Mặc dù mang tiêu đề “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, báo cáo của Chính phủ tại phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII vào đầu tuần này lại tiếp cận theo cách kiểm điểm những điều làm được và chưa làm được của Chính phủ nên người nghe khó lòng hình dung chính xác “tình hình kinh tế” năm nay qua báo cáo. Thay vào đó, người nghe có thể bị cuốn vào những thành tựu như “kiềm chế lạm phát”, “lãi suất cho vay đã giảm”, “tỷ giá ổn định”, “xuất khẩu tăng 18,9%”, “dự trữ ngoại hối tăng”, “ước thu ngân sách đạt kế hoạch”, “giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP”, “hàng tồn kho giảm”, “sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quí”...
Thậm chí những điểm chưa làm được, tức chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội thông qua vào năm ngoái như tăng trưởng GDP cũng làm người nghe hình dung khác về nền kinh tế khi nghe “tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quí sau cao hơn quí trước”. “Quí sau cao hơn quí trước” thì không có gì đáng lo, mọi chuyện đang tốt dần lên. Nói tóm lại, cách nói “đạt và vượt 10 trên 15 chỉ tiêu kế hoạch” là cách tư duy rất cũ kỹ trong khi tình hình thực của nền kinh tế không được nhận diện đầy đủ và chính xác.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng nhận định, trong ủy ban một số ý kiến cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp”.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nếu hỏi họ vấn đề gì là lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2012, câu trả lời ắt là chi phí tài chính đang là gánh nặng đè bẹp nhiều người, tiền lãi làm ra bao nhiêu cũng chưa đủ để trả lãi vay ngân hàng. Lẽ ra báo cáo phải làm rõ vì sao tiền không chảy vào nền kinh tế, Chính phủ sẽ làm gì với tình hình nợ xấu đang làm nghẽn dòng tín dụng, vì sao chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn lớn như hiện nay...
Với đại đa số người dân, tình hình kinh tế đồng nghĩa với cuộc sống ngày càng khó khăn hơn vì đồng tiền mất giá, thu nhập giảm sút. Báo cáo cho biết “qua chín tháng đã giải quyết được 1,13 triệu việc làm mới, ước cả năm đạt khoảng 1,52 triệu”. Đây là con số rất đáng lạc quan nếu nó chính xác tuy mức độ chính xác khó mà đo lường cho được. Khu vực doanh nghiệp nhà nước thì hầu như không tạo ra được việc làm nào mới trong khi khu vực tư nhân khó lòng tạo ra số việc làm khổng lồ này khi số doanh nghiệp ngưng hoạt động tăng mạnh so với những năm trước.
Cũng bởi nhìn tình hình kinh tế, xã hội dưới lăng kính các chỉ tiêu nên báo cáo không đề cập đến các vấn đề gây bức xúc trong dân chúng, từ chuyện cụ thể như cách giải quyết đập thủy điện Sông Tranh 2 đến các vấn đề an sinh như tăng viện phí gây tác động lớn lên người dân. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu lên những nghịch lý của nền kinh tế trong khi báo cáo của Chính phủ hoàn toàn không đề cập gì đến những nghịch lý này.
Điều mọi người trông đợi ở báo cáo hay nói đúng ra ở bộ máy điều hành kinh tế là một sự thay đổi căn bản về tư duy điều hành: không bám theo các chỉ tiêu cứng nhắc mà là phân tích và tìm giải pháp cho những vấn đề lớn của kinh tế, xã hội. Đó là tìm mô hình tăng trưởng mới khi đầu tư không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng nữa (ít nhất là trong những năm tập trung giải quyết nợ xấu của nền kinh tế). Trong mô hình này, việc tăng năng suất phải được đặt ra, việc cạnh tranh bình đẳng phải được khuyến khích và việc thay đổi cán cân xuất nhập khẩu theo hướng giảm nhập siêu một cách bền vững phải được coi trọng.
Nhìn rộng ra, đặc điểm lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là sự sụt giá của nhiều loại bong bóng tài sản, sau nhiều năm phình to. Sự sụt giá này diễn ra rộng khắp, từ chứng khoán, bất động sản đến cơ hội làm ăn, mức lãi hàng năm... dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có cả sự sụt giảm tiêu dùng và ngân sách ngày càng eo hẹp. Bộ máy điều hành kinh tế phải thấy được đặc điểm này và có kế sách phù hợp chứ không thể bám theo khuôn khổ cũ.
Làm nên bộ máy là từng con người cụ thể. Vì thế thay đổi tư duy cả về khía cạnh nhân sự để có những con người phù hợp với cách suy nghĩ mới trước những vấn đề mới cũng là điều cấp thiết không kém. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận lỗi về “những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành” - vấn đề là những thay đổi sau đó.