Home » » Một phía

Một phía

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012 | 07:08


Thùy Linh
Nhân chuyện Đan Mạch dừng viện trợ 3/4 dự án đang thực hiện ở Việt Nam, lại nhân nghe quan chức lên tiếng, tự nhiên ấm ức cái câu “chỉ nghe một phía”…Thử kể sơ sơ mấy chuỵên nho nhỏ:
-Đan Mạch dừng viện trợ 3 dự án đang thực hiện ở Việt Nam vì qua kiểm toán độc lập đã phát hiện có dấu hiệu bất thường trong số tiền bạn viện trợ, lên đến hơn 500.000$. Việc này liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước nên Đan Mạch, một nước có chỉ số minh bạch nhất thế giới, không thể nói những gì họ không chắc chắn. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh lên tiếng rằng, đó mới là điều tra ở phía bạn, cần thời gian kiểm chứng ở phía Việt Nam. Nhớ lại vụ in tiền polymer, vụ hối lộ quan chức của các tổ chức nước ngoài, PIC…chỉ có phía nước ngoài điều tra, phía VN giờ vẫn chưa có kết luận và chắc không bao giờ kết luận nên nhân dân chỉ vẫn thường được nghe một phía…“địch”?
-“Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới” có phần nói về nhân quyền ở VN. Bộ Ngoại giao lên tiếng: “Đó là những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam”. Và theo VN thì đây là những nhận định thiếu khách quan, mang quan điểm và các nhìn nhận đã lỗi thời…Và các nước phản đối bản báo cáo này có Cu Ba, Trung Quốc. Và một phía thì luôn cực lực phản đối, phía kia cứ ra báo cáo thường niên đều đều…Nhân dân muốn nghe “địch” nói thiếu khách quan chỗ nào, lỗi thời ra sao để khỏi nghe một phía?

-Việc cưỡng chế đất lâu nay đều nhân danh pháp luật và chủ trương của nhà nước. Chính quyền và các nhà đầu tư đều nói về tương lai tốt đẹp của việc đầu tư hạ tầng này. Đô thị hoá, công nghiệp hoá là bước đi tất yếu…Đó là tuyên bố của một phía. Nông dân và nhiều người thì khẳng định, họ bị bần cùng hoá vì mất đất. Phía nhân dân muốn nghe một chính sách bảo trợ của nhà nước cho người dân bị mất đất như thế nào, chứ không thể sống chỉ bằng cái nhìn lạc quan về phía tương lai của công nghiệp hoá? Một phía giàu lên trông thấy, phía bên kia bần cùng đi rõ rệt. Tại sao phần lớn nhân dân luôn đứng về một phía: người nông dân mất đất. Chính quyền có bao giờ tự hỏi việc này không? Vô lẽ nhân dân đều mù quáng chỉ nghe một phía?
-Những người dân cầm đầu đi đấu tranh, khiếu kiện thường bị rơi vào cảnh tù tội vì phía chính quyền kết tội “những phần tử quá khích gây mất trật tự an ninh”. Phía nào gây mất trật tự, an ninh? Sự làm giàu quá khích và sự quá khích của kẻ bần cùng, ai đáng thương, ai đáng được cảm thông hơn? Vừa mất đất, vừa bị kết án làm mất trật tự thì chính quyền đẩy nhân dân về phía nào?
-Mấy ông thương binh đến Viện Hán-Nôm gây sự thì chả thấy phía báo chí của chính quyền lên tiếng. Khi cụ bà 82 tuổi Lê Hiền Đức đến Sở TTTT thì bị hai tờ báo phê phán là gây rối. Nhất bên trọng, nhất bên khinh thế thì dân biết nghe phía nào?
….
Còn nhiều chuyện “một phía” nhờ bạn bè kể giùm?
Nếu chính quyền cứ xác lập “một phía” tốt đẹp cho mình và đẩy nhân dân về phía “gây mất an ninh, trật tự”, đẩy bạn bè về phía có “ý đồ xấu, thù địch” thì hệ quả mất an ninh, trật tự, mất bạn bè, mất sự giúp đỡ sẽ là hiện thực.
Nhân dân chán nghe một phía rồi. Rất muốn nghe không chỉ hai phía mà nhiều phía. Chân lý không dễ tìm nhưng không vì thế con người đành phải thỏa hiệp với sự lươn lẹo, dối trá.
Hãy mở ra nhiều phía để lựa chọn con đường tới tương lai cho đất nước. Có hy vọng được chăng?
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved