Home » » KINH TẾ THỊ TRƯỜNG NHỮNG THÁCH THỨC XÃ HỘI TOÀN CẦU MỘT CÁCH NHÌN TỪ NƯỚC ĐỨC

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG NHỮNG THÁCH THỨC XÃ HỘI TOÀN CẦU MỘT CÁCH NHÌN TỪ NƯỚC ĐỨC

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011 | 01:18


GERHARD KRUIP (*)
Trong bài viết này, tác giả, dưới góc nhìn từ nước Đức, đã phân tích một cách khái quát những lợi ích và thách thức xã hội toàn cầu của kinh tế thị trường tự do. Từ đó, trình bày ý tưởng của Giáo hội Thiên Chúa giáo và Tin Lành ở Đức về nền kinh tế thị trường xã hội, cái được coi là con đường tốt nhất để thực hiện tự do và công bằng trong xã hội hiện đại; phân tích những nhân tố cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội cũng như những vấn đề đặt ra hiện nay của kinh tế thị trường xã hội ở nước Đức. Đặc biệt, từ những kinh nghiệm vận dụng kinh tế thị trường xã hội ở Đức, tác giả đã có một số ý kiến đóng góp nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến sự chuyển đổi mô hình kinh tế ở Việt Nam.
Nhận xét sơ bộ 
Khái quát sự phát triển của các nước khác nhau trên thế giới cho thấy, những quốc gia có nền kinh tế mở với thị trường thế giới và có những cải cách nhằm tạo ra nhiều tự do hơn cho các cơ chế thị trường tự do đã thu được nhiều thành công về kinh tế hơn so với những nước vẫn duy trì mô hình kế hoạch hoá tập trung và tự cung tự cấp. Vấn đề ở đây dường như không phải là sự phụ thuộc vào những cấu trúc của kinh tế thế giới, mà (đúng hơn) là sự cô lập với tính năng động của nền kinh tế thế giới và toàn cầu hoá(1). Ví dụ điển hình cho nhận xét này là Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam - một nước có đường lối phát triển rất đặc biệt và ấn tượng. Kể từ khi tuyên bố đổi mới năm 1986 và bắt đầu chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành nước có nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trên thế giới. Điều này giúp cải thiện mức sống của người dân và chống đói nghèo(2). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay cho thấy, một sự phụ thuộc lẫn nhau như vậy cũng là nguyên nhân của nhiều vấn đề. Mặc dù vậy, việc thực hiện những mục đích phát triển sẽ trở nên dễ dàng hơn trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, cùng nhau giải quyết những vấn đề thông qua sự hợp tác quốc tế thay vì quay lại thời kỳ của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập.
I. Những lợi ích của nền kinh tế thị trường tự do 
Tại sao thị trường tự do lại dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhiều hơn? Những lợi thế của thị trường tự do là gì? So với nền kinh tế kế hoạch tập trung, theo tôi, nền kinh tế thị trường tự do có ít nhất 6 lợi thế, mà lúc này, tôi xem như một “mô hình lý tưởng” (Ideal model) - theo cách nói của Max Weber(3).
1. Trong nền kinh tế thị trường, lợi ích kinh tế cá nhân là động lực đối với hầu hết các chủ thể. Việc thiết lập những cơ cấu mệnh lệnh tập trung và phân cấp là không cần thiết, vì điều đó dẫn đến xu hướng tạo ra những cám dỗ (và đôi khi, cả sức ép) để không tuân theo mệnh lệnh bên trên, yêu cầu phải quản lý chặt và chế tài khe khắt.
2. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả của hàng hoá và dịch vụ được hình thành theo cách thức như sau: cung - cầu gặp nhau tạo sự cân bằng. Giá cao sẽ khuyến khích nhà sản xuất sản xuất ra nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ tìm kiếm những sản phẩm khác thay thế nhu cầu của họ. Giá thấp khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và nhà sản xuất sẽ giảm chi phí hoặc sản lượng của mình.
3. Do cơ chế giá cả này và động lực kinh tế trực tiếp của các chủ thể tham gia, các nền kinh tế thị trường là hữu hiệu hơn. Chúng tạo ra những khích lệ mạnh mẽ để sản xuất cùng một số lượng hàng hoá và dịch vụ trong thời gian ngắn hơn và chi phí thấp hơn. Khi giá cả là sự biểu thị thực sự sự thiếu hụt và thừa thãi, cơ chế thị trường sẽ tránh được việc lãng phí thời gian, tiền bạc và nguyên vật liệu hoặc nguồn nhân lực. Nếu những nhu cầu của con người có thể được chuyển thành những yêu cầu cho thị trường thì thị trường sẽ đảm bảo tính hợp lý hóa tối ưu của quan hệ cung - cầu.
4. Do đó, những nền kinh tế thị trường cũng thành công hơn trong việc tạo ra những sự đổi mới, những tiến bộ về mặt kỹ thuật và tổ chức.
5. Chúng có thể phản ứng linh hoạt hơn trước những biến đổi bên trong và bên ngoài. Trong hầu hết các trường hợp, chúng có thể vượt qua khủng hoảng kinh tế nhanh hơn.
6. Trong 3 điểm cuối mà tôi vừa đề cập: sự hữu hiệu, sự đổi mới và sự linh hoạt là những nhân tố rất quan trọng trong thời đại toàn cầu hoá. Về lâu dài, sự hội nhập bền vững vào thị trường thế giới sẽ chỉ khả dĩ cho các nền kinh tế khi mà chúng có thể dựa vào những nhân tố quan trọng này.
II. Những hạn chế của nền kinh tế thị trường tự do
Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ vấn đề. Kể từ khi được bắt đầu vào thế kỷ XVIII, XIX, tại sao nhiều người lại chỉ trích những nền kinh tế thị trường tự do này? Trong số đó, đã có những học thuyết nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn, như chủ nghĩa Mác và Học thuyết xã hội Công giáo(4). Những học thuyết này có đủ cơ sở để trở thành đối trọng của chủ nghĩa tự do kinh tế. Vậy, những hạn chế quan trọng nhất của những nền kinh tế thị trường tự do là gì?
1. Các thị trường rất cần những thiết chế xã hội. Nếu không được điều tiết kịp thời, chúng có xu hướng tự phá huỷ. Tự do tuyệt đối dành cho các chủ thể kinh tế mạnh sẽ dẫn đến độc quyền (độc quyền ở đây không chỉ trường hợp một công ty độc quyền, mà còn bao gồm cả một nhóm công ty cấu kết với nhau gây ảnh hưởng tới thị trường - độc quyền nhóm - oligopoly - ND.); từ đó, đặt dấu chấm hết cho bất kỳ sự cạnh tranh nào. Thương mại mà thiếu đảm bảo của pháp luật và quyền đệ đơn kiện chống lại một đối tác kinh tế không tuân theo hợp đồng, sẽ phá huỷ sự tin cậy cần thiết cho bất kỳ một giao dịch kinh tế nào.
2. Trong mỗi quốc gia sẽ luôn có những người dân không có khả năng cung cấp hàng hoá ra thị trường (bao gồm cả sức lao động của chính họ), hoặc kiếm tiền và mua những thứ cần thiết để thỏa mãn những nhu cầu của mình. Không chỉ những người tàn tật thuộc nhóm này, mà tất cả chúng ta cũng nằm trong số đó, ít nhất là trong một vài thời kỳ của cả cuộc đời, ví dụ như khi còn ấu thơ, ốm đau và già cả. Nếu những cá nhân này, ở thế thụ động trong thị trường, không có bất kỳ một sự trợ cấp xã hội nào hoặc không có khả năng tạo ra lương thực, thực phẩm, họ sẽ không sống sót. Điều này cũng đúng đối với trường hợp những nước nghèo. Sự hỗ trợ và sự liên đới quốc tế là cần thiết cho những nước nghèo vẫn còn đang đứng ngoài thị trường thế giới hoặc không có khả năng tự hội nhập bằng năng lực của chính mình. Những hình thức trợ cấp xã hội truyền thống, vốn đang có xu hướng bị suy yếu dưới tác động của những quá trình hiện đại hóa (sự di cư, sự cá nhân hoá, v.v.) của thị trường tự do, cần được thay thế bởi những hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
3. Tính hữu hiệu, đổi mới và tính linh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào những thay đổi trong nền kinh tế. Trong trường hợp khi một vài hàng hoá không còn tiêu thụ được nữa trên các thị trường thì nhà sản xuất phải sản xuất những thứ khác hoặc sẽ biến mất khỏi thị trường. Cái “quá trình phá huỷ mang tính sáng tạo”(5) này - thuật ngữ của Joseph Schumpeter - là hoàn toàn cần thiết cho hoạt động của nền kinh tế thị trường, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro lớn cho tất cả chủ thể tham dự. Họ có thể mất việc làm, những kỹ nghệ đặc thù hoặc vốn liếng của mình. Theo chu kỳ thì các thị trường tự do tạo ra những cuộc khủng hoảng trầm trọng, tác động đến phần lớn nền kinh tế và có thể dẫn tới những vòng luẩn quẩn (vicious circle) là nguyên nhân làm cho thị trường thất bại. Do đó, việc tạo ra những cơ chế quản lý và khống chế những rủi ro này là cần thiết, nhưng cũng không được xoá bỏ hoàn toàn các cơ chế của thị trường.
4. Trong trường hợp những điều tiết của thị trường không có hiệu quả, trợ cấp xã hội suy giảm hoặc những rủi ro không lường, những thị trường tự do sẽ gây ra những bất bình đẳng xã hội, dẫn đến đói nghèo vô nhân đạo, sự ly tán hay phân biệt đối xử mang tính xã hội.
5. Những xu hướng bất bình đẳng xã hội này sẽ ngày càng gia tăng do sự bất cân xứng về quyền lực, thông tin và sự linh hoạt, là những nhân tố luôn tồn tại trong các thị trường. Điều này đúng cho những thị trường lao động, cũng như thị trường nhà ở, dinh dưỡng và y tế. Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất có ưu thế hơn người tiêu dùng. Ở đây, chúng ta cần những bộ luật nghiêm khắc (chặt chẽ) và công bằng để bảo vệ người tiêu dùng. Trong những trường hợp khác, việc tạo lập một thị trường hoạt động thực sự, có sức cạnh tranh hữu hiệu gần như là không thể, ví dụ như những thị trường cung cấp nước và năng lượng. Do đó, những thị trường này phải được điều tiết bằng một công cụ nghiêm khắc (chặt chẽ) hơn. Trong một vài trường hợp, việc cung cấp những hàng hoá nhất định phải do nhà nước quản lý, chứ không thể giao cho thị trường tự do. Điều này đúng không những cho các hàng hoá và dịch vụ công, mà còn đúng ở những khu vực mà không thể thiết lập được một thị trường hoạt động có hiệu quả.
6. Một vấn đề lớn khác là quyền lực kinh tế cấp cao cũng liên quan đến quyền lực chính trị, ví dụ như qua việc kiểm soát truyền thông hoặc tham nhũng. Tuy nhiên, trong một xã hội dân chủ thì thực sự cần thiết phải duy trì sự phân biệt giữa kinh tế và chính trị. Quyền lực kinh tế không được phép tác động (chi phối) tới quá trình chính trị - lĩnh vực mà mọi công dân đều phải được đối xử bình đẳng như nhau trong việc bày tỏ ý kiến, tranh luận và cả trong việc bỏ phiếu tín nhiệm các đại biểu của mình.
III. Ý tưởng về một “nền kinh tế thị trường xã hội” - Kinh nghiệm của Đức
Khoảng 60 năm trước, năm 1948, cuộc cải cách kinh tế và tiền tệ do Ludwig Erhard ở Đức lãnh đạo đã đặt nền móng cho một chính sách kinh tế rất thành công trong suốt những thập kỷ 50 - 70 của thế kỷ trước. “Thịnh vượng cho tất cả” (“Prosperity for all” - “Wohlstand fỹr alle”)(6) không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn trở thành hiện thực cho phần lớn người dân Đức sau những năm khổ sở và đói nghèo. Ý tưởng về cái gọi là “nền kinh tế thị trường xã hội” thực sự được hình thành trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Những nhà kinh tế học, như Walter Eucken, Wilhelm Rửpke, Alfred Mỹller -Armack(7), Franz Bửhm, Alexander Rỹstow, v.v., một vài người trong số họ bất đồng quan điểm và đã sống ở bên ngoài nước Đức quốc xã, phần lớn trong số họ chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng Cơ Đốc (Kitô) giáo, cả Tin Lành và Thiên Chúa giáo, - không mảy may nghi ngờ chủ nghĩa tự do thuần tuý sẽ không có một chút tương lai nào. Sau hàng thập kỷ có những trải nghiệm xấu về chủ nghĩa tư bản, với họ, dường như người ta không nên tin vào sự mặc định về sức mạnh tự hàn gắn của các thị trường tự do và việc quy giản nhà nước thành kẻ bảo vệ đơn thuần, không còn nắm giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế. Thay vào đó, họ cho rằng, những thị trường đó, với tư cách là những thiết chế xã hội và công cụ của chính sách kinh tế, cần một cơ chế rõ ràng. Bởi, chỉ trong phạm vi của một trật tự mang tính pháp luật, chính trị và xã hội, những thị trường tự do mới phục vụ những mục đích chính trị và xã hội, như tự do, hoà bình xã hội, công bằng, phúc lợi và sự hoà hợp xã hội. Để phân biệt rõ với những quan điểm tự do truyền thống, họ tự gọi mình là “những người tự do mới’ (neoliberals). Thật không may, trong ngôn ngữ thông tục ngày nay, người ta lại gọi “chủ nghĩa tự do mới” là những gì đối ngược với cái mà những nhà tự do mới này mong muốn. Đồng thời, những nhà sáng lập ra ý tưởng về một “nền kinh tế thị trường xã hội” này đã chống lại nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Họ đã trải nghiệm những tiêu cực của nền kinh tế đó trong suốt thời kỳ kinh tế - chính trị quốc xã và cũng đã phân tích những vấn đề của nó ở Liên bang Xô Viết (cũ). Họ cố gắng kết hợp những ưu việt của những nền kinh tế thị trường tự do với những mục đích đạo đức và chính trị “siêu kinh tế’, như tự do và công bằng xã hội. Họ cố gắng tìm kiếm một kiểu dạng “con đường thứ ba” giữa nền kinh tế kế hoạch tập trung và chủ nghĩa tự do thuần tuý. Theo tôi, những kinh nghiệm về “nền kinh tế thị trường xã hội” của  Đức có thể sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Năm 1997, Giáo hội Thiên Chúa giáo cũng như Tin Lành ở Đức đã ra một tuyên bố chung được hình thành sau 3 năm lấy ý kiến đóng góp của công chúng, trong đó nhấn mạnh rằng kinh tế thị trường xã hội là con đường (cách thức) tốt nhất để thực hiện tự do và công bằng trong một xã hội hiện đại: “Những nguyên tắc của thị trường là một nhân tố không thể thiếu được của tự do của các công dân và là điều kiện cho hoạt động đổi mới doanh nghiệp. Thiếu những nguyên tắc này, các xã hội hiện đại sẽ không có được hệ thống cung cấp hiệu quả, không đạt được tiến bộ kỹ thuật và tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, trong việc duy trì trật tự xã hội không có nguyên tắc nào khác có thể đảm bảo việc sử dụng những nguồn lực kinh tế và thoả mãn tốt hơn uớc muốn của người tiêu dùng là hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Những nhà công nghiệp là những người luôn đối mặt với sự rủi ro của cạnh tranh qua việc sử dụng đồng vốn và luôn sẵn sàng đưa ra những quyết định kịp thời; do đó, tạo ra việc làm và hàng hoá,- xứng đáng được đánh giá cao từ quan điểm đạo đức. Tuy nhiên, tự họ không tạo ra được những điều kiện tối ưu cho sự cạnh tranh; những điều kiện này phụ thuộc vào cơ chế do nhà nước thiết lập. Các công ty có xu hướng thoát khỏi sức ép cạnh tranh qua việc sát nhập hoặc hình thành những quyền lực thị trường khác, như các cácten (cartel = tập đoàn kinh tế(8)). Điều đó có thể đối lập với những quy tắc cạnh tranh. Sự cân bằng thị trường giữa cung và cầu là một điều kiện cần thiết để cho sự cạnh tranh có thể đem lại những kết quả theo định hướng của nhu cầu và có chất lượng cao. Trong điều kiện không có sự cân bằng này, ví dụ, khi người tìm việc không tìm thấy những công việc mang tính cạnh tranh hoặc người tiêu dùng đối mặt với các công ty lớn độc quyền trên thị trường, thì thị trường tự nó không thể thiết lập được sự cân bằng đó. Khi ấy, phải cần đến một cơ chế điều tiết (những điều chỉnh về chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an toàn cho những người lao động, bảo vệ người tiêu dùng) hoặc các tổ chức tự nguyện (các hiệp hội thương mại, hội người tiêu dùng). Hơn nữa, nền kinh tế thị trường không thể giải quyết được vấn đề dân sinh cho những người không có khả năng làm các công việc có thu nhập(9).
IV. Năm nhân tố cơ bản của “nền kinh tế thị trường xã hội”
Trong phần trích dẫn này, tôi đã xem xét những cái được coi là những công cụ của “nền kinh tế thị trường xã hội” buộc thị trường tự do phải đạt được những mục đích đạo đức và chính trị.
1. Thị trường cần một cơ chế (bộ khung) mang tính thể chế pháp lý để có thể vận hành như là thị trường cạnh tranh tự do. Ví dụ, phải có sự tồn tại của một thẩm quyền nhà nước, kiểu như một Văn phòng cácten liên bang, để ngăn cấm những dàn xếp hoặc những liên kết cácten về giá cả giữa những đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, một hệ thống tư pháp độc lập là cần thiết để kiểm soát những quyết định của nhà nước, cũng như các chủ thể kinh tế tư nhân. Cũng cần có một ngân hàng quốc gia độc lập như là cơ sở cho vay tiền dự phòng, đồng thời ngăn cản nhà nước in tiền vô giới hạn dễ dẫn đến lạm phát. Cuối cùng, cũng cần có những cơ chế luật pháp rõ ràng đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng. Cũng cần phải quy định rõ những điều kiện cần thiết để người dân có thể thành lập công ty hoặc tiến hành công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, sở hữu tư nhân phải được đảm bảo.
2. Trong nhiều trường hợp, thị trường không đủ khả năng cung cấp những hàng hoá cần thiết; ví dụ, các hàng hoá và dịch vụ công và một vài loại khác. Do đó, nhà nước buộc phải sản xuất những hàng hoá và dịch vụ công như vậy, như an ninh, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ giáo dục và y tế cho mọi người hoặc cả việc bảo vệ môi trường.
3. Thị trường cần một cơ cấu an sinh xã hội mạnh để hạn chế những rủi ro của thị trường tự do. Biện pháp quan trọng nhất là: bảo hiểm y tế, trợ cấp hưu trí, hỗ trợ gia đình có trẻ em, bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp xã hội cơ bản cho những người không có khả năng làm việc. Thiếu một cơ chế xã hội như vậy, theo tôi, những nền kinh tế thị trường tự do không thể được chấp nhận dưới góc độ đạo đức
4. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng và giảm theo chu kỳ. Trong một khía cạnh nhất định, điều này là bình thường. Tuy nhiên, việc ổn định các quá trình kinh tế để tránh những thiệt hại to lớn mà những cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc có thể gây ra là rất quan trọng. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều nhà nước cố gắng tạo ra một chính sách chống tính chu kỳ này bằng cách chi rất nhiều tiền để cứu các thể chế tài chính, đẩy mạnh nhu cầu thị trường, tránh thất nghiệp, v.v.. Điều này là cần thiết và rất quan trọng nhằm tránh nợ nần công và giảm chi tiêu công trong những thời kỳ tăng trưởng. Nếu không, những thế hệ sau sẽ gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề.
5. Để thực hiện tất cả các biện pháp này nhằm thiết lập một cơ chế cho thị trường, một xã hội hoặc một quốc gia cần có một chính phủ mạnh và độc lập. Chính phủ mạnh này, một mặt, cần mở rộng dân chủ một cách hợp pháp; mặt khác, đảm bảo tài chính đầy đủ, các quan chức có năng lực và không tham nhũng. Nguồn tài chính của nó được đảm bảo tốt nhất qua hệ thống thuế rõ ràng và công bằng; trong đó, những người có thu nhập cao nhất thì bị đánh thuế cao nhất. Lĩnh vực chính trị dân chủ phải càng độc lập với quyền lực kinh tế càng tốt. Trong trường hợp này, thật chính xác khi nói vai trò “hàng đầu của nhà nước”. Điều đó có nghĩa là, nhà nước cần quyền lực, sự độc lập và nguồn tài chính để thiết lập cơ chế cần thiết cho một nền kinh tế thị trường tự do. Nhưng điều đó không có nghĩa tự nhà nước sẽ là một chủ thể kinh tế cạnh tranh với các chủ thể kinh tế tư nhân khác trên thị trường.
V. Những vấn đề hiện nay của “nền kinh tế thị trường xã hội” ở Đức(10)
Trong suốt giai đoạn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ những năm 50 đến đầu những năm 70 (thế kỷ XX), thật không khó để mở rộng hệ thống an sinh xã hội. Mọi người rất hài lòng với việc cải thiện liên tục những điều kiện sống của họ. Do tháp (tuổi) dân số thuận lợi và đầy đủ việc làm, mối tương quan giữa những người phải đóng góp cho bảo hiểm xã hội và những người nhận trợ cấp từ đó đã tăng lên. Khi tỷ lệ tăng trưởng giảm xuống sau cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất, thất nghiệp tăng lên. Cùng lúc đó, tháp tuổi dân số bắt đầu thay đổi đến mức gần như bị đảo lộn: hàng năm, số người sinh ra ít đi; số người già tăng lên, tuổi thọ được kéo dài hơn. Do đó, tương quan giữa những người hoạt động kinh tế và không hoạt động kinh tế giảm xuống và là nguyên nhân gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong chi phí cho hệ thống an sinh xã hội. Sự thống nhất nước Đức đã làm trầm trọng thêm những vấn đề này. Bởi người ta đã quen với những mức sống ngày càng cao và chất lượng cao trong tất cả các khu vực của hệ thống an sinh xã hội. Trong bối cảnh xã hội dân chủ như vậy, các nhà chính trị gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực tạo ra những cải cách cần thiết để điều chỉnh hệ thống cho phù hợp với những điều kiện mới. Hầu hết những cải cách, mà cuối cùng cũng đạt được, thường đến quá muộn. Ngày nay, những đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội chiếm khoảng 40% thu nhập của người lao động, chia đều cho người lao động và người chủ lao động. Đây là một tỷ lệ rất cao và là một vấn đề lớn cho năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Đức và hàng hoá Đức. Một vấn đề khác nảy sinh từ thực tiễn là những bảo hiểm và trợ cấp để đảm bảo cho mọi người một cuộc sống trên mức tối thiểu tương đối cao. Điều này đã khiến một số người tự coi họ là những người hưởng trợ cấp từ xã hội, dẫn đến giảm động cơ phấn đấu, không làm việc thường xuyên, không tham dự vào đời sống xã hội và thường truyền (nhiễm) thái độ tiêu cực này của mình cho những đứa con của họ. Trợ cấp xã hội nhằm mục đích tránh đói nghèo, nhưng nó cũng hàm chứa rủi ro đặc thù có thể dẫn đến việc nhiều người bị gạt ra bên lề xã hội do việc trả trợ cấp xã hội tương đối cao. Do đó, một vài nhà chính trị đã yêu cầu một “nhà nước xã hội tích cực (năng động)” (an “activating social state”), một nhà nước đưa ra nhiều khuyến khích hơn để người dân có trách nhiệm hơn với chính bản thân họ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được bằng việc chấp nhận sự bất bình đẳng nhiều hơn và trong nhiều trường hợp, cả sự đói nghèo. Vì vậy, những cải cách này được cho là không công bằng đối với nhiều người và đã tạo cơ hội cho đảng chính trị cánh tả của SDP (dân chủ xã hội) - đảng sẽ thay đổi đáng kể hệ thống đảng phái ở Đức.
VI. Điều gì có thể giúp ích cho Việt Nam?
Tôi không phải là người thông thạo tình hình và những vấn đề của Việt Nam. Do đó, những đề xuất dưới đây chỉ là một vài ý tưởng đã xuất hiện khi tôi nghĩ về bài viết này. Có lẽ sẽ rất thú vị cho các bạn khi đọc những gì mà người đứng ngoài và không được thông tin đầy đủ nhưng có ý định tốt như tôi cho là quan trọng(11).
Việt Nam đang ở trong quá trình chuyển đổi căn bản từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sang nền kinh tế dựa trên sản xuất và định hướng xuất khẩu. Điều này sẽ chỉ khả dĩ khi thu hút được đầu tư nước ngoài. Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong xã hội và lối sống Việt Nam. Cũng như những sự thay đổi khác, sự chuyển đổi này sẽ gây ra những cảm giác không an toàn trong phần lớn người dân và, ít nhất trong một giai đoạn dài, sự  bất bình đẳng giữa những người tham dự tích cực vào quá trình chuyển đổi này và những người không muốn làm điều đó hoặc bị loại ra khỏi tiến trình này. Tôi đưa ra 5 đề mục trọng tâm để giải quyết hoặc, ít nhất, có thể làm giảm thiểu những vấn đề liên quan đến sự chuyển đổi này.
1. Tôi nghĩ rằng cần thiết phải thiết lập một hệ thống an sinh xã hội cho toàn bộ người dân để trợ giúp họ khi đối mặt với những vấn nạn lớn, như ốm đau, thất nghiệp, già cả; đồng thời hỗ trợ những gia đình có con nhỏ, tạo điều kiện cho họ giúp con cái được học hành đầy đủ. Hệ thống này phải được cấp kinh phí theo cách thức phù hợp để không ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, phải được tổ chức một cách hiệu quả và khuyến khích tính tự chịu trách nhiệm.
2. Tương tự như vậy, hệ thống giáo dục cũng rất cần được quan tâm. Quá trình chuyển đổi sẽ dẫn đến một cấu trúc kinh tế cần rất nhiều công nhân và lao động có trình độ cao. Nếu người dân không có hoặc ít nhận được cơ hội tiếp cận tới hệ thống giáo dục, phát triển kinh tế sẽ bị cản trở. Đồng thời, điều này là rất bất công; bình đẳng về cơ hội và quyền được giáo dục(12) trở thành nội dung cốt lõi nhất của đạo đức học xã hội.
3. Để có thể cấp kinh phí cho hệ thống an sinh xã hội và giáo dục, nhà nước cần nhiều tiền. Do đó, điều quan trọng là phải thiết lập một hệ thống thuế công bằng tương ứng với nguyên tắc: những người có thu nhập cao nhất phải đóng thuế cao nhất, không chỉ theo tỷ lệ mà còn dưới góc độ tỷ lệ thuế luỹ tiến.
4. Một nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả đòi hỏi phải có một hệ thống tư pháp đảm bảo quyền sở hữu, bảo vệ những chủ thể yếm thế trong nền kinh tế, trợ giúp để thiết lập một trật tự hữu hiệu như là (đóng vai trò) một cơ chế thiết yếu cho thị trường hoạt động. Một trong những điều kiện cần thiết cho hoạt động của thị trường là sự hiện diện của một ngân hàng trung ương độc lập và một chính quyền nhà nước chống lại các cácten (hay tập đoàn kinh tế).
5. Để thiết lập các luật lệ và thiết chế này, cần phải có một nhà nước mạnh, trong đó các luật lệ được tuân thủ một cách nhất quán. Do đó, một trong những lĩnh vực then chốt trong những thời điểm của sự chuyển đổi như thế này là cuộc chiến chống tham nhũng. Cái giá phải trả về mặt kinh tế và xã hội của tham nhũng và sự mất mát về tính chính đáng (hợp thức) và về mức độ tin cậy (tín nhiệm) do tham nhũng gây ra là rất lớn. (Xem tiếp>>>)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved