã hội thâu tóm sức mạnh kinh tế, ngày càng giầu lên. Tuy nhiên, con đường thứ hai hình thành giai cấp này không phải là phổ biến với tất cả các dân tộc.

c. Kết cấu giai cấp

Kết cấu giai cấp gắn với một phương thức sản xuất nhất định. Mỗi phương thức sản xuất có một kết cấu giai cấp cụ thể phù hợp với nó.

Trong một xã hội, kết cấu giai cấp thường đa dạng do tính đa dạng của chế độ kinh tế và cơ cấu kinh tế quy định.

Xem xét một xã hội cụ thể bao giờ cũng có giai cấp cơ bản và giai cấp không cơ bản:

- Các giai cấp cơ bản là các giai cấp gắn với phương thức sản xuất thống trị trong một xã hội nhất định. Nó là sản phẩm của chế độ kinh tế - xã hội cụ thể. Ví dụ, hai giai cấp cơ bản trong chế độ nô lệ là chủ nô và nô lệ; trong chế độ phong kiến là địa chủ, quý tộc và nông nô; trong chế độ tư bản là công nhân (vô sản) và tư sản.

- Các giai cấp không cơ bản là những giai cấp gắn với những phương thức sản xuất tàn dư (ví dụ, giai cấp nô lệ trong buổi đầu của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và châu Mỹ) hoặc phương thức sản xuất mầm mống sau đó (ví dụ, như giai cấp tư sản và giai cấp công nhân công trường thủ công trong giai đoạn cuối của chủ nghĩa phong kiến).

Ngoài hai giai cấp cơ bản và các giai cấp không cơ bản còn có tầng lớp trung gian là sản phẩm của chính phương thức sản xuất đang thống trị, hoặc là kết quả của quá trình phân hoá xã hội liên tục xảy ra trong bất cứ xã hội nào. Ví dụ, tầng lớp bình dân trong xã hội chiếm hữu nô lệ; các tầng lớp tiểu tư sản thành thị và nông thôn trong xã hội tư bản chủ nghĩa, v.v.

Giai cấp cơ bản và không cơ bản có thể có sự chuyển hóa khi có một phương thức sản xuất mới thay thế một phương thức sản xuất trước nó. Do vậy, kết cấu giai cấp của xã hội luôn mang tính lịch sử, không phải là bất biến.

2. Đấu tranh giai cấp

a. Khái niệm đấu tranh giai cấp

Theo triết học Mác-Lênin, trong xã hội có giai cấp đối kháng nhau tất yếu có đấu tranh giai cấp. V.I.Lênin định nghĩa đấu tranh giai cấp như sau:

“Đấu tranh giai cấp là đấu tranh của một bộ phận dân này, chống một bộ phận khác, cuộc đấu tranh của quần chúng bị tước hết quyền, bị áp bức và lao động, chống bọn có đặc quyền, đặc lợi, bọn áp bức và bọn ăn bám. Cuộc đấu tranh của những người công nhân làm thuê hay những người vô sản chống những người hữu sản hay giai cấp tư sản” (Lênin, Toàn tập, tập 7, Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr.237).

Đấu tranh giai cấp thực chất là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp có lợi ích cơ bản (lợi ích kinh tế) đối lập nhau không thể điều hoà được. Ví dụ, đấu tranh giữa chủ nộ và nô lệ trong chế độ chiếm hữu nô lệ; đấu tranh giữa vô sản và tư sản trong xã hội tư bản chủ nghĩa, v.v. Đấu tranh giữa nông dân và công nhân (nếu có) trong chủ nghĩa xã hội xét về bản chất không phải là đấu tranh giai cấp, vì lợi ích của công nhân và nông dân về cơ bản là thống nhất với nhau. Do vậy có thể giải quyết bằng con đường thoả hiệp, thoả thuận, đàm phán, v.v.

Đi đôi với đấu tranh giai cấp là liên minh giai cấp. Liên minh giai cấp là một tất yếu trong cuộc đấu tranh giai cấp. Những giai cấp, tầng lớp có lợi ích cơ bản không đối lập nhau, phù hợp nhau liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh giai cấp. Thực hiện liên minh giai cấp cũng là đấu tranh giai cấp. Chính vì vậy, trong quá trình của cuộc đấu tranh giai cấp, mỗi giai cấp đều tập hợp những lực lượng, những giai cấp, những tầng lớp khác nhau trong xã hội về phía mình. Cơ sở của sự liên minh này là sự phù hợp về lợi ích, có thể là cơ bản, lâu dài, có thể là không cơ bản và tạm thời.

b. Đấu tranh giai cấp là một trong những động lực phát triển của xã hội có giai cấp

Nguồn gốc của sự phát triển xã hội là do sự phát triển của sản xuất, là sự thay thế các phương thức sản xuất khi lực lượng sản xuất phát triển đến mức mâu thuẫn gay gắt với quan hệ sản xuất lỗi thời. Đấu tranh giai cấp có ý nghĩa là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội, nó là phương thức cơ bản để giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Thông qua đấu tranh giai cấp quan hệ sản xuất mới được xác lập phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở đó thúc đẩy xã hội vận động, phát triển.

Đấu tranh giai cấp là phương tiện, điều kiện chứ không phải là mục đích. Mục đích của đấu tranh giai cấp là làm cho sản xuất phát triển, kinh tế phát triển. Trên cơ sở đó thúc đẩy xã hội phát triển. Bởi lẽ, sự phát triển của kinh tế là nguyên nhân sâu xa của sự phát triển xã hội.

Thông qua đấu tranh giai cấp mà giai cấp cách mạng, lực lượng tiến bộ trưởng thành. Bởi lẽ, trong đấu tranh giai cấp, giai cấp cách mạng phải xoá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, bảo thủ đồng thời cải tạo chính bản thân mình.

Thông qua đấu tranh giai cấp mà các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, đạo đức, v.v được phát triển. Trên cơ sở đó thúc đẩy xã hội phát triển.

Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp không phải là động lực duy nhất, mặc dù nó là động lực vô cùng quan trọng, như Mác và Ăngghen nói, nó là đòn bẩy vĩ đại của cuộc cách mạng xã hội hiện đại. Ngoài đấu tranh giai cấp, còn nhiều động lực khác mà vai trò, vị trí của mỗi động lực khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển của kinh tế - xã hội ở mỗi giai đoạn. Chẳng hạn, sự phát triển của khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, v.v cũng là những động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Đấu tranh giai cấp là quy luật chung của các xã hội có giai cấp. Song quy luật này có những biểu hiện đặc thù trong từng xã hội cụ thể.

Ở Việt Nam hiện nay đấu tranh giai cấp vẫn là một tất yếu khách quan. Bởi lẽ, vẫn còn những lực lượng đi ngược lại lợi ích của nhân dân lao động, của dân tộc và nhà nước ta. Hơn nữa, chúng ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cho nên cuộc đấu tranh giai cấp vẫn là tất yếu.

Thực chất đấu tranh giai cấp ở Việt Nam hiện nay là đấu tranh chống khuynh hướng tự phát tư bản chủ nghĩa và các thế lực thù địch đi ngược lại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay là phức tạp. Bởi lẽ, đối tượng của cuộc đấu tranh không trực tiếp, rõ ràng như trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Kẻ thù của cách mạng ẩn dấu đằng sau các vấn đề kinh tế, văn hoá, v.v. Đã vậy, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ) và đông Âu tạm thời suy thoái. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất. Kẻ thù thì dùng mọi thủ đoạn, đặc biệt là “diễn biến hoà bình để chống phá cách mạng”.

Nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta hiện nay là không ngừng củng cố chính quyền nhà nước của dân, do dân, vì dân; là "thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng chủ nghĩa xã hội, khắc phục tình trạng nước nghèo, thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức bất công, đấu tranh ngăn chặn những hành động tiêu cực, sai trái. Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc"; giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc; xây dựng thành công nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hình thức đấu tranh đa dạng, tổng hợp.

III. QUAN HỆ GIAI CẤP - DÂN TỘC

1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin

a. Vai trò của giai cấp đối với dân tộc:

Trong quan hệ biện chứng giữa giai cấp và dân tộc thì quan hệ giai cấp xét đến cùng là nhân tố có vai trò quyết định đối với sự hình thành dân tộc, tính chất dân tộc, xu hướng phát triển của dân tộc.

Áp bức giai cấp là nguyên nhân căn bản, sâu xa của áp bức dân tộc. Dân tộc này áp bức, thống trị dân tộc khác về thực chất là giai cấp thống trị dân tộc này áp bức, bóc lột dân tộc khác.

Nhân tố giai cấp là nhân tố cơ bản, hàng đầu trong phong trào giải phóng dân tộc. Điều này thể hiện ở chỗ, giai cấp nào lãnh đạo phong trào, những giai cấp nào là nòng cốt của phong trào, liên minh với giai cấp nào. Những điều này có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc.

b. Vai trò của dân tộc đối với giai cấp:

Sự tác động của dân tộc đối với giai cấp thể hiện, dân tộc là địa bàn trực tiếp của các quá trình kinh tế - xã hội, là cơ sở của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Các cuộc cách mạng xã hội và trình độ phát triển dân tộc có vai trò to lớn đối với trình độ phát triển giai cấp.

Vấn đề dân tộc là vấn đề cơ bản, hàng đầu của cách mạng vô sản. Vấn đề dân tộc chỉ được nhận thức và giải quyết đúng đắn trên lập trường của giai cấp công nhân.

Phong trào giải phóng dân tộc ảnh hưởng to lớn đến đấu tranh giai cấp.

Trong lịch sử, khi giai cấp đang lên, đại biểu cho sự phát triển của lực lượng sản xuất, cho sự tiến hóa của xã hội thì nó cũng là giai cấp đại biểu cho lợi ích chân chính của dân tộc. Giai cấp đó có khả năng nắm ngọn cờ dân tộc để tập hợp lực lượng, chống giai cấp thống trị phản động và chống bọn áp bức thuộc các dân tộc khác.

Khi giai cấp thống trị đã trở thành lỗi thời và phản động thì lợi ích giai cấp của nó mâu thuẫn gay gắt với lợi ích dân tộc. Nó sẵn sàng vứt bỏ lợi ích dân tộc để bảo vệ lợi ích giai cấp. Trong cuộc đấu tranh Pháp - Phổ, giai cấp tư sản Pháp khi ấy đã sẵn sàng bán đứng lợi ích dân tộc Pháp để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản.

Đảng ta giương cao ngọn cờ chủ nghĩa yêu nước và ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc đổi mới hiện nay chính là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, thúc đẩy tiến bộ xã hội.


2. Vận dụng sáng tạo quan hệ giai cấp trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là người vận dụng hết sức tài tình quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về quan hệ giai cấp - dân tộc - nhân loại. Người coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới.

Giải phóng giai cấp gắn liền với giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nếu dân tộc không được độc lập thì giai cấp không thể có tự do. Dân tộc không độc lập thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo chắc chắn cho độc lập dân tộc.

Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là của tất cả các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam. Chỉ trên cơ sở nỗ lực, cố gắng của toàn thể các dân tộc, chúng ta mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội.

Giải quyết đúng đắn quan hệ lợi ích dân tộc và quốc tế, giữa mở rộng giao lưu với giữ gìn độc lập dân tộc. Lợi ích dân tộc chân chính và lợi ích quốc tế của giai cấp công nhân và nhân dân lao động không đối lập nhau.

Kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chống chủ nghĩa sô vanh nước lớn, chủ nghĩa bá quyền áp đặt cho các dân tộc cái trật tự thế giới phục vụ cho lợi ích ích kỷ của một nước hay một nhóm nước có ưu thế về kinh tế và quân sự.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Trong chương XI anh/chị cần ghi nhớ những điểm sau:

1. Thực chất quan hệ giai cấp là tập đoàn người này chiếm đoạt lao động của tập đoàn người khác.

2. Đấu tranh giai cấp là đấu tranh giữa những giai cấp, tập đoàn xã hội có lợi ích cơ bản đối lập nhau không thể điều hoà được, đấu tranh giai cấp là một trong những động lực cơ bản của xã hội có giai cấp.

3. Quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc. Liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam. Ở nước ta lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là phù hợp với lợi ích dân tộc.

Chúc anh/chị thành công!

CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: Thực chất quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp là gì?

Câu hỏi 2: Anh/chị hãy phân tích mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc, liên hệ với tình hình thực tế ở Việt Nam?
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved