Home » » Giáo dục và phong trào phụ nữ ở Bắc Kỳ trước 1945 – nữ quyền không có gương mặt phụ nữ

Giáo dục và phong trào phụ nữ ở Bắc Kỳ trước 1945 – nữ quyền không có gương mặt phụ nữ

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012 | 07:20

Trần Thị Phương Hoa 

Bài viết này trình bày về một trong những mảng chuyển động của xã hội Bắc Kỳ trước 1945: đó là sự xuất hiện rầm rộ của các khái niệm quyền cho phụ nữ (women’s right) và nữ quyền (feminism). Hiện tượng xã hội này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó nổi bật nhất là việc mở trường học cho nữ, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí,  ảnh hưởng của phong trào nữ quyền trên thế giới. Tuy nhiên, bất chấp sự bùng nổ của hai tiếng “nữ quyền” trên nhiều diễn đàn, phụ nữ Bắc Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội để tự mình giương cao ngọn cờ “nữ quyền” và có thể nói, họ đã thất bại trong việc tận dụng trào lưu “nữ quyền” để tự thể hiện bản thân và củng cố vị thế của mình trong xã hội. Mặc dù khái niệm “nữ quyền” (feminism) trở nên quen thuộc trong xã hội Bắc Kỳ kể từ giữa những năm 1920, phụ nữ vẫn đứng ngoài trào lưu này.

I.Những cơ hội
1.Khái niệm “nữ quyền” của Nguyễn Văn Vĩnh

Trong tiếng Việt, khái niệm “quyền cho phụ nữ” (women’s right) và “nữ quyền” (feminism) được gọi như nhau. David Marr đã bàn đến “quyền cho phụ nữ” trong bài viết khá chi tiết “The 1920s Women’s Rights Debates in Vietnam”[1](Tranh luận về quyền phụ nữ ở Việt Nam những năm 1920), trong đó ông nêu tên tuổi hai người là Phan Bội Châu và Phạm Quỳnh là những đại diện tiêu biểu sớm lên tiếng về vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ. Trên thực tế, tờ báo sớm nhất bàn đến vấn đề quyền phụ nữ ở Bắc Kỳ là Đông Cổ Tùng báo và sau đó là Đông Dương tạp chí, đều do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Ở số báo thứ 5, Đông Dương tạp chí cho ra mục “Nhời đàn bà” (1913), tiếp theo “Nhời đàn bà” của Đăng Cổ Tùng Báo. Mặc dù nấp dưới bút danh nữ Đào Thị Loan, chủ chuyên mục chính là Nguyễn Văn Vĩnh. Ông ra chuyên mục này nhắm tới hai mục tiêu: 1) tăng lượng độc giả nữ cho tờ báo; 2) khuyến khích phụ nữ viết về phụ nữ. Mục tiêu thứ hai của ông gắn liền với khái niệm “Nữ quyền”, lần đầu tiên xuất hiện ở số 32 (1913) của Đông Dương tạp chí. Trong mục này có đoạn:

“biết bao nhiêu lòng nhân ái, biết bao nhiêu bụng yêu thương Nữ-quyền chúng ta em vẫn hết sức mong mỏi… thế thì chị phải cho chúng em nói mấy chị, người khôn nói lắm tất cũng có khi nhầm, người ngu nói lắm tất cũng có điều hay; em sân Trình cửa Khổng và mực lam bút sắt mấy thu đông, hồ dễ em không biết đạo lý chi, mà phải mượn đến mặt các ông ong bướm hay là mấy bác đồ cùn để đưa nhời thăm chị hay sao?” (Đông Dương tạp chí, 1913).

Nguyễn Văn Vĩnh đã gửi thông điệp: “nữ quyền” chính là sự lên tiếng của bản thân phụ nữ về các vấn đề của mình. Khái niệm “Nữ quyền” mà ông khơi lên đã phát động một trào lưu bàn về các quyền của phụ nữ, nhưng mục tiêu “phụ nữ nói về phụ nữ” mà Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất liệu có được thực hiện? Dưới đây sẽ là một vài cơ hội mà phụ nữ Bắc Kỳ có được để thực hiện “nữ quyền”.

2.Giáo dục nữ ở Bắc Kỳ

Bài đầu tiên của mục Nhời đàn bà có nêu lên nguyên nhân căn cốt cho cuộc vận động “nữ quyền”, đó chính là việc phụ nữ được đến trường học “Nhờ Nhà nước mở nữ học đường, để cho lũ đào tơ được tập tành kim chỉ bút nghiên, ..giá có được ăn nói thì cũng khả dĩ có kinh có điển được, không phải bàn hú họa như năm xưa nữa” (Đông Dương tạp chí, 1913).

Xã hội Bắc Kỳ vốn chịu ảnh hưởng mạnh của Nho giáo với “lời nguyền” của Khổng Tử “nữ nhi nan giáo” (phụ nữ khó dạy). Trên Nam Phong tạp chí năm 1917, ông Phạm Quỳnh đã khái quát về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam như sau “người đàn bà nước ta từ xưa đến nay vẫn được cái địa vị xứng đáng trong xã hội, mà cũng không bao giờ phụ tiếng gái lành, vợ hiền, mẹ từ, là gương tốt nghìn năm của bọn nữ lưu..”. Tuy nhiên, ông cũng giải thích vì sao người phụ nữ Việt Nam dù không bị bạc đãi như ở nhiều nước khác, riêng đối với sự học lại phải đứng ngoài “Nhưng các cụ ta ngày xưa cho đàn bà là kém hẳn đàn ông, không thể dạy cho bằng đàn ông được. Không những thế mà lại cũng không cần phải dạy nữa, vì âm vốn phải tùy dương, nhu vốn phải thuận cương..đàn bà nhất sinh gồm trong ba chữ tòng; dạy cho lắm, học cho lắm cũng là thuộc về vô ích. Nói sự giáo dục đàn bà con gái thì nước ta tuyệt nhiên không có. Không phải rằng ngày xưa không có lắm bà hay chữ, lắm bực tài tình, nhưng đó là những người lỗi lạc xuất chúng, không thể kể được”[2]. Rõ ràng trong xã hội Việt Nam xưa, đàn bà bị coi là không đủ phẩm chất để theo học “chữ Thánh hiền”.

Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam ngay từ khi còn bé đã được dạy dỗ trong gia đình để sao cho có “tứ đức”: công, dung, ngôn, hạnh, trong đó công và ngôn là những thứ được chỉ bảo hàng.ngày. Thường người mẹ trực tiếp dạy con, nhưng uy quyền và học vấn của ông bố mới là nhân tố ảnh hưởng mạnh đến cách dạy con gái trong gia đình. Ngoài ra, gia cảnh giàu hay nghèo cũng tác động đến “công” và “ngôn” của con gái. Đông Dương tạp chí mô tả sự khác biệt “nhà giàu nhà quê thì mới biết đưa thoi kéo chỉ. Còn nhà tầm thường thì nữ công là nuôi lợn, nuôi gà, giã gạo xay lúa, dần, sàng tấm cám, rửa bát đĩa, giặt quần áo cho cả nhà. Ngôn là trình thưa vâng dạ, nói năng từ tốn. Đó là sách dạy, nhưng cái từ tốn ấy chỉ có những nhà danh giá, con gái mới ăn nói vào khuôn phép. Con nhà hèn kém thì từ các cụ già trở xuống đến đứa trẻ con, hàng ngày ăn nói với nhau chỉ dùng những tiếng không có chữ nào viết được”.

Việc mở các trường học công cộng giành cho nữ sinh đã đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong xã hội Bắc Kỳ nói chung và đời sống phụ nữ nói riêng. Những trường học đầu tiên giành cho nữ là trường cho trẻ em Pháp. Theo báo cáo về các trường học năm 1887 của Dumoutier, thanh tra và nhà tổ chức giáo dục Pháp-Việt, ở Bắc Kỳ có 4 trường Tiểu học nữ: 2 ở Hà Nội, 1 ở Hải Phòng và 1 ở Nam Định. Phần lớn học sinh là người Pháp, chỉ có chừng 30 nữ sinh người Việt, đi học với thái độ rất dè dặt. Dumoutier cho rằng thái độ rụt rè này là do trường dạy toàn chữ Pháp và làm tính. Ông suy luận rằng nếu trường chú trọng dạy các môn nữ công thì có lẽ thu hút nhiều học sinh hơn.

Năm 1906, Đông Kinh nghĩa thục mở các lớp học, trong đó có cả lớp học cho nữ. Nguyễn Hiến Lê kể lại rằng nhóm sáng lập Đông Kinh nghĩa thục đã chọn cô Năm (con gái thứ năm của Lương Văn Can, em của Lương Trúc Đàm) làm giáo viên lớp nữ vì bà biết Quốc ngữ. Khi mở trường, trong ngôi nhà số 4 phố Hàng Đào có hai lớp học: một nam, một nữ, tổng cộng khoảng sáu, bảy chục, phần đông là con cháu hội viên. Nguyễn Hiến Lê nhận xét “Thời đó, mở lớp học cho nữ sinh như vậy là một cải cách lớn: các cụ chẳng những muốn bài trừ tư tưởng nam nữ tôn ti của cổ nhân, mà còn muốn cho phụ nữ phải đóng một vai trò trong xã hội, tạo cho họ một nhân sinh quan mới, một lối sống mới”[3]. Ngoài vài lời giới thiệu sơ qua của Nguyễn Hiến Lê, có rất ít tài liệu mô tả kỹ về lớp học nữ này.

Năm 1910, trường công lập Pháp-Việt giành cho nữ sinh được mở ở Hà Nội. Đông Dương tạp chí mô tả những ngày đầu tiên của trường “Ở trường hàng Trống (lập năm 1910) có bà đầm làm đốc học, một vài cô giáo Sài Gòn và hai ông giáo đã cao tuổi dạy Pháp tự. Bà đốc thì chỉnh đốn lớp học, chỉ bảo cho các ông giáo và bà giáo những khuôn phép dạy học theo lối tân học, các cô giáo thì dạy Quốc ngữ và đánh vần, còn những bài chữ Tây là phận sự của các ông giáo. Lại mỗi tuần có một vài giờ chữ Nho, giao cho một ông giáo nho ở trường Pháp-Việt Hà Nội. Số học trò mỗi ngày mỗi đông cho nên nhà nước đổi trường ra phố hàng Cót. Hai kỳ thi lấy bằng Tiểu học mới rồi[4] đã có dăm ba cô được đỗ, một cô đỗ rất cao đè cả năm sáu trăm các cậu”[5]

Thành công của trường nữ học ở Hà Nội khiến chính quyền Pháp muốn mở thêm trường nữ ở các tỉnh Bắc Kỳ. Trong công điện ngày 11-4-1910, Thống sứ Bắc Kỳ (Simoni) yêu cầu Công sứ các tỉnh kiếm nguồn tài chính để xây trường nữ học. Bức điện này có đoạn “Trường Pháp-Việt cho nữ sinh mới mở ở Hà Nội nhận cả học sinh các tỉnh đến học. Hiện nay số học sinh quá đông khiến trường phải ra yêu cầu tuyển chọn. Đề nghị Công sứ các tỉnh tìm nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để xây trường nữ”. Tới lượt mình, các Công sứ yêu cầu các Tổng đốc khảo sát nhu cầu mở trường nữ của dân sở tại. Nhiều Tổng đốc đã tỏ ý bất hợp tác trong việc xây trường nữ, trong đó có Tổng đốc Hà Đông. Trong thư đề ngày 28-4-1910, Tổng đốc Hà Đông viết (bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Pháp) “Tôi xét thấy từ trước đến nay, những con gái nhà dân không cho đi học, chỉ có nhà quan, hay là nhà giàu có cho con gái học, thì bố dạy con hoặc có nhà nuôi thầy, không có lập nhà trường. Tự khi nhà nước mở mang sự học thì những nhà giàu theo cách văn minh có kẻ cho con gái học chữ viết. Con gái ở Hà Nội và Hải Phòng nhiều người biết, nhưng ở chỗ tỉnh này (Hà Đông) nếu mà lập trường con gái thì không mấy người đến học”. Mặc dù có những ý kiến trái chiều, các trường nữ học Pháp-Việt đã được mở ở nhiều tỉnh, trong đó có Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Hưng Yên. Năm 1913, số trường nữ ở Bắc Kỳ đã là 9 với 647 học sinh. Trường Hà Nội (école Brieux) đông nhất, có 324, tiếp sau là trường Nam Định với 111 học sinh và trường Hải Phòng đứng thứ ba với số học sinh là 109.

Trong khoảng thời gian từ năm 1913 đến năm 1940, số học sinh nữ ở Bắc Kỳ đã tăng 26 lần. Tuy nhiên, luôn có khoảng cách lớn giữa số học sinh nam và nữ, thường là tỉ lệ 10:1. Khoảng cách lớn nhất được ghi nhận năm 1918 khi các trường Nho giáo chuyển đổi thành trường Pháp-Việt, làm tăng số học sinh nam trường Pháp-Việt từ 9.292 năm 1917 lên 34.700 năm 1918, trong khi đó, cùng vào thời gian này, số học sinh nữ tăng rất ít do các trường Nho giáo không có học sinh nữ.
Hình 1: số lượng học sinh nữ và nam ở trường Pháp-Việt công lập Bắc Kỳ (1913-1940)

Trường học đã tạo ra một môi trường xã hội mới cho phụ nữ để chứng tỏ bản thân mình. Từ chỗ học những môn học riêng cho nữ như nữ công gia chánh, vệ sinh, quản lý gia đình, phụ nữ được học những môn học, dự các kỳ thi tương tự như nam giới. Điều này khiến người phụ nữ thêm tự tin rằng họ có khả năng học tập, và trường học không còn là độc quyền của riêng đàn ông. Đây là một buớc ngoặt đầu tiên trong cuộc đấu tranh tự khẳng định mình của phụ nữ. Ngoài ra, việc mở trường nữ tạo ra nhu cầu về giáo viên nữ. Kể từ năm 1913, nhà nước Bảo hộ mở thêm một ngạch công chức mới là nữ giáo viên bản xứ. Các cô giáo được bổ nhiệm dạy hoặc làm đốc học tại các trường nữ Pháp-Việt. Họ thực hiện các nhiệm vụ như các nam đồng nghiệp, trong đó có cả việc thuyên chuyển công tác từ nơi này sang nơi khác.

3.Sự bùng nổ của báo chí

David Marr đã thực hiện một nghiên cứu sâu về những tranh luận báo chí xung quanh vấn đề phụ nữ Việt Nam cho đến năm 1930. Theo tác giả này, mặc dù các định hướng tranh luận là không rõ ràng “những người tham gia tranh luận đang dò dẫm tìm kiếm những định nghĩa và quan điểm mới” nhưng có thể chia các ý kiến ra làm ba nhóm: bảo thủ, ôn hòa, cấp tiến[6]. Ở bài viết này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những tờ báo tập trung vào lĩnh vực giáo dục cho phụ nữ. Những tờ báo đầu tiên đề cập đến vấn đề này là Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, ngoài ra một số báo khác đăng tải nhiều bài liên quan là Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo. Đặc biệt, trong làng báo Việt Nam đã có những tờ báo giành riêng cho phụ nữ như Nữ giới chung (1918), Phụ nữ tân văn (1929-1935), Phụ nữ thời đàm (1930-1934), Đàn bà, Việt Nữ. Ở Bắc Kỳ, Phụ nữ thời đàm có tên tuổi hơn cả.

Năm 1913, khi trường nữ Pháp-Việt ở Hà Nội có học sinh tốt nghiệp khóa đầu và xuất hiện thêm nhiều trường nữ ở các tỉnh, báo chí bắt đầu chú trọng tới lượng đọc giả nữ do số phụ nữ biết đọc chữ Quốc ngữ tăng đáng kể. Tờ Đông Dương tạp chí có chuyên mục Nhời đàn bà với hai “nhân vật chính” là những phụ nữ có học trao đổi với nhau về các vấn đề xã hội. Năm 1914, Đông Dương tạp chí còn đề xuất ý tưởng về “nữ báo” (Đông Dương tạp chí, 1914), chủ trương cho ra phụ trương giành cho nữ giới của Đông Dương tạp chí. Tuy nhiên ý tưởng này chưa được thực hiện. Đông Dương tạp chí cũng là tờ báo đưa tin sớm nhất về việc lập các trường nữ sinh Pháp-Việt công lập ở Hà Nội và một số tỉnh Bắc Kỳ, về một số nữ giáo viên được bổ nhiệm vào những trường này.

Xuất hiện sau Đông Dương tạp chí nhưng Nam Phong cũng đã sớm có bài về giáo

dục cho phụ nữ. Trong số 4 (1917), Nam Phong đã giành hẳn 10 trang đầu đăng bài của Phạm Quỳnh “Sự giáo dục đàn bà con gái”. Bài luận thuyết này đã tìm cách  lý giải về bất bình đẳng nam-nữ trong các xã hội xưa, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Giải thích cho địa vị thấp hèn của người phụ nữ, Phạm Quỳnh cho rằng “đàn bà bẩm sinh đã kém đàn ông về sức lực, nên từ nguyên thủy vấn phải mang phận mỏng hèn. Rồi sau các xã hội đặt pháp luật, dựng luân lý, cứ chuẩn y cái địa vị lúc ban đầu mà nhận thành một luật lệ tự nhiên… đẩy nhân loại chia làm hai phần: đàn ông là bậc chủ nhân, đàn bà là hàng nô lệ”. Phạm Quỳnh phê phán sự độc quyền của đàn ông trong phân chia thế giới “xét lịch sử các dân, các nước đời xưa đời nay về khoản thân phận đàn bà trong xã hội thật lắm đoạn thê thảm, lưu truyền đến thiên vạn cổ cái ô danh của giống đực ta” (Nam Phong Tạp chí, 1917). Cũng trong bài luận thuyết này, Phạm Quỳnh khẳng định tầm quan trọng của giáo dục cho phụ nữ bởi vì “phẩm hạnh đàn ông kém thì hại cho xã hội, nhưng cái hại ấy chưa bằng phẩm hạnh đàn bà hư; đàn bà hư hại cho nguồn gốc xã hội” bởi vì đàn bà không được giáo dục gây tác động tiêu cực đến cả tương lai của xã hội. Phạm Quỳnh đã trình bày những ý tưởng rất tiến bộ khi tìm ra nguyên nhân của bất bình đẳng trong giáo dục giữa đàn ông- đàn bà, nêu tầm quan trọng của việc đàn bà không được giáo dục, nhưng bản thân ông lại lúng túng khi đề xuất về việc nội dung giáo dục cho phụ nữ Việt Nam. Bản thân ông đã phân biệt nam-nữ trong tiếp cận giáo dục “Trong việc giáo dục đàn ông con giai không thể phân biệt thượng lưu-trung lưu, vì cái mục đích sự giáo dục ấy là để đào tạo nhân tài, mà nhân tài thì không thể lấy đẳng cấp hạn chế được. Đến như sự giáo dục đàn bà con gái thì quan trọng phải lấy cái nhân cách hợp với tình thế trong xã hội: xã hội có đẳng cấp, sự học cũng phải tùy mà thay đổi.. Những cô chiêu sinh nơi phú quý với chị mỗ đẻ chốn buôn bán thì cái cảnh ngộ đã khác, sự học hành cũng không hể giống nhau được” (Nam Phong tạp chí, 1917). Phạm Quỳnh đề xuất lập “Nữ học viện” để giáo dục con gái nhà thượng lưu, và “Nữ học đường” để giáo dục con gái nhà trung lưu.

Ngoài hai tờ Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí là những tờ báo đầu tiên chú trọng đến giáo dục nữ và kêu gọi phụ nữ có học tích cực thể hiện bản thân, tham gia viết báo và các hoạt động xã hội, nhiều báo khác ở Bắc Kỳ cũng coi phụ nữ có học là đối tượng độc giả tiềm năng, trong đó có Thực nghiệp dân báo (1920-1922), Hà Thành ngọ báo (1927-1929), Báo Đông Pháp (1925-1932),  Phong hóa (1932-1936), Trung Bắc tân văn.

“Thực nghiệp dân báo” có lẽ là tờ báo có tư tưởng tiến bộ hơn cả về giáo dục giành cho phụ nữ. Mặc dù chỉ tồn tại trong 3 năm (1920-1922), tờ báo này đã có nhiều bài viết tập trung vào giáo dục cho phụ nữ Việt Nam với quan niệm bình đẳng giới rõ rệt. Năm 1921, “Thực nghiệp dân báo” có đăng bài ký tên Phùng thị Nga với tiêu đề “Vấn đề nữ học”. Khẳng định đây là bài viết của tác giả nữ, báo này có lời dẫn “Bản quán tiếp được bài văn sau này là văn đàn bà thật, không phải là đàn bà giả, cứ xem lời văn cũng đủ rõ. Đọc bài văn này có thể biết được một phần học thức, văn chương, tư tưởng của nữ học nuớc nhà đã tới cái trình độ nào” (Thực nghiệp dân báo, 1921). Tác giả Phùng Thị Nga đã lên tiếng đòi hỏi sự bình đẳng trong giáo dục cho phụ nữ “Nếu các ngài đã coi nữ học cũng như nam học, cho sự giáo dục của một nửa phần người kia cũng như nửa phần người này, biết hai cái vấn đề cũng trọng yếu ngang nhau, thì các ngài sẽ nhận ra rằng: cái phạm vi nữ học cũng có thể bao la man mác, không phải là cẩu thả đơn sơ coi chỉ bàn đến khoa luân lý là vừa đủ, xin lần lượt nói đến cái khoa học khác… Này là triết học, sinh lý học, giải phẫu học, thiên văn học, sử ký học, địa dư học, toán học, cách trí học, kinh tế học…biết bao khoa học, biết bao điều đáng bàn; chứ cứ khư khư hai chữ “luân lý”, hô hào “đạo đức” phỏng có thú gì, hay chỉ để những bực hiền giả cười rằng “Đàn ông dạy luân lý đàn bà thì minh, xét luân lý mình thì quáng” (dd). Tiếp sau bài của Phùng thị Nga,  Thực nghiệp dân báo đăng bài ký tên nữ học sinh Trần Vân Thanh. Tác giả đề xuất thành lập “Nữ sinh ái hữu” với mục tiêu “Đàn bà bàn việc đàn bà, kể lể tâm sự mình, chắc là tinh tường hơn các ông… Hội lập nên không phải chủ ý công kích đàn ông như có nhiều người tưởng nhầm, không phải đề xướng chủ nghĩa “nam nữ bình quyền” mà ngang nhiên tự đắc, không phải là kết bè kết đảng xưng bá xưng hùng…Hội sẽ có những bực tài cao học rộng, đức hạnh kiêm toàn, làm gương cho nữ lưu trong nước, đề xướng những tư tưởng cao thượng, để giải thoát phụ nữ khỏi vòng ngu lỗ” (dd). Tờ báo này còn kêu gọi mở trường tư thục, trường dạy nghề, trường thương nghiệp giành cho nữ giới.

Phong hóa, tờ báo của nhà văn Nhất Linh, lại đưa ra những vấn đề của xã hội hiện đại liên quan đến nạn mại dâm, giúp bạn đọc làm quen với những kiến thức về giới tính, giới thiệu sách viết về quan hệ nam nữ như “Nam nữ bí mật chỉ nam”. Phong hóa cho rằng trong số phụ nữ Việt Nam thì chỉ có gái mại dâm là cần được giải phóng vì “trong nữ lưu mình chỉ có bọn mại dâm, bọn nữ tỳ là mất tự do… Chị em yêu cầu “giải phóng”, chị em có mất tự do đâu mà phải giải phóng” (Phong hóa, 1932), do đó trong khi dư luận kêu gọi phụ nữ lập hội thì Phong hóa đề xuất lập hội “phụ nữ xóm Bình khang” hay là “phụ nữ phong trần”.

Trong số ba tờ báo phụ nữ xuất bản ở Bắc Kỳ, gồm Phụ nữ thời đàm, Đàn bà và Việt nữ, chúng tôi mới khảo sát được Phụ nữ thời đàm. Tờ báo này xuất bản số đầu ngày 8-12-1930, ra hàng ngày cho đến năm 1932 và ra hàng tuần cho đến năm 1934 thì đình bản. Tôn chỉ của báo là dung hòa hai xu hướng thủ cựu và cách tân như báo nêu lên trong “Lời tuyên cáo” đăng ở số báo đầu “Tôn chỉ của báo Phụ nữ thời đàm là để điều hòa hai cái xu hướng trái ngược… mong cho nghị luận được triết trung, bình phẩm được xác đáng, bản báo sẽ đứng vào địa vị trung lập”. Cũng trong số báo đầu tiên này, Phụ nữ thời đàm xác định khái niệm bình đẳng bao gồm: 1) Tri thức bình đẳng, 2) Chức nghiệp bình đẳng. Tờ báo nhấn mạnh “muốn cho tri thức bình đẳng và chức nghiệp bình đẳng phải do  sự học đào luyện mà ra, mà cái mục đích cầu học bây giờ phải thay đổi khác xưa mới hợp. Nghĩa là đi học cốt để mở mang óc sáng, tu thân xử thế cho đến luyện tập công nghệ”.  Bên cạnh đó, tờ báo cũng không quên răn dạy chị em phụ nữ phải học để thực hiện nghĩa vụ “bây giờ là cái “thời kỳ con gái” thì thế này, song ta lại phải nghĩ sẵn đến “thời kỳ làm vợ”, “thời kỳ làm mẹ” về sau, tài liệu để thực hành trong hai thời kỳ ấy cũng phải dự bị học tập tự bây giờ mới kịp” (“Vấn đề bình đẳng chị em ta”, Phụ nữ thời đàm,1930). Hoạt động được hơn 4 năm, đặc biệt rầm rộ ở 3 năm đầu, Phụ nữ thời đàm đã đưa ra bàn luận nhiều vấn đề về giáo dục phụ nữ một cách toàn diện, bao gồm trí dục, đức dục, thể dục, định hướng nghề nghiệp. Đặc biệt, Phụ nữ thời đàm còn giới thiệu những gương phụ nữ tiêu biểu của Bắc Kỳ như bà Hoàng Việt Nga, bà Bạch Yến, những nữ trí thức tiêu biểu không chỉ trong lĩnh vực học vấn mà còn đi đầu trong phong trào thể dục thể thao.

4.Phong trào nữ quyền trên thế giới và dư luận ở Việt Nam

Vào đầu thế kỷ XX, phong trào nữ quyền trên thế giới lên cao. Phụ nữ các

nước lần lượt đòi quyền được đi học và quyền được bầu cử. Trào lưu này đã có tác động không nhỏ đến dư luận Việt Nam. Kể từ giữa những năm 1920, trên báo chí lần lượt xuất hiện bài viết về tấm gương phụ nữ thế giới. Năm 1931, Nam Phong đăng bài giới thiệu về phong trào nữ quyền của phụ nữ Âu Mỹ dưới tiêu đề “Nữ quyền”. Bài báo có đoạn “Thế giới ngày nay đương qua một cuộc cách mệnh lớn. Ta thường không để ý đến, nhưng thực có một sự đại biến đang từ từ diễn ra trước mắt. Có người nói cuộc biến này rồi ảnh hưởng về xã hội không kém gì Đại Cách mạng Pháp năm 1789… Người đàn bà ngày nay đang dần dần tiến lên, dường như muốn tranh cả địa vị của đàn ông, hăng hái muốn trả thù cách đàn ông bạc đãi mình từ xưa đến giờ…Phụ nữ trên thế giới hoạt động ở những lĩnh vực xưa nay đàn bà không có địa vị gì như làm thợ sắt, làm lục sự, làm kỹ sư, làm ngoại giao, làm chánh văn phòng, làm giám đốc các xưởng máy, làm thị trưởng các thành phố, làm tướng tá nữa..Ngày nay các nước văn minh đến quá nửa đã cho đàn bà quyền bầu cử: Anh, Thụy Điển, Đan Mạch đều cho đàn bà có quyền đi bầu và ứng cử. Nước Mỹ ở các hội nghị địa phương, ở giữa liên bang quốc hội, ở các hội nghị bầu tổng thống đều có đàn bà cả. Úc, Tân Tây Lan có đàn bà làm nghị viên, làm bộ trưởng. Ở Đức, Áo, Hung, Tiệp Khắc có đàn bà làm lãnh tụ các đảng, thường thấy ra chỗ nghị trường mà chất vấn chính phủ. Đến nước Nga Xô Viết thì nữ quyền lại rộng lắm nữa, có người nói đó là một “dân quốc nữ trượng phu”. Năm 1934, Nam Phong cho đăng “Cuộc tiến hóa của dân Việt Nam”, trong đó tờ báo cho rằng sự tiến bộ của phụ nữ đã góp phần quan trọng vào “cuộc tiến hóa” chung. Tác giả bài báo khẳng định vai trò của phong trào phụ nữ phương Tây đối với phụ nữ Việt Nam “Tuy rằng ở chốn thôn quê, phụ nữ Việt Nam chưa chịu ảnh hưởng của văn hóa châu Âu, nên còn sống theo lề thói cũ như các cụ từ 50 năm về trước, nghĩa là theo cái thuyết nam ngoại nữ nội, và cái đạo đức tam tòng, nhưng ở các nơi thị trấn thì đã thấy có lắm việc cải cách trong sự sinh hoạt của các chị em… Vì được hưởng sự giáo dục một cách tự do như các bạn trai nên về đường học thức có phần tấn tới. Không những là chịu ảnh hưởng của khoa học Âu mà cái lòng tin nhảm đã thấy bớt dần, lại còn vì tiêm nhiễm các tư tưởng mới, mà chị em đã có quan niệm về quyền lợi, nên ít lâu nay cái phong trào tôn trọng nữ quyền đã tràn khắp tự Nam chí Bắc”. Bài báo liệt kê những hoạt động mà phụ nữ tham gia: phụ nữ làm cô đỡ, giáo học, thư ký, bào chế, có một số nữ văn sĩ, nữ thi sĩ mà báo còn khằng định đó là những nữ sĩ “chân chính, chứ không phải giả hiệu như Đào Thị Loan, Nguyễn Thị Bổng ngày xưa”.

Báo Phụ nữ Tân văn (1929-1934)  đưa nhiều câu chuyện “người thật việc thật” của phụ nữ các nước. Phụ nữ Mỹ làm chính trị đã được báo này đăng dưới tin “Bà lớn Thượng” như sau “Trong thế giới ngày nay, nước có nữ quyền cao hơn hết là nước Hồng Mao (Mỹ). Thiệt vậy, ở đó, chị em được dự vào chính trị cũng có địa vị bình đẳng như đàn ông vậy. Trong kỳ tuyển cử vừa rồi, trong số người đi bầu, đàn bà nhiều hơn đàn ông tới gần 200 vạn. Trong kỳ tuyển cử, có 13 người trúng cử, có một bà làm thượng thư (bộ trưởng) trong Nội các Mac Donald” (Phụ nữ Tân văn,1929). Dưới tiêu đề “Các cô làm báo bên Huê Kỳ”, Phụ nữ Tân văn viết “Con gái bên Huê Kỳ ngày nay, đã có nhiều người ra làm báo. Mà cô nào trẻ tuổi và có nhan sắc, thì lại càng được việc; có nhiều chuyện người ta muốn dấu, mấy nhà làm báo đàn ông đến dò la hỏi han, không bao giờ người ta hé răng, vậy mà tới phiên các cô đến, thì ai có chuyện gì dấu kín cũng đem phun ra hết” (Phụ nữ tân văn,1929). Đặc biệt Phụ nữ Tân văn mô tả cách phụ nữ phương Tây giành quyền bình đẳng với nam giới, theo như bản báo chú thích là dẫn theo lời kể của ông Nguyễn Văn Vĩnh “Đàn bà bên Âu Mỹ ngày nay, họ muốn cạnh tranh với đàn ông, chớ không muốn để cho anh đàn ông bợ đỡ và nhường nhịn họ như trước nữa. Ở đây, có khi đi xe điện, ta còn thấy có ông tây bà đầm lên xe, chật hết chỗ rồi, mà không có một người đứng dậy nhường chỗ cho bà thì ông tây đã lườm mắt, có ý nói là mình ít giáo dục, không biết quý đàn bà. Các thành thị lớn bên Âu-Mỹ, bây giờ thì trái lại như thế. Có khi anh đàn ông thấy người đàn bà lên xe, mà nhường chỗ ngồi cho bà còn bị mắng “Tôi cũng là người như ông vậy, ông chiếm được chỗ trước thì cứ ngồi, nhường cho tôi làm chi” (“Đàn bà dễ có mấy tay”, Phụ nữ Tân văn, 1929). Báo Phụ nữ Tân văn cũng cập nhật thông tin rằng trong số các đại diện của Hội Liệt quốc (League of Nations) năm 1929 có 13 người là nữ, đại diện cho 13 quốc gia trên thế giới. Báo này nhận xét “Trông người lại ngẫm đến ta, trên con đường tiến bộ, chị em bên Âu Mỹ đã đi xa lắc xa lơ rồi, mà con cháu bà Trưng bà Triệu chúng ta mới lên đường cất gánh” (Phụ nữ tân văn,1929). Ngoài gương phụ nữ phương Tây, gương học tập của phụ nữ Nhật và phụ nữ Trung Quốc cũng được đưa ra để phụ nữ Việt Nam soi vào.

II.Những cơ hội bị bỏ lỡ, kết quả nghèo nàn của phong trào phụ nữ ở Bắc Kỳ
Mặc dù đứng trước những cơ hội mới, phụ nữ Bắc Kỳ vẫn không thể hiện được

bản thân mình theo tinh thần “giải phóng” phụ nữ. Ngoài một số thành quả như được đến trường, có nghề nghiệp mới (giáo viên, y tá, dược tá), phụ nữ Bắc Kỳ vẫn bị coi là thụ động và thờ ơ với thời cuộc. Ngày 19-6-1930, Phụ nữ Tân văn cho đăng bài ca ngợi cô Bắc và cô Giang là những phụ nữ quả cảm đã tham gia làm cách mạng và ca ngợi “VNQDD thật là khôn ngoan, biết lợi dụng đàn bà để tuyên truyền và thông tin, không cho ai để ý đến vì đàn bà Việt nam xưa nay chỉ quen ở trong bếp, ai ngờ họ len ra chỗ cương trường mạo hiểm”. Tuy nhiên, ngày 10-7-1930, cũng tờ báo này phê phán phụ nữ thờ ơ với việc xã hội qua bài “Cái tánh lạt lẽo của chị em ta đối với mọi việc”. Bài báo nhận định “thật chị em ta không sốt sắng ngay với những việc có quan hệ trực tiếp đến thân mình hay là đoàn thể của mình chứ chưa nói đến xã hội nhân quần là chuyện cao xa quá”. Một số dẫn chứng cho thấy phụ nữ lãnh đạm với những việc liên quan đến bản thân họ: Phụ nữ tân văn khởi xướng việc trưng cầu ý phụ nữ về việc mở Phụ nữ Khuyến học viện (mô hình trường học-nghiên cứu dành cho nữ, tương tự các trường đại học nữ ở phương Tây) nhưng “năm sáu tháng trời, chẳng qua chỉ được vài ba cái thơ ngỏ ý hoan nghênh, còn thì lặng lẽ im lìm, không nghe ai đả động tới”. Báo mở cuộc thi văn chương cho phụ nữ nhưng “những lời hô hào cổ động như tiếng gọi giữa đồng không, chưa có mấy người chịu ra hưởng ứng”. Đặc biệt, việc giáo dục nữ cũng bị đánh giá là chưa đạt kết quả  mong đợi. Phụ nữ thời đàm viết “trường nữ học hiện đã lập ở gần khắp các tỉnh, mà kết cục mới đào tạo nên được dăm ba chục bà giáo, ít nhiều cô dược tá, cô nữ khán hộ. Còn phần nhiều các chị em nữ học sinh, sau khi nghỉ học không những học vấn dở dang, không bổ ích gì cho việc giúp chồng nuôi con, mà những cách buôn bán làm ăn phần nhiều lại hóa ra vụng về bỡ ngỡ. Cái hại ấy có hai nguyên nhân: một là ta chưa có cách giúp đỡ cho chị em có tài chí có thể theo đuổi học vấn hoàn toàn, hai là trong chương trình nữ học không có phần dạy những điều cần thiết về đường sinh kế” (“Phụ nữ trí dục”, Phụ nữ thời đàm, 1930). Báo Phụ nữ tân văn đã gây được quỹ học bổng để cử học sinh đi học nước ngoài nhưng cuối cùng người nhận học bổng lại là nam giới chứ không phải phụ nữ. Báo lý giải việc này như sau “chúng tôi lập học bổng là chỉ để riêng cho nam học sinh.. có một vài cô tới hỏi rằng học bổng do cơ quan Phụ nữ lập ra, sao lại không cho đàn bà dự thí, có lẽ đàn bà không đủ sức học, cùng với nam nhi chen vai lấn bước chăng?…chị em ta bây giờ tuy đã có người học giỏi, nhưng còn vướng víu nhiều về những chế độ xưa, lễ giáo cũ, vậy có ai dám chắc là có can đảm và nghị lực sang Pháp học được cho đến nơi đến chốn?” (Phụ nữ tân văn, 1929). Rõ ràng, bản thân một tờ báo giành cho phụ nữ mà không tin ở năng lực và lòng quyết tâm của phụ nữ thì khó mà nói đến “nữ quyền”.

Cuộc vận động thành lập Hội phụ nữ (Hội nữ công) Bắc Kỳ cũng thất bại. Đầu năm 1931, Phụ nữ thời đàm tổ chức một cuộc vận động lập Hội phụ nữ Bắc Kỳ, tuy nhiên, sau rất nhiều tháng, sự hưởng ứng rất thưa thớt. Phụ nữ thời đàm có bài than phiền về việc này “muốn cho thế lực được rộng rãi, công việc tiến hành được mạnh bạo, không gì cần thiết bằng hợp nhau thành đoàn thể.. nhưng than ôi, có hô, mà không có ứng, có xướng mà không có họa, tiếng gào thét ấy, rồi cũng thoảng qua như tiếng gọi giữa sa mạc mà thôi” (“Tại sao chị em chểnh mảng với vấn đề lập hội Nữ-công”, Phụ nữ thời đàm, 1931). Năm 1932, Phụ nữ thời đàm còn đề xuất ý tưởng lập Salon văn học theo mô hình châu Âu, tuy nhiên vấn đề đặt ra là không tìm ra được ai làm nữ chủ nhân của những salon đó. Phụ nữ thời đàm có dành vài số báo để bình luận về việc này, trong đó có ý kiến như sau “các chị em, nhất là bạn gái đất Bắc- chắc hẳn có tư tưởng cùng nhau, nhưng cái dây liên lạc để gây lấy cái tư tưởng ấy thì không có do chị em còn thiếu một nền giáo dục về xã giao”. Để khuyến khích các bậc nữ lưu ứng cử vai trò nữ chủ nhân sa long, Phụ nữ thời đàm thậm chí còn hứa treo giải thưởng có giá trị. Tuy nhiên, vẫn không ai dám đứng ra chịu trách nhiệm này. Phụ nữ thời đàm đành ngậm ngùi “Văn học và xã giao, hai thứ ấy phải đi đôi với nhau, cũng như hai cái nguyên tố hợp thành một nền văn minh. Nước ta, tự phụ là một nước văn hiến mà cái nguyên tố kia- tức là xã giao- còn thiếu sót thời cái bước của dân tộc mình noi trên con đường văn minh còn phải hèn kém” (Phụ nữ thời đàm, 1932).

Một trong những nguyên nhân gây ra phản ứng tiêu cực của phụ nữ Bắc Kỳ đối với phong trào nữ quyền là do dư luận, mà chủ yếu là dư luận đàn ông về hình ảnh của người phụ nữ. Trong khi làn sóng hô hào “nữ quyền” trên báo chí ngày càng trở nên rầm rộ thì dường như thái độ của dư luận đối với phụ nữ hiện đại ngày càng trở nên khắt khe.

Người thay đổi quan điểm về nữ quyền và do dự trước trào lưu nữ quyền của phụ nữ Bắc Kỳ nhiều hơn cả có lẽ là Phạm Quỳnh. Năm 1917, 1918, Nam Phong ra nhiều bài cổ vũ phụ nữ học tập,  khuyến khích phụ nữ học chữ Quốc ngữ, đặc biệt học thông qua việc đọc báo. Đồng thời bài báo cũng cổ vũ phụ nữ tham gia viết báo “ mong rằng đương buổi nữ giới vắng vẻ, sao cho xuất hiện được nhiều bậc nữ sĩ, để có thể sau này gánh đỡ được một phần văn học nước ta” (Nam Phong, số 11,1918)

Đến năm 1925 thì quan điểm của Phạm Quỳnh-Nam Phong về giáo dục nữ không

còn hào hứng với đổi mới nữa. Trong bài viết “Đàn bà Đông phương”, Phạm Quỳnh lại nhấn mạnh đến hình ảnh người phụ nữ truyền thống “làm sang cho chồng”. Thậm chí ông còn đả kích những đàn bà học đòi “tự do” “bà nào lấy nê khai phóng, mượn tiếng tự do, trái ngược hẳn luân lý cũ, ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược, chồng tự do đàng chồng, vợ tự do đàng vợ, con cũng tự do đàng con… con cái những nhà này hấp thụ được cái không khí của những người mẹ tạo ra ấy thì con nào mà chẳng hư. Con hư tại mẹ thì phần nhiều, mà con gái thì hư tại mẹ là phần nhiều lắm.. Cho nên cái đức người đàn bà bên Đông phương ta, không lọ là phải đánh đông dẹp bắc, không lọ là phải tranh nhau nam nữ bình quyền, không lọ là phải nghiên cứu đến các vị hành tinh, không lọ là phải suy xét phép kỷ hà học. Dù có học hành, cũng chỉ cốt trong tứ đức, nữ công sao cho chuyên cần, nữ dung sao cho yểu điệu, nữ ngôn sao cho hòa thuận, nữ hạnh sao cho chính chuyên, đối với cha mẹ giữ lấy chữ hiếu, đối với gia đình giữ lấy chữ hòa lạc, đối với con giữ lấy chữ nhân ái cù lao, đối với nhân quần giữ lấy chữ từ thiện phúc đức, thế là bậc nữ lưu đệ nhất, thế là đủ” (Nam Phong, số 101, 1925). Bài viết này rõ ràng đưa Phạm Quỳnh-Nam Phong trở lại với quan điểm truyền thống của Nho giáo về giáo dục cho phụ nữ “phụ nữ không cần phải học hành cao xa làm gì mà chỉ cần đảm nhiệm tốt chức năng làm phụ nữ”.

Trong nhiều bài báo sau 1925, Nam Phong chỉ trích những phụ nữ có tư tưởng “tự do quá trớn” và những ông chồng chiều vợ bị coi là “sợ vợ”, người vợ thì bị ví với “hổ cái già”. Trong lời đề tựa cho “Nhật ký của một anh chàng sợ vợ”, Nam Phong giới thiệu “đây là sổ chép hàng ngày của anh chàng ghi về nông nỗi lấy phải vợ người tây học không tinh, hiểu lầm hai chữ tự do, không biết cái tinh thần tự do mà tự do xằng, tự do láo, làm tan nát cả gia đình của chàng.. Có điều trong đám nữ lưu ta gần đây cũng đã thấy ít nhiều cô nhố nhăng quá đáng, lắm chuyện thương tâm, mà trong bọn tu mi cũng có ít người nuông chiều quá đỗi, gây tệ về sau, mất cả môn phong, hại lây phong hóa” (Nam Phong, năm 1927). Trong nhiều số báo, Nam Phong lần lượt giới thiệu các thiên giáo huấn giành cho phụ nữ như “Lời răn đàn bà con gái” (Nam Phong, 1928) vốn được lưu hành từ đời Hán, hoặc “Gái đời nay” (Nam Phong, 1929) là lời của người mẹ gia giáo dạy con theo Tây học; “Thư mẹ gửi con gái” (Nam Phong, 1929) là lời mẹ dặn dò khi con gái du học bên Pháp. Trong “Gái thời nay”, Nam Phong đã thể hiện sự nghiêm khắc đối với các cô gái theo đòi lối học mới qua lời người mẹ “Con ơi, con nghĩ mà xem: con là gái nhà nền nếp, có được học hành, có được dạy bảo, mà so ra dung công ngôn hạnh không được lấy một nết gì cả, như thế phỏng có đáng buồn, đáng thẹn không?… Mẹ thương đến chơi nhà các bà chị em bạn hàng phố, thấy con gái nhà người ta học ít, chỉ thông quốc ngữ, biết tính toán gọi là, mà nết na dịu dàng, khâu vá khéo, cỗ bàn bánh trái một tay, cơm nước trông nom, việc nhà việc cửa đảm đang, trên giúp đỡ cha mẹ, dưới săn sóc các em, trong nhà cắt đặt công việc, sai bảo đầy tớ đâu ra đấy, nghĩ đến con gái nhà mình trường này trường khác, học nhiều, tính nết lại đoảng, ăn làm lại hư mà chán! Sao con không biết thẹn với chị em thế?… Hay con cho rằng con đỗ được cái bằng ở trường nữ học ra, là bậc trung lưu nữ giới rồi, đọc sách là cao, thổi cơm là hèn? Chết nỗi, con nghĩ thế là lầm! Đàn bà con gái mà không thạo việc gia đình, sành việc nội trợ, là hạng đàn bà thừa, đáng khinh bỉ, dẫu hay chữ cũng vất đi. Gái văn minh quá, mẹ sợ con ạ, con đừng tưởng thế là hay” (Nam Phong, 1929, tr. 26). Nam Phong muốn gửi đến một thông điệp rõ ràng “đối với người con gái, không quý ở chỗ học cao biết nhiều mà quý ở chỗ đảm đang, biết lo toan nội trợ gia đình”. Một bà mẹ khác, đã cho con đi du học mà cũng vẫn còn đau đáu một tâm sự tương tự “mẹ thấy con trong mấy năm trời tự học, thi đậu được bằng tú tài, theo anh sang Pháp.. mẹ để con đi mà trong lòng mẹ vẫn ngần ngại, ngại vì một nỗi chẳng biết lúc con về, phẩm giá con có được như khi đi không? Hay chỉ lĩnh được một mảnh bằng, tính nết lại chẳng còn chi là ôn hòa thuần thục. Con ơi, thế giới ngày nay hình như mắc phải bệnh cuồng, con ở giữa kinh đô một nước văn minh bên châu Âu, phải cẩn thận lắm mới được, chớ để cho làn sóng mạnh kia nó cuốn được mình” (Nam Phong, 1929, tr. 302). Bà mẹ này thậm chí còn giải thích lý do vì sao cho con đi học “Mẹ cho con học có phải để cho con thành cô Cử cô Nghè, mua lấy cái hư danh về nước đâu. Mẹ cho con học chỉ cốt mong cho con sau này chọn được người xứng đáng làm chồng, rồi dốc lòng giúp chồng dạy con, trở nên một bậc hiền thê từ mẫu. Trong muôn việc bổn phận người đàn bà, có lẽ chỉ việc thương con yêu chồng là quan hệ hơn cả” (Nam Phong, dd, tr. 303).

Năm 1934, Phạm Quỳnh có bài phát biểu tại Hội trí tri, đăng trên Nam Phong “Cuộc tiến hóa của dân tộc Việt Nam” trong đó có giành một phần nói về Cuộc tiến hóa của phụ nữ, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục “Vì sự giáo dục không những mở mang riêng cho bên nam giới, mà bên nữ giới cũng được chung hưởng nữa nên trong vòng 20 năm nay, chị em Nam Việt cũng đã thấy tiến hóa lên một bậc khá cao”. Phạm Quỳnh cho rằng nhờ có học vấn nên phụ nữ “đã có quan niệm về quyền lợi, nên phong trào tôn trọng nữ quyền đã tràn khắp tự Nam chí Bắc. Các chị em không chỉ hô hào bằng lời nói xuông, mà đã có một số bạn gái đã quyết bỏ việc trong nhà bước chân ra ngoài để tranh đấu cùng các bạn trai. Như ở các công sở thì chị hoặc làm khán hộ hoặc làm giáo học, cô đỡ, thư ký, bào chế… Ngoài các công sở thì bạn gái cũng theo đòi bạn trai trong việc công thương và các công cuộc văn chương mỹ thuật. Ít lâu nay đã có nữ văn sĩ nữ thi sĩ chân chính chứ không giả hiệu như Đào Thị Loan, Nguyễn Thị Bổng ngày xưa (là hai nhân vật trong Nhời đàn bà của Đông Dương tạp chí).. phụ nữ biết lập hội tương tế, tổ chức các cuộc làm phúc, hoạt động thể thao..” (Nam Phong, 1934). Mặc dù ca ngợi phụ nữ đã thay đổi địa vị của mình trong xã hội bằng cách trực tiếp tham gia vào những công việc mà trước đây chỉ có nam giới đảm đương, tác giả bài viết vẫn cố nhắn nhủ “ai cũng phải công nhận phụ nữ Việt Nam ta trong vòng 20 năm nay có cải cách nhiều trên con đường tiến hóa đi cũng đã nhanh chân đấy. Nhưng nếu các bà các cô cho tôi ngỏ một đôi lời, thì tôi xin các chị em nên từ từ mà bước, cẩn thận mà đi, chớ hấp tấp vội vàng, nhỡ ra quá chớn vấp chân mà ngã vào những đống gai góc bùn lầy” (Nam Phong, dd, tr. 157).

Mặc dù dư luận thừa nhận rằng nhờ văn minh phương Tây nên vấn đề nữ quyền mới được khởi xướng ở một xứ Nho giáo vốn trọng nam khinh nữ như Việt Nam, mà điển hình là ở Bắc Kỳ, không phải tất cả việc học theo phụ nữ phương Tây đều được ủng hộ. Báo Đông Pháp chỉ trích việc phụ nữ Việt Nam diễn kịch, được coi là một hoạt động theo gương phụ nữ phương Tây như sau:

“Ít lâu nay tại Hà thành dư luận nôn nao vì nỗi mấy thiếu nương ta theo đòi Tây học nối gót mấy nam tử lên sân khấu diễn kịch, bỏ hẳn thói e lệ của các thiếu phụ Cồ Việt mà lấy tính mạnh bạo của các giai nhân Âu Mỹ…Việc canh tân ấy cũng đáng khen..các thiếu nương chẳng quản miệng thế, tự đem phô bầy cho mấy nghìn con mắt trông vào.. Song lấy con mắt nhà bỉnh bút Nam Việt mà ngắm cảnh trên sân khấu một nhà hát Nam Việt, trông và nghe người thiếu nữ hay thiếu phụ Nam Việt than vãn những câu bi ai thảm thiết cùng giăng gió gió giăng…mắt ta chỉ quen trông đàn bà nước ta ru con ẵm cháu, thổi cơm gánh nước. Thế thì trông cảnh một người thiếu nương bỏ thời giờ quý báu mà tập tành cung đàn điệu hát, những câu trai lơ, những khúc tình tự, toàn những vật liệu đồi phong bại tục cả” (Báo Đông Pháp,1926)

Thực nghiệp dân báo vốn được coi là tờ báo tân tiến cũng đã có bài e ngại về làn sóng theo đòi những nghề nghiệp mới của phụ nữ. Năm 1922 báo này đăng bài viết ký tên Đào Thị Từ đưa ra một vài băn khoăn về nghề nghiệp của nữ giới sau khi học xong “Em xem ra chị em có nhiều người có tư tưởng học ra để làm cô giáo, đi làm với nhà nước, nhưng em thiết tưởng đó không phải là một ý tưởng hay, vì cứ theo tục lệ, người con gái đi làm việc với nhà nước nay đây mai đó có nhiều điều bất tiện. Theo như tục ta thì cái tuổi mà ta làm được cô giáo, tức là cái tuổi sắp phải làm vợ, làm vợ ta tất phải theo chồng, nếu nay đây mai đó thì chẳng lẽ người chồng lẽo đẽo theo ta.. Nếu ta ngồi mà tính đường lợi hại cho kỹ, thời ta chẳng nên có ý tưởng đi học để rồi sau này đi làm với nhà nước. Khi học hết tiểu học, ta nên xoay ra học nghề như buôn bán, làm bánh trái, thêu thùa..Ta có nghề trong tay, dù đi đâu ta cũng có thể thi thố nghề của ta được, như vậy tiện bề chồng đâu vợ đấy mà lại có các sinh nhai nữa” (Thực nghiệp dân báo, 1-3-1922). Trong khi đó, bản thân nhà nước bảo hộ cũng không khuyến khích phụ nữ làm việc ở cơ quan công quyền, theo như Phụ nữ thời đàm phản ánh “Không biết vì lẽ gì, các công sở và tư sở ở đây đối với chị em đều cửa đóng then cài cả. Biết sống vào đâu? Biết bao nhiêu chị em gặp cảnh này đều phải vất vả trên con đường mưu sinh. Thực rất đắng cay mà không biết than thở vào đâu vì sinh phải cái xứ nữ quyền chưa có này” (“Sự hiếm việc làm của bạn gái có học”, Phụ nữ thời đàm, 1932). Các yếu tố chủ quan và khách quan đã không hề thuận lợi cho phụ nữ thực hiện nữ quyền.

Trong khi dư luận bàn luận sôi nổi ồn ào về nữ quyền nhưng sự giả dối của những người tung hô nữ quyền đã bị Trung bắc tân văn chỉ rõ “Theo phong trào thế giới, người ta vận động nữ quyền, mình cũng vận động nữ quyền. Nhưng cuộc vận động nữ quyền ở ta có lẽ khác người. Ông A cổ động nữ quyền kêu như chuông, vang như sấm, mà trong nhà ông ba, bốn vợ, còn đòi lấy nàng hầu; ông B viết văn nữ quyền như cháo chảy, ngọt như mía lùi, mà chính ông đã rẫy hai đời vợ, còn đời vợ này ông đánh luôn tay, chửi luôn mồm (“Cuộc vận động nữ quyền ở nước ta”, Trung Bắc tân văn, 1934)

Phong hóa đã giải thích lý do vì sao phụ nữ không thể tìm được vị trí bình đẳng với đàn ông “Dạy dỗ con cháu nên người, cái công lớn lao ấy người đàn ông phải nhường người đàn bà, nhưng đến như khoa học thì không sao dám để họ dự một phần cỏn con nào. Vì sao? Vì khoa học rất nguy hiểm cho phái phụ nữ. Những phụ nữ muốn biết khoa học đều bị trục xuất vào một xã hội riêng, vì họ đã bị đàn ông chẳng ưa, lại bị đàn bà ghét thậm tệ. Đàn ông thì không muốn đàn bà bằng mình, đàn bà thì chỉ muốn trong bọn phụ nữ ai cũng sàn sàn bằng nhau để che đậy sự kém chung, chứ không muốn cho ai nho đầu lên để bêu xấu họ. Cho hay một cô gái chải chuốt dễ lấy chồng hơn một cô gái tài cao học rộng. Muốn lấy một cô gái thông thái thì người chồng phải “trơ”, không biết thẹn (vì lấy vợ mà lại bị gọi là ông giáo, ông đốc theo vợ hẳn cũng chẳng vinh hạnh gì” (“Học lực của phái phụ nữ”, Phong Hóa, 1932). Vốn được coi là tờ báo tân tiến đi theo trào lưu hiện đại, quan điểm thiển cận về học vấn phụ nữ của Phong Hóa đã để lộ tư tưởng cải cách nửa mùa của tờ báo này.

Năm 1929, Phụ nữ tân văn mở cuộc trưng cầu ý kiến về phụ nữ. Tuy nhiên, trong tổng kết của bản báo về cuộc trưng cầu này thì tất cả các ý kiến đều là của đàn ông (Phụ nữ tân văn ,1929). Băn khoăn về việc phụ nữ tham gia vào cuộc trưng cầu, trong bài “Còn ý kiến của chị em thế nào?” có viết : “Chỉ có bà Đạm Phương ở Huế hưởng ứng với bổn báo, các bài trả lời khác đều là của nam giới cả”. Bản thân nhiều phụ nữ không chỉ không hưởng ứng phong trào đòi bình đẳng mà còn tỏ thái độ phê phán khi những phụ nữ khác thực hiện quyền này. “Đứng về phương diện xã hội, người đàn bà nào có tài trí phải ngang vai sóng bước với đàn ông thì thật là phải, đòi nữ quyền như thế là đúng với luật tiến hóa của loài người… Còn về phương diện gia đình, hình như chị em bên châu Âu đòi nữ quyền có nhiều chỗ tưởng hơi quá đáng” ( Phụ nữ tân văn,1929). Phụ nữ thời đàm cho rằng phong trào phụ nữ Bắc Kỳ còn yếu do phụ nữ không dám đương đầu với dư luận  “Vì quyền lợi của chị em, một vài ông có lòng sốt sắng với cuộc tiến trình của phụ nữ nước nhà, thường hết sức hô hào vấn đề này vấn đề  nọ… trên diễn đàn ngôn luận, một số đông chị em hưởng ứng, cũng hăng hái, cũng quả quyết…Nhưng than ôi, bể lặng nổi tăm, nó chỉ vài giây phút là hết, cơn sóng gió thoảng qua rồi cái cảnh âm thầm mù mịt đâu lại kéo đến…Phong trào phụ nữ xem đó chỉ bồng bột trong nhất thời rồi lại bị chìm đắm ngay..nay bàn mai tính, kết cục bó tay vẫn hoàn bó tay.. Cái mối dư luận ngày nay nó như mây đen khói, nó làm mờ mịt trí sáng suốt của chị em, nó ngáng trở chị em bước ngoài bực cửa gia đình” .(“Phụ nữ trước ngọn trào dư luận”, Phụ nữ thời đàm, 1932). Tờ báo này cho rằng phụ nữ Bắc Kỳ không đủ bản lĩnh để tham gia vào phong trào nữ quyền là do “mãi nằm dưới dư luận”.

Kết luận
Kể từ khi trường nữ sinh Pháp-Việt công lập được mở năm 1910 ở Hà Nội, dư luận Bắc Kỳ bắt đầu rộ lên các vấn đề liên quan đến “quyền của phụ nữ” và khái niệm “nữ quyền” được sử dụng rộng rãi. Phong trào “nữ quyền” ngày một sôi nổi vì những yếu tố sau: trường học nữ ngày một phát triển và phụ nữ thể hiện khả năng học vấn của mình không thua nam giới, báo chí nở rộ cho phép phụ nữ, đặc biệt phụ nữ có học, tiếp cận thông tin và tham gia vào quá trình phổ biến thông tin, trào lưu nữ quyền trên thế giới tạo động lực cho phụ nữ bàn luận về các vấn đề liên quan đến phụ nữ. Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi kể trên, phụ nữ Bắc Kỳ vẫn không vượt qua được rào cản dư luận để giương cao ngọn cờ nữ quyền. Rào cản dư luận này có gốc rễ sâu xa từ quan điểm Nho giáo đối với đối với phụ nữ và về vị trí của người phụ nữ so với đàn ông không dễ gì một sớm một chiều xóa đi được. Phụ nữ vẫn thụ động trong việc chọn lựa nghề nghiệp, không có khả năng lập hội phụ nữ để tìm sức mạnh tập thể giải quyết các vấn đề khó khăn và vượt qua rào cản xã hội, họ dựa vào quan niệm của đàn ông về phụ nữ để điều chỉnh cho các hành vi của mình. Có thể nói, phong trào nữ quyền đã được dấy lên nhưng chủ yếu do đàn ông dẫn dắt và hình ảnh người phụ nữ vẫn hết sức mờ nhạt trong đó.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved