Home » » Kỷ niệm 10 năm ngày mất NS Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 10 năm ngày mất NS Trịnh Công Sơn

Written By kinhtehoc on Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011 | 22:31

Kỷ niệm 10 năm ngày mất NS Trịnh Công Sơn

2011-03-28
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chương trình âm nhạc cuối tuần xin trân trọng gửi đến quý thính giả một số nhạc phẩm tiêu biểu của cố nhạc sĩ tài hoa này.
AFP photo
Đám tang NS Trịnh Công Sơn ở SG ngày 05/4/2001
Vậy là đã 10 năm kể từ ngày người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh về với cát bụi. Ông để lại một kho tàng đồ sộ trên 600 tác phẩm, phần nhiều là nhạc tình ca, nhưng cũng không thiếu những nhạc phẩm phản chiến.
Tuy không sinh ở Huế, nhưng cuộc đời ông gắn bó với vùng đất này. Ông tự học nhạc một mình, năm 12 tuổi, ông có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và ông sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát. Ông được mệnh danh là “người viết nhạc tình ca hay nhất thế kỷ” với bản tình ca đầu tiên Ướt Mi sáng tác năm 1958 cho tới những nhạc phẩm gần cuối những năm 1990 như Trả nợ tình xa. Chương trình âm nhạc hôm nay, xin trân trọng gửi đến quý vị những nhạc phẩm đã sống trọn trong lòng người nghe qua nhiều thế hệ, với sự thể hiện của giọng ca Khánh Ly.
Ca khúc Diễm Xưa viết năm 1960, do ca sĩ Khánh Ly thể hiện. Bà là người hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn thành công nhất. Khi chúng tôi có dịp trao đổi với nghệ sỹ Khánh Ly, hỏi bà về những kỷ niệm của bà với các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh, bà nói rằng, có quá nhiều kỷ niệm và với bà bài nào cũng là một kỷ niệm và muốn cất giữ riêng cho mình:
"Những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, thì mỗi một bài đều là những kỷ niệm đáng ghi nhớ và trong đó có rất nhiều kỷ niệm mà chỉ nên giữ riêng lại cho mình, thì điều đó có lẽ tốt hơn."
Với ca khúc Dấu Chân Địa Đàng, dường như âm nhạc của ông không dễ cảm nhận bằng thính giác mà còn bằng khối óc và con tim. Một điều gì đó trầm lặng, sâu sắc nhưng được thể hiện rất tự nhiên. Vậy nên cố nhạc sĩ Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.”
Trong kho tàng đồ sộ về âm nhạc, ngoài thể loại tình ca, ông cũng dành nhiều ca khúc mang thông điệp phản chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nói về sự ra đời của một trong những ca khúc ấy “Bài hát dành cho những xác người”, ca sĩ Khánh Ly kể:
"Bài đó viết cho Tết Mậu Thân, Tết Mậu Thân đó, ông ấy kẹt ở ngoài Huế và khi mọi việc xong, ông trở vô Sài Gòn. Bài hát đó và bài hát Da vàng là viết cho Tết Mậu Thân."
Khi hỏi nghệ sỹ Khánh Ly nếu tin vào tâm linh, bà có lời nào nhắn nhủ với ông nơi suối vàng, bà chia sẻ:
"Nếu có thì nhiều lắm, nhưng sau cùng chỉ xin được một lời là anh đi bình an. Bình an, điều đó là cần cho tất cả mọi người."
Trước khi chào tạm biệt quý thính giả, Vũ Hoàng xin gửi đến quý vị bản “Như một lời chia tay” để tỏ lòng thành kính đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một nghệ sỹ lớn của Việt Nam. Xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình tiếp theo.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved