Home » » Lộ Đức Anh – Chức năng giải cấu trúc của cái grotesque trong tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Suskind

Lộ Đức Anh – Chức năng giải cấu trúc của cái grotesque trong tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Suskind

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011 | 01:05


Lộ Đức Anh – Chức năng giải cấu trúc của cái grotesque trong tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Suskind

Lời giới thiệu: Bài viết dưới đây được trích từ báo cáo khoa học Tiểu thuyết Mùi hương của Patrick Suskind – nhìn từ phạm trù grotesque của bạn Lộ Đức Anh, sinh viên năm thứ hai, khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội. Báo cáo đã được lựa chọn tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn trường năm 2011. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này và mong nhận được những nhận xét, trao đổi của những người quan tâm.
*
Chúng ta sẽ bắt đầu với những vấn đề căn bản của lý thuyết giải cấu trúc. “Mọi cấu trúc và mọi hệ thống luôn luôn tồn tại một TRUNG TÂM (CENTER) [...] mọi hệ thống cấu trúc đều được tạo nên từ ít nhất là một cặp đối lập nhị nguyên và trong mọi cấu trúc căn bản đó, nguyên tắc của sự khác biệt phải được xác định vị trí trung tâm, trung tâm khác biệt này vừa mang tính bản thể, vừa mang đặc tính kí hiệu” [1]. Giải cấu trúc vẫn dựa trên nền tảng của chủ nghĩa cấu trúc mà tiêu biểu là thuyết ngôn ngữ tổng quát của Ferdinand De Saussure cho rằng “giá trị của ký hiệu xuất phát từ toàn thể hệ thống” [2]; người ta nhận ra một từ không phải vì quan hệ của nó đối với cái được biểu đạt mà bởi vì nó khác so với các từ khác trong cùng cái hệ thống ngôn ngữ đó. Cũng tương tự như vậy, trong các cặp đối lập nhị phân như Văn minh/Man rợ, Sáng/Tối, Xa/Gần, Cao/Thấp… thì mỗi yếu tố đều được xác định bởi vì nó KHÔNG PHẢI là yếu tố còn lại. Xa tức là không Gần, Cao tức là không thấp. “Mỗi phần trong cặp nhị phân có nghĩa nhờ vào tính chất quy chiếu vào phần kia” [3].
Theo Derrida, trong một cặp đối lập nhị nguyên luôn có một yếu tố có tính chất áp chế so với yếu tố còn lại, chính vì thế mọi hệ thống đều phải tồn tại một Trung Tâm cố định, đơn nhất và không thể thay thế bởi các yếu tố khác. Hai đặc điểm của một Trung Tâm là: “thứ nhất, trung tâm là nơi phát xuất của hệ thống và bảo đảm cho mọi thành phần trong hệ thống đó có được tính chất tương liên; thứ hai, trung tâm này cũng là yếu tố vượt ra ngoài hệ thống, không được điều phối bởi các quy luật của hệ thống” [4]. Đặc điểm thứ hai dẫn đến việc Trung Tâm lại chính là nơi ẩn chứa mâu thuẫn cốt yếu của toàn bộ hệ thống. Chính tại điểm này, giải cấu trúc bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc về một hệ thống toàn diện, hoàn hảo bởi tất cả mọi hệ thống đều phải tồn tại Trung Tâm, và vì thế không bao giờ tránh khỏi tính mâu thuẫn nội tại của nó. Mọi hệ thống dù chặt chẽ đến mấy cũng đều tồn tại những tiền đề của sự chơi tự do (free play).
Quá trình grotesque giải cấu trúc hệ thống có thể được diễn giải ngắn gọn như sau: các yếu tố bị gạt ra ngoại biên, các yếu tố vẫn thường được coi là Cái Khác (Other) sẽ thâm nhập và lai ghép với Trung Tâm. Trung Tâm hiện lên không còn đơn thuần trong mối quan hệ đối nghịch với các yếu tố kia, mà trở nên gắn kết trong một khả thể tồn tại mới. Khả thể mới đó chính là hình tượng grotesque. Sự xuất hiện của hình tượng grotesque làm nảy sinh và đẩy mâu thuẫn nội tại trong hệ thống lên đỉnh điểm, gây ra những rạn nứt ở cấu trúc bên trong, dẫn đến sự giải Trung Tâm, đẩy tất cả vào không gian bất định của sự chơi tự do.
3.1. Chức năng giải cấu trúc thế giới của grotesque
Để thấy rõ được khả năng giải cấu trúc thế giới của grotesque,  tôi sẽ tập trung phân tích vào hành động hủy diệt/sáng tạo của Grenouille ở những chương cuối cùng.
Grenouille, với mong muốn lưu cữu lại vĩnh cửu mùi thơm của Laure Richis, đã thực hiện việc sát hại hai mươi lăm cô gái để chiết hương thơm từ cơ thể họ, tạo thành thứ nước hoa cuối cùng của mình. Bằng cái nhìn lý tính thông thường, đó chỉ đơn thuần là một hành động giết người dã man, một tên sát nhân bệnh hoạn và là kẻ thù của xã hội. Trong một hệ thống đánh giá quen thuộc, tính chất âm tính của nó là không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, cảnh giao hoan cuối tác phẩm lại cho chúng ta thấy bộ mặt đối lập trong kết quả hành vi của Grenouille. “Một cái gì giống như phép lạ vì không thể nào hiểu được, chưa từng thấy, không thể tin nổi khiến sau đó mọi nhân chứng sẽ đều gọi đó là phép lạ nếu như họ còn có dịp nhắc đến điều này” [2;321]. Cái thứ nước hoa người ấy, cái thứ sản phẩm của sự giết chóc ấy lại thơm đến nỗi làm những người có mặt ở đó hoàn toàn mất đi lý trí. Tất cả rơi vào trạng thái vô thức tập thể của sự say mê, sự sùng bái và cơn hoan lạc tột độ của tình yêu. Kẻ giết người bỗng chốc trở thành “hiện thân của sự vô tội” [2;321]. Và những kẻ tầm thường đột nhiên bị kích thích bởi tình yêu. Grenouille nhỏ thó, tầm thường hóa thân thành con người vĩ đại như trong lâu đài giấc mơ. “Gã như thể là hiện thân của Chúa Cứu Thế đối với các nữ tu sĩ, là Chúa tể rực rỡ của Bóng tối đối với các đồ đệ satan, là Đấng Tối Cao đối với những bậc trí giả, là Hoàng tử trong chuyện thần thoại đối với những cô gái, là cái hình ảnh lý tưởng của chính họ đối với đám đàn ông” [2;324]. Grenouille trở thành một thế lực siêu nhiên mà không một từ ngữ nào có thể diễn tả hay gọi tên. Một thế lực khởi phát sáng tạo ra tất cả. Grenouille đã được thuyên chuyển vào vị trí trung tâm trong toàn bộ đám người đó.
Phân tích hoạt cảnh này, chúng ta có thể thấy, thứ nước hoa của Grenouille là tượng trưng đỉnh cao của cái đẹp hoàn hảo không tì vết, cái đẹp nguyên sơ mà không con người nào có thể cưỡng lại được. Nhưng nó lại tồn tại hai mặt. Một mặt nhân văn, đấy là cái đẹp ghê gớm, cái đẹp tuyệt mĩ như con người vẫn thường sùng kính, một mặt nó lại là sự xấu xa tột độ khi phải thông qua hành động giết chóc để đạt được tới cái đẹp đó. Cái đẹp grotesque đó phá vỡ cấu trúc cân bằng của lý tính. Nó làm mờ nhạt đi, đúng hơn là đập vỡ cái ranh giới đối lập của cặp đối lập nhị nguyên Cái đẹp/Cái xấu. Hai mặt đối lập đó giờ đây lại trộn lẫn, hòa tan vào với nhau, dính với nhau làm một. Như thế nào là đẹp đẽ, như thế nào là xấu xa? Những câu hỏi tưởng như rất rõ ràng thì  lúc này trở nên bất định. Chúng ta vẫn thường nghĩ về cái đẹp ngoài việc nó gây ra những rung động ở người thưởng thức thì đồng thời nó cũng phải gắn với cái thiện, cái nhân bản, còn cái xấu xa là những cái gây ra cảm xúc tiêu cực, ghê sợ và phi nhân. Liệu quan niệm đó là sự thật tuyệt đối và vĩnh hằng như cách nhìn của nhân loại thời hiện đại, hay thực chất “chỉ là một mẩu chuyện đặc biệt, một dạng văn bản, hay một giải trình ngôn ngữ (discourse), là sự sắp xếp các từ ngữ, hình ảnh hay ký hiệu, dáng điệu… theo một cách đặc biệt nhất định nào đó để phù hợp với những lợi ích của một nền văn hóa, hoặc đôi khi chỉ làm vui tai, vui mắt cho một thành phần nhỏ nhoi có quyền lực trong nền văn hóa đó?” [3]. Khái niệm đẹp bị giải trung tâm và rơi vào trường của sự chơi tự do, và vì thế khước từ mọi nỗ lực diễn giải, khái quát nó. Một trung tâm mới bùng nổ, tôi tạm gọi đó là cái đẹp grotesque. Cái đẹp này không thuộc vào các hình thức đại tự sự, mà chính là một tiểu tự sự, là câu chuyện kể của nhân vật grotesque là Grenouille.
Cần chú ý đến hai hành động xuất hiện khi con người tiếp xúc với thứ nước hoa hoàn hảo của Grenouille: hành vi giao hợp tập thể và sự ăn thịt người. Trong thời đại văn minh, những trận giao hoan tập thể và hành động ăn thịt người bị coi là tột cùng của man rợ, là những thứ cực kì ghê tởm phải cách ly ra khỏi đời sống. Tuy nhiên, nếu ngược dòng về quá khứ, trong thời cổ đại khi chưa bị những định kiến giáo điều áp chế thì hành vi giao hợp và ăn thịt người thực chất lại là biểu hiện cao độ nhất của tình yêu, sự sùng kính. Giao hợp được coi là sự liên kết về mặt thể xác và tâm hồn giữa hai cá thể vẫn còn được thực hiện dưới dạng nghi lễ trong các hội kín, còn tục ăn thịt đồng loại ở khía cạnh nào đó còn là mong muốn lưu trữ lại một cá thể nào đó trong cộng đồng (tất nhiên là ở dạng thô sơ nhất). Nhiều nghiên cứu cho rằng vẫn còn tồn tại các nghi lễ hiến tế trong đó có diễn ra hành vi ăn thịt đồng loại, được tổ chức lén lút trong một số bộ lạc thổ dân ở vùng Amazon. Trong hoạt cảnh ăn thịt người ở tác phẩm Mùi hương, những cảm xúc của kẻ ăn thịt được đặc tả rất rõ nét: “Họ cảm thấy bị cái con người như thể thiên thần kia cuốn hút. Từ gã phát ra một cơn lốc mãnh liệt, một con nước ào ạt khiến không ai có thể cưỡng lại nổi, huống chi có ai muốn cưỡng lại đâu, bởi con nước ấy đè bẹp mọi ý chí của họ, cuốn họ theo: lại với gã” [2;345]. Cuộc xả thịt diễn ra rất kinh khiếp, “dao găm lóe lên, đâm xuống, rạch ra, rồi đến rìu với dao đồ tể chém xả xuống các khớp xương, chặt xương vỡ răng rắc” [2;346]. Vậy mà kết thúc bữa tiệc, lũ ăn thịt người đó cảm thấy gì? “Họ không cảm thấy lương tâm cắn rứt tí nào. Ngược lại [...] họ vô cùng tự hào. Lần đầu tiên họ đã hành động vì tình yêu” [2;346]. Hình ảnh một buổi ăn thịt tập thể cổ xưa được tái hiện, mà sự ăn thịt không phải xuất phát từ cơn đói hay tình trạng bệnh hoạn về tâm thần, mà lại đến từ cái rất con người: một tình yêu cuồng nhiệt không thể cưỡng lại được.
Hai hành vi đó có thể coi là dạng thức cao độ nhất của sự bộc lộ tình yêu: mong muốn hòa làm một với đối tượng. Trong trạng thái ý thức bị lấn át, những hành vi đó lại bùng lên như một sự nổi loạn của vô thức. Tình yêu trong vô thức là tình yêu tuyệt đối, khi nó không còn bị bất kì cái gì thuộc ý thức chi phối nữa, và nó sẵn sàng dẫm đạp lên những đạo đức, luân lý thông thường. Sự xuất hiện của nó làm bật lên thái độ tra vấn quyết liệt đối với những giá trị thường có, quen có.
Rõ ràng, cái đẹp grotesque của Grenouille, trong một khoảng thời gian hữu hạn nó đã giải cấu trúc cái thế giới lý tính đang có. Cái đẹp grotesque này khác với những cái đẹp thông thường, cái đẹp trong các định nghĩa, cái đẹp dưới lớp vỏ của ngôn từ. Cái đẹp grotesque là cái đẹp thuộc về bản năng, là một tập hợp hỗn độn mà nó chấp nhận bất cứ thành phần nào tham gia vào trong nó, bất kể man rợ, loạn luân, phi nhân… miễn những thành phần đó đều là sự hướng tới nó một cách say mê. Trung tâm của mọi hệ thống có trước bị giải cấu trúc. Tính nhân văn và phi nhân văn vốn tách biệt thì nay bỗng trở nên hỗn độn khi cái lằn ranh đối lập bị phá bỏ, gây khủng hoảng trong toàn bộ hệ thống. Quan niệm về cái đẹp trở thành yếu tố vượt thoát, bứt ra khỏi hệ thống ban đầu, trở thành yếu tố tự do và kéo theo sự nứt vỡ dây chuyền của các cặp đối lập nhị nguyên xoay xung quanh nó. Lúc này, tác phẩm của Patrick Suskind trở thành một sự chơi tự do, và người đọc cũng đồng loạt tham gia vào sự chơi. Ở đó không tồn tại những câu trả lời cố định, bất biến, mà luôn luôn là những câu hỏi đập vào cái cấu trúc ban đầu. Các khái niệm bị giải trung tâm, trở nên bất định và bất khả đoán, thành những nhân tố tự do.
“Những khái niệm mà do nhầm lẫn, lại được coi là chuẩn, duy lý và lý tưởng, do đó, tốt nhất nên được đưa trở về khu vực của trò chơi tự do bằng cách làm cho chúng trở nên gián đoạn, vi phạm những giới hạn của chúng, phơi bày những rạn nứt của chúng” [4].
Mặc dù sự mê hoặc đến từ thứ nước hoa của Grenouille là chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong đời sống dài lâu của con người, tuy nhiên cái mà nó để lại là rất đáng quan tâm. Trình diễn một khả thể đẹp đến tột cùng và khác thường đến tột cùng, cái mà tác giả muốn hướng người đọc đến không phải là một cấu trúc nào khác, mà là sự nghi vấn với những gì hằng có, quen có. Thậm chí đó là cả những tiêu chuẩn về thẩm mỹ có tính tác động mạnh tới toàn bộ cộng đồng . Cái đẹp hiện lên trong tác phẩm không còn trong suốt, một chiều. Cái đẹp bị quan sát dưới một góc độ khác, không bị mỹ hóa, và người ta nhìn thấy cả cái Xấu tồn tại trong nó, đồng nhất với nó, thậm chí là tiền đề cho chính sự tồn tại của cái đẹp. Những giá trị tưởng như khách quan, bền vững bỗng lung lay một cách dữ dội và con người nằm trong cái cấu trúc đó không còn thấy an toàn nữa, mà trở nên bất an.
3.2. Grotesque như là một nhân tố kiến tạo sự chơi tự do.
“Văn chương hậu hiện đại, do đó, giống văn chương hiện đại ở chỗ nó là một tập hợp của những mảnh vụn; nhưng nhà văn hiện đại cố gắng đặt những mảnh vụn vào một cấu trúc chặt chẽ nào đó, nghĩa là ban cho những mảnh vụn ấy một tâm điểm (và tâm điểm này là chiếc chìa khoá mở cửa ý tưởng chủ đạo của tác phẩm), còn nhà văn hậu hiện đại lại để cho mỗi mảnh vụn nằm ở một chỗ riêng của nó, mỗi mảnh vụn tự nó là một tâm điểm. Có thể nói đa tâm điểm là một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật hậu hiện đại” [4]. Chính sự đa tâm điểm này dẫn đến sự tự do diễn giải của người đọc. Mỗi người có thể chọn cho mình một tâm điểm, một góc nhìn để có thể diễn giải theo cách của chính mình, nói cách khác người đọc ở đây tham dự vào quá trình sáng tác.
Trong Mùi hương, khi cái đẹp grotesque vừa lên ngôi thì nó ngay lập tức bị phi tâm hóa. Chúng ta hãy xem xét lại một chút hoạt cảnh bữa tiệc thịt người ở cuối tác phẩm. Grenouille khi đó là hiện thân cho cái đẹp có thể khơi gợi một thứ tình yêu, một tình cảm say đắm đến bất khả kháng. Grenouille bị ăn mất, thực ra là cái đẹp grotesque bị chính cái tình cảm grotesque, tình yêu grotesque mà nó khơi gợi lên giải trung tâm. Nếu Patrick Suskind chỉ dừng tác phẩm ở sự lên ngôi của Grenouille, cứ để hắn tiếp tục tồn tại trong thế giới như một vị thánh toàn năng của cái đẹp, thì Mùi hương vẫn là một tác phẩm thuộc về giai đoạn hiện đại chủ nghĩa. Trung tâm này mất đi, trung tâm khác xuất hiện và thay thế nó. Khi đó Grenouille hay là cái đẹp grotesque sẽ trở thành Trung tâm mới, tức là kiến tạo nên một cấu trúc mới. Tuy nhiên, chính cái chết của Grenouille đã tạo nên sự đột phá cho tác phẩm. Cái đẹp grotesque ở đây tự nó giải trung tâm bản thân mình. Nó bị hủy diệt bởi chính những cái mà nó đã khơi gợi lên. Sự biến mất của cái đẹp grotesque đã làm sụp đổ một cách hoàn toàn và tuyệt đối hệ thống. Không còn cái cấu trúc bề sâu ở đây nữa, mà chỉ còn là một tập hợp các mảnh vỡ. Cả tác phẩm Mùi hương là các trò chơi: trò chơi ngôn ngữ của loài người, trò chơi mùi hương của Grenouille, thì đến phút cuối cùng chỉ còn là một sự chơi tự do (free play). Không còn gì đứng ở trung tâm mang tính chất chi phối, cũng chẳng còn những cặp đối lập nhị nguyên hay bất kì cái gì có tính cấu trúc nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là những mảnh vỡ, những miếng ghép nằm chênh vênh.
Trong nhân vật grotesque Grenouille, chúng ta thấy bóng dáng của con người cổ điển của Descartes và thậm chí là cái cuồng nhiệt sáng tạo đến cực đoan của con người hiện đại chủ nghĩa. Nhưng ngay cả con người hiện đại chủ nghĩa, về mặt nào đó cũng chỉ là sự kéo dài của “công thức nổi tiếng của Descartes: con người, “chủ nhân và kẻ chiếm hữu tự nhiên”.
Sau khi đã làm nên những điều kì diệu trong khoa học và kỹ thuật, vị “chủ nhân và kẻ chiếm hữu” ấy đột nhiên nhận ra rằng anh ta chẳng có gì sất, và chẳng hề là chủ nhân của tự nhiên (tự nhiên ngày càng biến mất khỏi hành tinh), cũng chẳng là chủ nhân của lịch sử (lịch sử đã tuột mất khỏi tay anh ta), cũng chẳng là chủ nhân của chính mình (anh ta bị điều khiển bởi những lực lượng phi lý trong tâm hồn mình). Nhưng nếu Thượng đế đã bỏ đi và con người không còn là chủ nhân nữa, vậy thì ai là chủ?[...] Thế đấy, cái nhẹ tênh không thể biện minh được của con người.
Đến đây, người đọc dễ dàng bắt gặp chính mình trong cái hình tượng grotesque của Mùi hương. Grenouille chỉ là kẻ hèn mọn trong thế giới thực, vì thế hắn tìm cách kiến tạo nên một không gian khác để tồn tại; hắn không có mùi, nhưng lại có tài năng và hắn nghĩ đến chuyện chế tạo một thứ mùi cho riêng hắn. Suốt cuốn tiểu thuyết, dù trực tiếp hay gián tiếp người ta vẫn thấy Grenouille tài năng, Grenouille Vĩ đại, thấy hắn vừa đáng nể, lại vừa đáng sợ nữa. Nhưng đến cuối tác phẩm, khi Grenouille trở thành một ông Thánh, là khởi nguồn của tình yêu; thì rốt cục những cái hắn có đều là sự vay mượn. Grenouille bỗng hiện lên như một kẻ hết sức đáng thương. Đáng thương vì hắn là vô nghĩa. Cái trung tâm trong thế giới của Grenouille lại không thuộc về Grenouille, và vì thế cái thế giới đó bị phi tâm hóa và tự giải cấu trúc bản thân mình. Cái bất hạnh của Grenouille chính là cái bất hạnh của con người hậu hiện đại khi đứng trước cái bản ngã của chính mình, đứng trước câu hỏi rất giản đơn: “Ta là ai?”. Cái tôi tưởng như là cái tồn tại tự thân, hóa ra cũng chỉ là sự dịch (translate), sự lai ghép từ những yếu tố ngoại lai, mà cấu trúc của nó chỉ là một khả thể nhỏ nhoi trong không gian vô hạn của sự chơi tự do. Cái tôi cũng chỉ là một cái grotesque, không hơn không kém.
Con người hậu hiện đại là những kẻ đáng thương bởi họ nhận ra sự vô nghĩa của cái tôi, nhưng chính họ cũng là những người vĩ đại khi thay vì lẩn tránh, họ tìm cách đối thoại với sự hư vô. Khi thế giới của Grenouille tự giải cấu trúc bản thân về vùng của các khả năng tự do, thực chất cũng chính là sự giải cấu trúc “Cái tôi”, cái bản ngả trong lịch sử loài người. Đấy là lúc những người đọc tham gia vào sự chơi mà Patrick Suskind đã tạo ra và bỏ ngỏ ở đó. Bằng việc chơi với những miếng ghép, đối thoại với sự hỗn loạn, mỗi người đọc xây dựng lại một cấu trúc mới, một tiểu tự sự của riêng mình. “Nhà văn muốn mở ra trước mắt độc giả một thế giới vô hạn của những khả thể cho sự diễn dịch. Như thế, văn chương hậu hiện đại là một trò chơi ngôn ngữ mang tính dân chủ tối đa.” [5]
Chú thích.
1.      Nguyễn Minh Quân (2001), Lý thuyết và phê bình văn học đương đại: từ cấu trúc luận đến giải cấu trúc, Đăng trên tienve.org
2.     Patrick Suskind (2005), Mùi hương (Lê Chu Cầu dịch), NXB. Nhã Nam, Hà Nội.
3.     Nguyễn Minh Quân, Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản. Đăng trên website tienve.org
4.     Gordon E.Slethaug, Các lý thuyết về sự chơi/sự chơi tự do (Hải Ngọc chuyển ngữ). In trong cuốn Encyclopedia of Contemporary Literary Theory – Approaches, Scholars and Terms, Irena R. Markaryk (ed), University of Toronto Press 1995, trang 145- 149.
5.   Hoàng Ngọc-Tuấn, Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại, Đăng trên website tienve.org
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved