Phê bình văn học hiện nay: cái yếu và cái thiếu
| Filed under 6. Những vấn đề hiện thời của phê bình
Phạm Xuân Nguyên
Trước hết cần có sự phân biệt thể loại “phê bình” và “nghiên cứu”, ở ta. Tôi nhấn mạnh là ở Việt Nam ta, bởi vì trong tiếng Tây chữ “criticism” là bao hàm cả hai, nhưng ở ta nói phê bình và nghiên cứu là khác nhau. Phê bình văn học, hiểu theo ở ta, là khen chê một tác phẩm khi nó vừa ra đời, xem nó hay dở thế nào, cố nhiên là theo những tiêu chuẩn thẩm mỹ nhất định. Phê bình là cái đó, tại đây, ngay lúc này. Một tiểu thuyết vừa ra, một truyện ngắn vừa đăng, một bài thơ vừa xuất hiện, người đọc, và cả các nhà văn nhà thơ, muốn chờ nghe ý kiến nhà phê bình xem hay dở thế nào. Nguyễn Du không biết, không cần biết, “tam bách dư niên hậu” cuốn truyệnĐoạn trường tân thanh của mình sẽ sinh ra bao nhiêu công trình khảo cứu, nghiên cứu, nơi thực hành kiểm nghiệm các lý thuyết văn học của mỗi thời đại, nhưng ông cần, rất cần (tôi dám chắc thế) những lời phẩm bình, nhận xét của những bạn văn tri âm tri kỷ đương thời, những “siêu người đọc”, nói theo ngôn ngữ thời nay. Trong lĩnh vực này, nhà phê bình giỏi phải là người có “con mắt xanh” biết “anh hùng đoán giữa trần ai”, phát hiện và đề cao những giá trị đang tức thời nhưng sẽ là lâu dài, giúp người đọc cảm, hiểu được cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương. Hoài Thanh là nhà phê bình đúng nghĩa của từ này, khi sống giữa lòng Thơ mới ông đã “đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở” để chọn ra những tác phẩm, những tác giả ông thấy là xuất sắc, tiêu biểu, góp thành Thi nhân Việt Nam với những nhận xét, phẩm bình, đánh giá, nhiều phần tinh tế, chính xác, có phát hiện. Thời gian đã khẳng định cách đọc phê bình và cách viết phê bình của Hoài Thanh. Rất nhiều những chuyên luận, luận văn về sau này nghiên cứu sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật, thế giới thơ ca của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Tế Hanh…, các tác giả có độ lùi thời gian, có quá trình nghiền ngẫm phân tích, có các lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới mẻ, đưa lại nhiều khám phá mới về các tác gia Thơ mới, kết quả những nghiên cứu đó cho thấy những tiên cảm, nhạy cảm của Hoài Thanh với tư cách nhà phê bình đối với các nhà Thơ mới là đúng, nhiều khi là đúng cơ bản. Thử lấy một thí dụ. Viết về Xuân Diệu, ông chỉ ra hai đặc điểm của nhà thơ này: “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quít, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình”, và, “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Tất cả các nghiên cứu sau này về Xuân Diệu, có thể nói, không ra ngoài nhận định xác đáng này của Hoài Thanh.
Tôi không tuyệt đối hóa phê bình văn học của Hoài Thanh. Nhưng câu than phiền “văn học bây giờ thiếu phê bình hoài thanh”, Hoài Thanh viết thường, như một tính từ, là có cơ sở, nhất là khi trên thị trường văn học đang “lạm phát” đủ các loại tuyển thơ kèm lời bình, mà chất lượng và giá trị phần lớn rất thấp. Chê rằng Hoài Thanh sau thời Thơ mới không còn theo nổi phong trào, không bắt kịp sự phát triển của văn học, không tinh tường thẩm định tác phẩm, điều đó khí đơn giản và dễ dàng. Nó đúng như là… nó đúng. Mỗi nhà phê bình chỉ sống với một thời, thời của họ, và nếu họ tổng kết được văn học thời họ sống bằng những tác giả tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu, ấy là họ đã có công lao vĩ đại cho thời mình, và các thời sau. Hoài Thanh làm được điều đó. Ngay cả ở thời kỳ sau này, khả năng thính nhạy phê bình của Hoài Thanh vẫn có lúc tỏa sáng, như trường hợp ông có ngay bài viết khen ngợi, cổ vũ Lưu Quang Vũ (1966), Nguyễn Duy (1972), khi hai tác giả này chỉ mới xuất hiện những chùm thơ đầu tiên. Bây giờ có các công trình nghiên cứu Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, khi họ đã là những nhà thơ nổi tiếng, đó là việc thường tình. Hoài Thanh cũng đã có lúc có dự định làm một tuyển thi nhân Việt Nam mới thời sau 1945, nhưng hoàn cảnh đã không chiều ông, vả, cũng nói thật, ông bất lực, vì thời của ông đã qua. Nhưng, những người đến sau ông, sao không ai làm được như ông cho thời của họ? Vì văn học đã phức tạp hơn? Vì các lý thuyết đã nhiều hơn? Vì tài năng ít hơn, nhạt hơn? Vì gì đi nữa, văn học vẫn để lộ ra khoảng trống phê bình, nghiên cứu chưa thay thế và bù đắp được.
Đây đang nói sự phân biệt phê bình và nghiên cứu. Nhà phê bình sống trong/cùng văn học thời mình, đi theo một hệ thống mỹ học, lựa chọn một phương pháp tiếp cận, dựa vào cảm nhận cá nhân, để tìm cách đọc các tác phẩm đang được sáng tạo ra. Phê bình là đọc nhanh, nghiên cứu là đọc chậm. Phê bình là tiếp xúc động, nghiên cứu là tiếp xúc tĩnh. Phê bình là làm việc với cái sống, nghiên cứu là làm việc với cái chết. Phê bình là ở thì hiện tại, nghiên cứu là ở thì quá khứ. Phê bình là tìm kiếm cái cần khẳng định, nghiên cứu là khẳng định cái đã tìm thấy. Phê bình hỏi giá trị là gì, nghiên cứu hỏi giá trị thế nào. Phê bình là khi P. Corneille (1606-1684) tung ra vở bi kịch Le Cid năm 1636 phải có ngay trên mặt báo một câu “cả Paris đang nhìn Rodrige bằng đôi mắt của Simen, nghiên cứu là giữa thế kỷ 20 lấy Le Cid làm đối tượng kiểm nghiệm hệ thống tiếp cận, như các nhà phê bình mới ở Pháp đã làm. Nhóm “phê bình mới”, hiểu theo sự phân biệt này, thực chất là những trường phái nghiên cứu mới. Nội một việc họ lảng tránh văn học đương đại, tìm về văn học cổ điển, để áp dụng hệ thống “phê bình mới” của mình đối lập với “phê bình cũ”, hay “phê bình đại học” (R. Barthes), đã cho thấy rõ. Ở ta không gọi những M. Bakhtin, R. Jakobson, R. Barthes, J. Derrida… là các nhà phê bình văn học, vì như thế dễ gây hiểu nhầm, họ là những nhà nghiên cứu văn học. R. Jacobson phân tích bài thơ “Les Chats” của C. Beaudelaire, R. Barthes viết cuốn “S/Z” phân tích một truyện của H. Balzac, đó là nghiên cứu, đâu phải phê bình.
Mà không riêng gì ở Việt Nam. Một nhà nghiên cứu người Nga, bà Natalia Fedorovna Rjevskaya, cũng vấp phải sự nhập nhằng phê bình/nghiên cứu này khi đi vào tìm hiểu đời sống văn học Pháp những năm 60-70. Bà viết: “Vấn đề là ở chỗ tiếng Pháp không có khái niệm “nghiên cứu văn học”, còn từ phê bình (la critique) của nó có nội dung rộng hơn của tiếng Nga và được dùng để chỉ toàn bộ hoạt động phê bình nghiên cứu nói chung. (Từ Pháp “la critique” trong trường hợp này tương đương với từ Anh “Criticism”). Để phân biệt các hiện tượng được biểu thị bằng khái niệm phê bình, người Pháp dùng các tính ngữ và chia ra phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình đại học (tính ngữ “đại học” ở đây không mang nghĩa đơn nhất như R. Barthes và nhóm ông gán cho). Có lẽ gần nhất với cách nghiên cứu văn học mà tiếng Nga biểu thị bằng khái niệm “nghiên cứu văn học” là phê bình học thuật, nhưng nó không trùng với khái niệm trên về khối lượng, vì chỉ bao hàm một phạm vi hiện tượng hẹp hơn. Các nhà cấu trúc luận phần nào học theo các nhà hình thức luận Nga cố thử xây dựng “khoa học về văn học” (la science de littérature hay la science littéraire) và phân định rạch ròi – thật ra chủ yếu chỉ trong các bản tuyên bố và tuyên ngôn – phê bình có nhiệm vụ diễn dịch tác phẩm bằng cách lý giải một trong các ý nghĩa của nó, và khoa học về văn học nhằm mục đích giải thích tổ chức của tác phẩm hiểu như là một hình thức “rỗng”, không có nghĩa. Cả “khoa học về văn học”, cũng như “phê bình học thuật”, cũng chỉ có thể so với một trong các bộ phận hợp thành của nghiên cứu văn học – với lý luận văn học, còn nếu chính xác hơn nữa – thì chỉ với thi pháp. Có lẽ, gần nhất với quan niệm của chúng ta về nghiên cứu văn học – đó là khái niệm “lịch sử văn học” (histoire littéraire) do G. Lanson đưa ra và ông cương quyết tách nó khỏi lịch sử của văn học”. Vì vậy trong công trình của mình N. F. Rjevskaya phải giới thuyết cách dùng hai từ “phê bình” và “nghiên cứu”. Bà quan niệm phê bình là “sự giải thích và đánh giá hiện tượng văn học như một sự kiện của quá trình văn học đương đại mà bản thân nhà phê bình có tham gia vào để tìm cách tác động lên nó bằng cách này hay cách khác”, còn nghiên cứu là “sự tìm hiểu bản chất và đặc trưng của hiện tượng văn học, cũng như nguồn gốc và chức năng hoạt động của nó, đồng thời hiện tượng văn học được xem xét như một bộ phận hợp thành của quá trình lịch sử-văn học mà nó gắn bó chặt chẽ và nếu nằm ngoài thì nó không có nghĩa”(1).
Từ quan niệm như trên, tôi thấy, phê bình văn học là một nghề, ngoài học vấn sâu và rộng, cần sự trung thực và bản lĩnh, bởi vì người viết phê bình phải trực ngôn, phải phát ngôn từ chính mình, phải “cá cược” tất cả học vấn và uy danh của mình vào những nhận xét mình đưa ra về một tác giả, một tác phẩm ngay khi mới xuất hiện, còn chưa có động tĩnh gì trên văn đàn, hoặc đã bị nhiễu tạp xâu xé giữa nhiều luồng đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chính ở đây bộc lộ cái thiếu và cái yếu của phê bình văn học hiện nay. Thiếu một bầu không khí sinh hoạt văn chương dân chủ, bình đẳng, công bằng cho hoạt động phê bình diễn ra lành mạnh. Yếu trình độ lý thuyết của bản thân phê bình để biết phát hiện và hướng đạo văn học về mặt chuyên môn.
Trước hết nói về cái thiếu. Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, phong trào Thơ mới thời kỳ 1932–45 đã phát lộ và nẩy nở nhiều thi tài ở tuổi đời còn rất trẻ. Chế Lan Viên tuổi chưa đầy 17 ra tập thơ Điêu tàn ngạo nghễ tuyên bố với độc giả: “Nếu, khi sách đọc xong mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi Hùng cũng ùa nhau đến bọc lấy hồn anh, làm cho anh phải cười, phải gào, phải khóc thì xin anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê rồi gửi cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung. Tôi nằm ngủ ở trong sao, nghe được, tung mây ngồi dậy, vồ lấy cái quà quý báu ấy rồi say sưa, rồi ngây ngất, rồi điên cuồng vỗ lên đầu sao Khuê, sao Đẩu, lên cả Nguyệt Cầu mà bảo chúng nó rằng: – Ha, ha, bay ôi! Loài người thành thi sĩ như ta cả rồi!”. Huy Cận 23 tuổi viết trong Kinh cầu tự cũng ngạo nghễ không kém: “Ta nhớ lại những bà mẹ may áo cho con, trừ hao dài rộng: “lớn lên thì vừa”. Kẻ đọc ta ơi! (ta không muốn gọi ngươi là người bạn đọc) đứng phiền lòng nhé! Ta đang may áo trừ hao cho người đây!”. Trong một không khí sinh hoạt văn chương mà người sáng tác được nói và nói được như vậy, phê bình cũng rất ngạo nghễ tự tin. Thế Lữ đề tựa Thơ thơ của Xuân Diệu viết: “Và từ đây chúng ta đã có Xuân Diệu. Loài người hãy hiểu con người ấy!”. Một lời khen, một lời khẳng định, một lời bảo vệ “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” đến thế là tót vời, tột cùng. Không phải Xuân Diệu phải khuôn theo kích thước tiêu chuẩn của loài người, mà ngược lại, loại người phải cố vươn tầm mình lên để hiểu nhà thi sĩ mới xuất hiện. Khi ấy Xuân Diệu mới 22 tuổi, và Thơ thơ là tác phẩm đầu tay của ông. Chế Lan Viên kiêu cho mình rồi, khi phê bình thơ bạn còn kiêu cho bạn hơn nữa để cam đoan với người đương thời rằng những cái mực thước, vừa phải của thời này sẽ mất đi, còn lại chút gì ấy là thơ Hàn Mặc Tử. Năm 1939 ấy Chế là 19 tuổi, và Hàn là 27, sắp mất. Còn nhà phê bình chính hiệu Hoài Thanh cũng ngạo nghễ không kém khi làm tuyển Thi nhân Việt Nam. Tôi nhắc lại những thí dụ của một thời mà ai cũng đọc cả rồi, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng là để gợi một suy nghĩ hôm nay. Phan Huyền Thư sinh 1972 được coi là lớp thơ trẻ hiện thời, chị có một bài viết muốn rạch ròi thẳng thắn kẻ vạch ranh giới giữa thế hệ thơ mình và thế hệ thơ đi trước nhan đề: “Xin lỗi, thơ của tôi không dành cho bạn”. Chị lấy ý này từ chuyện nhà thơ Auden (Anh) kể rằng nếu có người hỏi ông làm thơ cho ai ông sẽ hỏi lại bạn có đọc thơ tôi không, nếu bảo có ông hỏi tiếp bạn có thích thơ tôi không, nếu bảo không ông đáp thơ tôi không dành cho bạn. Bài viết của Phan Huyền Thư đã gây ra vài sự phê phán, chủ yếu của các bậc cả bậc trên, phê là cô ấy sao kiêu căng thế, sao muốn tạo mâu thuẫn thế hệ thế. Trường hợp Vi Thùy Linh thì mới thật tiêu biểu và nhiều người đã biết. Có thể thấy ở trường hợp này cái thiếu đang nói đến ở đây lộ ra khá rõ. Thơ Vi Thùy Linh ở độ tuổi hai mươi đã khuấy đảo được dư luận văn học bởi cảm xúc mãnh liệt và cách diễn tả táo bạo, đặc biệt khi chị thám hiểm trong thơ miền tình dục của tình yêu. Lẽ ra phê bình ở đây có thể bàn luận đa chiều và sâu sắc, qua sáng tác của một cây bút nữ trẻ nhiều đam mê khát vọng, những vấn đề cấp thiết đang mở ra trước văn học nước nhà như tinh thần nữ quyền (feminism), sự cách tân thơ. Nhưng không, phê bình cớ rộ lên chủ yếu chỉ là những bài phê Linh và thơ Linh dưới cái nhìn đạo đức xét nét, có lúc nặng lời khủng khiếp như một tờ báo giáo dục “giật tít” một bài viết là “Khi xác thịt tràn qua câu chữ”. Những người đề cao thơ Linh thì bị cho là phe cánh, là trục lợi, là bốc đồng. Và không khí phê bình đó đã khiến tập thơ thứ ba của Vi Thùy Linh bị tắc ở khâu giấy phép đã mấy năm nay, dù chiểu theo luật xuất bản hiện hành và xét dưới cái nhìn phê bình văn học thực sự thì không có lý do gì để không cho tập thơ đó ra đời. Mỗi thế hệ văn chương sẽ có những nhà phê bình của mình. Hãy để họ được lên tiếng thành thật, đừng độc quyền thẩm định, đánh giá đối với họ, càng không nên nhân danh một cách viết cách đọc này mà bài trừ, phủ nhận những cách viết cách đọc khác. Phán xét văn chương hãy để thời gian và công chúng. Chúng ta có một tờ báo Văn nghệ Trẻ nhưng tiếc thay đó lại không phải là diễn đàn của những người viết trẻ; những vấn đề của văn học trẻ chưa bao giờ được bàn luận thực chất và rốt ráo trên đó.
Cái thiếu của phê bình văn học hiện nay là vậy: thiếu một không khí phê bình cho các ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau, được nói ra công khai, tự do, bình đẳng, bình quyền, chỉ chịu sự giám định và kiểm nghiệm duy nhất của phẩm chất văn chương, mà cái này thì không phải một sớm một chiều là biết ngay được. Giá trị những lời của Chế Lan Viên, Thế Lữ, Huy Cận tôi dẫn ra ở trên phải mãi sau này mới được chứng thực.
Tôi nói tới cái yếu của phê bình văn học hiện nay: yếu lý thuyết văn học. Một tác phẩm văn chương viết theo lối hiện đại vẫn được phân tích, mổ xẻ, bình giá theo những tiêu chuẩn cách đọc như đối với một tác phẩm viết theo lối cổ điển. Còn những bài lý luận thì rặt theo kiểu đại luận, chung chung và cũ rích. Bài phê bình nào cũng giống bài phê bình nào: tóm tắt nội dung tác phẩm và phán vài câu về nghệ thuật vô thưởng vô phạt. Còn nhớ mười lăm năm trước sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp ra đời đã gây rối loạn và khủng hoảng cho phê bình văn học nước nhà quanh chuyện tìm cách đọc. Tỷ như vấn đề “người kể chuyện không đáng tin cậy” trong truyện của Thiệp chẳng hạn. Bây giờ, một phần tư thế kỷ sau, áp dụng lý thuyết văn chương hậu hiện đại để xem xét mới thấy có lẽ nhà văn này đã đi bước hậu hiện đại đầu tiên trong văn học Việt Nam. Tôi xin trích dịch đoạn sau đây nói về một phương diện của chủ nghĩa hậu hiện đại để hiến mọi người nghĩ thêm về Nguyễn Huy Thiệp khi phê bình: “Chủ nghĩa hậu hiện đại đánh dấu bước chuyển từ các quan niệm nhận thức luận (Tôi có thể giải thích cái thế giới mà tôi là một thành phần trong đó như thế nào? Cái gì là có thể biết, tri thức đáng tin cậy đến mức nào và đâu là giới hạn của tri thức?) sang các quan niệm bản thể luận (thế giới là gì? cái gì tạo nên thế giới và cái gì xảy ra khi biên giới của các loại thế giới khác nhau đang bị vi phạm?). Văn bản hiện đại thường có những người trần thuật/nhân vật không đáng tin cậy, nhưng chúng không đáng tin theo cách nào? Chúng ta có thể nói chúng không đáng tin tới mức nào và theo cách nào? Trong các văn bản hiện đại sự không đáng tin chỉ mãi về cuối mới được hiểu ra. Còn trong các văn bản hậu hiện đại, độc giả không phải bao giờ cũng được bảo đảm về mức độ không đáng tin. Nói cách khác, vấn đề ai nói và họ có nói sự thật không (và họ có biết sự thật thực ra là gì không) thường bỏ ngỏ và không giải quyết”(2). Soi sáng những sáng tác mới bằng những lý thuyết văn học mới ngõ hầu có thể giúp được cho sự vận động phát triển của văn học nước nhà trên con đường đi ra thế giới. Không nắm được những lý thuyết mới thì đến khen chê một tác giả một tác phẩm cụ thể cũng đã rất khó, nói gì đến khái quát một xu hướng, một trào lưu, một thời đại văn học. Còn như thấy nhà văn nhà thơ tìm tòi sáng tạo mà cho là nói ngược viết ngược để gây chú ý nổi tiếng thì đó vẫn chỉ là phê bình văn học phi lý thuyết. Về mặt này, phê bình văn học ta đến bây giờ vẫn là đi sau sáng tác. Cuốn tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương vừa ra, và nói chung là toàn bộ sáng tác của nhà văn này tính đến hiện nay, phần lớn vẫn nằm ngoài vùng “phủ sóng” của phê bình. Một nguyên nhân ở đây là các nhà phê bình thiếu lý thuyết để thâm nhập và khám phá cái thế giới “hỗn loạn” như một hệ thống nghệ thuật xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương(3). Rào cản lý thuyết là ngoại ngữ. Nhưng cả khi những bản dịch lý thuyết, tuy chưa hệ thống và toàn diện, đã được in ra khá nhiều trong nước thì giới phê bình cũng chưa phải đã chịu tìm đọc, và đọc rồi thì việc tiêu hóa nó và áp dụng nó còn là thiên nan vạn nan. Nhưng không có lý thuyết thì phê bình chỉ là anh mù, và ở ta là anh mù cầm cây gậy.
Bao giờ phê bình văn học ở ta vượt thoát được cái thiếu và cái yếu này? Câu trả lời là: khi xã hội đạt đến một trình độ dân chủ cao và khi văn học đạt đến một trình độ chuyên nghiệp cao1
Hà Nội 5.2004
_____________
([1]) N. F. Rjevskaya. Literaturovedenie i kritika v sovremennoi francii. Izdatelstvo “Nauka”, M. 1985, tr.26-27.
(2) “Postmodernism marks a shift from epistemological concerns (How can I interpret this world of which I am a part? What is knowable, how reliable is knowledge and what are the limits to knowledge?) to ontological concerns (what is a world? what constitutes a world and what happens when the boundaries of different kinds of world are violated?).
The modernist text often contains unreliable narrators/characters, but in what ways are they unreliable? Can we tell to what extent they are unreliable and in what ways? In modernist texts, the unreliability is usually understood, eventually. In postmodernist texts, readers may not always be sure of the extent of the unreliability. In other words, questions of who is speaking and whether they are telling the truth (and whether they know what the truth really is) are often left open, unresolved.” (tài liệu lấy từ Internet).
(3) Xem các bài viết của Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn Cầm Thi về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trên mạng http:// www.talawas. org.