Trong những bộn bề của cuộc sống hôm nay. Mỗi chúng ta hối hả trên con đường mưu sinh ,mải miết kiếm tìm những tham vọng cho riêng mình,đôi khi lạc mất nẻo về thân ,tâm lầm lạc. Để rồi sau cuộc vuông tròn mới thấy (hay ngộ ra) nẻo đi nẻo về lại chính tâm ta. Nguyễn Văn Phúc xin giới thiệu cùng bạn đọc Một bài viết nữa của tác giả Tuệ Thiền Lê Bá Bôn hy vọng những kiến giả của tác giả sẽ phần nào thoa lớp bụi mờ nơi tâm vọng mỗi chúng ta.
Và hy vọng từ nay trang phuctriethoc sẽ còn và được đăng tải nhiều hơn nữa những bài viết những nghiên cứu của Tuệ Thiền Lê Bá Bôn. Xin cảm ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. ( bài do tác giả gửi Phuctriethoc)
Đàm Đạo Về Thiền
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
1.
HỎI: Thiền là gì?
ĐÁP: Có người cho rằng, vì siêu vượt mọi tổ chức và hình thức quy
định, vì siêu vượt mọi ngôn từ, mọi khái niệm và tướng trạng nên không thể nói
được Thiền là gì. Nhưng, nếu không thể nói gì được thì đạo lí Thiền đã không có
mặt ở cõi đời.
Thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri; là tâm
trí thấu hiểu chính nó, thấy biết chính nó, soi sáng chính nó để giải thoát khỏi
tình trạng vô minh. Trạng thái vô minh của tâm trí tức là trạng thái vô minh
của ý chí, tức là trạng thái vô minh của ông chủ sự sống.
Tâm trí vô minh mang năng lượng khuôn
đúc, quy định trạng thái óc não. Trạng thái óc não bị khuôn đúc chính là trạng
thái chấp thủ, chấp ngã (khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Một óc não bị khuôn
đúc thì không thể có tự do và minh triết trong nhận thức, trong tư duy.
Tâm trí vô minh, vì sống không minh
triết, nên tích tụ năng lượng gây hậu quả đau khổ phiền não cho chính cuộc sống
của nó (một cấu trúc thân-tâm-cảnh), trong vòng sinh hoá luân hồi.
Tâm trí vô minh góp phần gây ô nhiễm
cho tổng thể; góp phần gây hỗn loạn đảo điên cho vô thức của nhân loại, của
chúng sinh, của toàn thể vũ trụ.
Tâm trí vô minh, vì sự chấp thủ-chấp ngã ngự
trị, nên lương tri bị che mờ; vì thế không có đạo đức nhân văn đích thực, không
có tâm thái hoà bình.
Tâm trí vô minh không thể ngộ nhập Chân
Lí Tối Thượng (Thượng Đế, Chân Tâm, Viên Giác…); không thể biết đến tâm linh
vĩnh hằng (tri giác phi thời gian tâm lí); không thể giác ngộ thực tại cuộc
sống; không thể có cái-nhìn-như-thực (tuệ nhãn).
Một tâm trí không thấu hiểu chính nó,
không thấy biết chính nó, thì chắc chắn đó là một tâm trí đầy ngã chấp si mê,
vô minh tăm tối. Tâm trí đó dù học nhiều, biết rộng, giàu tài năng (kể cả tài
năng hoạt động tôn giáo), lừng danh về trí-công-cụ, vẫn không phải là có trí
tuệ đích thực (vô sư trí); vẫn không phải là tâm trí tỉnh thức đích thực.
Thiền là sống với những giây phút “tự
tri-tỉnh thức-vô ngã” (đạt viên mãn rất khó). Thiền là những giây phút sống với
tâm vô trụ, với nhân cách tự-do-tinh-thần. Vì thế, trong Đường Về Minh Triết
(Tuệ Thiền; NXB Văn Nghệ, 2007) có viết: “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí
của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng
tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của
tất cả”.
Hành thiền, cốt tuỷ nhất, là tự tri, là
quán tâm. Học Thiền, tức học đạo lí giác ngộ, cốt tuỷ nhất là nương ngôn từ để
thấy biết trạng thái tâm trí. Tâm trí có sự thấy biết chính nó, đó là có sự
giác ngộ, có sự tỉnh thức.
Thiền là sự tỉnh thức của ý chí cuộc
sống. Thiền là giá trị tối thượng của nhân loại muôn đời, của vũ trụ. Có thể
gọi “Thiền” bằng nhiều tên gọi khác, nhưng nội hàm là “tự tri-tỉnh thức-vô
ngã”. Dù áp dụng phương cách nào để chuyển hoá tâm thức, nhưng nếu có nội hàm
“tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là có Thiền, là có giác ngộ. Không có sự soi sáng cái
“tôi” thì không thể có giác ngộ chân thực, không thể có Thiền chân chính; không
thể có phẩm chất khế hợp Chân-Thiện-Mĩ.
2.
HỎI: Phải đọc văn bản có giá trị giác ngộ tự tâm (tức là giác ngộ
cội nguồn cuộc sống) như thế nào?
ĐÁP: Nếu đọc mà dùng nhận thức suy luận để hiểu, đó là đọc bằng
trí-công-cụ, bằng tâm ngôn-tâm hành; tức là đọc bằng vọng tưởng, bằng kiến thức
bị quy định. Tâm ngôn-tâm hành là sự nói năng trong tâm, là sự diêu động trong
tâm; là vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì thực tại của tâm, mặt thật của
tâm trí càng bị che mờ. Sự hiểu bằng cách đọc này chỉ có giá trị định hướng,
đánh thức khát vọng giác ngộ, chứ không có sự giác ngộ đích thực.
Phải vừa đọc, vừa nghiệm, vừa đối chiếu
với trạng thái tâm trí đang hiện hữu (đang là). Văn bản như tấm gương soi để
thấy rõ mặt tâm trí, để ấn chứng.
Không quán tâm, không tự tri thì không
biết đọc Thiền, không biết học Thiền. Cốt tuỷ của việc học Thiền là trực quan,
tức là thấy rõ (nghe rõ, biết rõ) trạng thái tâm trí bằng tri giác nội tại.
Giống như học giải phẫu cơ thể, không thể học được nếu không tận mắt thấy rõ
các bộ phận trong cơ thể.
Biết đọc văn bản giác ngộ là có giác
ngộ.
3.
HỎI: Vọng tưởng là gì?
ĐÁP: Vọng tưởng là những hoạt động của tâm trí gắn chặt với trạng
thái tâm lí si mê chấp ngã (quy ngã, khẳng định cái “tôi” huyễn ảo). Hoạt động
của vọng tưởng hàm chứa hai chiều hướng đồng thời: một chiều thì hướng về đối
tượng, một chiều thì hướng về chủ thể vô minh. Chủ thể (tức là cái “tôi” huyễn
ảo) vô minh vì bản thể không có sự soi sáng, không có sự tỉnh giác. Vì chủ thể
là sự vô minh nên mọi hoạt động của tâm trí được gọi chung là vọng tưởng.
Nói khái quát thì vọng tưởng còn có
những tên gọi khác là: vọng niệm, vọng tâm, vọng thức, nghĩ tưởng, niệm tưởng,
suy nghĩ, suy tưởng, tư tưởng, nhớ nghĩ, tưởng nhớ, tâm ngôn, tâm hành, tâm
sinh diệt, kiến chấp, chấp thủ…Tức là mọi hoạt động của tâm trí trong trạng
thái vô minh.
Vọng tưởng hàm chứa sự phân biệt mang
tính chất vị ngã (sự vị ngã có thể rất khó nhận biết). Tâm phân biệt (nhị
nguyên) thì có ngôn từ, vì thế, rất cụ thể, vọng tưởng là những nói năng trong
tâm trí. Vọng tưởng là những nói năng trong tâm trí, nên những nói năng trong
tâm trí (tâm ngôn) là biểu hiện của cái “tôi”, của sự chấp ngã.
Biết vọng tưởng trọn vẹn (tức biết lắng nghe
sâu sát và tự nhiên những nói năng trong tâm trí) là biết nhắm vào gốc rễ của
cấu trúc vô minh, phiền não. Thấy rõ, biết rõ điều này rất quan trọng cho
Thiền, cho sự đột chuyển (chuyển y) nội tâm, cho sự nghiệp giác ngộ.
Vọng tưởng là huyễn tướng. “Tri huyễn
tức li, li huyễn tức giác” (Kinh Viên Giác). Thấy biết rõ vọng tưởng thì tướng
vọng tưởng tự lìa, tánh Viên Giác hiện tiền (cũng chính là vô niệm hiện tiền,
tánh Không hiện tiền, chân tâm hiện tiền, vô ngã hiện tiền).
Những lúc có sự tỉnh thức thật sự (vô
niệm hiện tiền, tịch quang hiện tiền), thì khởi niệm khởi tưởng tuỳ duyên được
gọi là chánh trí, chơn thức…
Với trạng thái vô minh chấp ngã, với
trạng thái vọng tưởng, sự tôn vinh trí-công-cụ làm cho nhiều vấn đề càng ngày
càng nan giải là: siêu thiên tai vì biến đổi khí hậu, lan tràn bạo lực và chiến
tranh, bành trướng vũ khí hạt nhân và vũ khí sinh học, môi trường sống bị ô
nhiễm nghiêm trọng, thực phẩm chứa đầy độc hại, tai nạn giao thông tràn lan,
gia tăng nhiều bệnh tật hiểm nghèo, dân đen bị trí-chó-sói bóc lột đa dạng, đói
khát, tranh giành quyền lực quyền lợi khốc liệt, bịp bợm xảo quyệt, sa đoạ
lương tri, sa đoạ tinh thần, tâm bệnh…
Rất cần có Ngày Quốc tế “tự tri-tỉnh
thức-vô ngã” để định hướng cho
văn hoá-giáo dục, để nhắc nhở tâm ý con người.
4.
HỎI: Thế nào là giác ngộ?
ĐÁP: Ý chí sự sống là động lực chủ hướng của sự sống, là ông chủ
cuộc sống, là cái tâm của dòng sinh mệnh. Khi nói cuộc sống vô minh, tâm trí vô
minh tức là muốn nói rằng, ý chí sự sống đang trong trạng thái không tự thấy,
không tự biết… Tâm không tự thấy không tự biết tâm, vì đang dồn năng lực cho sự
hướng ngoại (mê trần cảnh), kể cả hướng ngoại ở nội tâm (mê ý trần).
Dồn năng lực cho ngoại cảnh (lục trần)
nên tâm si mê theo ngoại cảnh, luôn nhớ nghĩ đến ngoại cảnh (vọng niệm). Trong
trạng thái này, tâm không tự thấy không tự biết, không “nhớ” chính mình (thất
niệm chân như). Tâm không tự thấy không tự biết nên quên chân ngã (chân tâm);
quên chân ngã nên âm thầm khẳng định huyễn ngã (cái “tôi”) theo sự đeo bám
ngoại cảnh. Ngoại cảnh thì vô thường vô ngã, nên trạng thái tâm chấp ngã si mê
luôn bất an phiền não.
Ở con người, tâm ý hướng ngoại (vọng
tâm, vọng tưởng) có biểu hiện là ngôn từ ở nội tâm (tâm ngôn), tức là sự nói
năng trong tâm trí. Nhận ra sự kiện này là vô cùng quan trọng cho sự nghiệp
giác ngộ.
Muốn giác ngộ, phải chuyển ngược động
lực chủ hướng để thấy nghe, để nhận biết tự tâm tự tánh. Với khát vọng chuyển
ngược động lực chủ hướng thì vô sư trí hiện tiền. Khác với hữu sư trí - một
diễn trình nhận thức (tâm ngôn-tâm hành), vô sư trí là năng lực (là tấm gương
bên trong) đang thấy biết vọng tưởng (vọng niệm). Đó là năng lực nghe rõ mọi
nói năng trong tâm trí (quán thế âm) một cách tự nhiên, không dụng công (quán
tự tại).
Vọng niệm có sự nghe lại, tức có sự tự
thấy tự biết (tự tri), tức tỉnh giác thì tâm có sự đột chuyển (chuyển y), vọng
niệm dừng lại (im lặng).
Vọng niệm dừng lại (im lặng) thì đồng
thời, vô niệm hiện tiền với ánh sáng thanh tịnh (tịch quang). Vô niệm là vô
tâm. Vô tâm là tâm vô ngôn. Tâm vô ngôn là Tâm Không. Tâm Không là Tánh Không.
Tánh Không là vô ngã. Vô ngã là chân ngã. Chân ngã là Tánh Viên Giác. Tánh Viên
Giác là “bổn lai diện mục”…
Thấy-biết-vô-niệm hiện tiền tức là Viên
Giác hiện tiền. Đó là giác ngộ (sơ ngộ) đích thực. Vô niệm hiện tiền là mở mắt
sự sống (tuệ nhãn), là ấn chứng cho sự nghiệp “trưởng dưỡng thánh thai” - tức
sinh mệnh tuệ giác.
Sinh mệnh tuệ giác (huệ mạng) không chỉ
là sinh mệnh cá nhân, vì tâm linh vừa mang tính chất cá thể (tâm trí cá nhân),
vừa mang tính chất tổng thể (tinh thần vũ trụ). Sự nghiệp Thiền (tự tri, quán
tâm) không chỉ có ý nghĩa cá nhân, mà còn có ý nghĩa đại thừa vô lượng.
5.
HỎI: Bát-Nhã Tâm Kinh là một bản kinh rất quan trọng, đâu là chìa
khoá của kinh?
Câu kinh có cụm từ này là: “Quán Tự Tại
Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la- mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ
nhất thiết khổ ách”. Thầy Tuệ Sỹ dịch là: “Bồ-tát Quán Tự Tại trong khi thực
hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm sâu, soi thấy năm uẩn đều Không, vượt qua tất cả
mọi khổ ách”.
Dùng trí óc phân tích rồi kết luận rằng
năm uẩn do duyên sinh – không có tự tính, đó là suy luận trừu tượng. Phân tích
và suy luận chỉ giúp hiểu đối tượng bằng vốn liếng tri thức trong tâm trí bị
quy định, để góp phần tăng khát vọng giác ngộ, chứ không thể thấy-biết-như-thực
thực tại.
“Soi thấy” (chiếu kiến) là cụm từ chỉ
sự kiện hiện tiền cụ thể, chứ không phải chỉ sự suy luận trừu tượng.
Thấy-biết-như-thực là chiếu kiến.
Chiếu kiến (soi thấy) là giáp mặt đối
tượng; một sự giáp mặt không còn ngăn cách nào, không còn chủ thể phân cách với
đối tượng. “Quán tâm nơi tâm” trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ cũng hàm ý
ấy.
Nhưng làm sao để trạng thái chiếu kiến
hiện tiền ở tâm?
Trạng thái chiếu kiến là trạng thái vô
sư trí. Trí này hiện tiền do có ý định chủ hướng, do có khát vọng giác ngộ đích
thực – giác ngộ vì tự lợi-lợi tha tối thượng.
Ý định chủ hướng nhắm vào đâu? Nhắm vào
sự lắng nghe vọng tưởng; tức là lắng nghe mọi nói năng trong tâm trí; tức là
lắng nghe ông chủ vô minh của ngũ uẩn; tức là quán thế âm. Phải lắng nghe một
cách nhẹ nhàng và tự nhiên, không dụng công gắng sức; tức là quán tự tại.
(Bồ-tát Quán Tự Tại chính là Bồ-tát Quán Thế Âm).
Với tri giác nội tại, khi biết
nghe-như-thực thì cũng chính là thấy-như-thực, biết-như-thực. Đó là trạng thái
chiếu kiến (soi thấy).
Khi biết chiếu kiến ngũ uẩn, khi thật
sự soi thấy năm uẩn thì vọng tưởng dừng lại, tức là tâm im lặng. Nói cho dễ
nhận, khi thật sự biết nghe lại mọi nói năng trong tâm trí thì tâm trí có sự
đột chuyển (chuyển y), vô niệm hiện tiền (tức là Tánh Không hiện tiền).
Vô niệm hiện tiền chính là mở con mắt
Tâm – con mắt của sự sống bất sinh bất diệt. Mắt mở sáng thì tuỳ duyên khởi tác
dụng. Vô niệm hiện tiền là tuệ nhãn. (Thỉnh thoảng có được vài phút vô niệm
cũng có công đức và phước đức rất lớn, nghiệp chướng vơi bớt).
Vô niệm là Tâm Không; là tâm vô ngôn
phi thời gian; Tâm Không là Tánh Không. Tánh Không là Tánh Viên Giác.
Như thế, thật sự soi thấy ngũ uẩn, thật
sự giáp mặt ngũ uẩn thì Tánh Không hiện tiền, Viên Giác hiện tiền. (Ta hiểu tại
sao các minh sư khi Việt dịch chữ “không” thường viết hoa là “Không”).
“Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” chính
là “hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa”. Vọng tưởng là trạng thái tâm trí si mê
theo kiến chấp nhị nguyên đầy phiền não; Tâm Không hiện tiền thì cực lạc hiện
tiền…
Học Bát-Nhã Tâm Kinh rất cần lưu tâm
cụm từ “chiếu kiến”. Đó là chìa khoá mở cửa giác ngộ đích thực.
----------------------------------------