Home » » NHỮNG SUY TƯ TRIẾT HỌC CỦA ĐẶNG TIỂU BÌNH TRONG VIỆC XÁC LẬP LẠI ĐƯỜNG LỐI TƯ TƯỞNG CHỦ NGHĨA MÁC(*) Tiếp theo

NHỮNG SUY TƯ TRIẾT HỌC CỦA ĐẶNG TIỂU BÌNH TRONG VIỆC XÁC LẬP LẠI ĐƯỜNG LỐI TƯ TƯỞNG CHỦ NGHĨA MÁC(*) Tiếp theo

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011 | 00:46


TỪ SÙNG ÔN(**)
III. Xuất phát từ tính gián đoạn và tính liên tục để giải quyết vấn đề kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác
Trong xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, vấn đề thế nào là chủ nghĩa Mác vẫn chưa được hiểu rõ, nên việc kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác như thế nào cũng chưa được làm sáng tỏ. Có một số người luôn tách rời hai khái niệm kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác. Một mặt, họ xem kế thừa là rập khuôn một cách giáo điều và máy móc một số nhận định được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đưa ra ở nơi này nơi kia, lúc này lúc khác trong các tác phẩm kinh điển; mặt khác, họ quên rằng phải coi chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam để phân tích vấn đề và chỉ đạo hành động, do đó, dễ mất phương hướng trước tình hình mới và vấn đề mới. Thậm chí, sau khi sự sao chép rập khuôn của chủ nghĩa giáo điều không mang lại kết quả, họ lại đi vào một cực đoan khác để tuyên truyền nào là “nguy cơ của chủ nghĩa Mác”, “chủ nghĩa Mác lỗi thời”, quay lưng hoặc vứt bỏ chủ nghĩa Mác.
Đối với vấn đề này, Đặng Tiểu Bình đã khẳng định phải thống nhất giữa kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, hoà vào làm một, làm cho chúng trở thành cùng một quá trình nhưng không cùng lát cắt. Trong Hội nghị công tác nghiên cứu lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu năm 1979, Đặng Tiểu Bình chỉ rõ: “Đương nhiên chúng ta sẽ không từ chủ nghĩa xã hội khoa học quay lại chủ nghĩa xã hội không tưởng, cũng sẽ không để chủ nghĩa Mác chỉ dừng lại ở trình độ của vài chục năm trước hoặc một trăm năm trước. Do vậy, chúng ta nói giải phóng tư tưởng chính là phải vận dụng nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông để nghiên cứu tình hình mới, giải quyết vấn đề mới”(14).
Hạt nhân của câu trả lời mà Đặng Tiểu Bình đưa ra là, bám chắc vào thực tế hiện tại, dùng lập trường, quan điểm, phương pháp và nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác để nghiên cứu tình hình mới, giải quyết vấn đề mới luôn xuất hiện. Cái gọi là bám chắc vào thực tế hiện tại, như đồng chí Giang Trạch Dân phát biểu tại Đại hội XV của Đảng, chính là phải “lấy thực tế của cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hoá Trung Quốc, lấy công việc mà chúng ta đang tiến hành làm trung tâm, chú trọng ứng dụng lý luận của chủ nghĩa Mác, chú trọng việc trau dồi lý luận đối với vấn đề thực tế, chú trọng đến thực tiễn mới và phát triển mới”(15).
Nhưng quá trình dùng lập trường, quan điểm, phương pháp và nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác để nghiên cứu tình hình mới, giải quyết vấn đề mới xuất hiện cũng đồng thời là quá trình vừa kiên trì coi lập trường, quan điểm, phương pháp và nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam cho hành động, vừa thúc đẩy việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác trong tình hình mới, giải quyết vấn đề mới, thống nhất giữa kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác. Đó là quá trình lấy kế thừa làm chỗ dựa, không ngừng phát triển tiến lên, đồng thời là một quá trình bao hàm cả kế thừa trong phát triển. Khi người ta xem xét vấn đề chủ yếu trên bình diện kế thừa chủ nghĩa Mác, thì đó là quá trình vận dụng các nguyên tắc và phương pháp cơ bản của chủ nghĩa Mác, “yêu cầu mọi người phải căn cứ vào nó, kết hợp với thực tế khách quan luôn biến đổi, tìm tòi đáp án để giải quyết vấn đề mới, từ đó phát triển chính lý luận của chủ nghĩa Mác”(16); nhưng khi người ta xem xét vấn đề chủ yếu trên bình diện phát triển chủ nghĩa Mác, thì quá trình này đòi hỏi “người mácxít chân chính nhất thiết phải căn cứ vào tình hình hiện tại để nhận thức, kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin”, “không lấy tư tưởng, quan điểm mới để kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, đó không phải là người mácxít chân chính”. Chúng ta “quyết không thể lấy đáp án có sẵn của C.Mác để giải quyết vấn đề phát sinh hàng chục năm, hàng trăm năm sau khi ông qua đời. Tương tự, V.I.Lênin cũng không thể gánh vác nhiệm vụ cung cấp đáp án sẵn có để giải quyết vấn đề phát sinh năm mươi năm, một trăm năm sau khi ông qua đời”(17).
Sự thống nhất giữa kế thừa và phát triển trong chủ nghĩa Mác chính là giải quyết một cách ổn thoả, chỉ ra cách giải quyết đối với các vấn đề bị tách rời một cách máy móc, hoặc là rập khuôn sao chép theo chủ nghĩa giáo điều, hoặc bị mất phương hướng do nhảy từ cực đoan này đến cực đoan khác trước vấn đề mới, tình hình mới phát sinh. Nguyên nhân khiến phải thống nhất giữa kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác, như Giang Trạch Dân chỉ rõ, “Phải luôn luôn kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, nếu không sự nghiệp của chúng ta sẽ lạc mất phương hướng vì không có cơ sở lý luận và linh hồn tư tưởng đúng đắn, như vậy sẽ thất bại, đó chính là lý do tại sao chúng ta nhất định phải kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Chủ nghĩa Mác có phẩm chất lý luận tiến cùng thời đại, nếu không chú ý đến sự thay đổi của điều kiện lịch sử và tình hình hiện thực, nếu chỉ câu nệ vào một số nhận định cá biệt và cương lĩnh hành động cụ thể được đưa ra ở tình hình cụ thể trong điều kiện lịch sử nhất định trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác, thì chúng ta sẽ vì tư tưởng xa rời thực tế mà không thể tiến lên một cách thuận lợi, thậm chí sẽ phát sinh sai lầm. Đó chính là lý do tại sao chúng ta nhất định phải luôn phản đối việc lấy thái độ của chủ nghĩa giáo điều để xem xét lý luận của chủ nghĩa Mác”(18). Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào cũng từng nói rõ rằng, sự sáng tạo phải lấy kiên trì làm tiền đề, kiên trì lại phải lấy sáng tạo làm điều kiện: “Sáng tạo lý luận nhất định phải kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác làm tiền đề, nếu không sẽ lạc mất phương hướng, sẽ đi nhầm đường, mà kiên trì chủ nghĩa Mác lại phải lấy căn cứ phát triển thực tiễn thúc đẩy không ngừng sáng tạo lý luận làm điều kiện, nếu không chủ nghĩa Mác sẽ mất sức sống, sẽ không thể tiếp tục duy trì được”(19).
Xét từ góc độ triết học, cách làm của Đặng Tiểu Bình thể hiện sự thống nhất giữa kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, cũng giống như ông kiên trì phép biện chứng duy vật coi vận động là nguyên lý không thể tách khỏi sự thống nhất giữa tính gián đoạn và tính liên tục. Sự phát triển của vạn vật, vạn sự trên thế giới vốn là một quá trình liên tục không gián đoạn, tại sao lại xuất hiện tính gián đoạn? V.I.Lênin từng chỉ rõ: “Nếu không cắt bỏ những thứ không gián đoạn, không làm cho những đồ vật sống động bị đơn giản hoá, không bị phân chia, cũng không làm cho cứng nhắc, thì chúng ta sẽ không thể tưởng tượng, diễn đạt, trắc lượng, miêu tả  vận động. Miêu tả tư tưởng luôn nghèo nàn, cứng nhắc hơn so với vận động. Không chỉ tư tưởng, mà cảm giác cũng như vậy; không chỉ đối với vận động, mà đối với bất kỳ khái niệm nào cũng đều như vậy”(20). Tuy nhiên, việc cắt bỏ những thứ không gián đoạn không phải là tuỳ tiện, mà phải căn cứ vào quá trình phát triển của sự vật. Khi nói về bản chất của vận động, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Bản chất của vận động là thời gian và không gian. Diễn đạt khái niệm cơ bản của bản chất có hai loại: bản chất mang tính phi gián đoạn (vô hạn) và “tính đứt đoạn” (phủ định tính phi gián đoạn, tức là tính gián đoạn). Vận động là sự thống nhất giữa tính phi gián đoạn (của thời gian và không gian) với tính gián đoạn (của thời gian và không gian)”(21).
Giống như quá trình vận dụng sáng tạo nguyên lý của phép biện chứng duy vật về vận động là sự thống nhất giữa tính phi gián đoạn và tính gián đoạn, Đặng Tiểu Bình vừa kế thừa người đi trước, phá vỡ nếp cũ, vừa không đánh mất chủ nghĩa Mác truyền thống, đồng thời luôn đưa ra những luận điểm mới  chưa từng được nói đến nhưng phù hợp với thời đại và thực tế khách quan. Ông đã thống nhất giữa việc kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, làm cho lý luận và thực tiễn trở thành hai mặt của một quá trình.
 Tóm lại, có thể nói, từ góc độ triết học, Đặng Tiểu Bình đã xác lập lại đường lối tư tưởng chủ nghĩa Mác, giúp chúng ta lý giải sâu hơn và nâng cao tính tự giác, tính kiên định quán triệt thực hiện đường lối tư tưởng của Đảng từ tầm cao của thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, đồng thời giúp chúng ta lĩnh hội được sức mạnh của thế giới quan và phương pháp luận đó trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, từ đó càng thấy rõ sự cần thiết phải nghiên cứu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác.r
Người dịch: ThS.TRẦN THUÝ NGỌC (Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

(*) Bài viết được đăng trên Tạp chí “Nghiên cứu chủ nghĩa Mác” kỳ 4, năm 2004.
(**) Giáo sư, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.
(1) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển, quyển 3. Nxb Nhân dân, 1993, tr.137.
(2) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr.291.
(3)  Trong bài phát biểu ngày 22/6/1988 khi Đặng Tiểu Bình hội kiến với Tổng thống Estonia Mengsitu, Haile Mariam, được đăng trong Ký sự 14 năm cải cách mở cửa (từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 3 khoá XI đến khoá  XIV).  Nxb Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, 1994, tr.784-785.
(4) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 2, tr.42, 171.
(5) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 2,. tr.43.
(6) V.I.Lênin. Toàn tập, quyển 11. Nxb Nhân dân, tr.371.
(7) V.I.Lênin. Toàn tập. Sđd., quyển 28, tr.38.
(8) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 2, tr.66-67, 118.
(9) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr.284.
(10) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr 63, 191.
(11) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 3, tr 252.
(12) V.I.Lênin. Toàn tập. Sđd., quyển 55, tr.307.
(13) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 2, tr.318.
(14) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển. Sđd., quyển 2, tr.179.
(15) Tổng tập Văn kiện đại biểu toàn quốc lần thứ XV của Đảng Cộng sản Trung  Quốc, tr.13 - 14.
(16) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển, quyển 3. Sđd., tr.146.
(17) Đặng Tiểu Bình. Văn tuyển, quyển 2. Sđd., tr.291 -292.
(18) Giang Trạch Dân. Bài phát biểu tại Đại hội kỷ niệm 80 năm thành lập  Đảng Cộng sản Trung Quốc.
(19) Hồ Cẩm Đào. Bài phát biểu trong Hội thảo lý luận: tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”.
(20) V.I.Lênin. Toàn tập, Sđd., quyển 55, tr.219.
(21) V.I.Lênin. Toàn tập. Sđd., quyển 55, tr.217.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved