Home » » BINH THƯ YẾU LƯỢC-4

BINH THƯ YẾU LƯỢC-4

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012 | 23:27

79.- SÁU ĐỨC:

Người xưa đuổi giặc không quá trăm bước, treo cờ xí không quá hai xá (*), đó là bày tỏ đức lễ. Không dồn kẻ yếu vào thế cùng và thương xót người kẻ bị thương tích và bệnh tật, đó là bày tỏ đức nhân. Thành thực tỏ bày ra, đó là làm sáng tỏ đức tín. Giành nhau điều nghĩa mà chẳng giành nhau điều lợi, đó là bày tỏ đức nghĩa. Lại có thể cởi áo ra, đó là bày tỏ lòng dũng cảm. Biết đầu biết đuôi, đó là bày tỏ trí tuệ. Đem sáu đức ra mà khuyên dạy cho hợp thời để làm giềng mối cho dân chúng, đó là phép chánh trị của người xưa.

(*) Xá: ba mươi dặm.

80.- TRIỀU ĐÌNH VÀ QUÂN NGŨ: 

Thời xưa những kẻ dung túng trong triều đình không được vào quân ngũ, những kẻ dung túng trong quân ngũ không được vào triều đình. Những kẻ dung túng trong quân ngũ được vào triều đình thì đức hạnh của nhân dân bị hư hoại. Nếu những kẻ dung túng trong triều đình được vào quân ngũ thì quân ngũ sẽ yếu ớt.

Cho nên trong nước, ngôn ngữ văn nhã và ôn hòa, tại triều mọi người đều cung kính khiêm tốn, lo sửa mình để đối xử với mọi người. Mọi người không được triệu thì không tới, không được hỏi thì không nói, khó tới dễ lui.

Trong quân lữ kháng chiến vững vàng, trong hàng ngũ thi đua hăng hái. Mặc quân phục, mang giáp trụ thì không lạy, ngồi trên binh xa thì không làm lễ, canh giữ ở trên thành thì không bỏ chạy, gặp cảnh nguy nan thì không tỏ ra yếu hèn.

Cho nên nghi lễ và quân pháp là bề ngoài và bề trong, văn và võ là tay mặt và tay trái.

81.- LÒNG NGƯỜI, SỨC MẠNH, TẬP LUYỆN, CHIẾN ĐẤU:

Lòng của tướng và lòng của quân sĩ là lòng của ta. Lính, xe, trâu, ngựa khỏe khoắn no đủ đó là sức mạnh. Việc răng dạy cốt là dự phòng, việc chiến đấu cốt là tiết độ. Tướng quân là thân mình, sĩ tốt là tay chưn, hàng ngũ là các ngón.

82.- THỜI TRỜI, TÀI SẢN, TÀI NĂNG:

Muốn chiến đấu phải được thời trời, phải có tài sản, phải thực khéo giỏi.
Ngày giờ chẳng sai chệch, bói được quẻ tốt và hành động kín nhẹm, đó là được thời trời.
Dân chúng có đủ, nhờ có đủ mà làm điều tốt lành, đó là có tài sản.
Người được luyện tập, trận bày sắc bén, sắp đặt các việc hết mức để dự bị, đó là khéo giỏi.

83.- GÁI TƠ VÀ THỎ:

Lúc đầu binh giống như gái tơ, nhưng về sau khi địch mở cửa thì chạy lẹ như thỏ, địch không kịp chống cự.

84.- TINH THẦN:

Người người đều ngay thẳng, lời lời đều nóng bỏng như lửa.

85.- PHƯƠNG CHÂM DÙNG BINH:

Chiến xa lấy sự dày kín làm kiên cố, lính bộ lấy sự ngồi giữ làm vững chắc; giáp trụ lấy sự nặng nề làm bền bỉ; binh lấy sự nhẹ nhàng làm ưu thắng.

Gửi thư từ để kết thân giao hay tuyệt giao, đó gọi là lo tính đến cùng cực (dứt lo nghĩ); chọn binh tốt hay xấu, đó gọi là làm người thêm mạnh; bỏ hay dùng, cho ăn hay bắt nhịn, đó gọi là dò ý người: đó là phép chánh trị của thời xưa.

86.- NĂM ĐIỀU KIỆN:

Phép dùng binh buộc năm điều kiện: nhân ái, tín thực, trí mưu, dõng cảm, uy nghiêm, thiếu một điều cũng không thể được.

87.- BA THẾ:

Việc hành binh có ba thế lớn: một là trời, hai là đất, ba là người.

Thế trời là trời trăng trong sáng, năm sao đúng độ, sao chổi không sinh, thời tiết điều hòa.

Thế đất thuận lợi là thành cao, bờ dốc, nước rộng ngàn dặm, cửa đá, động hẹp, đường đi khúc khuỷu như ruột dê.

Thế người là chúa thánh, tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt tuân mệnh, lương thực và giáp trụ đầy đủ, chắc chắn.

Tướng giỏi thì nhân thời trời, dùng thế đất, dựa vào lợi người, cho nên hướng vào nơi nào địch cũng không đánh lại được, đó là nhờ hoàn toàn vậy.

88.- NĂM TÀI VÀ MƯỜI LỖI:

Tướng có năm tài và mười lỗi.

- Năm tài ấy là dũng, trí, nhân, tín, trung.

Dũng thì không để cho ai xúc phạm mình.
Trí thì không rối loạn.
Nhân thì thương dân.
Tín thì không lừa dối.
Trung thì không hai lòng.

- Mười lỗi là:

Dõng cảm mà khinh chết.
Làm gấp rút mà lòng nôn nóng.
Tham lam mà mong lợi.
Nhân ái mà bất nhẫn.
Có mưu trí nhưng lòng khiếp sợ.
Tín thực nhưng hay tin người.
Có tánh liêm khiết nhưng chẳng thương người.
Có mưu trí nhưng lòng trễ biếng.
Có tánh cương nghị nhưng cậy mình.
Có tánh nhu nhược mà thích dùng người.

Dõng cảm mà khinh chết thì có trở nên hung dữ.
Làm gấp mà lòng nôn nóng thì có thể bị làm chậm trễ.
Tham lam mà mong lợi thì có thể hối lộ (đút lót).
Nhân ái mà bất nhẫn thì có thể khuấy nhọc.
Có mưu trí nhưng lòng khiếp sợ thì có thể dồn vào chỗ cùng quẫn.
Tín thực mà hay tin người thì có thể bị lừa dối.
Liêm khiết mà không thương người thì có thể bị khinh lờn.
Có mưu trí nhưng lòng trễ biếng thì có thể bị đánh úp.
Cương nghị nhưng cậy mình thì có thể thờ người.
Nhu nhược mà thích dùng người thì có thì có thể bị lấn hiếp.

89.- DÙNG NGƯỜI:

Phải biết sử dụng những kẻ có mưu trí, những kẻ dõng cảm, những kẻ tham lam, những kẻ ngu ngốc.

Những kẻ mưu trí thì thích lập công.
Những kẻ dõng cảm thích thực hành chí hướng của mình.
Những kẻ tham lam thích chạy theo lợi lộc.
Những kẻ ngu ngốc không nhìn thấy cái chết.

Tùy theo tánh tình của mỗi người mà dùng họ, đó là phép dùng người vi diệu của quân lữ.

90.- TÁM ĐIỀU TỆ HẠI:

Trong nghề làm tướng có tám điều tệ hại:

Thứ nhứt: Tham lam cầu mong không biết chán
Thứ hai: Ghen ghét kẻ hiền tài
Thứ ba: Tin kẻ dèm pha, ưa kẻ nịnh hót
Thứ tư: Liệu lường về người mà chẳng liệu lường về mình
Thứ năm: Do dự mà không quyết định được
Thứ sáu: Mê say rượu ngon, sắc đẹp
Thứ bảy: Thích việc dối trá nhưng lòng hãi sợ
Thứ tám: Nói năng bừa bãi mà chẳng giữ lễ nghi.

91.- PHẨM CÁCH CỦA TƯỚNG SÚY:

Người tướng có nhiệm vụ nguy hiểm, bởi vì nhiệm vụ quan trọng ắt phải nguy hiểm. Cho nên người tướng giỏi không ỷ mạnh, không cậy thế, được thương yêu mà không mừng, bị lăng nhục mà không sợ hãi, thấy lợi mà không ham, thấy rượu ngon sắc đẹp mà không mê say, một lòng liều thân vì nước mà thôi.

92.- ĐIỀU MONG ƯỚC:

Bốn điều mong ước là:

- Đánh thì mong dùng được kế lạ.
- Mưu đồ thì mong được kín nhẹm.
- Quân lính thì mong được yên tĩnh.
- Lòng người thì mong được chuyên nhất.

93.- TƯỚNG GIỎI:

Đức tánh của người tướng giỏi là: cứng rắn mà không bị bẻ gẫy, mềm mỏng mà không bị vày vò. Cho nên có thể dùng yếu để chống mạnh, dùng mềm để chống cứng. Mềm mãi, yếu mãi thì sẽ bị tước đoạt. Cứng mãi mạnh mãi thì sẽ bị thất bại. Không cứng, không mềm, đó là lẽ thường của đạo.

94.- HAI TÁNH XẤU: KIÊU CĂNG VÀ BIẾNG NHÁC:

Người tướng không thể kiêu căng. Kiêu căng thì thất lễ. Thất lễ bị người rời bỏ. Bị người rời bỏ thì quân lính sẽ phản loạn.

Người tướng không thể biếng nhác, nếu biếng nhác thì việc tưởng thưởng không được thi hành chu đáo, sĩ tốt sẽ không hết lòng vâng mệnh, quân đội sẽ không lập công, nước nhà sẽ bị hư hoại, giặc cướp sẽ đầy rẫy. 

Khổng Tử nói: Nếu có người tài giỏi như ông Chu Công, nhưng kiêu căng và biển lận thì kẻ ấy không dùng được, không cần xét tới các đức tánh khác.

95.- NĂM ĐỨC TÍNH:

- Cao quý, trong sạch để khuyên đời
- Hiếu kính để nêu danh
- Tín nghĩa để giao du với bạn bè
- Nhân ái để dung người
- Hết sức để lập công.

Đó là năm đức tính của người tướng.

96.- TÁM VIỆC XẤU:

- Có mưu trí mà không phân biệt được phải trái.
- Biết lễ nghi mà không dùng được bậc hiền lương.
- Làm chính trị mà không chỉnh đốn được hình pháp.
- Giàu mà không cứu giúp được kẻ nghèo.
- Có trí thức mà chẳng có thể chuẩn bị khi việc chưa thành hình.
- Lo toan mà không phòng bị được việc nhỏ kín.
- Khi thành đạt mà không thể tiến cử kẻ mà mình biết khả năng.
- Thua mà không thể tự mình ngăn mình đừng hủy báng.

Đó là tám việc xấu.

97.- KHINH NGƯỜI:

Kinh thư nói rằng: Khinh lờn người quân tử thì không thể được lòng hết mọi người, khinh lờn kẻ tiểu nhân thì không thể dùng hết người.

98.- PHÉP DÙNG BINH:

Điều cốt yếu trong việc dùng binh là: cầm nắm lòng dạ của mọi anh hùng, thi hành nghiêm chỉnh việc thưởng phạt, bao gồm nghề văn nghiệp võ, kiêm cả hai thuật cứng mềm, xem hết các thuyết lễ nghĩa, trước dùng đức rồi sau mới dùng võ lực, yên tĩnh như cá lặn, di chuyển mau lẹ như con rái cá, phá tan chỗ kín liền của giặc, bẻ gãy chỗ mạnh của giặc, dùng cờ xí rực rỡ, ban hiệu lệnh bằng chiên trống, lui như núi dời, tiến như gió mưa, dấy binh như xuống dốc, đánh mạnh như cọp dữ, bức bách nhưng dung nạp địch, lấy lợi để dụ địch, dùng lễ để giữ địch, tự hạ mình để địch sinh kiêu căng, kết thân để ly gián địch, làm cho ta thêm mạnh, mà trái lại làm cho địch suy yếu.

99.- CHÁNH TRỊ CỦA TƯỚNG SÚY:

Ai bị nguy khốn thì làm cho họ yên ổn, ai sợ sệt thì làm cho họ vui lòng, ai phản nghịch thì đem họ trở về, ai bị oan ức thì giải cứu họ, ai cường thắng thì đè nén họ, ai yếu đuối thì nâng đỡ họ, ai nhiều mưu kế thì gần gũi họ, ai dèm pha thì lật tẩy họ, ai được của cải thì cho họ, không ỷ sức mạnh mà khinh địch, không cậy giầu có để tỏ vẻ kiêu ngạo đối với người, không cậy được yêu mến để thị uy, tính toán trước rồi sau mới dấy binh, biết chắc thắng rồi sau mới đánh, được ngọc lụa không được dùng làm của riêng, được con trai, con gái không được tự sai dùng. Như thế, khi sửa trị và ban bố mệnh lệnh mọi người đều tình nguyện chiến đấu, dùng binh không đổ máu nhiều mà địch tự thất bại vậy.

100.- TAY CHÂN CỦA TƯỚNG SÚY:

Bậc tướng súy ắt phải có kẻ tay chân làm tim bụng, có kẻ tay chân làm tai mắt, có kẻ tay chân làm móng răng. Nếu không có người làm tim bụng thì cũng giống như người đi đêm không đuốc, không có người làm tai mắt cũng giống như ở chỗ tối tăm không biết cách vận động, không có người làm móng răng cũng giống như người đói ăn vật độc không thể nào khỏi chết. Cho nên người tướng giỏi phải có những kẻ nghe rộng, nhiều mưu trí làm tim bụng, phải có những kẻ trầm lặng, dò xét kỹ càng, cẩn thận, kín đáo làm tai mắt, phải có những kẻ gan dạ, mạnh dạn làm móng răng.

101.- TRÍ VÀ NGU:

Dùng ngu để chống trí là nghịch, dùng trí để chống ngu là thuận, dùng trí để chống trí là có cơ mưu.

102.- BA CƠ HỘI:

Có ba đường lối:

- Thứ nhất là công việc;
- Thứ hai là thế lực;
- Thứ ba là tình cảm.

Cơ hội của công việc đã xẩy tới mà không ứng biến được, là không có trí thức.
Cơ hội của thế lực đã chuyển tới mà không mưu đồ được là không có tài năng.
Cơ hội của tình cảm đã phát sinh mà không thi hành được là không mạnh dạn.

Người tướng giỏi ắt nhân cơ hội mà xếp đặt để thắng trận.

103.- LỀ LỐI:

Khi ra quân, phải có lề lối. Mất lề lối thì phải gặp việc bất lợi. Lề lối có 15 thứ là:

Thứ nhứt: Biết lo liệu, nghĩa là rành rẽ về việc gián điệp
Thứ hai: Biết nói, nghĩa là giữ gìn lời nói
Thứ ba: Mạnh dạn, nghĩa là đánh với số đông mà không nhiễu loạn
Thứ tư: Liêm khiết, nghĩa là thấy lợi mà vẫn nghĩ đến điều nghĩa
Thứ năm: Công bằng, nghĩa là thưởng phạt đều nhau
Thứ sáu: Nhẫn nhịn, nghĩa là giỏi chịu điều xấu
Thứ bảy: Khoan hồng, nghĩa là dung nạp người
Thứ tám: Tín thực, nghĩa là nhận lời một cách khó khăn
Thứ chín: Cung kính, nghĩa là giữ lễ đối với các bậc hiền tài
Thứ mười: Sáng suốt, nghĩa là không dung nạp các điều sai lầm
Thứ mười một: Cẩn thận, nghĩa là không làm điều trái lẽ
Thứ mười hai: Nhân ái, nghĩa là giỏi nuôi dưỡng sĩ tốt
Thứ mười ba: Trung nghĩa, nghĩa là liều thân vì nước
Thứ mười bốn: Giữ phận, nghĩa là biết dừng, biết đủ
Thứ mười lăm: Có mưu trí, nghĩa là tự lo cho mình rồi sau lo cho người

104.- TƯỚNG LÀ GỐC:

Vả lại nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng là gốc, sĩ tốt lấy tướng làm chủ. Bởi thế muốn có binh mạnh để đánh thắng hoặc giữ vững thì trước hết phải biết dùng tướng, tìm được người phò tá rồi sau mới có thể thị uy giữa thiên hạ, làm cho mọi rợ bốn phương phải tới hàng phục, đó là gốc lớn của kẻ được nước.

105.- PHÒNG THỦ VÀ TẤN CÔNG:

Tướng chỉ biết dùng phép chính mà không dùng phép kỳ, đó là tướng phòng thủ.

Tướng chỉ biết dùng phép kỳ mà không dùng phép chính, đó là tướng chuyên về chiến đấu (tấn công).

Tướng chuyên về kỳ hay chuyên về chính đều có thể giúp nước được cả.

106.- QUAN SÁT:

Khi dấy binh, lập dinh, đánh trận, hãy xem cờ xí lay động thế nào, lắng nghe tiếng chiêng trống, tính toán ngày giờ để xem điềm tốt xấu, tùy theo cách chuyển vận của năm hành, tùy theo sự ra vào của thần vị, để tùy cơ ứng biến mà dùng binh.

107.- THIÊN TƯỚNG:

Nếu có bậc thiên tướng thì quân địch không biết quân ta từ đâu mà tới, thực giống như thần linh dùng binh. Quân ta không biết tướng ấy làm gì. Tướng ấy động hay tĩnh đều có tiết độ phương hướng, nắm sự thắng bại trong tay, thấy trước lòng dạ của trời đất quỷ thần nên có thể làm cho binh sĩ yên lòng.

108.- TƯỚNG CẦM NẮM HẾT THẢY:

Trong biên giới, việc của trăm họ đều giao cho tướng.
Ngoài biên giới, việc của nước ngoài cũng giao cho tướng.

109.- KHÔNG CẦN DÙNG BINH:

Ngạn ngữ nói rằng:
Tướng văn, tướng võ hiểu rành việc nước thì không cần dùng binh.

110.- ĐẠI TƯỚNG:

Biết mềm, biết cứng; tài hoa mà mạnh dạn; dõng cảm mà mưu cao; tròn nên có thể vận chuyển; quay về mà ngay thẳng; thông hiểu khắp muôn loài mà lòng muốn giúp thiên hạ; người thông thạo các điều trên có thể gọi là bậc đại tướng.

111.- NƯỚC MẠNH HAY YẾU TUỲ THUỘC VÀO TƯỚNG SUÝ:

Cho nên nói rằng: tướng súy là người giúp nước, giúp chu đáo thì nước mạnh, giúp sơ hở thì nước yếu. Dùng tướng ắt phải xem dáng mạo, xét thần khí để biết lòng dạ như thế nào.

Đặt làm vua cũng do nơi tướng, chọn người hiền tài để trao quyền bính, cất nhắc mà chẳng nghi ngờ, tướng súy ắt bên trong phải ứng biến cho ngay thẳng, bên ngoài phải xử sự phải thuận mệnh. Ứng biến ngay thẳng thì quân kỷ nghiêm minh, xử sự thuận mệnh thì bề tôi giữ tròn trinh tiết, dấy binh chống địch há chả là nạn chết chóc hay sao?

112.- TÀI NĂNG CỦA TƯỚNG SÚY:

Việc thành bại của quân lữ đều có thể trông thấy ở người tướng, há là hành vi của người tướng hay sao? Hành vi của người tướng là việc dùng. Trí ngang với muôn người mà nếu không dùng được muôn người thì cũng giống như kẻ ngu. Võ dũng hơn ba quân thì cũng giống như kẻ yếu đuối. Kẻ giỏi làm tướng thì đường đường chính chính nhưng cũng biết biến hóa, cứng cỏi nhưng biết thương người, nhân từ nhưng có thể chém giết, mạnh dạnh nhưng hiểu biết rành rẽ, có đầy đủ kế sách để chế ngự bọn lại sĩ, có thể lay chuyển mọi trở lực, lập được công lao to tát để trừ họa, dẹp loạn.

113.- CHỌN TƯỚNG:

Quốc gia dùng binh, ban bố luật pháp, quyền sinh sát đều ở trong tay đại tướng. Người tâm phúc của nước nắm giữ vận mệnh của ba quân, đâu có thể tuyển dụng bừa bãi được?

Nếu muốn trao mệnh cho tướng thì phải xem trước thử người tướng có được chân thành hay không. Muốn biết có được hay không, phải quan sát bốn điều:

Thứ nhứt là vẻ mặt.
Thứ hai là lời nói.
Thứ ba là cử động.
Thứ tư là việc làm.

Sách Vạn Cơ Chi nói rằng: Tuy có quân đội trăm vạn, cũng phải kiếm cho được bậc tướng súy nuốt địch rồi đem tất cả lợi khí của quốc gia mà trao cho tướng ấy. Nếu không được người như thế, thì dùng tướng cũng vô ích.

114.- TÁM LOẠI TƯỚNG SÚY:

Tướng súy có hai hạng lớn nhỏ, mỗi hạng có bốn thứ. Nếu không thuộc vào tám loại ấy, sao đáng gọi là tướng?

Bốn loại tướng bậc cao là:

- Thứ nhứt: Thiên tướng (xem mục số 107).
- Thứ hai: Địa tướng.
- Thứ ba: Nhân tướng.
- Thứ tư: Thần tướng.

Bốn loại tướng bậc thấp là:

- Thứ nhứt: Uy tướng.
- Thứ hai: Cường tướng.
- Thứ ba: Mãnh tướng.
- Thứ tư: Lương tướng.

115.- ĐỊA TƯỚNG:

Hạng địa tướng có các đặc điểm sau này: Đến nơi nào thì quan sát địa lý kỹ càng, núi đầm xa gần, rộng hẹp, khó dễ như thế nào, rừng rú thưa dày như thế nào, khe lạch sâu cạn như thế nào. Nếu xem tướng ấy chỉ huy, thì khi chiến thắng, trước và sau không trở ngại, trái và phải không ngưng trệ, lính bộ và lính kỵ đi lại tiện lợi, qua và kích dùng rất thích hợp, quân lính tới lui rất thuận tình, người và ngựa không bao giờ bị cùng khốn, công hay thủ đều được tiện lợi, hành quân thì kiếm được vùng nhiều cỏ nước, người và ngựa khỏi bị đói khát, dầu có rơi vào đất chết cũng sống sót, gặp đất nghịch thì dùng thuận, gặp đất thuận thì dùng nghịch, không cần chọn đất khó hay đất dễ đều có thể yên ổn để hành động về sau, hành động rồi thì quyết thắng đó là hạng địa tướng.

116.- NHÂN TƯỚNG:

Hạng nhân tướng có các đặc điểm sau này: Không tham tiền của, làm việc có tiết độ, chẳng mê tửu sắc, giữ mình theo lễ, đem lòng trung thờ bề trên, cùng chia xẻ vui buồn với sĩ tốt, đoạt của cải của địch mà không dành riêng, bắt được đàn bà con gái mà không giữ riêng, dùng mưu mà biết dung hòa, nghi ngờ mà quyết đoán, dõng cảm mà không xúc phạm ai, nhân ái mà không bỏ luật, trừng phạt tội nhỏ, tha thứ lỗi lớn, khi phạt tội không chừa kẻ thân thuộc, khi thưởng công không chừa kẻ thù địch, giúp đỡ người già nua, vỗ về trẻ thơ ấu, an ủi kẻ sợ sệt, làm vui lòng kẻ lo buồn, phán xét kẻ thưa kiện, tố cáo kẻ nhũng lạm, trừ dẹp bọn giặc cướp, ức chế kẻ cường hào, che chở kẻ yếu đuối, sai khiến kẻ dõng cảm, trừ giết kẻ ngang dọc, có kẻ đến hàng phục thì cho làm lại chức cũ, ai mất thì trả lại cho họ, đuổi bỏ kẻ vong bản, ban tước cho kẻ theo mình, kiềm chế kẻ hung bạo, gần gũi kẻ mưu trí, lìa xa kẻ dèm pha, được thành mà không cần đánh, được đất mà không cần giữ, gặp địch cạn hẹp thì chờ xem cách chúng biến hóa, gặp địch dối trá thì theo mệnh mà hành động, gặp cảnh nghịch thì xem xét, gặp cảnh thuận thì tiến đánh, đó là hạng nhân tướng.

117.- THẦN TƯỚNG:

Hạng thần tướng có các đặc điểm sau này: Lấy trời để tỏ bày, lấy đất để biến hóa, lấy người để sử dụng, lấy ba tướng để kiêm các việc ấy, đó gọi là thần tướng.


118.- CƯỜNG TƯỚNG:

Hạng cường tướng có các đặc điểm sau này: Khi hành binh không cần xét thiên thời địa lợi, dùng người không cần biết là mạnh dạn hay nhát sợ, nghe có địch thì đi ngay ắt không ngờ lo, khi có ai trái lệnh, không cần biết là tội to hay tội nhỏ, đều dùng hình pháp để xét xử, ai nghe tướng ấy đều sợ hãi, ai chống lại thì quyết phá, đó là hạng cường tướng.

119.- MÃNH TƯỚNG:

Hạng mãnh tướng có các đặc điểm sau này: Không cần biết quân đội nhiều hay ít, không cần biết địch mạnh hay yếu, ba quân đều tuân lệnh răm rắp, quân có thể biến hóa hàng muôn ngàn cách khác nhau theo ngón tay chỉ huy, ra quân bất ngờ, cử động thần diệu, một ngựa một kiếm có thể xung phong đi trước, khiến quân địch không kịp xoay trở, phải sợ mà tránh xa, đó là hạng mãnh tướng.

120.- LƯƠNG TƯỚNG:

Hạng lương tướng có các đặc điểm sau này: Bên ngoài thì uy nghiêm, bên trong thì dữ tợn, ở giữa thì mạnh mẽ, gồm kiêm tất cả ba tướng mạo ấy, đó là hạng lương tướng.

121.- CÁCH DÙNG CÁC LOẠI TƯỚNG:

Tướng là người mà nước nhà sai dùng.

Nước được thiên tướng, thì có thể chống cự với quân địch làm trái đạo trời.
Nước được địa tướng, thì có thể chống cự với quân địch làm trái đạo đất.
Nước được nhân tướng, thì có thể chống cự với quân địch làm trái đạo người.
Nước được thần tướng, thì có thể chống cự với mọi địch thù trong thiên hạ, mỗi lần dấy binh không hề tính toán sai lầm.

Uy tướng có thể giúp thiên tướng, cường tướng có thể giúp địa tướng, mãnh tướng có thể giúp nhân tướng, lương tướng có thể che chở cho bốn phương.

Tuy nói là mãnh tướng, cường tướng nhưng có thể hành động mau lẹ, được việc. Nên các hạng tướng súy không thể dùng riêng một mặt. Như trên là thể của tướng.

122.- ĐỨC HẠNH CỦA TƯỚNG SÚY:

Hạnh của người tướng là không lưu luyến vợ con để tỏ rằng mình liều thân vì nước. Về mệnh của Vua, tướng không dám khinh lễ nghi để tỏ rằng mình tha thiết được trọng dụng. Khi tướng ở ngoài, có thể có lúc không tuân lệnh Vua, mà chỉ ráng làm lợi cho nước nhà, đối với mình thì trong sạch, đối với kẻ sĩ thí quí trọng.

Bởi thế cho nên nếu tướng súy không nghe lời khuyên can thì các anh hùng sẽ lẩn tránh, tướng không theo kế sách hay thì mưu sĩ sẽ bỏ đi, coi thiện ác như nhau thì kẻ hiền và người ngu ở lẫn lộn, thưởng phạt lộn xộn thì giềng mối sẽ tan rã, thường mừng thì thiếu uy nghiêm, thường giận thì lòng người xa lìa, nói nhiều thì việc cơ mật phải tiết lậu, ham thích nhiều việc thì tâm trí nghi ngờ, mê loạn; khoan dung thì làm cho quân sĩ cảm kích, hung bạo thì làm cho quân sĩ tức giận.

Tướng chuyên quyền thì kẻ dưới quy lỗi về tướng, tướng tự cho mình là tài giỏi thì kẻ dưới không có công trạng, tướng nghe lời dèm pha thì kẻ ngay thẳng sẽ xa lìa, tướng làm việc tư tà thì kẻ dưới trộm cắp, tướng lưu luyến chốn nội phòng thì sĩ tốt sinh ra dâm đãng.

123.- PHƯƠNG CHÂM CỦA TƯỚNG SÚY:

Khinh rẻ tiền của, sắc đẹp để giữ mình trong sạch;
Tránh xa các việc hiềm nghi để vượt lên;
Lặng lẽ lo xa để khỏi thất bại;
Tùy theo thời cơ mà biến hóa cho thuận tiện để lập công;
Rộng rãi với người, dốc lòng làm việc để qui tụ tình thương;
Nghe điều lành, đuổi bỏ kẻ dèm pha để tiến xa;
Trước đo lường, sau hành động để mà ứng biến;
Trước tin sau nói để hàng phục kẻ dưới;
Trừng phạt tội lỗi, tưởng thưởng công lao để sửa người;
Xét xưa rõ nay để soi sáng cho người;
Coi rẻ sắc đẹp, quý trọng người để được người;
Lìa bỏ việc tư, liều thân vì việc công để giữ nước;
Thần sắc phải ngay thẳng, hình dung phải đoan trang;
Cử động nhanh như gió, ngừng nghỉ lặng lẽ như gò núi;
Đánh trận như sấm sét, sắp đặt khéo léo như quỷ thần;
Suy tư như ảnh chiếu, mệnh lệnh như sương tuyết;

Nếu được như thế, tướng súy có thể đảm đương việc lớn của quốc gia.

124.- LÒNG NHÂN ÁI CỦA TƯỚNG SÚY:

Trong quân có bệnh tật, tướng phải thân hành chữa trị. Trong quân có việc chết chóc, tướng phải khóc thương. Quân đóng giữ ở nơi xa thì cho phép vợ đến thăm viếng. Khi làm lễ khao quân thì phải chia đều cho quân lính và lại sĩ. Khi muốn dấy binh hoặc sắp đặt việc gì thì phải nhóm họp tất cả tướng tá để bàn luận, mưu kế phải sắp đặt xong rồi sau mới đánh. Cho nên tướng súy đối với quân lính phải có ban huệ “đổ rượu” ban ân “hút máu”. Ngày xưa Huỳnh Thạch Công kể rằng: Có một lương tướng khi ai biếu bầu rượu lao thì ném xuống sông rồi khiến tướng sĩ đón giòng nước mà uống. Một bầu rượu lao không thể làm cho nước sông có mùi vị rượu thế mà ba quân cảm kích bởi ân huệ bèn đồng lòng quyết chết. Lại kể chuyện Ngô Khởi cầm binh, có một lính tốt bị mụt nhọt, Khởi thân hành điều trị và mút mụt nhọt, khiến cho ba quân cảm kích mà hết lòng đánh giặc.

Cho nên sĩ tốt được cái vui vật trâu nấu rượu, chiến đấu hăng say, thương yêu giúp đỡ chủ tướng như con em theo cha anh, như tay chân che chở cho đầu mắt, không ai có thể chống cự lại được.

Nếu bóc lột làm cho sĩ tốt phải đau khổ, bắt chúng làm việc nhọc nhằn, buông ra lời nói oán thù khó nghe, như thế là tướng súy xem sĩ tốt như cỏ rác, thì sĩ tốt sẽ xem tướng súy như cừu thù, đến tình trạng ấy chỉ mong cho hàng ngũ được đầy đủ cũng là việc rất khó, làm sao có thể trông mong quân sĩ sẽ liều chết xông đến đánh địch? Đó là nói sơ lược về phép tướng súy an ủy vỗ về quân sĩ.

125.- KIÊU CĂNG VÀ NHỤT KHÍ:

Kẻ làm tướng không bao giờ thấy quân mình nhiều mà kiêu căng, không bao giờ thấy quân mình ít mà nhụt chí. Không có con vật nào mạnh như con hổ nhưng khi bắt heo chuồng mà bị dân cư đuổi thì cũng phải cong đuôi mà chạy chẳng dám quay lui, như thế đủ hiểu rằng có thể lấy việc nghĩa để sai khiến người.

Tướng kiêu căng thì phải thất bại. Kẻ làm tướng không thể cậy rằng mình trí dũng mà khinh người. Tống Nghĩa sở dĩ đánh được Hạng Lương, Bạch Khởi sở dĩ giết được Triệu Quát cũng vì lẽ ấy.

126.- KHÍCH ĐỘNG SĨ TỐT:

Việc khích động sĩ tốt có nhiều cách:

- Hoặc lấy sự quả cảm để khích động: như Lưu Kỳ đời Tống giữ Thuận Xương; gặp khi người Kim xâm lấn phía nam, Kỳ bèn đục và đốt cháy thuyền bè, tỏ ý không chịu đi, để răn người nhà không được khuất phục trước quân địch.

- Hoặc lấy lòng trung nghĩa để khích động: như Trương Tuần bày ra bức tượng của vua Đường, lạy khóc để trách sáu tướng, nhận đại nghĩa mà chém họ, nhờ đó khuyến khích chí khí của quân sĩ.

- Hoặc lấy lòng chí thành để khích động: như Trương Tuần thề quyết chết làm cho tướng sĩ phải thương tâm mà giặc bị tan vỡ. Vua Đường Đức Tông nhận lỗi về mình mà trăm quan liều mình quyết chết.

- Hoặc nêu điều lợi hại để khích động: như Dương Khánh giữ Thành Đô, tuyển mộ hiền sĩ, tích trữ lương thực, trợ cấp cho nhân dân, dân Thục luyện tập dao gậy để giúp quan quân làm cho rợ Man phải thua lớn. Lý Mục đời Tống trấn giữ Dực Châu, được vật gì chia đều hết cho sĩ tốt.

- Hoặc lấy tiền của, vải lụa để khích động: Huỳnh Thạch Công nói rằng: Được tiền của mà đem phân phát cho mọi người thì quân sĩ sẽ liều mình quyết chết. Lý Mục đời Tống cũng làm giống như thế.

127.- MƯỜI HAI CÁCH CHẮC THẮNG:

Bậc vua của loài người biết phép chắc thắng, cho nên có thể gồm kiêm việc rộng lớn để thống nhất chế độ, và thị uy giữa thiên hạ theo mười hai cách sau này:

Thứ nhất là liên hình (hình pháp liên đới) nghĩa là những kẻ giữ gìn đội ngũ sẽ cùng chịu một tội như nhau.

Thứ hai là địa cấm (đất cấm đi lại) nghĩa là ngăn cấm việc đi đường để lùng bắt kẻ gian từ bên ngoài đột nhập vào.

Thứ ba là toàn quân (bảo toàn quân đội) có nghĩa là các thủ lãnh nương tựa vào nhau, ba và năm giống nhau để liên kết với nhau.

Thứ tư là khai tái (mở cửa) nghĩa là chia đất làm giới hạn, mọi người phải giữ vững, liều chết để làm tròn chức vụ.

Thứ năm là phân hạn (chia giới hạn) nghĩa là trái và phải ngăn nhau, trước và sau chờ nhau, quân đóng vòng quanh giữ chắc, để đón hoặc để ngăn.

Thứ sáu là hiệu biệt (số hiệu phân biệt) nghĩa là quân đàng trước sắp đặt để tiến tới, khác với quân đàng sau, không được tranh nhau đi trước hoặc leo trèo mất thứ tự.

Thứ bảy là ngũ chương (năm chương) nghĩa là sáng tỏ hàng lối, đầu đuôi không loạn.

Thứ tám là toàn khúc (cong queo hết thảy) nghĩa là khúc chiết theo nhau, đều chia, thành nhiều bộ phận.

Thứ chín là kim cổ (chiêng trống) nghĩa là cất nhắc kẻ có công, trọng dụng kẻ có đức.

Thứ mười là trận xa (xe trận) nghĩa là cầm mâu liên tiếp nhau, che mắt người lại.

Thứ mười một là tử sĩ (quân sĩ liều chết) là những kẻ tài trí trong ba quân, cỡi chiến xa, tung hoành trước sau, dùng mẹo lạ để chế ngự quân địch.

Thứ mười hai là lực tốt (lính mạnh) nghĩa là coi sóc mọi chỗ không lay chuyển.

Dạy quân sĩ cho thành thục mười hai phép trên, ai trái lệnh không được tha thứ. Được như thế thì: có thể làm binh yếu trở nên mạnh, làm chúa thấp hèn trở nên tôn quý, làm mệnh lệnh yếu ớt trở nên mạnh mẽ, làm dân chúng xa lìa trở nên thân yêu, làm cho khối đông nhân dân trở nên yên trị, có thể giữ gìn đất đai rộng lớn, chiến xa không bao giờ bị nguy khốn, chỉ cần dùng áo giáp bằng tơ mà không cần rèn giáp sắt, thế mà cũng làm cho thiên hạ phải phục uy của mình vậy.

128.- CHUYÊN, PHÁP, THÀNH, ĐẠO: 

Quân đội áp dụng pháp luật cho mình, gọi là chuyên; buộc người dưới phải sợ pháp luật thì gọi là pháp. Dùng binh không vì việc nhỏ, chiến đấu không vì lợi nhỏ, gọi là thành; hành động kín đáo, lặng lẽ gọi là đạo.

129.- CHÍ KHÍ:

Tướng là chí, ba quân là khí. Khí thì dễ động mà khó chế ngự.

Nếu tướng trấn giữ chế ngự được khí thì những kẻ sợ hãi sẽ yên định, sự phản trắc sẽ được dẹp yên, quân địch dầu đông tới trăm vạn cũng sẽ bị đánh đuổi.

Chí ngay thẳng mà mưu thống nhứt, khí phát ra mà lòng dũng cảm tăng gấp bội, thì chắc thắng.

130.- LỜI KHUYÊN:

Thấy hư thì tiến, thấy thực thì dừng. Chẳng thấy ba quân đông đảo mà khinh địch. Chẳng thấy việc nhận mệnh làm trọng mà quyết chết, chẳng thấy mình tôn quý mà khinh rẻ người, chẳng vì thiên kiến của riêng mình mà hành động trái ngược với quần chúng, chẳng nghe lời biện thuyết mà cho là đúng hẳn, quân sĩ chưa ngồi thì mình chớ nên ngồi, quân sĩ chưa ăn thì mình chớ nên ăn, khi nắng rét đều phải như nhau, được như thế thì quân sĩ sẽ liều mình quyết chết.

131.- GIỮ BÍ MẬT:

Việc của một người chớ để tiết lộ cho hai người biết. Ngày mai phải đi nơi nào, ngày nay chớ tiết lộ ra. Phải kéo quân một cách kín đáo, lặng lẽ, và cẩn thận đừng cho gián điệp hay biết gì. Điều bí mật trong công việc chớ để tiết lộ ra ở lời nói. Điều bí mật trong lời nói chớ để tiết lộ ra ở dáng mặt. Điều bí mật trong dáng mặt chớ để tiết lộ ra ở tinh thần. Điều bí mật trong tinh thần, chớ để tiết lộ ra ở mộng mị. Có hành động nhưng giấu kín manh mối, có sử dụng nhưng phải kín miệng. Nhưng điều nói được cũng không hại vì nói cho biết để tỏ ra thành tín. Có điều vốn chẳng bí mật, mà làm ra vẻ bí mật. .
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved