Home » » Tâm Thức Hậu Hiện Đại

Tâm Thức Hậu Hiện Đại

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011 | 01:50

Tâm Thức Hậu  Hiện Đại


Lịch sử văn minh tây phương (Âu Châu) gồm bốn thời đại tiếp theo nhau: Hy Lạp-La Mã, Trung cổ, Phục Hưng và Hiện Đại. Thời Hiện Đại cũng là thời đại văn minh hoàn vũ mà chúng ta đang sống. Thời hiện đại bằt đầu từ thuở Khai Sáng (Enlightment), có thể nói gọn là bắt đầu từ René Descartes (1596-1650). Theo Hegel, với R.Descartes: “chúng ta là những thuỷ thủ lênh đênh trên biển cả mênh mông, mịt mù giữa mây và nước, bỗng thấy ở xa kia là Lục Địa!”. R.Descartes là một trong những cha đẻ của  triết học và toán học hiện đại. Chỉ với một câu thôi bao gồm toàn diện nhân sinh vũ trụ quan: “Ngã tư cố ngã tại”  (Cogito ergo sum) (Je pense donc je suis), R.Descartes đã mở đầu thời khai sáng, tiêu chỉ là đưa nhân loại ra khỏi hồng hoang u mặc, triết lý siêu hình học tu viện, tư duy tập quán của thời hoang dại, chứng nhận bản thân con người là biết suy tư, lý luận có hệ thống tìm hiểu căn cơ của sự vật, tạo dựng thế giới nhân sinh chủ thể bản ngã. Thời hiện đại đến bây giờ vẫn là hành trình khai sáng. Triết gia J.Habermas năm 1980 nhận định rằng “Hiện đại - một đề án không hoàn tất!”, với nghĩa là cuộc hành trình khai sáng đó vẫn còn những quãng đường gian nan trải dài trước mặt. Đối với nghệ thuật lý thuyết gia T.Adorno, thì ngay năm 1947, “công cuộc khai sáng, như chúng ta hiểu hiện đại, trong cái nghĩa hoàn mỹ nhất là sự triển khai lý tính con người, hướng tới sự khai phóng con người, đặt con người lên địa vị làm chủ thể của sự vật. Nhưng trái đất này, lung linh trong ánh sáng mặt trời và ánh sáng lý tính con người, thật đã hiện hình rồi trước mắt chúng ta với bao nhiêu dự báo của ngày mạt thế.” ( Aber die wollendes aufgeklarte  Erde strahlt im Zeichen triumphalen Unheils) “Tâm thức hậu hiện đại” (chữ của Bùi Văn Nam Sơn) là tâm thức tự đặt ra ngoài thế giới hiện đại, phản tư nhìn lại vào cảnh đời người đang sống, nếu không quá bi quan tiêu cực hay phẫn nộ phản kháng ( chia sẻ cái nhìn của Nietzsche trong triết lý, của nhóm Dada trong nghệ thuật…), là một tâm thức luôn luôn khắc khoải dằn vặt giữa hai nhận thức trên của T.Adorno và của J.Habermas.

Thế giới khoa học kỹ thuật

Lịch trình khai sáng đi đến xã hội nhân sinh văn minh hiện đại,  khía cạnh khoa học kỹ thuật, là một cuộc tiến triển không ngừng. Từ cuộc cách mạng kỹ nghệ nhiệt lực khí cơ đến cuộc cách mạng cuối thế kỷ thứ 20 của kỹ nghệ thông tin tín học và đã đến rồi ngưỡng cửa vào cuộc cách mạng kỹ nghệ lớn lao vô cùng nữa, kỹ nghệ  nguyên tử, loài người đã bước lên con tầu kỹ thuật càng ngày càng tăng tốc vận hành.

     Nhìn vào xã hội tân tiến cận đại, chúng ta không phủ nhận được là khoa học kỹ thuật trước hết đã giúp con người thoát khỏi nhiều vấn nạn vật chất, những công việc chân tay hạ tầng ( bộ máy điều khiển tự động thay thế những xưởng máy công nhân đứng thành hàng tận lực một nhịp gia công ) và còn đưa xã hội nhân sinh đến sự xa hoa mà những nước thứ ba chậm tiến chỉ biết ước vọng và thèm khát. Nhưng thế giới xa hoa đó (giấc mơ của người Mỹ, the american dream), căn nhà tiện nghi, máy truyền hình máy phát thanh ở mỗi căn phòng, máy giúp việc tự động khắp nơi, thật là một thế giới eo hẹp tù hãm nằm trong bốn thành hào của kỹ nghệ khoa học kỹ thuật. Kỹ nghệ không bao giờ ngừng phát triển và cốt yếu theo tiêu chuẩn thị trường lợi nhuận. Đẩy con người vào hầm u tối với những nhu cầu luôn luôn khuếch trương vô thức, rồi nông cạn thoả mãn bằng những tư đồ ảo dụng. M.Heidegger với  tâm thức rất hậu hiện đại đã tự hỏi chúng ta còn có thể biết suy tư không, suy tư để nhận rằng tư đồ ảo dụng ẩn tàng hiểm hoạ ô nhiễm  hành tinh này và chìm ngập  tất cả dưới những đồ phế thải. “Tuy nhiên xã hội vẫn như càng ngày càng sán lạn, kinh tế tiền bạc càng giàu thêm bằng những vật thừa vô dụng. Nhưng ai biết rằng quả báo đang chờ đợi, rồi sẽ bùng nổ trong vài thế kỷ nữa. Nhưng khi đó, sợ loài người sẽ đắm chìm trong đêm sâu tuyệt vọng, đêm sâu ẩn chìm trong tâm thức chúng ta ngày nay.” (Heidegger)

     Đêm sâu ẩn chìm trong tâm thức chúng ta! Chính là điều T.Adorno và M. Hokheimer nhấn mạnh qua những nhận định bi quan về   “Nền Văn Hoá kỹ nghệ : Khai sáng mà ngu muội đại chúng” (The culture industry: Enlightment as mass deception -1944). Kỹ nghệ với bộ máy áp đảo khổng lồ thông tin tuyên truyền đại chúng! Với tinh thần lợi nhuận của kẻ đầu tư kỹ nghệ, văn học nghệ thuật dưới mọi hình thức trở nên hàng hoá của siêu thị trong kỹ nghệ thị trường. Bất cứ tác phẩm văn nghệ nào chỉ có thể sáng giá  qua thẩm định của bọn đầu tư, xác định khả năng áp đặt thị hiếu đại chúng để bán sỉ ra với giá bình dân. Và đại chúng dưới mắt họ là những kẻ chiều về trong căn phòng tràn ngập âm thanh, nằm dài trước máy truyền hình (bên mấy lon bia) nhìn những đoạn phim truyện truyền kỳ một chút khiêu dâm, một chút tình yêu, một chút bạo lực…Đại chúng quay lưng trốn tránh sự tĩnh lặng, tìm trong thanh điệu ồn ào trống rỗng quên rằng trầm tư cô đơn tĩnh lặng mới thật là bản chất con người: Cái trống rỗng vô nhân tính  lan tràn quỷ quái hoang dại ( The inhuman void spreads monstruously like a gray vegetation –  H. Arp).

     Nhân loại mất dần bản chất! Và ngay trước mặt là hiểm hoạ của những vũ khí có thể huỷ diệt địa cầu. Những quả bom vi khuẩn, những quả bom nguyên tử, những ông già và bà già của những quả bom (the dad and the mother of all bombs)! Những vũ khí tàn bạo “thông minh”, có sức tàn phá ngoài tầm ý thức của con người. Những vũ khí mà khoa học kỹ thuật đặt vào tay nhân loại. Đặt vào tay ai?  Đó là vấn đề làm chúng ta phải hoang mang.  Trong thế kỷ 20 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rồn rập bao nhiêu lệch lạc lịch sử. Hai cuộc chiến tranh thế giới. Đặc biệt cuộc chiến tranh thứ II, bắt đầu chính vì bọn hoả đầu phát xít quân phiệt đã tưởng thống trị được thế giới bằng vũ lực thiết binh cơ giới. Giờ đây nữa chúng ta sống chiến trận mới với hậu quả không luờng: “Chiến tranh khủng bố”, mà nguyên nhân khởi đầu chắc chắn là vì đế quốc Mỹ tin tưởng ở sức mạnh độc tôn vũ khí khoa học kỹ thuật cho phép làm bá chủ hoàn cầu, chiếm đoạt tài nguyên thế giới, định đoạt số phận của các dân tộc, xếp đặt một lý pháp  không tưởng  ( mệnh danh: tự do dân chủ).

Triết lý hậu hiện đại?

Qua ba bốn thế kỷ khai sáng, xa vời là thế giới “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, mà cuộc cách mạng Pháp quốc 1789 mang lý tưởng đến cho con người. Trái ngược với nguyên lý khai sáng, kiến thức khoa học với tiềm năng vũ khí áp đảo không còn của chung nhân loại nữa, khoa học tân tiến (cần có một nền kỹ nghệ kỹ thuật lớn lao) bây giờ là lãnh thổ cấm kỵ, thuộc về những kẻ có quyền lực, có tiền tài. Cái hố phân cách nước giầu và nước nghèo mỗi ngày một đào thêm sâu. Theo đó là những hậu quả không lường, tỉ như sự hận thù chủng tộc của thời trung cổ nay lại thảm hại hơn bao giờ nữa ở Trung Đông và Đông Phi (Darfur). T. Adorno tuyên bố: ”Sau Auchswicsz, không còn ai làm thơ được nữa!”(1947); trước sự giết hại dị giáo và dị chủng ở Trung Đông, hàng triệu người Palestine không đất sống, bám vúi ăn xin hơn nửa thế kỷ nay không một tia hy vọng nào cho tương lai, đoạ đày vì sự lập quốc dị chủng (apartheid) mà chính người do thái (Israel) đã thực hiện bằng vũ khí cơ giới mù quáng, không biết T.Adorno nếu còn sống sẽ nói sao!

     Với tâm thức hậu hiện đại, chúng ta phải nghĩ cuộc hành trình khai sáng, khai phóng con người cũng không thoát khỏi luật thừa trừ  của trời đất, luật chung cục của sự việc là tất cả rồi sẽ phải hỗn hợp hoà đồng (la règle de l’entropie). Sự khai phóng con người, sự tiến triển của khoa học với lý tính con người  thật mang sẵn những yếu tố lệch lạc, mầm mống làm thế giới văn minh hiện đại rồi có một ngày suy thoái.

Hơn nữa, kiến thức khoa học tân tiến bản thân nó lại giúp chúng ta cảm nhận ra rằng tất cả là ảo tưởng nếu con người muốn  làm chủ thể của sự vật, những tưởng cùng nhau tiến tới một thế giới hoàn mỹ, khi sự hiểu biết lý tính của chúng ta chỉ có thể là giới hạn và bất định. Toán học lý luận lôgic cổ điển với luật  “A hay không A” (la règle du tiers exclu) không còn đủ, chúng ta còn phải biết tiếp nhận một hệ lôgic có nhiều giá trị sự thật ( the truth values), như có thể “A”  hay “không A” mà cũng lại có thể “không phải là A mà cũng không phải là không A” trong lôgic trực giác (la logique intuitionniste). Con đường lý luận liên tục “không hay có” chỉ là để cho máy điện tử, nhưng lý tính con người phải biết nhận định những lối ngoặt bất ngờ hay chợt đứng trước ngã ba ngã sáu. Hơn nữa, không một hệ thống nào (trong cái nghĩa toán học lôgic) mà không có điều bất khả giải định, như hỏi chính nó “tự có mâu thuẫn không?” mà không sao trả lời được nếu cứ luẩn quẩn trong hệ thống (Định luật Godel: “Mọi hệ thống cao siêu đến đâu đều không hoàn tất”). Vật lý học cũng giúp cho chúng ta nhận thức thêm. Trong lượng tử học ( La mécanique quantique), có tiền luật  Heisenberg: “Không cách gì  biết định vị cùng lại biết tốc hành của một lượng tử”. Và nữa, một lượng tử ( như lượng tử của ánh sáng) có khi phải biết xác định nó như một nguyên tố (corpusculaire) mà có khi phải biết  xác định nó như một gợn sóng đơn độc của xác suất hiện hữu trong vũ trụ bốn chiều (không-thời gian). Người ta tìm hiểu vũ trụ của những vì sao và  những “lỗ đen” (the black holes) (nơi tận thế của vì sao)  là nhờ tiếp nhận ánh sáng đến với chúng ta từ tận cùng vũ trụ. Nghĩa là nhìn toàn thể vũ trụ lớn lao bất tận là nhìn qua cái kính phân ly quan xét những lượng tử. Cái ước mơ của Einstein là chúng ta sẽ tìm ra cái lý ( một phương trình duy nhất) giải định thiên nhiên từ vũ trụ mênh mông của những vì sao đến  không-thời gian của lượng tử:  Thượng đế không chơi trò ú tìm! (Dieu ne joue pas au dé!); cái ước mơ đó có thể nói là nằm ngoài lý tính của con người. Cũng như người ta muốn tìm đến căn nguyên của vũ trụ như khởi đầu bằng một “Big Bang”, nhưng rồi sao nữa, trước Big Bang là gì?

     F. Lyotard nhận xét thêm, khoa học không phải là những sự thật bất di bất dịch mà là những giả thuyết mà chúng ta phải biết chứng nghiệm hay phản bác nếu không được bây giờ nhưng rất có thể phản bác được trong ngày mai.. Theo Wittgenstein, tất cả cũng chỉ là một trò chơi ngôn ngữ ( định đề toán học cũng phải được trình bày ra bằng ngôn ngữ!). Mà ngôn ngữ là lời của cuộc đối thoại mà người nói ra không sao biết được kẻ trước mặt mình sẽ hiểu như thế nào, có như mình muốn không, hay còn bị nhắc lại với một ý nghĩa hoàn toàn biến dạng. Đặc biệt trong tâm lý học, xã hội học hay chính trị học, ngôn ngữ thật là một “trò chơi đối nghịch” (một trò đánh cược), mỗi một nước đi luôn luôn phụ thuộc vào giả thiết rằng kẻ đối nghịch sẽ lạc vào một nước đi sau không lợi cho họ.  Trong trò chơi đó, xã hội, tập đoàn hay mỗi người chỉ có thể trù tính một lối đi tối ưu ( de la recherche opérationnelle) cho một đoạn đường, trong một quãng thời gian.

     Các toán gia ( như R.Thom, B.Mandelbrot….) còn xác nhận rằng tiến triển của sự việc thiên nhiên thường không xuôi sẻ, nó là những tuyến đạo liên tục nhưng li ti khúc khuỷu (không đâu có đạo hàm) ( des courbes continues sans tangentes). R.Thom còn thấy nó thường phải qua những vùng nhỏ bé lân cận hội tụ những điều kiện bình thường nhưng mà có thể kết hợp ở một điểm đột phá dị thường (points de singularité). Thật vậy sự sinh đẻ của sinh vật cũng như của thực vật đều là những đột phá dị thường mà chúng ta không bao giờ thống kê hết được.

     Tất cả những nhận xét nói qua trên đủ cho chúng ta thấy lý do tại sao   những tư tưởng gia hậu hiện đại - những triết gia với tâm thức hậu hiện đại – đi đến kết luận rằng không có một hệ thống tư tưởng lý thuyết nào ( một ý thức hệ nào ) có thể mãi mãi đứng vững, có thể mãi mãi dẫn độ chúng ta trong sự tìm hiểu, thấu triệt thiên nhiên, lịch sử con người và  xã hội.

     Trong vũ trụ học, chúng ta có lịch trình tiến triển thay đổi cái nhìn khoa học về vũ trụ. Qua Copernic-Newton, rồi Einstein  và bây giờ nữa chưa chắc gì ý niệm  “big bang”, lỗ đen” của vũ trụ là những giả thiết còn thích ứng cho tầm nhìn khoa học mai sau của chúng ta. Còn với nhân sinh xã hội học! Những tư tưởng gia hậu hiện đại từ bỏ Hegel và Marx. Hai triết gia này tưởng đưa ra một hệ tư tưởng phổ quát, phạm trù biện chứng pháp: tất cả đều có liên đới mâu thuẫn nhưng theo biện chứng pháp sẽ giải toả để trèo tới thượng tầng  cơ sở cao hơn. Theo chủ nghĩa Marxít, lịch sử xã hội tiến triển do tranh đấu mâu thuẫn giữa  những giai cấp trong xã hội, giữa giai cấp của những kẻ thống trị ( phong kiến, tư bản) và giai cấp của những kẻ bị thống trị bóc lột (giai cấp bần cố nông, giai cấp lao động vô sản). Nhưng nay có thể nói khái niệm chủ đạo về mâu thuẫn giữa giai cấp tư bản và giai cấp lao động vô sản  trong xã hội tư bản tân tiến càng ngày càng xa vời thực tế, khi người dân trong xã hội trở nên tiểu tư sản, có phần cổ phiếu chứng khoán tư bản. Marx còn nghĩ  xã hội hiện đại phải đi tới xã hội chủ nghĩa ( xã hội cộng đồng vô giai cấp, xã hội cộng sản), thì cái xã hội cộng sản mà Marx mơ tưởng, tư tưởng gia hậu hiện đại nhìn vào lịch sử và thực tế phản tư chứng nhận thật là một mớ ảo tưởng phủ nhận nhân bản, phủ nhận bản chất con người là duy trì quyền tư hữu, quyền tự do tín ngưỡng - bản chất tâm linh của con người ( Marx đã từng viết: Tôn giáo là thuốc phiện của dân), quyền độc tôn suy tư đặt mình ra ngoài tập thể ( Socrates đã chẳng nói sao: “Nhân hữu tự tri”, cũng có nghĩa căn bản là con người trước hết phải suy tư về mình, tự hiểu mình rồi mới đi đến suy tư về chuyện khác, như vấn đề tự do nhân bản trong tập thể).

     Ngay đầu thế kỷ thứ 20, M.Heidegger đã tiền phong phản tư và phê phán thế giới văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong hệ thống kỹ nghệ khoa học kỹ thuật chủ đích là hiệu quả và lợi nhuận, con người mất bản ngã, quên suy tư và “thử tại” ( Dasein) (sống nơi đây và giờ này). Một hệ thống hàm chứa “ hư vô chủ nghĩa”. Những chuyên gia bác học cũng chỉ là những động cơ  cho một guồng máy vô nhân tính,  họ không còn đủ quyền lực để đặt câu hỏi với cái hoài bão sâu xa của nhân loại thế nào là “thử tại”  trong vũ trụ bản sinh (die Lebenswelt). Trước Heidegger, F.Nietzsch (1844-1900) đã nhận thấy rằng văn minh khoa học hiện đại là một “đường rày” mà con người phải trở nên “siêu nhân” tràn đầy “quyền lực của ý chí” để giải thoát. F. Nietzsch còn tưởng tượng ra một Zarathoustra (hiền giả Nam Tư thế kỷ thứ sáu hay thứ năm trước Công nguyên) trở về để nói với chúng ta rằng :” Với nghệ thuật, chúng ta tự cứu mình  ra khỏi  chết chìm trong Sự Thật” ( We have Art not to perish by the Truth), sự thật đây dĩ nhiên là những sự thật ước lệ cố hủ của nền văn minh hiện đại. F.Nietzsch muốn nhân loại biết trở về với lý tính sơ nguyên, ruồng bỏ lý luận một hai sơ cứng khoa học mà nhân loại nay đang tự trói mình, trở về trong cái lẽ luân hồi của nhân loại ( the eternal recurrence ) (khái niệm luân hồi của Đạo Phật?), trở về để tạo dựng một thế giới nhân sinh hoàn mỹ hơn cái thế giới  hiện đại.

     Triết gia F.Nietzsch và M.Heidegger không đưa ra một hệ tư tưởng ( truyền thống của những triết gia tây phương thế kỷ thứ 19 như Hegel, như K.Marx…) hay một  triết lý chủ đạo mà chỉ muốn con người hãy trở về với cái hiền triết sơ nguyên của nhân loại ( Thích Ca Mâu Ni, Zarathoustra, Parmenides tiền Socrate…). Những tư tưởng gia hậu hiện đại cũng vậy không có một triết lý  hậu hiện đại, trong cái ý nghĩa thông thường như một hệ tư tưởng, mà trái lại đúng như tiên đề là “phản tư và phê phán”, phủ nhận mọi quy ước đạo đức, triết lý xã hội nhân sinh. Những tư tưởng gia hậu hiện đại, như trên tôi đã nói, xác nhận rằng không một hệ tư tuởng nào là chính đáng, không một sự thật nào mà không phụ thuộc vào một xã hội, một con người trong cái ý nghĩa vô thường của bản thân họ và luôn luôn  tìm vạch ra ở mọi hệ  tư tưởng một cái gì sai trái, ẩn tiềm mâu thuẫn. T.Adorno và M.Horkheimer trước nền văn hóa kỹ nghệ hiện đại, để thoát ly sự khống chế  của khoa học kỹ thuật hiệu quả và lợi nhuận đề nghị chúng ta phải luôn luôn “tiêu cực biện chứng” (negative dialectic), tìm hiểu những sai trái, mâu thuẫn mà không đặt vấn đề giải toả, ( “tiêu cực biện chứng” gần gũi với khái niệm: “phủ định sự phủ định” của Trần Đức Thảo, phủ định cái khả năng hoàn toàn phủ định đối nghịch trong lịch sử xã hội). Cũng trong ý nghĩa đó, J.F.Lyotard đề nghị phương pháp “nghịch luận” (paralogie). Đối với J.Derrida, tất cả vấn đề của chúng ta trong xã hội nhân sinh hiện đại là “giải cấu”  (déconstruction), giải thể mọi sự việc rồi “thông diễn lại” (hermeneutic, trong cái nghĩa diễn giải và cấu tạo lại), để đoạt lấy tự do tư tưởng sáng tạo của bản thân.

     Dưới đây là một thái độ “giải cấu” điển hình của J.Derrida trước lịch sử. Tháng 10 năm 2001, nhân dịp triết gia J.Derrida tham dự một hội nghị triết học ở New York, có rất nhiều người hỏi ông như một triết gia nổi danh thời đại, nghĩ gì về ngày 11 tháng 9 năm 2001 hai đài chọc trời Thế giới Thương Nghiệp ( The World Trade Tower) ở New York bị khủng bố phá tan với gần 3 ngàn nạn nhân tử vong. “Hỏi Triết Gia nghĩ gì về thảm hoạ 9.11 ?” Dựa trên bài  Giovanna Borradori phỏng vấn J.Derrida ( Triết học trong thời khủng bố, Philosophy in a Time of Terror), tôi hiểu J.Derrida đã bóng bẩy trả lời như sau. Thảm hoạ 9.11 ư! J.Derrida là người Pháp nên nghĩ tới ngày 11 tháng 9; còn nếu ông là người bản xứ nào đó thì thật ông không biết nghĩ thế nào. “Thảm hoạ 9.11” chỉ là một từ ngữ, không có ý nghiã gì phổ quát!    Như J. Derrida là một con người, dân Mỹ có thể chờ đợi ông nghĩ đến “9.11” như một thảm hoạ của nhân loại. Thì ông lại nghĩ những người bình thường trên thế giới chắc chỉ nghĩ đến “9.11”  cùng lắm như một tai nạn như bao nhiêu chuyện khác “ tàu Titanic đã đắm”, “làng Mỹ Lai ở Việt Nam đã bị quân đội Mỹ dội bom tiêu huỷ”…Còn như ông là người Pháp, có lẽ dân Mỹ chờ đợi ông phải coi “9.11” như một tấn công chĩa vào nền văn minh thế giới, văn minh Tây phương của tiền tài, “thế giới thị trường”. Thì theo J.Derrida nếu thật giờ đây chúng ta lâm vào một cuộc “chiến tranh khủng bố”, thì chúng ta cũng nên nghĩ lại cuộc khủng bố  “9.11” định phá  hại  gì , “ai là thù ai là địch”. Tao loạn hiện đại trên thế giới đã bắt đầu phải chăng từ buổi thành lập “quốc xã Israel” trên tang thương, mất mát của hàng triệu người? Kết luận, “9.11” cũng như chiến trận giờ đây ở Iraq, ở Afghanistan, mà ở đó quân đội Mỹ bị sa lầy, là dấu hiệu đế quốc Mỹ không thể ngang nhiên bá chủ hoàn cầu, rồi cũng phải thế nào trả giá nếu muốn thiết lập một lý pháp hoàn vũ thế giới tài phiệt và quân phiệt.

     Dĩ nhiên, J.Derrida nói ông cũng biết động lòng thương xót cho gần ba ngàn nạn nhân tử vong; nhưng không coi “9.11” là một hành động không tôn trọng sự sống. Mà thật nếu không, chúng ta phải nghĩ gì trước hàng vạn dân vô tội chết dưới bom đạn của cường quốc! Trước hiện tượng đầy nghịch lý của thế giới văn minh hiện đại, J.Derrida chủ trương thái độ “giải cấu” của kẻ biết đảm nhận trách nhiệm làm người, vạch trần những nghịch lý nhưng luôn luôn sáng tạo thông diễn giải để tìm ra một ý nghĩa thăng hoa nào đó để bảo tồn bản chất làm người. J.F.Lyotard và J.Habermas trước J.Derrida cũng nghĩ chúng ta phải thẳng thắn chấp nhận những nghịch lý, những đối nghịch tiềm tàng của thời văn minh hiện đại. Nhưng cả hai đều không bi quan tuyệt vọng. Xã hội văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn còn có thể tiến triển và tồn tại, theo J.F.Lyotard nếu chúng ta không ngại “nghịch luận” (la paralogie)(chữ của Bùi Văn Nam Sơn) nhận định những mâu thuẫn, xã hội biết chấp nhận những đối nghịch và không xa lầy “ khủng bố” (la terreur) tôn vinh một thể chế, chà đạp đối nghịch; trước hết xã hội con người phải biết tồn tại tuỳ thời bằng những ước lệ công bằng tôn trọng đối nghịch tất nhiên có thể tiềm ẩn trong cuộc sống của những cá nhân, của những tập đoàn. J.Habermas thì nghĩ hơn bao giờ hết như bây giờ, vấn đề không còn là đưa ra một đạo lý (đạo đức nhân sinh xã hội) mà là tìm lại cái trạng thái nguyên thuỷ là chúng ta sống được trong một xã hội nếu chúng ta biết thế nào là tương nhượng và hoà giải những mâu thuẫn cùng những đối nghịch.

Văn nghệ hậu hiện đại

Tĩnh từ hậu hiện đại (postmodern) dùng trước hết để chỉ những kiến trúc đã có ở đầu thế kỷ 20. Những kiến trúc, sau tháp Eiffel (1889) ở Paris, lợi dụng kỹ thuật tân tiến, cùng những vật liệu hiện đại xây dựng những lâu đài, những biệt thự, những tháp với hình dáng vượt ra khỏi khuôn mẫu cổ điển (xây bằng gạch hay bằng đá). Những mái nhà hyperbolic, những bực thang bay bổng xoáy ốc, những biệt thự chơi vơi giữa trời và đất (xây trên những cột thép bê tông nhìn từ xa không thấy). Rồi những nội thất toàn là gương và kính để cho người ở cảm giác mênh mông lạ thường. Tất cả  hiện diện ngoài sự chờ đợi cổ điển.

Nhưng“Tâm thức hậu hiện đại” chắc chắn đã khởi động sẵn  rồi trong tâm trí của nhiều nghệ sĩ, nghệ sĩ “hậu hiện đại”. Nghệ sĩ phản ảnh tâm thức xã hội. Họ cảm nhận “con người  phản kháng” (Albert Camus) trong thế giới hiện đại. Nói đúng hơn, sống trong xã hội tân tiến hiện đại, dưới sự khống chế của khoa học kỹ thuật, “văn hoá kỹ nghệ” đầu tư lợi nhuận,  họ phủ nhận những quy ước (thẩm mỹ, luân thường, đạo đức) thuần tuý duy lý, những công luật pháp lý hoàn vũ và những trật tự xã hội lệch lạc thiếu sự bao dung công bằng. “Văn hoá kỹ nghệ” ngu muội quần chúng, đại chúng hoá con người; những công ước cường quốc chìm đắm trong tham vọng bá quyền đầu tư bóc lột; những luật pháp xã hội mâu thuẫn, còn có khi “bạo lực khủng bố”  áp đặt như vòng kim cô trên đầu người dân trong nhiều thể chế mệnh danh canh tân hiện đại mà thật vẫn sa lầy trong ý thức hệ bè đảng, phản bội quyền làm người, tự do nói lên những bất bình, những ước mơ khát vọng. Nhưng tiếng nói của nghệ sĩ không là gì, nếu không là tiếng chim trong đô thành nằm giữa bốn bức tường hào! Tiêu biểu tiền phong “hậu hiện đại” có thể nói là  nhóm Dada trong những năm 1916-1920. Họ tổ chức những buổi (kịch)thơ trình diễn, lời thơ ngắn gọn thô sơ không chủ đề; họ trưng bày những tác phẩm nghệ thuật tạo hình (hội hoạ và điêu khắc) hồn nhiên giác tính, thoải mái vô tư. J.Deschamp trình bày (1920) cái bồn tiểu tiện công cộng đàn ông và muốn mọi người phải coi thế là một tác phẩm tạo hình; nhóm Dada cũng vậy muốn bằng mọi cách trắng trợn và thô lỗ thức tỉnh quần chúng để thoát ly những quy ước thẩm mỹ cố hủ duy lý tự mãn của xã hội hiện đại. Dada có thể đặt một khung tranh rỗng giữa trời, ầm ỹ mời mọi người đến nhìn khoảng trời đất trong khung tranh (như qua khung cửa sổ) để cảm nhận rằng chính thiên nhiên tự nó là bức họa đẹp hơn mọi bức tranh vẽ với công thức nhân tạo, với những quy ước hội hoạ làm chúng ta xa vời thử tại (Dasein). Dĩ nhiên như vậy hay nhiều cách khác, họ đưa ra những tuyên ngôn tiêu cực, khuấy động một nơi một thời, nhưng không cách gì rung chuyển  xã hội hiện đại đang lao mình trên đường rày phồn hoa kỹ nghệ, khai thác khoa học.

         Những tuyên ngôn Dada có thể làm nhiều người tự hỏi về giá trị của những nghi thức xã hội hiện đại; nhưng những câu thơ tuyệt đối gồ ghề không chủ đề, những tác phẩm tạo hình mà trọng tâm là  hồn nhiên đột phá không thể đưa người ta đến suy tư cặn kẽ canh tân xã hội, đi tới mục đích sau cùng là thoát ly sự khống chế của khoa học kỹ thuật. Những “nghệ sĩ hậu hiện đại” thật ra cũng không bao giờ nghĩ sáng lập một phong trào, một trường phái, họ nhận thấy thế giới văn minh hiện đại đang nằm trong bế tắc một phần  vì quá trọng  “những lý thuyết’ và “những đại tự sự” (les grands récits),  quên đi việc chính yếu của con người là  hồn nhiên thử tại “nơi đây và giờ này”.  Tuy nhiên  Hans Arp (của nhóm Dada!), như Mondrian trong  hội hoạ “hậu hiện đại”, rồi cũng từ bỏ những tuyên ngôn dễ dàng mà tìm ngay trong cái vô chủ định của tâm thức một phương cách diễn tả (những hình tượng, những mảnh giấy màu vô tư xếp đặt) sâu xa nghệ thuật trong cái công thức thông thường hiện đại. Có thể nói là Mondrian và H.Arp đã mở đường cho hội họa siêu thực và pop (Salvador Dali, Andy Warhol). J.Habermas một phần nào có lý khi nghĩ văn nghệ tư tưởng hậu hiện đại  - tuy cốt yếu là từ bỏ mọi khuôn thức lý tính và sự tin tưởng mù quáng vào lịch sử văn minh hiện đại như con đường thẳng tiến -  sau cùng hết cũng hội nhập như một phần của hiện đại duy thức (modernism), chủ trương không phủ nhận tất cả những gì mà người ta nghĩ về hiện đại và chọn tiền phong trong lịch trình thăng trầm  khai sáng, thật sự khai phóng con người bằng khoa học , triết lý, tư tưởng và nghệ thuật.

     Nhóm Dada hoạt động trong bốn năm năm. Nhưng lời của F.Nietzsch đến bây giờ còn vang: “Thượng đế đã chết rồi!” ( The God is dead!); vì đó là lời kêu thức tỉnh chúng ta  từ bỏ mọi tín ngưỡng, mọi hệ thống tư tưởng sơ cứng của xã hội, phi lý và tha hoá con người, hãy trở về với con người chưa từng bị ô nhiễm, hãy tự do đảm nhận bản tính thật của chúng ta, dục vọng, tham muốn, yếu hèn, tội lỗi và ước mơ…. S. Becket viết vở kịch “Chờ đợi Godot” (En attendant Godot).  Đúng là tiếng vọng của Nietzsch, “Thuợng đế đã chết rồi”; hiện đại phi lý, chúng ta chờ đợi nhưng chẳng biết chờ đợi gì hay chỉ chờ đợi cái gì không bao giờ tới, chúng ta luôn luôn làm những chuyện tưởng có ý nghĩa nhưng thật vô vọng không đâu vào đâu. Một vở kịch gần như không lời, diễn viên trình diễn hình thể chậm rãi di động như trong vở Nô của Nhật bản, như trong cái thời nguyên thuỷ cô đọng của loài người.  M.Foucault nghiên cứu nhận định nhân loại là gồm cả những khả tính mà xã hội đã coi như vết nhơ, như tội lỗi: đồng tình luyến ái, điên loạn, tiêu trầm mất trí…; xã hội nếu thật văn minh hiện đại thì phải tôn trọng tất cả vì đó cũng thuộc về bản chất tự nhiên của con người. A.Camus trong cái nhận định đó viết quyển truyện “Người dưng” (L’ étranger) để vạch ra xã hội đã bất công sai trái bao nhiêu lên án tử hình nhân vật “người dưng”; lên án thật không phải vì một tội lỗi gì, mà vì toà án trong tiềm thức không chấp nhận một người sống “dửng dưng” không đúng nề nếp ước lệ người dân của xã hội.

Tâm thức hậu hiện đại” là nhận định ra cái nghịch lý chính trong văn minh xã hội hiện đại, sự khống chế của khoa học kỹ thuật với tiềm năng suy thoái con người, ô nhiễm địa cầu. Và hơn nữa, vẫn còn đây cái bạo lực, sức mạnh mù quáng áp chế bóc lột dân hèn…Tư tưởng gia “hậu hiện đại” trước hết vạch trần ra và phản kháng thực tế u tối đó. Họ không phải là hoàn toàn tiêu cực. Phong trào “Hãy mang hoa tặng người” (The flower people), làm tình chứ không chiến tranh, của những năm 60 ở Mỹ quốc , thuộc về tâm thức hậu hiện đại, có tác động không nhỏ cho cuộc vận động hoà bình ở Việt Nam và đóng góp rất lớn cho xã hội Mỹ tiếp nhận sự bình đẳng chủng tộc và tôn trọng quyền phụ nữ. J.F. Lyotard, J.Habermas còn đưa ra ước lệ “nghịch luận” và “tương nhượng giao ước” , cảm nhận và chấp nhận mọi đối nghịch, để lịch trình khai sáng vẫn còn tiến triển. Đặc biệt, theo J.Derrida thì trước hết  là phải phá giải những sai trái xã hội, những công ước phiến diện giả dối  và cần  phải thông diễn giải để tìm ra một cơ sở nào đó cấu tạo (thuyết “giải cấu”) lại những lâu đài đổ vỡ.

Ở thời hiện đại khoa học hiệu quả, kinh tế thị trường lợi nhuận, văn hoá kỹ nghệ, “văn nghệ hậu hiện đại” ít nhất để lại cho chúng ta khái niệm của sáng tác vô chủ định  (des oeuvres gratuites); những tác phẩm triêu sinh mộ tử (des oeuvres éphémères) của nghệ thuật xếp đặt và trình diễn đưa đẩy chúng ta cảm nhận trí tưởng tượng mông lung, hồn nhiên giác tính. Christo và Jeanne Claude đã cho chúng ta những công trình nghệ thuật ảo; bỏ ra bao nhiêu nhân lực, tiền tài để vây quanh một hòn đảo giữa thái bình dương, giăng qua những ngọn đồi ở California,  phủ kín một toà nhà (nhà quốc hội Đức quốc) hay một cái cầu giữa Paris (le Pont-Neuf) bằng những tấm vải màu chỉ trong mấy ngày rồi gỡ bỏ; tất cả cốt chỉ một thời gian ngắn ngủi cho chúng ta chợt biết có thể thả hồn  thi ca tưởng tượng rằng có một cái gì đó ta có thể gắn vào cái  không cùng của vũ trụ để thi vị hoá hay trừu tượng hoá thực tại….Tuy nhiên với tiêu chỉ là hồn nhiên đột phá, vô lý tính, văn nghệ hậu hiện đại, một thời thượng mà nay vẫn còn dư âm, không tránh khỏi cảnh phổ biến nông cạn dễ dàng, và có khi quá khích phản bội ngay cả luật sống tối thiểu tự nhiên của xã hội. “Làm tình chứ không chiến tranh” đã đưa đến cảnh làm tình trần truồng công khai tập thể giữa công viên (Woodstock).“Cách mạng sinh viên 1968 ở Paris” đòi giải phóng đại học, huỷ bỏ mọi nghi thức biến đại học khoa trường (Đại học Vincennes) thành chợ trời thi ca ngôn từ vô luận đề  để rồi cuối cùng thành chợ trời của đồ phế thải.

Quay đầu nhìn lại Việt Nam, đất nước chậm tiến, đổi mới, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế thế giới thị trường lợi nhuận; với sự tân tiến của kỹ thuật hiện đại ( xây một toà tháp chung cư hàng trăm căn hộ trong một năm, xây một cái cầu băng qua sông Cửu Long trong hai ba năm) thì cũng tiếp nhận hậu quả không lường của văn minh hiện đại với tốc độ ngoài dự kiến của chúng ta ( phá hoại môi trường sinh thái, ngu muội người dân với bộ máy truyền thông, đại chúng hoá con người trong một nền văn hoá vô bản kỹ nghệ - the culture industry). Văn nghệ hậu hiện đại thời thượng cũng xâm nhập vào tâm thức của người việt nam; xâm nhập như một sự phản kháng, chống đỡ những hiểm hoạ ẩn tàng của văn minh thế giới hiện đại, mà trước sau gì ai cũng phải ý thức tới. Nhưng vấn đề là Việt Nam chúng ta ,đã hơn nửa thế kỷ rồi và nay nữa trong thời hiện đại hoá, vẫn còn nằm trong một thể chế ý thức hệ phá sản, tiềm tàng phi lý và mâu thuẫn, bè đảng và chính trị quả đầu, với một hệ thống giáo dục trường quy, lịch sử học méo mó, nhân văn học nông cạn, tư tưởng xa xưa đời thường đưa lên như lời của hiền triết hiện đại và chỉ đào tạo (theo lời của nhà văn Nguyên Ngọc) những người thợ, những nhân viên chuyên nghiệp! Vậy văn nghệ sĩ hậu hiện đại của chúng ta phản kháng gì? Đòi tự do gì? Đòi tự do, nhà thơ Lê Đạt xác nhận cũng cần phải mang một chữ Đời, có nghĩa là người ta chỉ biết đòi tự do khi người ta hiểu thế nào là “mất tự do”. Người nông dân cần lao trên thửa ruộng, người sinh viên cả thời trung học chưa từng được đọc một tư liệu nhân văn, những người đó không có tự do nói lên những ước vọng của mình, không có tự do tìm đọc một quyển sách, họ không có tự do nhưng mà họ thật chưa hiểu thế nào là “mất tự do”. Văn nghệ hậu hiện đại thời thượng ở Việt Nam hiện đại trong lớp văn nghệ sĩ đương thì, phần lớn chỉ là chuyện xếp đặt, trình diễn vô ngôn vô đề. Đặc biệt nếu đòi hỏi một điều gì có tính cách phản kháng chống lại cái sa lầy của xã hội hiện đại thì chỉ là chuyện đòi sống, vô thưởng vô phạt đòi ăn, đòi uống, đòi làm tình…Nhận định như vậy, chúng ta hiểu tại sao “văn thơ hậu hiện đại” ở Việt Nam chúng ta có chuyên đề tình dục (dưới mọi hình thức khiêu dâm hay dâm tình luyến ái –pornographie, érotique). Văn thơ hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ là một thời thượng  rồi sẽ qua, không để lại một ấn tượng sâu xa gì. Vậy tương lai văn nghệ việt nam là gì? Theo tôi nghĩ, theo trào lưu tư tưởng thế giới, là phải “Hiện đại duy thức”, chấp nhận văn minh hiện đại nhưng cấp tiến  không ngừng xác nhận cái phi lý, cái phi nhân tính của thời hiện đại. Đặc biệt ở Việt Nam, sâu xa cảm nhận và phản kháng cái nông cạn, cái hệ tư tưởng chính thống ngu muội con người. Trước nhất là văn nghệ sĩ phải bỏ đi chuyện đại ngôn mà chân thành tìm mọi cách mở rộng lĩnh vực sáng tạo của mình, đưa cao tầm nhìn, tầm cảm và tầm thức.Có lẽ nên phải biết thế nào là “giải cấu”, không ngại đặt lại tất cả những vấn đề xã hội và nhân sinh và cả những câu hỏi về bản thân mình. Không ngại lý luận phê bình đến tận gốc, thông diễn giải cái hành trình  oan khiên của Nam cao, sự phản kháng của nhóm nhân văn, Đặng Đình Hưng với bài thơ “Ô Mai”, Trần Dần và Lê Đạt với tiếng thơ cô đọng , khi bị ấn chìm vào trong thế giới không người, cái thế giới tĩnh lặng của Phố Phái, cái thế giới tĩnh lặng siêu hình của Nguyễn Tư Nghiêm (hoạ sĩ ngay trong năm 1958 (?) xé thẻ đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam để quay lưng ra cái xã hội đang mất dần nhân tính). Sau cùng hết cũng phải một phần nào dấn thân như tranh đấu cho “xã hội hiện đại” của ngày mai, tranh đấu cải tổ cái nền giáo dục của một hệ thống làm lệch lạc đầu óc, cải tổ để đào tạo những người biết duy trì tự do bản chất, ham sống, yêu người, phủ nhận sự mạ vàng những bình vôi rỗng, suy tư và cô đơn tĩnh lặng nhất quán giữa cái rộn ràng hiện đại (ngăn sông đào núi, xây dựng đô thị, đại chúng hoá, tập quán xã hội đổi thay…).

Tháng 10.2007
Ngô Văn Tao  


PHỤ  LỤC                                  
DADA!
( tuyên ngôn của Hans Arp)




Arp, Hans

Sekundenzeiger

dass ich als ich
ein und zwei ist
dass ich als ich
drei und vier ist
dass ich als ich
wieviel weigt sie
dass ich als ich
tickt und tackt sie
dass ich als ich
fünf und sechs ist
dass ich als ich
sieben acht ist
dass ich als ich
wenn sie steht sie
dass ich als ich
wenn sie geht sie
dass ich als ich
neun und zehn ist
dass ich als ich
elf und zwölf ist




Tíc tắc kim đồng hồ

tôi  là tôi
một hai
tôi là tôi
ba bốn
tôi là tôi
rõ ràng như kim chỉ
tôi là tôi
tíc tắc gật gù
tôi là tôi
năm sáu
tôi là tôi
tám bảy
tôi là tôi
khi kim đứng
tôi là tôi
khi kim quay
tôi là tôi
chín mười
tôi là tôi
mười một mười hai

           


© 2007 gio-o

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved