Home » » Lênh đênh (2/2)

Lênh đênh (2/2)

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011 | 03:16

Lênh đênh (2/2)

lenhdenhĐối diện Nền là một ông già bảy mươi tuổi, tuy liệt nửa người nhưng dáng vẻ vẫn phương phi. Người của công ty môi giới nói với chị, ông già này khó tính lắm, đã có ba người bị ông đuổi thẳng rồi đấy, chị nên cẩn thận.
Ông già nhìn Nền từ đầu tới chân bằng con mắt dò xét. Trống ngực Nền đập thình thình. Dọn nhà, chăm trẻ, nuôi chó mèo, nấu ăn… chị đã quen, còn chăm sóc người già chị bỡ ngỡ vô cùng. Ngày học nghề, trung tâm không có người làm mẫu. Mấy chị em thay nhau làm “người già” để cô giáo giới thiệu sơ qua cách nâng đỡ, thay áo quần, bế lên xe lăn… “Hãy yêu quí kính trọng như với cha mẹ mình!”, Nền nhắm mắt niệm câu thần chú của nghề. Ông già gật đầu nhè nhẹ. Nền trút một hơi nhẹ nhõm.
Ông già là chủ một công ty lớn Đài Loan. Tuy lâm bệnh nhưng ông vẫn điều hành công việc. Chiếc điện thoại cầm tay của ông suốt ngày rung vù vù như dế mèn rũ cánh. Con trai ông bốn mươi tuổi, đang thay ông giám sát công việc, nhưng ngày nào cũng hai lần sáng tối đến vấn an. Anh ta bảo Nền đi nghỉ một chút, tự tay lau mặt, thay áo quần cho bố. Cô con dâu cũng làm một chức vụ gì đó trong công ty, thỉnh thoảng cũng vào thăm bố chồng. Cô ta luôn miệng sai Nền nấu sâm pha sữa, Còn mình thì ngồi sẵn bên giường đón từ tay Nền rồi bón cho ông già. Thi thoảng, Nền bế ông lên xe lăn đẩy đi dạo phố. Nền luôn tự nhắc: Mặt mày tươi tỉnh, mặt mày tươi tỉnh. Nụ cười trên môi Nền tươi được hơn ba tháng, cho đến một hôm, môi Nền vẫn cười tươi nhưng nước mắt thì thánh thót rơi vào bát cháo. Đứa em bên nhà điện sang báo bố ốm nặng, sắp qua đời. Nền lo lắng rụng rời cả chân tay. Hợp đồng đã ghi, trong thời gian làm việc không được xin về dù bất cứ lí do gì. Thế mà đứa em lại nói rằng bố nằng nặc đòi gặp chị.
Nhìn cô người hầu, ông già động lòng hỏi chuyện. Nền đành thưa thật. Ông già thở dài, nắm tay Nền nói nhỏ:
- Con cứ về đi. Khi nào xong việc lại sang.
Nền hấp tấp gào qua điện thoại:
- Ngày mai chị bay. Em nói với anh cả đặt đồng tiền xu vào lòng bàn tay bố... Ông chủ bày cho chị thế đấy. Bố sẽ đợi kịp chị về!...
Nhưng cô con dâu đã đến bên Nền lạnh lùng:
- Cô về, bắt buộc chúng tôi phải thuê người khác. Cô suy nghĩ cho kĩ!
Anh con trai ngậm ngùi:
- Hay em chịu khó ở nhà chăm cha. Khi nào cô ấy qua em lại đi làm?
Cô con dâu không chịu. Một cuộc cãi vã nổ ra, có nguy cơ bùng phát. Nền quết nước mắt cúi đầu:
- Thôi, cháu không về nữa đâu.
Sóng gió tạm lắng trong gia đình chủ, nhưng trong lòng Nền lại cồn cào nhức nhối. Cô em van vỉ:
- Bố phát phiền rồi… nhưng cố lòng đợi chị!
Nền cắn răng nói trong nước mắt:
- Em bảo anh cả... bỏ đồng xu trong tay bố đi... Chị không về được đâu!...
Chỉ nói được thế rồi chị úp mặt vào tường nức nở. Chị tin rằng, khi đồng tiền xu được bỏ ra, bố sẽ ra đi thanh thản. Chị âm thầm mua khăn chuẩn bị chịu tang cha nơi đất khách.
Chuông điện thoại lại réo ba nhịp dài nối tiếp. Nhịp chuông đàm thoại quốc tế. Nền run rẩy nhấc máy. Tiếng cô em van nài:
- Chị ơi... Chị cố về đi. Anh cả đã bỏ đồng xu ra rồi. Các vãi đã tụng kinh rồi. Anh hai đã leo lên dỡ ngói mái nhà để cho thoát dương..., vậy mà bố không đi được!... Bố đợi chị về đấy... chị ơi!
 Nền dập ống nghe từ từ ngã khuỵu.
Thân thể ông chủ cứ héo úa dần. Nhìn nét mặt căng thẳng của bác sĩ mỗi khi thăm bệnh xong Nền lại cảm thấy lo lo. Số tiền Nền gửi về đã đủ trang trải nợ nần, thời gian hợp đồng sắp hết, dẫu có muốn cũng không thể nấn ná thêm được nữa.
Ông chủ ra đi vào một ngày trời đẹp. Nền khóc ào ạt bên ông, khóc như lúc nghe tin bố qua đời. Đám tang xứ này nhanh chóng nhưng trang nghiêm. Tiễn người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, trong Nền đã chuẩn bị tâm thế trở về.
Cả gia đình họ Tống lặng phắc lúc luật sư đọc di chúc. Mọi người có mặt và cả Nền nữa, không ngạc nhiên khi ông chủ trao quyền thừa kế cho người bạn tâm phúc chứ không phải cho con trai duy nhất. Những ông chủ Tàu vẫn thâm trầm nhìn xa trông rộng như thế. Duy chỉ cô con dâu nổi giận đùng đùng. Ngay cả việc đó cũng không khiến mọi người bàn tán. Điều khiến mọi người chú ý là bản di chúc có một khoản thừa kế dành cho cô hầu người Việt. Tài khoản ông dành cho Nền không phải bằng tiền mặt, mà bằng một hợp đồng gia hạn làm việc một năm. Nền mừng đến độ choáng người, quỳ xuống lạy ảnh ông một lạy. Như vậy là vợ chồng chị có cơ hội để làm lại cuộc đời, các con chị có cơ hội mở mày mở mặt.
*
Từ ngày cha mất, ông chủ nhỏ Giang Sinh ăn uống thất thường, về nhà lúc nào cũng say mèm. Bà chủ cũng thất thường đi về không theo quy luật. Họ đã không ăn cùng mâm, không ngủ cùng phòng. Những cuộc đấu khẩu nổ ra kèm theo đồ đạc bay vèo vèo, loảng xoảng. Nền như con chim nhỏ tối tăm mặt mày giữa hai làn tên đạn. “Có tai như điếc, có mồm như câm”, chuyện nhà người, mình không nên can dự. Nhưng khi nhìn thấy bà chủ trợn mắt mắm môi giang tay giơ chiếc bình hoa nhằm đầu ông chủ mà lia, thì Nền không đành lòng được nữa. Nhà cửa chao nghiêng. Mắt chị toé ra muôn búng hoa cải chói vàng rồi tắt ngấm. Bóng đen loang rất nhanh trong óc Nền...
Trong cơn hôn mê, chị thấy mình trở về làng. Cây si già buông từng chùm rễ lòng thòng cạnh ngôi đền cổ không có bóng trẻ con. Thanh niên bỏ cả ra phố làm thuê. Ngõ xóm vật vờ mấy bóng con nghiện rập rình. Những bức tường cắm mảnh chai chi chít nhốt kín tiếng gà gáy lợn kêu. Cánh đồng quê hương miên man cỏ dại. Thửa ruộng hai sào được chia từ ngày lấy nhau đây. Thửa ruộng đã lay lắt nuôi sống bốn miệng ăn giờ thành hoang hoá. Xác rắn lột vương trắng trên những ngọn cỏ năn. Cào cào châu chấu bay nhảy rào rào, chập chờn áo xanh áo đỏ. Thằng Na lếch thếch cõng con Lành chạy khắp cánh đồng tìm mẹ. Tiếng gọi mẹ khản đặc chìm hút vào tiếng ếch nhái inh uôm. Chị mở miệng trả lời con, nhưng càng gọi chúng càng chạy xa. Na ơi! Lành ơi! Mẹ về với các con đây này!
- Chị tỉnh rồi! – Tiếng reo mừng rỡ cùng khuôn mặt mờ mờ của ông chủ Giang Sinh khiến Nền tỉnh hẳn. Xung quanh trắng toát. Những bóng người lặng lẽ vào ra. Dù đầu nặng như có một hòn đá tảng, nhưng rất nhanh chị đã ý thức được hoàn cảnh của mình. Chị nghiêng người vùi mặt vào gối trên giường bệnh, mặc cho nước mắt cay đắng chảy dài.
Trời còn thương nên chỉ vài ngày nằm viện chị đã có thể trở về nhà, tiếp tục kiếp con hầu. Bà chủ sau vài ngày lo lắng, không thấy Nền đả động đến chuyện đơn từ kiện cáo, bắt đầu ngứa mắt.
- Chị chuẩn bị về được rồi!- Bà chủ lạnh lùng khi đưa tháng lương thứ hai mươi tư.- Hợp đồng đã hết!
- Ơ! - Nền ngớ người trước lời tuyên bố - Tôi còn một năm nữa mà?
Bà chủ bĩu môi không nói. Giang Sinh đến bên vợ nhẹ nhàng:
- Đấy là ý cha. Cô không có quyền làm thế!
Một trận khẩu chiến tiếp tục nổ ra, để cuối cùng bà chủ hầm hầm bỏ đi ném lại một câu chửi lớn:
 - Đồ mạt hạng!
Mấy ngày liền bà chủ không về. Nền bị ném tõm vào hoàn cảnh chứa đầy đe doạ. Ngôi nhà sang trọng, nội thất cầu kỳ bỗng trở lên lạnh lẽo. Một ngày chị lau nhà đến ba bốn bận mà vẫn chưa hết thời gian. Chị ngóng tiếng chuông cổng, nhưng khi nó cất lên chị lại giật bắn mình. Về đến nhà là ông chui ngay lên phòng. Căn phòng vốn sạch sẽ tinh tươm giờ ngập ngụa hơi thuốc và rượu. Thức ăn Nền nấu luôn phải đổ đi vì ông chủ không hề đụng đũa. Khi trút những đĩa thức ăn đầy bổ dưỡng mà chị đã kì công chế biến vào thùng rác, Nền bật khóc. Bắt gặp cảnh ấy, Giang Sinh chững lại một hồi lâu:
- Ăn một mình tôi không nuốt nổi. Từ mai chị ăn cùng tôi cho vui!
Bữa ăn cùng mâm đầu tiên với chủ là một cực hình đối với Nền. Chị cắm mặt vào bát cơm không dám ngẩng lên. Chị chạy trốn những lời thăm hỏi của Giang Sinh bằng cách đếm từng hạt cơm trong bát. Một bát cơm có một ngàn ba trăm năm mươi mốt hạt... Giang Sinh ngừng đũa nhìn đăm đắm. Cái nhìn ấm áp bao trùm lấy toàn thân Nền. Một luồng cảm giác lạ chạy râm ran từ chân tóc mai, lan nhanh ra toàn thân. Nền cuống cuồng đứng lên chạy vào nhà tắm tựa tường thở dốc. Hai năm đằng đẵng xa chồng, cái nhu cầu đàn bà tưởng ngủ yên bỗng chốc bùng lên. Soi mình vào gương, chị bất chợt nhận ra mình trẻ quá. Gò má đã bong hết những nám sần trở thành hồng phấn. Mái tóc thôi xác xơ. Cặp mắt đã hết khô, đuôi mắt đã hết rạn, vút dài một cái nhìn thăm thẳm. Cái nhan sắc bị đầy đoạ tưởng đã úa tàn, qua hai năm no đủ không dầu dãi nắng mưa có cơ phát tiết. Nhiều đêm, khi những ý nghĩ tội lỗi len vào óc, Nền đã dằn lòng bằng câu “chồng ta áo rách...”. Nhưng ánh mắt ấm áp và cử chỉ chăm sóc chân thành của Giang Sinh có mãnh lực của một mạch nước ngầm. Tiết hạnh rất thiêng liêng nhưng cũng rất mơ hồ, giữ được nó cần có nhiều rào chắn. Vậy mà ở đây chị chỉ một mình. Lòng kiên định của đàn bà trong những đêm xa xứ cứ mòn dần, mòn dần, mong manh như tơ nhện, chỉ cần một hơi thở gần là tất cả sẽ tiêu tan. Một ông chủ cô độc với một người hầu đang thì xuân sắc... Cái kết cục biết trước đã khiến chị kinh hoàng.
Lá thư của Lăng đến đúng lúc, giải thoát cho Nền khỏi tình cảnh chênh vênh: “Tôi được ân xá, ra trước thời hạn. Nhà quê buồn lắm, ăn rồi chẳng biết làm gì. Bà con họ hàng xa lánh…”. Chị run run ấp lá thư vào ngực mà nghe máu trong người chảy dập dồn. Phải về thôi, kẻo Lăng nghiện lại thì chết! “Anh tốt với em lắm! Nhưng em phải về. Chồng và các con em đang đợi.”- Lá thư viết chật vật mãi mới được mấy dòng ngắn ngủi, đặt cẩn thận trên bàn trà. Chị dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, khoá cửa rồi vùi chìa khoá vào chậu hoa trước cổng. Khi cầm tấm vé trên tay chị mới gọi điện cho Giang Sinh.
Sân bay nườm nượp người nhưng Nền vẫn nhận ra bóng Giang Sinh nháo nhác len lỏi trong đám đông. Tiếng động cơ gầm rú át mọi tiếng người nhưng Nền vẫn biết Giang Sinh đang gọi mình rất lớn. Lòng chị cuống thốn từng hồi. Cửa sổ máy bay nắng lóa. Bóng dáng Giang Sinh nhoè dần nhoè dần.
Máy bay cất cánh. Nền thấy hẫng sụt trong lòng. Một quãng đời lắm tủi buồn đã ở lại sau lưng. Bầu trời mênh mông, xanh thẳm. Mây trắng phơi phới ngoài cửa sổ khiến chị cảm thấy bồng bềnh.
Cái cảm giác bồng bềnh ấy còn mãi cho đến khi chị đã bước giữa những mái bếp tỏa khói lam vương vít. Đường làng gạch lát phẳng phiu mà chị châng lâng như bước trên con thuyền say sóng. Chị ào về nhà mẹ. Những nụ cười mếu máo trên những khuôn mặt thân thương. Giây phút mừng vui đoàn tụ qua nhanh. Chị ngập ngừng cất tiếng: Bố thế nào hở Na? Con... không biết! Chị ngỡ ngàng nhìn thẳng vào mắt con ngạc nhiên nhưng rồi chị chợt hiểu. Chúng vẫn ở với bà ngoại và các dì, có dám bén mảng đến gần Lăng đâu mà biết. Bà già kéo khăn chấm mắt ngẩng lên nhìn con gái buồn rầu: Nó gán ruộng cho nhà Thản lấy tiền để đi Ma Lai ma lôi gì đó. Nghe đâu còn đang học việc ngoài Hà Nội. Về thì bảo ban cho con nó học. Thằng Na hai năm lớp bốn rồi đấy, đúp năm nữa thì có nước hót phân! Lời mẹ rù rì chậm chạp mà tới tấp sóng xô khiến chị chao đảo như kẻ sắp đắm đò. Thằng Na đang hí hởn ôm bọc kẹo Taiwan in hình Trư Bát Giới phưỡn bụng vác bồ cào, thấy bà nói đến chuyện học thì vênh mặt lên dẩu mỏ: ứ thèm học nữa đâu! Mẹ cho con đi làm Ôsin, mẹ nhớ! Con Lành cũng ngọng nghịu nối lời: Chon nứa. Cho chon đi làm Ôsin nứa. Làm Ôsin được ăn nhiều kẹo xích hơn!
Trời ơi con tôi! Chị giật mình kêu thót lên một tiếng bẽ bàng rồi nhìn con trân trối. Tiếng bà già chua chát đế vào: ừ, nhà mày có mả làm thuê! Lòng kẻ hồi hương vừa ấm lại phút chốc đã trở nên buốt lạnh. Chị gỡ hai bàn tay con đang níu áo mình vòi vĩnh, tức tưởi lao đi. Chụp vào tay lái một chiếc xe ôm đang đón khách đầu cầu, chị gào như mê sảng. Chiếc xe rồ ga phóng hối hả về hướng phố. Cánh đồng xanh non dọc ngang ô bàn cờ trôi loang loáng. Đang độ rét Nàng Bân, gió tái đông réo ạt ào bên tai chị...
Đại Lải - Hà Nội tháng 3 - 2005
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved