Home » » LUẬN NGỮ KHỔNG TỬ

LUẬN NGỮ KHỔNG TỬ

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011 | 00:33

LUẬN NGỮ

论语

Phùng Hoài Ngọc
biên dịch-bàn luận




2011


MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU  2
1.     学而 Học nhi 8
2.     为政Vi chính. 13
3.     八佾 t dật 20
4.     nhân. 29
5.     公冶Công Dã Tràng. 35
6.     雍也Ung dã. 44
7.     述而 Thuật nhi 53
8.     泰伯 Thái Bá. 63
9.     子罕Tử hãn. 69
10.       乡党Hương đảng. 78
11.       Tiên tiến. 85
12.       颜渊 Nhan Uyên. 95
13.       子路Tử Lộ. 103
14.       宪问Hiến vấn. 113
15.       卫灵公Vệ Linh công. 126
16.       季氏 Quí thị 137
17.       阳货  Dương Hóa. 143
18.       微子 Vi Tử.. 152
19.       子张 T Trương. 157
20.       尧曰 Nghiêu viết 165
BÀI TẬP NGHIÊN CỨU LUẬN NGỮ.. 167
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TRUNG QUỐC………………………..…………..168
TÀI LIỆU THAM KHẢO …………………………………………………..169
LỜI NÓI ĐẦU
Văn học Trung Quốc thời cổ đại còn gọi Văn học tiên Tần, có 4 thành tựu chính:
1/Thần thoại, 2/ Ca dao dân ca (Kinh Thi) 3/ Khuất Nguyên và Ly Tao, 4/ Bách gia chư tử.
Trong Bách gia chư tử, quan trọng nhất là Khổng tử và Nho học.
Trong Nho học, Luận ngữ mang tính tiêu biểu, được coi là tập đại thành của Nho học.
Luận ngữ cũng là tác phẩm đầu tiên của thể loại tản văn cổ đại.
Khổng tử – Nho học
Khổng tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước CN, mất tháng 4 năm 479 tr.CN, thọ 73 tuổi.
 Nho học là khoa học giáo dục do Khổng tử sáng lập, Mạnh tử đời sau nối tiếp và hoàn chỉnh về cơ bản.
Giải thích nội dung chữ “Nho”: 儒.
Thời Tây Chu, một chức quan coi việc lễ-nhạc gọi là Nho quan (儒官). Đời Đông Chu, học thuyết Khổng tử ra đời rất coi trọng lễ- nhạc nên đời sau gọi tên là Nho học (Xem bài 1 thiên Tiên tiến trang 76).
Hơn hai thế kỷ sau khi Khổng tử qua đời, Nho học mới được chính thức phổ biến, áp dụng rộng rãi, từ thời nhà Hán (206 tr.CN- 220 CN) kéo dài đến nhà Thanh. Qua mỗi triều đại, lại có các nhà nho nổi tiếng biên soạn gia giảm, chú giải, bàn luận… Tất cả những tác gia ấy được gọi chung là bậc thánh hiền, trong đó Khổng tử là đại thánh, Mạnh Tử là á thánh (hai vị đứng đầu Nho gia).
Ở ViệtNam, học thuyết Khổng- Mạnh do các quan thái thú Trung Quốc áp đặt cho người Việt học. Đến thời Lý-Trần, khi nhà nước Đại Việt giành lại độc lập, tự chủ, mở đầu kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc thì tổ tiên ta chủ động du nhập học thuyết này
Khi đã được đông đảo dân chúng kể cả người mù chữ hâm mộ, coi trọng thì Nho học được gọi là Nho giáo (hoặc Khổng giáo), được sùng bái như một tôn giáo.
Nho học gồm hai bộ sách cơ bản: Tứ thư (4 quyển) và Ngũ kinh (5 quyển).
Tứ thư gồm: Đại học, Trung dung, Luận ngữMạnh tử,
Ngũ kinh gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân thu
Thử so sánh với các kinh điển  khác (Ngũ kinh, Tứ thư):
Kinh Thi: thành tựu thi ca dân gian đầu tiên, sau này Đường thi, từ Tống vượt qua (sau khi đã tiếp thu nghệ thuật thi ca của Kinh thi).
Kinh Thư:“sử” thời truyền thuyết (Nghiêu, Thuấn, Vũ, Hạ, Thang,Chu) nêu gương tiền nhân.
Kinh Dịch: sách triết học, sách bói. Ngày nay chỉ còn một số ít  học giả  Kinh Dịch ở Việt Nam tiếp tục nghiên cứu Kinh Dịch ứng dụng trong việc phục vụ cho bộ phận nhỏ người hâm mộ (làm nhà, xuất hành, đám cưới, đám tang, tìm đất táng, xem hậu vận.v.v…) nhìn chung it phổ biến trong cộng đồng.
Kinh Lễ: phần nghi lễ đã thay đổi nhiều qua các giai đoạn lịch sử, phần tinh thần được đúc kết chuyển vào trong Luận ngữ (Lễ là xuất phát điểm và trung tâm của Khổng học).
Kinh Xuân thu: đã bị vượt qua bởi nhiều sử sách thời Hán về sau, mở đầu với “Lã thị Xuân thu” (Lã Bất Vi chủ biên), Sử ký Tư Mã Thiên…
Mạnh tử thư: nội dung tập trung vào việc dạy dỗ khuyến cáo vua chúa, ít tính phổ biến cộng đồng.
Đaị học: quan điểm tu thần, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Trung dung: quan điểm về ứng xử cân bằng trong cuộc sống.
Những điểm cơ bản của Đại họcTrung dung cũng được thể hiện trong Luận ngữ.
So sánh, đối chiếu các sách trên, nhận thấy Luận ngữ có tính bao quát nhiều sách khác, đại diện cho bộ Tứ thư.
Nội dung Luận ngữ tập trung vào rèn luyện phẩm cách cá nhân và còn giữ gần nguyên vẹn giá trị nhân văn cơ bản thời hiện đại.
Ngày nay chúng ta tiếp tục Luận ngữlà kế thừa một hệ thống đạo đức mẫu mực, toàn diện vốn tồn tại cả nghìn năm. Chúng ta chỉ lược bỏ các yếu tố lạc hậu, phục vụ cho việc giáo dục và tự giáo dục trong thời kỳ hiện đại.
Nếu Ngũ kinh là “phần cứng” cần nắm vững thì Tứ thư là “phần mềm” nhằm vận dụng linh hoạt vào thực tiễn.
 Trong Ngũ kinh có hai tác phẩm quan trọng là Kinh DịchKinh Thi (Kinh Thi đã được học trong chương trình đại học Ngữ văn rồi).
 Trong Tứ thư, sách Luận ngữ được coi là then chốt bởi nó có khả năng bao quát hầu hết Tứ thư, lại miêu tả được những hằng số của con người một cách độc đáo, sinh động và còn hứa hẹn sức sống mãi về sau.
Các nhà văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến…và nho sinh ViệtNamngót nghìn năm đều là học trò Nho học.
Năm 1919 kỳ thi Hán học cuối cùng diễn ra ở Việt Nam.
Năm 1940 chính quyền thực dân Pháp xoá hẳn giờ học chữ Nho trong chương trình trung học. Nhưng ngay năm 942, dưới áp lực của giới trí thức tiến bộ và để tranh giành ảnh hưởng với người Nhật, người Pháp đã cho lập ra chuyên ban Cổ học Á Đông, học 6 năm với 5 tiết chữ Hán /tuần ở bậc trung học. Sau Cách mạng tháng 8, trong vùng kháng chiến, bậc trung học cấp II nhiều nơi vẫn học chữ Hán mỗi tuần 3 tiết, nhưng sau đó thì lại bỏ. Đặc biệt đến năm 1950, khi có cải cách giáo dục thì chữ Hán ở trường phổ thông bị bỏ hoàn toàn. Điều đó có nghĩa Nho học cũng không còn được truyền bá chính thức nữa.
 Tuy nhiên, có những gia đình nho phong tiếc rẻ vẫn lặng lẽ dạy con trẻ các bài học cơ bản rút trong Luận ngữ, họ coi đó là cái gốc rễ văn hóa của con người phương Đông, bất kể chế độ chính trị thay đổi như thế nào.
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết “Khổng tử, chúa Giê su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ sống chung với nhau rất hoàn mĩ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò của các vị ấy”. (Trong cuốn“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, được công bố là bút danh Hồ Chí Minh). Tuổi trẻ Nguyễn Tất Thành đã từng là học trò của Nho giáo.
Trong Giáo trình TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH (Bộ Giáo dục Đào tạo, xuất bản 2009) dành cho sinh viên cao đẳng, đại học, chương 7 nêu tóm tắt quan điểm đạo đức cách mạng của Hố Chí Minh gồm 3 điểm: 1/ Trung với nước, hiếu với dân. 2/ Cần, kiệm, liêm ,chính, chí công, vô tư 3/ Có tinh thần quốc tế trong sáng.  Chúng tôi thấy 03 nội dung đó đều cơ bản xuất phát từ Luận ngữ và học thuyết Nho gia với sự diễn đạt và vận dụng khác đôi chút.
 Ngày nay trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến giữ vững bản sắc dân tộc, chúng ta cần đãi cát tìm vàng, bảo tồn và trang bị tinh hoa truyền thống làm hành trang cho thế hệ trẻ đi vào hiện đại. Trong hành trang văn hóa đó, có truyền thống Nho học – một bộ phận cơ bản của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong công cuộc Đổi Mới hơn 20 năm qua, nhiều học giả đã lên tiếng yêu cầu khôi phục dạy Hán văn trong trường phổ thông trên nhiều diễn đàn, báo chí và một số Hội thảo khoa học.
Giáo viên dạy Văn ở nước ta đôi khi cần thiết vẫn nhắc đến Khổng tử và Nho học trong bài giảng. Không chỉ vận dụng Nho học trong nghiên cứu văn học ViệtNamtrung đại, ngay cả văn học hiện đại cũng không thể bỏ qua Nho học. Tuy nhiên nhiều người chỉ đọc sách của các nhà nghiên cứu bình luận đánh giá ưu điểm, nhược điểm chung chung của Nho học mà chưa đọc trực tiếp tác phẩm của Khổng tử. Đọc lời văn Khổng tử, chúng ta sẽ thấy nhiều thú vị hấp dẫn hơn và thu hoạch nhiều ích lợi khác trong nghiên cứu.
 Luận ngữ - cuốn sách tiêu biểu của Nho học
Luận ngữ là một trong những giá trị quí báu độc đáo, tài sản chung của các nền văn hóa khu vực đồng văn (Trung Quốc, Đài Loan, Triều Tiên, Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam).
Luận ngữ ([1]) là sách do học trò và hậu thế ghi chép lại những lời nói, hành vi của Khổng tử, học trò ông và người đương thời.
Luận ngữ là sự tóm lược những bài giảng, các buổi học và thuật lại nhiều sự việc, nét sinh hoạt của thầy trò Khổng tử.
Sách gồm 20 thiên (tương đương với 20 chương), mỗi thiên gồm nhiều bài. Cách đặt tên thiên: lấy hai chữ xuất hiện đầu thiên làm tựa đề. Có lẽ thật khó đặt một cái tên bao quát nội dung phong phú của thiên. Mỗi thiên có nhiều bài (mỗi bài chỉ là một câu nói, một đối thoại hoặc một câu chuyện rất ngắn).
Toàn bộ Luận ngữ có 511 bài, chỉ là 511 câu nói, đối thoại, mẩu chuyện cực ngắn. Nội dung bao trùm hầu hết những quan niệm về lễ, nhân, đức, trung, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, âm nhạc, văn chương. hội họa, những tình huống đối nhân xử thế đa dạng trong cuộc sống cho đến việc giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống. Qua những bài học ngắn gọn, hình ảnh người quân tử và tiểu nhân hiện lên tương phản rõ nét, trong đó tấm gương vua hiền, quan chức mẫu mực và kẻ sĩ chân chính nổi bật ở vị trí trung tâm của cuốn sách.
Đọc qua Luận ngữ, ta thấy nội dung các thiên dường như rời rạc, không có liên hệ với nhau. Thực ra, người quân tử chính là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt tập sách. Chữ nhân (hai chữ:人, 仁) là phẩm chất của quân tử, khái niệm mở ra từ hẹp tới rộng, đến vô cùng.
Nội dung chính của Luận ngữ là Quân tử. Chữ Hiếu là điều kiện tiên quyết của quân tử.
Khổng tử coi chữ Hiếu ([2]) là điều kiện tiên quyết thì các vua chúa đời sau như Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đẩy nó xuống hàng thứ 2 và đặt chữ Trung (trung quân: trung thành với nhà vua) lên hàng đầu.
Đọc sách này, ta hiểu được phẩm chất tư cách của thầy trò Khổng tử và những người khác. Đó là những bài học thực tế, tránh được giáo điều. Luận Ngữ trình bày đạo quân tử qua lời nói và những câu chuyện sinh động, không giảng lý thuyết dài dòng nhưng rất ấn tượng, dễ hiểu. Nhân vật chính là thầy Khổng tử với bao buồn, vui, lo âu, lạc quan, thất vọng. Thầy Khổng đôi khi cũng mắc khuyết điểm nhưng không giấu diếm.
Về phương pháp giáo dục, Khổng tử thấu hiểu tâm lý của từng học trò, khéo đem lời giảng dạy thích hợp với từng trình độ, từng hoàn cảnh của mỗi người. Có khi cùng một câu hỏi mà ông trả lời cho mỗi người một cách khác nhau.
Luận ngữ có 5 mục tiêu giáo dục rõ rệt: Học làm người. Học làm công dân. Học làm quan. Học làm vua. Học làm thầy giáo.
Đọc Luận ngữ rất khó hiểu thông nghĩa lý, bởi từ ngữ cổ và ngữ pháp cổ thô sơ. Vậy nên cần phải có thầy ngồi trên giảng sách. Thầy giảng bằng kim văn (tiếng nói đương thời) thì học trò mới hiểu được. Thực ra, giảng bài tức là thầy đang “phiên dịch” cổ văn thành kim văn vậy. Lời văn của Luận ngữ rất ngắn gọn, diễn giải minh bạch bằng tiếng ngày nay ắt phải dài dòng hơn. Lời Khổng tử được dân gian coi như thành ngữ, tục ngữ khi truyền bá trong sinh hoạt.. Sau khi “phiên dịch” cổ văn thành kim văn, thầy liên hệ với thực tế (tùy theo vốn sống của thầy) và cho học trò thảo luận, tự liên hệ thực tế.
Ngay cả thầy giáo Trung Quốc ngày nay vẫn phải giảng (dịch) cổ văn cho học trò Trung Quốc, cũng như thầy giáo phong kiến Việt Nam từng giảng sách cho học trò thời xưa. Có lẽ đó là một lí do của thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên”.(Học trò Nho học thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đã rất khổ công khi học và làm bài thi bằng Hán văn. Trong số họ, có hơn 200 người xuất sắc từng được cử đi làm sứ giả nước Đại Việt sang Trung Quốc với hành trang Nho học “đem chuông đi gõ xứ người”, khiến giới trí thức phong kiến Trung Hoa rất khâm phục trí tuệ ViệtNam).
Sách Luận ngữ (cùng với sách khác bổ sung qua mỗi triều đại) được dạy trong các nhà trường từ thời nhà Hán, do học trò đời sau của Khổng tử sưu tập lại, truyền đến đời Tống mới biên tập thành sách. Những người biên soạn cố gắng giữ nguyên lời nói Khổng tử xưa. Lời cổ nhân được truyền bá nguyên văn, mang tính cổ kính thiêng liêng nên có sức thuyết phục hơn.
Luận ngữ là cuốn sách với lời văn giản dị, bề ngoài tưởng như đọc để giải trí. Đây là cuốn sách giáo khoa mở đầu cho truyền thống biên soạn sách học ở Trung Quốc về sau như Tam tự kinh, Ngũ tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi. v.v…
Ngày nay bạn đọc có thể thấy vài điều trong Luận Ngữ đã lạc hậu, ta có thể phê phán, bỏ qua đi. Chỉ giữ lại những bài học phù hợp hiện đại, đã trở thành hằng số của con người và xã hội.
Người Việt đã từng quen sử dụng khá nhiều “thành ngữ, tục ngữ” như:
Tứ hải giai huynh đệ (bốn bể đều là anh em)
Dục tốc bất đạt (muốn nhanh lại không đến / hỏng việc)
Nhân chi sơ, tính bản thiện (người mới sinh thì  tính hiền lành)
Tam thập nhi lập, Tứ thập bất hoặc, Ngũ thập tri thiên mệnh…(Ba mươi tuổi lập thân, bốn chục tuổi hết nghi ngờ, năm chục tuổi biết mệnh trời…)
Ôn cố tri tân (ôn cũ để biết mới)
Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã ! (thấy việc nghĩa không dám làm, chẳng phải người dũng)
Con chim sắp chết, tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì lời nói phải.
(Tăng tử thuyết: Điểu chi thương tử, kỳ minh dã ai; Nhân chi thương tử,  kỳ ngôn dã thiện)
Ba người cùng đi, tất có người là thầy ta…(Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên)
Hậu sinh khả úy…(Kẻ sinh sau thật đáng sợ… nhưng bốn năm chục tuổi mà chưa làm nên công tích gì thì không đáng sợ nữa).
V.v…
Thực ra, đó là những lời nói của Khổng tử trong Luận ngữ.
Người Trung Quốc ngày nay có kỳ vọng lập ra các “Viện Khổng tử” ở ngoài nước để phổ biến tinh hoa Nho học ra khắp năm châu. Sức ảnh hưởng của Khổng tử trên thế giới như thế nào, thật khó biết rõ. Có thể nêu một ví dụ. Barack Obama, tổng thống Mỹ trong bài diễn văn giao lưu với thầy trò trường đại học Cairo, Ai cập có câu: There is also one rule that lies at the heart of every religion – that we do unto others as we would have them do unto us. (President Obama’s speech at Cairo University dated: 4.6.2009). Nghĩa là:“Một nguyên tắc trọng tâm của mọi tôn giáo là đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình”. Do tâm đắc ý kiến của Khổng tử mà không biết xuất xứ, tổng thống Obama gọi câu ấy là “Một nguyên tắc trọng tâm của mọi tôn giáo”. Câu ấy trong cuốn Luận ngữ là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” được lặp lại hai lần (ở thiên 12 Nhan Uyên và thiên 15 Vệ Linh công).
Chúng tôi mạnh dạn đưa Luận ngữ vào bộ môn Văn học Trung Quốc để bàn về nội dung “Văn” của sách. (Môn Ngữ văn Hán Nôm sẽ giải quyết vấn đề “Ngữ”: ngữ pháp, từ pháp cổ văn).
Biên dịch quyển Luận ngữ đưa vào tủ sách điện tử của trường Đại học An Giang, trước hết chúng tôi muốn dành cho sinh viên Ngữ văn và sau nữa hi vọng rằng Luận ngữ là của mọi người; như giới nho sĩ Việt Nam ngày xưa từng suy tôn Khổng tử là vạn thế sư biểu: người thầy tiêu biểu của muôn đời.
Đại học An Giang  2010-2011
Biên giả
1.      学而 Học nhi
一篇 thiên 1
16 bài
1.11.1
子曰: 学而时习之,不亦悅乎?
有朋自远方来,不亦乐乎?
人不知 而不愠,不亦君子乎 ?
Tử viết: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ ?
Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ?
Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ ?
Khổng tử nói: Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao ?
Có bạn hữu nơi xa đến thăm, chẳng mừng lắm sao?
Người chẳng hiểu ta mà ta không buồn giận họ, thế chẳng phải người quân tử ư ?
 (Lời bàn: Bài học đầu tiên, Khổng tử nói về niềm vui “học và hành”, niềm vui đón “bạn phương xa” và…nhắc đừng buồn khi có người hiểu lầm ta)
 1.2
有子曰:“其为人也孝悌, 而好犯上者,鲜矣; 不好犯上,而好作乱者,未之有也。君子务本,本立而道生。孝悌也者, 其为仁之本与?”
Hữu tử viết: Kỳ vi nhân dã hiếu đễ, nhi hiếu phạm thượng giả, tiển hĩ; bất hiếu phạm thượng, nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã. Quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bản dữ !
Hữu tử nói: Người biết hiếu thuận với cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi hơn mà lại thích cãi cọ xung đột mạo phạm cấp trên là hiếm có; Người không thích mạo phạm cấp trên mà lại thích làm loạn là không có. Quân tử chuyên tâm lo cái gốc tu thân thì đạo lập thân tự nhiên phát sinh. Hiếu và đễ là cái gốc của đạo Nhân.
(Chú thích: Hữu tử tức Hữu Nhược, tự Tử Hữu người nước Lỗ, là học trò Khổng tử. Hiếu: hiếu thảo với cha mẹ, đễ : tôn trọng anh, chị, các bề trên)
1.3
子曰:巧言,令色,鲜矣仁。
Tử viết:  Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hĩ nhân.
Khổng tử nói: Người ưa dùng lời nói khéo hay, làm vẻ mặt hiền lành, như vậy chưa hẳn là người có lòng nhân.
(Chú thích: Chữ “lệnh sắc” nghĩa là “làm ra vẻ mặt theo ý muốn”,  “giả bộ”, thay vì vẻ mặt thể hiện tự nhiên tâm trạng bên trong. Theo mạch câu văn, tạm dịch là “làm vẻ mặt hiền lành”).
1.4
曾子曰: 吾日三省吾身。为人谋而不忠乎?与朋友交而不信乎?传,不习乎?
Tăng tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngô thân. Vị nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ ? Truyền, bất tập hồ ?
Tăng tử nói: Tôi mỗi ngày xét mình ba điều. Mưu việc cho người khác thành tâm chưa ? Kết giao bạn bè đã giữ chữ tín chưa ? Kiến thức thầy truyền dạy, đã luyện tập chưa ?  
 (Chú thích: Tăng tử tức Tăng Sâm, học trò giogỉ của Khổng tử, sau này viết ra sách “Đại học”.
Phần cuối có người dịch là: Kiến thức ta sắp đi truyền dạy, đã luyện tập chưa? )
1.5
子曰:道千乘之国,敬事而信,节用而爱人,使民以时
Tử viết: Đạo thiên thừa chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi, ái nhân, sử dân dĩ thời.
Khổng tử nói: Lãnh đạo quốc gia có nghìn cỗ xe, phải giữ điều tín mọi việc, tiết kiệm chi tiêu, yêu mến dân, sử dụng sức dân theo thời gian thích hợp
(Chú thích: Vua quan sử dụng sức dân cần phải nghĩ tới mùa vụ, tránh sai khiến tùy tiện khiến nông dân lỡ thời vụ).
 1.6
子曰: 弟子,入则孝, 出则悌,谨而信,汎爱众而亲仁,行有餘力,则以学文
Tử viết: Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.
 Khổng tử nói: Này trò, ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.
 1.7
子夏曰: 贤贤易色;事父母能竭其力;事君,能致其身;与朋友交,言而有信。虽曰未学, 吾必謂之学矣.
Tử Hạ viết: Hiền hiền dịch sắc; sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực; sự quân, năng trí kỳ thân; dữ bằng hữu giao ngôn nhi hữu tín. Tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hĩ.
Tử Hạ nói: Tôn trọng hiền tài hơn nữ sắc; đối đãi với cha mẹ tận lực; thờ vua liều chết quên thân, giao lưu bạn hữu nói lời tin cậy. Người như vậy tuy không đi học, ta coi là người có học.
 (Chú thích: Tử Hạ là học trò của Khổng tử. Người có học (trí thức), là người có bốn phẩm chất trên, không cần bằng cấp học vị)
1.8
子曰: 君子,不重则不威;学则不固。主忠信。无友不如己者;过则勿惮改
Tử viết: Quân tử, bất trọng tắc bất uy, học tắc bất cố. Chủ ‎‎trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả; Quá tắc vật đạn cải.
Khổng tử nói: Quân tử thiếu thái độ trang trọng thì không uy nghiêm; học cũng không củng cố được kết quả. Quân tử lấy chữ tín và trung làm chủ. Không kết bạn với người không giống mình. Có sai lầm không ngại sửa chữa.
 (Lời bàn: Bạn đọc thử nghĩ xem có nên “kết bạn với người không giống mình” ?)
1.9
曾子曰:慎终追远,民德归厚矣 。
Tăng tử viết: Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ.
Tăng tử nói: Cẩn thận lo tang lễ cha mẹ, thường tưởng nhớ tổ tiên xưa, dân chúng cảm đức mà theo về.
(Lời bàn: “truy viễn” (nhớ người xưa) rất đa nghĩa. Tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nhớ họ hàng nơi xa, nhớ lời dạy của bậc thánh nhân thời trước… Đây là lời khuyên dành cho vua chúa, quan chức)
1.10
子禽问於子贡曰:夫子至於是邦也,必闻其政,求之与,抑与之与? ”
子贡曰:“夫子温,良, 恭,俭,让以得之。夫子之求之也,其诸异乎人之求之与 ?”
Tử Cầm vấn ư Tử Cống viết: Phu tử chí ư thị bang dã; tất văn kỳ chính, cầu chi dự, ức dữ chi dự ?
Tử Cống viết: Phu tử ôn, lương, cung, kiệm, nhượng dĩ đắc chi. Phu tử chi cầu chi dã, kỳ chư dị hồ nhân chi cầu chi dự ?
Tử Cầm hỏi Tử Cống rằng: Thầy Khổng đi qua các nước đều được tham dự chính sự ở các nước ấy. Là do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu ?
 Tử Cống đáp: Thầy Khổng có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường nhịn nên được như vậy. Cách cầu việc của thầy khác với lối xin việc của người khác.
(Chú thích: ôn: ôn hòa, lương: hiền dịu, cung: cung kính, kiệm: tiết kiệm, nhượng: nhường nhịn. Tử Cầm và Tử Cống có tên là Đoan Mộc Tứ đều là học trò Khổng tử).

1.11
子曰:“父在,观其志;父没,观其行;三年无改於父之道,可谓孝矣”
Tử viết: Phụ tại, quan kỳ chí; phụ một, quan kỳ hành; Tam niên vô cải ư phụ chi đạo, khả vị hiếu hĩ.
Khổng tử nói “Khi cha còn tại thế, chú ý quan sát chí hướng của cha, khi cha mất đi thì suy ngẫm về cách hành sự của cha. Nếu ba năm sau khi cha mất, người con không thay đổi lời dạy của cha thì gọi là có hiếu”.

1.12
有子曰:“礼之用,和为贵。先王之道,斯为美。小大由之,有所不行。知和而和,不以礼节之,亦不可行也”.
Hữu tử viết: Lễ chi dụng, hòa vi quí. Tiên vương chi đạo, tư vi mĩ, tiểu đại do chi, hữu sở bất hành. Tri hòa nhi hòa, bất dĩ lễ tiết chi, diệc bất khả hành dã.
Hữu tử nói: Giữ lễ  mà đạt được sự hài hòa là quí. Đạo trị nước của vua chúa thời trước, việc lớn nhỏ đều tuân theo sự hài hòa. Nhưng nếu chỉ biết hài hòa, không lấy chữ “lễ” để ràng buộc thì việc nào cũng không xong.


1.13

有子曰:“信近於义,言可复也;恭近於礼,远耻辱也;人不失其亲,亦可宗也”
Hữu tử viết: Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã; cung cận ư lễ,  viễn sỉ nhục dã; Nhân bất thất kỳ thân, diệc khả tông dã.
Hữu tử nói: Giữ được chữ tín là gần với nghĩa, lời hứa có thể thực hiện được. Cung kính là gần với chữ Lễ, vậy tránh xa được điều sỉ nhục; Vì không mất đi sự thân cận lễ nghĩa đó nên giữ được tông pháp.

1.14
子曰:“君子食无求饱,居无求安,敏於事而慎於言, 就有道而正焉,可谓好学也已”
Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ.
Quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học.
 (Lời bàn: “an cư” nghĩa rất rộng: nơi ở an toàn, nghiêm mật lại thoải mái rộng rãi, cầu kỳ, ở được lâu, ít thay đổi chỗ… Quan điểm “cư vô cầu an” của quân tử trái với phương châm thông thường “an cư lạc nghiệp”)
1.15
子贡曰: “贫而无谄,富而无骄,何如?”
子曰:    “可也。未若贫而乐,富而好礼者也”.
子贡曰:“诗”云,‘如切如磋!如琢如磨”, 其斯之谓与?”
子曰:“赐也!始可与言“诗”已矣,告诸往而知来者。”
Tử Cống viết “Bần nhi vô siểm, phú nhi vô kiêu, hà như ? ”.
Tử viết “Khả dã. Vị nhược bần nhi lạc, phú nhi hiếu lễ giả dã”.
Tử Cống viết “Thi vân, như thiết như tha ! Như trác như ma, kỳ tư chi vị dư ?”.
Tử viết “Tứ dã ! Thỉ khả dữ ngôn “Thi” dĩ hĩ, cáo chư vãng nhi tri lai giả”.
Tử Cống hỏi “Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa ?”. Khổng tử đáp “Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa”.
 Tử Cống hỏi “Kinh Thi viết: như cắt như gọt (xương, sừng), như mài như giũa (đá ngọc) để tạo ra vật quí, là nói điều này phải chăng ?”.
 Khổng tử nói “Tứ này, có thể bắt đầu bàn luận Kinh Thi được rồi, bởi vì nói cho ngươi việc quá khứ, ngươi đã hiểu việc tương lai”.
 (Lời bàn: “Nghèo lạc quan” nghĩa là vẫn ước mơ, phấn đấu làm giàu chứ không phải lạc quan chịu nghèo. “Như cắt như gọt, như mài như giũa” ý nói việc học hành rèn luyện phải kiên trì và khéo léo).
1.16
子曰:“不患人之不已知,患不知人也”.
Tử viết: Bất hoạn nhân chi bất kỷ tri, hoạn bất tri nhân dã.
Khổng tử nói: Không sợ người không hiểu ta, chỉ sợ (ta) không hiểu người.
Hết thiên 1

  1. 2.      为政Vi chính
第二篇thiên 2
24 bài
2.1
子曰:为政以德,譬如北辰, 居其所而众星共之
Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi
Khổng tử nói: Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh.
2.2
子曰:诗三百,一言以蔽之,曰:“思无邪”
Tử viết: Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: “Tư vô tà”.
Khổng tử nói: Kinh Thi có 300 bài, một câu tóm tắt là: không có suy nghĩ tà xấu ở trong.
2.3
子曰:道之以政,齐之以刑,民免而无耻,道之以德, 齐之以礼,有耻且格 .
Tử viết: Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách.
Khổng tử nói: Lãnh đạo dân bằng pháp luật đều dùng hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa.
2.4
子曰:吾十五而志於学,三十而立,四十而不惑,五十而知天命,六十而耳顺,七十而从心所欲不逾矩.
Tử viết:
Ngô thập ngũ nhi chí ư học,
tam thập nhi lập,
tứ thập nhi bất hoặc,
ngũ thập nhi tri thiên mệnh,
lục thập nhi nhĩ thuận,
thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ..
Khổng tử nói:
Lúc mười lăm tuổi ta đã lo nỗ lực học tập.
Ba mươi tuổi đã xác định được chí hướng.
Bốn mươi tuổi đã hiểu được lý sự, không còn bị lầm lẫn.
Năm mươi tuổi đã hiểu được mệnh trời.
Sáu mươi tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả.
Bảy mươi tuổi có thể theo lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài giới hạn.
(Lời bàn
15 tuổi mà chưa có chí học hành thì nên chọn con đường lao động chân tay thích hợp.
Chưa tới 30 tuổi mà chưa ổn định nghề nghiệp thì vẫn chưa đáng lo, đừng sốt ruột…
40 tuổi: hiểu rõ mọi sự, không nhầm lẫn nữa.
50 tuổi: nhìn rõ quãng đời còn lại, ung dung đi tới tương lai (tri thiên mệnh)
60 tuổi: hiểu và đồng tình với lời nói đúng, biết lời nói sai mà không bực bội.
70 tuổi: nhu cầu cá nhân được thực hiện, tự hài lòng mà không quá trớn, vẫn phù hợp khách quan.
Khổng tử phân chia cuộc đời của một người bình thường thành 6 giai đoạn, có tính chất tương đối…Nếu người có năng lực (lại gặp hoàn cảnh thuận lợi) thì 6 cột mốc sẽ đến sớm hơn. Trái lại, người yếu kém hoặc ít may mắn thì mỗi cột mốc đến muộn hơn.
2.5
孟懿子问孝,子曰:“无违”, 樊迟御,子告之曰:“孟孙问孝於我, 我对曰无违”
樊迟曰:“何谓也”. 子曰:“生,事之以礼;死,葬之以礼,祭之以礼”
Mạnh Ý tử vấn hiếu, Tử viết “Vô vi”,
Phàn Trì ngữ, Tử cáo chi viết: “Mạnh Tôn vân hiếu ư ngã, ngã đối viết vô vi. Phàn Trì viết: “Hà vị dã ?”. Tử viết “Sinh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ, tế chi dĩ lễ.”
Mạnh Ý tử hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói “Không được làm trái (lễ)”.
Phàn Trì đánh xe cho Khổng tử, Khổng tử kể lại rằng Mạnh Ý tử có hỏi ta về đạo hiếu, ta trả lời là không được vi phạm lễ. Phàn Trì hỏi lại “Như thế là ý‎‎‎ gì ?”.
Khổng tử nói “Cha mẹ lúc còn sống, ta phải theo lễ mà phụng sự. Cha mẹ chết, phải theo lễ mà an táng, theo lễ mà cúng tế”.
2.6
孟武伯问孝,子曰:父母唯其疾之忧.
Mạnh Vũ Bá vấn hiếu, Tử viết: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu”
Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo Hiếu.
Khổng tử đáp: Cha mẹ chỉ lo sợ con mắc bệnh tật mà thôi.
(Lời bàn: Con phải giữ gìn thân thể (do cha mẹ sinh ra) khỏe mạnh mới là có Hiếu. Trái lại, không biết giữ sức khỏe thân thể cũng là bất Hiếu).
2.7
子游问孝,子曰: 今之孝者,是谓能养。至於犬马,皆能有养,不敬,何以别乎?
Tử Du vấn hiếu, Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính, hà dĩ biệt hồ ?”.
Tử Du hỏi về đạo Hiếu.
Khổng tử đáp: Thông thường, những người có thể nuôi dưỡng được cha mẹ thì được gọi là có hiếu. Đến cả giống chó ngựa thì người ta vẫn nuôi được, nếu không kính trọng cha mẹ trong khi nuôi dưỡng, thì có khác chi nuôi chó ngựa ?!
2.8
子夏问孝,子曰:色难。有事,弟子服其劳;有酒食,先生馔,曾是以为孝乎?
Tử Hạ vấn hiếu, Tử viết: Sắc nan. Hữu sự, đệ tử phục kỳ lao; hữu tửu thực, tiên sinh soạn, tằng thị dĩ vi hiếu hồ ?
Tử Hạ hỏi về đạo Hiếu. Khổng tử nói: Khó nhất là con cái có giữ được vẻ hòa vui thường xuyên lúc phụng dưỡng cha mẹ hay không. Khi có việc cực nhọc, con cái chủ động làm thay, có gì ngon mang cho cha mẹ ăn…Như thế chắc gì đã là có hiếu?
2.9
子曰: 吾与回言,终日不违,如愚。退而省其私,亦足以发,回也不愚
Tử viết: Ngô dữ Hồi ngôn, chung nhật bất vi, như ngu. Thoái nhi tỉnh kỳ tư, diệc túc dĩ phát, Hồi dã bất ngu.
Khổng tử nói: Ta tham dự việc học của Nhan Hồi, suốt ngày nó không làm trái, như kẻ ngu đần. Nhưng khi ngẫm kỹ thấy Hồi phát huy thực hành đầy đủ, như thế Hồi không phải kẻ ngu.
 (Chú thích: Nhan Hồi là học trò quí nhất của đức Khổng)
 2.10
子曰:视其所以,观其所由,察其所安, 人焉廋哉?人焉廋哉?
Tử viết: Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai ? Nhân yên sưu tai ?
Khổng tử nói: Nhìn kỹ cách người làm, xét xem người làm vì cái gì, xem kỹ người làm có vui vẻ không, như thế người ta có gì mà giấu được ? Có gì mà giấu được ?
2.11
子曰:温故而知新,可以为师矣
Tử viết: “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ ”
Khổng tử nói:  Ôn tập cái cũ để hiểu cái mới, có thể làm thầy được rồi.
2.12
子曰:君子不器
Tử viết: Quân tử bất khí.
Khổng tử nói: Quân tử chẳng phải như công cụ
(Lời bàn: “công cụ” chỉ làm một việc. Khổng tử đòi hỏi quân tử phải làm được việc khác khi cần thiết)
2.13
子贡问君子。子曰:先行其言而后从之
Tử Cống vấn quân tử. Tử viết: Tiên hành kì ngôn nhi hậu tòng chi.
Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra.  
(Chú thích: Tử Cống là học trò giỏi của Khổng tử).
2.14
子曰:君子周而不比,小人比而不周
Tử viết: “Quân tử chu nhi bất tỉ, tiểu nhân tỉ nhi bất chu”.
Khổng tử nói: Quân tử đoàn kết rộng rãi mọi người chứ không kéo bè cánh. Tiểu nhân kéo bè kết cánh mà không đoàn kết.
2.15
子曰:学而不思则罔,思而不学则殆
Tử viết: Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.
Khổng tử nói: Học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt.
2.16
子曰:攻乎异端,斯害也已
Tử viết: Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ.
Khổng tử nói: Phá bỏ mê tín dị đoan, cái hại sẽ tiêu tan.
2.17
子曰: 由,诲女,知之乎?知之为知之,不知为不知,是知也
Tử viết: Do, hối nhữ, tri chi hồ ? Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.
Khổng tử nói: Này trò Do, ta dạy ngươi, có hiểu bài không ? Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Đó là biết vậy.
2.18
子张学干禄, 子曰:多闻阙疑,慎言其余,则寡尤;多见阙殆,慎行其余,则寡悔。言寡尤,行寡悔,禄在其中矣
Tử Trương học can lộc, Tử viết: “Đa văn khuyết nghi, thận ngôn kỳ dư, tắc quả vưu; Đa kiến khuyết đãi, thận hành kỳ dư, tắc quả hối. Ngôn quả vưu, hành quả hối, lộc tại kỳ trung hĩ ”.
Tử Trương hỏi cách học cầu bổng lộc, Khổng tử nói: Cần nghe nhiều, điều nghi ngờ giữ lại, điều gì hiểu rõ thì nói ra, như thế ít sai lầm. Phải quan sát nhiều, giữ lại điều nghi ngờ đừng làm, chỉ làm cái điều chắc chắn, như vậy ít hối hận. Nói năng ít sai, làm ít hối hận thì bổng lộc nằm trong ấy rồi.
2.19
哀公问曰:“何为则民服?”. 孔子对曰:举直错诸枉,则 民服;举枉错诸直,则民不服。
Lỗ Ai Công vấn viết: “Hà vi tắc dân phục?”. Khổng tử đối viết: “Cử trực thố chư uổng, tắc dân phục; Cử uổng thố chư trực, tắc dân bất phục.”.
Lỗ Ai Công (vua nước Lỗ, quê Khổng tử) hỏi: Làm sao cho dân phục ?
Khổng tử đáp: Bổ nhiệm người ngay thẳng trên kẻ ác, ắt dân phục. Xếp kẻ ác trên người ngay thẳng thì dân không phục.

2.20
季康子问:使民敬、忠以劝,如之何?.
子曰:临之以庄,则敬;孝慈,则忠;举善而教不能,则劝
Quí Khang tử vấn: “Sử dân kính, trung dĩ khuyến, như chi hà ?”.
Khổng tử viết: “Lâm chi dĩ trang, tắc kính; Hiếu từ, tắc trung; Cử thiện nhi giáo bất năng, tắc khuyến”.
Quí Khang tử hỏi: Làm thế nào cho dân kính trọng, trung thành với ta và tự khuyên bảo nhau ? Khổng tử đáp:  Đối xử mọi việc trang trọng, dân sẽ kính trọng; Hiếu thảo với cha mẹ, hiền từ với mọi người thì dân sẽ trung thành. Sử dụng người tốt và giáo dục người kém, dân chúng sẽ tự khuyên bảo nhau.
 (Chú thích: Quí Khang tử là đại thần nước Lỗ)

2.21
或谓孔子曰:“子奚不为政 ?”, 子曰:“书”云:‘孝乎惟 孝, 友於兄弟’施於有政,是亦为政,奚其为为政?”
Hoặc vi Khổng tử viết: Tử hề bất vi chính ?
Tử viết: Thư vân “Hiếu hồ duy hiếu, hữu ư huynh đệ. Thi ư hữu chính, thị diệc vi chính, hề kỳ vi vi chính ?”
Có người hỏi Khổng tử:  Sao Thầy không ra làm chính trị ?
Khổng tử đáp: Kinh Thượng Thư viết rằng “Ta chỉ thực hiện đạo hiếu, sống với anh em. Phổ biến đạo ra khắp chính trường, cũng là làm chính trị rồi, cứ gì phải ra làm chính trị ?”.
 (Lời bàn: Khổng tử  tin rằng mình khuyên dạy các nhà chính trị, như vậy cũng là làm chính trị)
 2.22
子曰: 人而无信,不知其可也。大车无輗,小车无軏,其何以行之哉?
Tử viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ hà dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nghê, kỳ hà dĩ hành chi tai”.
Khổng tử nói: Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Cỗ xe lớn không có chốt (hãm), cỗ xe nhỏ cũng không có chốt thì làm sao chạy được ?!.
2.23
子张问:“十世可知也?”子曰:殷因於夏礼,所损益可知也;周因於殷礼,所损益可知也。其或继周者, 虽百世,可知也”.
Tử Trương vấn: “Thập thế khả tri dã ?”.
Tử viết: “Ân nhân ư Hạ lễ, sở tổn ích khả tri dã; Chunhân ư Ân lễ, sở tổn ích khả tri dã. Kỳ hoặc kếChugiả, tuy bách thế, khả tri dã”.
Tử Trương hỏi: Có thể biết được (về lễ) 10 đời sau không ?
Khổng tử đáp: Nhà Ân dựa theo lễ nhà Hạ, bớt hay thêm có thể hiểu được. Nhà Chu theo lễ nhà Ân, thêm bớt có thể hiểu được. Tương lai nhà Chu hoặc trăm đời sau cũng có thể đoán được.
2.24
子曰:非其鬼而祭之;谄也。见义不为,无勇也.
Tử viết: “Phi kỳ quỷ nhi tế chi, siểm dã. Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã”.
Khổng tử nói:
Không phải tổ tiên của mình mà lại cúng tế, đó là siểm nịnh.
Thấy việc chính nghiã mà không làm, chẳng phải kẻ dũng.
 Lời bàn:
Câu “Không phải tổ tiên…” e khó tính quá, thầy Khổng cố chấp chăng?
Người dịch từng nghe một câu ca trên sân khấu cải lương như sau:
      Kiến ngãi bất vi vô dũng dã
      Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng
(thấy người mắc nguy hiểm không cứu thì chẳng phải anh hùng)

Hết thiên 2


  1. 八佾 t dật
第三篇 thiên  3
26 bài
 3.1
孔子谓季氏: 八佾舞於庭,是可忍也,孰不可忍也!
Khổng tử vị Quí Thị: Bát Dật vũ ư đình, thị khả nhẫn, thục bất khả nhẫn dã!
Khổng tử nói về Quí Thị: Múa điệu Bát Dật ở sân đình, sự ấy chấp nhận được thì việc gì chẳng dám làm !
(Chú thích: Theo qui định lễ nhạc nhà Chu, hoàng đế được dùng 8 đội bát dật, mỗi đội 8 người (8 x 8 = 64 vũ công), vua chư hầu được dùng 6 đội, quan đại phu dùng 4 đội, quan sĩ dùng 2 đội. Họ Quí là đại phu mà dám dùng 8 đội, vậy là khi quân phạm thượng.
Khổng tử sống vào thời Xuân thu, thời này có hai bậc vua. Thiên tử (hoàng đế nhà Chu) là vua lớn nhất bao trùm Trung Hoa, mỗi nước chư hầu có một vua (hầu), dưới vua chư hầu là quan đại phu, dưới quan đại phu là quan sĩ, dưới nữa là gia thần. Kinh Lễ của nhà Chu qui định mọi thứ quyền lợi, nghi thức kể cả trang phục, lối giải trí văn nghệ…gắn liền với cấp bậc. Khổng tử cho rằng nếu vi phạm một lễ, dù nhỏ (như nhảy múa) thì sau có thể vi phạm lớn hơn, thậm chí làm phản. Ngài phê phán Quí Thị lúc này mới giữ chức đại phu nước Lỗ mà dám cho nhảy múa theo nghi thức thiên tử nhà Chu !… Thực tế giai đoạn này (Đông Chu từ 778 đến 256 trCN) đã nảy sinh một bậc vua thứ 2 chen vào giữa đế hầu, gọi là vương (hoặc). Bá vương chỉ muốn chinh phục các chư hầu mà ngoi lên ngôi đế… Do vương chưa được danh chính ngôn thuận nên chưa có lễ qui định. Khổng tử chỉ thừa nhận có hai bậc là đế hầu. Nhiều thời phong kiến về sau, các vua chúa chính thức đặt ra tước vương để làm yên lòng công thần và hoàng tộc nhưng không phong đất.)
3.2
三家者以《雍》彻。子曰:‘相维辟公,天子穆穆’,奚取於三家之堂?
Tam gia giả dĩ “Ung” triệt. Tử viết: “Tướng duy tịch công, thiên tử mục mục, hề thủ ư tam gia chi đường ?”
Ba đại gia tấu bài nhạc “Ung” nghe sau khi cúng lễ. Khổng tử nói: “Trợ tế là vua chư hầu hoặc thiên tử chủ tế uy nghiêm sâu xa, bây giờ ba nhà làm thế là có ý gì ?”
(Chú thích: Ba vị đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn, Thúc Tôn, Quí Tôn lén dùng lễ chế thiên tử, tế tự xong còn ca tụng nhạc “Ung”. Khổng tử cảnh báo ba người ấy dám chơi bản nhạc “Ung” tức  là phạm thượng, có mầm mống phản nghịch)
3.3
子曰:人而不仁,如礼何?人而不仁,如乐何 ?
Tử viết: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà ? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà ?”
Khổng tử nói: Một người bất nhân, coi chữ lễ có ra gì ? Một người không có lòng nhân sao có thể tấu nhạc?
(Lời bàn: nhân là cốt lõi chi phối tất cả, lễnhạc là hình thức bên ngoài, thiếu “nhân” thì “lễ và nhạc” chỉ là phô trương giả dối, sẽ không có tác dụng gì tốt. Như vậy lễ-nhạc- nhân là một thể hữu cơ thống nhất.
Quan điểm mỹ học của Khổng tử bền vững muôn đời và rất hiện đại. Ngày nay chúng ta nghĩ đến phần lớn âm nhạc trẻ dễ dãi đầu thế kỷ 21, game onlines. v.v…thật nhố nhăng, chỉ là giải trí giết thời gian. Lại nghĩ đến mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, nếu hình thức nhố nhăng (nhạc, game) có thể gây tác động xấu, dần dần tác hại vào bản chất của  “nhân”)
3.4
林放问礼之本。子曰:大哉问!礼,与其奢也,宁俭;丧,与其易也,宁戚
Lâm Phóng vấn lễ chi bản. Tử viết: “Đại tai vấn ! Lễ, dự kỳ xa, ninh kiệm; Tang, dự kỳ dị dã, ninh thích.”
Lâm Phóng (người nước Lỗ) hỏi về bản chất của lễ. Khổng tử nói: Vấn đề này rất quan trọng ! Lễ nói chung mà đi kèm với xa hoa, không bằng tiết kiệm. Đám tang mà cầu kỳ phô trương, chẳng bằng đau buồn trong lòng.
3.5
子曰:夷狄之有君,不如诸夏之亡也
Tử viết: Di Địch chi hữu quân, bất như chư Hạ chi vong dã.
Khổng tử nói: “Các dân tộc mọi rợ còn có vua, chẳng như các dân tộc Hoa Hạ cứ như thể không có vua vậy”.
(Chú thích: thời Chu loạn lạc, vua chư hầu lấn át quyền thiên tử, đại phu lấn lướt vua chư hầu, chẳng có kỷ cương nữa… Khổng tử buồn bã mà than thở. Khổng tử sao nỡ gọi tất cả các dân tộc láng giềng là “mọi rợ”. Thôi, chúng ta hãy tha thứ cho ông (chữ thứ của Khổng tử) bị hạn chế bởi thời đại. Hồi ấy ông chưa từng biết nước Văn Lang của vua Hùng đâu nhỉ).
3.6
季氏旅於泰山,子谓冉有曰:“女弗能救与?”对曰:“不能”.子曰:“呜呼!曾谓泰山不如林放乎?”
Quí Thị lữ ư Thái Sơn, Tử vị Nhiễm Hữu viết: “Nhữ phất năng cứu dự? Đối viết “Bất năng”. Tử viết: “Ô hô ! Tằng vị Thái Sơn bất như Lâm Phóng hồ ?”.
Quí Thị đi lễ núi Thái Sơn, Khổng tử nói với Nhiễm Hữu rằng: “Ngươi không can thiệp việc đó ư?”. Nhiễm Hữu đáp: “Không thể được!”. Không tử nói: “Than ôi, đã như thần núi Thái Sơn lại không bằng Lâm Phóng ư?”.
(Chú thích: Núi Thái Sơn ở nước Lỗ (tỉnh Sơn Đông ngày nay) rất linh thiêng, thiên tử ủy nhiệm vua Lỗ đi cúng tế, vậy mà Quí Thị đại phu nước Lỗ dám vượt lễ đi cúng. Khổng tử trách thần núi Thái Sơn vẫn nhận lễ của Quí Thị tức là không bằng Lâm Phóng một người dân Lỗ hiểu biết lễ (xem lại câu 3.4 ở trên).
3.7
子曰:君子无所争,必也射乎!揖让而升,下而饮,其争也君子.
Tử viết: “Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hồ ! Ấp nhượng nhi thăng, hạ nhi ẩm, kỳ tranh dã quân tử”.
Khổng tử nói: “Quân tử không cần tranh đua, có thể tranh đua khi bắn cung thôi. Vái chào khi bước lên bắn, xong ngồi uống rượu nâng chén mừng nhau – đó mới chính là lối tranh đua của quân tử”.
(Lời bàn: Tranh đua cũng như thi bắn cung, cần trổ tài hết sức, nhưng vẫn phải giữ lễ với nhau. Bắn cung là môn thi không đối kháng, còn dễ thực hiện. Như môn thi đối kháng thì quả là khó giữ chữ Lễ, vậy cần phải có luật chơi và trọng tài rắn)
3.8
子夏问曰:‘巧笑倩兮,美目盼兮,素以为绚兮’。何谓也?
子曰:“绘事后素”
子夏 曰:“礼后乎?”.
子曰:“起予者商也,始可与言诗已矣”
Tử Hạ vấn viết: “Xảo tiếu thiến hề, mỹ mục phán hề. Tố dĩ vi huyến hề. Hà vi dã ?”.
Tử viết: “Hội sự hậu tố”.
Tử Hạ  viết: “Lễ hậu hồ?”.
Tử viết “Khởi dư giả thương dã, thỉ khả dữ ngôn thi dĩ hĩ ”.
Tử Hạ hỏi: “Cười khéo đẹp làm sao, đôi mắt thật có duyên. Nền trắng vẽ bức tranh rực rỡ”.  Kinh Thi nói thế nghĩa là gì ?
Khổng tử đáp: Phải có nền trắng đẹp trước, sau mới vẽ tranh.
Tử Hạ tiếp: Vậy lễ nhạc cũng đến sau “nhân”ư ?
Khổng tử nói: Như thế là trò hiểu biết đấy, ngươi có thể cùng ta thảo luận Kinh Thi được rồi.
(Lời bàn: Nhân đức và lễ là nền tảng của nghệ thuật, kẻ bất nhân không thể làm nghệ sĩ tử tế được)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved