Home » » Bản Tuyên ngôn tượng trưng

Bản Tuyên ngôn tượng trưng

Written By kinhtehoc on Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012 | 05:06


Bản Tuyên ngôn tượng trưng

 | Filed under 4. Các thể tài phê bình
Nhóm Dạ đài
Chúng tôi – một đoàn thất thổ – đã đầu thai nhằm lúc sao mờ.
Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước.
Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác. Chúng tôi không còn khóc, không còn muốn khóc – vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế sự.
Chúng tôi không còn nhìn mây, không còn muốn nhìn mây – vì người ta đã nhìn mãi mây chiều cùng nắng sớm.
Chúng tôi đã gào thét những đêm thâu, đã rên la những ngày dài dằng dặc. Chúng tôi đã nhìn lên Tinh Đẩu và đã nhìn xuống Thế Nhân. Chúng tôi đã về giữa non sâu để trở lại những bình nguyên hoang lạnh. Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại.
Cho nên lúc chúng tôi nhìn lại tâm tư lại là lúc chúng tôi nhìn về muôn trùng biển lạ. Từng thớ tim đã kết hình thạch nhũ và toàn thân đã biến đổi chất mầu.
Đã lâu chúng tôi không còn rung động với trần tâm; đã lâu chúng tôi chẳng còn biết thương yêu mừng giận.
Vả lại, làm sao người ta cứ lặn lội mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều, và thu hẹp tâm tư ở bẩy dây tình cảm! Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu? Chúng ta đã mang nặng: những thế hệ tàn vong Ờ những triều đình đổ nát -trăm nghìn lớp phế hưng. Chúng ta đã thâm cảm: những trời sao vằng vặc – những sự vật điêu tàn – sự mòn mỏi của ngày đêm liên tục. Biết bao chuyện tang điền đã xáo động tấm hình hài nhân thế! Biết bao nhiêu thế kỷ đã trầm tư! Biết bao nhiêu núi lở non tàn đã bắt buộc chúng ta phải sầu thương, chúng ta đã phải trở lại chúng ta mà tư tưởng! Chúng ta suy nghĩ nhiều rồi, chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều rồi ở một Con-đường-tuyệt-vọng.
Bởi vậy chúng ta chẳng còn là cái chúng ta quá vãng đơn sơ thuần phác nữa: chúng ta đã góp gom hình ảnh tinh cầu và lòng chúng ta đã đầy lên châu ngọc.
Thế cho nên chúng tôi -thi sĩ tượng trưng- chúng tôi có nói cũng chỉ là nói cái tâm trạng của thời nhân, của những thời nhân đã có ngày cô độc.
Chúng tôi sẽ nối lại: nghiệp dĩ của một Baudelaire – tâm sự của một Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của một Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn.
Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: quỹ đạo của trăng sao – đường về trên cõi chết. Chúng tôi đã sống, lấn cả sang bờ bến u huyền, cho nên buổi chúng tôi quay về thế tục, chúng tôi nhìn hoa lá với những cặp mắt mờ hoen. Nhỡn tiền bỗng thấy đổi thay tất cả những hình sông vóc núi. Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại. Chúng tôi lạ từ sắc nắng bình minh đến mầu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả. Và chúng tôi đã thấy những cái người ta chẳng thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần. Chúng tôi đã thấy: thế giới bên kia, những thế giới bên kia lẩn ngay trong đám bụi dương trần một giây phút có thể bừng lên như Thực Cảnh.
Vả cái sức rung động của một bài thơ chỉ có thể vào sâu và lan rộng nếu đã thâu góp được cái sức rung động của vô biên, nghĩa là của muôn nghìn cõi đất. Chúng ta đã chán ngắt cái thi ca nông hẹp, nhai đi nhắc lại những phong cảnh trần gian, những tâm tình thế tục. Chúng ta đã tự nhiên trở nên khó tính: chúng ta muốn vào sâu ngoại vật, nội tâm và muốn đi xa thiên đường, địa ngục. Hãy để cho tiền nhân những cảm giác đơn nghèo. Để cho bọn đề nho cái công việc ẩn giấu nỗi lòng nhạt nhẽo của họ trong nỗi lòng chung thiên hạ hay trong gió nước, cỏ cây. Để cho bọn đàn bà con trẻ cái công việc than khóc thảm thương trên một kỳ hoa tạ, trên một giấc mộng dở dang. Để cho những thế hệ đã nằm yên cái tôi nông cạn ấy.
Chúng ta muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tôi thầm kín.
Thế cho nên, chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại. Chúng tôi cố thực hiện một cuộc trở về, chúng tôi cố trở lại cái chúng tôi với tấm lòng khi đất trời khai lập.
Người ta đã tìm mãi Đạo Lý ở đường lên: ghìm giữ bản năng kham khổ Ờ nhục hình. Chúng ta sẽ tìm Đạo Lý ở con đường xuống: thả lỏng thiên năng đam mê và khoái lạc. Những triết nhân đã chẳng kêu gọi sự quay lại đó ư? Và những phong trào xã hội? Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương gắng sức trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ.
Vì thế, thơ cũng phải âm u như cảnh giới của cái tôi thầm lặng. Không thể rung cảm chúng ta nữa cái văn chương cổ tích chỉ có một chiều, chỉ nhắc gợi một cõi đất, một tâm tình. Thơ phải cấu tạo bằng tinh chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy.
Nhưng thi cảm phải gây trong thực tại. Những câu chuyện hoang đường, hãy dành lại cho những đàn em bé nhỏ. Bọn lãng mạn, sau khi chùi xong nước mắt lại lảm nhảm nói đến chuyện những nàng tiên. Chúng ta hãy cứ mặc họ khóc than trên tính tình của họ.
Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đương kể những câu chuyện cổ tích cho những người đứng tuổi nghe. Phải gây nên cả hai không khí hoang đường và hiện thực. Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có, nhưng phải mang ở trạng thái tiềm tàng những cái gì có thể có và cả những cái gì không có nữa.
Một ánh sao băng: nhưng đấy là muôn nghìn sự vật lìa tan ở những khu trời xa lạ.
Phải xáo trộn cả thực hư. Đã có: Vạn Lý Trường Thành, A Phòng Cung, Kim Tự Tháp. Có thể và không có: thuyền bến Thanh Tuyền, đèn nơi Thiên Cảnh. Hãy nằm dưới một trời sao mà trông về thế tục. Hãy ca lên trong kẽ núi và hát giữa bình sa.
Chúng ta cũng không thể tách lập được hẳn thực hư, và chia đôi địa trấn bằng một bờ sao rõ rệt. Cõi mộng và cõi đời đã thâm nhập vào nhiều nơi, và ở nhiều nơi đã thấm trộn cùng nhau trong một cuộc giao hoà bí mật. Có ở cõi đất chúng ta không: những đường lối cố đô, những vì sao huyền ảo! Nhiệm vụ thi ca là phải khai thông con đường giao cảm ấy. Một đầu phố cô đơn, một con đường thăm thẳm: tất cả những phong cảnh trần gian sẽ phải hư lên vì sự thực.
Làm sao mà giải quyết được sự mâu thuẫn phi thường đó? Chúng ta chỉ có một con đường đi để thoát khỏi mê đồ. Chúng ta chỉ có thể dung hợp được thực và hư bằng hình tượng. Phải lập lại ngôn ngữ trần gian, phải gột bỏ cho mỗi chữ cái tâm tình dung tục cũ. Một câu thơ sẽ có một ý nghĩa – cái ý nghĩa rất thường – nhưng sẽ mang nặng biết bao nhiêu ý nghĩa âm u và khác lạ. Mỗi một thế giới sẽ nằm trong một tầng lớp của tượng hình: tất cả trần gian sẽ đổi thay trên bề mặt, những cảnh giới hoang vu sẽ nằm giấu bên trong. Thực tại và u huyền đã gặp nhau và chỉ gặp nhau ở thể hình duy nhất đó. Chúng ta đã cứu vãn được: cõi đất chúng ta, cứu vãn được: những cõi đất ngoài kia, và cứu vãn được bằng sức gợi cảm âm thầm hình tượng.
Và những hình tượng còn tạo tác được những âm thanh huyền diệu nữa. Âm nhạc trong thơ không phải chỉ kết hợp hoàn toàn bởi những cú điệu số học, những luật lệ trắc bằng. Biết bao nhiêu câu thơ niêm luật rất chỉnh tề mà vẫn tắt ngấm ở mang tai sau khi chữ cuối cùng vừa đọc hết. Chỉ một sự nhận thức đó cũng đủ tỏ chứng rằng âm nhạc của một bài thơ phần lớn là do ở sức rung động Tâm Lý của bài thơ ấy. Nói đến âm nhạc trong thơ là phải nói đến sức gợi khêu của chữ. Vì những hình tượng mang nặng những ý tình nên âm nhạc gây nên cũng mang đầy âm sắc. Câu thơ đọc xong sẽ còn đi mãi trong từng ngõ vắng linh hồn và sẽ tắt nghỉ ở tận đáy sâu Tiềm Thức.
Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của những thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là của cái thế giới âu sầu đây nữa.
Bằng hình tượng, chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện xưa người ta kể cho chúng tôi nghe dưới ngọn đèn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao, tục ngữ. Chúng tôi sẽ tượng trưng hoá cái sức rung động của trẻ em trước một chuyện cổ tích hoang đường và cái sức rung động của gã nông phu trước những bản đồng dao thuần phác.
Cảm thâu những bài thơ siêu thực, chúng ta không được dùng lý trí, không được dùng cảm tình, nghĩa là không được chỉ dùng có một quan năng tách bạch của chúng ta – dù là quan năng nào đi nữa. Hãy đem tất cả linh hồn, hãy mở tất cả cửa ngách của tâm tư mà lý hội. Trận gió sẽ lên: tức khắc và đột nhiên, vì thơ đã không cần lý luận.
Thói xấu của phần đông những người đọc thơ là tìm nghĩa trước khi tìm cảm giác. Họ đã tự tay đóng cửa lâu đài; đêm có xuống họ lại chạnh than và kêu gọi.
Đến cái hình thức cao nhất, thơ không còn lý luận, và cũng không còn phải tự dinh dưỡng bằng những thi đề rõ rệt. Chỉ cần có những phút mà Im Lặng rung lên. Vì trong im lặng có tất cả: những thành quách đang xây, những tinh cầu đang đổ vỡ. Thơ chỉ cần bắt được cái âm điệu khởi hành của một bài ca nào huyền mặc. Rồi cứ theo những định luật dan díu dị kỳ, những hình ảnh sẽ đua nhau đẩy xô trong một bản khiêu vũ mơ hồ cho hết lúc sẽ cùng nhau tắt thở. Và kẻ tiếp nhận thơ sực tỉnh, có nhớ lại cũng chỉ còn nhớ là mình đã tỉnh một cơn mê. Vì hai bến bờ im lặng đã giao nhau và quãng thời gian xao động không còn di rớt lại một khe hở tâm tư, những giây phút đã vỡ ra không còn một minh xác.
Chúng tôi đã không cần tới thi đề, vì thi đề của chúng tôi là tất cả một vũ trụ muôn chiều, và thi liệu của chúng tôi là tất cả mớ ngôn từ rộng rãi.
Đi giữa bờ bến U Huyền và Hiện Thực, chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối u minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật.
Có thể đem lại cho chúng ta một chút niềm quên? Vì chúng ta muốn quên và cần quên để sống. Thi ca thuở trước, thứ thi ca dựng xây trong cái quan niệm tính cổ truyền đã mất hẳn cái thế lực đó rồi. Chúng ta chỉ còn thấy nghèo nàn, vụn vặt, đắp lên trên cái trật tự đơn thuần, cái lý trí. Biết bao nhiêu thế kỷ người ta đã bắt thi nhân cùng sự vật phải đứng yên ở một điểm không gian bằng phẳng và trong một giây phút đọng ngưng. Người ta đã chẳng biết rằng một hình ảnh tĩnh chỉ làm cho chúng ta nhớ thương và hối tiếc. Một chiếc ảnh của người con gái khi xưa gợi lại một quãng đời hấp hối. Một người sẽ khóc mãi đợi người đi, khóc mãi cái sự chẳng đổi thay của góc vườn ụ đất. Và ở hình thức cao đẹp nhất của nó, một hình ảnh im lìm chỉ làm cho chúng ta run sợ và run sợ với một cảm giác nông nghèo. Chúng ta hoảng hốt giữa non sâu, những luồng rung động đã hun hút đi qua như đi qua một khe cửa hổng. Trạng thái còn đây chỉ là một trạng thái phẳng bằng, một trạng thái vô cùng đơn sơ và nhạt nhẽo.
Vì thế, cái thi ca cổ rích, cái thi ca tĩnh của tiền nhân ngâm vịnh, của bọn lãng mạn khóc bạn chẳng làm chúng ta quên, vì chẳng có thể đẩy đưa chúng ta theo những nhịp điệu bồng bênh của bản thanh âm hoàn vũ.
Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng linh động.
Chúng ta có thể quên được chăng: cái xã hội âu sầu với một mớ dây ràng buộc? Chúng ta có thể quên được chăng trong cái sự nối tiếp u huyền của những thanh âm, mầu sắc?
Hãy đưa chúng ta đi. Đưa chúng ta ngược về dĩ vãng, qua bờ tương lai, đưa chúng ta đi cho hết cõi dương trần, đi cho hết những trời xa đất lạ. Để chúng ta sống muôn ngàn cõi sống. Để chúng ta có hàng triệu năm già và vô vàn ký ức: ký ức của những dân tộc đã tàn vong, ký ức của những cõi đời xa thẳm, ký ức của những thế kỷ đã lùi xa. Để cho muôn ngàn ký ức chất chồng lên ký ức chúng ta, cái ký ức bi thương, cái ký ức đơn nghèo đã lượm thâu bằng những giác quan trần tục.
Trần Dần
Trần Mai Châu
Vũ Hoàng Địch
(1946)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved