Home » » Thời Ngô - Ðinh - Tiền Lê

Thời Ngô - Ðinh - Tiền Lê

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011 | 03:54


Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm
*
2. Thời Ngô - Ðinh - Tiền Lê
của
văn hóa Hoa Lư
Văn Hảo
Sau thời đại Hùng-Thục-Trưng của văn hóa Ðông Sơn, văn minh sông Hồng, lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam bước vào thời đại lớn thứ hai của nó là thời đại Ðại Cồ Việt - Ðại Việt - Việt Nam - Ðại Nam, với ba thời kỳ văn hóa dài ngắn khác nhau : văn hóa Hoa Lư, văn hóa Thăng Long và văn hóa Phú Xuân. Nói cách khác, văn hóa văn minh Việt Nam nếu chỉ tính từ thời trung cận đại tới thời cận hiện đại đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử dài ngắn khác nhau : thời Ngô-Ðinh-Tiền Lê, thời Lý, thời Trần-Hồ, thời Lê sơ, thời Mạc-Trịnh, thời các chúa Nguyễn, thời Tây Sơn-Nguyễn mà chúng ta sẽ lần lượt xem xét và cố gắng nắm bắt những nét chính yếu về mặt văn hóa học.
Trước khi đi vào thời Ngô-Ðinh-Tiền Lê của văn hóa Hoa Lư phải bàn tới :
Thời kỳ giao lưu tiếp biến văn hóa Việt-Ấn, văn hóa Việt-Trung
Ðứng về mặt lịch sử thì đây là thời kỳ quen gọi là Bắc thuộc, dài tới 900 năm từ sau Hai Bà Trưng tới trước Ngô Quyền, một thời kỳ mà kẻ đô hộ đến từ phương Bắc đã phải chạm trán với bản lĩnh Việt cổ, thể hiện qua tinh thần dũng liệt, bất khuất của những Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Thanh, Khúc Thừa Dụ, Dương Ðình Nghệ... đã cùng với người dân Việt cổ liên tục khởi nghĩa để tập dợt, chuẩn bị cho một đại thắng Bạch Ðằng cuối năm 938, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc sau kỷ nguyên Việt cổ : kỷ nguyên Việt Nam. Giữa hai kỷ nguyên cũ và mới đã xảy ra một biến cố văn hóa lớn : quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Việt-Ấn và văn hóa Việt-Trung đã làm biến đổi cấu trúc văn hóa văn minh Việt cổ và góp phần quan trọng cho sự hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam từ truyền thống tới cận đại.
Ngót ngàn năm Bắc thuộc đã là một thử thách ghê gớm đối với sự còn mất của dân tộc Việt Nam văn hóa Việt Nam. Sau khi nước Văn Lang-Âu Lạc của vua Hùng, vua Thục, vua Trưng bị kẻ thù phương Bắc chiếm đóng, nhiều chính sách nô dịch, bóc lột về vật chất, thủ đoạn đồng hóa về tinh thần đã được liên tục triển khai.
Tướng Mã Viện nhà Hán là người đầu tiên cố gắng áp dụng một âm mưu diệt chủng toàn diện : đàn áp dã man, giết hại vô số dân Việt cổ, trấn áp dữ dội giới quý tộc Văn Lang-Âu Lạc. Họ Mã bắt đày sang Hồ Nam hơn 300 thủ lãnh Việt cổ, những người có uy tín và khả năng đoàn kết dân Việt cổ chống ách áp bức bóc lột. Họ Mã đã cướp đi hàng trăm trống đồng, thạp đồng để đúc thành một con ngựa lớn làm quà biếu dâng công trạng lên vua Hán.
Họ Mã cũng đã thu gom nhiều đồ đồng Việt cổ khác để đúc thành một cái cột mốc khẳng định địa giới nhà Hán trên đất Văn Lang-Âu Lạc cũ với lời nguyền độc địa : "Nếu để cột đồng gãy thì sẽ tiêu diệt hết dân Giao Chỉ" ("Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt"). Họ Mã biết trống và thạp đồng tượng trưng cho uy quyền các vua Việt cổ, các Lạc tướng, Lạc hầu, quan lang, mỵ nương, và được sử dụng trong chiến trận cũng như trong các lễ hội Việt cổ, là những sáng tạo có giá trị lớn về kỹ thuật và nghệ thuật, triệt phá những báu vật đó cũng như giết hại nhân dân đày ải thủ lãnh và quý tộc Việt cổ đều là hành động diệt chủng nằm trong một âm mưu thủ đoạn đồng hóa đại qui mô và lâu dài.
Sau Mã Viện tới những Sĩ Nhiếp, Tôn Tư, Cao Biền, v.v., bằng các thủ đoạn khác nhau đều cố gắng đồng hóa, Hán hóa vĩnh viễn đất nước và văn minh Việt cổ. Nhưng người Việt cổ, chủ nhân của một nền văn hóa Ðông Sơn, văn minh sông Hồng có trình độ khá cao, đã chống lại và làm thất bại mọi âm mưu đồng hóa, diệt chủng của kẻ thù.
Mất nước, người Việt cổ vẫn giữ vững xóm làng sau lũy tre xanh. Trong những làng chạ ấy, văn hóa dân gian, cái cốt lõi của văn minh Việt cổ, vẫn được bảo tồn, tiếng nói Việt cổ vẫn được gìn giữ với những âm tiết và từ ngữ thuần Việt, mặc dầu nó đón nhận thêm ngày càng nhiều những âm tiết và từ ngữ Hán. Sau ngót ngàn năm Bắc thuộc, tiếng Việt vẫn tồn tại như một thứ tiếng khác với Hán ngữ và với bất cứ phương ngữ nào của Trung Quốc. Tiếng Việt là chứng cứ hùng hồn nhất về bản sắc, bản lĩnh của người Việt văn minh Việt từ nhiều ngàn năm nay.
Về tư tưởng và tín ngưỡng tôn giáo, người Việt đã tiếp thu có chọn lọc Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo tới từ Ấn Ðộ và Trung Quốc mà vẫn giữ vững tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, truyền thống tôn trọng anh hùng, người già và phụ nữ. Còn Nho giáo, tuy có thịnh hành trong một vài thời kỳ lịch sử nhưng với những nguyên lý phi nhân bản như quá đề cao quyền vua, quyền cha, trọng nam khinh nữ, bảo thủ, giáo điều, hư văn... đã chỉ ảnh hưởng nhiều tới các tầng lớp trên của xã hội, trong khi đó Phật giáo của từ bi bác ái và của tư tưởng thiền mới là tôn giáo, đạo lý được ưa thích nhất của đại đa số dân Việt ở mọi thời đại.
Nói tóm lại, sau ngót ngàn năm giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt-Ấn, văn hóa Việt-Trung, người Việt đã có đầy đủ sức sống và sức mạnh để bước vào một thời đại mới độc lập, tự chủ lâu dài mà bắt đầu là thời Ngô-Ðinh-Tiền-Lê của văn hóa Hoa Lư nước Ðại Cồ Việt.
1. Về Ðường Lâm thăm quê hương Ngô Quyền, vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc
Làng Ðường Lâm (tỉnh Hà Tây, cách thị xã Sơn Tây 4 km) là một làng Việt cổ ở vùng trung du miền Bắc. Ðây là quê hương hiển hách của Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng dân tộc đã đánh đuổi kẻ thù phương Bắc ở thế kỷ 8 và thế kỷ 10. Ngôi làng trung du này có tới 21 đồi gò, 18 rộc (ngòi), nước sâu và dòng sông Tích xanh trong uốn lượn quanh làng. Nơi đây có đình thờ Phùng Hưng, tức Ðại Vương Bố Cái (?-789), vị thủ lãnh Việt cổ đã cùng hai em dựng cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Ðường giành lại đất nước xây dựng nền tự chủ trong 25 năm ngắn ngủi (767-791). Nơi đây còn có lăng và đền thờ Ngô Quyền, chung quanh có đồi Hùm, giếng Ngọc, rặng Duối buộc voi.
Nhà truyền thống Ðường Lâm còn lưu giữ nhiều hiện vật quí như rìu đá Phùng Nguyên, cọc gỗ Bạch Ðằng, khánh đá, chuông đồng... Cạnh đó có rọc sâu, tương truyền thuở xưa là hồ sen Ngô Quyền cùng bạn bè thiếu niên chơi trò thủy chiến.
Những ai đã từng đi thăm viếng hành hương tới đền Ðô (đền Lý Bát Ðế) thờ 8 vua Lý tại làng Ðình Bảng (Bắc Ninh), tới hai khu thái miếu thờ các vua Trần ở Tức Mạc (Nam Ðịnh) và Long Hưng (Thái Bình), tới đền Kiếp Bạc ở Vạn Kiếp (Hải Dương), tới khu Thái Miếu thờ các vua Lê tại Lam Sơn (Thanh Hóa), hay tới khu thờ các chúa và vua Nguyễn trong Ðại nội Huế, đều không khỏi bồi hồi, bâng khuâng, thắc mắc trước vị thế và qui mô quá khiêm tốn của những di tích đình đền, lăng mộ dành cho Phùng Hưng và Ngô Quyền ở một ngôi làng trung du hẻo lánh : có chăng một cách nào khác để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với đại vương Bố Cái anh hùng, và nhất là đối với vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc : Ngô Quyền ?
2. Về thăm Hoa Lư, kinh đô nước Ðại Cồ Việt thời Ðinh và thời Tiền Lê
Cố đô Hoa Lư của hai triều đại Ðinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), nằm trong một vùng núi đá vôi có diện tích hơn 300 ha, giữa hai vòng thành : thành ngoại và thành nội, với những địa danh cổ kính : núi Ðầm, núi Chẽ, quèn Dót, núi Mồng Mang, tường Bồ, tường Bìm... Các nhà khảo cổ học đã đào được một số đoạn tường thành, móng thành, đá tảng, cọc gỗ, nền cung điện với những loại gạch có kích thước to lớn (30x16x4 cm) mang dòng chữ "Giang Tây quân" hay "Ðại Việt quốc quân thành chuyên". Cũng tại khu vực Hoa Lư đã đào được những cột kinh Phật thời Ðinh và Tiền Lê. Ðộng Hoa Lư là căn cứ ban đầu của Ðinh Bộ Lĩnh, mộ vua Ðinh còn trên đỉnh núi Mã Yên, và dưới chân núi là mộ vua Lê Ðại Hành.
Gần cố đô Hoa Lư có hai thắng cảnh là Bích Ðộng và Tam Cốc. Ði vào Bích Ðộng sẽ thấy những vú đá, măng đá đẹp độc đáo mà trí tưởng tượng người đời đã biến thành những tiên ông, tiên cô, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, đại bàng vẫy cánh... Từ Bích Ðộng khách du tiếp tục ngồi thuyền đi thăm thắng cảnh Tam Cốc (nghĩa là ba hang : hang Cả, hang Hai, hang Ba). Thuyền vào mỗi hang là vào cả một thế giới vừa mát lạnh, vừa kỳ ảo vì những thạch nhũ rủ xuống nhô lên óng ánh như những khối châu ngọc.
Hai di tích lịch sử - văn hóa quan trọng nhất của vùng Hoa Lư là Ðền vua Ðinh và Ðền vua Lê, chỉ cách nhau 500 m (nên dân gian thường gọi chung là đền Ðinh Lê), hai đối tượng sáng giá của một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam : hội Trường Yên.
3. Hội Trường Yên vang bóng văn hóa Hoa Lư
Ðể vinh danh hai vị vua, người dân Hoa Lư tổ chức một hội lễ tưng bừng kéo dài ba ngày, ngày chính là mồng 10 tháng Ba (trùng ngày với hội đền Hùng). Ca dao địa phương có câu:
Nào ai con cháu Rồng Tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về
Về thăm đền cũ Ðinh Lê
Non xanh nước biếc bốn bề thênh thang

Hội diễn ra tại khu vực đền vua Ðinh và đền vua Lê, tương truyền là được xây trên nền cung điện cố đô Hoa Lư.
Ðền vua Ðinh ở thôn Yên Thượng nên còn gọi là đền Thượng, xây trên khu đất rộng 5 ha, lấy núi Mã Yên làm tiền án và núi Dù làm hậu tẩm, gồm Bái Ðường (nhà tiền tế), nhà Thiên Hương (thờ bốn vị công thần nhà Ðinh) và Hậu Cung (chính cung) thờ tượng vua Ðinh và ba hoàng tử. Văn vật đáng chú ý nhất của đền vua Ðinh là Sập Rồng (long sàng) khắc nổi hình rồng phượng tinh vi, hai bên sập là hai con nghê đá càng làm tăng vẻ uy nghi của nội thất.
Ðền vua Lê ở thôn Yên Hạ nên gọi là đền Hạ, về kiến trúc đại thể cũng như đền vua Ðinh, nhưng qui mô nhỏ hơn. Trong đền thờ tượng vua Lê Ðại Hành, hoàng hậu Dương Vân Nga, Lê Long Ðĩnh (Lê ngọa triều) và tướng Phạm Cự Lượng. Nơi đây nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.
So với nhiều lễ hội khác trên đất nước ta, Hội Trường Yên có nhiều trò diễn và hoạt động văn hóa nghệ thuật hơn cả.
Mở đầu là lễ rước nước : đám rước lớn khởi hành từ đền vua Ðinh trong tiếng trống chiêng và nhạc của phường bát âm. Ði tới bến Trường Yên trên sông Hoàng Long rồi về lại đền.
Sau đó diễn ra nghi thức trọng thể nhất của hội là lễ tế, luôn luôn được cử hành về đêm. Ðèn được bật sáng hồng, ánh sáng hòa sắc với đồ tế khí óng ánh rực rỡ, làm cảnh quan càng thêm uy nghi. Ðặc biệt có hai cây nến to như hai cây cột cháy sáng rừng rực từ 6 giờ chiều tới nửa đêm. Trong lễ tế có sự hiện diện của hai ông thượng xướng, hạ xướng, ông chiêng, ông trống và chín ông đọc chín khúc của một bài ca nghi lễ dài ca ngợi công đức vua Ðinh. Sau mỗi khúc có hai nghệ nhân phường nhà trò, nữ hát ả đào, nam đệm đàn đáy, minh họa thêm cho nội dung khúc hát. Trong lúc ấy quần chúng nô nức reo hò trước cây pháo bông dựng trong sân đền.
Sáng ngày 10 tháng Ba (âm lịch), lễ dâng hương được cử hành cùng một lúc tại hai đền thượng và hạ, báo hiệu các trò vui của hội lễ sắp bắt đầu : trò "cờ lau tập trận" diễn ra tại bãi Hang Trâu, phía bên mặt đền vua Ðinh, với sự tham dự của từ 70 đến 100 thiếu niên 15-16 tuổi đóng vai trẻ chăn trâu đánh nhau, một trò chơi biểu lộ khí phách và tài năng của người anh hùng đã dẹp yên loạn 12 sứ quân, dựng lại nền thống nhất của Ðại Cồ Việt.
Sau cờ lau tập trận là trò "kéo chữ" diễn ra bên cạnh đền vua Lê. Một đoàn 32 thiếu niên 15-16 tuổi mặc đồng phục, thắt lưng xanh đỏ, mỗi em cầm một cuộn giấy màu sặc sỡ, xếp hàng một kéo dài cách nhau một mét chuyển động trên thảm cỏ xanh, để xếp thành hai chữ Hán : Thái Bình (niên hiệu triều vua Ðinh). Sau một hiệu trống, đoàn người kéo chữ ngồi đều đặn nhịp nhàng như bông hoa nở trông rất đẹp mắt. Lại một hiệu trống khác, đoàn người đứng dậy xếp thành hai chữ : Thiên Phúc (niên hiệu triều vua Lê). Rồi lại ngồi xuống theo hiệu trống tạo ra một quang cảnh uy nghi khác trong sự reo hò, hoan nghênh của nhiều ngàn người xem thuộc mọi lứa tuổi.
Sau trò kéo chữ, mọi người nghỉ ngơi một lúc rồi lại kéo nhau tới hai bên bờ đoạn sông Hoàng Long chảy qua trước mặt hai ngôi đền để xem trò bơi trải, kỷ niệm những cuộc duyệt quân thủy của vua Ðinh và vua Tiền Lê thuở xưa. Mỗi thôn của xã Trường Yên sắm một thuyền đua, gọi là trải. Trên mỗi trải có 9 trai bơi cường tráng, cởi trần, đóng khố, đầu quấn thủ rìu. Riêng người lái cắm một lá cờ nhỏ trên đầu, mỗi cờ một màu khác nhau. Cuộc đua diễn ra giữa những tiếng trống chiêng và hò hét vang trời.
Sau trò bơi trải mọi người nghỉ một lúc rồi tiếp tục tham gia hay thưởng thức những trò vui khác : múa rồng, đu tiên, đấu vật, chèo... cho tới nửa đêm là lúc Hội Trường Yên kết thúc với một trò vui tuyệt vời : đốt pháo bông. Các nghệ nhân pháo bông tài giỏi nhất của vùng Hoa Lư và cả tỉnh Ninh Bình đã khéo léo sáng tạo được hình ảnh vua Ðinh mặc hoàng bào, cỡi rồng hiện lên rực rỡ giữa không trung, một kỳ công mỹ thuật, mỹ nghệ dân gian không thấy ở các lễ hội khác.
4. Văn học, tư tưởng và tôn giáo thời kỳ văn hóa Hoa Lư
Thế kỷ 10, khi đất nước Ðại Cồ Việt của các vua Ngô-Ðinh-Tiền Lê bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài, cũng là lúc nảy sinh những mầm mống của một nền văn học dân tộc dưới hình thức chữ Hán và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Nhờ tác phẩm Thiền uyển tập anh (Tập hợp tinh hoa vườn thiền), ghi lại các tông phái thiền Việt Nam, và 68 tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng từ cuối thời Bắc thuộc cho đến đầu thời Trần mà chúng ta được biết về một số hoạt động nội chính, ngoại giao và một vài khuôn mặt lớn của văn hóa Hoa Lư.
Ðỗ Pháp Thuận (915-990) là một thiền sư và nhà thơ sống vào thời Ðinh-Tiền Lê. Nhờ kiến thức uyên bác, có tài văn thơ và tích cực tham gia vào việc khuôn phò nhà Tiền Lê thay thế nhà Ðinh nên ông được Lê Ðại Hành phong chức pháp sư. Cùng với các sư Khuông Việt và Vạn Hạnh, ôÂng đã cố vấn cho triều Tiền Lê về chính trị và ngoại giao. Vào năm 987, Lê Ðại Hành nhờ ông giả làm người lái đò đi tiếp sứ giả nhà Tống là Lý Giác. Trên đường đi tình cờ thấy đôi ngỗng bơi trên mặt nước, Lý Giác ngâm :
(tạm dịch)

Ngỗng kìa ngỗng một đôi
Nghểnh cổ nhìn chân trời
Sư Pháp Thuận vừa lái đò vừa ứng khẩu đọc tiếp :
Nước xanh lông trắng phủ
Sóng biếc chân hồng bơi
Bằng tài ứng đối mẫn tiệp, khả năng xướng họa thơ văn và vận dụng tri thức cổ học nhanh nhạy, ông đã làm cho Lý Giác khâm phục nên trước khi về Trung Quốc, sứ giả nhà Tống đã làm thơ để lại tặng ông. Khi Lê Ðại Hành hỏi ông về vận nước, ông trả lời vua bằng bài thơ vừa thắm đượm tinh thần thiền vừa phản ánh tinh thần hiếu hòa Việt Nam :
(tạm dịch)
Trả lời nhà vua hỏi về vận nước
Vận nước như mây quyện
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện gác
Chốn chốn dứt đao binh
Ngô Chân Lưu (933-1011), tên quen gọi là đại sư Khuông Việt, sống ở thời Ðinh và Tiền Lê. Vì nổi tiếng tinh thông thiền học nên ở tuổi 40 ông được Ðinh Tiên Hoàng mời về Hoa Lư phong chức tăng thống. Sau khi Lê Ðại Hành lên ngôi, ông lại càng được trọng đãi trong chức vụ cố vấn của triều đình. Cùng với sư Pháp Thuận, ông được cử đi đón tiếp Lý Giác, sứ giả nhà Tống. Khi Lý Giác sắp về nước, Lê Ðại Hành nhờ ông làm bài thơ tiễn, lời lẽ trân trọng, thắm thiết làm sứ giả xúc động khâm phục và có lẽ đã hiểu rằng tuy là áng văn chương thù tạc ngoại giao với lời lẽ nhún nhường nhưng vẫn chứa đựng cả một tinh thần tự cường, tự trọng của vua tôi nhà Tiền Lê :
(tạm dịch)
Chàng Vương trở về
Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Ngóng vị thần tiên lai đế hương
Non nước ngàn trùng vượt đại dương
Trời xa bao dặm trường
Tình thắm thiết, chén đưa đường
Vin xe sứ giả lòng vấn vương
Dám nhờ tâu rõ cùng thánh thượng
Lưu ý chốn biên cương
Vạn Hạnh (?-1018) là nhà sư và nhà thơ nổi tiếng thông minh từ nhỏ, tinh thông Phật, Lão và Nho, mặc dầu tu hành nhưng vẫn quan tâm tới các biến cố chính trị, xã hội, từng vào triều bàn bạc, cố vấn cho Lê Ðại Hành trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Ðến cuối thời Tiền Lê, ông đã tham gia vạch kế hoạch khuông phò Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra nhà Lý nên được Lý Thái Tổ trọng vọng tôn làm quốc sư. Sư Vạn Hạnh sáng tác những gì và số lượng bao nhiêu chưa rõ nhưng trong số thơ văn còn lại của ông nổi tiếng nhất là bài thơ Bảo học trò làm trước lúc mất, bàn giải về lẽ xoay vần tự nhiên giữa sống và chết, và khuyên bảo đồ đệ hãy có cái nhìn tỉnh táo, triết lý, tiếp nhận cái chết một cách điềm nhiên, không sợ sệt :
(tạm dịch)

Bảo học trò
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
Qua thơ Vạn Hạnh có thể thấy được một sự hòa quyện sâu đậm giữa tín ngưỡng dân gian với tư tưởng Phật giáo.


Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved