Mô phỏng vụ nổ Big Bang
Các nhà khoa học tạo ra một sự kiện thu nhỏ của vụ nổ khai sinh vũ trụ (Big Bang) bằng cách cho các hạt ion chì va chạm trực diện với nhau trong máy gia tốc hạt lớn hôm 7/11.
Những vụ nổ có nhiệt độ cao gấp hàng triệu lần so với lõi mặt trời, BBC cho biết. Trong 4 tuần tới các nhà khoa học của CERN sẽ tập trung vào việc phân tích dữ liệu mà họ thu được từ các vụ va chạm của ion chì. Họ hy vọng kết quả phân tích sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về sự tồn tại của vũ trụ ở dạng plasma sau khi vụ nổ lớn diễn ra.
Plasma là trạng thái thứ tư của vật chất (các trạng thái khác là rắn, lỏng và khí) trong đó vật chất bị ion hóa mạnh. Đa số nguyên tử ở trạng thái plasma chỉ còn lại hạt nhân, còn các electron chuyển động tự do giữa các hạt nhân đó.
Máy gia tốc hạt lớn (LHC) là cỗ máy lớn nhất thế giới mà con người tạo ra. Nó nằm dưới một đường hầm có chiều dài 27 km ở khu vực biên giới Pháp – Thụy Sĩ.
Kể từ khi LHC ra đời tới nay, Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) liên tục đưa các luồng hạt proton vào máy để chúng va chạm với nhau. Sự va chạm giữa các hạt proton có thể giúp các nhà khoa học tìm ra hạt Higgs – còn được gọi là “hạt của Chúa”.
Hạt Higgs loại hạt có vai trò quan trọng trong vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm. Nếu phát hiện ra nó, giới khoa học sẽ chứng minh được sự tồn tại của vật chất tối, thứ có thể chiếm tới 3/4 vũ trụ.
Minh Long