Home » » BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI (Tiếp theo)

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI (Tiếp theo)

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011 | 01:14

VÕ KHÁNH VINH (*)

Cùng với V.Papetô, luật gia người Italia - Gaetano Moska (1858 - 1941) - một trong những người đặt nền móng cho chính trị học, được coi là người xây dựng nên học thuyết về giới thượng lưu. Công trình Bàn về giai cấp nắm chính trị hoặc nắm quyền lực (các yếu tố của chính trị học) của ông xuất bản năm 1896 đã khởi đầu cho sự phát triển nghiên cứu chính trị hiện đại ở Italia. G.Moska coi sự phân chia xã hội thành giai cấp thống trị nắm quyền lực chính trị, nắm giữ tất cả các chức năng của nhà nước và sử dụng những đặc quyền đặc lợi có được từ quyền lực chính trị cũng như những chức năng đó và giai cấp bị thống trị vốn đông đảo, hơn nữa không được tổ chức tốt, là hiện tượng vĩnh cửu. Dù tồn tại trong hàng thập kỷ cái ảo tưởng hoang đường về một chính phủ nhân dân và về chủ quyền nhân dân, song quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay “giai cấp nắm quyền lực chính trị”.
G.Moska nghiên cứu “nền kinh tế chính trị mang tính khoa học” là vì ông mong muốn chính trị, khi nằm trong tay giới thượng lưu, trở thành công cụ đảm bảo cho giai cấp thống trị được hình thành không trên cơ sở tài sản hoặc cơ sở tương tự nào khác, mà là trên cơ sở trí tuệ, khả năng học vấn và sự cống hiến của các đại diện của giai cấp đó. Theo Moska, trong một tương lai xa mới có thể đạt được thành tựu của tư tưởng “những người xứng đáng nắm quyền lực” mà ông lập luận trên đây, còn từ nay đến đó vẫn sẽ xảy ra cuộc đấu tranh giai cấp, khi mà sự cưỡng chế và các cuộc xung đột xã hội tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển biến và ổn định xã hội. Sự tương hợp giữa bản chất của giai cấp này hay của giai cấp khác với những nhu cầu cụ thể của thời đại là lối thoát cho cuộc đấu tranh đó.
Jorijơ Copel’ (1847 - 1922) - nhà xã hội học, nhà triết học người Pháp cũng đánh giá cao vai trò của cưỡng chế và đấu tranh chính trị đối với quá trình phát triển xã hội, coi cưỡng chế là hình thức cai trị cơ bản và là phương thức sáng tạo lịch sử cao nhất. Trong Suy nghĩ về sự bạo lực xuất bản năm 1907, Copel’ nghiên cứu chuyện hoang đường và bạo lực, những khái niệm chủ yếu trong học thuyết của ông về chính trị và xã hội. Copel’ giải thích chuyện hoang đường là một thứ mệnh lệnh kích thích và liên kết hành động mang tính chất cảm giác - tâm lý, dựa trên niềm tin. Chuyện hoang đường, theo Copel’, là sự hoàn chỉnh về mặt tâm lý xã hội, không bị tha hóa, không dễ phân tích, phê phán và bác bỏ một cách hợp lý. Trong chuyện hoang đường có thể thấy sự thể hiện niềm tin, ý thức, lợi ích, khát vọng của một nhóm xã hội nhất định. Copel’ xếp những tư tưởng về các cuộc xung đột xã hội lớn nhất (các cuộc cách mạng, các cuộc nổi dậy lớn) vào số những câu chuyện hoang đường. Trong lý thuyết của Copel’, các cuộc xung đột chính trị và xã hội là dấu hiệu phi lý của xã hội và của lịch sử, là sự phủ nhận đối với những tư tưởng tiến bộ xã hội, là sự thừa nhận cũng như khuyến khích phong trào tự phát và lộn xộn của quần chúng chống lại chế độ xã hội đương thời.
Phrans Oppenghejmer (1864 - 1943) - nhà nghiên cứu người Đức có quan điểm chính trị hơi khác về xung đột xã hội. Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn gốc của nhà nước và những đặc điểm của các quá trình phát triển xã hội diễn ra trong nhà nước, cho rằng các nguyên nhân kinh tế không giữ vai trò quyết định đối với sự hình thành nhà nước. Theo ông, nhà nước là “chế định pháp lý có tính chất cưỡng bức mà một nhóm người - những người chiến thắng bắt buộc một nhóm người khác phải thực hiện”. Khi kịch liệt phê phán những quan điểm thừa nhận vai trò của các nhân tố nội tại của quá trình phát triển kinh tế và xã hội đối với sự hình thành các giai cấp và nhà nước, Phrans Oppenghejmer coi những quan điểm này là “xuất phát điểm của mọi điều tệ hại của xã hội học cả trong lý luận lẫn trong thực tiễn”. Nhà nước, theo Phrans Oppenghejmer, có thể hình thành bằng con đường thuần túy là nô dịch và khuất phục mọi người. Do đó, quan hệ giai cấp, xét về thực chất, là không thay đổi. Ông cho rằng, sự thay đổi trong xã hội có chăng chính là sự thay thế của các hình thức bóc lột - từ bóc lột bằng bạo lực đến bóc lột bằng cưỡng bức chính trị và kinh tế.
Artur Bently - nhà tư tưởng người Mỹ - lại nghiên cứu học thuyết chính trị hoàn toàn khác với các nhà tư tưởng châu Âu. Ông đặc biệt lưu ý đến đời sống chính trị, coi đó là quá trình hoạt động chính trị trong xã hội. Khái niệm cơ bản trong học thuyết của Artur Bently là khái niệm các nhóm, trong đó có nhóm chính trị. Trên phương diện chính trị, những nhóm như vậy không chỉ là các đảng chính trị, mà còn là những thiết chế khác mà chỉ thông qua việc phân tích hoạt động mới có thể làm sáng tỏ vị trí, vai trò và mục đích của chúng. Khi tiến hành hoạt động, các nhóm chính trị đều thực hiện lợi ích của mình. Cũng như các nhà chính trị đại diện cho các nhóm lợi ích cụ thể, các đảng chính trị hoạt động trong hoàn cảnh chính trị - xã hội mà các nhóm lợi ích khác cũng hoạt động. Sự đụng độ giữa các nhóm lợi ích khác nhau đó hình thành nên đời sống chính trị của xã hội. Xét về hình thức biểu hiện thì đời sống chính trị của xã hội là tổng thể nhiều nhân tố của việc sử dụng sức mạnh. Tuy nhiên, Artur Bently cho rằng, sẽ là thích hợp hơn nếu sử dụng thuật ngữ “áp lực’ mà theo ông, không hoàn toàn chỉ phản ánh sự cưỡng bức về thân thể. “Thế quân bình về áp lực nhóm - Artur Bently viết, là trạng thái bình thường của xã hội. Khái niệm “áp lực” là một khái niệm tương đối rộng để bao hàm được tất cả các hình thức ảnh hưởng của nhóm đối với nhóm, từ đấu tranh và biểu tình đến những cuộc tranh luận mang tính trừu tượng”.
Như vậy, các quan niệm về sự phát triển xã hội cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhìn từ góc độ pháp luật và chính trị - xã hội cho thấy rõ nhu cầu nghiên cứu lý luận của toàn bộ hệ thống các vấn đề về xung đột xã hội. Nhu cầu đó chủ yếu được phân tích dựa trên nền tảng phương hướng có tính phương pháp luận của chủ nghĩa Darwin về xã hội, của xã hội học phương Tây, của chính trị học và của luật học. Những ưu điểm cũng như những nhược điểm tạo thành thực chất của hiện tượng hết sức phức tạp như xung đột xã hội, ở mức độ đáng kể, được xác định bởi các đặc điểm phương pháp luận của những phương hướng nghiên cứu đó. Và chúng ta không nghi ngờ về sự ảnh hưởng nhất định của những sự kiện chính trị và xã hội lúc đó đối với các kết luận mang tính lý luận về những vấn đề chung của sự phát triển xã hội cũng như về xung đột xã hội. Khi bàn về những tư tưởng cơ bản vốn đã được thể hiện trong các học thuyết về sự phát triển xã hội của thời kỳ này, chúng ta có thể lựa chọn trong số đó những tư tưởng có tính phổ quát và tính thời sự đối với các quan điểm hiện đại về xung đột xã hội.
Từ những phân tích trên đây, có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Thứ nhất, đó là tư tưởng cho rằng, xung đột xã hội là hiện tượng xã hội bình thường. Các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội và những yếu tố khác nữa là những yếu tố vốn có trong bản chất con người, nhất định làm nảy sinh những tình huống xung đột vốn rất đa dạng và phong phú.
Thứ hai, tư tưởng cho rằng các cuộc xung đột xã hội giữ vai trò tích cực đối với quá trình phát triển xã hội. Chúng đảm bảo cho đời sống xã hội vận động và phát triển theo xu hướng tiến bộ chung, góp phần duy trì sự thống nhất giữa các bộ phận cấu thành xã hội, xác lập các quy phạm và các giá trị xã hội có ý nghĩa chung.
Thứ ba, tư tưởng khẳng định có mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa trạng thái xung đột của sự phát triển xã hội với kiểu cấu trúc xã hội sinh ra trạng thái xung đột đó, tức tư tưởng xác định trạng thái xung đột về mặt cấu trúc.
Thứ tư, đó là luận điểm cho rằng, sự mâu thuẫn giữa số ít những người thống trị với số đông những người bị thống trị là hiện tượng tất nhiên và vĩnh cửu làm phát sinh các vụ va chạm, xích mích và xung đột xã hội.
Thứ năm, tư tưởng thừa nhận mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những thay đổi của đời sống xã hội trên các mặt kinh tế, chính trị, tinh thần với những tình huống xung đột vốn là kết quả của những thay đổi đó, tức tư tưởng thừa nhận có sự xung đột về chức năng (hoạt động).
Thứ sáu, tư tưởng khẳng định trạng thái cân bằng trong sự vận động của quá trình phát triển xã hội, khi những lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau vốn không trùng hợp nhau có được sự cân bằng là nhờ các cuộc xung đột nảy sinh và được giải quyết tạo ra sự cân bằng nhất định về mặt xã hội./.

(*) Giáo sư, tiến sĩ luật học, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Xem: V.A.Gutorov. Chủ nghĩa xã hội không tưởng cổ đại. Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Leningrad, 1989 (tiếng Nga).
(2) Xem: Erazm Potterddamsskia. Pisma mozale, 1970, tr.289, 290.
(3) Ph.Bêcơn. Tuyển tập gồm 2 tập, t.2. Mátxcơva, 1979, tr.382 (tiếng Nga).
(4) Các tài liệu của nước Anh ở thế kỷ XVIII, gồm 3 tập, t.3. Mátxcơva,1968, tr.501 (tiếng Nga).
(5) Xem:  I.Kant. Tuyển tập gồm  6 tập, t.6. Mátxcơva, 1996, tr.266 (tiếng Nga).
(6) Hợp tuyển triết học thế giới, 4 tập, t.3. Mátxcơva, 1971, tr.348 (tiếng Nga).
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved