Home » » ÔNG TRĂNG MÀ LẤY BÀ TRỜI

ÔNG TRĂNG MÀ LẤY BÀ TRỜI

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011 | 02:12

ÔNG TRĂNG MÀ LẤY BÀ TRỜI





Xưa nay chúng ta quen nói ông trời chứ chưa nghe nói bà trời. Nếu có bà thì đó là bà trăng, đúng hơn người ta quen nói là chị Hằng, cô Hằng Nga, ghẹo Nguyệt. Nguyệt mà bị ghẹo là giống cái thị mẹt rõ rồi.

Các tiếng trên thế giới hình như cũng đồng thanh cho mặt trăng là giống cái "la lune" chứ không "le lune". Thế tại sao bọn trẻ lại dám hát ông trăng mà lấy bà trời? Ông trời hay bà trời? Ai nói phải? Khó mà thưa. Dẫu sau này có ghé phi thuyền lên rờ bụng trăng để phân xử cũng khó đạt kết quả hơn khi đứng dưới đất nhìn lên vì cả hai đường đều chả thấy gì biện minh cho "cái giống" của mặt trăng cả.

Vì thế ta hãy bỏ việc mò sờ nhìn ngắm để đi sang địa hạt huyền sử, và lúc ấy chúng ta sẽ nhận ra một chuyện thú vị về câu "ông trăng mà lấy bà trời", vì nó trở thành một ấn tích của hai nền văn hóa, một của mẹ một của cha. Khởi đầu văn hóa của chúng ta là nông nghiệp thì mẹ làm chủ, rồi sau mới đến du mục đàn ông làm chủ. Trong thời bà làm chủ thì mặt trăng là "ông" như Miêu tộc quen gọi thế (Festivals 102). Ðấy là thời mà "lưỡng long chầu nguyệt"== nghĩa là hai con rồng mà chầu có một bà trăng. Ðó hẳn là bà Âu Cơ có hai ông chầu là Ðế Lai và Sùng Lãm.

Thế rồi khi du mục tràn vào thì lần lần các bà xuống bậc, trở nên một người tuỳ tòng. Lúc cha còn sống thì tòng cha, lúc đi lấy chồng thì tòng chồng, chồng chết thì tòng con. Ba cái tòng đó được Hán Nho dùng để hút hết nhựa sống của chị em phụ nữ. Ðó là điều bất công và đang trở nên lỗi thời. Trên thế giới đâu đâu đàn bà cũng đương có mòi đi lên. Bởi vậy hôm nay chúng ta hãy đặt một cái nhìn tổng quát lên lịch sử, văn hóa nước nhà để làm một cuộc khảo cổ loại riêng.

Trong Việt Lý chúng tôi đã nêu ra một số nét nổi hơn cha như tính họ theo mẹ và tục cưới rể. Riêng về tục này chúng tôi mới được nghe biết các sắc dân Ra-Ðê tên Ban Mê Thuột vẫn còn giữ. Ngày cưới chàng rể vác cái xà gạc (dao phá rừng) về ở đàng vợ. Ðó là phạm vi phong tục có thể khảo cứu rộng thêm. Ở đây chỉ có ý nhấn mạnh một điểm là ban sơ họ mẹ thường đi đôi với tên đất. Bà Âu Cơ là mẹ một tên đất là Âu hoặc Âu Lạc, và Khương Nguyên là tên đất Khương. hay một sự tích nào liên quan đến sự sinh nở, như con ông Vũ tên là Khải nghĩa là mở ra vì khi sinh con phải mổ bụng mẹ ra. Khổng Tử được gọi Khâu vì mẹ đi cầu tự tại núi Khâu. Ngày nay khi nghiên cứu lại các lễ lạy của nền văn minh sơ khai thì hầu hết thấy đặt trọng điểm ở mầu nhiệm sinh đẻ, sai mắn thuộc giá, sắc tức những việc lớn lao của nông nghiệp, mà việc khởi đầu là gieo gặt. Việt gieo gặt hầu chắc là do phụ nữ sáng kiến ra. Ðàn ông đi săn liên miên, đàn bà ở nhà có giờ nhàn rỗi đem gieo hạt, rồi sự việc ban đầu rất có thể tình cờ đưa đến việc gieo trồng có chủ đích, sự kiện này kéo theo việc quan sát thời gian thay đổi. Tứ thời bát tiết nào thuận cho lúc gieo lúc gặt, thế là đi đến việc ngắm trăng sao rồi phân cung độ vòng trời để làm lịch tức là bước cao nhất của văn minh nông nghiệp. Khởi đầu là lịch hoàn toàn của dân gian căn cứ trên những nhận xét thường nghiệm về con nước xuống lên, mây mưa, cầu vòng, sấm chớp như được ghi trong ca dao kiểu "mồng tám tháng tư không có mưa thì bán cầy bừa đi buôn." Rồi sau đến quan sát thiên tượng một cách có hệ thống thuộc đợt bác học thường là về sau khi đã tiến cao. Thế là việc nọ kéo theo việc kia, từ việc để dành giống đến lúc gieo hạt rồi chăm nom cho hạt mọc lên đến lúc gặt về. Rồi khi gặt xong thì thưởng thức lúa gạo tức đình đám v.v. Mỗi việc đều quan trọng và cùng với tâm trạng thời cổ xưa đều trở nên linh thiêng được bao bọc bằng những nghi thức, những lễ lạy để linh thiêng hóa những giai đoạn của việc gieo gặt. Bởi vì với việc gieo gặt con người bước lên bậc văn minh cao hơn chỉ biết có săn bắn đầy bấp bênh: khi thừa mứa lúc thiếu hụt. Nhưng từ lúc biết gieo gặt tích trữ thì cũng từ đấy đời sống được đảm bảo nhiều hơn và nhờ vậy có thêm được những phút thư nhàn dành cho văn hóa, nhờ đấy văn minh tiến bước mạnh.

Vì vậy mà những gì có liên hệ tới gieo gặt như các hiện tượng tự nhiên sấm mưa hay những công tác lớn như cày bừa, đều được nâng lên hàng lễ hay tục lệ này khác. Do đó đã để lại những chứng tích mà ngày nay ta có thể nương vào để tìm phần nào quá trình hình thành văn minh và sự giao thoa giữa các yếu tố văn hóa khác nhau. Ta hãy đi ngược dòng thời gian để kiểm điểm lại ít sự kiện.

Việc đầu tiên là nơi chứa hạt giống. Chọn giống là một trong ba yếu tố thành công trong việc gieo gặt và được người xưa chú ý đến đâu thì không rõ. Chỉ biết rằng họ chú ý đến việc giữ hạt giống bằng những tác động linh thiêng. Thí dụ phải để trong buồng của mẹ, phòng này ở hướng Ðông Nam gọi là Áo (chữ hán). Chữ này giống với chữ Việt (chữ hán) quá nửa, nên chúng ta có thể hỏi đã có liên hệ chi chăng. Người xưa khi đặt tên nước là Việt có nghĩ rằng đây sẽ là nơi trữ hạt giống cho nền văn minh nông nghiệp? Áo là buồng ở phía Ðông Nam, là nơi đón ánh sáng ban mai không như căn đối diện bên Tây Bắc chịu nhiều ánh sáng ban chiều. Chính vì có ánh sáng ban mai nên được coi là chốn u linh, dùng làm nơi cúng tế cho các thần và nó là phòng của chủ nhà. Ai là chủ nhà? Bố hay mẹ? Thưa tuỳ sự lên xuống của văn minh Viêm hay Hoa mà là bố hay mẹ. Khi tính con gọi theo họ mẹ thì nhà gọi là nội (chữ hán) nằm trong quyền mẹ, bố chỉ là chàng rể có nghĩa là chàng ràng bên ngoài (Socio 201). Sau này khi văn minh hoa tộc vươn lên thì bố làm chủ và chiếm buồng mẹ, và chỉ nhường cho mẹ trong thời kỳ sinh đẻ. Sự nhường này là theo Viêm tục trong khi vợ sinh thì nhường hẳn buồng chồng cho vợ (Socio 201, 167). Ðấy là những tục lệ thời cổ xưa rất rắc rối khiến cho việc nghiên cứu dễ sai lạc vì sự thăng trầm của hai nền văn hóa lúc gặp gỡ, tuy nhiên cũng nhờ sự rắc rối đó mà học giả có được ít tiêu điểm để nhìn lại sự giao thoa của hai nền văn hóa trong những việc bất ngờ thí dụ việc bố chiếm phòng mẹ vừa nói xong.


Phận gái thấp hèn

Bây giờ chúng ta bàn đến điểm thứ hai thuộc việc giao thoa của hai nền văn hóa này. Ðó là tục lệ khi mới sinh ra thì con trai đặt trên giường, con gái phải đặt dưới đất, để chỉ phận hèn hạ phục tòng của con gái như trong kinh Thi tiểu nhã bài Tư Can:

"Nãi sinh nam tử

Tái tẩm chi sàng.

Nãi sinh nữ tử

Tái tẩm chi địa."

Chữ hán

Ðấy là sự tin tưởng của Hán Nho nên là một sự lầm tưởng và nó biểu lộ rõ rệt sự hiểu sai và bẻ quặt Việt Nho ra sao.

Trước hết ta hỏi tại sao con gái phải đặt xuống đất? Thì câu thưa sẽ là: không nên nói phải mà là được. Con gái được đặt xuống đất vì chủ đất là đàn bà như đã nói trên về đất mẹ, quê mẹ, nên đặt xuống đất là nhận quyền làm chủ đất. Chính từ trong ý tưởng then chốt đó mà huyền sử nói khi bà Âu Cơ đẻ cái bọc trăm trứng thì đem bỏ ngoài đồng. Trong câu chuyện bà Âu Cơ ta thấy nhiều liên hệ với Bách Việt: trước hết là đẻ ra trăm con trai. Thời xưa khi người ta muốn khen tặng cùng cực một bà mẹ nào thì chúc bà đẻ trăm con trai, như kinh Thi (Ðại nhã bài tư trai) khen bà Thái Tự vợ Văn Vương có câu

Thái Tự tự huy âm

Tắc bách tư nâm (nam)

Chữ hán

Bà Thái Tự kế thừa tiếng thơm

Nên sinh con trai có hàng trăm.

Về việc bỏ ngoài đồng là có ý niệm chủ đất như đã nói trên bởi thế theo huyền sử khi bà Khương Nguyên đẻ ra Hậu Tắc tổ nhà Chu thì cũng bỏ con ngoài đồng. Trong bài "Sinh dân" (Ðại Nhã) nói bà cầu khẩn để khỏi tội không con, rồi bà đi hội mùa xuân đạp lên lốt chân người to lớn, sinh ra ông Hậu Tắc. Ðây là ơn trọng của trời nên sự sinh đẻ trở nên phi thường: bà Khương Nguyên đẻ con dễ dàng như dê, không bị rách, không bị nứt, không bị tai (họa), không bị hại.

Chữ hán

Phiên Âm:

Dân di quyết nguyệt

Tiên sinh như thát

Bất xích bất phách

Vô tai vô hại

Dĩ hách quyết linh

Thượng Ðế bất ninh?

Bất khang ân dĩ (tự)?

Cư nhiên sinh tỉ (tử)

Nghĩa:

Thai kia đã đủ tháng rồi

Ðầu lòng sinh sản dễ thời như dê.

Nàng Khương Nguyên chẳng hề rách nứt

Tai hại thì rõ thật đều không

Rõ ràng linh ứng lạ lùng

Thì trời há chẳng an lòng hay sao?

Chẳng vui lòng việc cầu con ấy?

Mà bỗng dưng sinh trái đạo thường.

Chính vì đẻ trái đạo thường nên khi đẻ rồi bà đem con ra bỏ ngoài ngõ hẻm. Nhưng bò dê đến che chở và thương mến mới bế đem bỏ con trẻ trong rừng, thì gặp người đốn củi thương hại săn sóc lại đem để trên nước băng giá rét, chim thấy vậy động lòng bèn bay đến một cánh lót cho, một cánh đậy cho.

Chữ hán

Phiên Âm:

Ðiểu phú dị chi,

Ðản chí chi ải hạng

Ngưu dương phì tự chi,

Ðản chí chi bình lâm

Hội phạt bình lâm,

Ðản chí chi hàn băng.

Nghĩa:

Ðem con ra bỏ bên đường,

Bò dê che chở mến thương vô cùng.

Rừng đất bằng lại bồng đem bỏ,

Gặp tiều phu đến đó nhặt về.

Bỏ trên nước đá tái tê,

Chim đâu bay đến lót che anh hào

Thấy nàng đến chim bay đi mất,

Lúc bấy giờ Hậu Tắc oa oa.

Tiếng to lại kéo dài ra,

Nẻo đường vang khắp gần xa tiếng nàng.

"Ðiểu phú dị chi" (phú là che, dị là đậy). Tôi trưng hơi dài để độc giả thấy sự giao thoa của hai nền văn hóa nông nghiệp và du mục. Theo Hoa tộc du mục thì bà Khương Nguyên có tội vì đẻ hoang. Nhưng tác giả bài "Sinh dân" đã đứng về phe văn hóa Viêm Việt nên bênh vực bà. Không những bênh vực, tác giả còn đề cao vật biểu của Viêm Việt là chim, vì trong bài chim tỏ ra tận tình biết bao "một cánh lót cho nằm một cánh che cho ấm". Trong văn chương thế giới không tìm đâu được giống chim tận tình đến thế. Như vậy văn hóa Viêm Việt thắng một cách nào vì nó cũng có tụ lệ đặt trẻ sơ sinh xuống đất cũng như bà Khương Nguyên kết hôn theo lối "hôn". Bạn hỏi tại sao Hậu Tắc là con trai cũng được đặt xuống đất? Thưa là vì từ lúc nào đó nhiều ý tưởng ma thuật hoặc tiêu biểu đã gắn thêm vào ý tưởng chủ quyền ban sơ như niềm tin rằng đất là nơi tích tụ mọi ảnh hưởng tốt, những sức nuôi dưỡng có tính cách tổng hợp, và theo ý này thì không những con gái mà về sau con trai cũng được đặt xuống đất để nhờ ảnh hưởng tốt. Rồi về sau người ta đặt xuống đất cả những người gần chết với hy vọng sinh khí của đất làm hồi phục sức sống (Socio 168). Cũng trong dòng tư tưởng đó nảy sinh dần những ý nghĩ đất có thể trừ tà ma xú khí, nhân đó mà có thêm tục bắn sáu phát tên bằng cây dâu khi trẻ mới sinh. Tục này ban đầu cũng mang nặng tính chất văn hóa mẹ, vì dâu đi với việc nuôi tằm là phần việc mẹ (Chức Nữ, Socio 169) mà vì mẹ ở phía Ðông nên sau dâu cũng ở phía Ðông (phù Tang, chữ hán, là cây dâu nâng đỡ mặt trời lúc mới mọc). Ðây là một thí dụ về những ý tưởng, những niềm tin thuộc thời bái vật (ma thuật) nhưng đã chớm có tâm linh đi kèm lẫn lộn nên khó phân ra yếu tố nào xuất hiện trước, chỉ biết rằng vì lâu ngày ý thức lu mờ dần đi nên mới có chuyện Hán Nho bẻ quặt ý nghĩa của cổ tục để hạ giá đàn bà, là vô tình hay hữu ý hạ giá văn hóa Viêm Việt xuống vậy (Socio 161-168).


Chìa khóa

Tuy nhiên nếu chịu lần theo các dấu của phong tục học cũng như xã hội mà đi sâu vào sẽ nhận ra lắm nét giúp ta giải đáp nhiều vấn nạn. Chẳng hạn tại sao trong dịp "chơi xuân" sau lúc hát trống quân thì nam nữ hợp thân trên mặt đất, trên nệm cỏ xanh mà không đưa nhau vào buồng lên giường cho đàng hoàng? Thưa vì hợp thân ở đây mang thêm niềm tin tưởng là họ kích động thiên nhiên, giúp trời đất trong việc nuôi dưỡng, nên phải hợp thân trên mặt đất. Cho nên khi đào sâu nền văn hóa dân tộc ta mới nhận ra mối liện hệ với đất đóng vai trò quan trọng. Từ việc tế thần làng cho tới ý tưởng tế thần lúa (xã tắc)… nói lên tính chất nông nghiệp của đất, của mẹ. Ta còn có thể thấy trong khi tế gia tiên cha dâng thịt, mẹ dâng trái cây (Socio 217) cũng là dấu ghi lại nguồn gốc hai nền văn hóa nhưng vì tính cách giao thoa nên cần tình ý. Thí dụ với câu "ông trăng mà lấy bà trời" thì ta đoán chừng câu ấy được đặt ra vào lúc ngôn ngữ đã công nhận cho ông cao hơn bà rồi. Nhưng trong dân gian thì vang bóng thời xưa của các bà vẫn còn mạnh nên mới đem tiếng ông đặt cho trăng chỉ các bà, và cho trăng được quyền lấy trời lúc này đã bị gọi là bà thay vì là ông, tức còn phảng phất tục cưới rể: bà lấy chồng chứ không phải ông lấy vợ. Vì thế việc bà trên ông có thể là chìa khóa mở ra nhiều bí mật ngày xưa, chẳng hạn lối kết hôn không mai mối gọi là bôn, thì lúc được đề cao lúc lại bị hạ. Tại sao có hai nền luân lý trái ngược một thuộc thành thị một thuộc nông thôn? Tại sao có rất nhiều lễ chỉ mừng có từ vùng Trường Giang trở xuống. Tôi lấy một ví dụ về quyển "Lĩnh Nam dật sử". Ðây là một thứ tiểu thuyết phong tục thuộc mấy nhóm dân ở vùng Lĩnh Nam như dân Mường, Dao, Thái, Việt. Ai đọc cũng nhận ra vai trò phụ nữ rất cao. Lý Công Chúa đứng đầu Gia Quế, Mai tiểu thư đánh một phát mà hai tướng tiên phong ngã cái rụp. Học giả Trần Nhật Duật, người đã dịch nguyên tác bằng tiếng Mường ra tiếng Việt kết bằng câu: "Trừ cha con Hoàng Nhượng là bậc trung hiếu không dám bàn tới, ngoài ra những người có công huân ghi vào làn các hết thảy đều thuộc nữ lưu, hẳn chừng tác giả dụng ý gì chăng?" (tr.312). Nếu hiểu địa vị các bà trong văn hóa Viêm Việt thì có thể thưa là không có dụng ý chi hết mà chỉ là phản ánh đúng phong tục của những nhóm dân thiểu số còn giữ nhiều tục cổ xưa mà thôi.

Sở dĩ văn hóa cổ xưa của Viêm Việt chú ý đến vai trò quan trọng của phụ nữ là vì nó tiêu biểu cho nguyên lý mẹ cần thiết ngay từ trong cơ cấu để cùng với nguyên lý cha làm thành mối bình quân căn để. Văn hóa Âu Tây đã đánh mất nguyên lý mẹ nên xô vào tai họa một chiều gây nên vô vàn đau thương và vì thế từ ít thể kỷ này họ khởi đầu đề cao đàn bà. Nhưng nếu không đi sâu vào nguyên lý uyên nguyên mà chỉ đề cao suông thì sự đề cao đó sẽ đốc ra sự mê dục.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved