Home » » Hội hè dân gian

Hội hè dân gian

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012 | 03:37

Hội hè dân gian 

Một bức tranh dân gian làng Hồ, nhan đề Du Xuân Đồ (Bức vẽ chơi xuân) được "chú thích" bằng bốn câu thơ nôm: 
"Thái bình mở hội xuân,
Nô nức quyết xa gần.
Nhạc dâng ca trong điện,
Trò thưởng vật ngoài sân." 
Đó, ngày xuân, hội xuân truyền thống, với tế lễ, với nhạc ca, với đấu vật. Sau màn hương khói tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền, hội xuân xưa có văn, có nghệ, có võ. Phải nói thêm: có diễn và có thao. Diễn chèo, diễn tuồng, diễn ca, diễn múa... Thao diễn kỹ thuật cơ thể, hoặc chân tay không, như vật, võ, hoặc có "đạo cụ" kèm theo, như đấu gậy, đấu kiếm, kéo co... Rồi thì những cuộc đua, đua chạy, đua thuyền, vật cầu, hất phết... Trò chơi cũng là thao diễn: bịt mắt bắt dê, bắt trạch... Lại trai gái trao duyên, đánh đu, tung còn... Không kém phần quan trọng là thao diễn kỹ thuật sản xuất và sinh hoạt: thi cày, thi cấy, thi dệt cửi, thổi cơm thi... 

Câu nói trên cửa miệng dân gian: "thật lắm trò". Sử sách ghi: "bách hí". Nhà nghiên cứu nhận định: "một sự kiện tổng thể". Mà "tổng thể" thật! Ai dám gọi tung còn chỉ là một trò chơi hay chỉ là hình thức trai gái trao duyên ? - Là cả hai. Đó là chưa nói dân tộc học còn muốn khám phá ra ở đấy những vết tích phai nhạt của một hình thái thờ phụng xa xưa: thờ mặt trời. 

Nói hội hè-đình đám là nói đến hội xuân, là nghĩ đến mùa xuân. Nhưng đâu phải chỉ có một mùa xuân. Các cụ ta còn nói: "xuân thu nhị kỳ", "gái tháng hai trai tháng tám". Xuân và thu. Hội xuân và hội thu. Nghìn xưa văn hiến, đất nước bốn mùa xanh vã cũng bốn mùa xuân. Cho nên, thu cũng là xuân, khi xuân đã chuyển âm thành "xoan" ("hát xoan" rồi "gái đang xoan"), phần nào đồng nghĩa với xanh, với trẻ trung, vui khoẻ: 
"Tháng tám anh đi chơi xuân,
Đồn đây có hội trống quân anh vào..." 
Tháng tám, mà lại là "xuân"! Tháng tám, trung thu của lịch Trăng truyền thống, cuối hè của khí tượng học hiện đại. Ấy thế mà còn "đi chơi xuân"! Chẳng sao cả, ở đâu có tuổi trẻ, có gái trai, có vui chơi, hội hè, thì ở đó đều có dáng xuân: 
"Có nam có nữ mới nên xuân,
Có xôi có oản mới nên phần!" 
Xuân là cái đẹp của thuở ban đầu, như mùa xuân là buổi khởi sinh của một chu kỳ năm tháng! 

Con người ngày trước, trong nền văn minh nông nghiệp, trong tổ chức xã hội xóm làng, sống và điều khiển nhịp điệu sống sát hợp với chu kỳ sinh trưởng của thế giới cỏ cây. Mà cỏ cây, thì "xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng". Mùa xuân, cây cỏ nảy lá, đâm chồi, vì "tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc", rồi sang hè thì nở hoa, sang thu lại ngậm đòng, kết trái, để cho con người bước vào mùa hái lượm và qua cái Tết cơm mới tháng mười mà vào đông mới bồ bịch dự phòng. Đến đây, "tháng một, tháng chạp đã nên công hoàn toàn"... Nói chung chung là thế. Thực ra, ở một xứ nhiệt đới gió mùa ẩm ướt như nước ta, rừng cây, nương vườn, đồng ruộng có khả năng tươi xanh quanh năm, do kết quả của tự nhiên phong phú và đa dạng, kết hợp với đức tính cần cù lao động, "hai sương một nắng" của con người. Dù sao, mỗi loại cây đều có chu kỳ sinh trưởng, và những chủ nhân của một nền văn minh nông nghiệp phải bố trí một cơ cấu trồng trọt theo một chu kỳ nhất định với những bước, những chặng, những thời vụ liên tiếp nhau, có khi gối lên nhau, nhưng, tựu trung, vẫn trải ra theo một thứ tự nhất định trên vòng quay của "trời đất". Cho nên thời gian theo quan niệm của nông dân, có thể gọi là "thời gian nông thôn" - một thời gian chu kỳ, gồm nhiều thời đoạn trải ra trên chu kỳ đó. Nó khác với thời gian dưới con mắt của giới công thương - "thời gian thành thị" - một thứ thời gian tuyến tính, bao gồm những sự kiện, những biến cố, diễn tiến liên tục trên dòng đời. Nói một cách khác, đấy là những khác biệt giữa "thời gian đóng" và "thời gian mở". 

Con người, dù ở đâu hay làm gì, để liên tục hồi và duy trì chức năng sinh lý của hoạt động con người, thì, bên cạnh thời gian dành cho làm ăn, cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Nghỉ trưa đôi chút, ngơi đêm vài canh, trong một chu kỳ ngày đêm sáu khắc năm canh ("đêm năm canh, ngày sáu khắc"), nay gọi là 24 giờ. Nông dân khi trước, và cả khi nay nữa, không có và không thể nghỉ hằng tuần như công nhân viên chức. Công việc đồng áng không cho phép ngắt quãng thời gian, đan xem trong thời gian làm việc và thời gian rỗi một cách máy móc như vậy. "Nhất thì, nhì thục", lao động nông nghiệp, lối sống nông dân phải nương tựa vào thời tiết, khí hậu, phải theo mùa, không thể rập khuôn lối sống thị thành theo "giờ hành chính". Ít nhất cũng cho đến nay, lối làm ăn, lối sống nông nghiệp chỉ cho phép nghỉ vụ, nghỉ mùa, tức tạm nghỉ giữa hai chu kỳ sản xuất, giữa hai thời đoạn của chu kỳ sản xuất, nghỉ theo thời vụ (không kể những ngày nghỉ đột xuất vì gió bão, lụt lội...). Cho nên, nếu, trong tự nhiên, xuân-thu chỉ là hai mùa chuyển tiếp tương đối ngắn ngủi giữa đông và hạ, giữa hai thời của chu kỳ khí hậu nóng-lạnh, thì "xuân thu nhị kỳ", trong nông lịch cổ truyền, cũng là hai thời buổi "nông nhàn" ngắn ngủi của đông đảo nông dân nước ta ngày trước. 

Hội xuân, hội thu - có nhiều cách gọi: tết, lễ, hội, lễ hội, hội hè, đình đám, hay, chung rộng hơn, hội hè-đình đám, là một cách sử dụng thời gian nông nhàn theo mùa, theo vụ. Nhịp sống xóm làng xưa, điệu sống canh nông cổ truyền thiết yếu dựa trên một chu kỳ bao gôồ lao động và lễ hội, hai hiện tượng xã hội luân phiên nhau trong không gian và thời gian của thôn xóm. Mùa này sang mùa khác, khi công việc nhà nông đã tương đối "nên công hoàn toàn", ta tạm nghỉ một vài hôm, làm cỗ cúng tổ tiên - thờ cũng tổ tiên vốn là tín ngưỡng sâu thẳm nhất của tâm thức nông dân. Để ăn (có khi ăn uống quá độ) và để chơi (có khi chơi bời thái quá). "Ăn chơi" trong một khoảng thời gian, ngắn ngủi thôi, nhưng cũng để cực đoan, rồi lại làm lụng "hai sương, một nắng", "dãi gió dầm mưa"... 

Ăn lối xưa, có nhiều cách: ăn tết, ăn giỗ, ăn cuới, ăn đám... và, thảng hoặc, có cả "ăn nằm" (1). Chơi, cũng vậy: ngắm cảnh, thổi sáo, thả diều, gảy đàn, ngâm thơ, vẽ tranh, đánh cờ... tuỳ khả năng, tuỳ thích. Có trò chơi tinh thần, có trò chơi cơ thể... 

Con người cũng là một sinh vật, nhưng lại là một sinh vật xã hội, có tư duy trừu tượng, có thể lựa chọn và quyết định. Là đơn vị sinh lý, đơn vị tinh thần, đơn vị tâm lý..., nó, trước hết, là con người xã hội. Cho nên, bên cạnh sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn chơi cá nhân, cá thể, còn có sinh hoạt cộng đồng, ăn chơi cộng đồng. 

Nói "hội", nói "đám", nói "hội hè-đình đám xuân-thu", là nói đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ngày ấy, sinh hoạt văn hoá cộng đồng dân gian thường diễn ra dưới hình thức nguyên hợp, không chia tách, không "chuyên môn hoá" thành từng bộ phận văn hoá - văn nghệ riêng biệt như giờ đây, mà được góp chung vào "đám hội", và, về một khía cạnh nào đó, có thể ví với hội diễn tổng hợp của văn hoá quần chúng ngày nay. Một khoảng thời gian dành cho một hội - cũng gọi là một "giá" - dù gồm đôi ba ngày đêm, dăm bảy ngày đêm, thậm chí mươi ngày đêm, nhất thiết diễn ra theo mùa, đều đặn. Vì vậy, có tên "hội mùa". Trong thời gian ấy, một đám đông náo nhiệt tụ tập quanh một trung tâm "thiêng liêng": đình, chùa, hay đền. Thể theo một thứ tư duy phân loại giản lược nào đó, người ta gọi đấy là "hội đình", "hội chùa", "hội đền". Hội của riêng dân một làng gọi là "hội làng". Hội của nhiều làng, của hàng tổng, hàng huyện, hàng tỉnh, của cả một vùng là "hội vùng". 

Trong khuôn khổ các hội kể trên, thảng hoặc nhà dân tộc học ngỡ nhận ra được vết tích của nghi lễ thờ mặt trăng: hội Hai ở vùng Tây Cao Bằng, hội Chọi trâu tháng tám ở Đồ Sơn. Dễ nhận ra hơn, có lẽ là vết tích của nghi lễ thờ mặt trời: hội vật cầu ở đền thánh Tam Giang ven sông Cầu, hội pháo Đồng Kỵ (Hà Bắc)... "Quái dị" nhất dưới mắt người thời nay, hẳn là một số hội trong đó nổi bật lên nghi lễ phồn thực của tôn giáo nông nghiệp sơ kỳ, ví như hội cướp "kén" hay "nô nường" ở làng Dị Nâu (Vĩnh Phú) (2). 

Biết bao sắc thái tín ngưỡng dân gian đọng lại có thể từ thời sơ sử, biết bao nét đậm nhạt khác nhau của các tôn giáo lớn, mà nhân dân nước ta từng tiếp thu và tiêu hoá trong suốt quá trình lịch sử dân tộc, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đã quyện vào chương trình và không khí hội hè ngày trước. Trong cảnh đan xen chằng chịt ấy, thứ tư duy phân loại cực đoan kiểu Tây phương ắt phải nhiều phen lúng túng. Hội chùa Hương, với mỗi một đức "Nam hải Quan thế âm bồ tát", mà còn có một đền Trình với đức "Sơn thần hổ lang thiên tướng", một đền Cửa Võng với nàng "Tuý Hồng thần mẫu"... Dù mang tên là hội chùa Hương, hội đền Kiếp Bạc, hội phủ Giầy... thì hội nào cũng khoác một bộ áo của tổng thể tôn giáo Việt Nam. Đấy, biểu hiện của sức mạnh hỗn dung tôn giáo! 

Sinh ra và phù hợp với khung cảnh xóm làng tiểu nông phong kiến ngày xưa, hội hè - đình đám cũ không thoát được những khuôn mẫu, những định chế của tôn giáo - mê tín - dị đoan. Sau những ngày tháng dồn nén chồng chất của đời sống trần tục, đám đông dân làng (gồm đủ mọi thành phần: nông dân, địa chủ, cường hào) bước vào một thời kỳ sinh hoạt "linh thiêng". Tâm hồn từng con người có lắng lại, nhưng không khí chung đâu có thiếu những giờ phút bộc phát, cuồng nhiệt, phấn khích, sôi nổi. Cơn bồng bột tập thể không chỉ gây náo động giữa xóm làng vốn êm ả, trong nhiều trường hợp còn dành những thời điểm trong diễn tiến cho buông xả, thả lỏng cho bản năng tự biểu lộ đến là quá khích: bội thực, cuồng say, phóng dục... (3) 

Dẫu vậy, hội hè - đình đám thuở xưa vẫn chứa đựng một ý nghĩa tích cực, vẫn đáp ứng một nhu cầu thầm kín của người dân thôn xóm. "Con người sống sâu xa trong kỷ niệm một thời lễ lạt đã qua, và chờ mong một thời lễ lạt sắp đến" (4). Đó là nhu cầu thông cảm, nhu cầu cộng cảm. Đó là tình cảm cộng đồng. 

Cái tổ chức xã hội xóm làng Việt Nam ngày trước, với tất cả những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn xã hội, khi ẩn tàng, lúc bộc phát, với nạn quan lại tham nhũng và cường hào ác bá đè nén, lương dân, với biết bao lề thói, tục lệ nặng nề, khiến tuôn chảy "ba dòng nước mắt sau luỹ tre xanh", nhưng, với ruộng làng, vói họ hàng, xóm giềng, phe giáp... vẫn là một loại kết cấu xã hội có tính cộng đồng. Là một xã hội tương đối đơn giản, trong đó mức chuyên môn hoá và phân công hoá lao động chưa thực đậm, chưa thực sâu, nó tạo điều kiện cho các thành viên dễ dàng hợp tác với nhau. 

Ở đây, thiết chế gia đình còn khá chặt chẽ, những mối quan hệ "ba họ, chín đời" chưa bị lãng quên. Ở đây, tuy đã có thống trị và bị trị, áp bức bóc lột và bị áp bức bóc lột, có những quyền uy và vị thế xã hội khác nhau... nhưng cũng có một sự thật: "ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Ở đây, không có đẳng cấp nặng nề, chặt chẽ như ở Ấn Độ, hiện tượng phân lớp, phân hoá xã hội không quá rạch ròi như ở châu Âu cận đại. Ở đây, chế độ sở hữu tiểu nông đã đẻ ra một nền kinh tế nông nghiệp phân tán, tủn mủm, nhưng dù sao, con người ở đây vẫn phải chung lưng đấu cật để sinh tồn trên một mảnh đất nhỏ hẹp và nhiều khi cằn cỗi, vẫn phải đào mương, đắp phai trên quy mô thôn xã, do đó họ vẫn có khuynh hướng tán đồng những giá trị truyền thống, những "đất lề, quê thói" do cha ông để lại. Ở đây, không chỉ có lý, có luật, mà vượt lên trên lý vat luật, còn có tình, còn có tục. Trong vùng trời nhỏ bé ấy, cộng cảm là một nhu cầu bức thiết. Và lễ hội đã góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ. 

Thần làng (thành hoàng) là không có thực, nhưng tín ngưỡng thần làng và tế lễ thành hoàng lại khiến mọi người trong xóm làng xưa cảm thấy được cùng chung nấp bóng dưới sự che chở, bao bọc của một vị "thượng đẳng tối linh thần". Qua lề lối hát cửa đình, trống quân, ví, đúm, ghẹo, xoan, quan họ, dậm, rò... mà trai gái làng đối đáp, giao duyên, và, biết đâu, gửi phận nữa. Qua vật, võ, đua tài, trai làng xác lập những mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân và cá nhân, củng cố những sợi dây tình cảm giữa những con người họp thành dân làng, để tình đoàn kết "thương nhau cùng" càng thêm phát triển. Dù số đông dân làng không hát hay không vật, mà chỉ đơn thuần là đi "xem hội", ý thức và cảm xúc của họ vẫn là ý thức và cảm xúc của những người tham dự, những người nhập cuộc trong "hội làng quê ta", vô hình trung cũng thủ vai trong "đám hội", giao lưu tình vảm với những người trực tiếp ca múa, vì đây là con, là em của họ, với các "đô", vì đây là cha, là anh là chồng của họ, và với cả những người xem khác, với họ hàng, với bà con lối xóm. Ý thức và cảm xúc của họ khác hẳn ý thức và cảm xúc của một "cử toạ" tập hợp lại để xem một cuốn phim, một cuộc trình diễn trong một rạp hát, trên một sân vận động hiện đại. "Đám hội" ngày xưa là một "cộng đồng" thân mật, đoàn kết, chứ không phải là một "đám đông", một tập hợp xã hội có tính cách nhất thời, trong đó từng con người gần như vô danh, nghĩa là xa lạ với nhau, hầu như không có ảnh hưởng qua lại với nhau, với hội lễ, con người không chỉ cảm thông lẫn nhau, mà, hơn thế nữa, còn cảm thông và hội nhập với "đất-trời", với cảnh vật bao quanh: người dân làng tự đồng hoá với bầu trời, với mặt đất quê hương, trong một hội lễ của hài hoà vũ trụ... 

_______________ 

(1) Trong tôn giáo nông nghiệp sơ kỳ, thường có những hình thức thờ phụng liên quan đến tính dục: thờ dương vật, thờ âm vật, thậm chí trai gái hợp hoan trong nghi lễ..., tất cả không ngoài mục đích phồn thực (kích thích cho cây cỏ, súc vật, con người sinh sôi nảy nở). Những hình thức này còn để lại nhiều vết tích trong sinh hoạt nông thôn hầu khắp thế giới; ở ta, có trò cướp "kén" hay cướp "cô nường" (cướp biểu tượng dương vật và âm vật), có đêm "rã La" (nam nữ tự do một hồi, trong đêm kết thúc hội làng La) trong các hội làng trước kia. 
(2) Roger Caillois: L'homme et la sacré. Gallimard, N.R.F., Coll. Idées, Paris, 1962. 
(3) Hồ Chí Minh: Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt (27, 28-3-1964), trong Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, tr. 258, 1970.
(4) Lê Duẩn: Bài nói chuyện tại Viện Triết học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1967.

Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved