Tranh cãi về loài hoa '3.000 năm mới nở' ở Phú Yên
Nghiên cứu hoa Ưu Đàm nở ở Phú Yên, có chuyên gia sinh học cho rằng có thể là một loài nấm; nhiều giả thiết "trứng côn trùng", còn hòa thượng Thích Nguyên Đức nói Ưu Đàm chỉ mang tính biểu tượng.
Trực tiếp quan sát loài hoa này nở ở nhà chị Lê Nguyễn Quỳnh Anh (TP Tuy Hòa, Phú Yên), Thạc sĩ Trần Minh Châu, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên cho rằng đây không phải là một loại hoa, càng không phải hoa Ưu Đàm 3.000 năm nở một lần như lời đồn. "Đây có thể là một loại nấm", ông nói.
Hoa được phát hiện nở trên lá sả trước nhà chị Quỳnh Anh hôm 7/6, màu trắng, hình chuông nhỏ li ti, nhiều cánh, có nhị. Cây cao khoảng 80 mm, thân mảnh như tơ.
Ông Châu phân tích, về hình thái "cây hoa" lạ này có phần bầu phễu được cho là cánh hoa, song có thể đây là bầu bào tử nấm. Cây hoa mảnh như tơ, trong suốt thực chất là tơ của nấm. Đến chu kỳ, bầu bào tử sẽ vỡ, các bào tử phát tán sẽ không còn hình dạng ban đầu.
"Về mặt sinh học, quan sát có thể khẳng định đây không phải là một loài thực vật có hoa, vì nó trong suốt, không có diệp lục. Rất có thể đây là bào tử của một loài nấm nào đó. Trong tự nhiên có hàng nghìn loại nấm với nhiều hình thái khác nhau", ông nói.
Khóm sinh vật tìm thấy ở nhà chị Quỳnh Anh được cho là hoa Ưu Đàm. Ảnh: Thiên Lý. |
Lý giải vì sao loài sinh vật có thể sống trên lá cây, thậm chí trên thanh kim loại, thạc sĩ Trần Minh Châu cho biết, nấm có thể phát triển bất cứ ở đâu miễn là có không khí, độ ẩm và các điều kiện sinh học cần thiết. Thậm chí, trên da người vẫn có nấm ký sinh thì việc trên kim loại với bụi bặm, không khí cũng là môi trường cho nấm phát triển. Có thể lâu nay loại nấm này có xuất hiện nhưng kích thước quá nhỏ, nên mọi người không để ý, chỉ đến khi có tin đồn về hoa Ưu Đàm thì nó được quan tâm.
Ông Châu cho rằng một số người trích dẫn kinh Phật để gọi loài thực vật này là "hoa Ưu Đàm", loại hoa mang tính tượng trưng của Phật giáo chỉ có trên thiên giới là võ đoán. Hơn nữa, kinh Phật cũng không mô tả hình dáng, các đặc điểm sinh học của hoa thế nào, nên kết luận hoa Ưu Đàm là thiếu căn cứ.
Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Nguyên Đức, Phó Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên, trụ trì chùa Hồ Sơn (TP Tuy Hòa, Phú Yên) cho rằng đối với nhà Phật, việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.
Trong các kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ trên tiên giới, không có ở trần gian. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Ở mộ tháp của Tổ sư Liễu Quán tại chùa Thiền Tôn (Huế) còn có câu kệ "Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương” (tạm dịch là "hoa Đàm nở lâu rồi nhưng hương thơm vẫn còn lưu").
Cũng theo Hòa thượng Thích Nguyên Đức, việc cho rằng hoa Ưu Đàm nở ở nơi này, nơi kia chỉ là sự gán ghép khiên cưỡng. Hơn nữa Phật lịch hiện nay 2.556 năm, nghĩa là nếu có hoa Ưu Đàm thì nó đã nở vào thời điểm cách đây 2.556 năm khi Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời, tính đến nay vẫn chưa đủ 3.000 năm. Thứ hai là khi xuất hiện đức giáo chủ thì trời đất, vạn vật sẽ có sự thay đổi kỳ diệu, thế nhưng những dấu hiệu này không có, trong khi loài hoa lạ cũng không có hương thơm, lại xuất hiện ở nơi Phật tính không cao.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Hợp, Khoa Sinh học Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM thì nghiên cứu hoa qua ảnh, cho rằng "nó giống với trứng loài côn trùng hơn là thực vật".
Không những tại Việt Nam mà trước đây "hoa Ưu Đàm" từng được ghi nhận nở ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Vào năm 2002, những bông hoa này đã được phát hiện trên bức tượng Phật giáo ở một ngôi chùa vùng ngoại ô Seoul. Nhiều người cho rằng điềm này liên quan đến sự kiện Tổng thống Kim Dae-jung đoạt giải Nobel Hòa bình trước đó một tuần.
Trong một bài viết trên trang Ubanlegends, khi quan sát những bức ảnh "hoa Ưu Đàm" chụp ở Hàn Quốc và Trung Quốc, tác giả David Emery nhận định hình thù những bông hoa nở trên một thân cây li ti màu trắng không phù hợp với cấu tạo của một loài thực vật, mặt khác nó trông giống với cách phân bổ trứng của một loài côn trùng có tên là Lacewing hơn.
Theo so sánh của một số nhà nghiên cứu, hoa Ưu Đàm rất giống trứng của côn trùng Lacewing. Ảnh: Planetnatural. |
Theo lý giải của David Emery, do Lacewing ăn thịt các loài sinh vật khác nên đẻ trứng trên đầu những sợi tơ rất mỏng để tránh xa tầm với của côn trùng gây hại khi ấu trùng nở ra.
"Những gì chúng ta đang nói đến hoa Ưu Đàm 3.000 năm mới nở một lần, thực ra chỉ là huyền thoại. Loài hoa này chỉ là một 'phép ẩn dụ' trong giáo lý nhà Phật ám chỉ rằng hiếm hoi lắm thế gian mới gặp được một đức Phật bằng xương bằng thịt", tác giả này viết.
Theo tờ Planetnatural, Lacewing (tên khoa học rufilabris Chrysoperla) là một loài côn trùng "phàm ăn" có thể tiêu thụ một lượng lớn các loài gây hại thân mềm, bọ ve và trứng côn trùng, trung bình một giờ nó thể ăn 60 con rệp. Ấu trùng nở từ trứng của loài động vật này mất khoảng 2-3 tuần để trưởng thành.
Thi Trân - Thiên L