Home » » BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI (Tiếp theo)

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VỀ XUNG ĐỘT XÃ HỘI (Tiếp theo)

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011 | 01:08

VÕ KHÁNH VINH (*)
 
Với những quan điểm mang tính bảo thủ, Samnher cổ súy mạnh mẽ cho chủ nghĩa thực chứng trong xung đột học. Căn cứ vào những tư liệu phong phú của dân tộc học và sử học, Samnher trước hết nghiên cứu hệ thống các quy tắc hành vi điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nội bộ nhóm và giữa các nhóm xã hội với nhau. Mối liên hệ của sự xung đột trong một nhóm xã hội với sự xung đột giữa các nhóm xã hội mà Samnher rút ra có ý nghĩa to lớn đối với việc nghiên cứu về xung đột xã hội.
Cách tiếp cận mới trong việc phân tích lý luận về xung đột xã hội được thể hiện trong các công trình nghiên cứu của luật gia Lútvích Gumplovích (1838-1909) - người đại diện cho trường phái Áo - Ba Lan của chủ nghĩa Darwin về xã hội. L.Gumplovích không lấy các đặc điểm sinh học, mà coi các đặc điểm của nền văn hóa là bản chất của sự khác biệt về chủng tộc khi khẳng định rằng, lịch sử toàn thế giới là lịch sử đấu tranh liên tục giữa các chủng tộc vì sự tồn tại của mình. Chủng tộc đặc biệt đó là kiểu văn hóa đặc biệt. Theo ông, phải tìm nguồn gốc của các cuộc xung đột xã hội không chỉ trong bản chất của con người, mà cả trong những hiện tượng đặc biệt của các nền văn hóa vốn rất phong phú và đa dạng. Từ đây, có thể thấy rằng bản thân sự xung đột xã hội có thể có sắc thái khác nhau, chẳng hạn như sắc thái tàn sát dã man hoặc sắc thái tranh luận tại các nghị viện. Theo L.Gumplovích, sắc thái xung đột xã hội đó được quyết định bởi nhu cầu đặc biệt của lối sống xã hội cụ thể và các cuộc xung đột xã hội không phải là nhân tố duy nhất có vai trò quan trọng trong quá trình xã hội. Quá trình liên kết thống nhất hóa xã hội trên đó nhà nước và các cộng đồng xã hội rộng lớn hơn được thiết lập cũng giữ vai trò không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, ngay cả trong quá trình hình thành nhà nước và các cộng đồng xã hội đó, xung đột xã hội vẫn giữ vai trò quyết định bởi sự liên kết của các nhóm xã hội vốn là kết quả của cuộc xung đột xã hội. Với tính cách là kết quả của cuộc đấu tranh giữa các nhóm xã hội với nhau, sự thống nhất về một lề lối mới là điều có thể xảy ra.
Các quan điểm của L.Gumplovích về bản chất của xung đột xã hội chủ yếu tập trung vào ba luận điểm chính sau đây: 1) các cuộc xung đột xã hội có tính chất khác nhau nhưng chúng đều là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ của lịch sử; 2) sự phân hóa xã hội thành những người thống trị và những người bị thống trị là hiện tượng vĩnh cửu; sự xung đột xã hội cũng xuất phát từ sự phân hóa đó; 3) các cuộc xung đột xã hội thúc đẩy sự thống nhất xã hội, thúc đẩy sự hình thành những mối liên kết rộng rãi hơn.
Hiện nay, tư tưởng của những người theo chủ nghĩa Darwin về xã hội ngày càng ít được quan tâm. Nhìn chung, người ta thiên về việc coi những tư tưởng này là “tài sản” của lịch sử hơn là tài liệu sống động phục vụ cho việc xây dựng những lý luận hiện đại về sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, trong số đó có một số tư tưởng có ý nghĩa thực tiễn đối với việc giải quyết những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội hiện nay. Những người đại diện cho chủ nghĩa Darwin về xã hội đã miêu tả khá kỹ các cuộc xung đột xã hội vốn rất đa dạng và phong phú, phân tích và đánh giá ý nghĩa tích cực của chúng đối với việc hoàn thiện các hệ thống xã hội, chỉ rõ tính quy luật của sự thay đổi về mặt xã hội, của thực trạng xung đột xã hội và ổn định xã hội, của chiến tranh và hoà bình.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội học bắt đầu có ảnh hưởng đáng kể tới việc nghiên cứu toàn bộ các vấn đề về xung đột xã hội. Sự xuất hiện của xã hội học với tính cách là khoa học độc lập nghiên cứu tính quy luật của những nhân tố thúc đẩy sự phát triển xã hội và hoạt động của các hệ thống xã hội đánh dấu một giai đoạn mới trong nhận thức của con người về đời sống xã hội. Trên cơ sở tri thức được rút ra từ triết học về xã hội dựa trên những định đề triết học mang tính chất tiên nghiệm của các nhà tư tưởng khác nhau, xã hội học chuyển sang xây dựng lý luận dựa trên những cứ liệu được đúc kết nhờ các phương pháp thực sự mang tính khoa học. Các phương pháp, như thống kê có lựa chọn, phỏng vấn theo bảng hỏi, tổng hợp có so sánh về mặt lịch sử, xây dựng mô hình nghiên cứu lý luận về các quá trình, được coi là phương tiện cần thiết để nhận thức các hiện tượng xã hội.
 Các trường phái khác nhau trong xã hội học đều nghiên cứu các vấn đề của xung đột xã hội nhưng không phải trường phái nào cũng thừa nhận xung đột xã hội là phạm trù khởi đầu của các khái niệm của xã hội học, mặc dù thống nhất nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của các cuộc xung đột trong đời sống xã hội và nhu cầu cần thiết phải phân tích một cách sâu sắc khía cạnh lý luận của chúng.
Nhà xã hội học người Đức Heorg Zimmel (1858-1918) được coi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ khoa học “xã hội học xung đột”. Ít nhất thì thuật ngữ này được ông đặt tên cho một trong những công trình nghiên cứu của mình đã xuất bản vào đầu thế kỷ XX. Là người đại diện cho xã hội học hình thức - biến dạng của học thuyết Cantơ mới, H.Zimmel đề nghị không nhận thức bản chất của quá trình lịch sử, mà nên phân tích “các hình thức thuần túy” của giao tiếp xã hội và của sự tác động qua lại lẫn nhau. Trong số những hình thức tác động qua lại lẫn nhau tương đối bền vững, chẳng hạn như uy tín, hợp đồng, trực thuộc, hợp tác, v.v. thì xung đột giữ một vị trí đặc biệt. Theo ông, xung đột xã hội là hình thức bình thường và đặc biệt quan trọng của đời sống xã hội. Xung đột xã hội thúc đẩy sự liên kết xã hội, xác định tính chất của cấu trúc xã hội mới, củng cố nguyên tắc và các quy tắc tổ chức chung.
Quan điểm của H.Zimmel được các nhà xã hội học nổi tiếng đại diện cho trường phái Chicagô, như Robert Park (1864 -1944), Ernst Berđzhess (1886-1966), Albion Smoll (1854 - 1926) chia sẻ.
Các nhà xã hội học nhìn nhận quá trình xã hội trên bốn dạng của mối liên hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau: tranh đua, xung đột, thích nghi, đồng hóa. Các cuộc xung đột xã hội giữ vị trí trung tâm trong số các dạng trên đây của sự tác động qua lại lẫn nhau trong xã hội, giữ vai trò chuyển tiếp từ dạng tranh đua đến dạng thích nghi và tiếp đó là dạng đồng hóa và như vậy, là khởi nguồn quan trọng của những thay đổi xã hội. Mục đích thực tiễn của xã hội học là góp phần biến các cuộc xung đột xã hội thành sự hợp tác, làm hài hòa các mối quan hệ giữa những nhóm xã hội khác nhau.
3. Xung đột học và chủ nghĩa Mác
Từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các nhà xung đột học đã quan tâm đến lý luận xã hội học của C.Mác. Điều đó không hoàn toàn ngẫu nhiên. Xã hội học mácxít đã hiệu chỉnh đáng kể những quan điểm ngự trị lúc bấy giờ về các quá trình phát triển xã hội.
Theo C.Mác, sống trong xã hội, không tùy thuộc vào các mối quan hệ ý chí hay lý trí, con người buộc phải liên kết lại với nhau. Chính sự hiện diện của các mối quan hệ đó tạo ra tính xã hội của chúng với tính cách các vấn đề xã hội đặc thù, mà bằng khoa học có thể nhận thức được một cách khách quan.
Theo quan điểm của C.Mác, cơ cấu xã hội có bốn yếu tố cơ bản: các lực lượng lao động, các quan hệ lao động, thượng tầng chính trị và các hình thái ý thức xã hội. Như vậy, hệ thống các yếu tố cơ bản của cơ cấu xã hội đã được sắp xếp lại và hệ thống các mối liên hệ mật thiết qua lại giữa những yếu tố đó tạo thành nền tảng lý luận chung của xã hội học mácxít.
Đồng thời, lý luận xã hội học mácxít không chỉ là bộ phận chính của xã hội học nghiên cứu một cách có cơ sở khoa học lý luận chung về xã hội, mà còn là hệ thống lý thuyết tương đối hoàn chỉnh về xung đột xã hội.
Trên mọi mức độ nhận thức về các quá trình xã hội, chủ nghĩa Mác đều thừa nhận các cuộc xung đột xã hội, các mâu thuẫn đối kháng là những hiện tượng có thể xảy ra; còn trong những điều kiện của cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt trong khuôn khổ của cái gọi là “các hình thức đối kháng”, chúng là những hiện tượng tất yếu của đời sống xã hội.
Cả C.Mác lẫn Ph.Ăngghen đều tin tưởng rằng, mâu thuẫn đối kháng về lợi ích giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản chỉ giải quyết được trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa - cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất, xây dựng những điều kiện để xóa bỏ các quan hệ đối kháng, xóa bỏ các giai cấp bóc lột vốn không muốn từ bỏ sở hữu và địa vị thống trị của mình. Sự hiểu biết về những vấn đề này liên quan đến khá nhiều vấn đề có quan hệ trực tiếp với hệ vấn đề về xung đột xã hội. Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, như động lực cách mạngmối quan hệ biện chứng của động lực cách mạng, nghệ thuật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang và lôgíc của việc lôi kéo đồng minh đứng về phía giai cấp công nhân, ngăn chặn cuộc phản cách mạng và tổ chức công tác trong điều kiện hòa bình cũng như những vấn đề tương tự khác từ lập trường mácxít, tạo ra kinh nghiệm phân tích lịch sử cụ thể các tình huống xung đột xã hội phong phú và đa dạng.
Chủ nghĩa Mác trong thế kỷ XIX luôn coi trọng hành động cách mạng, thể hiện rõ nét nhất trong chương kết thúc Đấu tranh giai cấp ở nước Pháp; trong đó, C.Mác trực tiếp kêu gọi những người công nhân và những người dân chủ không ngả theo những ảo tưởng sửa đổi Hiếp pháp, không tuyệt đối hóa nền dân chủ tư sản và các phương pháp cải lương, không thỏa hiệp vì nhân danh một thế giới dân sự tưởng tượng ra. Ông cũng tin tưởng rằng, chỉ thông qua con đường đấu tranh, các hành động ngoài nghị trường với sự “áp lực từ bên ngoài” mới có thể đạt được kết quả mong muốn, mới có thể tạo ra được những thay đổi lớn lao trong xã hội. Sự hưng phấn mang tính cách mạng đó của C.Mác đã được thời đại lúc bấy giờ chứng minh.
Trong nửa đầu của thế kỷ XX, xuất hiện một khuynh hướng khoa học mà những người đại diện là V.Papeto, G.Moska, Zh.Corel’, Ph.Oppengejmer, A.Bentli không chỉ lưu tâm nghiên cứu các cuộc xung đột xã hội và những thay đổi trong đời sống xã hội, mà còn chú trọng nghiên cứu cả sự đồng thuận xã hội và sự ổn định xã hội.
Vilophređô Papetô (1848 - 1923) - nhà nghiên cứu người Italia vốn nổi tiếng với lý luận về giới thượng lưu trong xã hội đã nhấn mạnh tính hai mặt của bản chất con người, cho rằng, cái đặc trưng của con người không hẳn chỉ là trí tuệ, mà chủ yếu là khả năng sử dụng trí tuệ đó vào những mục đích tư lợi. Do vậy, con người cần đến các học thuyết về xã hội mà xét về hình loại, chúng rất khác nhau để che đậy những động cơ thực sự trong hoạt động của mình. Theo đó, bất kỳ một học thuyết nào về xã hội, bất kỳ một hệ tư tưởng nào cũng là cái bình phong bằng những cấu trúc lôgíc bên ngoài che đậy tính chất loại hành vi, những cảm nghĩ và những tâm trạng nhất định của con người. Như vậy, hành vi xã hội của mọi người bị quyết định bởi các dạng tâm lý khác nhau của họ.
Khi khẳng định vai trò nền tảng của tâm lý con người, V.Papetô đã coi tính không đồng nhất về mặt xã hội của xã hội là người bạn đồng hành vĩnh cửu của đời sống xã hội, bởi sự khác nhau về đặc điểm sinh học giữa các cá thể cũng mang tính vĩnh cửu. Đối với ông, tính biến dị về mặt xã hội của xã hội, trước hết thể hiện ở sự chia rẽ xã hội thành số đông người bị quản lý và một số lượng không lớn người quản lý vốn được gọi là giới thượng lưu trong xã hội.
Sự thay thế nhau của giới thượng lưu trong xã hội và sự đấu tranh giữa chúng, theo V.Papetô, cũng tạo nên bản chất của chính bản thân xã hội. Các cuộc xung đột xã hội vốn rất đa dạng và không ít cuộc kéo theo các quá trình tiến bộ xã hội, nhưng vai trò và ý nghĩa của chúng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển cụ thể của giới thượng lưu nắm quyền lực. Các cuộc xung đột xã hội có thể làm ổn định hệ thống chính trị, duy trì trạng thái cân bằng trong sự vận động của xã hội, nhưng cũng có thể dẫn đến những biến đổi cơ bản trong tính chất cách mạng và bằng cách đó, đảm bảo cho quá trình thay thế giới thượng lưu được “xoay vần” một cách liên tục. (Xem tiếp>>>)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved