Home » » Một cách nhìn văn hoá học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Một cách nhìn văn hoá học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:36

7. Một cách nhìn văn hoá học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Từ thập kỷ 80 của thế kỷ này, những nhà lãnh đạo của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội đã đề nghị với Trung ương để được công nhận là người thừa kế và kẻ tiếp nối nền giáo dục cấp cao của Quốc Tử Giám - Văn Miếu, chứ không phải chỉ là của trường Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) mới thành lập đầu thế kỷ XX, càng không phải chỉ là một hệ đại học mới ra đời sau mùa hè 1956.

Như vậy, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội được nhìn như một quá trình gồm ít nhất ba chặng đường lịch sử: 
- Chặng đường Nho học
- Chặng đường Tây học
- Chặng đường khoa học hiện đại 
Cá nhân tôi, một thành viên kỳ cựu của Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội, đã tán thành chủ trương này của lãnh đạo trường tôi, vì nó phản ánh một cái nhìn mang tính lịch sử về một trung tâm giáo dục cấp cao của một nhà nước tập quyền Việt Nam, siêu việt lên trên những thể chế chinh trị và hệ tư tưởng thống trị mỗi thời lịch sử để nắm bắt cái mẫu số chung, cái hằng số về Văn hoá - Giáo dục, mà giáo dục, về bản chất chức năng của nó, chỉ là một sự truyền đạt văn hoá. Đó là một cái nhìn văn hoá học, mang tính khoan hoà và tính nhân văn sâu sắc, một cái nhìn hằng xuyên chín chắn của một người trưởng thành, không mang tính kỳ thị, tự thị, thậm chí ngạo mạn của những người "mác-xít dỏm" (faux-marxiste) (người mác-xít thật luôn luôn khiêm tốn, mác-xít dỏm mới tự thị ngạo mạn).

Sự ra đời của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở nửa đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XI (1070-1075) là một sự kiện văn hoá xã hội mang ý nghĩa lịch sử - thời sự sâu sắc.

Nếu tiền thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội là Quốc Tử Giám thì có thể nói tiền kiếp của Quốc Tử Giám là những "học hiệu" do các quan Thái thú mở ra vào thời thuộc Hán khi Khổng Tử đã sa đoạ một bước thành Hán học, học hiệu của Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp... Một nhà giáo dục học lão thành và hiện vẫn còn đang sống và viết sách từ điển chính tả tiếng Việt chỉ một lần và sau đó không bao giờ được mời lại đến giảng bài ở ọc viện chính trị - quân sự cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam nữa chỉ vì ông đã rao giảng rằng: "Sĩ Nhiếp là ông tổ của việc học của nước Nam". Quả là cho đến hôm nay, nếu chúng ta ghé thăm đền Lũng thờ Sĩ Nhiếp đã dột nát ở làng Lũng Khê - Thuận Thành - Bắc Ninh cũ thì vẫn còn thấy bức đại tự đề 4 chữ "Nam giao học tổ" (ông tổ việc học cõi Nam) và ít nhất tới năm 1960 nhiều cụ già làng đó vẫn kỵ huý tên ngài Thái thú họ Sĩ. Đấy là sự đề cao của họ Sĩ và cứ thế được trớn xông lên của giới Nho học nước nhà. Nói cho công bình thì Sĩ Nhiếp đã từng mở trường dạy Nho ở miền đất xứ Dâu - keo xứ Bắc. Và đâu phải ngẫu nhiên mà chính là kết quả của lịch sử là người đỗ đầu kỳ thi đầu tiên ở Quốc Tử Giám năm 1075 chính là công dân xứ Bắc: ông Lê Văn Thịnh mừ đền Củ trên núi Thiên Thai - Gia Lương thờ ông đã đề cao ông bằng bức đại tự "Trạng nguyên khai khoa". Thực ra, triều Lý chưa có danh hiệu trạng nguyên, thể chế tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) của đời Đường bên Trung Hoa chỉ mãi đến đầu đời Trần mới được áp dụng ở nước ta và thể chế "bảng vàng bia đá đề danh" (Tiến sĩ đề danh bi) cũng của nhà Đường mãi đến đời Lê Thánh Tông mới được áp dụng bên Đại Việt. Nhân tiện nói ngay về sự ra đời của Văn Miếu Hà Nội cũng còn là một vấn đề lịch sử của Hà Nội - Việt Nam. Đại Việt Sử Lược vào các năm 1070 và 1075 không viết một chữ nào về Văn Miếu và khoa thi. Toàn Thư Bản Kỷ quyển 3 mới viết vào năm Canh Tuất Thần Vũ năm thứ 2 (1070) mùa thu tháng 8 "Tu Văn Miếu" (các dịch giả của viện sử 1967 dịch là "làm Văn Miếu" - song đúng chữ nghĩa phải dịch là "sửa Văn Miếu") vậy cũng có thể hiểu là Văn Miếu có trước 1070, năm ấy được sửa lại và "đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ hình 72 người hiền bốn mùa cúng tế, Hoàng Thái tử đến đấy học" và đến năm Ất Mão (1075) mùa xuân tháng 2, "xuống chiếu thi Minh Kinh bác sĩ và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh được trúng tuyển cho vào hầu vua học".

Hiện nay chưa phát hiện được một vết tích Lý Trần nào của Văn Miếu Hà Nội. Cái còn lại trên mặt đất là thuộc thời Lê mạt, Nguyễn sơ. Và nếu không đi vào chi tiết mà nhìn theo quan điểm cấu trúc thì phải nhận ra rằng trên đại thể bình diện kiến trúc của Văn Miếu Hà Nội là sự mô phỏng Khổng miếu ở Khổng Lâm miền Khúc Phụ nước Lỗ xưa, quê hương Khổng Tử.

Ta nên nhớ người sai làm (hay sửa) Văn Miếu năm 1070 và cho Hoàng Thái tử đến đó học là Lý Thánh Tông. Nhưng có điều đáng ngờ là năm 1070 Hoàng Thái tử Càn Đức con trai duy nhất và là người kế vị Lý Thánh Tông là con bà Ỷ Lan mới sinh năm 1066, vua Càn Đức mới có 5 tuổi thì đến Quốc Tử Giám học cái gì ?

Ai cũng biết Lý Thánh Tông là ông vua anh hùng và sùng Phật, ông là người sai dựng chùa Một Cột độc đáo năm 1049 thờ Quan Thế Âm Bồ Tát tức là thiên về Tịnh Độ tông với nghi thức cúng cầu. Nhưng theo Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục thì ông là người giải phóng cho sư Thảo Đường khỏi thân phận nô lệ (vị sư này người gốc Hoa, bị bắt làm tù binh ở Chiêm Thành), lại tôn sư Thảo Đường làm tổ của phái Thiền Tông thứ 3 của nước Việt (hai phái trước tổ là Vinitaruci thế kỷ VI và Vô Ngôn Thông thế kỷ IX) mà nhà vua tự nguyện làm đệ tử thứ nhất đời thứ nhất! Ngày hôm trước là nô lệ của bầy tôi mình, ngày hôm sau chuyển hoá làm thầy mình. Hiếm có bậc nguyên thủ quốc gia nào tư duy thoáng như Lý Thánh Tông vậy.

Giờ đây ông lại sai đắp tượng thờ Khổng Tử và các đệ tử một của người và các bậc hiền tài trong rừng nho. Vậy vua Lý anh hùng này theo hệ tư tưởng nào ? Theo tôi ông là mẫu mực của sự khoan nhượng dung hoà về tôn giáo - tư tưởng, một điển hình mang bản sắc của tư duy cổ truyền Việt Nam, ông tuân thủ và phát huy chiến lược chính trị được đề ra từ thế kỷ X với họ Khúc: "Chính sự cốt chuộng KHOAN DUNG GIẢN DỊ để dân chúng được AN CƯ LẠC NGHIỆP".

Không phải với Văn Miếu, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống từ đời Lý. Triều Lý Trần theo tôi vẫn thuộc hệ thống quân chủ Phật giáo và dung hoà Tam giáo, còn dân gian phần lớn là Phật tử.

Cũng không phải với Quốc Tử Giám, các kỳ thi Nho giáo đã trở nên thường xuyên, nhà Lý cũng như nhà Trần thỉnh thoảng mới tổ chức thi và cũng không chỉ thi Nho mà cả tổ chức thi Tam giáo và có những cách tuyển chọn nhân tài theo lối khác. Ngay đến cuối đời Trần, tiến sĩ Trần Nguyên Đán - ông ngoại Nguyễn Trãi còn tự hào viết: 
Hán Đường nhị Tống hựu Nguyên Minh
Lệ thiết từ khoa tuyển tuấn anh
Hà tự thành triều cầu thực học
Đương tri vạn tuế tuyệt cơ binh
(Hàn Đường hai Tống lại Nguyên Minh
Lệ đặt khoa thi chọn tuấn anh
Sao giống triều ta cầu thực học
Để muôn đời dứt tiếng phê bình) 
Viện nhà nước cứ phải mở trường, cứ phải tổ chức khoa thi theo một hệ tư tưởng và theo một bộ kinh điển nhất định. Song chọn nhân tài phải cầu ở chỗ thực học, học thực, khả năng thực, tài năng thực của mỗi con người; đâu có suy thoái như ngày nay. Đâu có lộn xộn như vừa qua. Lê Quý Đôn phải hạ bút "Thời Lý Trần nước ta văn minh có tiếng".
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved