Home » » Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011 | 03:40

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm Lê Văn Hảo
Chúng ta đã vượt không gian đi từ Lũng Cú tới Cà Mau, từ Trường Sơn tới Biển Đông để thăm thú hơn mười đại vùng và vùng văn hóa của dân tộc (xem "Việt Nam nước non ngàn dặm " ). Bây giờ hãy vượt thời gian đi từ thuở các vua Hùng, vua Thục, vua Trưng tới ngày nay để :
Thử điểm lại các thời đại và thời kỳ của lịch sử văn hóa văn minh Việt Nam.
Sau đây là một giả thuyết làm việc để tiếp tục tìm hiểu các vấn đề phân vùng, phân kỳ và định danh (đặt tên) trong nghiên cứu văn hóa văn minh.
Lịch sử nền văn hóa văn minh Việt Nam trải qua bốn thời đại lớn, dài ngắn khác nhau.
1. Thời cổ đại gồm :
- Thời đại Hùng-Thục-Trưng, hay thời đại văn hóa Đông Sơn, văn minh sông Hồng, văn minh Việt cổ (khoảng từ thế kỷ 7 trước CN tới thế kỷ 1 sau CN),
- và thời kỳ giao lưu tiếp biến văn hóa Việt-Ấn, Việt-Hoa (từ sau Hai Bà Trưng tới trước Ngô Quyền : 43-938).
tượng người Việt cổ
quỳ dâng đèn.

2. Thời trung-cận đại hay thời đại Đại Cồ Việt - Đại Việt - Việt Nam - Đại Nam (938-1885) gồm :
- Thời Ngô-Đinh-tiền Lê là thời kỳ văn hóa Hoa Lư (từ Ngô Quyền đến hết nhà Đinh) ;
- Thời Lý-Trần-Lê sơ là thời kỳ phục hưng văn hóa dân tộc đầu tiên, thời kỳ bắt đầu hưng khởi của văn hóa Thăng Long (thế kỷ 10-thế kỷ 15) ;
- Thời Mạc-Trịnh- là thời kỳ phục hưng văn hóa dân gian và cũng là thời kỳ thịnh đạt của văn hóa Thăng Long ở Đàng Ngoài (đầu thế kỷ 16-cuối thế kỷ 18) ;
- Thời các chúa Nguyễn là thời kỳ bắt đầu hưng khởi của văn hóa Phú Xuân ở Đàng Trong (1558-1788) ;
- Thời Tây Sơn-Nguyễn là thời kỳ thịnh đạt của văn hóa Phú Xuân trên toàn lãnh thổ đất nước (1789-1885).
3. Thời cận-hiện đại là thời kỳ giao lưu tiếp biến mạnh mẽ văn hóa Việt Nam-văn hóa phương Tây (1885-1975)
4. Thời hiện đại - hiện kim là thời kỳ thống nhất lại đất nước, hiện đại hóa văn hóa dân tộc, giao lưu tiếp biến văn hóa thế giới
*
* *
1. Thời đại Hùng-Thục-Trưng
hay
thời đại văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ
Thời đại đầu tiên này của lịch sử văn hóa văn minh dân tộc còn để lại nhiều vết tích, di tích trên nửa phía Bắc đất nước ta, từ biên giới Việt-Trung tới xứ Nghệ. Đó là những đền Hùng, đền Gióng, đền Cổ Loa, đền Cuông, đền Hai Bà Trưng : ở các nơi này nhiều lễ hội lớn đã và đang được tổ chức vào mùa Xuân để chào mừng các anh hùng dựng nước và giữ nước thời Văn Lang-Âu Lạc. Theo truyền thuyết, 18 vua Hùng là con cháu của vua Rồng xứ Lạc và nàng Tiên xứ Âu. Tiên và Rồng kết hôn với nhau, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm con trai, tổ tiên xa xôi của người Việt : từ đó người Việt thân ái gọi nhau là đồng bào (cùng một bọc).
Về sau, mẹ Âu chia tay cha Rồng, 50 người con theo mẹ lên vùng núi và trung du ; 50 người con theo cha xuống đồng bằng và vùng biển. Người con cả được tôn làm vua Hùng, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ) truyền ngôi được 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Về sau, các nhà sử, nhà văn (trong Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái...) sẽ đưa các vua Hùng của thời huyền thoại này vào chính sử.
Vua Thục tên Phán, hiệu An Dương Vương, ở vùng núi phía Bắc nước Văn Lang, từng xung đột với vua Hùng, cũng từng thắng quân Tần xâm lược, đã lên nối ngôi Hùng Vương và hợp nhất xứ Tây Âu với xứ Lạc Việt thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa. Được Rùa thần cho móng làm lẫy nỏ, bắn trăm phát trăm trúng, vua nhiều lần đánh bại Triệu Đà nhưng vua Triệu đã dùng mưu kế cho con là Trọng Thủy cầu hôn với công chúa Mỵ Châu để ăn cắp nỏ thần, rồi tráo trở đem quân qua đánh sui gia (179 trước Công Nguyên). Vua Thục thua chạy tới vùng Cuông (Nghệ An, nơi có nhiều chim công, thổ ngữ xứ Nghệ gọi là cuông), rồi được Rùa Vàng rước xuống Biển Đông.
Còn Trưng Trắc là một thủ lãnh dòng Lạc tướng, cùng em là Trưng Nhị, đứng lên xưng vương khởi nghĩa chống ách thống trị của quân Đông Hán, cả hai nữ anh hùng đều hy sinh trên sông Hát (năm 43), chấm dứt thời đại độc lập tự do của tổ quốc Văn Lang-Âu Lạc.
Sự hình thành và hưng khởi của văn hóa Đông Sơn
Các vua Hùng-Thục-Trưng (thế kỷ 7 trước CN - thế kỷ 1 sau CN) đã chứng kiến sự hình thành và hưng khởi của văn hóa Đông Sơn (tên do người châu Âu đặt theo tên di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã, Thanh Hóa), còn ta thì gọi là nền văn hóa Văn Lang-Âu Lạc, hay văn minh sông Hồng, văn minh Việt cổ. - Cùng thời với văn hóa văn minh Hy Lạp cổ đại, văn hóa Đông Sơn là một nền văn minh xán lạn, đó là điều cần khẳng định và chứng minh.
rìu bằng đồng .

- Nó có địa bàn rộng lớn trên phần đất phía Bắc của tổ quốc, từ biên giới Việt-Trung tới sông Gianh ;
- Các địa điểm của nó bao gồm những làng xóm (tên cổ là chạ, là kẻ), có ruộng vườn để trồng lúa nước và nhiều loài rau quả, có cả khu mộ địa (mộ huyệt đất, mộ vò, mộ thuyền làm bằng quan tài thân cây khoét rỗng) ;
Chủ nhân của nó có cuộc sống vật chất và tinh thần ở trình độ cao, thể hiện ở bộ đồ dùng, đồ nghề, đồ trang sức, nhạc khí, vũ khí : nào là thố, bình, thạp ... , nào là dáo, dao găm (đẹp nhất là loại có cán hình người, hình động vật ...), nỏ và mũi tên (trong lòng đất thành Cổ Loa đã tìm thấy hơn 10.000 mũi tên đồng), nào là cồng chiêng, chuông nhạc, lục lạc, mõ, sênh phách, khèn, trống da, trống đồng, v.v.
Đặc biệt người Việt cổ đã có những khái niệm về số học và hình học, về đối xứng (đối xứng gương, đối xứng trục, đối xứng tịnh tiến), đã biết sử dụng một loại compa và đã nắm vững nhiều nghề thủ công từ đơn giản tới phức tạp : gốm, mộc, sơn, luyện kim, chế tác kim loại. Họ đã đúc trống đồng, thạp đồng Đông Sơn nổi tiếng : các trống Ngọc Lũ, thạp Đào Thịnh... là những kiệt tác về kỹ thuật và mỹ thuật mà những kỹ sư đúc đồng lành nghề người Việt, người Nhật... ngày nay chưa tìm ra được bí quyêt chế tạo. Cho nên đúc lại trồng đồng Đông Sơn cũng chỉ thành công khoảng 75-80% mà thôi. Điều thú vị là hiện nay một trống đồng Đông Sơn là chiếc trống Ngọc Lũ được các cụ nghệ nhân đúc đồng chế tác lại, đang được trưng bày tại tiền sảnh đường của Liên Hiệp Quốc ở New York để đại diện cho văn hóa văn minh Việt Nam.
Người Việt cổ còn văn minh ở chỗ họ đã để lại cho đời sau những hình ảnh tốt đẹp của mình qua các pho tượng, các hình chạm khắc trên trồng đồng, thạp đồng... Qua những hiện vật quí hiếm ấy, tổ tiên Việt cổ mách bảo cho ta biết : họ ở nhà sàn, dựng nhà kho, làm thuyền lớn để đi trên sông biển, thích tổ chức hội mùa để vui chơi múa hát, có khi cầm theo cả vũ khí để phô trương lực lượng. Họ chăn nuôi nhiều gia súc : gà, heo, chó, voi... Họ sống hài hòa với chim trời, thú rừng. Họ đã có những tín ngưỡng, tôn giáo như biết chôn cất người chết, có lẽ biết thờ vật tổ, họ tổ chức bơi chải cầu mưa, cho gái trai tự do thương yêu để tác động đến cỏ cây, mùa màng, thời tiết theo tín ngưỡng phồn thực thấy ở nhiều dân tộc khác.
Từ bốn hội nghị khoa học về Hùng Vương tới "Hành trình về thời đại Hùng Vương"
Trong thập niên 1970 của thế kỷ trước, khói lửa của cuộc nội chiến tương tàn nồi da xáo thịt đã ngập tràn. Người Việt ta ở hai miền Nam Bắc, con cháu các vua Hùng, vua Thục, vua Trưng, vua Triệu, vì những lý do ý thức hệ đã say sưa bắn giết nhau bằng vũ khí hiện đại do nước ngoài cung cấp, thật rất đau lòng. Nhưng vào lúc ấy, tôi lại có may mắn được dự liên tiếp bốn hội nghị khoa học về thời đại Hùng Vương, được tổ chức ngay trên mảnh đất trung du, gần đền và mộ vua Hùng. Tôi cũng đã được đến thăm các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng : Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn, Việt Khê... Sau đó được sự khuyến khích, giúp đỡ quí báu của một số đồng nghiệp và bạn bè, những Cao Huy Đỉnh, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Lan, Đặng Văn Lung, Nguyễn Hữu Thu... người còn kẻ mất, cũng như của các anh chị ở Sở Văn Hóa Vĩnh Phú và Viện Bảo Tàng Hùng Vương, tôi đã mạnh dạn soạn tập sách Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước cho giới thanh niên, sinh viên, được nhà xuất bản Thanh Niên công bố (1982), rồi tái bản (2000), và mới đây lại được bạn Lại Như Bằng đưa lên website của tạp chí điện tử Chim Việt Cành Nam
Nhờ đó tôi đã có dịp trình bày với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước gần 20 đề tài tôi quan tâm tìm hiểu :
- Hùng Vương, từ trong mây mù huyền thoại tới hiện thực lịch sử,
- Hành hương về đất tổ trung du : đền Hùng và hội đền Hùng,
- Hùng vương đã khơi nguồn truyền thống thống nhất và văn minh cho dân tộc,
- Đi tìm dấu vết một thời đại trên những di tích khảo cổ,
- Bên bờ sông Hồng, sông Mã, chứng tích của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ,
- Ngắm nghía và suy nghĩ về văn vật kỳ diệu nhất của thời đại dựng nước : trống đồng Đông Sơn,
- Thiên nhiên thời Hùng Vương,
- Thăm lại làng xưa chạ cổ cách nay mấy ngàn năm
- Cuộc sống đầm ấm của gia đình Việt cổ
- Nếp phong tục thuần phác cổ xưa,
- Hội làng, hội mùa thời Hùng Vương,
- Những nghệ sĩ tạo hình Việt cổ tài hoa,
- Thần thoại và truyền thuyết anh hùng Việt cổ,
- Tín ngưỡng và tư duy người xưa,
- Thời đại Hùng Vương đã khơi nguồn truyền thống thượng võ của dân tộc,
- Bản anh hùng ca dựng nước, xây thành, chống Tần, chống Triêïu của vua Thục
- Hai chị em bà Trưng khởi nghĩa chống Hán, lập chiến công oanh liệt ngàn thu.
Ngẫm nghĩ về thời đại Hùng-Thục-Trưng và tinh hoa văn minh Việt cổ
Hôm nay, đối với những đồng bào và bầu bạn chưa nắm vững lịch sử văn hóa văn minh của cha ông, khởi đầu từ thời đại Hùng-Thục-Trưng mà lại hờ hững coi thường, hay đánh giá không thỏa đáng, tôi muốn đưa ra vài ngẫm nghĩ: Trong bản trường ca dựng nước, giữ nước, sáng tạo văn hóa văn minh của dân tộc ta, có một thời đại Văn Lang-Âu lạc lâu đời và tốt đẹp. Tinh thần mở núi phá đá, làm chủ thiên nhiên, dựng nên ruộng vườn, sáng tạo văn hóa, quyết thắng thù trong giặc ngoài của mẹ Âu và cha Rồng, của ông Gióng, ông Tản, của vua Hùng, vua Thục, vua Trưng, vua Triệu, vua Đen... vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước, yêu nước thương dân của người Việt Nam trước đây, hôm nay và mai sau.
Vì muốn trả ơn dân đền nợ nước nên người Việt luôn có ý chí giành độc lập cho nước, tự do và hạnh phúc cho dân, với mối tình gắn bó nước với nhà, làng với nước, đồng bào với nhau, cộng với đức tính cần cù, ham học, thông minh, sáng tạo, mềm mỏng nhẫn nại mà không khuất phục trước bất cứ nghịch cảnh nào : tất cả những nét đặc sắc đó của tính cách dân tộc đã xuất hiện nơi con người Việt cổ, những người làm ruộng nước, đúc trống đồng, vui hội mùa và quyết liệt chống giặc.
Phải nhấn mạnh rằng, trên dải đất mà ngày nay hơn 80 triệu đồng bào chúng ta đang lao động vất vả và không ngừng đấu tranh cho dân chủ tự do để đắp xây hạnh phúc cho chính mình và cho muôn đời con cháu, đã xuất hiện trước đây nhiều ngàn năm một nền văn minh Việt cổ, còn gọi là văn minh sông Hồng ở trình độ cao, là một đóng góp đáng kể vào lịch sử văn minh nhân loại, và là niềm tự hào chính đáng của một dân tộc văn hiến lâu đời.
Tìm hiểu sâu sắc thời đại Hùng-Thục-Trưng, các bạn sẽ thấy con người Việt cổ hăng say trong lao động sản xuất và phát huy nghị lực để chế ngự thiên nhiên, chiến thắng giặc giã, cũng là con người nhởn nhơ vui chơi múa hát trong ngày hội mùa, ung dung thư thái thổi khèn, giã trống, giã cối, đánh cồng chiêng, hay nhiệt tình tham gia các cuộc đua thuyền rộn rịp trên sông nước.
Sau những tháng ngày vất vả làm ăn, khẩn trương đánh giặc, người Việt cổ tự ru mình trong giấc mơ thanh bình, trong ước vọng mưa hòa gió thuận, mùa màng bội thu, con đàn cháu đống và cả trong niềm khát khao cái đẹp. Người Việt cổ yêu cái đẹp, cần cái đẹp trong sinh hoạt nghệ thuật cũng như trong cuộc sống hàng ngày như một nhu cầu về sự tế nhị hài hòa, tròn trặn, vuông vức, đối xứng, cân phân, gọn mắt, vừa tay, vừa tầm con người.
Từ chiếc thuyền độc mộc thon thả, ngôi nhà sàn mái cong cong đến hình dáng khỏe mà thanh của ngọn giáo, cán dao găm, dáng hình hài hòa cân đối của cổ trống, chiếc thạp... sắc thái dân tộc tỏa ra tươi mát, vừa mềm mại uyển chuyển vừa rắn rỏi vững vàng như muốn phản ánh tâm hồn Việt cổ tao nhã mà hăng say, thành khẩn mà vẫn dung dị.
Mặc dù trình độ trí tuệ đã khá cao, thể hiện qua các khái niệm về hình học, số học, về đối xứng, cân phân, qua những sáng tạo nghệ thuật đáng kể như các pho tượng, các trống, thạp, văn minh Việt cổ đã không sản sinh những nhà hiền triết, nhà bác học, những áng văn lớn như ở Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ cùng thời, không để lại những công trình kiến trúc kỳ vĩ như tháp chữ Kim, khu đền Parthénon, Trường Thành Vạn Lý... Nền văn minh được tượng trưng bằng trống đồng Đông Sơn quả thật khiêm tốn quá, thiếu hẳn cái lộng lẫy, đồ sộ, nguy nga thấy ở các thành tựu khác của một số nền văn minh cổ đại.
Thật ra tiêu chuẩn chân chính của một nền văn minh không phải ở kích thước to lớn, số lượng phong phú. Một nền văn minh thực sự lớn là ở những giá trị tinh thần, những bài học về phẩm chất con người, về chủ nghĩa nhân văn truyền lại cho đời sau. Người Việt cổ thực sự văn minh vì tuy có chú trọng tới vật chất, sản xuất, văn nghệ như làm ruộng nước, tạc tượng, đúc trống, mở hội... nhưng chủ yếu họ hướng vào chiều sâu của tâm hồn, tình cảm, ý chí, và phẩm chất con người. Người Việt cổ không vì hư danh, vì hưởng thụ mà xây dựng những công trình to lớn, hao công tốn của, phải hy sinh nhiều mạng người để chiều theo ước vọng ngông cuồng của bọn bạo chúa. Tổ tiên Việt cổ của chúng ta chỉ muốn phát huy cái thông minh sáng tạo, cái khéo léo tài hoa để phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng, phục vụ dân lành mà thôi.
Tinh hoa của nền văn minh Việt cổ, theo tôi nghĩ, chính là tấm lòng yêu nước, mến dân, thương người, vì hạnh phúc của đồng bào và người thân mà lao động hăng say, chiến đấu gan dạ, ước mơ hòa hợp, khao khát thanh bình. Tinh hoa Việt cổ là ở cái tinh vi, tế nhị, hài hòa, tao nhã, tô điểm cho cuộc sống hàng ngày (trống đồng, thạp đồng đã nói lên được điều đó). Tinh hoa Việt cổ bao gồm những giá trị nhân văn thiết thực, gần gũi với con người chứ không phải ở những kỳ tích, những tư tưởng cao xa diệu vợi đối với con người.
Lê Văn Hảo
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved