Home » » Hỏi đáp Triết học Đại cương -p4

Hỏi đáp Triết học Đại cương -p4

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012 | 18:32

Vấn Đề Thượng Đế, Tính Siêu Việt và Tính Nội Tại 

Thượng đế và tính siêu việt

HỎI: Có những quan niệm nào về Thượng Đế trong lịch sử triết học ?
ĐÁP: Triết học tổng quát phương Tây từ xa xưa đã tìm hiểu vấn đề Thượng đế và ngày nay có những triết gia vẫn tiếp tục truyền thống đó theo hai hướng khẳng định và phủ định

I. Những quan niệm thời cổ đại:

1. Đối với Platon, Thượng đế đấng siêu việt (nghĩa là ở bên ngoài thế giới). Ngài là Ý niệm Thiện chỉ có Tình yêu mới đến được, bên ngoài tính khả tri. Chính ngài đã ban Hữu thể cho các tồn tại và Giá trị cho các giá trị. Quan niệm này sẽ được lấy lại bởi tất cả truyền thống theo Platon và tân-Platon như Plotin, thánh Augustin, Malebranche, v.v… 2. Đối với Aristote, Thượng đế là động cơ đầu tiên bất động, nghĩa là Hiện thể thuần túy đối lập với thế gian nằm trong Biến dịch. Nếu thế giới trở thành nghĩa là tiến hoá, vì nó mang trong nó những tiềm thể (hay năng thể) dần dần đi qua hiện thể. Trái lại, Thượng đế là Hiện thể thuần túy nên không có lý do gì ngài là một hữu thể chuyển động hay trở thành, vậy Thượng đế hiện hữu và bất động. Học thuyết của Aristote tổng hợp một Siêu việt thể tuyệt đối (Thượng đế xa lạ với thế giới) và một thuyết nội tại (thế giới tiến hoá không có Thượng đế). Thế nhưng sự biến dịch của thế giới chỉ hiểu được bởi ảnh hưởng của Thượng đế (vì lẽ đó nên Thượng đế là động cơ đầu tiên). Và Aristote nói thêm, Thượng đế lôi kéo thế giới “theo cách của một đấng đáng được mong ước”. 3. Đối với Épicure và các học trò (như Lucrète với cuốn “De Natura Rerum”) các Thần linh không bận tậm đến con người. Học thuyết Eùpicure trình bày một nỗ lực để loại bỏ nỗi sợ hãi hay lo lắng trong tinh thần con người đối với các thần linh sao cho tâm hồn con người luôn được bình an và không bối rối. Tuy nhiên các thần linh hiện hữu và xa lạ với thế giới chúng ta vốn được hình thành bởi sự ngẫu nhiên và các thần linh xa lạ với những cảnh thăng trầm của chúng ta; các thần linh sống trong những thế giới trung gian một đời sống hạnh phúc. Cũng theo các triết học đó, Tình bạn giữa các thần linh là niềm vui tích cực duy nhất và sẽ cho người phàm chúng ta một hình ảnh về các ngài. 4. Những triết gia Khắc Kỷ là những người đầu tiên giảng dạy thuyết Phiếm thần, theo đó Thượng đế hoà nhập với tự nhiên và với Vũ trụ. Đó là một học thuyết về tính nội tại(không có gì bên trên thế giới). Đối với họ, Vũ trụ hay Cosmos là một cơ thể bao la mà Thượng đế là sự sống. “Thượng đế là linh hồn của thế giới”, ngài là Logos (Lý, lời, ngôn từ) nội tại, nghĩa là Lý tính và Luật của vũ trụ. Học thuyết phiếm thần của các triết gia khắc kỷ là nguồn gốc của một truyền thống phiếm thần (như G. Bruno, Campanella, những triết gia tân-khắc kỷ của thế kỷ thứ XVII, Spinoza v.v…) và thường bị đồng hoá với học thuyết vô thần. Thật vậy nếu Thượng đế là Tự nhiên và nếu không có tính siêu việt, Thượng đế truyền thống ấy rồi cũng bị thay thế bởi Tự nhiên. 

II. Những quan niệm cổ điển
1. Tự nhiên thần thuyết do phần đông những người không theo tín ngưỡng thế kỷ XVII như Voltaire… chủ trương và xoay quanh ý tưởng này: có một Thượng đế sáng tạo thế giới và là nguyên nhân thường trực của thế giới; Thượng đế không phải là một ngôi vị, đó là một nguyên lý trừu tượng, ví dụ như Luật Vũ Trụ. Nguyên lý ấy siêu việt nhưng không là thiên hựu (che chở chăm sóc một ai). Thượng đế không biểu hiện, không hành động trong thế giới này. Phép mầu là điều vô nghĩa. 2. Thuyết hữu thần (thánh Tô-ma và ki-tô giáo) theo đó Thượng đế hiện hữu, hằng sống và có ngôi vị, sáng tạo và khởi xướng thế giới. Từ sự vô hạn và hoàn thiện của ngài xuất phát mọi thuộc tính (nhân hậu, công bằng, tình yêu vô hạn). Ngài bày tỏ với con người (luận đề nhập thể) và muốn cứu họ (luận đề cứu rỗi). 

III. Những quan niệm hiện đại. 
Học thuyết hiện sinh siêu việt hiện đại, kế thừa quan điểm của Kierkegaard mà đại biểu hiện đại là Karl Jaspers ở Đức và Gabriel Marcel ở Pháp nhằm phục hồi khái niệm tính siêu việt sau “những điều thái quá của triết học nội tại” như của Hegel hay của Brunschvicg; học thuyết này cho thấy rằng việc nhận thức tính siêu việt đó là một hành động chủ yếu đem lại ý nghĩa cho thế giới và trả hy vọng về với con người. Trong kinh nghiệm cụ thể, đã hẳn có sự Hiện diện mà sự khám phá đem lại đức tin và sự phủ nhận sẽ dẫn đến một “thế giới bị đập vỡ”, vô ích, mất hết mọi giá trị và trở nên tuyệt vọng (G. Marcel). 



HỎI: Những chứng cứ nào chứng tỏ Thượng đế hiện hữu?
ĐÁP: Chúng ta có thể liệt kê sáu chứng cứ mà các triết gia khác nhau đưa ra với những từ ngữ khác nhau và không đương nhiên được chấp nhận là những chứng cứ biệt lập bởi những người bảo vệ những quan điểm khác về Thượng đế.

I. Chứng cứ bởi ý tưởng vô cùng. Chứng cứ này là một trong những công thức của chứng cứ thuộc bản thể luận, chỉ hiểu được trong quan điểm của Descartes. “Tôi có ý tưởng về Thượng đế, vậy Thượng đế hiện hữu”. Mệnh đề này chỉ có nghĩa khi chúng ta nhớ lại định nghĩa ý niệm theo Descartes. Mọi ý tưởng xuất hiện trong “trực giác”đều có một đối tượng và tương ứng với một “hiện hữu” hay một “bản chất”. Như chúng ta đã biết đó chính là nền tảng của học thuyết duy lý về bản thể trong triết học và khoa học của Descartes. Vậy nếu “ý tưởng” Thượng đế là một ý tưởng theo một nghĩa chặt chẽ của Descartes, thì Thượng đế hiện hữu.
II. Chứng cứ bản thể luận có liên quan đến chứng cứ trên. Ý tưởng ấy về Thượng đế không đi đến một “bản chất” đặc thù nào, vì nó là một trực giác về cái vô cùng, vì thế nó chỉ đạt đến một Hữu thể mà thuộc tính duy nhất là Hiện hữu. Chứng cứ này được thánh Anselme đưa ra và Descartes lấy lại khi ông viết trong “Những suy niệm siêu hình học”: “Chắc hẳn, đối với những gì về Thượng đế, nếu tinh thần tôi không bị những thiên kiến ngăn chận, tư tưởng tôi không bị lôi kéo bởi sự hiện diện liên tục của những hình ảnh các sự vật khả giác, sẽ không có sự vật nào tôi nhận thức sớm hơn và dễ dàng hơn ngài; vì không có gì mà tự thân sáng sủa, rõ ràng hơn khi nghĩ rằng có một Thượng đế, nghĩa là một Hữu thể tuyệt đối và hoàn thiện và trong ý tưởng ấy, người ta hiểu được sự Hiện hữu duy nhất, tất yếu và vĩnh cửu của Hữu thể ấy, và bởi thế Hữu thể ấy tồn tại.” 
III. Chứng cứ vũ trụ luận hay lập luận về “tính bất tất của thế giới”. Chứng cứ này được trình bày như sau: “Sự hiện hữu của thế giới một cách tiên nghiệm là không tất yếu, giả định một đấng tạo thành.” Chính khi áp dụng cho thế giới nguyên lý nhân quả của lý tính, phải có một bắt đầu của chuỗi các nguyên nhân.
IV. Chứng cứ cứu cánh luận là một công thức khác của lập luận trên. Voltaire xác định khi nói rằng vũ trụ như một cái đồng hồ và giả định Thượng đế như một người thợ làm đồng hồ.
Lập luận này làm nổi bật sự hiện hữu của một trí tuệ siêu việt và một nguyên nhân thông minh để giải thích Trật tự của các quy luật trong Tự nhiên. Trong mức độ người ta muốn nhấn mạnh đến sự Hài hoà của thế giới, luận chứng này còn được gọi là “luận chứng của các nguyên nhân cứu cánh”.
V. Những chứng cứ về đạo đức được Kant xác định sau khi đã phê phán và bác bỏ những chứng cứ duy lý, nghĩa là bốn chứng cứ vừa được trình bày ở trên. Như chúng ta đã biết, theo Kant, những ý tưởng và những phạm trù của Lý tính (Thực tại khách quan, hiện hữu, nhân quả, cứu cánh) không thể được áp dụng cho sự vật nào khác với kinh nghiệm và các hiện tượng, và việc sử dụng các phạm trù ấy là không hợp lệ trong phạm vi các sự- vật- tự -thân và dẫn đến những kết luận cũng không hợp lệ. Tất cả những chứng cứ của Kant chống lại những chứng cứ cổ điển có thể đưa về điểm đối nghịch với học thuyết Descartes và được phát biểu với mệnh đề sau: “Ý tưởng về một vật không đủ để khẳng định sự hiện hữu của vật ấy trong chính nó.” Và Kant thay thế chứng cứ về đạo đức cho những chứng cứ trên mà theo ông là bất toàn. Chứng cứ về đạo đức của Kant có thể tóm gọn như sau: Sự hiện hữu của lương tâm và những giá trị luân lý hay đạo đức giả định như một điều kiện tất yếu sự hiện hữu của Thượng đế là vị thẩm phán xét xử những hành động của con người, suối nguồn của những mệnh lệnh đạo đức và trung tâm của xã hội tinh thần nơi mà những ý thức cá nhân sẽ đạt đến nhờ hành động đạo đức. 

Vậy nếu chúng ta thừa nhận có mệnh lệnh đạo đức, chúng ta phải coi sự hiện hữu của Thượng đế như một định đề (postulat) và đó là đối tượng của một “niềm tin đạo đức”. 

VI. Kinh nghiệm thần bí. Những chứng cứ duy lý đã gặp phải sự phản biện của một số tinh thần tôn giáo và đặc biệt những nhà thần bí vì theo họ Thượng đế là một Hữu thể có ngôi vị, được cảm nhận trong sự hiệp thông thần bí, không liên quan gì đến những cách suy nghĩ trừu tượng và duy lý.

Kinh nghiệm thần bí (được thanh luyện hết những sự ngụy tạo của bệnh tâm thần) và được các thánh thuật lại, ví dụ như thánh nữ Thérèse d’Avila trong cuốn “Lâu đài nội tâm”, thánh Jean de la Croix trong cuốn “Đường lên núi Cát Minh” và “Đêm tăm tối” thiết lập vấn đề Thượng đế bằng những từ ngữ hoàn toàn khác. 

Theo Thérèse d’Avila, có bảy mức độ nhận thức; hai mức độ đầu tiên là nhận thức về mình, làm chủ bản thân và thứ ba là tiến lên đời sống đạo đức thông thường; bốn mức độ tiếp theo là những giai đoạn tu chứng gồm sự tĩnh mịch, hiệp nhất trọn vẹn, sự xuất thần và sau cùng là “hiệp nhất làm biến đổi” trong đó chủ thể ý thức mình tham gia vào đời sống thần thiêng. Theo Jean de la Croix, kinh nghiệm thần bí bắt đầu bằng một “đêm tăm tối” hay đêm của giác quan là sự khô khan đau đớn của tâm hồn sắp được đi vào sự kết hiệp thần bí … Chúng ta đã bàn cãi về tính xác thực của kinh nghiệm thần bí cũng như sự khác nhau giữa mê sảng huyền bí của người bệnh tâm thần với kinh nghiệm mà các bậc tu hành thuật lại.



HỎI: Có chăng một thế giới khác? 
ĐÁP: Câu hỏi này đặt vấn đề hiện hữu của một tính siêu việt tuyệt đối. Ý tưởng về một đời sống khác hay thượng giới (thiên giới) có nguồn gốc trong đời sống của các dân tộc khi còn sơ khai (hoặc có lẽ trong vô thức tập thể ) và trong đời sống trẻ thơ, … và hình ảnh ấy được ý tưởng Thượng đế củng cố và như thế góp phần cho sự khẳng định siêu hình về một thế giới hoàn toàn siêu việt.

1. Tâm thức người sơ khai, giống với suy nghĩ của trẻ nhỏ, chứa đầy những kinh nghiệm ngây thơ, xây dựng nên hình ảnh một thế giới siêu nhiên (siêu tự nhiên). Đối với người sơ khai cũng như đối với trẻ nhỏ, người chết vắng mặt chứ không tiêu tan. Bằng giấc mộng họ thần giao với người chết; bằng ký ức, họ suy gẫm về những dự báo của người chết. 

Khi đồng hoá niềm tin tự phát về sự trường tồn ấy với sức mạnh huyền bí và lan tỏa khắp vũ trụ, tâm thức tiền-luận lý nghĩ rằng “linh” của những người chết tham dự vào cái mà những người sơ khai gọi là “Mana”, nghĩa là một Sức mạnh siêu nhiên không rõ ràng hướng dẫn thế giới. Chúng ta đã thấy trong tâm lý học theo Bergson, chức năng bịa đặt đã tạo ra những thần linh như thế nào và trong luận lý học những sự ngẫu nhiên đã được tri giác như những dấu chỉ và những ý định của các thần linh ấy.

2. Đời sống xã hội đến lượt mình đóng góp một hình ảnh về siêu việt. Ý thức tập thể có một đời sống riêng, nó xuất hiện trong những biểu hiện của nhóm, và được tượng trưng bằng những dấu hiệu (tô-tem hay linh vật, cờ xí, huy hiệu, khẩu hiệu). Ý thức cá nhân dù có tìm được tính độc đáo riêng vẫn cảm thấy một cách vô thức một thực tại vượt lên trên mình. Mặt khác, chúng ta cảm thấy Xã hội như một Quyền bính với rất nhiều luật lệ, hình phạt, nghĩa vụ và sự bó buộc, với những điều huyền bí của nó (Lý tính Nhà nước), với một cường độ sống vượt qua vô hạn đời sống chúng ta và làm cho cái chết của chúng ta thành một biến cố vô nghĩa (ví dụ chiến sĩ vô danh trong chiến tranh). 3. Tất cả những kinh nghiệm ấy tự nhiên dẫn đến việc hình thành trước khái niệm tính siêu việt; khái niệm này được xác định và khách thể hoá khi gặp sự suy nghĩ triết học và giáo huấn của tôn giáo. Thật vậy, suy nghĩ hay giáo huấn ấy sau cùng đi đến chỗ áp đặt những giới hạn cho lý tính và do đó lập nên sự hiện hữu của một Hữu thể siêu việt bên ngoài sự hiểu biết và bên ngoài thế giới của chúng ta.

Chúng ta có một ví dụ là triết học Platon. Chúng ta đã biết rằng các Ý niệm là những kiểu mẫu, những Mô thức lý tưởng của thực tại khả giác và là thành phần của một trật tự khác và cao siêu hơn. Trong kim tự tháp tạo thành bởi các bình diện từ thấp lên cao của biện chứng pháp Platon, một nguyên tắc càng có giá trị để giải thích khi nó càng gần đỉnh kim tự tháp. Thế giới khả giác của những cái bề ngoài và ảo tưởng chỉ bắt đầu có ý nghĩa khi sự giác ngộ của bậc Hiền Minh (Sage) giúp ông nhận ra những ý niệm vĩnh cửu tạo thành thế giới chân thật. Thế giới khác ấy dường như có thể tiếp thu bởi trí tuệ và quả thật nó như thế đến mức cả Ý niệm tối thượng hay Ý niệm Thiện nghĩa là Thượng đế cũng thế . Vả lại như chúng ta đã thấy chỉ có sự hiểu thấu ý niệm sau cùng này mới đem lại lời giải đáp cho toàn thể căn cứ vào trật tự cao thấp của các Ý niệm. Thế nhưng từ huyền thoại này qua huyền thoại khác, Platon luôn luôn từ chối sự xác định đó. Ông tuyên bố Thượng đế không thể định nghĩa cũng không thể diễn tả được và ông thú nhận rằng triết gia tới giai đoạn sau cùng đó phải thừa hưởng quan điểm thần bí dành riêng cho các Hiền Minh, dù không được bảo đảm bởi những nghiên cứu nào trước đó.

Cái “nhảy” này là đặc tính của các triết học về tính siêu việt. Nhận thức duy lý luôn luôn chờ đợi một nguyên lý ban đầu và có một vực thẳm ngăn cách chúng ta với nguyên lý ấy trong thời điểm sau cùng.

Hiền Minh rồi Thánh nhân cho rằng mình đã đi qua “bên kia”, nhưng khi họ muốn giải bày, chúng ta thấy đến lượt họ bị đóng khung trong điều mầu nhiệm.

4. Với tất cả những sức mạnh hội tụ của kinh nghiệm tiền khách thể, của văn hoá và tôn giáo, một quan niệm về thế giới khác được hình thành bên trên tự nhiên và nhân loại. Vũ trụ của tri giác và của nhận thức không phải là tiếng nói sau cùng của cái đang hiện hữu. Thực tại mà chúng ta nhận thức trực tiếp không phải là Hữu thể. Vậy phải chăng con người phải chờ đợi hữu thể và sự cứu rỗi mình từ cái Bên kia bất khả tri?

HỎI: Quan điểm một thế giới khác tổ chức xung quanh một Thương đế siêu việt gặp những vấn nạn nào?
ĐÁP: Một số vấn nạn hay khó khăn mà quan điểm ấy không tránh khỏi:

1. Người ta “tải về” thế giới khác (hay cõi khác) đó tất cả những gì không thuộc thế giới chúng ta và sau cùng đi đến những thuộc tính mâu thuẩn và một thuyết quy nhân luận (thuyết coi con người là trung tâm) tương phản. Thật vậy có thể nói “thế giới khác” đó hấp thu mọi thuộc tính tương phản với thế giới chúng ta và với thân phận con người: khả tử, lệ thuộc, giới hạn, bất toàn, đáng khinh, khốn khổ, đáng thương trong cuộc sinh tồn, để trả lại cho chúng ta ở bên kia hết thảy những gì chúng ta thiếu thốn và Thượng đế sẽ là vĩnh cửu, tự do, vô cùng, hoàn thiện, đáng tôn thờ, vĩnh phúc, tốt lành vô hạn. Về phần những phẩm tính mong manh của chúng ta, chúng ta cũng gán cho ngài với mức độ gia tăng không giới hạn. Ngài sẽ là đấng Tạo thành, toàn năng, toàn tri, luôn luôn hiện diện và có ngôi vị. Thế giới bên kia tràn ngập ánh sáng, bình an, và sự vĩnh cửu của nó như chúng ta thấy, sẽ là hình ảnh đảo ngược của thế giới chúng ta vốn tăm tối, luôn bị giày vò và bỏ mặc cho sự tiêu vong. Đó là một “thế giới để bù trừ “.

Một Hữu thể rất khác với thế giới chúng ta đương nhiên phải xa lạ với thế giới này. Vì là tuyệt đối, nên nó không có tương quan nào cả; vì là hoàn hảo nên nó phải đầy đủ với chính mình; vì là thanh khiết, nên nó cũng không có ý thức về thế giới chúng ta.

2. Các triết học về tính siêu việt bị kẹt trong song luận sau đây: hoặc “cắt đứt” Thượng đế khỏi thế giới hoặc đưa ngài đi vào thế giới. Trong trường hợp đầu, Thượng đế không có lý do tồn tại, trong trường hợp sau nó làm mất tính siêu việt tuyệt đối của ngài.

3. Thật vậy không có triết gia nào đã chủ trương một tính Siêu việt Tuyệt đối. Những thần linh của phái hưởng lạc Épicuros rõ ràng ở trong một thế giới khác có tính siêu việt tuyệt đối, các thần linh ấy không có việc gì để làm trong thế giới này vốn tự hình thành và tiếp tục không cần có thần linh. Tuy nhiên các thần linh cũng có một ảnh hưởng nhỏ trong cộng đoàn các triết gia khắc kỷ khi họ tìm cách thực hiện trên trần gian tình bạn diễm phúc theo hình ảnh các thần linh. 

Thượng đế của Aristote cũng siêu việt tuyệt đối, nhưng dù xa lạ với thế giới, thế giới này tiến hoá nhờ sự hấp dẫn của ngài. 

Thượng đế của Platon có thể đến được với Tình yêu và chí ít ban cho những người thiện chí những phản ánh thuần khiết nhất của ngài: Chân lý, Vẻ đẹp và sự Công bình . Vả lại sự chiêm ngưỡng Thượng đế chỉ là giai đoạn cuối cùng của biện chứng đi lên, triết gia còn có biện chứng đi xuống là sau khi chiêm ngưỡng và thấm nhuần Ý tưởng sự Thiện, ông sẽ đưa nó vào hành động trong hình thức gay go nhất là hành động chính trị. 

Thượng đế của các tôn giáo cũng là đấng Thiên hựu hay Quan phòng (chăm lo, săn sóc), ngài săn sóc thế giới và không ngừng đề cử mình làm tình thương cho con người. Theo ki-tô giáo, lòng nhân hậu vô cùng của Thượng đế khiến ngài xuống làm người để lôi kéo mọi người về thiên đàng. 

Như thế chúng ta thấy Siêu việt thể luôn luôn được coi như một kiểu mẫu để điều hoà và việc khẳng định nó trước hết trở thành một yêu sách để con người vận động hướng về một hữu- thể-hơn (tồn tại hơn, un Plus-être) đòi hỏi họ một nỗ lực để siêu việt. 

Điều chủ yếu trong khái niệm siêu việt do đó không phải là hình ảnh của một thế giới khác, chứa đầy những sự bù đắp ngây thơ để qua sự biểu hiện của thế giới ấy, con người có thể thích thú và tự an ủi mình trước; tính siêu việt là để khẳng định rằng trong con người có “cái gì đó phải đi xa hơn”, như Pascal đã nói, để chỉ cho con người đường lối hành động đạo đức, và để con người vượt qua những gì đang hiện hữu và cả hiện hữu của mình, từ đó tiến lên thực hiện những lý tưởng của mình. 

Vả lại nếu đó là điều còn lại sau khi chúng ta đã lấy ra khỏi ý tưởng Siêu việt thể hình ảnh vẽ vời về nó, chúng ta sẽ thấy rằng đó cũng chính là cái còn lại khi chúng ta phân tích những hệ thống nhân bản vô thần và những triết học về tính nội tại. 

Phủ nhận Thượng đế và tính nội tại

HỎI: Những cách khác nhau nào để phủ nhận Thượng đế?
ĐÁP: Có bốn cách chính:

I. Học thuyết duy vật. Học thuyết duy vật ít nhất có bốn hình thức, từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Những hình thức ấy tuy có khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung là đưa toàn bộ tồn tại về Vật chất . Và dù cơ giới hay tất định, chúng đều bỏ qua giả thuyết Thượng đế, giả thuyết mà các nhà duy vật truy tìm dấu vết trong mọi lãnh vực.

1. Học thuyết duy vật cổ đại (Epicure, Lucrèce) lấy lại vật lý nguyên tử của Démocrite. Không có đấng tạo thành; thế giới hoàn toàn do các nguyên tử vật chất và chân không cấu thành, là một tập họp ngẫu nhiên của các nguyên tử cũng như các vật thể. Thế giới và các vật thể sống và chết dười sự điều hành của các quy luật cơ giới. 

2. Học thuyết duy vật của các nhà bách khoa và các nhà khoa học. Đó là học thuyết của Hobbes thế kỷ XVII đến Haeckel cuối thế kỷ XIX qua La Mettrie, Helvetius , D’Holbach, Diderot thế kỷ XVIII. Học thuyết duy vật này sử dụng những tiến bộ của khoa học để rút ra những luận cứ chống lại thuyết hữu thần và thuyết tâm linh. Các nhà duy vật ấy dẫn chứng Newton hay Darwin để bảo lãnh cho một quan niệm dẫn xuất đời sống tinh thần từ vật chất có tổ chức và sau cùng từ vật chất nói chung, họ cũng đề cao một phương pháp gọi là “giải thích cái trên bằng cái dưới”.

3. Học thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx là một học thuyết duy vật kinh tế: con người được xác định bởi những điều kiện của tồn tại kinh tế của môi trường; chủ yếu con người là một tồn tại xã hội, có tính lịch sử .Vả lại Lịch sử ấy có một lực nội tại và một chiều hướng để thực hiện một xã hội không còn giai cấp, nó còn có tính biện chứng vì việc thực hiện ấy được tiến hành trong cuộc đấu tranh và xung đột giữa các lực lượng. Sau cùng nó vô thần vì tôn giáo là một hình thức làm tha hoá, tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng.

4. Học thuyết duy vật của các nhà điều khiển học hiện đại. Người sáng lập khoa điều khiển học Wiener đã mở ra những viễn cảnh triết học ngay trong tác phẩm đầu tiên của ông “Điều khiển học”, 1948: “Chúng ta giải quyết công việc với những người máy thực tế bị cắt rời với thế giới bên ngoài, không chỉ bởi sự tăng vọt của năng lượng, sự chuyển hoá của chúng mà còn vì dòng chảy các thông điệp hướng tâm và ly tâm… Những người máy sẵn sàng được mô tả bằng những thuật ngữ sinh lý học và đồng thời chúng ta có thể bao hàm trong một lý thuyết duy nhất các thuyết duy cơ giới sinh học … Người máy hiện đại tồn tại cùng một kiểu với những cơ quan sống thời Bergson và do đó không có lý gì kiểu hoạt động chính của cơ quan sống lại không giống với hoạt động của một người máy thuộc loại này … Trong mọi tương quan nhỏ bé có với đạo đức và tôn giáo, cơ học mới cũng hoàn toàn duy cơ giới như cơ học cũ.”

II. Học thuyết nhân bản vô thần thay thế niềm tin vào Thượng đế bằng niềm tin vào Nhân loại và thiết lập cái mà chúng ta có thể gọi là những “Phụ tá của Thượng đế”.

Vì thế Auguste Comte đề nghị Tôn giáo của Tính Nhân loại, Proudhon đề nghị triều đại của Công lý, Marx “con người mới” của Xã hội cộng sản, Nietsche niềm tin vào Siêu nhân. Chúng ta sẽ tìm thấy những ý tưởng này và những hàm ngụ của chúng khi nghiên cứu các triết học về tính nội tại.

III. Học thuyết duy xã hội. Có hai học thuyết duy xã hội; học thuyết của Lévy-Bruhl là một thuyết tương đối xã hội và chối bỏ Tuyệt đối thể ; học thuyết của Durkheim thừa nhận Tuyệt đối thể và tính Siêu việt nhưng cho rằng Thượng đế là biểu tượng của ý thức tập thể như một thực tại bên trên mọi cá nhân, suối nguồn của mọi Lý tính và mọi Giá trị.

IV. Học thuyết hiện sinh vô thần có đại diện ở Đức là Heidegger và ở Pháp là J.-P. Sartre. Theo Sartre, cứ liệu hay điều chắc chắn bên ngoài là Hữu thể (hay Tồn tại) và ý thức con người có đặc tính như một bước lùi mà ý thức thực hiện khi đặt hữu thể làm đối tượng và là một sự khước từ hữu thể, một khoảng cách, một khoảng trống, một hư vô đưa vào trong Hũu thể tràn đầy và dày đặc. Hai thực tại ấy là: Hữu thể như Tự thân (En-soi) và ý thức như Tự quy (Pour-soi) hay một khước từ Hữu thể, đối nghịch và mâu thuẩn nhau. Vả lại Thượng đế vừa là Hữu thể vừa là Ý thức , Tự thân và Tự quy. Vậy đó là một ý niệm quái gở và phi lý vì nó tổng hợp hai hạn từ loại trừ nhau (xem trong “Hữu thể và hư vô”, 1942 và “Học thuyết hiện sinh là một học thuyết nhân bản”, 1947).

HỎI :Các triết học nhân bản vô thần dựa trên những luận đề nào? 

ĐÁP: Mọi luận chứng chống lại sự hiện hữu của Thượng đế là hệ quả của ý muốn “đem triết học từ trời xuống đất” theo ý định mà truyền thống cho là của Socrate, và chối bỏ tính siêu việt. Mục đích mà Lucrèce gọi là “loại bỏ khỏi con người sự hiện diện của Thượng đế” luôn là mục tiêu của mọi hệ thống vô thần. Trái đất chỉ thuộc về con người và chỉ con người làm chủ số phận của mình. Việc giải phóng con người phải bắt đầu từ “cái chết của Thượng đế” theo cách diễn tả mạnh mẽ mà Nietsche đặt vào miệng của Zarathoustra. 

Như thế các triết học nhân bản vô thần căn cứ trên ba luận đề chính:

1. Niềm tin vào giá trị của chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm về những công việc của mình; chúng lệ thuộc vào chúng ta và vì chúng ta có thể đặt ra cho mình những mục tiêu, chúng ta cảm thấy mình là những người sáng tạo nên một số giá trị. Do đó xuất hiện sự khẳng định về các giá trị con người. Kant nói trong “Những nền tảng siêu hình của các phong tục” : “Với tư cách là nguyên lý và chủ thể của lý tính, con người ở bên trên mọi sự đánh giá”. Vậy con người là một cứu cánh tự thân và thay vì đổi hướng đi theo đạo đức của Kant, người ta có thể từ đó suy ra rằng con ngừoi không có cứu cánh nào khác chính mình. Giá trị bản thân củng cố sự khẳng định này và như thế góp phần nhận biết thực tại và giá trị. 
2. Sự thành công của khoa học. Một mặt khoa học luôn luôn ưu đãi thuyết vô thần. Chúng ta còn nhớ khi Napoléon hoàng đế nước Pháp nhận xét rằng không có vấn đề Thượng đế trong hệ thống của Laplace, nhà bác học này đã trả lời: “Thưa Bệ Hạ, thần đã không cần đến giả thuyết ấy.” Nếu Thượng đế đóng vai trò căn bản trong triết học Descartes vì nó bảo đảm sự tương hợp giữa Lý tính và Trật tự hữu thể, thì những người kế thừa Descartes đã mau chóng thay đổi và hướng về học thuyết duy vật từ thế kỷ XVIII. Người ta có thể nói rằng học thuyết vô thần luôn luôn có một điểm tựa là một khoa học mới mà sự phát triển của nó làm các nhà khoa học phải ngây ngất. Trong sự phát triển mạnh mẽ của sinh học, Cabanis đã nói: “Tôi chỉ tin có linh hồn khi tôi tìm thấy nó ở đầu con dao mổ của tôi”; Auguste Comte người sáng lập môn xã hội học đã tiên báo sự suy tàn của tôn giáo, Freud đề xuất một khoa phân tâm về hình ảnh Thượng đế-người cha, Wiener phát minh khoa học điều khiển luôn nói rằng khoa học của ông sau cùng sẽ làm những ý tưởng tôn giáo tiêu vong. Trái lại khoa học nào khám phá những giới hạn của mình thường có xu hướng trở lại với những ý tưởng siêu hình.
Mặt khác, sự thành công của khoa học xác nhận những khả năng của nhận thức con người. Biết là tìm lại trong tính đa dạng sự thống nhất của tinh thần, nhưng người ta cũng có thể suy diễn rằng biết là tìm lại sự đồng nhất bản chất giữa tinh thần và thực tại và đưa tinh thần về một Vật như những vật khác.
3. Ý tưởng tiến bộ. Tư tưởng khoa học không bằng lòng với việc mô tả thực tại, nó còn chinh phục thực tại. Bước tiến cần cù này khiến chúng ta phải nghĩ rằng một ngày nào đó kiến thức sẽ đầy đủ và do đó Lịch sử Nhân loại sẽ là sự thực hiện chậm chạp nhưng chắc chắn triều đại của Lý tính. Ý tưởng tiến bộ luôn bao hàm một sự gia tăng kiến thức đủ để gia tăng giá trị của những cá nhân, và toàn bộ kiến thức chung tất nhiên sẽ xác định một sự hồi sinh đạo đức. Nó chẳng phải đã xoá bỏ những tin tưởng sai lầm hay sao, mọi điều xấu xa đều do ngu dốt. Sự tiến bộ về tự do nơi Proudhon, sự tiến bộ về tính nhân văn nơi Comte và Marx đều phải nhờ có việc giáo dục quần chúng. Khi Auguste Comte bắt tay vào việc thực hiện những ý tưởng của mình, ông đã thành lập những lớp học bình dân trong các văn phòng phường quận ở Paris để dạy toán học và thiên văn học, những giai đoạn đầu tiên cần thiết trong đẳng cấp các khoa học lên đến xã hội học; khoa học và đạo đức học của Xã hội thực chứng rồi sẽ đến. HỎI: Sự suy yếu của tính siêu việt dẫn đến song đề nào?
ĐÁP: Xem ra người ta phải lựa chọn một trong hai:

– Hoặc, nếu không có gì bên trên con người, không có Thực tại đích thực , vừa là hữõu thể vừa là giá trị, thì người ta buộc phải chấp nhận sự suy diễn đúng đắn của người nào thiết lập mình yên vị trong hiện tại và trong bản ngã của người ấy để hưởng thụ tối đa, nghĩa là khi hạ giá giá trị vào thực tại, người ta sẽ chứng kiến sự biến mất thuần tuý và đơn giản của giá trị và do đó người ta phủ nhận sự tiến bộ.

– Hoặc người ta đem lại một “chiều sâu” cho thực tại; người ta làm cho tiến bộ thành sự thực hiện những khả năng tiềm ẩn, và do đó người ta xây dựng một triết học của tính siêu việt nội tại.

Chúng ta sẽ triển khai hai luận điểm này:

1. Sự suy sụp của những giá trị. Trong cuốn “Tù nhân nữ”, Marcel Proust diễn tả một tình cảm tự nhiên: “Trong những điều kiện sống của chúng ta trên trái đất này, không có lý tính nào cả để chúng ta tin mình buộc phải làm điều thiện, phải tế nhị, cũng như phải lễ phép, lịch sự và để người nghệ sĩ tin rằng mình buộc phải viết lại hai mươi lần một tiểu phẩm mà sự thán phục nó sẽ tạo ra chẳng quan trọng gì khi thân xác người nghệ sĩ sẽ bị giòi bọ rúc rỉa…” Dostoiewsky để cho một nhân vật trong truyện của ông nói: “Vậy tại sao tôi phải thương yêu người lân cận của mình hay nhân tính tương lai của ông mà tôi sẽ không bao giờ thấy, và nhân tính ấy cũng sẽ không bao giờ biết tôi và đến lượt nó, nó sẽ biến mất không để lại dấu vết và kỷ niệm nào, khi mà trái đất đến lượt nó sẽ thay đổi thành một khối băng giá và sẽ bay trong không gian không có không khí”.

Khi rút gọn Hữu thể vào thực tại và vào hiện tại, thì những suy diễn trên là những điều hợp lý. Người ta có thể thiết lập mình hoàn toàn trong một thuyết phi đạo đức và lấy đó làm nhân sinh quan cho mình: những hoạt động lấy cảm hứng từ thuyết phi đạo đức của Gide hay của học thuyết hiện sinh vô thần đều dẫn đến những quan điểm ấy. Sự suy sụp của những giá trị dẫn đến sự chạy trốn trước cái tồn tại và trách nhiệm, đến một tình cảm lo âu vì hư vô, cô độc và bất an mà những người bảo vệ một Thực tại- không-Hữu thể chỉ thoát khỏi sự tự tử bởi những điều kỳ diệu của biện chứng pháp (theo cách nói của Albert Camus trong cuốn “Huyền thoại Sysiphe”) hay bởi những trò ảo thuật triết lý.

Chúng ta phải thừa nhận rằng công thức đạo đức này không thể khái quát hoá và những nhà tiên tri cho một thái độ nổi loạn mới này thường có đời sống không phù hợp với những học thuyết của họ. Và đôi khi trong cuộc sống thực tế họ còn hành động ngược lại với những gì họ rao giảng.

2. Việc xây dựng học thuyết nội tại. Những triết học mà chúng ta có thể gọi là “Nhân bản vô thần xây dựng” thật ra đã đề xuất điều gì? Chúng đem lại một chiều sâu cho thực tại. Hữu thể mà các triết học ấy từ chối theo cách hiểu về một Siêu việt thể tuyệt đối, được đưa vào trong thực tại như một Tiềm năng bí ẩn mà sự Tiến bộ và Hành động sẽ mở ra trong Thời gian và Lịch sử, và trên tiềm năng ấy các giá trị lại được thiết lập.

a) Khái niệm Tiến bộ bao hàm một sự vượt qua không ngừng của Thực tại. “Hoặc người ta quan niệm Tiến bộ như một sự thâm nhập vào thực tại mà cho đến lúc đó bị khước từ đối với chúng ta, hoặc chúng ta quan niệm trong chính hoạt động tiến bộ, còn dư ra một sức mạnh so với việc thực hành hiện nay, người ta thấy trong cả hai trường hợp, có một cái gì đó siêu việt bên ngoài kinh nghiệm của chúng ta là điều kiện được giả định cho sự phong phú thêm của kinh nghiệm” (Louis Lavelle, “Về Hiện thể”). Sự tiến bộ bao hàm một sự thực hiện một việc tốt hơn và trong một ý nghĩa nào đó là sự bất mãn với thực tại hiện nay, là ước muốn biến đổi, cải thiện. Con người rút ra từ đâu tư tưởng về các Giá trị hay những nguyên lý để nhân danh đó phán đoán thực tại hiện nay là bất toàn hoặc bất công. Về xã hội cũng thế, người ta lấy đâu ra ý định làm biến đổi xã hội?

Theo Comte, cũng như Marx và Durkheim, nhà cách mạng chiến đấu để thay đổi xã hội nhân danh một xã hội sẽ đến để thực hiện một sự bình đẳng công bằng hơn, nhưng vì xã hội tương lai còn chưa hiện hữu nên những động lực của hành động là một lý tưởng. Vậy trong con người có “cái gì đi xa hơn”.

Mặt khác sự song hành của tiến bộ nhận thức và tiến bộ đạo đức giả định trong con người có một định hướng tiềm ẩn hướng về điều Thiện. Theo Comte kiến thức xã hội học đủ để xác định tình cảm thiêng liêng của Nhân loại; theo Marx là kiến thức về kinh tế chính trị; luận đề này rất hay gặp trong Socrate, cũng như trong Descartes và Spinoza chỉ hiểu được vì nó bao hàm trong mỗi người sự tồn tại một ý muốn mơ hồ hướng về điều Thiện, một thiện ý, cũng có thể gọi đó là những khát vọng nhân văn đang “mong đợi” những ánh sáng của tri thức để thấy rõ nơi mà những khát vọng ấy hướng về từ trong đêm tối. 

b) Các triết học của sự “vượt qua”. Vượt qua là một công thức của Guyau trong một bài thơ ông làm để tóm tắt một cách cô đọng những kết luận trong các tác phẩm của ông (như “Không tôn giáo của tương lai”, “Luận về một đạo đức học không bó buộc và hình phạt”) và đó cũng là kết luận của những học thuyết nhân bản vô thần: “Hãy nhìn lên trời, cả khi bạn không là tín đồ”.

Lòng khoan dung độ lượng mà Guyau đề nghị với chúng ta thay vào những mệnh lệnh đạo đức bị từ bỏ, ý chí vượt qua chính mình mà Nietsche yêu cầu, tình yêu công lý mà Proudhon đề xuất, tình cảm đối với tính nhân văn của Comte, những phẩm chất mà Marx đòi hỏi nơi giai cấp vô sản, là hình ảnh dự báo về Con người mới trong Xã hội tương lai (xã hội cộng sản) quả thật là những mệnh lệnh đạo đức trong những triết học tưởng rằng mình đang đả phá đạo đức (truyền thống). Điểm khác nhau theo họ là những mệnh lệnh đạo đức ấy không đến “từ bên ngoài” nhưng con người khám phá chúng ở nơi sâu thẳm của lòng mình như những sức mạnh tiềm ẩn sẽ được đưa vào hoạt động. 

c) Qua đó học thuyết nhân bản vô thần tìm lại một tính siêu việt nội tại và nối tiếp truyền thống của các triết học về tính nội tại. Edouard Le Roy trong một bài viết nổi tiếng trong đó ông triển khai tính nội tại tuyệt đối đã viết : “Kinh nghiệm tự nó không phải là sự thủ đắc những sự vật mà trước tiên chúng hoàn toàn xa lạ với chúng ta; không phải thế nhưng đúng hơn là việc đi từ cái mặc nhiên đến cái minh nhiên, một vận động biểu lộ cho chúng ta những yêu sách ẩn giấu, những phong phú tiềm tàng, … một nỗ lực triển khai hữu cơ làm nổi bật những dự trữ và đánh thức những nhu cầu làm gia tăng hành động của chúng ta…”
Sức mạnh nhận thức vô tận ấy, hành động đổi mới và sáng tạo ấy cũng được gọi là Thần: đó là Logos (Lý, Lời) nội tại mà theo các triết gia Khắc kỷ con người tham dự bằng Lý tính; đó cũng là “Tự Nhiên hay Thượng đế” của Spinoza, là Tinh thần theo Hegel, là Đà sống của Bergson, Ý thức trong triết học Brunschwicg. 

Kết luận:
Con người ấp ủ cái vô cùng trong mình như một khát vọng, một nỗi nhớ nhung, một ý muốn. Sự phủ nhận tuyệt đối mọi tính siêu việt là từ chối chính mình ngay khi nó đề nghị con người một hoạt động hướng về điều tốt hơn, một hoạt động làm bối cảnh cho các lý tưởng và lý tưởng được định nghĩa là những sự vượt qua thực tại.
Vậy tính siêu việt và tính nội tại gặp nhau trên chủ đề này trong mức độ con người chấp nhận thực tại như một cứ liệu, bản ngã như nó vốn là thế và hoàn cảnh như một số phận để qua đó biểu lộ tính nhân văn (hay nhân bản) của mình, … và họ phải và có thể siêu việt bản thân như Louis Lavelle đã nói: “Chỉ có một thế giới là thế giới chúng ta và chúng ta không có quyền khinh chê trái đất này. Đối với chúng ta nó là nơi chúng ta cư ngụ và là một con đường; chính trong nó và không phải ngoài nó mà siêu việt thể được tỏ bày cho chúng ta”.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved