Home » » PHƯƠNG PHÁP ĐI TỪ TRỪU TƯỢNG ĐẾN CỤ THỂ

PHƯƠNG PHÁP ĐI TỪ TRỪU TƯỢNG ĐẾN CỤ THỂ

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012 | 07:26

V.I.LÊNIN PHÁT TRIỂN PHƯƠNG PHÁP ĐI TỪ TRỪU TƯỢNG ĐẾN CỤ THỂ
 
NGUYỄN ANH TUẤN (*)
Phát triển lý luận một cách sáng tạo luôn được V.I.Lênin coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Dù bận với rất nhiều công việc thực tiễn  lãnh đạo công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới ở nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, ông vẫn dành sự quan tâm thoả đáng cho việc luận chứng về phương diện lôgíc chương trình lý luận của chế độ xã hội mới. Buộc phải hiểu một cách cụ thể về xã hội tương lai để biến chương trình lý luận này thành hiện thực, trong lúc mới chỉ có mầm mống của chủ nghĩa cộng sản, V.I.Lênin đã nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản không phải từ việc vạch ra xuất phát điểm ở hiện thực cùng cấp với nó, mà ở hiện thực mới chỉ bắt đầu xuất hiện những mầm mống yếu ớt của tương lai. Chính cách tiếp cận này đã giúp ông phát hiện ra điểm khởi đầu lý luận và thực tiễn cộng sản chủ nghĩa và qua đó, đã phát triển phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể mà Hêghen và C.Mác đã xây dựng. Trong bài viết này, tác giả đã làm rõ cống hiến lý luận đó của V.I.Lênin.
Vấn đề xác định khởi điểm của phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể trên bình diện lý thuyết đối với các hệ thống đã hình thành và đang trong quá trình sinh thành là hết sức quan trọng. Với suy nghĩ đó, trong bài viết này, trên cơ sở phân tích những chỉ dẫn của V.I.Lênin về cách thức xây dựng xã hội mới ở nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, chúng tôi cố gắng luận chứng cho tính hiệu quả cao của việc lựa chọn đúng khởi điểm nghiên cứu theo phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể đối với việc xây dựng mô hình lý thuyết của một hệ thống đang hình thành và đối với hoạt động thực tiễn của chủ thể tự giác. 
Chúng ta đều biết, chỉ với một thời gian ngắn sau Cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin không thể chuyên tâm vào việc nghiên cứu lôgíc học. Nhưng, cuộc Cách mạng này và sự bắt đầu hình thành hiện thực xã hội mới đã đặt ra trước ông nhiệm vụ phải giải quyết nhiều vấn đề khoa học hoàn toàn mới, trong đó có cả những vấn đề thuộc về lôgíc học. Cái mới chỉ vừa nảy sinh, cái cũ còn ngự trị khắp nơi, và theo cách nói của V.I.Lênin, hiện thực xã hội còn “mờ ảo”, “chưa rõ ràng”, “đa chiều kích”, “lá mặt lá trái”… Trong bối cảnh đó, dù phải cố gắng suy ngẫm lý luận về những nhiệm vụ cụ thể đang đặt ra trước xã hội Xô viết, V.I.Lênin vẫn quan tâm nhiều đến việc luận chứng về phương diện lôgíc cho chương trình lý luận của chế độ xã hội mới. Và, tiến trình giải quyết những nhiệm vụ thuần tuý thực tiễn, V.I.Lênin đã vạch ra sự phụ thuộc trực tiếp của nó vào việc giải quyết những nhiệm vụ lý luận. Có thể thấy chỉ dẫn của ông về sự phụ thuộc của thực tiễn vào lý luận ở luận điểm sau đây: “Chính trong việc chấp hành những nhiệm vụ sơ đẳng đó mà chúng ta thường hay gặp những trở ngại. Xét về phương diện lịch sử, thì điều đó không có gì đáng lo ngại cả, vì trong việc xây dựng những hình thức mới, đến nay chưa từng biết, cần phải dành một thời gian nhất định để vạch kế hoạch tổ chức chung, kế hoạch này sẽ phát triển trong quá trình công tác”(1). 
Sự phát triển xã hội loài người ở các giai đoạn trước xã hội chủ nghĩa được đặc trưng bởi sự hiện hữu của cái chung trong chính hiện thực, nhưng đối với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa - cộng sản chủ nghĩa thì cái chung đó mới chỉ có dưới dạng kế hoạch, cương lĩnh, viễn cảnh xa xôi do sự nghiệp sáng tạo tương lai mang lại. Hiện thực xã hội từ chỗ phát triển tự phát bắt đầu trở thành sự hiện thực hoá của chương trình lý luận. Vì thế, nếu đối với C.Mác, việc suy ngẫm về hiện thực xã hội, về cơ bản, là sự suy ngẫm về cái đã hiện diện, thì nhiệm vụ của V.I.Lênin phức tạp hơn. Cần phải hiểu, việc diễn đạt được dưới dạng khái niệm một tương lai còn xa là để giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn gần gũi, sơ đẳng. Chương trình lý luận xây đắp tương lai xuất hiện không đơn giản từ mong muốn của con người. Nó cần phải là sự triển khai, “xoay vần” những yếu tố đặc thù nào đó của hiện thực xã hội đang có. Do vậy, chúng ta có thể diễn đạt cách tiếp cận như thế của V.I.Lênin với việc xác định xuất phát điểm của lý thuyết bằng chính những lời mà ông đã viết ra trước đó trong Bút ký triết học: “Phải rút ra những phạm trù (mà không phải lấy ra một cách độc đoán hay máy móc)…, xuất phát từ những cái cơ bản đơn giản nhất… (không lấy những cái khác) – ở đây, trong những phạm trù đó “toàn bộ sự phát triển là nằm trong mầm mống đó”(2).   
Như vậy, có thể nói, sự khác biệt lôgíc giữa chương trình lý luận nhằm sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản với các lý luận khác, trước hết là ở chỗ, nó không là và không thể là sự khái quát giản đơn các dữ kiện. Nói chung, nó không thể là sự tổng kết khái quát. Nó là sự rút ra một cách lý luận từ những “viên gạch”, “chất liệu”, cơ sở, tế bào, yếu tố, mầm mống, bào thai đã được xác định nghiêm ngặt, được phân tách rạch ròi nào đó của cái mới.
Cả Hêghen lẫn C.Mác đều hiểu sự tồn tại của cái thấp trên cơ sở của cái cao như sau: “Giải phẫu học về con người là cái chìa khoá cho giải phẫu học về con khỉ. Ngược lại, người ta chỉ có thể hiểu được những dấu hiệu báo trước cái cao hơn trong các loại động vật cấp thấp khi người ta biết được bản thân cái cao hơn đó”(3). Còn V.I.Lênin thì buộc phải đi theo đường khác. Ông cần phải hiểu một cách cụ thể về xã hội tương lai, trong lúc mới chỉ có “cái thấp”, mới chỉ có những mầm mống của chủ nghĩa cộng sản để sau đó, biến chương trình lý luận này thành hiện thực.
Trong Tư bản, C.Mác đã khẳng định: “Nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn là nghiên cứu một tế bào của cơ thể đó”(4). Còn V.I.Lênin thì buộc phải bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản không phải từ việc vạch ra xuất phát điểm, “cái tế bào” từ hiện thực cùng cấp với nó, mà từ hiện thực mới chỉ bắt đầu sinh ra những mầm mống hết sức yếu ớt của tương lai. Điều đó đã buộc V.I.Lênin phải đi con đường phức tạp hơn nhiều, nhưng là duy nhất có thể có về mặt lôgíc trong những điều kiện mới.
Đi theo con đường này, V.I.Lênin đã phát hiện ra trong “ngày thứ bảy cộng sảncái cơ sở, bước khởi đầu, điểm xuất phát của lý luận và thực tiễn cộng sản chủ nghĩa. Sự phân tích về “ngày thứ bảy cộng sản” đã cho phép V.I.Lênin phân biệt được chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc và đầy đủ hơn. Nếu như ở Đại hội VII (3 - 1918) của Đảng Bônsêvích Nga, V.I.Lênin còn cho là không thể nêu ra một cách khá đầy đủ những đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản bởi khi đó, còn chưa có “chất liệu” mà từ đó, “hình thành lên chủ nghĩa cộng sản”(5), thì tại Hội nghị Đảng lần thứ VIII (12 - 1919), ông  đã nêu được đặc trưng đó. Điều hết sức quan trọng là, V.I.Lênin đã “rút thẳng” đặc trưng đó từ sự phân tích về “ngày thứ bảy cộng sản”(6). 
V.I.Lênin đã gắn “ngày thứ bảy cộng sản” với xã hội cộng sản phát triển, “rút ra” xã hội đó từ “ngày thứ bảy cộng sản”. Không chỉ thế, ông còn nhìn thấy ý nghĩa vĩ đại nhất của những “ngày thứ bảy cộng sản” đó là ở chỗ, chúng là sự nghiệp của lý trí và khát vọng của chính công nhân, là sự sáng tạo tự giác của họ. Thế giới mới đang xuất hiện với những quy luật phát triển đặc thù khi cuộc sống trở thành sản phẩm sáng tạo có ý thức của trí tuệ và của cánh tay con người được phản ánh trong chúng. Có thể nêu đặc trưng, mô tả quá trình “rút ra” đó một cách đơn giản nhất bằng các khái niệm của lý thuyết về phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể. Theo nghĩa đó, điều đáng chú ý là việc V.I.Lênin chuyển từ việc sử dụng các thuật ngữ “cơ sở”, “vật liệu”, “viên gạch”, “phần tử” để diễn đạt xuất phát điểm của cách hiểu cụ thể về xã hội cộng sản sang sử dụng các thuật ngữ “khởi đầu”, “mầm mống”, “sáng kiến”, “phôi thai”, “bước đầu tiên”. Vậy, vấn đề ở đây là gì?
Chủ nghĩa cộng sản đang còn là cái phải xây dựng trước mắt, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. Với tư cách nhà khoa học thực thụ, V.I.Lênin không thể lấy “ngày thứ bảy cộng sản” làm phần tử, cơ sở, tế bào của các hình thái cộng sản chủ nghĩa phát triển để gán ép cho hiện thực xã hội. Giả định, “ngày thứ bảy cộng sản” trở thành yếu tố của chủ nghĩa cộng sản phát triển đã là sự trừu tượng “quá mức”, là cái giáp ranh với ảo tưởng trống rỗng. V.I.Lênin không thể đưa ra một giả định như vậy. Do vậy, khi đó, một cách tất yếu, ông phải ghi nhận chỉ một thời đoạn trong sự mô tả lôgíc về “ngày thứ bảy cộng sản” - đó chính là thời đoạn khởi đầu, là xuất phát điểm.
Chúng ta hãy so sánh cơ sở (khởi điểm) của phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể mà ở Hêghen là tồn tại, ở C.Mác là hàng hoá và ở V.I.Lênin là “ngày thứ bảy cộng sản”.
Trước hết, chúng ta thấy ở đây đã có sự thay đổi về đối tượng nghiên cứu. Khởi điểm ở Hêghen – tồn tại trống rỗng – là sản phẩm của tinh thần tư biện, của hoạt động lý luận thuần tuý và được thực hiện không phải bởi con người như là chủ thể, mà là thông qua con người, bằng con người như là công cụ của tinh thần. Và, Hêghen đã ghi lại dưới dạng bị tha hoá tính chất sáng tạo của hoạt động tinh thần ở con người. Khởi điểm ở C.Mác – hàng hoá – cũng là sản phẩm của hoạt động con người, được con người biến thành cái không còn phụ thuộc vào mình, thù địch với mình và trở lại nô dịch chính mình. Đó cũng là sản phẩm tự tha hoá của con người. Còn với “ngày thứ bảy cộng sản”, V.I.Lênin đã ghi lại khởi điểm này như là sự vượt bỏ mọi loại hình tha hoá. Đó là một thời đoạn của hoạt động sáng tạo toàn diện ở con người. Đặc thù, bản chất của hoạt động xã hội mới về chất đều “tập trung” trong nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, hoạt động xã hội trở thành sáng tạo, thành sự tạo lập tương lai một cách tự giác, là “sự triển khai” có ý thức, là mầm mống của tương lai trong hiện tại.
Trong xã hội tiền cộng sản chủ nghĩa, với tính thiếu sáng tạo trong sự phát triển xã hội của con người thì mục đích, tương lai trùng với quá khứ; còn kết quả thì đã được cho từ trước và coi như là mục đích. Với tính chất sáng tạo trong tiến bộ xã hội của con người thì thực tiễn là sự hiện thực hoá chương trình lý luận. Viễn cảnh không còn là sự di chuyển giản đơn quá khứ và hiện tại vào tương lai. Nói cách khác, sự sáng tạo không thể được thực hiện như là chức năng của các kết quả hoạt động quá khứ.  
 Như vậy, có thể nói, khởi điểm ở V.I.Lênin khác về chất so với ở Hêghen, cũng giống như tự hoạt động, tự khai triển, tự khẳng định khác với tự tha hoá. Chỉ có việc cả hai khởi điểm này đều là kết quả của hoạt động sáng tạo là điểm chung của chúng. “Ngày thứ bảy cộng sản” với tư cách sự kiện hoạt động được ý thức cũng khác về chất với hàng hoá vốn là kết quả tự phát của sự phát triển xã hội của con người. Điểm chung của cả hai ở đây là, chúng đều là những sự kiện thực của hiện thực xã hội, những sự kiện của hoạt động kinh tế thực tiễn của con người. Nhưng, nếu đối với hàng hoá, tính chất kinh tế là hình thái tồn tại tất yếu của nó, thì đối với “ngày thứ bảy cộng sản” - đó có vẻ là ngẫu nhiên hơn là tất yếu, hơn là quy luật. Theo đó, có thể nói, điểm khởi đầu ở V.I.Lênin, trên một bình diện nào đó, là tổng hợp các điểm khởi đầu ở Hêghen và ở C.Mác.
Về mặt nội dung, có thể ghi nhận hai điểm đặc trưng của “ngày thứ bảy cộng sản” là: 1) tính chỉnh thể của con người, sự thủ tiêu do họ thực hiện tính tự phân tán thông qua sản xuất vật chất, và 2) tính trực tiếp của mối liên hệ giữa con người và xã hội, tính đồng nhất của các quá trình phát triển của chúng.
Phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể ở Hêghen và ở C.Mác được ứng dụng với những thời đoạn “khách quan” của sự phát triển con người mà con người đặt giữa mình với bản tính xã hội của mình, khoác thêm cho chúng những phẩm chất chủ quan, đặt chúng đối lập với mình và thậm chí, còn bắt mình phải phục tùng chúng. Ở Hêghen - đó là quá trình phát triển xã hội của văn hóa, của hoạt động tinh thần, của sản xuất tinh thần. Ở C.Mác - đó là quá trình phát triển các năng lực sản xuất của con người, là hoạt động sản xuất vật chất của họ. Còn trong “ngày thứ bảy cộng sản”, V.I.Lênin thấy ẩn sau tất cả những yếu tố trung gian là tính đồng nhất của con người với xã hội. Văn hóa vật chất và tinh thần con người đối với họ trở thành quá “trong suốt” đến độ họ nhìn thấy chính mình trong đó và thông qua đó, bắt đầu đánh đồng nó với mình, với quá trình tự phát triển, tự hoàn thiện của mình. Quá trình nắm bắt văn hóa vật chất và tinh thần đã vươn xa tới mức mà sự chú ý của con người đã không còn dừng lại ở thời đoạn trung giới như vốn có ở sự phát triển của nó, mà còn vượt tiếp. Tất cả các lĩnh vực hoạt động người ở V.I.Lênin đều được hiểu như là các hình thái tồn tại hiện hữu bên ngoài của con người.
Theo C.Mác, xã hội đối kháng được đặc trưng bởi nguyên tắc phát triển mình bằng cách phát triển giới tự nhiên bên ngoài(7). Còn trong “ngày thứ bảy cộng sản”, theo V.I.Lênin, chính con người trở thành “đối tượng” cơ bản của họ. Bởi thế, sự thay đổi con người bởi chính con người đồng thời cũng là việc con người tự làm thay đổi bản tính xã hội và sản xuất - vật chất bên ngoài của mình. Trong khi làm thay đổi bản tính riêng của mình, con người như vậy cũng làm biến đổi cả tự nhiên nói chung.
V.I.Lênin đã ghi nhận việc con người làm đồng nhất sự phát triển xã hội của mình với quá trình tự phát triển như sau: “Việc tổ chức những ngày thứ bảy cộng sản, do sáng kiến của chính anh em công nhân đặt ra, có một ý nghĩa thật hết sức to lớn về mặt ấy. Rõ ràng đó chỉ mới là một bước đầu, nhưng là một bước đầu có tầm quan trọng vô cùng to lớn. Đó là bước đầu của một cuộc cách mạng khó khăn hơn, căn bản hơn, triệt để hơn, quyết định hơn là việc lật đổ giai cấp tư sản, vì đó là một thắng lợi đối với bệnh thủ cựu của chúng ta, đối với tình trạng lơi lỏng của chúng ta, đối với bệnh ích kỷ tiểu tư sản của chúng ta, đối với những tập quán mà chủ nghĩa tư bản tệ hại đã để lại cho công nhân và nông dân. Khi nào thắng lợiấy được củng cố, thì lúc đó, và chỉ lúc đó, mới tạo ra được kỷ luật xã hội mới, kỷ luật xã hội chủ nghĩa; lúc đó, và chỉ có lúc đó, chủ nghĩa tư bản mới không thể ngóc đầu dậy được, và chủ nghĩa cộng sản mới thật sự là vô địch”(8).     
Như vậy, theo V.I.Lênin, “ngày thứ bảy cộng sản” - đó là khởi đầu của hoạt động đại chúng sáng tạo xã hội, khi chính quần chúng nhân dân sáng tạo ra lịch sử. Thành tố cơ bản của sự sáng tạo là việc nó dựa trên cơ sở của sự tạo lập bởi chủ thể sáng tạo ra chính mình. Sáng tạo là sự tạo lập cái mới về chất và vì thế, mỗi hành vi sáng tạo, ở một nghĩa nào đó, là đi ngược lại cái hiện tồn. Với quan niệm này, ông đã đặc biệt nhấn mạnh “tính cá biệt”, “tính yếu ớt”, “tính hiếm hoi” của “ngày thứ bảy cộng sản” so với hiện thực xã hội mà khi đó, đang tồn tại tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Với ông, “ngày thứ bảy cộng sản” là “những mầm chồi yếu ớt” và chúng vẫn còn “yếu vô cùng, là “hiện tượng vô cùng nhỏ bé”, là “những mầm mống hãy còn rất non yếu”, là “một cái gì đó hoàn toàn mới… đi ngược hẳn lại với tất cả các quy tắc cũ tư bản chủ nghĩa, một cái gì cao hơn xã hội xã hội chủ nghĩa đang chiến thắng chủ nghĩa tư bản”(9).
Khi ghi nhận những đặc thù của “ngày thứ bảy cộng sản” và làm cho chúng trở thành xuất phát điểm của việc xây dựng chương trình lý luận tạo lập chủ nghĩa cộng sản, về thực chất, V.I.Lênin đã nêu ra tiêu chuẩn hoàn toàn mới cho việc lựa chọn chất liệu nghiên cứu.
Đối với Hêghen và C.Mác, tiêu chuẩn như thế là tính quảng đại, tính điển hình, tính thông thường, “sự tĩnh tại” của hiện tượng xã hội này hay khác. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin vẫn còn xác định khởi điểm như là cái “đơn giản nhất, quen thuộc nhất, thông thường nhất”, “cơ bản nhất”, “chung nhất”, cái thường gặp đến hàng nghìn triệu lần”(10). Nhưng, sau này, tiêu chuẩn lựa chọn đối với ông lại là cái mới về chất, cái mang tính phôi thai, hiếm hoi, tính cá biệt và v.v..
C.Mác đặt cho mình nhiệm vụ không chỉ “giải thích”, mà còn “cải tạo” thế giới; mô tả thế giới cũ để biến đổi nó, giải thích thế giới ấy để xoá bỏ nó và dự định một chương trình xây dựng thế giới mới. Chương trình xây dựng thế giới mới được C.Mác rút ra một cách lôgíc từ sự phân tích cấu trúc của xã hội tư bản chủ nghĩa đương thời, còn việc xây dựng xã hội mới được ông coi như là mục đích, và đó là cái đã quyết định toàn bộ hoạt động lý luận của ông. Tính chất mới về chất của hoạt động xã hội cộng sản chủ nghĩa đã buộc V.I.Lênin mô tả không phải là cấu trúc sự phát triển xã hội của con người đương đại, mà là cấu trúc của xã hội mới đang được tạo ra; đồng thời buộc ông phải giải thích quá trình tạo lập tương lai xa và gần.
Việc phát hiện ra “ngày thứ bảy cộng sản” như là phôi thai của chủ nghĩa cộng sản không chỉ là điểm khởi đầu của sự dịch chuyển mang tính phạm trù trong tư tưởng của V.I.Lênin. Trong Bàn về chế độ hợp tác xã, V.I.Lênin viết: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản”(11). Thiết nghĩ, việc nghiên cứu sự thay đổi căn bản đó về các quan điểm triết học – xã hội của V.I.Lênin sẽ mang lại những khám phá khoa học mới.r

* Tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
(1)  V.I.Lênin. Toàn tập, t. 37. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 490.
(2)  V.I.Lênin. Sđd., t. 29, tr. 103.
(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 46, ph. 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 71.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 23, tr. 16.
(5) V.I.Lênin. Sđd.,  t. 36, tr. 83.
(6) Xem: V.I.Lênin. Sđd.,  t. 40, tr. 38 – 44.
(7) Xem: C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd.,  t. 23,  tr.  266.
(8) V.I.Lênin. Sđd.,  t. 39, tr. 5-6.
(9) V.I.Lênin. Sđd.,  t. 40, tr.  42.
(10) V.I.Lênin. Sđd.,  t. 29, tr.  360, 380.
(11) V.I.Lênin. Sđd.,  t. 45, tr.  428.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved