Home » » Ga tàu tuổi thơ

Ga tàu tuổi thơ

Written By kinhtehoc on Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012 | 23:20


Ga tàu tuổi thơ

January 3, 2012
By admin
Còn nhớ, năm ấy mẹ tôi bị bệnh nặng, bố gói gém tất cả gia tài và tình yêu đưa mẹ lên chuyến tàu xuôi xuống Hà Nội chữa bệnh. Nhà chỉ còn ba anh em chăm nhau. Anh cả tôi lo mọi việc từ nấu nướng đến múc nước tắm giặt cho các em, còn tôi thì vừa trông em út vừa ra vườn đào khoai hay lên đồi tìm quả dại dỗ em. Ga tàu cách xa nhà tôi năm cây, mấy anh em tôi đều chưa khi nào bước chân đến đấy, nhưng tiếng còi tàu chiều nào cũng vọng tới nhà tôi.
Bố mẹ đi xuống Hà nội suốt tuần rồi mà chưa thấy về, gạo trong hòm đã gần hết, anh trai mỗi bữa chỉ lấy lưng bát gạo nấu cháo với rau tập tàng hái vội trong vườn. Thằng út đắng miệng không chịu ăn, khóc dặt dẹo suốt ngày.


Ảnh minh họa, nguồn: Internet 

Ngày ấy sau khi đã không thể còn vay được gạo nữa vì nhà ai cũng nghèo, cũng phải chạy ăn từng bữa một. Thì bỗng một hôm, có người lạ đến đưa cho mấy anh em chúng tôi lưng một thúng gạo và bảo đấy là của bố tôi gửi từ dưới Hà Nội về. Trong khi tôi và cả thằng út còn bé xíu, vừa nhìn thấy gạo đã hí hửng vì nghĩ đến một bữa ăn no toàn cơm trắng mà không phải độn, thì anh tôi chạy theo người lạ để hỏi xem bố mẹ tôi đang ở đâu? Bố mẹ có khỏe không? Có đủ tiền chữa bệnh cho mẹ không? Mẹ tôi đã sắp khỏi bệnh để về nhà với anh em chúng tôi chưa? Nước mắt tôi bỗng ướt nhòa khi nhìn theo cái dáng gầy còm, bé nhỏ của anh trên con đường đá sỏi.
Ở ngõ nhà tôi có một cây bạch đàn to, mỗi hôm ra ngóng bố mẹ tôi lại lấy mảnh trai cứa lên thân cây một vạch. Cho đến buổi chiều hôm ấy anh tôi đếm trên thân cây thấy vừa tròn mười lăm vạch, khi trời đã tối hẳn, anh tôi đã dắt thằng út vào nhà, tôi vẫn còn đứng nán lại nhìn một lần nữa phía con đường mòn. Và tôi bỗng hét lên sung sướng vì đã nhìn thấy bóng dáng thân quen của bố mẹ đang đi về phía chúng tôi. Buổi chiều muộn ấy là một buổi chiều tràn ngập niềm vui, thằng út sà vào vòng tay, dụi dụi vào ngực mẹ. Anh cả vừa hát vừa nhảy chân sáo đi đằng sau. Bố công kênh tôi trên đôi vai đã gày sọp đi vì vất vả.
Rồi khi em út tôi bị ung nhọt mọc đầy người, bố mẹ lại một lần nữa gồng gánh xuôi tàu về Hà Nội. Nhà chỉ còn hai anh em chăm nhau nhưng vẫn không quên chiều chiều lại ra ngõ ngóng. Thương em khóc nhớ mẹ, anh cả đã cõng tôi trên lưng đi về phía con đường mòn, chúng tôi cứ đi từ khi mặt trời bắt đầu xuống núi đến khi tôi mỏi mắt cũng không nhìn rõ hướng đi.
Đấy cũng là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy ga tàu, hai đứa trẻ con cõng nhau đứng lọt thỏm giữa sân ga im ắng, khách xuống tàu đã về hết tự lúc nào.
Tôi không thể nhớ nổi có biết bao nhiêu buổi chiều đã đi qua cuộc đời chúng tôi buồn bàng bạc thế. Bởi em tôi bệnh rất nặng, phải mấy năm sau em mới thật sự khỏi bệnh. Trong lúc bố mẹ tôi gồng gánh trên đôi vai mình những gian nan, vất vả chạy chữa khắp nơi để cứu lấy sinh mạng em, thì anh trai đã phải lớn lên trước tuổi để che chở, bao bọc thứ niềm tin nhỏ bé trong tôi. Từ tình yêu thương đó tôi lớn lên từng ngày một, tôi hiểu ra rằng những chuyến đi của bố mẹ có ý nghĩa lớn lao như thế nào.
Cho đến mãi sau này tôi cũng không bao giờ quên những buổi chiều anh trai dắt tay tôi ra ngõ ngóng người thân trở về. Cây bạch đàn ở ngõ đã bao lần thay vo, những vết khắc năm xưa đã không còn nữa nhưng vết khắc tuổi thơ thì vẫn luôn hằn trong tâm trí chúng tôi.
Vũ Thị Huyền Trang (Đại đoàn kết)
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved