Home » » Bút pháp hậu hiện đại trong "Thành phố quốc tế" của Don Delillo

Bút pháp hậu hiện đại trong "Thành phố quốc tế" của Don Delillo

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011 | 01:10

Bút pháp hậu hiện đại trong "Thành phố quốc tế" của Don Delillo

15/10/2010 01:51
Trong vài thập kỉ trở lại đây, Don DeLillo là một trong những gương mặt ưu tú trên văn đàn Hoa Kỳ. Ông là ứng viên nặng kí cho giải thưởng Nobel văn học. Kế thừa thành tựu của những nhà văn hiện đại lớp trước, Don DeLillo khai mở lối viết hậu hiện đại độc đáo. Tác phẩm của ông, với hình thức ghép nối ngẫu nhiên, với sự tưởng tượng phong phú diệu kì, mang đậm tính khoa học giả tưởng,... đã đưa người đọc vào tâm điểm của sự hỗn mang đương đại trong một thế giới ngột ngạt bởi công việc, bởi tham vọng, sự sống và cái chết...
       Trong vài thập kỉ trở lại đây, Don DeLillo là một trong những gương mặt ưu tú trên văn đàn Hoa Kỳ. Ông là ứng viên nặng kí cho giải thưởng Nobel văn học. Kế thừa thành tựu của những nhà văn hiện đại lớp trước, Don DeLillo khai mở lối viết hậu hiện đại độc đáo. Tác phẩm của ông, với hình thức ghép nối ngẫu nhiên, với sự tưởng tượng phong phú diệu kì, mang đậm tính khoa học giả tưởng,... đã đưa người đọc vào tâm điểm của sự hỗn mang đương đại trong một thế giới ngột ngạt bởi công việc, bởi tham vọng, sự sống và cái chết... Sự khai phóng ý tưởng táo bạo và tạo tác nên một thế giới mang bộ mặt quái gở song trùng với thế giới thực tại đã khiến những trang viết của Don DeLillo có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhiều thế hệ người đọc.
Những đề tài được DeLillo thường xuyên hướng đến được giới nghiên cứu tập trung trong khái niệm Lí thuyết ngầm đa đề tài (themes-conspiracy theory), bao gồm bạo lực văn hoá, cuồng tín tín ngưỡng, đại biến cố, sự khủng bố của đám đông, bí mật lịch sử, con người cô đơn trong không gian hẹp... Cái nhìn tiên tri nhuốm màu phóng túng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong tác phẩm của DeLillo ban đầu bị xem là mang tính chất hoang tưởng (paranoid), nhưng dần người ta hiểu ra giá trị đích thực của nó.
Thành phố quốc tế (Cosmopolis, 2003) được viết dưới dạng đa đề tài ngầm ẩn. Xuyên suốt là đề tài về thị trường chứng khoán. DeLillo đề cao vai trò của thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với nền kinh tế đương thời. Một tay trùm đầu tư cổ phiếu có thể làm xoay chuyển cán cân kinh tế thế giới. Một lần nữa, DeLillo cho thấy khả năng tiên tri của mình trong sáng tạo nghệ thuật. Phải đến 2008 nền kinh tế thế giới mới thực sự chao đảo mà nguyên do bắt đầu từ việc khủng hoảng tài chính. Câu chuyện ông kể về cái thành phố thế giới trong cơn khủng hoảng tài chính và đó có lẽ là nguyên nhân gây nên sự bạo động. Tình trạng hỗn loạn đến mức bản thân cảnh sát ban đầu cũng không thể nào lập lại trật tự. Đấy là một thế giới hoàn toàn bất an và quyền lực gần như là tuyệt đối khi nó tập trung vào một ai đó. Nhưng ngay cả khi nắm trong tay quyền lực thì người đó vẫn không có khả năng xoay chuyển tình thế của mình. Vẫn luôn tồn tại một thế lực, một quyền năng nào đó ngoài khả năng suy đoán của con người.
Nhân vật chính trong truyện là tay trùm kinh doanh tiền bạc xuyên quốc gia, cụ thể là đầu tư vào đồng yên Nhật. Chàng trai ấy năm nay hai mươi tám tuổi. Trước khi kết hôn với một nhà thơ, người sẽ sở hữu một gia sản kếch xù của dòng họ Shifrin, anh ta có mấy người tình tên là Didi Fancher và Kendra Hays... Điều đáng lưu ý ở nhân vật này, tuy được giới thiệu là ông trùm chứng khoán và là một tay có hạng trong quan hệ tình dục với phụ nữ, nhưng cả hai yếu tố đó không phải là đích sống của anh ta.
Người kể ở ngôi thứ ba đặt nhân vật vào một hành trình trong vòng một ngày (một ngày tháng tư năm 2000) trong thành phố New York được ngụ ý là Thành phố thế giới. Nơi đó tập trung đủ kiểu người, đủ công việc, đủ những hoạt động đời thường như kinh doanh cổ phiếu, ăn uống ở nhà hàng, đọc sách ở thư viện, vẽ ở xưởng, làm tình... Tất cả những hoạt động này xoay xung quanh nhân vật chính là Eric Packer đang đi trên chiếc xe hiệu limousine sang trọng. Đấy là chiếc xe chuyên dụng, được trang bị đầy đủ máy móc như một phòng làm việc tối tân. Từ trên xe, Eric có thể theo dõi diễn biến của thị trường qua màn hình. Từ trên xe, anh ta cũng có thể quan sát được hết mọi sự việc đang diễn ra trong ngày trên khắp thế giới. Đấy cũng là dạng chiếc xe thế giới, người sử dụng cũng là một dạng con người thế giới, có thể dùng chiếc xe đó vào những việc riêng tư như khám chữa bệnh, làm tình và đưa ra các chỉ thị điều hành kinh doanh...
Như một nghịch lí, càng hiện đại, con người càng bị rơi vào nỗi cô đơn và gần như là mất phương hướng hành động. Để khắc hoạ đậm nét hơn bản thể con người trong kỉ nguyên hậu hiện đại, DeLillo đã thực hiện bút pháp mô phỏng đối với kiệt tác Ulysses của James Joyce và xa hơn là với Odyssey của Homer. Hành trình của Eric trên đường đi cắt tóc tương đồng với hành trình của Leopold Bloom lang thang trong một ngày tại thành phố Dublin. So với Bloom, hành động của Eric có mục đích hơn. Eric đang điều hành một tập đoàn kinh tế mà sức mạnh của nó có thể chi phối nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Bloom chỉ là một nhân viên chào hàng quảng cáo quèn. Sự tương phản giữa hai nhân vật này chính là sự khác biệt giữa thế giới hiện đại và hậu hiện đại. Một đằng thì lang thang vô mục đích. Một đằng thì vô mục đích ngay trong chính hành động ngỡ như có mục đích của mình. Rốt cuộc cả hai đều giống nhau ở cái kết cục cô đơn và hư vô, nhưng con đường đến đó của họ thì khác nhau.
Thành phố quốc tế mở đầu bằng hình ảnh một con người cô đơn: “Anh mất ngủ thường xuyên hơn, không chỉ một, hai lần mà tới bốn, năm lần một tuần. Anh đã làm gì khi điều này xảy ra? Anh không muốn đi dạo trong ánh bình minh lên. Anh không có bạn bè thân thiết để quấy quả bằng một cú điện thoại. Có gì để nói bây giờ? Chỉ là một sự tĩnh lặng, không đối thoại” (1). Điều này quả thực lạ với một nhà kinh tế mà đặc biệt là một ông trùm kinh tế. Sự mất ngủ được giới thiệu ngay từ đầu khiến người đọc nhầm tưởng về chuyện thị trường, nhưng chỉ mấy dòng tiếp theo, ta thấy sự mất ngủ đó có nguyên do chủ yếu từ bản thể hoặc từ những mối quan hệ hầu như không có liên quan gì đến công việc của “anh”. Tính chất hai mặt trong một con người được thể hiện ở đây. Một con người năng nổ hoạt động và một con người chán chường với những hoạt động của mình.
Nếu chỉ nhìn trên bề mặt chúng ta sẽ gặp được nỗi bức bối, thúc ép vô cùng to lớn của công việc. Eric trong lúc đi cắt tóc vẫn phải liên tục theo dõi các chỉ số, lắng nghe các chuyên gia cố vấn báo cáo tình hình tài chính và đặc biệt là những báo cáo về tình hình an ninh của bản thân... Cùng một lúc Eric phải xử lí vô vàn các thông tin khác nhau. Đấy là một con người của công việc thực thụ. Con người ý thức được trách nhiệm của mình với công ty, với khối tài sản kếch xù của dòng họ.
Có hai yếu tố chủ chốt chi phối mạnh đến hoạt động của Eric là thời gianlợi nhuận kinh doanh. Lợi nhuận, đặc biệt là kinh doanh tiền tệ phải chịu áp lực rất lớn về phương diện thời gian. Chỉ trong vòng một phần mười giây hay thậm chí thời lượng ngắn hơn cả thế là đủ để xoay chuyển cả cục diện kinh tế của công ty và cả nền kinh tế thế giới. Dưới áp lực của thời gian, con người hiện lên vô cùng kì quặc. Những nghi thức giao tiếp hay nghi thức công việc hầu như không còn chỗ đứng trong cuộc đời. Thay vào đó là những hành động cốt đạt mục đích tức thời. Còn gì khôi hài hơn là trước mặt nhân viên nữ trên chiếc xe, Eric tụt quần ra để bác sĩ khám tuyến tiền liệt. Có thể nói chưa bao giờ con người bị rơi vào sự quẫn bách như lúc này. Nếu lấy tiêu chí tự chủ của con người để làm thước đo hạnh phúc thì một người có quyền uy như Eric chẳng có lấy chút hạnh phúc nào.
Trước đây, các hình tượng nhà tư bản tài chính trong giai đoạn chủ nghĩa hiện đại như trong tác phẩm của Dreizer thường tự tại, tự tin vào sức mạnh và khả năng tận hưởng cuộc sống vô tận của mình, thì sang thời hậu hiện đại, những con người càng có khả năng tận hưởng cuộc sống bao nhiêu lại càng cảm thấy sự bức bối, bị chèn ép bởi bao gánh nặng công việc từ bên ngoài bấy nhiêu. Vậy nên, trong họ không còn là cảm giác của sự tận hưởng cuộc đời mà chỉ là sự bị động chạy theo cuộc đời.
Trên đường đi cắt tóc của Eric, biết bao biến cố xảy ra. Cái thời điểm một ngày tháng tư đó chất chứa bao nhiêu sự kiện dồn dập. Nỗi ám ảnh về một kẻ khủng bố đang tìm theo dấu vết để tiêu diệt mình trong Eric luôn thường trực.
Eric thờ ơ với cuộc sống giàu có. Một phần cũng vì sở thích của anh không giống những người cùng giới. Phần khác vì “tuyến tiền liệt của anh không cân xứng”. Đấy là tất cả các dấu hiệu cho thấy sự bất bình thường ở Eric. Anh là kiểu nhân vật “khiếm khuyết” đặc thù của chủ nghĩa hậu hiện đại. Thực ra kiểu nhân vật này đã xuất hiện trong văn chương chủ nghĩa hiện đại, như ở tác phẩm Kafka chẳng hạn. Nhưng cái cách các nhân vật thể hiện thì có khác. Trên hành trình đi cắt tóc của Eric, dấu hiệu ẩn dụ cho sự khủng hoảng chính trị hay sự xáo trộn cuộc sống là việc xuất hiện xe tổng thống đang đi trong thành phố. Đương nhiên mọi tuyến đường đều bị xoá sổ để dành quyền ưu tiên cho con người đứng đầu quốc gia này. Trong dòng xe dường như là bất tận của sự tê liệt, chiếc limousine của Eric cũng bị tê liệt theo. Tất nhiên, ngồi trên xe Eric vẫn có thể tiếp tục làm việc, nhưng mối nguy hiểm là một khi dừng lại, chiếc xe của Eric dễ dàng bị những kẻ khủng bố tấn công bất cứ lúc nào.
Eric có cả một đội bảo vệ, đứng đầu là Torval. Một nhân viên giàu kinh nghiệm và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ thân chủ mình. Sự xuất hiện của nhân vật này là tín hiệu báo hiệu mối nguy hiểm thường trực đang rình rập Eric. Và không ít lần nhân vật này phải ra tay. Vụ đầu tiên là với bác sĩ Ingram, người đến chữa bệnh thay cho bác sĩ Nevius. Torval nghi ngờ ông ta nên đã khống chế để Eric nhận diện. Vụ thứ hai thì thật là nghiêm trọng. Chiếc xe của Eric rơi vào tâm điểm của cuộc bạo động khi nó đi đến “nơi giao nhau giữa đại lộ thứ bảy và nhà hát Broadway”, nơi đó gần ngân hàng đầu tư và là nơi đang diễn ra vụ tấn công khủng khiếp. Những người bạo động đến “từ bốn mươi nước” cùng tấn công vào trung tâm chứng khoán New York. Bất chấp sự ngăn cản của cảnh sát họ vẫn chiếm được trụ sở chứng khoán và thay đổi các chỉ số trên bảng điện tử bằng dòng chữ Một con chuột trở thành đơn vị tiền tệ. Con chuột, một loài vật nhỏ bé và gần như vô giá trị lại có khả năng hình thành nên một hệ thống tiền tệ, nơi kết tinh nhất của văn minh nhân loại. Điều này đồng nghĩa với việc nền văn minh tiền tệ đương thời bị xóa sổ, con người quay lại với những hình thức trao đổi hàng hóa trực tiếp sơ khai thưở nguyên sơ của mình.
Câu chuyện của DeLillo là một câu chuyện hoang đường nhưng nó vẫn hấp dẫn người đọc bởi những địa điểm và thời gian xác thực. Trong thực tế, làm gì có chuyện trụ sở chứng khoán New York bị tấn công, làm gì có vị sư nào tự thiêu trong tư thế ngồi thiền trên đường phố New York vào cái năm 2000 ấy... Nhưng bầu không khí bạo loạn và cuồng nộ của đám đông luôn rình rập chờ sự nổi dậy khắp mọi nơi thì không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Người đọc vẫn theo dõi câu chuyện hoang đường kia là nhờ vào khả năng dự báo của nó. Bởi trong một thế giới còn sự chênh lệch lớn giữa người giàu và người nghèo thì bạo loạn là đều tất yếu, luôn có thể xảy ra.
DeLillo dẫn ý (có sửa đổi) một câu trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản để diễn tả điều này: Một bóng ma đang ám ảnh thế giới - bóng ma của chủ nghĩa tư bản. Và sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản là để sản sinh ra một thế lực lật đổ nó. Sẽ luôn có những cuộc bạo loạn mang tầm cỡ thế giới khi vẫn còn tồn tại những cá nhân nắm trong tay những giá trị tiền tệ để có thể xoay chuyển thế giới theo cách của mình.
Câu chuyện của DeLillo không dừng ở đó, ông thấy được sự bấp bênh của các giá trị ngay trong chính những con người mang quyền lực nhất trên đời. Eric với khối tài sản của mình là một thế lực. Cũng giống như vị tổng thống mà mọi người phải nhường đường khi xe ông ta đi qua, Eric cũng liên tục được đưa lên màn hình. Vai trò của anh quan trọng gần như vai trò của tổng thống. Một mặt Eric ý thức tầm quan trọng đó, mặt khác anh muốn phá tung nó để sống một cuộc sống bình thường. Chuyện anh ta có tình nhân, không chỉ một mà thậm chí là hai hay ba người là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Mặc dù tuyến tiền liệt của anh có vấn đề nhưng nó không ngăn được khả năng và khao khát tình dục trong anh. Kiểu tình dục luôn báo hiệu thảm hoạ.
Đấy cũng chính là bản chất cuộc sống của anh. Một trong những thảm hoạ lớn mà anh luôn phải đối đầu là việc tri nhận thế giới xung quanh. Có thể nói nhân vật này nhận thức và hành động trước thế giới một cách ngẫu hứng và cực đoan theo cách của riêng mình. Trong lúc đang theo đuổi đồng yên Nhật Bản trong thế bất lợi, được trợ lí can ngăn đừng đầu tư nhưng anh vẫn phớt lờ và tiếp tục canh bạc cuộc đời với lập luận sẽ đến một giới hạn nào đó đồng yên sẽ suy thoái. Về mặt lí thuyết điều đó hoàn toàn đúng, nhưng cuộc sống tiền tệ có quy luật riêng của nó, đấy là quy luật thặng dư tuyệt đối. Không bao giờ đồng tiền trong đầu tư chịu dừng lại một khi nó đã chiếm được vị trí thượng phong. Trong sự cố chấp của mình, Eric vẫn liều đánh nốt canh bạc, rốt cuộc anh bị cháy túi và phá tán thêm cả chỗ tiền lớn của cô vợ giàu có của mình.
Đối với cô vợ, Eric càng gặp rắc rối hơn trong nhận thức. Mối quan hệ vợ chồng của họ thật mỏng manh. Anh không luôn chắc chắn nắm giữ được hình ảnh của vợ. Đây là một trong số ít những lần gặp nhau trong ngày của hai vợ chồng: “Anh hạ cửa sổ xuống và nhìn kĩ một trong những người phụ nữ đứng ngoài đó. Đầu tiên anh cho rằng đó là Elise Shifrin. Thỉnh thoảng anh nghĩ về vợ anh với cái tên đầy đủ khi chợt bắt gặp những người họ hàng danh tiếng của cô trên những chuyên mục xã hội hay sách thời trang. Nhưng rồi anh không biết chắc đó là ai nữa, bởi tầm nhìn của anh bị che khuất và vì người phụ nữ mà anh đặt dấu hỏi đó đang cầm một điếu thuốc lá trên tay” (tr.156). Hoá ra đó chính là vợ anh. Chi tiết điếu thuốc lá này cho thấy hai người tuy là vợ chồng nhưng khoảng cách giữa họ là thật lớn. Bởi hôn nhân của họ chủ yếu được dựa trên tiền bạc, danh tiếng dòng họ mà thôi.
Còn đây là lần gặp gỡ cuối cùng trong ngày và cả trong đời của Eric với vợ. Đấy là khi Eric rời xe tham gia vào việc đóng phim tự nguyện. Một nhóm làm phim đang quay cảnh những người khoả thân nằm trên đường. Eric nằm cạnh một cô gái. Hai người trao đổi đôi lời với nhau nhưng không nhận ra nhau. Eric ngờ ngợ đấy là vợ mình: “Chẳng phải Elise cũng có mái tóc màu nâu đỏ sao? Anh không thể nhìn thấy gương mặt của người phụ nữ và cô cũng không thể nhìn thấy anh. Nhưng anh đã nói và hiển nhiên là cô cũng nghe thấy tiếng anh. Nếu đây là Elise, sao cô không phản ứng lại tiếng nói của chồng cô? Nhưng tại sao cô phải làm như vậy? Đó không phải là việc gì thú vị cho lắm” (tr.233).
Quả là Elise thật. Cuối cùng hai vợ chồng cũng nhận ra nhau. Tay trong tay, họ đi đến vỉa hè, “nơi đây, anh đẩy cô vào bóng tối hôn cô và gọi tên cô. Cô trèo lên anh, quấn quanh cơ thể anh. Họ đã làm tình giữa đống gạch vụn đổ nát, với tư thế người đàn ông đứng còn người phụ nữ cưỡi phía trên” (tr.236). Tư thế làm tình này thật là bất bình thường đối với một xã hội văn minh, nhưng nó lại hoàn toàn có lí khi con người quay lại với đời sống bản năng của mình. Lần gặp trước đó của hai vợ chồng Eric được kết thúc bằng bữa ăn. Lần nay là một cuộc làm tình. Tại cuộc làm tình đó, Eric cho vợ biết anh đã làm mất toàn bộ chỗ tiền của cô. Phản ứng của cô là “anh thấy cô bật cười. Anh cảm thấy hơi thở bật ra từ miệng cô, toả ra làn hơi ẩm bao trùm gương mặt anh. Lâu nay anh đã lãng quên niềm vui thích trước nụ cười của cô, một cái ho nhuốm mùi khói, một nụ cười có hương vị thuốc lá giống như trong những bộ phim đen trắng kinh điển.
- Lúc nào em cũng mất tất cả mọi thứ, - cô nói. - Sáng nay em đánh mất xe rồi. Em đã kể cho anh về chuyện này chưa? Em không nhớ nữa” (tr.236).
Toàn bộ hành trình sống của các nhân vật trong truyện như đi trong đám mây mù của số phận. Cái số phận do chính họ đặt ra (hay do chính tác giả đặt ra cho họ). Người ta thực hiện những hành động kì quặc trên đời. Những chuyện được mất dễ dàng xảy ra với họ đến mức mà khi được họ không hề cảm thấy thực sự hạnh phúc và khi mất họ cũng chẳng hề lấy đó làm điều tiếc nuối. Thái độ bàng quang với cuộc sống là nét đặc trưng dễ nhận thấy ở những con người hậu hiện đại. Thái độ đó thoát thai từ việc tranh đấu không ngừng với cuộc sống nhằm khẳng định mình để cuối cùng họ chỉ còn đối diện với một cái thế giới mịt mùng không lối thoát. Bản chất của họ không phải lười biếng hay phó mặc cuộc đời,... nhưng những gì họ nhận được trên cuộc đời sau chuỗi nỗ lực không ngừng nghỉ rốt cuộc cũng chỉ là một sự mất mát vô cùng tận. Sau cuộc làm tình trên phố đó, hai vợ chồng Eric mỗi người đi một ngả vì cả hai còn nhiều việc phải làm. Người đọc không thể đoán định họ đang làm gì. Đây cũng là đặc thù của chủ nghĩa hậu hiện đại. Động cơ hành động của con người không được miêu tả. Nhân vật cứ liên tục hành động theo lối ngẫu hứng, bất chợt, không đầu không cuối. Cuộc sống gia đình vợ chồng Eric dường như được xác lập ngoài đường. Họ không đủ thời gian để có những khoảnh khắc bên nhau trong một căn phòng hay một ngôi nhà tử tế. Ngay đối với những người tình của Eric cũng vậy, anh làm tình với họ trong lúc đang tạt qua trên đường đi làm và bản thân họ cũng đang loay hoay với công việc của mình. Đỉnh điểm của việc thiếu thời gian ở đây là cảnh họ làm tình mà không cởi quần áo. Sự “tranh thủ” lên đến đỉnh điểm của nó và hiện diện khắp mọi nơi.
Được xem là người mở đầu cho chủ nghĩa hậu hiện đại, Beckett trong các vở kịch của mình đã miêu tả sự xa lạ của con người với môi trường và với cả chính bản thân mình. Cảm thức đó đến DeLillo vẫn hiện diện. Chỉ có khác là DeLillo đẩy nó lên đến cận đỉnh bằng cách gia tăng các cảnh ghép nối ngẫu nhiên vào với nhau. Thời hiện đại, con người đã ý thức thời gian như một vật cản họ cần phải chinh phục và ít nhiều đã thực hiện được ước vọng, nhưng đến thời hậu hiện đại thời gian không còn là đối tượng chinh phục mà là chủ thể chinh phục con người. Việc đánh mất phương hướng của con người trên cuộc đời đa phần là do không còn tự chủ về mặt thời gian mà để thời gian nhấn chìm bản thân vào công việc và bao thứ lo toan bất thành văn trên cuộc đời.
Nguyên nhân cũng chỉ vì những toan tính để được sống tốt hơn, để được hơn người, để được thống trị thế giới từ chính con người gây ra mà thôi. Những yếu tố cá nhân đan xen một cách quái gở với những yếu tố cộng đồng đã tạo cho câu chuyện của DeLillo một không khí khác lạ. Những đề tài chính của truyện cũng xoay quanh những vấn đề này. Đó là vũ khí chiến tranh (Eric sở hữu một chiếc máy bay TU - 160 của Nga, loại máy bay chiến đấu mang tên lửa lắp đầu đạn hạt nhân), là tiền tệ (thị trường chứng khoán), là hôn nhân, làm tình, là khủng bố, là điện ảnh, nhà hàng, bạo loạn... Dường như mọi chuyện thường nhật nhân sinh từ riêng tư nhỏ bé đến những chuyện trọng đại của thời đại đều được DeLillo tái hiện trong sách của mình. Nhà văn hậu hiện đại không đi phân tích bình luận các biến cố, không tập trung truy tìm nguyên nhân - kết quả. Mọi luật nhân quả đều bị phá sản tại đây, con người chỉ còn một mệnh lệnh, một động thái tối thượng là tiến lên phía trước.
Nhưng bi đát thay, cái phía trước đó không hề rõ ràng chút nào. Càng tiến lên, họ càng vấp phải sự mù mịt (một trạng thái tương tự ở Kafka) để cuối cùng trong nỗi hoang hoải nhân sinh ấy, họ đối diện với cái chết một cách thờ ơ vô cùng tận. Với họ chết thì chết, điều đó đâu thành vấn đề. Cái chết như một tất yếu. Họ không hề có tham vọng biến cái chết của mình thành một sự kiện cứu thế, không hề cầu mong một chút xúc cảm nào từ phía người chứng kiến. Chết, đơn giản chỉ là chết mà thôi: “Kẻ đã giết anh, Richard Sheets, ngồi đối diện với anh. Anh đã mất đi niềm vui thích đối với người đàn ông này. Bàn tay anh mang nỗi đau cuộc đời, tất cả nỗi đau, cảm xúc và những thứ khác. Một lần nữa, anh khép đôi mắt lại. Đây không phải là kết thúc. Anh chết bên trong bề mặt chiếc đồng hồ nhưng vẫn tồn tại trong không gian và chờ đợi tiếng súng vang lên” (tr.279).
Con người anh đã được lập trình. Ngay đến cái chết của anh cũng được trình chiếu cho tất thảy bàn dân thiên hạ và cả chính anh chiêm ngắm. Ý thức chết của anh cũng thật bình dị như những suy nghĩ về mọi vấn đề khác của anh một khi “anh đã tự bão hoà bản thân mình”. Nhưng dẫu thế, anh vẫn hướng suy nghĩ về những chuyện đời thường khác. Về người tình Kendra Hays, “vệ sĩ và cũng là người tình của anh, đang dội rửa nội tạng của anh bằng rượu cọ trong buổi lễ ướp xác”, về “trưởng phòng tài chính và là người tình trong tâm tưởng của anh, Jane Melman, đang thủ dâm một cách lặng lẽ ở hàng ghế cuối cùng của nhà thờ, trong buổi lễ tang”, về “việc anh đã kết hôn và rồi để lại người vợ goá bụa. Anh nghĩ đến việc vợ mình cạo trọc đầu để tang anh và mặc đồ tang trong suốt một năm, rồi việc cô cùng với bà mẹ và các phương tiện truyền thông tham dự lễ an táng anh tại một khu sa mạc biệt lập ở một nơi xa xôi”, về anh “không chôn mà là hoả thiêu” cùng với chiếc máy bay TU - 160 “bay lên với tốc độ siêu âm rồi lao vào cát và nổ tung” nhưng không phải là vĩnh viễn biến mất mà “để lại một tác phẩm nghệ thuật bằng cát, và nó sẽ được lưu giữ bằng niềm tin bất diệt của người thực hiện di chúc và cũng là người tình gắn bó với anh từ rất lâu, Didi Fancher” (tr.278).
Khát vọng được bất tử của Eric thật mong manh, bởi hai lẽ: thứ nhất người tình rồi cũng sẽ quên anh như quên bao người tình khác trong đời, may ra thì Didi có thể nhớ anh lâu hơn một vài người khác và sau nữa, cát thì chẳng thể nào lưu giữ được bức tranh nghệ thuật là cái chết của chính anh đó, gió và bụi thời gian sẽ cuốn trôi hết mọi dấu vết của anh trên đời. Như thế ngay trong chính khát-vọng-chết-bất-tử này cũng đan cài yếu tố nghiêm túc và yếu tố bông phèng. Eric nửa như muốn được bất tử, nửa như giễu cợt sự bất tử đó. Ai muốn hiểu thế nào thì tuỳ.
DeLillo là nhà văn chuyên viết về đề tài khủng bố. Đặc biệt sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, thế giới bắt đầu nhìn nhận một cách nghiêm túc về chuyện khủng bố trong tác phẩm của DeLillo. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc DeLillo sáng tạo tiểu thuyết Người rơi về sự kiện 11-9 thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Thực tế là suốt ba mươi năm sáng tác của mình, DeLillo cũng đã không ngừng viết về đề tài này. Những kẻ khủng bố là gương mặt thường xuyên xuất hiện trong các tiểu thuyết của ông kể từ cuốn Tay chơi (Players, 1977). Tác phẩm tái hiện một bức chân dung biếm hoạ về một đôi vợ chồng có liên quan đến chuyện khủng bố. Người chồng là thành viên của một nhóm khủng bố đang lên kế hoạch cho nổ tung toà nhà Giao dịch Chứng khoán New York nơi anh ta đang làm việc. Người vợ thì làm thuê cho một công ty có cái tên mùi mẫn Uỷ ban Quản lí nỗi buồn, có trụ sở đóng tại toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới. Tại mỗi bữa tiệc trên sân thượng, cô vợ trông thấy một chiếc máy bay bay qua và sợ máy bay va phải toà nhà, cô ta đã kêu toáng lên. Chi tiết này được các nhà nghiên cứu đưa ra như là bằng chứng của sự tiên tri về việc toà tháp đôi bị tấn công sau này bằng máy bay của DeLillo.
Nhân vật khủng bố trong truyện là người trước đây từng làm việc cho Eric. Anh ta muốn sát hại Eric nhưng không vì lí do gì cả. Đơn giản anh ta muốn Eric chết. Hành động của nhân vật này mang đậm tính phi lí. Nhưng điều phi lí hơn là Eric gần như không tỏ vẻ gì lo lắng cho tính mạng mình. Eric xem chuyện cảnh báo có kẻ muốn sát hại anh là bình thường như bao chuyện khác. Ngay cả khi đội trưởng đội bảo vệ Torval đưa súng cho anh, anh cũng không hề thoáng chút e ngại cho tính mạng mình. Thay vào đó, khi Torval nói cho anh biết mật mã bằng giọng nói của khẩu súng, anh liền bắn chết Torval. Hành động của Eric mang tính phi lí của chủ nghĩa hiện sinh. Luật nhân quả không còn đúng trong kỉ nguyên hậu hiện đại. Câu chuyện của Eric và Torval đưa ra những phản đề với nhiều hàm nghĩa trái ngược: người bảo vệ bị người được bảo vệ sát hại, vũ khí của cá nhân bị lạm dụng để sát hại cá nhân đó, hành vi con người thật bất ngờ và không thể nào kiểm soát được...
Thế nhưng, đằng sau câu chuyện súng ống đó nó cho thấy khả năng sát hại con người ngày một tinh vi của công nghệ vũ khí. Nếu để ý, người đọc có thể liệt kê ra hàng loạt các loại vũ khí có khả năng sát thương con người một cách… hiệu quả. Thống kê sơ bộ ta có dùi cui điện, súng cao su, súng ngắn, thuốc nổ, đầu đạn hạt nhân… những thứ vũ khí con người lạnh lùng mang ra đối phó với nhau. Hậu quả là có nhiều người chết. Một tác phẩm hậu hiện đại thì luôn có nhiều cái chết. Nhưng những cái chết đó không hề có chút bi lụy nào, nó nhại những cái chết mang tính anh hùng ca. Đơn giản các nhà hậu hiện đại xem cái chết cũng giống như sự sống. Chết hay sống đều là quy luật tất yếu của cuộc sống, con người chẳng thể nào làm khác được. Từ quan niệm này, các nhà hậu hiện đại tái hiện cái chết không hề giống những cái chết trước đó. Trong Thành phố quốc tế, nhân vật Eric trước khi đối đầu với phát đạn kết thúc đời mình đã được xem xét toàn bộ tiến trình dẫn đến cái chết của mình thông qua chiếc đồng hồ cá nhân có màn hình theo dõi anh và anh biết cái chết đang diễn ra với mình như thế nào.
Tháng 7 năm 2007 tờ New York Time in bài phỏng vấn DeLillo. Nhà văn đã trả lời Mark Binelli trong lần phỏng vấn cho tờ Guernica, về việc viết về cuộc khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9, cũng như việc thường xuyên đưa những yếu tố kinh dị chết người như đám mây độc treo lửng lơ trên bầu trời trong tác phẩm Âm thanh trắng... DeLillo cho biết: “Đấy thực sự là nỗi kinh hoàng. Thực tế là việc tôi quyết định viết ngay vào giữa sự kiện đã không khiến nó dễ dàng hơn. Tôi không muốn viết một cuốn tiểu thuyết mà những cuộc tấn công xảy ra vọt qua vai phải của nhân vật và tác động đến một vài sinh mạng theo cách từ xa. Tôi muốn ở trong ngọn tháp và ở trong máy bay. Tôi không bao giờ tư duy về các cuộc tấn công theo cách hư cấu nói chung, chí ít là trong vòng ba năm. Ngày 11 tháng 9 tôi đang viết cuốn Thành phố thế giới và tôi đã phải dừng lại mất một khoảng thời gian và tôi quyết định viết một bài tiểu luận. Về sau, sau khi kết thúc Thành phố thế giới, tôi bắt đầu nghĩ về một tác phẩm khác trong vòng vài tháng khi tôi bắt đầu phác thảo ý tưởng về cuốn Người rơi. Hình ảnh nhân vật hiện lên qua cái nhìn thị giác: một người đàn ông mặc veston và thắt cà vạt, mang túi xách, bước qua cơn bão khói và tro tàn. Tôi chẳng hình dung thêm được gì ngoài những điều đó. Rồi mấy ngày sau, hóa ra là tôi nhận thức được cái túi xách đó không phải của ông ta. Điều đó như thể khởi đầu cho một chuỗi ý tưởng dẫn đến việc xếp đặt những từ ngữ thực sự lên trang giấy”(2).
Như thế, dẫu không trực tiếp viết về cuộc khủng bố 11 tháng 9, nhưng dư âm của cuộc khủng bố vẫn in đậm trong tác phẩm của ông. Nạn khủng bố không còn là chuyện viễn tưởng, là sản phẩm của hư cấu đơn thuần. Đấy là một thế giới mà yên bình chỉ là tạm thời, còn bạo loạn và chết chóc là nhân tố thường trực. Dường như, DeLillo không hề có tham vọng lấy cái bất ổn để hướng đến sự bình ổn của cuộc đời. Ông có vẻ như nhìn cuộc hỗn loạn đó bằng con mắt giễu cợt, có phần bi đát khi con người đánh mất đi sự tự chủ, đánh mất đi chính bản thân mình trong cái mớ bòng bong quyền lực và tiền bạc do chính họ tạo nên.
Khi được hỏi ông có cảm nghĩ gì về những cách thức hành động bạo lực cực đoan trong thời đại hiện nay, DeLillo đáp: “với những kiểu chủ nghĩa cực đoan như thế, một mặt con người ta phải hiểu nguồn gốc của nó. Mặt khác, đa phần nguyên nhân dường như không được lưu ý và bị làm cho mơ hồ bởi môi trường sống của thời đại. Anh biết, tôi từng tham gia diễu hành phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cùng với hàng ngàn hàng ngàn người khác. Nhưng tôi hoàn toàn không hiểu những quả bom được đặt trong những phòng thí nghiệm khoa học hay trong những tòa nhà văn phòng”(3)1
___________
(1) Don DeLillo: Thành phố quốc tế (Nguyễn Mỹ Linh dịch). Nxb. Thanh niên, H, 2009, tr.7. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều lấy từ sách này.
(2), (3) Intensiti of a Plot, An Interview with Don DeLillo, Interview by Mark Binelli, New York Time, July 2007.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved