Anders Celsius là một trong nhiều nhà khoa học có quê gốc từ xứ Ovanåker thuộc tỉnh Hälsingland ở Thụy Điển. Tên của dòng họ nhà ông là phiên bản Latin hóa của tên nhà xứ (Högen). Các cụ tổ nhà ông đều là giáo sư tại Uppsala: Magnus Celsius là nhà toán học và Anders Spole là nhà thiên văn học. Cha của ông, Nils Celsius, cũng là giáo sư thiên văn học. Celsius có năng khiếu toán học lúc còn rất nhỏ, ông được bổ nhiệm giáo sư thiên văn học vào năm 1730.
Ông bắt đầu “chuyến đi vĩ đại” của mình, kéo dài bốn năm, vào năm 1732, và trong những năm này ông đã đến thăm tất cả những đài thiên văn châu Âu nổi tiếng khi ấy, ở đó ông đã làm việc với nhiều nhà thiên văn học hàng đầu của thế kỉ 18.
Không bao lâu sau khi trở về Uppsala, ông gia nhập vào đoàn thám hiểm nổi tiếng năm 1736 của nhà thiên văn học người Pháp Maupertuis đến Torneå, vùng đất tận cùng phía bắc của Thụy Điển. Mục đích của chuyến thám hiểm là đo chiều dài của một độ dọc theo đường kinh tuyến, ở gần địa cực, và so sánh kết quả với một chuyến thám hiểm giống như vậy đến Peru (ngày nay là Ecuador) ở gần xích đạo. Những chuyến thám hiểm đó đã xác nhận niềm tin của Newton rằng hình dạng của Trái đất là một ellipsoid bị dẹt tại hai cực.
Sự tham gia của Celsius trong chuyến thám hiểm này khiến ông trở nên nổi tiếng và quan trọng vì sự nỗ lực của ông trong việc thuyết phục chính quyền Thụy Điển đầu tư tài nguyên cần thiết để xây dựng một đài thiên văn hiện đại ở Uppsala. Ông đã thành công, và đài thiên văn Celsius đi vào hoạt động trong năm 1741, được trang bị những thiết bị do ông mua được trên chuyến hành trình đường xa trước đó, trong đó có công nghệ thiết bị hiện đại nhất khi ấy.
Vào những ngày ấy, các phép đo địa lí, quan sát khí tượng và những cái khác, ngày nay không được xem là thuộc thiên văn học, lại có mặt trong công việc của một giáo sư thiên văn học. Ông đã tiến hành nhiều phép đo địa lí cho bản đồ Thụy Điển, và là một trong những người đầu tiên lưu ý rằng đất đai ở những nước Bắc Âu đang từ từ nâng lên cao trên mực nước biển, một quá trình đã bắt đầu kể từ khi băng tan từ kỉ băng hà gần nhất. Tuy nhiên, ông lại tin rằng đó là vì nước đang bay hơi.
Để thuận tiện cho các quan sát khí tượng của mình, ông đã chế tạo ra nhiệt kế Celsius nổi tiếng thế giới, với 0 độ là điểm sôi của nước và 100 độ là điểm đóng băng. Sau khi ông qua đời vào năm 1744, thang nhiệt độ này mới được đảo lại thành dạng thức hiện nay.
Anders Celsius
Cùng với người phụ tá Olof Hjorter, ông còn là người đầu tiên nhận ra rằng hiện tượng cực quang có nguyên nhân do từ trường, qua việc sử dụng độ nghiêng của một kim la bàn và tìm thấy rằng những góc lệch lớn tương ứng với hoạt động cực quang mạnh.
Trong thiên văn học, ông đã tiến hành các quan sát nhật nguyệt thực và nhiều thiên thể khác. Ông đã công bố các danh lục xác định tỉ mỉ độ sáng biểu kiến cho tổng cộng 300 ngôi sao sử dụng hệ thống quan trắc của riêng ông. Cốt lõi trong hệ thống quan trắc của ông là sử dụng những tấm thủy tinh trong suốt giống hệt nhau và quan sát tia sáng từ một ngôi sao đi qua chúng. Sau đó ông so sánh độ sáng của các ngôi sao bằng số tấm thủy tinh cần thiết để chặn mất ánh sáng đó. (Ngôi sao Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, cần 25 tấm kính của ông mới che mất.)
Celsius công bố đa số công trình nghiên cứu của ông trên các ấn phẩm của Hội Khoa học Hoàng gia ở Uppsala, hội khoa học lâu đời nhất Thụy Điển được thành lập vào năm 1710, nơi Celsius là thư kí nhiệm kì 1725-1744, và trong các ấn phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, cơ quan thành lập vào năm 1739. Ông còn chủ trì khoảng 20 luận án về thiên văn học, trong đó ông là tác giả chính. Quyển sách nổi tiếng của ông, Số học dành cho tuổi trẻ Thụy Điển, là tiêu biểu cho tinh thần của thời kì ông sinh sống, Thời kì Khai sáng ở châu Âu.
Anders Celsius qua đời vì bệnh lao vào tháng 4 năm 1744, lúc mới 42 tuổi. Mộ của ông nằm gần mộ của cha ông, Magnus Celsius, trong khuôn viên nhà thờ tại Gamla Uppsala, cách trung tâm Uppsala khoảng 5 km về hướng bắc.
Nguồn: astro.uu.se