Home » » BIỆN CHỨNG CỦA TƯ TƯỞNG DUNG HOÀ TRONG VĂN HOÁ - TÔN GIÁO VIỆT NAM:

BIỆN CHỨNG CỦA TƯ TƯỞNG DUNG HOÀ TRONG VĂN HOÁ - TÔN GIÁO VIỆT NAM:

Written By kinhtehoc on Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012 | 04:32



                                                                      LÊ THỊ LAN (*)

Tư tưởng dung hoà như một nguyên tắc tồn tại của người Việt Nam được hình thành từ rất sớm trong lịch sử và ngày càng được bổ sung thêm nhiều nội dung mới theo tiến trình phát triển của dân tộc. Tư tưởng này bao gồm các nội dung: hoà hợp với tự nhiên; dung hoà với xã hội; dung hoà với con người. Tư tưởng dung hoà vận động trong suốt lịch sử cổ-trung đại Việt Nam đã tạo ra một diện mạo văn hoá Việt, làm nên một tổng thể các yếu tố văn hoá - tôn giáo (Nho - Đạo Phật và các yếu tố bản địa) khi được bổ sung thêm những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của phương Tây thời cận, hiện đại. Tuy có giai đoạn tư tưởng dung hoà bị lãng quên hay bỏ qua, gây nên những hệ quả tiêu cực về văn hoá- xã hội, nhưng sự tự nhận thức, điều chỉnh và ứng dụng nguyên tắc này trên tinh thần thời đại, phù hợp với thực thể văn hoá - xã hội của người Việt vẫn luôn được giới tinh hoa coi như  chiếc chìa khoá vàng cho sự phát triển văn hoá của dân tộc.

Việt Nam được biết tới như một quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều nền văn hoá dân tộc. Trong đó, văn hoá của dân tộc Việt là lớn nhất và Phật giáo là phổ biến nhất. Trong suốt chiều dài lịch sử, dù trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc hay gần 100 năm Pháp thuộc, Việt Nam vẫn bảo tồn và phát triển nền văn hoá của mình, không bị Hán hoá, không bị Tây hoá. Văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển trên cái gốc là tam giáo (Nho – Đạo – Phật) và tín ngưỡng bản địa, nhờ sức sống là truyền thống dung hoà.
Tư tưởng dung hoà như một nguyên tắc tồn tại của người Việt Nam được hình thành từ rất sớm trong lịch sử và ngày càng được bổ sung thêm nhiều nội dung mới theo tiến trình phát triển của dân tộc. Tư tưởng này bao gồm các nội dung: dung hoà, hoà hợp với tự nhiên (hành động theo tự nhiên, không chống lại thiên nhiên, thích nghi với tự nhiên); dung hoà với xã hội (về mặt chính trị theo nguyên tắc thần phục giả vờ, độc lập thật sự, học tập cách tổ chức nhà nước của Trung Quốc; về mặt văn hoá tư tưởng theo nguyên tắc "không từ chối", tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc khác trong quá trình giao lưu, như nhạc Chăm trong cung đình, diễn trò của Trung Quốc...; về mặt ngôn ngữ sử dụng nhiều từ vựng gốc Môn - Khơme, Tầy Thái, Mã Lai, Hán, Ấn Độ...; về mặt tôn giáo tiếp thu các thuyết Nho, Đạo, Phật, Công giáo, Tin lành..., tiếp thu nhiều tư tưởng của cả phương Đông lẫn phương Tây); dung hoà với con người theo nguyên tắc dĩ hoà vi quý, lưỡng trị, điều hoà quyền lợi.
Tư tưởng dung hoà hình thành trong lịch sử Việt Nam dựa trên cơ sở ban đầu là môi trường sống của dân tộc Việt. Sự phát triển địa vực cư trú của người Việt từ vùng núi xuống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thời kỳ đang được bồi lấp, từ phía tây lan xuống phía đông, từ phía bắc lan xuống phía nam là sự đan xen giữa môi trường nước và núi. Vị trí địa lý của Việt Nam ở phía đông bán đảo Đông Dương, nằm trên ngã ba đường thương mại biển từ Nam lên Bắc và ngược lại, nên cũng nằm ở ngã ba của giao lưu, tiếp xúc, hội nhập văn hoá... Chính môi trường địa lý nhân văn này đã tạo xu hướng luôn giao lưu, hội nhập văn hoá giữa cộng đồng Việt với các cộng đồng khác, hình thành thế ứng xử mềm mại, dung hoà trong cộng đồng của người Việt.
Tư tưởng dung hoà còn bắt nguồn từ chính lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam. Về mặt dân tộc học, dân tộc Việt bao gồm nhiều nhóm tộc người liên kết dưới quyền thủ lĩnh chung. Quá trình phát triển cộng đồng Việt là quá trình dung nạp, phối hợp thêm nhiều tộc người, như người Hoa, người Chăm, người Khơme... mà như nhận xét của một nhà nghiên cứu thì "Người Việt và tiếng Việt là kết quả của những sự giao thoa, tiếp xúc, đan xen ngôn ngữ - tộc người - văn hoá kỳ lạ - và có thể nói là bí nhiệm nhất trong lịch sử Đông Nam Á"(1).
Chính môi trường địa lý, địa vực, dân tộc luôn có sự mở rộng, tiếp xúc, giao lưu là cơ sở để tư tưởng dung hoà xuất hiện, phát triển, củng cố và như một nguyên tắc nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của Việt Nam.
Về mặt lịch sử, nguyên tắc "dung hoà", "hoà hợp" của Việt Nam được hình thành ngay từ buổi ban đầu của lịch sử dân tộc và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với nội dung ngày càng mở rộng.
 Giai đoạn hình thành tư tưởng dung hoà là vào khoảng thế kỷ VII - V TCN., với nội dung chủ yếu là ý thức hoà hợp với thiên nhiên, với cộng đồng. Chẳng hạn, truyền thuyết lý giải nguồn gốc tục xăm mình của người Việt là bắt chước tự nhiên để giống hình thuỷ quái, để người Việt bắt cá, kiếm sống được dễ dàng. Tục xăm mình còn tồn tại tới thế kỷ XIV, được phản ánh vào sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư) và mang ý nghĩa triết học như một thông điệp của lịch sử về thế ứng xử, phương thức sống của người Việt. Nhà của người Việt cổ là nhà sàn bằng tre, gỗ, được kiến trúc rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều vùng nhiệt đới. Lễ hội là sinh hoạt văn hoá của nhân dân được tổ chức phù hợp với thời vụ nông nghiệp... Tính cách chung của người Việt được phản ánh trên các di vật cổ là vui vẻ, cởi mở, cùng hợp tác lao động với người khác. Tư tưởng hoà hợp đã tạo ra một không gian văn hoá, một thế sinh hoà bình, vui vẻ, ổn định cho người dân.
Qua quá trình lịch sử lâu dài, tư tưởng hoà hợp ngày càng chứng tỏ là  một nguyên tắc hiệu quả cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt. Đến đầu thời kỳ Bắc thuộc, tư tưởng này đã có thêm nội dung dung hoà quyền lợi chính trị - xã hội. Người Việt đã vận dụng nguyên tắc này vào ứng xử chính trị nhằm bảo vệ chủ quyền của mình trước kẻ xâm lược mạnh hơn nhiều lần. Để tránh chiến tranh, các thủ lĩnh Việt đã mang lễ vật, xin thần phục Triệu Đà và được phép cai trị dân như cũ. Nguyên tắc "thần phục giả vờ, độc lập thực sự" khởi đầu từ các thủ lĩnh Việt cổ trong ứng phó với phương Bắc đã trở thành nguyên tắc số một trong văn hoá chính trị của người Việt. Sau thời Bắc thuộc, dù chiến thắng kẻ xâm lược, các triều đại vua Việt vẫn tiếp tục ứng dụng tư tưởng dung hoà này, sang triều đình Trung Hoa cầu phong, để giữ gìn độc lập, hoà bình cho dân tộc.
Trong thời kỳ Việt Nam bị phương Bắc thống trị, một mặt, do bị cưỡng bức văn hoá; mặt khác, do sự giao lưu, tiếp xúc văn hoá và do tác động của tư tưởng dung hoà, nên xu hướng tiếp thu, hội nhập các yếu tố văn hoá Hán và Ấn vào nền văn hoá bản địa đã hình thành. Như vậy, vào giai đoạn này, tư tưởng dung hoà đã có thêm nội dung hoà hợp với các tôn giáo, các tư tưởng ngoại lai. Nho, Phật, Đạo từ phương Bắc xuống, Phật giáo từ Ấn Độ sang được tiếp nhận, dung hoà vào nền văn hoá bản địa, trở thành các thành tố của văn hoá Việt Nam. Từ giai đoạn này trở đi, "sự hỗn dung tôn giáo (syncretion religions) hay khuynh hướng dung hoà tư tưởng và tôn giáo chắc chắn là một bản tính của tâm thức Việt Nam"(2) Nhân dân đã Phật giáo hoá thần mưa, thần sấm, thần gió, thần mây trong tín ngưỡng dân gian thành các vị Phật bà. Đức Phật là Nam thần sang Việt Nam đã trở thành nữ thần. Thời Sĩ  Nhiếp, tư tưởng dung hoà văn hoá, tôn giáo đạt tới đỉnh cao. Sĩ Nhiếp coi trọng cả Nho, Đạo, Phật và tín ngưỡng thờ linh khí sông núi, thờ thần bản địa trong cai trị và đã tạo ra được một giai đoạn ổn định, thịnh vượng và đa dạng về văn hoá. Từ Sĩ Nhiếp, các tôn giáo ngoại lai được biến đổi phù hợp và hoà nhập với tôn giáo bản địa tạo thành nội dung chủ yếu của thực thể tinh thần Việt.
Từ 938 trở đi, Việt Nam bước vào thời kỳ tự chủ, xây dựng đất nước. Tư tưởng dung hoà càng được tuân thủ và phát triển trên tất cả các nội dung của nó, đặc biệt là trong bốn thế kỷ tiếp theo, dưới hai triều Lý, Trần. Mặc dù chiến thắng giặc ngoại xâm, các vua Việt vẫn duy trì nguyên tắc đối ngoại "thần phục giả vờ, độc lập thực sự" với Trung Quốc nên đã có được nhiều thời gian hoà bình. Về mặt văn hoá - tôn giáo, các vị vua nhà Lý, Trần tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá Chăm, Trung Hoa (như âm nhạc, kiến trúc), phát triển Phật giáo trong đời sống văn hoá xã hội, phát triển Nho giáo trong đời sống chính trị trong khi vẫn duy trì các luật tục, tập quán bản địa, như tập quán coi trọng phụ nữ, tục xăm mình, hội thề Đồng cổ... Triết lý chính trị, triết lý đời sống của nhà Trần là "hoà ánh sáng với bụi bặm", biểu hiện khuynh hướng tư tưởng dung hợp mọi điều được cho là tốt và phù hợp với thế sinh người Việt khi đó, dù nó đến từ các ngả đường khác nhau. Vì thế, triết lý này càng củng cố và làm sâu sắc thêm nội dung tư tưởng dung hoà văn hoá - tôn giáo Việt Nam. Với triết lý đó, đời sống tinh thần triều Lý - Trần được khái quát bằng 4 từ: khoan - giản – an - lạc, đã tạo nên một nền văn hoá Đại Việt phát triển rực rỡ, giàu sức sống. Trong thời kỳ này, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian được phát triển như dân ca, chèo, tuồng. Chữ Nôm ra đời tạo thêm một công cụ cho sự phát triển văn học. Thơ văn Thiền thời Lý -Trần chứa đựng những giá trị triết lý, nhân văn vĩnh hằng. Đạo đức Nho giáo bổ sung cho đạo đức dân gian hệ chuẩn mực rõ ràng, ổn định. Bằng tinh thần dung hoà, tầng lớp thống trị đã xây dựng được một nền văn hoá thống nhất từ trên xuống dưới, chưa có sự chia tách giữa văn hoá dân gian và văn hoá cung đình.
Từ thế kỷ XV trở đi, giai cấp thống trị ngày càng chú trọng phát triển Nho giáo theo con đường cứng nhắc, Hoa hoá. Với sự tiếp thu văn hoá Nho, tư tưởng dung hoà tìm được lý luận của mình trong học thuyết hoà hợp của Khổng Tử(3) nhưng đã bị xuyên tạc, bóp méo qua Hán Nho, Tống Nho với các nội dung "thiên nhân hợp nhất", "thiên nhân tương dữ", "nhân trị, đức trị", "trung dung"... Nhưng cũng do xu hướng đề cao Nho giáo quá mức, bắt chước Trung Hoa, nên các vua Lê có xu hướng xa rời tư tưởng dung hoà, khiến triều đình ngày càng xa dân, dẫn đến sự phân hoá thành hai nền văn hoá trong một thực thể dân tộc: văn hoá dân gian và văn hoá chính thống. Xu hướng bài xích Phật giáo đã xuất hiện, Nho giáo được đưa lên địa vị thống trị. Xu hướng này ngày càng mạnh đến mức tạo ra hai sắc thái đối lập (văn hoá nhân dân thì mang đậm sắc thái Đông Nam Á, văn hoá cung đình thì mang đậm sắc thái Trung Hoa). Tuy nhiên, sang thế kỷ XVI - XVII, trong hành trình nam tiến, tư tưởng dung hoà văn hoá lại được các chúa Nguyễn củng cố. Sự tiếp thu văn hoá Chăm, sự tự do truyền đạo Công giáo ở buổi đầu... đã tạo thêm những sắc thái đa dạng cho nền văn hoá Việt.
Đến thời Pháp thuộc, văn hoá phương Tây hội nhập vào nền văn hoá Việt cả bằng con đường cưỡng bức và tiếp thu tự nguyện. Nguyên tắc "không chối từ" như một công cụ vô thức giải Hoa hoá nền văn hoá chính thống nhưng lại Pháp hoá, Tây hoá nền văn hoá này và tạo nên một sắc thái mới trong tổng thể văn hoá Việt. Lúc này, văn hoá Nho giáo suy thoái nhưng không mất hẳn, văn hoá phương Tây được tiếp thu và phát triển đặc biệt ở thành thị và trong giới trí thức, tiểu tư sản, văn hoá Phật giáo vẫn phổ biến cùng văn hoá dân gian. Tư tưởng dung hoà, một lần nữa, đã tiếp thêm sức sống cho nền văn hoá Việt. Trong nửa đầu thế kỷ XX, được kích thích bởi sự tiếp xúc với văn hoá phương Tây, người Việt đã thu nhận những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của nhân loại, như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, dân chủ. Những giá trị này đã được chào đón nồng nhiệt bởi tinh thần dung hoà của người Việt và bởi nó rất gần với các giá trị nhân văn cổ truyền. Đặc biệt, việc tiếp thu, dung hoà các tinh hoa văn hoá phương Tây đã đưa tới sự bùng nổ trong khoa học - nghệ thuật với sự hình thành nhiều trường phái mới có tính chất Tây phương hoá. Âm nhạc trữ tình, hội hoạ lãng mạn, thơ mới, văn học hiện thực phê phán... và những nền tảng khoa học, kỹ thuật là những thành quả to lớn trong quá trình hiện đại hoá đời sống tinh thần, văn hoá Việt Nam. Cũng giai đoạn này, các tôn giáo cũ và mới như tôn giáo dân gian, Phật giáo, Công giáo, đạo Cao đài, Hoà hảo... đều phát triển, các triết thuyết phương Tây đương đại như triết học Mác, phân tâm học, chủ nghĩa thực chứng, thuyết trực giác... du nhập vào Việt Nam rầm rộ và đa dạng, tạo nên một diện mạo mới mẻ, đầy sức sống trong đời sống tinh thần Việt.
Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa được xây dựng theo các tiêu chí khoa học, dân tộc và đại chúng (Đề cương văn hoá 1943). Do tác động của sự chuyển đổi cơ cấu văn hoá theo hướng xã hội chủ nghĩa, sự phân ly hai nền văn hoá trong một nền văn hoá thời kỳ trước 1954 đã bị xoá bỏ, ít nhất là trên bề mặt xã hội. Truyền thống dung hoà được coi trọng trên lý thuyết nhưng không được áp dụng trong thực tế. Do những nguyên nhân nhất định mà tính dân tộc đã bị xem nhẹ, tính giai cấp được nhấn mạnh. Văn hoá Nho giáo, Phật giáo, phương Tây bị xem xét lại. Nhiều tôn giáo dân gian (đạo thờ mẫu, thuật phong thuỷ) bị coi là mê tín dị đoan, nhiều lễ hội bị dẹp bỏ, v.v.. Điều đó dẫn tới sự hình thành một khoảng trống tâm linh trong nhân dân, đặc biệt là trong các thế hệ trẻ ngoài Bắc.
Công cuộc đổi mới t­ư duy năm 1986 của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước phát triển mới truyền thống dung hoà văn hoá -tôn giáo của dân tộc. Xu hướng này không ra ngoài xu hướng quốc tế chung trong những năm 80 - 90 thế kỷ XX, nhằm khẳng định lại chính mình của các nước đã được quá trình hiện đại hoá tạo nên sức mạnh, mang lại sự hồi sinh cho các nền văn hoá phi phương Tây(4). Các nội dung của truyền thống dung hoà đang dần dần được nhận thức lại và áp dụng vào thực tế.
Trên lĩnh vực văn hoá - tôn giáo, tự do tín ngưỡng được coi trọng. Phật giáo và các sinh hoạt văn hoá tôn giáo dân gian được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Số lượng các tăng ni, Phật tử tăng nhanh. Chùa chiền được tu bổ, xây mới, các lễ hội được phục hồi... Công giáo đã có ảnh hưởng tới xã hội với sự xã hội hoá các ngày lễ Công giáo như­ Giáng sinh, Phục sinh... Tiếng nói của các tổ chức tôn giáo ngày càng được coi trọng trong đời sống chính trị - xã hội.
Điều hoà lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tạo ra môi trường hợp tác lao động và hưởng thụ hài hoà là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng dung hoà. Đây là nội dung quan trọng mà Nhà nước Việt Nam đang cố gắng hướng tới. Nội dung này được Đảng Cộng sản Việt Nam đồng nhất với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và phấn đấu thực hiện suốt những năm qua. Con đường điều hoà lợi ích đã xuất phát từ chính thực thể văn hoá - xã hội của người Việt, là con đường kết hợp hiện đại hoá với dân tộc hoá.
Nhưng trong quá trình hiện đại hoá, nội dung hoà hợp với thiên nhiên rất dễ bị đặt sang một bên. Do áp lực phát triển kinh tế và quan niệm lạc hậu, cứng nhắc, thậm chí thiếu tri thức về chinh phục và cải tạo tự nhiên, do sự yếu kém trong ban hành và thực thi luật môi trường mà thiên nhiên Việt Nam ngày càng bị huỷ hoại nặng nề. Ô nhiễm môi trường, cháy rừng, nguồn nước cạn kiệt... dẫn tới sự suy giảm chất lượng sống. Sự mất cân bằng hệ sinh thái dẫn tới sự mất cân bằng trong văn hoá sống, trong thế sinh của người Việt và như vậy, làm thành vòng tròn lẩn quẩn dẫn tới nguy cơ phát triển không bền vững đang là một thách thức to lớn cho Việt Nam. Để khắc phục nguy cơ này, việc tiếp cận những kiến thức khoa học hiện đại về môi trường, học tập kinh nghiệm bảo vệ môi trường của các nước phát triển, xây dựng và thi hành bộ luật môi trường có hiệu quả, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân là hết sức quan trọng. Đây không chỉ là công việc của nhà nước mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo trong việc giáo dục truyền thống văn hoá Phật giáo, tình yêu thiên nhiên, hướng dẫn bảo vệ môi trường cho các Phật tử.
Chính sách mở cửa, đa phương hoá quan hệ ngoại giao, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, hội nhập kinh tế thế giới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế trong nước trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một đường lối phát triển dân tộc đúng đắn trong thời đại toàn cầu hoá. Theo đường lối này, phương châm dung hoà trong ứng xử chính trị, ngoại giao và phát triển văn hoá được tôn trọng. Đây là chìa khoá mở đường cho hiện đại hoá văn hoá dân tộc trong thời đại mới. Tinh thần của đường lối này không chỉ phù hợp với xu hướng quốc tế về bảo tồn sự đa dạng hoá các nền văn hoá, mà còn phù hợp với truyền thống dung hoà của Việt Nam nên có tính thực tiễn rất cao. Thực tiễn văn hoá Việt Nam hơn 2000 năm cho thấy, ở giai đoạn nào, triều đại nào mà tư tưởng dung hoà được duy trì và củng cố thì giai đoạn đó, triều đại đó vững mạnh và giàu tiềm năng phát triển. Vì vậy, cho dù trong bối cảnh toàn cầu hoá, nguy cơ mất bản sắc văn hoá dân tộc rất lớn, nhưng việc kế thừa truyền thống dung hoà văn hoá - tôn giáo, ứng dụng nguyên tắc này trên một tinh thần mới chính là chiếc chìa khoá vàng để nền văn hoá Việt Nam ngày càng phát triển. /.

(*) Tiến sĩ triết học, Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
(1) Trần Quốc Vượng. Văn hoá Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm. Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr. 47.
(2) Trần Quốc Vượng. Sđd., tr. 491.
(3) Xem: Trần Văn Đoàn. Hoà hợp và cộng thức. Khổng Tử và Habermas về chính trị. Bản dịch của Viện Triết học.
(4) Xem: Samuel Huntington. Sự va chạm giữa các nền văn minh. Nxb Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 107.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved