ĐÂU RỒI QUÁN DỐC CÂY ĐA
ĐÂU
RỒI QUÁN DỐC CÂY ĐA
Thu Tứ |
Lục bát như
nói
Từng say
gỗ đá
Ao
cạn, cá ngáp
Cũ còn, cũ mất
Còn chút của tin
Lục bát như
nói
Cái năm sau ấy có về Y.P. hỏi thăm
anh C., mà không gặp. Hàng xóm bảo anh đã chuyển công tác lên Bắc
Giang.
Muốn gặp lại một phần vì đôi bài
thơ được anh chép tặng. Thơ "trèo lên quán dốc":
"Đây rồi quán dốc cây
đa
Mà cô mặc
áo vỏ dà nay đâu
Mưa xuân gội đẫm mái đầu
Đi tìm người hát qua cầu gió
bay
Năm xưa
vẫn ở chốn này
Nhờ ai đan nón chơi ngày hội xuân
Còn đây chiếc nón ba tầm
Biết trao ai đội chơi rằm
tháng giêng
Chiều tàn nắng gợi nhớ thương
Hội tan về vẫn vấn vương tơ
sầu
Hỏi xuân
liền chị xưa đâu
Để cho nón tủi để sầu lòng ai
Ngày xuân thì vẫn còn dài
Hội xuân chỉ một hôm nay tan
rồi
Hát câu
giã bạn người ơi
Buồn trông lẻ bóng chim trời xa xa
Đây rồi quán dốc cây đa
Mà cô mặc áo vỏ dà nay
đâu."
Thơ làm tự nhiên như nói, nhắc Nguyễn Bính. Giá gặp lại được nhau, đã rủ
anh C. đi thăm tác giả (2), rồi có lẽ cùng kéo nhau đi xem hát.
Từng say gỗ
đá
Theo Hoàng Cầm, "quan họ
(...) là nghệ thuật hát thơ, những câu thơ (cốt
lõi là thể lục bát) trữ tình (...) đến mức có thể làm say cả gỗ
đá".(3)
Tình vốn nhiều loại, nhưng
được "trữ" trong những câu thơ các liền anh liền chị ưa "í a" dĩ nhiên là loại
tình yêu lãng mạn của trai gái lứa đôi. Thơ "Người ơi người ở đừng về" mà được
hát lên lối con gái Bắc Ninh thì đố trai tỉnh nào dứt... ô ra về cho được. Khối
anh cứ nghe những "í a", "í ơ", "ì a", "ối a", "hừ la", "ấy mấy", "tình tang" là
say tít, vừa "giã bạn" bên đám này xong đã cắp ô xuống ngay đò qua sông mà nghe
đám khác "mời nước mời giầu"!
Nghe hát thơ tình say đắm thế, mà
lại không phải gỗ đá, thì có muốn yêu cũng là thường chứ. Yêu ai, nếu chính liền
chị đã có thanh lại có sắc, thì ai nữa. Cho nên mới từng lẵng nhẵng "bướm lượn
hoa thơm" để nghe cho mòn tai cái giọng trong trẻo, vang như chuông, và ngắm cho
mòn mắt cái dáng thanh thanh, cái mặt đẹp tươi tắn mà oai như... cô tướng kia!
Nàng "ngồi tựa song đào" ới ơ "hỏi người tri kỷ" thì vấn vương quá đi chứ, tình
ơi. Còn "giữa tối đêm rằm", giữa "cái sáng giăng xuông" mà "nửa đêm về sáng" cô
mình lại kẽo cà kẽo kẹt "a la hự hới hư, a la hự hời hư..." thì đến "cỏ cây cũng
muốn hư hự hự hư"(4) cho trọn một bề, nữa là!
"Nay có thương nên tôi phải đi
tìm
Mai có nhớ tôi lại sang
chơi...
Í a...".(5)
Hoa thơm đã có người đánh vào chậu
nên thương là thương thầm, nhớ là nhớ trộm thôi.
Thế mà thoắt đã...
Thời gian.
Ao cạn, cá
ngáp
Nhớ Trần Văn
Khê. Không phải vì quan họ, mà vì tấm lòng đặc biệt thiết tha
với
đất nước của nhà dân nhạc học. Do "thân (...) tại ngoại", hàng ngày
ông cố nấu lấy món Việt mà ăn cho đảm bảo vĩnh viễn "hồn (sẽ) tại quê hương". Cố
ăn món quê để khỏi quên quê, cái ý đơn giản mà thật cảm động. Không phải ai nói
thế ta cũng dám tin đâu, nhưng Trần Văn Khê, căn cứ vào hàng nửa thế
kỷ tận tụy cống hiến cho việc tìm hiểu dân nhạc, vào vô số ý kiến đã phát biểu,
thái độ đã bày tỏ, ta có thể hoàn toàn tin.
Người Việt xa nước Việt ăn
món Việt để nuôi lòng yêu nước. Còn người Việt sống ngay ở Hà Nội, Sài Gòn v.v.
thì Trần
Văn Khê khuyên nên treo hình ảnh nhạc sĩ Việt Nam xuất sắc trong
các nhạc viện để trẻ đến học được chiêm ngưỡng tiền bối tài ba, qua đó phát
triển lòng tự tôn dân tộc (vì dân tộc đã do thua kém Tây về vật chất mà đâm tự
ti). Lại thật đơn giản và cảm động. Trộm nghĩ mai kia hậu thế có treo ảnh ai thì
treo, nhưng đừng quên treo thêm luôn một bức chân dung của chính người đã khuyên
treo ảnh!
Nấu, chan, húp canh chua cá
bông lau, chẳng hạn, là chuyện hoàn toàn khả thi. Treo tranh ảnh các tiền bối có
hơi rắc rối. Dân nhạc nói chung khuyết danh tác giả, hơn nữa ảnh đâu có mà treo
(ngay tranh truyền thần cũng hiếm), chắc chỉ lồng kiếng đưa lên vách được mỗi cụ
Cao Văn
Lầu! Dĩ nhiên nhạc sĩ tân nhạc thì ta tha hồ chọn người xứng đáng mà đưa
chân dung vào "hall of fame".
Lòng yêu nước đáng quý còn
khiến Trần Văn Khê sôi nổi sáng kiến nhiều
biện pháp cụ thể nhằm giúp phục hồi dân nhạc. Ông kêu gọi phổ biến điệu hát ru,
dạy trẻ em làm quen với trống da ếch, kèn lá chuối, ống đu đủ, phách tre, dạy
các em ngũ cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, khuyến khích nông dân vừa làm việc vừa
hò đối đáp v.v.(6)
Không thể nào được
đâu, cụ ơi. Không ai, kể cả cả một nhà nước cai trị hết sức chặt chẽ, có thể
khiến dân sinh hoạt "lạc thời" được lâu đâu.
Dân nhạc truyền thống nó là
sản phẩm của môi trường truyền thống. Môi trường cũ đẻ ra nó, nó vẫy vùng trong
môi trường ấy không cần ai khuyến khích. Nhưng hễ môi trường "héo" thì nó "ngáp"
theo liền, y hệt con cá thiếu nước, không tài nào cứu
được.
Cả nước đang đô thị hóa, công
nghiệp hóa rầm rầm, cả cái Quê mấy ngàn năm tuổi đang ào ào Tỉnh hóa mà cụ
khuyên mẹ hát ru con, chị hát ru em, con nít đánh trống da ếch, thổi kèn lá
chuối, các anh chị nông phu trở lại hò ơ như thời... Gia Long!
Ao sắp cạn ráo rồi, mà cụ kêu con
cá lội tung tăng thì nó lội làm sao, hỡi cụ!
Cũ còn, cũ
mất
Môi trường văn hóa
ở ta đang dâu bể dữ dằn, những thành quả văn hóa của thời trước chỉ may
ra bảo tàng được chứ không hy vọng giữ sống được, nói chi sống
khỏe.
Trước khi ao Quê không
còn giọt nước, ta bắt cá quan họ, cá chèo, cá ca trù v.v. lên bỏ vào đoàn dân ca
này, đoàn chèo kia, câu lạc bộ nọ cho cá sống tạm một thời gian. Cá bơi trong
"chum", "vại" cho khỏi quên... bơi rồi thi thoảng công diễn cho độ vài mươi
người còn yêu cá. Nhưng người yêu "mỗi năm mỗi vắng"(7), cá buồn biếng lội, rồi
ngoẻo luôn (tức khi cả miền Bắc không còn tìm
được một em trai em gái nào chịu học hát quan họ, chịu
tập diễn chèo). Đến lúc ấy kẻ sống lạc thời muốn thưởng thức chút "í a", "í ơ"
cho đỡ nhớ thời lạc, dù đang sống ngay trên quê hương quan họ, cũng chỉ có cách
sờ, bấm vào một cái nút!
Trần Văn Khê
nhắc tình hình ở Tây phương. Đa số thanh niên Tây bây giờ họ cũng thích món mới
như rock, rap, hip hopgì đó, chứ đâu có màng nghe Bach,
Beethoven, Chopin, Mozart, Schubert nữa. Chỗ khác giữa họ với ta là nhạc xưa của
Tây hết thời chứ không mất, nó cứ còn người học hoài để mà tiếp tục du dương
chễm chệ trên bàn thờ, còn nhạc xưa của ta thì nay con cháu không đứa nào chịu
rờ tới nên nó đành nằm... ngậm tăm dưới gầm giường.
Vẫn cái tự ti. Người ta giàu nên
thấy ông bà sao giỏi quá, cái gì làm cũng giỏi, cũng đáng giữ kỹ để khấn vái.
Còn ta nghèo nên đâm... mắc cỡ về mọi thứ của tổ tiên, bèn đem giấu hết! "Mai
sau (...) có bao giờ"(8) giàu lên như Tây, hãnh diện dân tộc phục hồi, loay hoay
tìm cái thành tích (bấy giờ mới thấy là) tuyệt vời của tiền nhân để hương khói,
chao ơi, đến lúc ấy dưới gầm giường e chỉ còn toàn không khí!
Còn chút
của tin
Mở hộp đĩa, lấy chút "của tin"(9)
ra, nhẹ đặt vào máy. "Bây giờ chia rẽ đôi nơi i ì ì ì i i (...) Tình chung í i
rằng là ai tỏ... cho nhau í i hỡi lòng (...) Tình tang tính, tính tang tình
(...) rằng anh Ba ơi, đương vui như thế này, chúng em trở ra về, liệu có nhớ đến
chúng em chăng, có nhớ đến chúng em không..."
Nhớ quá đi chứ, người ơi, quan họ
ơi, cái bóng vang của một thời ơi. "Ðây rồi quán dốc cây đa"...
__________________________
(1) Có lẽ ý chơi hội Lim (ngày
13/1 âm lịch).
(2) Theo anh C., tác giả
tên Văn
Thái, làm bài này năm 1992.
(3) Hoàng Cầm tác phẩm -
Thơ, nxb. HNV, VN, 2003, tr. 196.
(4) Cung oán, câu 16: "Cỏ
cây cũng muốn nổi tình mây mưa".
(5) Lời hát thực là: "Mai có nhớ
người lại sang chơi".
(6) Tất cả những chỗ dẫn TVK đều
trong Tiểu phẩm (nxb. Trẻ, VN, 1997) và Hồi ký Trần Văn
Khê (nxb. Trẻ, VN, 2001).
(7) Bài "Ông đồ" của Vũ Đình
Liên: "Nhưng mỗi năm mỗi vắng / Người thuê viết nay
đâu?".
(8) Truyện Kiều, câu 741:
"Mai sau, dù có bao giờ".
(9) Truyện Kiều, câu 356:
"Của tin gọi một chút này làm ghi" và câu 739: "Mất người còn chút của
tin".