Home » » SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P4

SÀI GÒN TẠP PÍN LÙ-P4

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 00:21

13.: Lấy chồng là thằng điếm, nó dạy cách lột da thằng Chệc

Cũng chưa tởn. Người ta nói chơi dao có ngày đứt tay. Tôi tay đứt đã một lần, ngủ bót, lục-xì đã trải, nay lại làm nghề xấu hổ nầy đã đặng năm tháng.

Bữa kia có cậu nọ ăn mặc cũng bảnh tỏn, đến đôi ba lần xử sự khá ngọt, mau được lòng tin cô chủ và xin phép cô chủ, dắt tôi vô trong Chợ lớn, coi hát Quảng Đông, tuy không hiểu tiếng nhưng họ múa men bộ tịch xem không khác hát bội nhà ta. Hát vãn đi ăn chào Tiều, đến sáng mới đưa tôi về nhà cô chủ. Chuyến về, dọc đường hắn hỏi tôi giọng anh chị: “Mấy muốn tao xé giấy cho nầy không?”. Phải nói lúc nầy tôi đã cùng đường hay đang chới với như kẻ không biết lội ở dưới nước, lòng ngày ngày chỉ muốn mau mau thoát khỏi chốn nhơ nhuốc sa lầy nầy, dẫu ai đui điếc ngọng líu tôi cũng không chê và chẳng từ, khiến nên tôi vừa nghe hỏi, đã liền ưng chịu. Hắn giao kết hễ về với hắn rồi, thì nhứt nhứt phải nghe theo lời hết. Tôi hứa chắc mọi lẽ, nên hắn vội lo làm thủ tục xé giấy.

Xong rồi, tôi từ giã cô chủ, ngỏ lời cám ơn mấy tháng đùm bọc, và theo hắn vô Chợ lớn. Hắn mướn một căn phố có lầu, ở gần cột đèn Năm ngọn, chỗ thị tứ khá. Không biết tiền lưng hắn có bao nhiêu, nhưng hắn mua và dọn có đủ ghế bàn - tượng cẩn ốc xà cử gọi “tể tướng ỷ”, tủ kiếng hột vịt (tủ áo có gương soi lớn hình bầu dục), giường Hồng kông bằng thau vàng lườm, bàn mặt đá vân thạch trắng vân khói đèn vằn vện như chấm san thuỷ kiểu siêu hình, nhứt là có một tủ sắt hiệu Fichet rất to, không biết đựng gì ở trong. Xong rồi, nó biểu tôi ở đó lên mặt làm bà chủ, và cứ kêu nó là thằng Tư, tức như thằng ở, và, đừng xem nó là chồng. Trời ôi! Hết trong tay con mẹ chủ sự, về Má Tư Hớn lấy Hạch kế, lọt vòng tay thầy cai tổng, vừa ấm thân với anh Sáu kế chia tay, rớt vào nhà số làm ở có giấy, rồi được xé giấy gởi thân cho hắn mà hắn giao kết không cho gọi là chồng, ông cao xanh ôi, lòng ông ác vừa vừa, thân đàn bà yếu đuối ông vày vò thử thách quá chịu sao kham. Trong bụng vẫn lấy làm lạ, nhưng đã giao kết rồi, hắn biểu thì mình phải nghe theo, cãi sao nên. Hắn có hứa xong việc nầy thì hắn sẽ cho tôi một số tiền làm vốn rồi hai đứa chia tay, đường ai nấy đi, chớ hắn không buộc ràng đeo đuổi nữa: tự do mà! Song phải tận tâm giúp nó cho thành công, bằng không vậy chớ trách nó ra tay độc ác. Cho hay như con chim bị đạn, tôi bị hoạn nạn đủ thứ, nên dễ hoảng hồn, nghe hắn hâm doạ đã chết điếng trong thâm tâm, song nghe nó hứa phóng sanh bụng lại thấy nhen chút hi vọng thoát lồng sổ cũi. Nhứt là khi nhìn mặt hắn thấy sát khí đằng đằng, trừ phi biểu cầm dao giết người ắt tôi không dám chớ hắn biểu gì dễ dễ tôi đều chịu hết.

Đó rồi hắn đi mướn đồ, nào vòng vàng chuỗi hột đủ bộ vận, căn dặn tôi phải bắc kế cho thiệt sang trọng, rồi lối năm giờ chiều, mướn xe song mã, ngồi lên cho chạy vào chợ Bình Tây và cho xe chạy dài dọc theo mé sông, chỗ có ghe chài lúa đậu đông nghẹt ấy đảo một vòng như vậy rồi về, chỉ làm có bấy nhiêu việc là xong, kỳ dư về phần hắn lo liệu và tôi không cần hỏi cùng tìm hiểu làm chi, vô ích. Lúc xe đi ngang đám ghe đậu đông ken, tôi liếc mắt thì thấy quả hắn đang ngồi ngoài mũi nói chuyện chi với một thằng Tiều châu ở trần trụi trụi. Thấy xe tôi chạy ngang qua thì thấy nó lấy tay chỉ chỏ và nói cái gì với chú chác nọ mà vì cách xa quá tôi không nghe được tiếng nào. Đến tối hắn về, nói với tôi rằng:

- Công việc êm ái cả. Tao nhử thằng Tiều châu đó, nó thấy mầy, nó mê như chết. Cá đã ăn câu, chỉ còn một chút xíu nữa là trúng mối to. Rán nghe! Tao nói với thằng chệc ấy rằng mầy là vợ ông chúa tàu Vạn Phước Nguyên, giàu nhứt nhì ở Chợ lớn, chỉ thua Chú Hoả Hứa Bổn Hoà ở Sài Gòn mà thôi. Nay ổng đã về bên Tàu, để hết của cải gia tài trên bá vạn cho mầy làm chủ. Thằng Tiều nầy quê ở Bạc Liêu, mua bán lúa vừa phát mấy năm nay và giàu lắm. Nó là thằng hảo ngọt, lại tham của nữa. Nội cái nhan sắc của mầy cũng đủ cho nó chết cha, huống chi nó nghe mầy giầu có nữa thì nó tán gia bại sản như chơi. Vậy ngày mai nầy tao dắt nó lại đây. Tao nói mầy coi tao như em út trong nhà, và như vậy mầy phải làm cho ra mặt. Tao giả bộ xin mầy hai mươi lăm đồng bạc, mầy cho, mà phải la lối một hồi, phải có giọng mụ chị cho hay. Còn đối với nó, thì mầy hỏi lơ là vậy thôi, rồi sai tao đi lấy nước lấy thuốc đãi nó, chớ mầy đừng có nhẹ thể rót nước dâng thuốc chi đa? Mấy cứ ngồi yên trên bộ ván nầy mà sai cắt, cứ bỏ nó ngồi dưới ghế nầy với tao. Mấy phải làm điệu cho hung mới đặng.

Sắp đặt xong xuôi, sáng ra nó đi mất. Lối chín giờ ngoài, nó dắt thằng Tiều châu lại. Cái thằng cha gì, coi bộ khốn khó quá vậy mà nói nó có nhiều bạc nỗi gì! Bận áo quần xung xình như đồ chín, may bằng lụa nhúng dầu bên Tàu đem qua, mưa không thấm ướt và khỏi giặt vì nước có thấm đâu mà giặt. Đi đôi giày Tàu cũ mèm, đạp gót cho thành giày hàm ếch, kéo sát đất nghe xẹp xẹp. Đặc biệt nhứt là miệng xỉa một cục thuốc Gò to bằng ngón chơn cái, làm cho môi phồng lên như cục bướu. Hai người vô tới nhà, tôi vừa hất hàm như chào, miệng hỏi to: “Ủa! Tư! Chớ mấy hôm nay đi đâu mất, không thấy mặt mày? Nay mới trôi về đây hả?”. Thằng tình trời đánh làm bộ xá tôi và nói: “Thưa chị, hổm rày em thua quá, nên đi bậy bạ kiếm chác tính gỡ, mà nó vẫn còn xui hoài?”. Tôi vụt mắng nó” “Đồ hết! Chồng ngồng cái đầu mà không nên thân. Biểu mầy tu tỉnh đặng tao giúp vốn, cưới vợ lo làm ăn, mà mầy không biết lo gì hết! Ủa? Còn người nào đi với mầy đó?”. Khi ấy hắn lễ phép thưa: “Dạ thưa chị, đây là ông Bang ở Bạc Liêu mới lên. Ông thấy em ổng thương, muốn đem em về dưới làm tài phú coi sổ sách giùm cho ổng.”. Tôi làm bộ tin và gởi gấm vài lời, nhưng tôi chỉ nói lơ là, tuồng như chú chàng không đáng mặt cho tôi nói chuyện. Kể từ hôm ấy, mỗi ngày tôi đều thấy chú Tiều nầy đảo qua đảo lại trước nhà mà không dám bước vô.

Khi nào tôi đang đứng trước cửa mà thấy lão đi ngang thì tôi cũng chào sơ một tiếng rồi bước vô nhà, chớ không mời thỉnh chi ráo, như vậy đặng một tuần. Bữa kia thằng trời đánh nó nói với tôi:

- Thằng chệc nó mê mầy như chết? Nó muốn cưới mầy hai ngàn đồng bạc mà tao nói với nó: “Tánh chị tôi không cần tiền, vì của cải của chỉ có đến chín mười muôn, xài không hết. Chỉ từng nói: Từng tuổi nầy không lẽ không đôi bạn, ở đặng cho đến già. Phần sự nghiệp chỉ to mà không có đàn ông thì sao được? Song chỉ muốn lựa người nào biết làm ăn, nhứt là tin cậy được, thì chỉ giao hết sự nghiệp cho mà coi sóc, chẳng luận giàu nghèo, hay xấu tốt chi cũng không cần. Hổm rày chỉ có ý khen chú là người thiệt thà. Thôi để tôi liều mạng ướm thử coi đặng cùng chăng. Nếu chỉ không nghe, bất quá chỉ mắng ít tiếng rồi thôi, chớ chết chóc gì? Vậy để vài ngày nữa, tao sẽ nói với va rằng: “Tao nói rồi, chỉ chịu không chịu, mà không cũng không không. Chỉ cứ nói để thủng thẳng, dò xem tình ý cho chắc đã. Nên chỉ mời chú mai lên nhà dùng một bữa cơm thường. Trong lúc ăn, mầy phải giữ bộ tịch cho nghiêm trang; cơm rồi mầy sẽ mời nó từ rày lên xuống chơi cho nó dạn lần. Nhớ đừng mơn trớn và cũng đừng lả lơi. Tụi Ba Tàu ưa nghiêm chớ không ưa trây trưa.

Quả ba ngày sau, hắn dắt chú nọ lên nhà dùng bữa. Trong nhà lúc nầy rần rộ hai ba đứa ở, coi thật là nhà có của muôn. Và từ ấy “hia” (tức anh theo giọng Triều châu) tối lên xuống thường hơn trước. Mấy lần như vậy, hia đều gặp khi thì chúng tới trả tiền lời, khi thì lại khẩn cầu thay giấy nợ hoặc xin cho hẹn qua vài tháng sẽ trả tất, mỗi mỗi đều là kế của thằng trời đánh, và hắn khéo làm tuồng, lựa toàn những kép thiện nghệ, người nào người nấy đến nhà gặp tôi đều còm róm làm bộ sợ sệt như thiệt, còn tôi thì mặc sức lên giọng, rầy rà, giận giũi, mắng nhiếc người ta ra mặt, cho thằng chệc thấy rõ ràng là nhà hào hộ, có tiền cho vay đặt nợ huyên thiên, một đôi khi hia gặp tại trận người nầy đến cầm bán hột xoàn, người khác đến cầm cố, treo ruộng treo đất, hoặc hỏi tôi xin mướn phố lầu, thiệt là mưu của thằng trời đánh sâu quá, hia tôi mắt thấy tai nghe rõ ràng: tôi quả là tay cự phú, son vá, một ngày tới tối, tôi mở tủ sắt ra; đóng tủ sắt lại tở mở, mà chớ chi lúc ấy hia dòm đặng trong tủ thì mới biết là tủ không với mở giấy vô dụng chớ có đồng xu nào ở trỏng.

Chú chệc lên xuống cũng gần trót tháng, thì khi một chút, khi một ít, lần lần coi chú đã gần cụp với tôi. Tuy vậy mặc dầu, nhớ tôi khéo giữ lèo lái nên chệc ta chưa rờ tới mình tôi đặng.

Một bữa nọ, Tư nhà ta đi mướn một miếng đất hoang, rồi mua đâu cũng độ vài trăm bạc cát để trộn hồ và một đống xà bần gạch vụn, thứ để xây nền nhà, nó lại chớ từ đâu đem lại một mở tre hè, y như sắp sửa soạn cột giá cái hay giàn trò đặng xây dựng phố lầu gì đây xong xui nó biểu tôi dắt anh Tiều lại xem. Nó khoe có mặt tôi đứng đó, với anh Tiều rằng:

- Tôi mới mua miếng đất nầy, mua rồi định cất tạo phạo vài căn phố trệt để cho mướn cầm chừng vậy thôi, chớ lóng nầy bị tôi mới mót máy cho thầy ban biện dưới Bãi Xàu (Sốc trăng) vay chín ngàn, khiến nên không dư tiền mà cất phố cho tốt. Có ngờ đâu khi đến xin phép ở Xã Tây, họ nói chỗ nầy thị tứ lắm, chánh phủ chỉ cho phép cất phố lầu mà thôi, và mấy dãy phố cũ đều phải cơi lầu lên hết. Và hiện nay tôi đang hụt tiền, vậy chú có lòng tốt, hãy thừa dịp nầy cho tôi mượn đỡ một muôn, rồi bốn tháng nữa, đến kỳ lúa chín mấy chỗ khác trả cho tôi thì tôi sẽ hoàn lại cho chú, được không?

Nguyên thằng trời đánh nầy, lúc ở nhà, nó có nói nhỏ với anh Tiều rằng tôi đương dò ý tứ ảnh, đọ xem có của cải gì không, lại nữa muốn biết coi ảnh có thiệt tình thương tôi hay không. Nên hay hỏi đột ngột làm vầy đây, trong bụng anh Ba Tàu định cho tôi làm bộ túng bấn mà dọ lòng và bề thế ảnh, chớ tôi mà thiếu gì tiền. Vả lại, dầu cho tôi thiệt túng đi nữa, thì sự nghiệp tôi như vậy, có mất mát đi đâu mà phòng sợ? Còn thêm một nỗi hiện ảnh đương mê cái nhan sắc của tôi gần muốn chết, thì sao mà chẳng ừ cho đặng. Bởi vậy hia Tiều gật đầu chịu liền, và hứa để về dưới lấy tiền lên.

Năm bữa sau, quả nhiêu Tiều ta đem lại một muôn chẵn, toàn là giấy xăng (một trăm đồng: cent piastres). Va đưa tiền, tôi đòi làm giấy, nhưng anh Tiều lên mặt cao thượng, ngó tôi mà rằng:

14.: Chia tay chạy trốn

Thộp ngon lành đặng một muôn đồng bạc của anh Tiều châu hảo ngọt, thằng Tư ấy mới cầm một ngàn rưỡi cho tôi mà rằng:

- Thôi hai đứa mình ô-rơ-hoa (au revoir!). Tao phóng xả cho mầy đó hãy tìm chồng khác lo làm ăn. Nay để tao cút trước, còn mày cũng phải thu xếp mà cao chạy xa bay cho lẹ lẹ, đừng để đổ bể việc nầy mà chết chùm cả đám. Tuy không giấy không tờ, nhưng tao thì có tiền án, mầy vừa xé giấy không lâu, hễ thằng chệc nó thưa thì lính tới nắm đầu lập tức. Như vậy kế đã thành, ta phải làm theo hát bội, hát bài tẩu mã, và dĩ đào vi thượng!

Nói rồi nó cuốn gói đi biệt. Cho đến nay tôi không biết tên họ nó là gì, luôn danh tánh cô Sáu chủ cũ của tôi cũng vậy. Trọn ngày đó, tôi sợ hết hồn, ngồi tính nát óc, muốn chờ hia nọ về mà lạy dài, tỏ thiệt đầu đuôi, năn nỉ xin trả một ngàn rưỡi bạc đó cho hia, rồi tình nguyện về làm mọi cho hia mãn đời là trừ nợ. Tính vậy rồi lại sợ: không phải sợ anh Tiều nầy không dung, rồi bỏ tù bỏ rạc gì. Nói chí đáng: gian hùng tới nước, cho ở tù cũng không oan. Song sợ nhứt là bể chuyện ra, nếu tôi khai thiệt, thì thằng Tư sao khỏi bị bắt. Ý cái thằng trời đánh, coi vậy mà oai ghê.

Không biết nó phù phép gì, mà trong tháng tôi ở với nó, nói tình tội tôi sợ nó như sợ cha, nó biểu chi tôi nghe nấy. Nay nếu tôi khai thiệt, quan bắt nó đặng, thì chẳng lẽ tội như vầy, mà ai đi chém giết gì nó, bất quá kêu án nó đôi ba năm, cha chả! Rồi chừng nó mãn tù, thì tôi có chạy đường trời cũng không khỏi tay nó. Tính nát trí khôn, rồi tôi cũng cho duy có kế trốn là hay.

Bữa đó lại là ngày thứ sáu, tôi mới gạt hia Tiều rằng tối mai thứ bảy, có chị em rủ đi ăn cơm Tây và xem hát sáng đêm, như vậy đừng có lại, vì tôi đi khỏi. Sắp đặt xong, đồ đạc vòng vàng bao nhiêu tôi đeo hết vào mình, lộn lưng một ngàn rưỡi bạc, ghịt mấy lần chắc chắn, còn lại gia dư tôi không dám lấy một món gì ở trong nhà đều bỏ lại hết. Bữa cơm chiều, trẻ nó dọn, bưng tới miệng cũng không kịp ăn, nuốt không vô, lật đật xuống tàu chạy đường Nam vang mà ẩn mặt.

Đi đường chuyến nầy tôi cẩn thận lắm, chẳng phải vì có tiền mà se sua lòe loẹt tôi mua giấy đi Phnom-penh hạng chót, rồi mướn một chiếc chiếu trải ngủ chen chúc giữa đám bộ hành đàn bà. Sáng ra tàu tới chợ Mỹ Tho, cặp bến. Tôi thấy lính xét giấy thuế thân, mà vì sẵn có tịch nên bịnh đa nghi của Tào Tháo hoành hành. Thế khi động ổ, có ai mạch cho hia Tiều, va đi cớ bót nên quan mới sai lính đón tra xét lung tung. Lúc đó trong bụng đánh trống chiến loạn đả. Liệu bề đi luôn lên xứ Chùa Tháp bất tiện, vì nghĩ dại rằng ắt có dây thép lục tống, và chỗ nào tàu ghé chắc là đêu có lính tráng kiểm tra. Muốn lên bờ tại đây đặng tánh đi ngả khác, ngặt sợ hai cậu bếp đứng chần ngần dường như tìm kiếm bắt cho được ai đó vậy. Trong cơn bối rối, trực nhớ lại chú mái chính răng bịt vàng cả hàm trên, trông dị hợm, nghe lỏm được biết chú lên ở Mỹ Tho, mà thiệt từ hồi tàu chạy cho tới bây giờ, mình thì lo buồn, mà chú cứ theo tấn ơn ve vãn, giận tức gần nứt bong bóng nay thấy chú đang dọn dẹp hành lý sửa soạn lên bờ, tôi bèn lại gần thỏ thẻ mượn chú chỉ giùm một khách sạn nào cho gần ga xe lửa, của Tàu hay của ta bất chấp, miễn sạch sẽ, vì thuở nay tôi chưa biết và quen thuộc đường xá xứ nầy. Hia ta nghe tôi ướm hỏi, coi bộ mừng quýnh quýu trông tức cười nhưng tôi rán nín. Hia ta lật đật giành xách cái quả cẩn đựng chút quần áo và hai tôi cặp kè đưa nhau lên bờ, coi tuồng như vợ chồng lâu năm gắn bó. Hai cậu bếp có lẽ quen mặt, nên chào chú mái chính mà không xét giấy.

Tới khách sạn ở mé sông gần ga xe lửa, do người Quảng Đông làm chủ, tôi nghe chú mái chính biểu dọn phòng thượng hạng, đế dắt tôi lên lầu nghỉ ngơi cho mát mẻ. Tôi cười thầm thằng Ba Tàu nầy muốn sanh bụng tẹo, cho nên một hai tôi nài ở phòng khách từng dưới, vì tôi còn đi kiếm thăm bà con, có lẽ ngày mai hay ngày mốt tôi mới trở về đây. Mái chính răng vàng cười bày đủ bộ răng gần nửa lượng, cho tôi rồi ra về, lại hứa để chiều mát trời, y sẽ đem xe nhà rước tôi qua xóm chợ cũ dùng cơm Quảng, có món hủ tíu đặc biệt tiếng đồn đến khách phong lưu Sài Gòn đều xuống đây thưởng thức, luôn dịp y sẽ mua giấy trước xem hát của gánh thầy Năm Tú nào đó diễn tuồng Kim Vân Kiều theo lối hát mới, gọi cải lương lại, vai Kim Trọng do thầy Bảy Thông đóng, và vai Thuý Kiều do cô Kim Cúc thủ đứng cặp với cô Thoàn(1) trong vai Thuý Vân, cả ba đều xuất sắc vả hát cụp lạc lắm. Tôi cũng ừ hữ cho có chừng, trong bụng cười thầm: “Mái chính ơi! Con nầy không vừa đâu, nó nhai tươi nuốt sống (nhĩ, mầy, anh) và ăn gỏi nị cái một, nhưng nó đang chạy trốn nên không dám trổ tài đó chớ, khuyên nị cứ ăn cơm Quảng Đông và ngủ với xẩm Tàu, đồng bào nị, là chắc ăn hơn. Nhưng đây là tôi nói thầm, mình nói mình nghe, chớ đâu dám bĩ hơi cho lậu sự. Chú mái chính đi về rồi, cũng vừa buổi trưa kiến cắn bụng, tôi lận lưng lấy ra một đồng bạc, nhờ anh chệc bồi phòng đi mua cho tôi một mâm cơm: hai chén cơm thật trắng thật ngon, còn thức ăn thì một tô canh câu kỹ, một đĩa thịt vịt quay lựa khúc đùi, một đĩa cua xào giấm và đừng quên cho tôi một đĩa thịt xá xíu, vì từ ngày làm quen với hia Tiều, tôi đã ghiền món nầy và nhớ hoài không bỏ qua được. Cơm rồi tôi đánh một giấc để lấy sức, nhưng trời đất ôi, có ngủ nghê gì được với ba con rệp của phòng ngủ Tàu, thêm cái mùng dơ hầy, tuy mùng lưới thứ đắt tiền, nhưng khói thuốc phiện đóng ám đến trỗ màu vàng, còn dưới chưn mùng, nói mà phát gớm, lốm đốm những cụp lạc(2) thành tích mấy trận chiến đấu không thôi giữa gái làng chơi và trai tứ chiếng. Ai bày đặt khách sạn là “nhà ngủ” đáng gọi là “nhà thức” mới phải, vì khách đến đây, nếu không đi gái, thì đến để gầy sòng bài bạc hút xách, nhậu nhẹt, đĩ điếm, thức sáng đêm, tàng tịch ăn chơi chớ ít khi ngủ, bằng có ngủ thật thì lăn chiêng sau trận chiến đấu săn vi trùng, chớ gọi nhà ngủ nỗi gì, trớ trêu đi thật?

Vừa ba giờ chiều tôi đã rửa mặt, trả phòng, leo chuyến xe lửa bốn giờ rưỡi chạy, trực chỉ Sài Gòn, nơi quen biết cũ. Nhắc tới xe lửa thuở ấy mà tức cười, hèn gì Pháp đặt tên “le tortillard” (xe cong queo), thật ra xe nào cong queo nhưng đầu máy yếu quá, bữa nào kéo nhiều toa, thì xe lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức không nổi, còn cách dốc cầu độ nửa cây số ngàn, thì xả hết tốc lực, giựt dây thổi xúp-lê (sinet) nghè rậm đám lắm, nhưng khi tới dốc thì xe từ từ chậm lại, rồi lúc nào gặp trời mưa, đường rầy trơn, thì tuột dốc thụt lùi trở lại, mới là báo đời chưa? Chừng ấy nào người coi máy xổ chữ Nho nghe không hết, nào thầy xệp (chef de train) đổ thửa và quở trách om sòm, bóng đổ thầy, thầy đổ bóng rồi xe ngưng lại, chụm củi thêm, chờ cho máy nóng rồi ạch đụi lấy trớn chạy nữa, như được qua dốc cầu thì bữa ấy chuyến xe tới sớm hoặc đúng giờ, bằng không thì ngày ấy xe chịu tới trễ. Tức cười là bộ hành làm như con ruồi trong bài ngụ ngôn của Lã Phụng Tiên (La Fontaine), xe thở hào hển rán sức lên dốc, còn bộ hành ai nấy đều nín hơi rặn phụ lực y như thuở xưa gặp đẻ khó, người thân quyến phải rặn giúp sức người sản phụ sanh thằng nghịch tử! Bữa tôi đi, may quá, xe tới nhà ga chợ Bến Thành thì trời chật vật nhưng chưa tối lắm, tuy vậy mà tôi cũng sợ, đội khăn sùm sụp (đây là tôi sơ ý vì lính thấy bộ tịch khả nghi càng mau gọi và xét giấy hơn là để đầu trần). Tôi kêu xe kéo tuốt lại khách sạn của thầy Bảy Phương đường Carabelli, vì thầy Bảy là người biết điệu lo lót đủ mặt cò bót và lính tráng, thêm nhà ngủ nầy ở gần đường Catinat, yên tĩnh lắm. Chỗ nầy người quen biết ít lại lắm, tuy vậy tôi cứ phập phòng, ngủ không yên giấc. Trời vừa rực sáng, tôi đã trả phòng, đi bộ lại chợ cũ, ních hai tô cháo cá ngon lành, vì đêm rồi nhịn đói bỏ cơm, và tiệm Quảng Đông bán cháo cá nầy nấu ngon lắm, ai ai đất Sài Gòn nầy đều quen biết thuở nay. Xong rồi tôi kêu xe kéo đến ngôi nơi bồn bông trước nhà thờ Đức Bà, ngang nhà dây thép chánh chờ chuyến xe đò chạy lên Tây Ninh, rủi bữa đó không có xe, tôi phải trở lại mướn phòng nơi khách sạn Nam Đồng Hưng, số 74 đường d’Espagne, ẩn mặt đến sáng thứ ba mới lên tới Tây Ninh, ẩn thân cửa Phật.

Chú thích:

(1) Cô đào Thoàn, mới đây có người gặp ở Rạch Gầm, tuổi lên tám chục

(2) Do kịch liệt nói trại, có nghĩa là mê ly, hấp dẫn lắm

15.: Xuất gia đầu Phật

Đến xứ Phật, miệng phải niệm Di Đà, lòng thành thật cùng chăng, có trời Phật chứng giám. Tây Ninh và núi Điện Bà, tôi đã biết từ năm mười hai tuổi, khi theo chưn bà nội tôi hành hương năm ấy: Nay cũng còn nhớ mài mại đường đi và cách thức lên đến Điện Bà. Đầu tiên, tôi theo mấy bà đi chùa, nhưng tôi phải mấy lần dừng bước đợi mấy lão phụ nầy. Tội nghiệp mấy bà nầy, kẻ thì nằm võng lần chuỗi bồ đề, người thì ngồi xe đôi ba người cho bò nó kéo, võng thì hai người khiêng kẽo kẹt xốc lên xốc xuống muốn lộn mề gà, nhưng chưa đáng tội bằng ngồi xe, đường núi gập ghềnh toàn gốc cây hố đá, xe lại không nhíp, mỗi khi bánh xe trèo lên gốc cây rồi rớt kẹt đá, tiếng nghe “cà rịch” rồi “cà tang” đến thành thành ngữ “cà rịch cà tang” của người Tây Ninh để ám chỉ đường lên núi cam go khúc mắc, và điệu đờn sơn dã nầy nghe thét quen tai lại thấy như ru hồn người phải dày lòng nhẫn nại bất cứ ở đâu không phải đợi đăng sơn mới biết. Riêng tôi, tôi đã tiên liệu. Khi xuống xe đò, đi bộ đến quán dưới chơn núi, tôi đã ních một bụng cơm chay lại mua thêm một ổ bánh mì lớn và một gói đường cát trắng. Đến chùa gọi chùa ông Trưởng tử, tôi vào bạch cùng ông giữ chùa rằng tôi là bổn đạo ở phương xa, nay lên cúng Điện Bà, ghé lễ chùa ít đồng bạc nhang đèn và xin một chỗ nghỉ lưng đêm nay. Qua bữa sau, trời vừa rực sáng, tôi đã có mặt theo tốp thứ nhứt leo núi, noi theo đường đá sắp sẵn, nhưng mặc dầu hăng hái và sức thanh xuân mà cũng phải trưa trờ trưa trật mới đến Chùa Trung, cũng gọi là Điện Bà hay Chùa Lớn, vì còn một chùa nửa ở tận gần chót núi, nhưng ít ai đến vì ông hổ và gấu ngựa gấu heo, nếu gặp thì khỏi lạy chầu Bà. Nơi Điện tôi gặp nào xẩm già, vợ mấy ông Bang nào mấy ỷ, vợ mấy ông chủ chành (vựa) mua bán ở Chợ lớn, nào vợ mấy ông mấy thầy đất Sài Gòn có lòng mộ đạo đến đây từ hôm trước, vì nhớ đâu năm tôi trốn lên đây là lối ngày rằm tháng giêng thì phải.

Tới điện, tôi chờ thiện bà, tín nữ hành lễ rồi về bớt, khi ấy tôi mới vào lạy ông hoà thượng, bạch rằng tôi có lời nguyện, xin hoà thượng mai nầy cúng cho tôi một ngọ và cho phép tôi để tóc, chụp mủ ni, ăn chay niệm Phật, tu tại đây và tôi đặt tiên cúng là năm trăm đồng bạc, xin hoà thượng nhận dùng vào hương khói cho Bà, cho tôi qui y, ở đây, quyết làm tôi Phật cho tới răng long tóc bạc.

Hoà thượng chấp tay nhậm lời, tôi mừng lòng một đỗi. Thiệt khen ai đầu tiên khéo chọn cánh trí nầy mà lập nơi thờ Phật Bà và đặt tên là Điện. Nguyên cốt Bà là một tượng đá cổ, nhỏ thôi, vừa cao bằng hai gang tay, Bà ngồi tham thiền và tượng đặt trong một hóc đá thật sâu, lúc tôi lên chùa, vẫn còn thấy hiện hiện, nhưng sau nầy nghe lại thì bọn tu sĩ chùa Bà Đen đường Trương Định Sài Gòn, vì muốn dụ thiện nam tín nữ qui tụ nơi chùa Chà nầy, nên đã lén lấy mất tượng Bà ở chùa Tây Ninh, việc ấy chưa biết ắt chất ra thể nào, tôi cứ thuật lại đây, riêng ông tác giả “Sài Gòn năm xưa”, ông ở tại chỗ, tưởng nên điều tra và ghi lại vào sách cho người sau được rõ, cũng là một sự hữu ích. Điện không phải chùa nhơn tạo xây cất bằng gạch, đây là một hang đá khá rộng, khá sâu, có một mái thiên nhiên gie ra tựa như cái nóc nhà đồ sộ, và công của tay người chỉ là tiếp xây một bức vách có chửa cửa là biến thành một ngôi chùa hùng tráng tôn nghiêm đứng trên núi cao, ngó mặt ra một cảnh rộng bao la bát ngát, cây cối trùng trùng điệp điệp đêm nghe tiếng cọp gầm ngoài xa, ngày nghe tiếng chim cao cát hồng hoàng hót tan bầu trời tịch mịch, và chiều chiều, lúc trong Điện tụng kinh lại có tiếng khua lộp cộp ngoài vách, xem lại ấy là những con qui, có con lớn bằng thúng giạ, ngày ẩn gốc cây kẹt đá, về chiều nghe tiếng chuông tiếng mõ thì bò lần về để đợi nắm cơm cửa Phật. Người sơ khởi lựa chỗ nầy để lập chùa có lẽ cũng là tay chọc trời khuấy nước thấy xa hiểu rộng vả có lẽ đã nếm đủ mùi khổ hạnh trần ai trên thế, khi đáo đầu đã chán ngán việc đời nên mới tìm đến chốn nầy mà tu tâm dưỡng tánh.

16.: Tu cũng chẳng yên thân

Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi, tôi tin chắc con người sanh ra đều có số kiếp riêng không ai giống ai, và số tôi là phải long đong lận đận, cây muốn đặng mà gió không ngừng, mới làm sao đây? Và rủi ro đâu khéo khiến. Lên ở chùa chưa được nửa tháng, mừng lòng vừa trút bớt ưu phiền, nâu sồng an phận, chay lạt vừa quen, tuy kinh kệ chưa thuộc nhưng với chí quyết thủng thẳng cũng sẽ học được như người ta, ở vừa yên nơi yên chỗ, bỗng bà mãi biện về thăm quê, nay trở lại chùa, bà có phận sự coi việc xuất phát, và quyền hành trong chùa của bà, sau tôi vô lại là lớn hơn ông trụ trì nhiều lắm, tôi không biết bản mặt của tôi, thuở nay ăn khách đàn ông lắm chớ, thế mà đối với mụ nầy, mặt tôi với mặt bà kỵ ở chỗ nào? Hôm tôi ra mắt, bà nhíu đôi lông mày nhìn tôi trân trân, rồi tứ hôm ấy, hễ thấy mặt tôi là bả ghét cay ghét đắng, đi vô bà nguýt, đi ra bà háy, có việc chi sai bảo đến tôi là bà nặng nhẹ giằn thúc đến điều, dùng những tiếng không phải của người tu hành, toàn là lời xóc óc đâm hông. Nam mô di Phật nào tôi có dám đả động chi bà? Bà nói với mấy ỷ ban Chợ Lớn lên đây cúng chùa mà tôi nghe rõ từng tiếng một: “Cái tuồng mặt coi còn bén ngót, khéo nói chuyện gõ mõ tụng kinh, làm dâu cửa Phật, khéo bán dạng thuyền quyên, trêu ngươi bẹo chúng; Thiệt khéo thì thôi; Tôi nói đây để cho mấy ỷ mấy bà về ăn trầu gẫm lại coi: thét đây khi mai mà chùa nầy không khỏi trở nên nhà bảo sanh mà chớ?”

Tôi nghe mấy lời mà muốn trào máu họng; Mô Phật; Nam mô A Di Đà Phật; Chị em cô bác nghĩ coi: đi tu thì mặc đồ dà, tưởng như vậy cũng đủ. Tu là tu lòng, tu tâm dưỡng tánh, còn việc tôi để tóc chưa thí phát là việc riêng trối kệ tôi, vì lời nguyện muốn trước thử lòng mình xem có số tu không, chớ nào tôi tiếc gì ba mở tóc. Thế mà bà muốn tôi xẻo hai tai đâm đui hai mắt bà mới vừa lòng. Bà nói chi lời bất nhơn thất đức ấy? Tôi nhớ lần nào tôi vào liêu thầy tôi, thì ở ngoài nầy nghe tiếng bả đà ó giặc, lầm bầm lụp búp, đụng cái nầy, khua cái kia, bốp thiên. Nghe mà lạnh xương sống; Mô Phật; Nói sợ tội với trời; Chớ bà làm, hình như bả ghen tôi cho ông Phật sống là thầy tôi đây vậy!

Nghĩ tới đây tôi lập tâm quyết chí, thề độc chuyến nầy, một phen tôi xuống núi bận nầy; tôi sẽ hung sẽ ác cho lại gan với đời mới nghe cho; Từ đó kéo mũ Quan âm che mặt, tôi ẩn nhẫn chờ thời dẫu bả tiếng chay tiếng mặn, tôi cứ nuốt giận lấp hai giả điếc, nín lì chịu trận. Có một đêm kia, trời khuya khoắt, một đám cướp từ đâu không rõ, tông cửa chánh điện, ùa vào liêu thầy tôi, lục soát và tóm thâu không chừa một món. Chúng hăm doạ mấy ông đạo chạy đôn đáo khắp nơi, biểu đem nạp thầy tôi để đền tội gì đó. Kiềm hết sức không gặp, mới chịu buồm. Cũng may đêm ấy thầy tôi xuống chợ tụng kinh cầu an cho nhà nào đó đến sáng mới về chùa nên khỏi tay chúng. Mụ mãi biện đi đâu dưới chợ cùng về với thầy tôi trước sau không lâu nên cũng thoát nạn.

Về vừa thấy tan tành đồ đạc, bả liền nổi tam bành lên, chửi đông đổng ăn cướp gì biết được đêm chùa vắng chủ, có hoạ là tôi đây đem đường dẫn lối, biết chỗ nào là liêu chỗ nào chứa của gì, nên mới cướp sạch bách như vậy. Bả lại buộc thầy tôi một cũng phải đuổi, hai cũng phải đuổi tôi ra khỏi chùa lập tức, bả mới để yên cho. Nói cho chí phải, thầy tôi nào nỡ nghe theo và cứ kiếm lời giả lả. Thầy tôi nói ngon nói ngọt chừng nào, bả lại trèo đèo chừng nấy, hăm nếu không, bả sẽ xuống quan thưa gởi bắt tôi cho được mới nghe. Thầy tôi thấy thế túng phải chiều, sợ bả làm tình tệ thì cỏn chi là thanh danh của chùa. Lúc ấy thầy tôi gọi tôi vào liêu, trao năm trăm bạc lại cho tôi, thở ra mà rằng:

- Mô Phật. Đồ đệ nầy. Đồ đệ có lòng đem của cúng Bà, thôi, một tấm lòng thành Bà cũng chứng cho, lựa là phải để bạc lại làm chi. Bần tăng coi vóc đồ đệ ốm yếu lắm; vậy có đến chùa nào khác mà qui y thọ phái, nhớ cúng một đôi trăm cũng đủ che thân khỏi cực. Đồ đệ có về ở chuà nào, xứ nào, xin thương nghĩ bụng lấy, kín miệng, kẻo tiếng đời dị nghị không tốt. Mô Phật; nạn tai bất ngờ, đồ đệ khá nguôi lòng. Người đời, hoạn nạn là thử thách. Kẻ nào khóc nhiều kẻ đó sống nhiều; Đồ đệ vui lòng kín miệng che chở cho thầy thì cũng đứng chấp nhứt mụ vãi ngu xuẩn kia, coi vậy chùa nầy không có vãi ấy cũng không xong;

Thầy tôi đã nói đến thế, mỗi mỗi tôi dạ dạ vâng vâng không lời đáp lại tôi nhận năm tấm giấy xăng, lạy thầy hai lạy, xách mở quần áo cũ, xâm xúi bước ra khỏi điện đi cho một nước!




- Thôi! Cần gì!
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved