Diễn xướng ca dao theo dòng thời gian
15/10/2010 02:01Để hiểu thấu đáo hơn về diễn xướng ca dao người Việt, còn cần có những nghiên cứu cụ thể về từng loại, từng tiểu loại thơ ca dân gian này; cũng cần có sự so sánh đối chiếu với hình thức diễn xướng dân gian của thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là bộ phận thơ ca đang lưu chuyển trong đời sống dân gian đương đại. Đó là hướng bài viết có thể triển khai, hy vọng đem lại những thông tin khoa học cập nhật và có giá trị.
1. Diễn xướng và diễn xướng ca dao
1.1 Những quan niệm khác nhau về diễn xướng
Diễn xướng là thuật ngữ được dùng khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học nghệ thuật và đặc biệt là trong nghiên cứu văn học, văn hoá dân gian. Song, trong quá trình nhận diện, nhiều vấn đề liên quan đến thuật ngữ này còn chưa thật sự thống nhất.
Tác giả Lê Trung Vũ trong bài viết Từ diễn xướng truyền thống đến nghệ thuật sân khấu đã xác định: “Diễn xướng vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa xã hội định kỳ (như Hội Gióng, Hội Xoan, Hội chùa Keo, Lễ mở đường cày đầu năm…) quy mô làng xã; lại vừa là hình thái sinh hoạt văn hóa xã hội không định kỳ, nhưng định lệ (lễ làm nhà mới, đám cưới, đám tang, lễ thành niên, lễ thượng thọ…) quy mô một gia đình hoặc việc của một người; lại cũng vừa là lối trình diễn rất tự nhiên không định kỳ cũng không định lệ mà do nhu cầu sinh hoạt, lao động (Ru con, hát trong lúc lao động, vì lao động hoặc để giải trí)…”(1). Theo tác giả, có thể phân loại diễn xướng dựa vào chủ đề và quy cách. Dựa vào chủ đề, diễn xướng được chia thành hai loại theo hai nội dung lớn của xã hội là dựng nước và giữ nước. Diễn xướng theo chủ đề dựng nước lại có thể chia thành hai loại nhỏ là sản xuất và sinh hoạt. Dựa vào quy cách tiến hành diễn xướng, có thể chia diễn xướng thành diễn xướng tự nhiên, tự do (Thường là hát không động tác hoặc động tác đơn giản, không kèm tập tục, nghi lễ) và diễn xướng định kỳ, định lệ (phức tạp về thành phần cấu tạo, đa dạng về nội dung, theo quy cách nhất định). Tác giả Lê Trung Vũ còn lưu ý rằng đã gọi là diễn xướng thì thường phải có diễn (múa, động tác, âm nhạc) và xướng (nói, ngâm ngợi, ca hát).
Tìm hiểu về diễn xướng, tác giả Nguyễn Hữu Thu quan niệm: “Thuật ngữ diễn xướng là để chỉ chung việc thể hiện, trình bày những sáng tác văn nghệ của con người gồm nhiều yếu tố hợp thành (…) diễn xướng là tất cả những phương thức sinh hoạt văn nghệ mang tính chất nguyên hợp của loài người từ lúc sơ khai cho đến thời đại văn minh hiện nay”(2). Nguyễn Hữu Thu liệt kê ra 13 yếu tố cấu thành diễn xướng như: con người (xét về mặt sáng tạo), tác phẩm (tiểu phẩm truyền miệng trong dân gian), địa điểm (các kiểu diễn trường), thời gian (mùa hay dịp), động tác (đi đứng, cử chỉ, nhảy múa), ngôn ngữ (nói năng, ngâm, bình, xướng, kể)… và nhấn mạnh vào yếu tố con người – xuất phát điểm của nghệ thuật biểu diễn.
Hội nghị khoa học chuyên đề Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian với nghệ thuật sân khấu cũng đưa ra khái niệm: “Diễn xướng dân gian là hình thức sinh hoạt văn nghệ của nhân dân gắn bó chặt chẽ với cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Diễn xướng dân gian là cái nôi sinh thành của nền văn nghệ dân tộc, có quan hệ mật thiết với hầu hết các bộ môn nghệ thuật dân tộc trước cũng như sau khi chúng trở thành những bộ môn riêng biệt”(3).
Bàn về khái niệm này, nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu cho rằng: “Nói diễn xướng dân gian là hình thức sinh hoạt văn nghệ của nhân dân…, là cái nôi sinh thành của nền văn nghệ dân tộc” là đúng nhưng chưa đủ và nhất là chưa rõ. Bởi nhân dân đã làm ra nhiều hình thức văn nghệ khác nhau. Vậy thì diễn xướng dân gian là hình thức văn nghệ nào của nhân dân? Nghệ thuật sân khấu dân gian có thuộc phạm trù diễn xướng dân gian không hay thuộc về nghệ thuật sân khấu? Các hình thức sáng tác dân gian khác ít mang tính chất diễn xướng hơn như tục ngữ, câu đố, ca dao, truyện kể… có phải là thành phần của diễn xướng không hay diễn xướng dân gian chỉ bao gồm những hình thức văn nghệ đậm tính diễn xướng như các thể loại ca vũ và trò diễn dân gian?”. Theo ông, thuật ngữ diễn xướng dân gian có thể và cần được hiểu với hai nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Với nghĩa rộng, diễn xướng dân gian là tất cả mọi hình thức biểu diễn (hay diễn xướng) và ít hoặc nhiều đều mang tính chất tổng hợp tự nhiên, (hay tính chất nguyên hợp) mà lâu nay ta quen gọi là văn học dân gian; còn nghĩa hẹp nó chỉ bao gồm các thể loại diễn (như trò diễn, trò tế lễ dân gian...). Hoàng Tiến Tựu đã chia diễn xướng dân gian thành 4 loại: nói, kể, hát, diễn tương ứng với 4 phương thức phản ánh chủ yếu của văn học dân gian là suy lý, tự sự, trữ tình, kịch(4).
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã định nghĩa diễn xướng một cách ngắn gọn là “Trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu”(5).
Nhà nghiên cứu Richard Bauman trong công trình Nghệ thuật ngôn từ truyền miệng như một hình thức diễn xướng đã khẳng định: “Về cơ bản, sự diễn xướng với tư cách một phương thức thông tin bằng miệng bao gồm cả giả thiết về trách nhiệm trước thính giả về một sự thể hiện năng lực truyền đạt. Năng lực này nằm ở chỗ kiến thức và khả năng nói theo những cách thích hợp về mặt xã hội (...) Như vậy sự diễn xướng thu hút sự chú ý đặc biệt và nhận thức được nâng cao về hành động biểu đạt và cấp phép cho thính giả xem hành động biểu đạt và người thực hiện với một cường độ đặc biệt”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm diễn xướng và cho rằng: “... Có vẻ đã đến lúc thích hợp cho những nỗ lực nhằm mở rộng nội hàm khái niệm của sự diễn xướng mang tính Folklore như một hiện tượng thông tin, vượt ra cái ứng dụng phổ biến đã đưa chúng ta đạt đến điểm này”(6).
Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên thấy cần phải “Điều chỉnh đối với quan niệm quen thuộc về tính truyền miệng và tính diễn xướng của văn học dân gian nói riêng, đồng thời cần phải tìm những điều kiện mới của sự lưu truyền và sự tiếp nhận các sản phẩm Folklore nói chung...Khi ghi chép tác phẩm văn học dân gian cần có những ghi chú về hình thức diễn xướng của nó”(7).
Tác giả Tô Ngọc Thanh trong bài viết Trình diễn dân gian Việt Nam đặt vấn đề sử dụng thuật ngữ trình diễn thay cho thuật ngữ diễn xướng bởi theo ông “Thuật ngữ diễn xướng” dễ dẫn đến liên tưởng về các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa, sân khấu, trong đó bao gồm các yếu tố diễn xuất và ca xướng, tức là các nghệ thuật biểu diễn (Performing arts) (...). Để có một hàm nghĩa rộng hơn, thuật ngữ “trình diễn” (Presentation) tỏ ra thích hợp, theo đó, “diễn xướng” là một dạng của trình diễn(8).
Tuy có ý kiến được đưa ra từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, song về cơ bản các quan niệm về diễn xướng nêu trên vẫn phù hợp với hiện thực lưu truyền các sáng tác dân gian. Những năm gần đây, khái niệm diễn xướng dân gian vẫn được sử dụng để chỉ sự “hiện thực hoá” các tác phẩm văn học dân gian nói riêng, các sinh hoạt văn hoá dân gian nói chung. Điểm cần lưu ý là, các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến nội hàm khái niệm diễn xướng; đã ít nhiều nhận ra sự khác biệt giữa diễn xướng truyền thống và diễn xướng hiện đại; đã lưu tâm đến việc ghi chép, miêu tả diễn xướng bằng nhiều hình thức khác nhau để lưu giữ. Và luôn trăn trở, tìm tòi để có một khái niệm thực sự bao chứa được đối tượng như nó vốn thế...
Qua tìm hiểu các ý kiến bàn về diễn xướng và những vấn đề có liên quan đến diễn xướng trong tiến trình lịch sử, chúng tôi thấy bên cạnh những điểm chưa thống nhất, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Diễn xướng là hình thức biểu hiện, trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, điệu bộ, cử chỉ...; diễn xướng có sự biến đổi theo thời gian; cần phải linh hoạt khi tìm hiểu về diễn xướng và lưu ý đến tính ước lệ của thuật ngữ này. Chúng tôi thống nhất với cách hiểu như trên về diễn xướng.
1.2. Diễn xướng ca dao trong quan niệm xưa và nay
Diễn xướng ca dao là một bộ phận của diễn xướng dân gian, là hình thức biểu hiện, trình bày phần lời thơ trong các tình huống giao tiếp nghệ thuật dân gian. Điều này có cơ sở từ việc tìm hiểu diễn xướng dân gian như trên đã xem xét. Diễn xướng ca dao thuộc hình thức diễn xướng đơn giản (theo Lê Trung Vũ), thuộc loại phương thức biểu diễn hát (theo Hoàng Tiến Tựu) và theo Nguyễn Hữu Thu “Nghệ thuật cao nhất của ngôn ngữ trong diễn xướng là hát” (mà hát là hình thức diễn xướng của một số loại sáng tác dân gian trong đó có ca dao).
Hình thức diễn xướng hát và những vấn đề liên quan đến ca dao cổ truyền nhìn chung đã được minh định. Điều các nhà nghiên cứu còn phân vân là có phải tất cả những lời thơ dân gian sáng tác sau Cách mạng tháng Tám đều là ca dao và những hình thức đa dạng của việc lưu truyền các sáng tác thơ ca dân gian như: viết ra giấy dán lên báng súng, ba lô, gài vào nắm cơm gửi ra trận địa hoặc nói, kể trong những tình huống giao tiếp hằng ngày,... có phải là diễn xướng? (hay là những biến thể khác nhau của diễn xướng ?). Những vấn đề này đã ít nhiều được nhắc tới trong các cuộc Hội thảo về vấn đề văn học dân gian hiện đại và trong các công trình nghiên cứu. Một số trong những vấn đề nêu trên đã có dịp được bàn tới trong công trình nghiên cứu về ca dao của chúng tôi năm 2004(9). Tuy nhiên, diễn xướng – yếu tố quan trọng cần tìm hiểu trong nghiên cứu các sáng tác dân gian lại chưa có điều kiện xem xét một cách hệ thống. Điều này có nguyên nhân của nó. Chúng ta biết rằng, diễn xướng là yếu tố ngoài văn bản nghệ thuật ngôn từ. Diễn xướng là yếu tố không thể bỏ qua nếu muốn hiểu đúng, hiểu sâu sắc văn bản nghệ thuật ấy. Song, ở những công trình sưu tầm văn học dân gian, trong đó có ca dao, yếu tố này chưa thực sự được lưu tâm ghi chép miêu tả cụ thể. Điều đó gây khó khăn cho người nghiên cứu khi tìm hiểu về những lời thơ dân gian trong quá khứ. Dù vậy, nỗ lực để có thể phác họa chân xác, đầy đủ, hệ thống về yếu tố diễn xướng ca dao vẫn là vấn đề cần lưu tâm.
Vậy vận dụng linh hoạt khái niệm diễn xướng như thế nào để nghiên cứu diễn xướng ca dao? Diễn xướng ca dao đã vận động biến đổi ra sao trong từng thời kỳ và trong suốt tiến trình lịch sử? Đi tìm lời giải cho sự tồn tại của ca dao Việt Nam liệu có liên quan gì đến yếu tố diễn xướng? Đó là những vấn đề chúng tôi quan tâm trong bài viết này.
2. Hát – hình thức diễn xướng chủ yếu và quen thuộc của ca dao cổ truyền
2.1. Các sinh hoạt ca hát dân gian và diễn xướng ca dao
Trong sinh hoạt văn hóa dân gian có một bộ phận quan trọng là sinh hoạt ca hát. Sinh hoạt ca hát dân gian có thể bao gồm cả việc diễn xướng những tác phẩm tự sự, như tác phẩm thuộc thể loại sử thi, truyện cổ tích... Song, nói đến sinh hoạt ca hát dân gian, người ta thường hay nghĩ đến việc diễn xướng ca dao, dân ca. Trong ca dao, dân ca, không phải không có những tác phẩm tự sự nhưng đa số đó là tác phẩm trữ tình và trong sinh hoạt ca hát dân gian, càng về sau này, tác phẩm trữ tình càng chiếm đa số(10).
Như vậy, sinh hoạt ca hát dân gian gắn bó chặt chẽ với đời sống dân gian, là cơ sở quan trọng hình thành nên diễn xướng ca dao - diễn xướng một bộ phận thơ ca dân gian đậm chất trữ tình trong kho tàng thơ ca dân tộc.
Tuy nhiên, để phác họa được diện mạo sinh hoạt ca hát dân gian trong đó có diễn xướng ca dao thời xưa là việc làm không đơn giản. Vấn đề cần lưu tâm là ở chỗ: nảy sinh từ chính môi trường ca hát dân gian, ca dao cổ truyền có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển hình thức diễn xướng “hát”. Đồng thời, chính môi trường sinh hoạt ca hát đó đã chế định, khuôn hình thức diễn xướng ca dao cổ truyền vào khuôn khổ của lối trình diễn “hát”.
Song, mỗi loại ca dao (là phần lời gắn với mỗi loại dân ca) có những yếu tố diễn xướng cụ thể, sinh động, bổ sung cho hình thức diễn xướng chủ yếu và quen thuộc là “hát”. Và ngay cả hình thức “hát” cũng có những mức độ biểu hiện khác nhau. Bởi vậy, cần phải hiểu hình thức diễn xướng “hát” một cách linh hoạt, gắn với mỗi môi trường sinh hoạt văn hóa, ứng với mỗi nội dung sinh hoạt, gắn với mỗi giai đoạn lịch sử - xã hội. Ví dụ, xem xét sự vận động trong nội bộ hình thức diễn xướng này, sẽ có cơ sở để nhận diện và lý giải sự vận động, biến đổi của hình thức diễn xướng “hát” nói riêng, hình thức diễn xướng nói chung trong suốt tiến trình lịch sử.
2.2. Hát với những biểu hiện từ đơn giản đến đa dạng, phức tạp trong diễn xướng ca dao cổ truyền
Theo Đỗ Bình Trị thì “Tuổi của nhóm thể loại những câu hát dân gian (...) được tính từ thời đại Hùng Vương. Nhưng hầu hết, nếu không phải tất cả, những bài ca ta hiện có, đều thuộc về những thế kỷ sau - thế kỷ thứ XVI”(11).
Nhận định trên là có cơ sở bởi tìm hiểu văn bản của những bài ca nghi lễ - một bộ phận cổ nhất của ca dao - dân ca, ta thấy phần lớn có thể thức, nội dung không cách xa thời hiện đại (có thể xếp chúng vào giữa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến, độc lập). Một điều cần lưu tâm nữa là “Ca dao được nhân dân sáng tạo, trình diễn và cảm thụ với tính chất là những câu hát. Không đề cập đến phương diện âm nhạc của diễn xướng ca dao, chúng ta đã tự hạn chế kết quả nghiên cứu nó về mặt lịch sử”(12).
Tìm hiểu về diễn xướng ca dao, chúng ta có thể xem xét qua các chặng đường vận động, phát triển và sự thể hiện chủ yếu, đặc thù nhất của yếu tố này trong tiến trình lịch sử. Dù vậy, các chặng đường phát triển của diễn xướng ca dao cũng chỉ xác định được một cách tương đối trong tiến trình lịch sử văn học dân gian; Sự thể hiện chủ yếu, đặc thù nhất của diễn xướng ca dao cổ truyền là hát, cũng chỉ được tìm hiểu một cách chung nhất qua ghi chép của các nhà nghiên cứu. Khó dựng lại một cách hoàn chỉnh bức tranh sinh hoạt ca hát dân gian của nhân dân lao động nước ta từ bao đời nay, bởi trong các thư tịch thuộc các thời kỳ lịch sử đó, vấn đề này chỉ là những phác họa sơ giản. Từ sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta mới có cơ hội để tiếp cận thêm một số tài liệu cổ, tài liệu liên ngành và tổ chức sưu tầm, tập hợp các hình thức ca hát dân gian còn được lưu giữ trong đời sống hiện đại. Trên cơ sở đó, diện mạo sinh hoạt ca hát dân gian trong đó có diễn xướng ca dao mới được phác họa trên những nét cơ bản.
Theo các tài liệu nghiên cứu, những bài hát dân gian ra đời ngay từ thời kỳ phát triển rất sớm của xã hội người Việt, gắn liền với sự ra đời của âm nhạc và nhảy múa. Và cũng như hầu hết các thể loại chính của văn hóa dân gian, trong giai đoạn phát triển đầu tiên, các bài hát ra đời và tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ giữa hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất của người Việt. Nói cách khác, sinh hoạt ca hát thường gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt thực tiễn của nhân dân lao động. Điều đáng lưu ý là ngay cả giai đoạn phát triển về sau này, khi mà sinh hoạt ca hát được nhân dân ý thức, xem như một sinh hoạt văn nghệ thì mối quan hệ giữa hình thức ấy với hoạt động thực tiễn vẫn không hoàn toàn bị mất đi(13).
Như vậy, thực tế tồn tại và vận động của các hình thức sinh hoạt ca hát dân gian cơ bản phù hợp với cách hiểu về diễn xướng mà các nhà nghiên cứu đưa ra, đó là ca hát gắn với giai điệu và cử chỉ, động tác; ca hát gắn với đời sống thực tiễn dù khi nó mới ở trạng thái sơ khai.
Trong số các loại ca dao mà nguồn gốc và chức năng có mối quan hệ hữu cơ và trực tiếp nhất đối với sinh hoạt lao động là hò lao động. Đó là những lời ca được cất lên ngay trong quá trình lao động, có tác dụng “cầm chịch” cho lao động và gây sự hưng phấn cho người lao động. Đặc biệt, sự hưng phấn đó không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn là cơ sở để nảy sinh thơ ca, dù rằng trong các bài thơ lao động xưa nhất ấy, diễn xướng thường chỉ được “biểu hiện qua những lời hô đơn giản”(14).
Theo nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, các bài ca lao động thời cổ (phần lời là hò lao động ở giai đoạn sơ khai) ra đời từ thực tế sinh hoạt lao động, được tạo nên không chỉ bằng việc tổ chức nhịp điệu của một số quá trình lao động mà còn bằng cảm hứng của người lao động. Bởi vậy, những bài ca lao động không chỉ đơn giản là nhịp điệu âm thanh mà còn là sự thể hiện những tư tưởng và tình cảm nhất định. Chức năng gây cảm hứng, thể hiện tư tưởng tình cảm ấy không chỉ giúp cải thiện lao động mà còn là những sáng tác nghệ thuật. Đối với giai đoạn phát triển sau này của văn học dân gian, sự thể hiện như trên càng rõ nét(15). Như vậy, có sự chuyển biến ngay trong nội bộ một hình thức ca hát dân gian (hò lao động). Điều đó cũng có nghĩa là, diễn xướng “hát” cùng những yếu tố phụ trợ khác nhau như động tác, cử chỉ, điệu bộ... Cũng sẽ có sự vận động theo hướng nghệ thuật hóa, đa dạng hóa nội dung tư tưởng và “diễn xuất”.
Xét rộng ra trong toàn phạm vi các hình thức sinh hoạt dân ca cổ truyền Việt Nam, có thể thấy lời của nó (tức ca dao cổ truyền) được diễn xướng trong một số sinh hoạt chính của đời sống nhân dân như: sinh hoạt lao động, sinh hoạt nghi lễ, sinh hoạt gia đình và xã hội. Ở mỗi lĩnh vực sinh hoạt đó các động tác, cử chỉ, điệu bộ, các phương tiện âm thanh, nhịp điệu, các hình thức diễn xướng gắn với ma thuật hoặc tín ngưỡng... được bộc lộ. Nội dung lời ca ở mỗi lĩnh vực sinh hoạt đó khá đa dạng, bao gồm những vấn đề liên quan đến lao động, nghi lễ, tình yêu và luôn gắn với đời sống gia đình - xã hội. Lẽ tự nhiên, những nội dung lời ca đó, do ra đời ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, thực hiện những chức năng xã hội khác nhau, được cất lên trong những môi trường văn hóa khác nhau nên sự diễn xướng cũng có nhiều nét riêng biệt.
Tuy có những biểu hiện đa dạng trong nội dung cũng như cách thức diễn xướng, yếu tố cốt lõi và quan trọng mà ở mỗi lĩnh vực sinh hoạt tinh thần nêu trên sử dụng vẫn là “hát” với những biểu hiện đặc trưng. Chẳng hạn, ở hò lao động, giai đoạn đầu có thể chỉ là lời hô đơn giản, nhưng những giai đoạn sau phát triển thành các điệu hò với giai điệu du dương, da diết... Ở các bài ca khẩn nguyện, lời hát lại có thể cất lên đủ để thần linh “nghe thấy” và “thấu hiểu”. Đó là những lời thì thầm trong dân ca nghi lễ. Tham gia vào môi trường sinh hoạt ca hát dân gian theo đúng nghĩa đầy đủ của nó, nhất là trong các cuộc hát đối đáp, lời ca lại có sức lan tỏa và tạo cảm hứng theo cách riêng. Nghiên cứu những biểu hiện đặc trưng của diễn xướng ở từng lĩnh vực sinh hoạt trong đời sống nhân dân, thậm chí từng hình thức sinh hoạt văn hóa cụ thể (như: hò giã gạo, hò kéo lưới; hát đám cưới, hát đám ma; hát ru, hát đối đáp...) chúng ta sẽ có những thông tin chi tiết hơn về các biểu hiện sinh động của hình thức diễn xướng “hát”.
Như vậy, khi sinh hoạt ca hát dân gian phát triển tới mức đa dạng và trở thành nhu cầu thiết yếu của con người trong thời kỳ lịch sử đó thì diễn xướng cũng được “chuyên môn hóa” hơn, có những biểu hiện phong phú, tinh tế hơn. Có thể nói, đó là sự vận động biến đổi từ đơn giản đến đa dạng, phức tạp của diễn xướng ca dao cổ truyền. Sự vận động biến đổi đó diễn ra là hoàn toàn hợp quy luật, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt tinh thần của đại bộ phận người dân trong từng giai đoạn lịch sử, ở từng phạm vi sinh hoạt văn hóa mà họ gắn bó, hứng thú
3. Nói, kể - những hình thức diễn xướng mới của ca dao hiện đại
3.1 Hoàn cảnh lịch sử - xã hội và nhu cầu sáng tạo thưởng thức của tầng lớp công chúng mới
Có thể nói, hoàn cảnh lịch sử - xã hội mới là nhân tố đầu tiên thúc đẩy sự vận động biến đổi của hình thức diễn xướng ca dao. Nếu như, trước Cách mạng tháng Tám, hình thức diễn xướng của ca dao cổ truyền (thực chất là diễn xướng trong sinh hoạt dân ca) chủ yếu là hát thì sau Cách mạng tháng Tám, hình thức nói, kể và một số cách thức biểu hiện đa dạng khác chiếm ưu thế trong diễn xướng ca dao hiện đại. Tuy nhiên, như đã xác định, diễn xướng không đơn giản lúc nào cũng chỉ thể hiện bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu. Đi kèm với các yếu tố còn có cử chỉ, động tác và những yếu tố mang tính chất ma thuật nếu là diễn xướng gắn với nghi lễ.
Nhưng những yếu tố cụ thể nào tác động vào quá trình sáng tạo, giao tiếp nghệ thuật không chuyên trong giai đoạn lịch sử từ 1945 đến nay. Trước hết, phải nói rằng, đó là hoàn cảnh lịch sử đất nước đang có chiến tranh: ba mươi năm vừa kiên cường trong kháng chiến, vừa gian khổ chi viện cho tiền tuyến và xây dựng đất nước. Môi trường sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, chủ thể sáng tạo của ca dao thời kỳ đó cũng có sự biến động. Trước năm 1945, sinh hoạt ca hát dân gian, trong đó có diễn xướng ca dao diễn ra chủ yếu trong khung cảnh làng quê yên bình, thơ mộng. Chủ thể sáng tạo, lưu truyền và thưởng thức ca dao là những người dân quê bình dị, chăm chỉ trong cuộc mưu sinh nơi ruộng đồng thôn xóm. Những điều họ quan tâm và nói tới trong sinh hoạt ca hát dân gian liên quan nhiều đến đời sống tâm hồn, tình cảm, đặc biệt là tình yêu lứa đôi. Cảm hứng trữ tình trong những lời ca mà họ trình diễn thường là cảm hứng về đời tư, trong đó chú tâm hơn đến thân phận người phụ nữ. Khi vào cuộc hát, người dân quê thường hoặc là tinh nghịch, lém lỉnh trêu ghẹo bạn hát:
Cô kia đứng ở bên sông,
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Hoặc là kín đáo, ý tứ hỏi han:
Mình ơi ta hỏi thực mình,
Còn không hay đã chung tình với ai?
Hôm qua tát nước gầu dai,
Có phải nhân ngãi hay ai tát cùng?
Có thể thấy sự thong thả, yên lành, bình lặng của nếp sống thôn quê thời bình với những con người lạc quan, yêu đời, ham sống dù cuộc đời thực có vô vàn khó khăn, trắc trở. Đó là cái nền, là chất xúc tác làm nảy sinh những vần thơ dân gian truyền thống.
Khác xa với môi trường sinh hoạt ca hát trước Cách mạng, những năm sau Cách mạng vừa là thời kỳ sục sôi ra trận đánh giặc vừa là giai đoạn khắc phục khó khăn để cải thiện cuộc sống, dựng xây đất nước. Chủ thể sáng tạo, lưu truyền, diễn xướng cũng thường là những người dân quê bình dị nhưng mang tư cách và tâm thế mới của người ra trận và của người làm chủ cuộc sống mới.
3.2 Nói, kể với những biểu hiện phong phú khác của giao tiếp nghệ thuật trực tiếp
Thời kỳ từ Cách mạng tháng Tám đến nay, những truyền thống nghệ thuật tốt đẹp của ca dao, dân ca Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và trong những tình huống sinh hoạt văn hóa độc đáo, nhiều “nghệ nhân dân gian” đã thể hiện tài năng ca hát, ứng tác linh lợi và cách thức diễn xướng mới lạ đến không ngờ.
Có thể hình dung ra ít nhiều nhịp độ cuộc sống chiến đấu, lao động khẩn trương ở thời kỳ lịch sử mới và những tình huống sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thời chiến qua khung cảnh sinh hoạt văn nghệ của một đơn vị bộ đội - dân công thời chống Pháp. Đó là đêm sinh hoạt văn nghệ trong khuôn khổ truyền thống cũ do nhà văn Trần Đăng ghi lại vào thu đông năm 1949 như sau: “Xẩm tối, anh chính trị viên xem đồng hồ nhẩm tính một chương trình sinh hoạt văn nghệ cấp tốc... Kiểm thảo nội bộ... không còn gì để kiểm thảo nữa, ở các nhà, các trung đội đã bắt đầu vui hát. Chèo Ét ti pô tẩu mã cười nôn ruột. Thơ. Tình quân dân, ý nghĩa là anh bộ đội đi giết giặc, tôi là dân ở nhà tăng gia sản xuất. Những lời thơ hai người ngâm đối đáp văn hoa rất dài. Giọng ngâm tốt sang sảng của hai đội viên thi nhau ngân dài và đọc l ra n: "Anh nà chiến sĩ ngàn phương", "Tôi đi tô thắm điệu đời đêm lay"... Nghe phơi phới, non trẻ, tươi thắm lạ thường”(16).
Những mô tả sinh động về các cuộc hát đối đáp, hình thức lưu truyền ca dao đối đáp trong lao động, chiến đấu là những minh chứng chân thực nữa về sức sống của ca dao, đặc biệt là những hình thức diễn xướng đa dạng của ca dao Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Đó là những cuộc hát đối đáp của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong trong lao động , trên đường đi tiếp vận tải lương. Đó là cách lưu tryền ca dao độc đáo: dán trên báng súng, ba lô, gài vào nắm cơm,... gửi ra trận địa.
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI, hình thức diễn xướng nói, kể... được sử dụng khá phổ biến như một phương tiện đặc thù của ca dao hiện đại. Hầu như ở bất kỳ môi trường giao tiếp nào: nông thôn hay thành thị, bên bàn trà, chén rượu hay bên lề các cuộc họp; đối với bất kỳ tầng lớp công chúng nào: công nhân, nông dân, tri thức... Mọi người đều hào hứng sáng tạo lưu truyền, diễn xướng những lời thơ dân gian như để giải tỏa nỗi lòng, bày tỏ quan điểm sống, châm biếm phê phán những hiện tượng trớ trêu không lành mạnh đang ngự trị ngang nhiên trong đời sống xã hội. Nói như vậy không có nghĩa là hình thức diễn xướng “hát” đã diễn ra trong lịch sử không còn mà chỉ muốn khẳng định rằng hình thức diễn xướng của ca dao hiện đại chủ yếu, cơ bản là nói và kể.
Có thể đơn cử một vài ví dụ về sự tồn tại của những lời ca dao cùng những hình thức diễn xướng đó. Những nội dung sâu sắc, thâm thúy của lời thơ được truyền tải qua nghệ thuật ngôn từ ngắn gọn, bằng hình thức diễn xướng trực tiếp, “cơ động”, gây được ấn tượng và lưu lại trong tâm trí người sáng tạo, thưởng thức. Cũng cần nói thêm rằng, những lời thơ dân gian trong thời bình ngày càng nghiêng về xu hướng châm biếm, phê phán. Thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội trở thành đối tượng chính để dân gian đả kích. Trong nhịp sống khẩn trương, sôi động thời hiện đại, nói, kể là hai hình thức diễn xướng tỏ ra phù hợp, đắc dụng.
Chẳng hạn một anh chồng nào đó yếu bóng vía hay không may bị “cắm sừng” đều có thể giật mình khi có người tinh quái đọc cho nghe mấy câu ca sau:
“Im lặng vợ bảo giận gì,
Tươi cười vợ bảo chắc đi với bồ.”
Hay: “ Vợ là cơm hẩm nhà ta,
Lại là phở tái của thằng cha láng giềng!”
Những người có tính “trăng hoa” chắc sẽ rất tâm đắc với những lời thơ kiểu như:
“Gái tơ cặp với bồ già,
Như mai cổ thụ nở hoa bốn mùa”
Hay: “Bánh mì phải kẹp pa tê,
Đàn ông phải có máu dê trong người”
Trong các cuộc chuyện phiếm hiện nay, cho dù về chủ đề nào, một vài người trong các nhân vật tham dự giao tiếp ít nhiều đều có thể kể hoặc đọc một cách say sưa những lời ca mà nhiều người tán thưởng. Tán thưởng bởi nội dung lời thơ phù hợp với nhận thức chung của mọi người; Tán thưởng có lẽ còn bởi người phát ngôn dí dỏm, có duyên trong cách truyền đạt:
Chẳng hạn những lời thơ sau:
- “Con gì ăn ít nói nhiều,
Mau già, lâu chết, miệng kêu tiền tiền.”
Hay: - “ Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì,
Hễ có phong bì thì cứ Thank you.”
Hoặc: - “Đi đâu cho thiếp đi cùng,
No thì thiếp ở, lạnh lùng thì thiếp...bye! ”
4. Đi tìm lời giải cho diễn xướng ca dao Việt Nam
4.1 Diễn xướng truyền thống - nền tảng để duy trì sinh hoạt văn hóa dân gian
Thực chất, đi tìm lời giải cho diễn xướng ca dao Việt Nam cũng chính là đi tìm lời giải cho sự tồn tại, vận động của ca dao Việt Nam trong tiến trình lịch sử. Tìm hiểu về diễn xướng - hình thức thể hiện cụ thể, mang tính ích dụng và đậm chất nghệ thuật của ca dao, ta hiểu rõ hơn về một thể loại văn học truyền miệng gắn với đời sống sinh hoạt ca hát của quần chúng nhân dân từ cổ truyền đến hiện đại. Đó là hình thức “trình diễn” dân gian ra đời từ sinh hoạt của người dân, đáp ứng những nhu cầu sản xuất vật chất và giải tỏa tinh thần, tư tưởng của họ.
Diễn xướng ca dao có quá trình vận động biến đổi phù hợp với từng giai đoạn lịch sử - xã hội; đáp ứng kịp thời, thỏa đáng “khẩu vị” của quần chúng nhân dân - những người trực tiếp sáng tạo, lưu truyền, thưởng thức thơ ca dân gian. Song, diễn xướng truyền thống bằng hình thức chủ yếu là “hát” liệu có cơ sở tồn tại và có nên tồn tại? Lý giải điều đó chắc chắn phải xem xét những sinh hoạt ca hát dân gian đang diễn ra trong đời sống đương đại và vai trò của hình thức diễn xướng “hát”. Như đã biết, ca hát ra đời từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Nó vận động phát triển cùng với lịch sử tiến hóa của loài người. Nó có vai trò to lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân lao động. Việc ca hát nên hay không nên tồn tại thì đã rõ. “Hát” hình thức diễn xướng truyền thống có nhiều ưu thế này nếu bảo lưu và phát huy tốt sẽ tạo nền tảng để duy trì những sinh hoạt văn hóa dân gian trong một số vùng văn hóa điển hình và phù hợp.
4.2 Diễn xướng hiện đại - cơ sở nảy sinh thơ ca dân gian trong điều kiện lịch sử - xã hội mới
Nếu như “hát” có ưu thế nổi trội trong sinh hoạt văn hóa dân gian xưa thì “nói”, “kể” tỏ ra phù hợp và đắc dụng khi chuyển tải những nội dung trữ tình mới trong xã hội hiện đại. Khó có hình thức diễn xướng nào ngắn gọn hơn, cơ động hơn, phù hợp hơn... với nhịp sống hiện đại và thị hiếu thưởng thức văn học nghệ thuật đương thời. Bởi vậy, có thể thấy rằng, chính hình thức diễn xướng hiện đại (nói, kể) là cơ sở nảy sinh thơ ca dân gian trong kiều kiện lịch sử - xã hội mới.
Có lẽ, cũng không nên băn khoăn về sự vận động, biến đổi của hình thức diễn xướng ca dao. Điều đó diễn ra là hợp qui luật và không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong quan niệm của một số nhà nghiên cứu phương Tây, diễn xướng được hiểu với một nội hàm khá rộng và linh hoạt. Họ tóm lược ba truyền thống diễn xướng của cộng đồng người Cuna là: hát (Namakke), nói (Sunmakke) và hét (Kormakke)(17). Nhà nghiên cứu Richard Bauman cũng nhận định như sau về diễn xướng và vai trò của diễn xướng trong lịch sử phát triển nhân loại: “Sự diễn xướng, nếu như tôi nói, thì đúng là cái xuất phát điểm đó, mối liên hệ của truyền thống, hiện thực và sự nổi trội trong nghệ thuật truyền miệng. Như vậy sự diễn xướng có thể là nền tảng cho một nền Folklore mới, thoát khỏi viễn cảnh phải đối mặt với quá khứ và có khả năng hiểu thêm rất nhiều về kinh nghiệm của con người”(18).
Để hiểu thấu đáo hơn về diễn xướng ca dao người Việt, còn cần có những nghiên cứu cụ thể về từng loại, từng tiểu loại thơ ca dân gian này; cũng cần có sự so sánh đối chiếu với hình thức diễn xướng dân gian của thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là bộ phận thơ ca đang lưu chuyển trong đời sống dân gian đương đại. Đó là hướng bài viết có thể triển khai, hy vọng đem lại những thông tin khoa học cập nhật và có giá trị1
__________
(1) Lê Trung Vũ: Từ diễn xướng truyền thống đến nghệ thuật sân khấu in trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, H, 1997, tr.35-36.
(2) Nguyễn Hữu Thu: Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu in trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa H, 1977, tr.56-58.
(3) Nhiều tác giả: Kỷ yếu Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, H, 1977, tr.120
(4) Hoàng Tiến Tựu: Góp phần xác định khái niệm diễn xướng dân gian và tìm hiểu những yếu tố có tính chất kịch in trong Kỷ yếu Hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, H, 1977, tr.64-67.
(5) Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2001, tr.85.
(6), (17), (18) Nhiều tác giả: Folklore thế giới một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2005, tr.744-745; 771; 783.
(7) Chu Xuân Diên: Văn hóa dân gian và những biến đổi văn hóa – xã hội hiện nay in trong Văn hóa dân gian và sự phát triển văn hóa đô thị, Nxb. Đại học Quốc gia, H, 2002, tr.33, tr.35.
(8) Tô Ngọc Thanh: Trình diễn sân khấu dân gian Việt Nam in trong Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb. Khoa học xã hội, H, 2007, tr.25.
(9) Nguyễn Hằng Phương: Sự chuyển đổi thi pháp từ ca dao cổ truyền đến ca dao hiện đại, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, ĐHQG Hà Nội, 2004, 213tr.
(10) Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên,Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H, 1997, tr.410.
(11), (12) Đỗ Bình Trị: Văn học dân gian Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, H, tr.147; 155.
(13), (14) Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên,Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian Việt Nam, Sđd, 1997, tr.412; 415.
(15), (16) Chu Xuân Diên: Các thể loại trữ tình dân gian in trong Văn học dân gian Việt Nam, Tái bản lần thứ 4, Nxb. Giáo dục, H, 2000, tr.414-415; 238.