Home » » BINH THƯ YẾU LƯỢC-3

BINH THƯ YẾU LƯỢC-3

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012 | 23:21


32.- PHÉP XEM SƯƠNG RƠI ĐỂ ĐOÁN THỜI TRỜI : 

Hễ về tháng ba mùa hạ, dương-khí tới mà bỗng nhiên sương rơi xuống lộp độp làm cho đầu cành cây ẩm ướt, ắt sẽ có binh dấy lên từ phương bắc, đến lấy nước, phá thành. Chủ nên phòng bị vực binh. Ngày xưa, hiền thần Trâu Diễn nước Yên bị giam trong ngục, trời bèn giáng sương vào tháng ba thì không tới một tuần, có binh dấy ở phương bắc.

33.- PHÉP XEM MƯA TUYẾT:

Tuyệt là tinh túy của mưa móc không phải do trời mà khởi, không phải do đất mà sanh, mà chính do việc binh của nước mà ứng.
Mùa đông sinh tuyết thì thuận, mùa hè sinh tuyết thì nghịch. Vào tiết hạ chí mà tuyết bay ngàn dặm thì có dấy binh ở biên giới phía bắc. Chủ nên phòng bị.

34.- PHÉP XEM MÓC RƠI ĐỂ ĐOÁN THỜI TRỜI:

Móc là do âm khí kết lại mà thành, nó đông lại như mỡ, trông đẹp đẽ như kẹo. Nếu được như vậy, thì thuận lòng trời, binh sẽ gặp điều tốt lành.
Nếu lạnh nhức xương, tê da, ắt sẽ nghịch lòng trời, hành quân sẽ đại bại.
Móc cũng có tên là “rượu của trời”. Ngày xưa, người ta tin rằng Vua Hán Võ Đế được thần tiên dùng tay hứng cho mà uống, chắc phải có lợi gì.

35.- PHÉP XEM MƯA GIÓ NGÀY MỒNG MỘT:

Ngày mồng một tháng giêng mưa to, gió lớ, thổi cát bụi bay lên, làm tróc nóc nhà, chủ về việc tơ lụa hiếm hoi, nghề tằm thất bại, lúa mất mùa.

Ngày mồng một tháng hai có mưa thì tơ xấu, mất mùa lúa. Ngày ba mươi mà mưa thì dân gặp nhiều tật bệnh, chết chóc nhiều và gặp việc dữ.

Ngày mồng một tháng ba có mưa gió thì có nhiều bệnh, có sâu lúa sinh ra, hai thứ lúa mì lớn nhỏ đều không chín, nhân dân chịu sầu khổ.

Ngày mồng một tháng tư có mưa gió thi lúa mì xấu, gạo trở nên đắt đỏ. Ngày ba mươi có mưa lớn thì có bồ cào (sâu keo) gieo nạn dữ.

Ngày mồng một tháng năm có mưa gió thì trâu bò trở nên đắt đỏ. Trong năm ấy nhân dân sẽ đói kém, trở nên sầu oán và sẽ có dấy binh.

Ngày mồng một tháng sáu có mưa gió thì lúa gạo trở nên hiếm hơi đắt đỏ.

Ngày mồng một tháng bảy có mưa gió thi lúa gạo trở nên đắt đỏ, nhân dân không yên ổn, thiên hạ loạn lớn.

Ngày mồng một tháng tám có mưa gió thi đất âm có nhiều vải và lúa mì, khan hiếm gạo và dầu mè.

Ngày mồng một tháng chín có gió mưa thì hột mè khan hiếm cho đến xuân hạ năm sau.

Ngày mồng một tháng mười có gió mưa là chủ về việc có khô hạm, hột mè khan hiếm.

Ngày mồng một tháng mười một có gió mưa thì việc binh gặp nhiều tai nạn. . 

Ngày mồng một tháng chạp có gió mưa thì mùa xuân bị khô hạn, mùa hè bi lụt lội, gạo lúa trở nên đắt đỏ.

MỘ BINH


36.- TUYỂN MỘ:

Đặt ra ba bậc đề tuyển mộ tráng sĩ. Từ quan lại trở xuống, đều phải cử người mà mình biết rõ.

Những kẻ giặc cướp thi để vào bậc trên, những kẻ đả thương hoặc trộm cắp cho vào bậc thứ hai, những kẻ không lo việc nhà thì cho vào bậc dưới.

Khiến nhóm họp các tướng và để 300 cỗ xe ngựa cho họ dùng, rồi tuyển mộ quân cảm tử để hầu hạ họ: nếu không phá được địch, cũng không đến nỗi mất nhuệ khí.

37.- BINH MẠNH:

Trong phép chiến thắng có 5 việc cốt yếu:

1) Sắp sẵn bào giáp, binh khí.
2) Lo kiếm người, ngựa. xe cho đủ.
3) Chứa trữ nhiều.
4) Huấn luyện sĩ tốt.
5) Chọn tướng giỏi.

Năm việc trên đã chuẩn bị xong rồi mới có quân đội mạnh mẽ được.

38.- CHỌN BINH ĐỂ TẬP LUYỆN:

Binh cần tinh nhuệ chớ không cần nhiều.
Nên chọn những kẻ khoẻ mạnh mà dùng chớ chọn những kẻ ốm yếu để khoe số đông.

Những hạng có thể thâu nạp để huấn luyện là những kẻ: 

1) Có nhiều anh em.
2) Không cha mẹ.
3) Tuy đơn độc nhưng có con nối dõi,
4) Nhà tuy nghèo nhưng có tài sức mạnh khoẻ.

CHỌN TƯỚNG


39.- XÉT TƯỚNG:

Muốn biết nguời nên xét tám chứng cớ sau này: 

1) Thứ nhất là hỏi họ, buộc họ phải trả lời để dò xem kiến thức tường tận của họ.
2) Thứ hai là lấy lời gạn hỏi họ để xem tài ứng biến của họ.
3) Thứ ba là dùng gián điệp dò xét họ để xem lòng thành thực cửa họ.
4) Thứ tư là buộc họ giảng giải rõ ràng để xem đức độ của họ.
5) Thứ năm là dùng tiền của mà sai khiến họ để xem tánh liêm khiết của họ.
6) Thứ sáu là dùng sắc đẹp mà thử họ để xem lòng trinh chính của họ.
7) Thứ bẩy là đem việc khó mà bảo họ để xem lòng dũng cảm của họ.
8) Thứ tám là cho bọ uống rượu say để xem thái độ của họ.

40.- DÙNG TƯỚNG:

Hỏi : Nếu có một viên tướng mạnh dạn, một viên tướng cơ trí phải dùng họ như thế nào mới được?
Đáp : Tướng mạnh dạn thì có tài đánh phá chỗ kiên cố của địch, vây hãm trận địch, có tướng mạnh thì có thể gây nên thế mạnh. Về việc lo liệu đối phó với quân địch, sắp đặt kế hay, tùy cơ ứng biến, nếu không có tướng cơ trí thì không thể làm được.

Nếu tướng chỉ cậy dõng cảm mà thôi thì phải thua mưu trí vậy. Cho nên ngày xưa, xây đàn, lên đài, đẩy trục xe (*), ắt phải tìm mời tướng súy có cơ trí để làm chỗ trông cậy cho người tướng mạnh dạn. Do đó người làm chủ tướng không cần phải biết phép thuật, đánh gươm cưỡi ngựa, bắn cung, mà cần phải hiểu biết thông suốt các việc xưa nay.

Vậy phải giao trách nhiệm chỉ huy cho ai? Muốn biết một viên tướng là tài giỏi hay ngu tối, ta phải thử thách họ để coi họ động lòng hay không.

(*) Đó là phép đăng đàn bái tướng của vua chúa đời xưa: Võ Vương phong tướng cho Khương Tử Nha, Hán Cao Tổ phong tướng cho Hàn Tín…vân vân...

41.- CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI TƯỚNG NGU TỐI CỦA ĐỊCH QUÂN :

Thử thách mà động lòng đó là hạng tướng ngu tối. Tướng ngu tối thấy lợi thì động lòng, khinh thường quân địch nên động lòng. Về phương pháp đối phó, ta nên dùng hai cách phỉnh gạt sau này để bắt tướng ấy :

- Đối với tướng tham lợi, ta dùng mồi nhử để bắt họ.
- Đối với tướng coi thường đối phương, ta giả vờ khiếp nhược để câu nhử thì có thể bắt được họ.

42.- CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI TƯỚNG GIỎI CỦA ĐỊCH QUÂN :

Thử thách mà không động lòng, đó là hạng tướng tài giỏi. Tướng tài giỏi, có mưu trí đầy đủ nên không động lòng, có pháp thuật đầy đủ nên không động lòng. Về phương pháp đối phó, ta nên dùng hai cách giúp thêm sau này để chống chọi.

- Khi hai bên dùng trí đấu nhau, mưu-trí của ta không hơn được mưu trí của địch, thì ta dùng pháp thuật giúp thêm vào, để che ngăn chỗ sơ hở khi địch nhân lúc ta thua trí mà đánh vào.

- Khi hai bên dụng phép thuật để đánh nhau, mà phép thuật của ta không hơn được phép thuật của địch, thì ta dùng mưu trí giúp thêm vào, để ngăn ngừa sự biến loạn, khi địch thừa dịp ta sơ hở về phép thuật mà đánh vào.

43.- CHIẾN LƯỢC:

Đây là mưu đánh. Khi giao binh, nếu muốn biết tình trạng hư thực của địch, ta hãy làm cho người lộ hình tích mà giữ cho ta vô hình. Ta làm cho người bộc lộ tình trạng hư thực, đánh vào chỗ sơ hở của họ mà thành ra đánh được chỗ vững bền của họ.

Nếu ta đánh vào chỗ vững mạnh của địch, ắt là ta sai lầm, nếu ta đánh mạnh vào chỗ sở hở của địch thì ta được vững mạnh, sai lầm ở trên là bởi lẽ đó. Sâu kín đến nỗi trở nên vô hình, giấu kỳ ở trong chính, giấu chính ở trong kỳ, lấy kỳ làm chính, lấy chính làm kỳ.

Phép đánh là dùng chính để hợp, dùng kỳ đề thắng, phép chiến thắng không ra ngoài kỳ chính, cách biến hóa của kỳ chính không bao giờ hết được. Kỳ và chính sinh ra nhau như vòng tròn không có đầu múi. Xét hư thực, hiểu rõ đâu là vững chắc đâu là sơ hở, khéo dùng phép kỳ chính, đó là ba vật báu của binh pháp.

Biết mình biết người, trăm đánh trăm thắng. Nuôi khí lực của dân, định tâm chí của quân, đó gọi là biết mình. Xét tình hình quân địch, đó gọi là biết người.Việc ấy có ba điều trọng yếu, phát xuất từ ba căn bản, tại sao thế?

Theo phép cầm binh thì “dụng” bên ngoài khoan nghiêm không chừng, nhưng “thể” bên trong phải nghiêm, cho nên binh gia và pháp gia phụ giúp cho nhau; hình trạng bên ngoài thì động tĩnh vô thường nhưng phải lấy tĩnh làm chủ, cho nên binh gia và âm phù gia (pháp sư) phải nhờ cậy nhau. Việc hình pháp không cần phải kiêm thêm việc binh, nhưng trái lại việc binh chưa bao giờ khỏi kiêm thêm việc hình pháp; pháp thuật không cần dùng binh mã, nhưng binh gia chưa bao giờ khỏi dùng pháp thuật. Cho nên mới nói rằng: ba điều trọng yếu do ba căn bản. Dùng sở trường của các nhà rồi suy tính lợi hại, như thế mưu lược sẽ được hoàn bị.

44.- CÁCH DÙNG TƯỚNG:

Hỏi : Phép dùng tướng như thế nào ?
Đáp : Tại một việc cơ quyền mà thôi. Tướng nói có thể dùng dân thì phải dùng, tướng nói không thể dùng dân thì không dùng. Tướng nói có thể dùng binh thì phải dùng, tướng nói không thể dùng binh thì chớ dùng. Tướng nói có thể đuổi đánh quân địch thì phải đuổi đánh, tướng nói không thể đuổi đánh thì chớ đuổi đánh. Như thế quân pháp không rối loạn, cơ quyền không bị cản trở.

Nhưng muốn biết dùng tướng, trước hết phải biết chọn tướng. Muốn biết chọn tướng, trước hết phải biết xét tướng. Ba việc hiểu biết ấy đem lại quyền năng thần diệu cho tướng súy, cho nên không thể không xem xét cẩn thận. Phép khiển tướng, dùng binh như thế đầy đủ rồi sao?

Tuy nhiên theo Tôn Ngô thì phải lo đánh thành, còn theo lời Mạnh Tử, Tuân Tử thì chưa được. Vì sao nói thế? Đáp rằng : Kế hoạch căn bổn đã mất nên mới dùng Tôn Ngô, đó chỉ là búa rìu dùng để đẽo gọt nước nhà. Bên ngoài dữ ác, bên trong đẽo gọt hì cơ mất nước chỉ còn kiễng chân mà mong chờ.

45.- CHIẾN LƯỢC :

Việc cốt yếu trong khi đánh giặc là trước hết xem xét tài năng của tướng địch, tùy theo hình thế mà dùng cơ quyền, ắt là không mệt nhọc mà được thành công.

Tướng địch ngu ngốc mà lại tin người thì ta có thể hứa hẹn để dẫn dụ.
Tướng địch tham lam mà không cầu danh thì ta có thể dùng tiền mà hối lộ.
Nếu tướng địch nhẹ dạ vô mưu, thì ta có thể làm cho phải vất vả, khốn đốn.

Bên địch trên giàu mà kiêu căng, dưới nghèo mà oán hận thì ta dùng mẹo ly gián.
Bên địch tới lui ngờ vực, dân chúng không biết trông cậy vào đâu, thì ta làm cho chúng rúng động rồi đuổi đánh chúng.
Bên địch sĩ tốt khinh tướng súy mà có bụng muốn trở về, thì ta ngăn chận lối đi dễ, mở thông lối đi khó rồi đón đánh thì cầm bắt được.
Bên địch đường tới dễ đường lui khó thì ta vời chúng đến mà đánh, bên địch đường tới khó đường lui dễ, thì ta đến gần chúng mà đánh.
Địch đóng quân ở chỗ ẩm thấp, nước không có chỗ chảy thông, trời mưa dầm lâu ngày thì ta có thể khơi nước chảy vào để chúng bị chết đuối.
Địch đóng quân ở chốn đồng hoang, lau cỏ um tùm, khi có gió mạnh ta dùng lửa để đốt chúng chết cháy.
Địch đóng quân lâu ngày ở một chỗ, tướng sĩ biếng nhác, quân ấy không phòng bị, ta có thể ẩn nấp mà đánh úp.

46.- CÁC HẠNG TƯỚNG SÚY : 

Tướng súy có nhiều hạng : 

- Có tướng nho nhã 
- Có tướng mạnh dạn 
- Có tướng khôn lanh 
- Có tướng tài giỏi. 

Tướng nho nhã thì có mưu trí
Tướng mạnh dạn thì đánh mạnh
Tướng khôn lanh thì biết ứng biến
Tướng tài giỏi thì có nhiều khả năng.

Nếu tướng gồm kiêm được hết thì không việc gì mà không thần diệu, nếu tướng biết phòng bị thì không có việc nào bất lợi.

47.- HÒA MỤC : 

Hòa mục là giềng mối chính của sự trị an. Trong nước hòa mục thì việc binh tốt đẹp. Lính đồn thú ngoài biên cảnh hòa mục thì không có việc kinh sợ. Nếu bất đắc dĩ mới đặt giới cấm thì sự hòa mục càng được quí trọng. Vua tôi hòa mục sau mới chuyên dùng. Tướng văn tướng võ hòa mục sau mới thành công. Tướng sĩ hoà mục sau mới nhắc nhở công lao của nhau mà tưởng thưởng, khi gặp nguy nan mới cứu viện nhau. Vậy sự hòa mục là đường lối tốt đẹp bất đi bất dịch cửa phép trị quốc hành binh.

48.- TRỌNG THƯỞNG TƯỚNG SÚY : 

Tướng súy đánh trống, phất cờ, khi gặp nạn thì quyết tử chiến, xông pha gươm dáo, chống chọi nổi với địch thì được thưởng công, nêu danh, thua địch thì binh chết nước mất. Như thế vấn đề còn, mất, yên, nguy chỉ tùy thuộc vào một mảy tơ hào, do đó không thể không trọng thưởng tướng súy. 

49.- TÀI DỨC CỦA TƯỚNG SÚY : 

Tài đức của tướng súy kẻ ít người nhiều chẳng giống nhau.

- Che giấu điều gian tà, chứa trữ tai họa, chẳng biết dân chúng hờn oán, đó là tướng coi 10 người.

- Siêng năng cần mẫn, nói năng kín đáo rõ ràng, đó là tướng coi 100 người.

- Ngay thẳng mà biết lo âu, mạnh dạn mà biết chiến đấu, đó là tướng coi 1000 người.

- Ngoài mặt mạnh mẽ, trong lòng hăng hái, hiểu rõ điều lao khổ của người, thương xót cảnh đói rét của người, đó là tướng coi muôn người.

- Gần hiền, cử tài, được một ngày thì cẩn thận một ngày, thành tín, rộng lượng, sửa trị việc rối loạn mà vẫn thanh nhàn, đó là tướng coi 100 ngàn người.

- Nhân ái đối với người dưới, dùng tín nghĩa để hàng phục nước láng giềng, trên hiểu thiên văn, dưới thông địa lý, giữa rõ nhân sự, coi người trong bốn biển như trong một nhà, đó là tướng-súy của tất cả thiên-hạ, không ai có thể đối địch lại được.

49.- THỜI TIẾT : 

Việc điều binh khiển tướng là việc lo sợ của binh gia vậy nên cần chờ mặt trời, mặt trăng (ngày, tháng thuận lợi) để được thành công.

50.- PHÉP LẬP ĐÀN : 

Lập đàn 3 từng cao 3 trượng để tượng trưng tam tài, rộng 24 trượng để tượng trưng 24 khí.

Giữa đàn có 25 người đứng, mặc áo vàng, tay cầm cờ vàng, đuôi báo, trấn giữ ở giữa cung mậu, kỷ, thổ đề tượng trưng việc chỉ huy trận hình.

Phía đông đàn có 25 người, mặc áo xanh. tay cầm cờ xanh, trấn giữ hướng đông, giáp, ất, mộc để tượng trưng thanh long (rồng xanh).

Phía tây đàn có 25 người, mặc áo trắng, tay cầm cờ trắng, trấn giữ hướng tây, canh, tân, kim để tượng trưng bạch hổ (cọp trắng).

Phía nam đàn có 25 người, mặc áo đỏ, tay cầm cờ đỏ, trấn giữ hướng nam, bính, đinh, hỏa để tượng trưng chu tước (phượng đỏ).

Phía bắc đàn có 25 người, mặc áo đen, tay cầm cờ đen, trấn giữ hướng bắc, nhâm, quý, thủy để tượng trưng huyền võ (rùa đen).

Chung quanh đàn có 365 người cầm cờ đủ mầu để tượng trưng vòng trời 365 độ Như thế là đầy đủ.

Đại tướng theo phương sinh khí, lên đàn bái tướng tế trời đất, đóng giữ sáu nhung(?), sắp đặt mà dùng.

Bên trái và bên phải có các quan văn võ đứng hầu, nếu có ai làm huyên náo hoặc đứng sai hàng lối thì sẽ có quân pháp trừng phạt.

51- TRAO MỆNH CHO TƯỚNG SÚY:

Việc yên nguy của xã tắc đều tùy thuộc vào một người chủ tướng nên mới khiến quan Thái Sử giữ trai giới ba ngày, đến Thái Miếu bói ở mu rùa để chọn ngày tốt trao rìu búa.

Vua đi vào cửa miếu, quay mặt về hướng tây mà đứng, tướng quay mặt về hướng bắc mà đứng.

Vua tự cầm đầu rìu đưa cán cho tướng mà nói rằng: Từ đây cho tới trời, tướng quân hãy lo chế ngự.
Rồi cầm cán búa đưa lưỡi búa cho tướng mà nói rằng: Từ đây cho tới vực thẳm, tướng quân hãy lo chế ngự.

Tướng nhận búa rìu lạy tạ mà trả lời Vua : Hạ thần nghe rằng việc nước không thể theo ngoài, trị quân không thể theo trong. Hai lòng không thể thờ vua, chí khí chia lìa không thể ứng phó với địch quân. Thần đã chịu mệnh, cầm rìu búa, không dám sống mà trở về. Mong Vua ban cho thần một lời nói trao mệnh, nếu Vua không chịu thần không dám làm tướng.

Làm như thế thì trên không có trời. dưới không có đất, ở trước mặt không có địch, ở sau lưng không có Vua.

52.- DÙNG TƯỚNG : 

Đời sau dùng người không được như thế. Nghị bàn một người mà phần thi hành về một người khác. Như thế người nghị bàn không biết sự khó khăn của người thi hành mà chỉ nói lý thuyết cao siêu. Người thi hành muốn tuân thụ ý của người nghị bàn nhưng không hợp với thời cơ. Thậm chí có khi một người thi hành mà có tới mấy chục người nghị bàn. Ở giữa kẻ hiền và người gian lẫn lộn, kẻ thương và người ghét đều theo ý riêng của mình mà nói. Kẻ thương tuy ít mưu nhưng cũng phụ hội mong cho thành. Kẻ ghét tuy mưu hay những tìm nhiều cảnh để khuấy rối. Không biết liệu lường địch yếu hay mạnh như thế nào mà cứ cho rằng đánh ít thì thắng ít, đánh nhiếu thì thắng lớn. Không hỏi thời thế khó dễ như thế nào mà thấy quân nghỉ ngơi thì buộc tội trì hoãn, thấy quân giữ vững thì buộc tội biếng nhác. Kẻ thi hành liếc trái, nhìn phải, muốn đánh hay giữ, tới hay lui, đều không tự chủ được.

Đến khi có mười cỗ xe nguyên nhung chưa kịp đi mà quan trên đã ban lệnh rối rít, mệnh lệnh trong quân đã định mà bọn áo gấm ngồi cao đã tới làm rộn, việc đem sĩ tốt ra mà đánh hay đem tướng ra mà đánh đều do bọn nghị bàn đề xướng tất cả. Các đời Đường, Tống, Minh đều thất bại vì nạn nói trên, đời Tống vấp nặng mà đời Minh lại càng nặng hơn nữa.

Kẻ luận việc đời Tống nói rằng : Nếu chỉ bàn suông mà thành công, thì ai bàn ít mà rõ việc, đó là kẻ sáng suốt trong thiên hạ. Không chết vì tay giặc cướp mà chết vì tay người nhà, không chết ở nơi biên cương mà chết vì kẻ can gián ngồi cao, điều tệ hại ấy sinh ra do những người chỉ lo làm mà không chịu luận bàn. Trái lại đối với những kẻ chỉ bàn suông mà không làm thì họ cứ bàn luận phân vân như tơ vò không thể gỡ rối. Xét lại việc xưa nay, Hán Tuyên Đế sử dụng Triệu Sung Quốc, là biết phép dùng tướng vậy.

ĐẠO LÀM TƯỚNG


53.- CẨN MẬT :

Biến động là nguồn gốc của kỳ chính, gặp việc chẳng hé môi, dùng binh chẳng nói năng. Cho nên khi có việc, không gì hơn được trước, khi động không gì hơn kín lặng, khi dùng không gì hơn bất ngờ, khi lập mưu không gì bằng đừng cho ai biết.

54.- HƯ THỰC :

Kẻ thắng trước thì trước hết tỏ ra mình yếu hơn địch cho nên sĩ số chỉ bằng nửa mà sức đánh gấp bội địch.

Cho nên chưa thấy thắng mà đã đánh, dầu đông quân cũng sẽ thất bại. Kẻ đánh giỏi ở yên thì không lộn xộn, thấy thắng được thì dấy binh đánh, thấy không thắng được thì dừng lại.

Ngày xưa kẻ giỏi dùng binh trong lòng muốn như thế nhưng tỏ ra ngoài rằng mình không muốn như thế, khiến cho địch ngờ rằng mình không muốn như thế, để thi hành ý muốn của mình đúng như thế, đó là phép vi diệu, để phá quân, bắt tướng, hàng thành, phục ấp. Bây giờ nếu ý muốn chẳng phải thế, thì làm ra vẻ muốn như thế, khiến cho địch ngờ rằng mình muốn như thế, để mà thi hành ý muốn riêng của mình, đó là phép vi diệu để phá quân, bắt tướng, hàng thành, phục ấp. Cho nên việc bày ra ngoài là ảnh. Cho nên làm ra cho người thấy, nhưng không có ý ấy, thì trong ảnh lại có ảnh hiện ra. Hai gương cùng treo soi nhau, đã sâu kín lại càng sâu kín.

Địch sắp đặt mưu kế mà ta phá hoại được, địch toan đoạt lợi ta mà ta ngăn chặn được, ắt là cơ trí của địch phải thất bại. Chúng giả vờ khêu chọc ta để đánh úp ta, ta phá được. Chúng giả phô trương, ta phá được. Chúng giả đánh, ta phá lực lượng của chúng. Chúng dẫn dụ lừa dối ta, ta phá hỏng mưu mô của chúng. Hoặc ta dùng cách giả trá để phá chúng, hoặc ta dùng cách tín thực để phá chúng. Hư thì không thực, giả trá thì không tạo công. Thực thì không hư, thành việc thì được kết quả. Vận hành ở đất không có, lay chuyển ở mối đầu đứng yên. Sâu kín tối tăm. Địch muốn làm nhưng chẳng lo toan được. Địch muốn mưu đồ nhưng chẳng có tâm trí để làm việc ấy, đó là sự thần diệu của cách biến hóa hư không vậy

55.- XỬ THẾ :

Bỏ mình để báo ơn Chúa mà không khiến được sĩ tốt đồng lòng cùng chết, như thế chẳng phải là tướng giỏi thành công. Cùng sĩ tốt ăn uống mà về sau quên lúc đói khát trên ngựa. Cùng sĩ tốt hưởng bổng lộc mà về sau quên việc xông pha nguy hiểm. Cùng sĩ tốt thức ngủ nhưng về sau quên việc đánh dẹp gian lao. Lo điều lo của sĩ tốt, cùng chịu điều khổ của sĩ tốt, những về sau quên vết thương tên bắn. Việc đã xong thì tình phải tròn. Cho nên chiến đấu là điều trọng yếu, chịu thương tích chết chóc là phận sự, xông pha gươm dáo, tranh đi trước người là nhiệm vụ, nhưng nếu không biết đường lối thì đó là việc nguy hiểm. Kẻ quên mình ở hoàn cảnh nguy hiểm mà lại vui vẻ được, kẻ ấy sẽ ăn vật độc như ăn kẹo.

56.- CHIẾN LƯỢC : 

Đem binh uy hiếp chỗ mà thiên hạ không biết, chế ngự chỗ mà thiên hạ không dám cựa, đánh vào chỗ mà thiên hạ không thể giữ, trấn giữ chỗ mà thiên hạ không dám đánh, chạy vào chỗ mà thiên hạ không thể chống cự, rời bỏ chỗ mà thiên hạ sẽ không đến. Ta trấn nhiếp chỗ nào thì thị uy ở chỗ ấy khiến cho địch chưa dùng binh mà đã sợ ta. Đến khi dùng binh mà địch không chống nổi ta thì bởi chúng đã một lần sợ ta rồi nên ngàn năm chúng cũng sẽ sợ tài của ta.

57.- THẾ CHỦ ĐỘNG : 

Tới lui đánh giữ đều do nơi ta, đó là có cơ đánh thắng. Do ta thì ta chế ngự được địch, do địch thì bị địch chế ngự. Ta muốn chế ngự địch mà dầu địch không muốn cũng không cưỡng lại được, đó là do ta sắp đặt khiến cho phải được như thế.

58.- TÁNH TỰ NHIÊN :

Tự tánh thì chẳng có gì mà chẳng chứa đựng. Quen làm một việc lâu ngày ắt là đem dùng được tự nhiên. Cho nên kẻ giỏi dùng binh thì chẳng thấy gì ngoài việc binh, chẳng luận đàm gì ngoài mưu lược, chẳng trị chỗ nào mà không biến hóa xen trộn. Đó là khi thấy việc biến xẩy tới thì chẳng cần chờ an bài bèn tính toán so đo để trong mọi việc kinh dinh chẳng có điều gì mà không hoà hợp, ổn thỏa. Trời tự nhiên mà vận hành, đất tự nhiên mà ngưng tụ. Việc binh thi hành tự nhiên cho nên chẳng bao giờ mà không thắng. 

59.- THÁNH ĐẠO :

Dùng mưu trí để hàng phục thiên hạ mà thiên hạ chịu khuất phục mưu trí của mình thì mưu trí ấy cũng chưa phải là tối thắng. Dáng hình pháp để chế ngự thiên hạ, mà thiên-hạ chịu theo hình pháp thì hình pháp ấy cùng chẳng có gì hay. Dưới mưu trí hay hình pháp đều chẳng phải là điều hay nhứt trong những điều hay. Ngày xưa Thánh Võ giữ thế mà chẳng vây thành, chẳng đánh lũy chẳng bày trận, đó là nhờ nương náu ở chỗ hư không và dựa vào chỗ ít oi.
Un đúc trong thế không tranh mà được vậy. Sâu xa trong sạch, tang tình tang... (*)

(*) Nguyên văn trong bản scan, có lẽ do thiếu sót trong việc in ấn ...

60.- TIẾT CHẾ :

Ngày xưa, Vua Đường Thái Tôn hỏi Lý Tịnh rằng:
- Hiện nay, về tướng súy chi có Lý Tích, Đạo Tông và Tiết Vạn Triệt. Nhưng trừ Đạo Tông là chỗ thân thuộc để riêng ra ngoài, thì ai có thể kham được việc lớn?

Lý Tịnh đáp:
- Bệ hạ thường nói Lý Tích và Đạo Tông dùng binh không thắng lớn mà cũng không thua to. Còn Vạn Triệt nếu không thắng lớn thì phải thua to. Nhân nghe thánh ngôn của Bệ Hạ, thần cạn nghĩ rằng: Không cần thắng lớn mà cũng không thua to đó là binh có tiết chế. Nếu chỉ một là thắng lớn, hoặc một là thua lớn, thì đó chỉ là may mắn mà được thành công. Cho nên Tôn Võ nói rằng: Tướng đánh giỏi luôn luôn đứng vào thế không thua nhưng không bỏ lỡ cơ hội đánh bại quân địch. Đó là nhờ sự tiết chế ở nơi ta vậy.

61.- CÁC ĐIỀU CHỦ YẾU TRONG BINH PHÁP:

Vua Đường Thái Tôn hỏi Lý Tịnh rằng:
- Trong binh pháp, những điều thâm yếu nhất là gì?

Lý Tịnh đáp:
- Thần thường chia ra ba bậc để cho học giả nghiên cứu dần dần.
Thứ nhất là đạo
Thứ hai là trời đất
Thứ ba là tướng pháp

Lý thuyết về đạo rất là tinh vi. Điều mà dịch học gọi là thông minh, duệ trí, thần võ nhưng không cần phải giết người, chính là cái ấy.

Lý thuyết của trời là âm dương, lý thuyết của đất là khó dễ. Kẻ dùng binh có thể lấy âm, đoạt dương, lấy khó đánh dễ. Mạnh Tử gọi thiên thời, địa lợi, chính là cái ấy.

Lý thuyết của tướng pháp là dùng người, dùng vật cho có hiệu quả. Sách Tam Lưọc nói được kẻ sĩ là tốt, Quản Trọng nói đồ sắc bén, bền bĩ, chính là cái ấy.

62.- SÁCH LƯỢC:

Vua Đường Thái Tôn nói: Tuy nhiên, ta cho rằng không đánh mà khuất phục được binh của người, đó là thượng sách. Trăm đánh trăm thắng là trung sách. Đào hào sâu, đắp lũy cao để tự phòng thủ là là hạ sách. Lấy ba bậc ấy cũng có thể so sánh với ba bậc trong sách của Tôn Võ.

Lý Tịnh đáp: Xem văn và xét việc cũng thấy có chỗ sai biệt. Trương Lương, Phạm Lãi, Tôn Võ bỗng nhiên đi biệt tích, không biết là đi đâu, nếu không phải là hạng người biết đạo, thì sao có thể làm được như thế? Như Nhạc Nghị, Quản Trọng, Gia Cát Lượng đánh thì thắng, giữ thì vững, nếu không biết xét thiên thời, địa lợi thì sao có thể làm được như thế? Sau nữa Vương Mãnh giữ nhà Tần, Tạ An giữ nhà Tần, nếu không biết dùng tướng súy, chọn nhân tài đề giữ gìn hoàn bị, sao có thế làm được như thế? Cho nên người học tập về binh pháp, trước hết đi từ bậc dưới, để tiến lên bậc giữa, rồi từ bậc giữa tiến lên bậc trên, ắt là dần dần có thể đi tới chỗ sâu xa. Nếu không làm như thế thì chỉ là nói suông, dầu có chép và đọc tụng cũng vô ích, không thể dùng được vậy.

Vua Thái Tôn nói: Các đạo gia rất kỵ việc ba đời làm tướng, nên không dám truyền bừa bãi mà cũng không dám truyền, khanh nên cẩn thận về chỗ ấy.

Lý Tịnh lạy tạ mà lui về, truyền hết sách binh pháp cho Lý Tích.


63.- ĐỨC TÍNH:

Binh ở chốn chiến trường, đứng vào nơi chết chóc, quyết chết thì được sống, cầu sống thì phải chết. Người tướng giỏi giống như đứng trên thuyền thủng đáy, nằm dưới nhà đang cháy, hoàn cảnh ấy khiến cho kẻ có cơ trí cũng không kịp mưu tính được gì, kẻ dõng cảm cũng không kịp nổi giận, như thế mới có thể chống cự với quân địch. Cho nên trong các điều hại của sự dụng binh, sự do dự là lớn nhất, tai nạn của ba qua sinh ra do sự hồ nghi.

Cho nên năm điều hay giỏi của tướng súy là:

Thứ nhất: sửa trị
Thứ hai: phòng bị
Thứ ba: quả cảm
Thứ tư: kỷ luật (giới cấm)
Thứ năm: giản ước.

Biết trị yên thì có thể trị nhiều người giống như trị ít người.
Biết phòng bị thì đi ra cửa giống như đi gặp địch.
Có tính quả cảm thì khi gặp địch, chẳng còn cầu sống.
Biết khép vào kỷ luật thì khi gặp nguy nan, cũng giống như lúc bắt đầu đánh.
Có tính giản ước thì ban pháp lệnh rõ ràng mà không phiền phức.

Khi chịu mệnh rồi, nguời tướng không kịp từ giã gia đình, phá địch xong rồi mới nói chuyện trở về, đó là lễ nghi của tướng súy.

Cho nên ngày ra binh, chỉ mong chết vinh mà không cầu sống nhục.

64.- THAM MƯU:

Việc binh có bốn quân cơ:

Thứ nhứt: khí cơ
Thứ nhì: đia cơ
Thứ ba: sự cơ
Thứ tư: lực cơ

Quân dầu có ba cánh, đông tới trăm vạn, mọi việc sắp bày to hay nhỏ đều do ở một người: đó là khí cơ.

Đường sá chật hẹp, hiểm trở, núi cao bít nghẽn, một người trấn giữ có thể ngăn chận một ngàn người không qua được, đó là địa cơ.

Khéo sắp đặt việc gián điệp khiến khinh binh lui tới phân tán kắp nơi, khiến cho vua tôi oán nhau, trên dưới đổ lỗi cho nhau, đó gọi là sự cơ.

Biết rõ bốn điều ấy, có thể làm tướng súy được.

(*)

65.- NGHIÊM CHỈNH:

Chiêng trống phải làm cho tai khiếp uy
Cờ xí phải làm cho mắt khiếp uy
Cấm lệnh, hình phạt phải làm cho tâm khiếp uy

Âm thanh làm cho tai khiếp uy thì không thể không trong trẻo.
Màu sắc làm cho mắt khiếp uy thì không thể không sáng.
Hình pháp làm cho lòng khiếp uy thì không thể không nghiêm.

Ba điều ấy mà không hẳn hoi đúng đắn thì dầu được nước cũng sẽ bị địch đánh bại.
Cho nên mới nói rằng: Tướng vẫy tay về phía nào, thì không thể không đi theo phía ấy, tướng chỉ tay vào nơi nào thì không thể không tới nơi ấy mà chết.

66.- UY QUYỀN VÀ TÀI ĐỨC:

Kẻ làm tướng, trời không chế ngự được, đất không chế ngự được, người không chế ngự được, không thể chọc giận, không thể dùng của cải mua chuộc. Lòng nóng giận, tai điếc mắt mù, lấy ba cái ấy để dẫn dắt người, điều ấy thực là khó.

67.- XỬ THẾ:

Các điều gian lao của quân đội, tướng súy phải nếm trải trước đã. Trời nắng không che lọng, trời lạnh không mặc áo cầu dầy, gặp chỗ đường khó thì xuống đi chưn; giếng nước trong quân đào xong, tướng mới được uống nước; cơm của lính nấu chín rồi, tướng mới được ăn; lũy trong quân xây xong rồi tướng mới được nghỉ; khi cực nhọc hoặc khi nhàn hạ, tướng phải cùng sống với quân lính: như thế tuy dùng binh lâu ngày mà quân đội vẫn mạnh mẽ, hăng hái.

68.- KHINH VÀ SỢ:

Dân không thể có hai ý. Sợ ta thì khinh địch, sợ địch thì khinh ta. Thấy bị khinh thì bại, giữ được uy thì thắng. Nếu một tướng súy hiểu rõ nguyên tắc ấy thì các lại sĩ sợ tướng ấy lắm.
Lại sĩ sợ tướng, thì sĩ tốt sợ lại sĩ và quân địch sẽ sợ sĩ tốt của ta.

Cho nên muốn biết phép thắng bại thì trước hết phải biết cân nhắc hai viêc khinh sợ.

69.- UY NGHIÊM VÀ ÂN HUỆ:

Nếu lòng người chẳng vui thuận thì ta không thể sai khiến họ, nếu lòng người chẳng uy nghiêm thì ta không thể thành công. Dưới thương yêu thì thuận, trên uy nghiêm thì ngay thẳng. Thương yêu thì không ngay thẳng, uy nghiêm thì không xúc phạm. Cho nên bậc tướng giỏi chỉ lo hai việc thương yêu mà lập uy mà thôi.

Uy nghiêm nhờ không đổi,
Ân huệ bởi kịp thời
Cơ trí nhờ ứng biến
Đánh được nhờ trị khí
Công hãm nhờ ý bày
Giữ kỹ nhờ sắp ngoài
Không lầm nhờ tính số
Không nguy nhờ dự bị
Cẩn thận do sợ nhỏ
Trí dũng nhờ coi lớn
Trừ hại do dám giết
Được người nhờ người dưới
Khinh lờn bởi dùng ngờ
Ác nghiệt tại hay giết
Thiên lệch bởi lo riêng
Chẳng lành vì nghe ác
Quá độ vì lấy hết của dân
Không sáng vì nghe can gián
Không đủ vì dấy bừa
Cạn hẹp vì xa hiền
Mang họa bởi tham lợi
Mang hại vì gần người thấp
Mất vì không có chỗ giữ
Nguy khốn bởi không hiệu lệnh

70.- NHÂN NGHĨA:

Khi dùng binh, không được đánh thành không lỗi, không được giết người vô tội.
Giết cha mẹ, anh em của người, bắt con cái của người làm tôi tớ hầu thiếp, đó là cướp bóc. Cho nên việc binh chỉ là trừ bạo dẹp loạn, ngăn chận điều bất nghĩa. Tại nơi dùng binh, nhà nông không bỏ ruộng, kẻ mua bán không rời chợ, kẻ sĩ đại phu không rời nơi quan phủ. Sở dĩ các điều ấy được thực hiện, đó là nhờ việc điều binh chỉ do tay một người. Nhờ đó dùng binh không đổ máu mà lại được thiên hạ thương yêu.

71.- GIẾT VÀ THƯỞNG: 

Giết là để làm sáng tỏ võ đức. Giết một người mà làm ba quân chấn động, giết một người để muôn người làm điều lành thì nên giết.

Khi giết nên giết người lớn, khi thưởng nên thưởng người nhỏ, nếu đáng giết dầu là người cao quý cũng giết, đó là phép tra xét người trên của hình pháp. Thưởng cho đến kẻ chăn trâu cắt cỏ, đó là cách thưởng kẻ hạ lưu. Có thể tra xét người trên, tưởng thưởng kẻ dưới, đó là võ đức của tướng súy, cho nên bậc chúa loài người thường trọng tướng.

72.- UY QUYỀN:

Kẻ làm tướng, trên chẳng bị ngăn bởi trời, dưới chẳng bị ngăn bởi đất, giữa chẳng bị ngăn bởi người. Cho nên việc binh là việc dữ, kẻ nào tranh giành thì hại đức. Tướng là hạng quen giết người cho nên bất đắc dĩ mới dùng tướng.

Trên chẳng có trời, dưới chẳng có đất, sau lưng chẳng có vua, trước mặt chẳng có địch. Binh của một người như cọp như sói, âm thầm, rung chuyển, thiên hạ đều phải sợ sệt.

73.- BIẾN HÓA:

Binh thắng giống như nước. Nước là vật rất mềm yếu, nhưng ở trên chỗ gò núi hóa thành băng đá chẳng khác khi chuyên nhất thì sắc bén như gươm Mạc Tà, cứng nhọn như sừng tê. Hình tượng của ba quân nếu biết biến hóa theo phép kỳ chính thì thiên hạ không thể chống cự lại.

74.- NHÂN HÒA:

Cho nên mới nói rằng: Dùng kẻ hiền thì không cần chọn ngày giờ mà chỉ cần lợi ích. Pháp luật sáng suốt, hiệu lệnh đắn đo thì không cần bói toán, công việc cũng sẽ tốt lành. Biết quí trọng công lao thì không cần cầu đảo cũng được phước may.

Lại có nói: Thời trời chẳng bằng đất lợi, đất lợi chẳng bằng người hòa. Các thánh xưa chỉ biết thận trọng nhân sự mà thôi.

75.- TỔ QUỐC TRÊN HẾT:

Ngày chịu mệnh tướng liền quên nhà, kéo quân đóng trại thì quên người thân, cầm dùi đánh trống thì quên mình.

76.- PHÒNG NGỪA:

Khi Ngô Khởi ra trận, hai bên tả hữu dâng kiếm. Khởi nói rằng: Tướng chỉ trông coi cờ trống, gập nguy nan thì quyết đánh, lo điều khiển ba quân, đó là việc của tướng. Chỉ cầm một thanh kiếm, đâu phải là việc của tướng.

Cho nên kẻ biết đạo ắt trước hết phải lo liệu, chẳng chịu thất bại về sự không biết ngăn ngừa. Điều xấu là ở chỗ kẻ có công nhẹ dạ tiến lên cầu đánh. Quân địch lo liệu ngăn ngừa ta, ta tới thì bị địch chế ngự. Cho nên binh pháp nói rằng: Cầu có mà theo, thấy có thì giúp vào nên chủ nhân chẳng dám chống cự, nếu xúc phạm thì bị đánh tan.

77.- MƯU TRÍ:

Lời nói bừa bãi, không cẩn thận thì sự phạm thượng không thể ngăn ngừa. Nước lụt, sấm sét có thể làm cho ba quân loạn lạc. Bấy giờ phải dùng mưu trí để trị yên, dẹp loạn. Thảo luận tại miếu đường để tìm kế hay. Luận việc trao mệnh để thêm long trọng. Luận cách khắc phục gian nan để thêm sắc bén. Như thế có thể đánh thắng nước địch và hàng phục họ.

78.- CHÂM NGÔN:

Việc binh có năm điểu cần nhớ:

- Làm tướng thì quên nhà
- Xông pha nguy hiểm thì quên người thân
- Đánh địch thì quên mình
- Quyết chết thì được sống
- Thắng gấp là hạ sách

*
* *

Trăm người mang đủ khí giới có thể hãm trận;
Ngàn người mang đủ khí giới có thể bắt địch giết tướng;
Muôn người mang đủ khí giới có thể hoành hành giữa thiên hạ.

*
* *

Chuyên nhất ắt thắng;
Ly tán ắt bại;
Trận dày kín thì vững chắc;
Tiên phong thưa thì thông suốt;
Lính sợ địch hơn sợ tướng mình thì bại.

Sở dĩ biết thắng bại là nhờ so sánh tướng nhà với quân địch. Tướng nhà và quân địch cũng giống như cân và quả cân vậy.

Yên tĩnh thì trị.
Dĩ gấp thì loạn. .
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved