Home » » Đạo đức khoa học

Đạo đức khoa học

Written By kinhtehoc on Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012 | 04:11


Đạo đức khoa học
Henri Poincaré

Nhà toán học, nhà vật lý lý thuyết, và triết gia
người Pháp Henri Poincaré (1854 - 1912)
Khoa học một mình không thể xây dựng đạo đức. Nó cũng không thể một mình và trực tiếp làm cho định luật đạo đức truyền thống rung chuyển hay đánh đổ nó. Nhưng…khoa học có thể tác dụng làm cho những cảm xúc mới hình thành, không phải vì những cảm xúc đó là đối tượng của sự chứng minh khoa học, mà bởi vì mỗi hoạt động con người sẽ tác động ngược lại lên nó và đánh thức những cảm xúc mới trong nó.
Khoa học luôn luôn đưa chúng ta tiếp xúc với những sự vật lớn hơn bản thân ta. Nó đem lại cho ta một tầm nhìn hằng ngày mới, hằng ngày mở rộng; và những cái to lớn mà khoa học cuối cùng đem lại cho ta, luôn luôn kích thích chúng ta hình dung những sự việc lớn hơn nữa. Vở kịch này là niềm vui đối với chúng ta, một niềm vui làm cho chúng ta quên đi cái ngã, và đó chính là điều tốt về đạo đức ở khoa học.

Khoa học này của đạo đức không là bản thân của đạo đức, và sẽ không bao giờ. Nó cũng không thể thay thế đạo đức như một bài khảo luận sinh lý học về sự tiêu hóa có thể thay thế cho một bữa ăn trưa.

Không có đạo đức khoa học theo đúng nghĩa của từ, và sẽ chẳng bao giờ có cả. Nhưng khoa học có thể đem lại cho đạo đức một sự hỗ trợ gián tiếp. Khoa học, theo nghĩa rộng nhất của từ, chỉ có thể hữu ích cho đạo đức; sự hiểu biết nửa vời tự nó là nguy hiểm… Khoa học và đạo lý cũng sẽ thích nghi nhau khi cả hai cùng phát triển.

Trái tim con người là một mạch suối không bao giờ tắt của những động cơ (tốt) như thế, một mạch suối phong phú, giàu có và đầy sức sống sinh động. Lực đẩy của những động cơ này là những tình cảm; và những người đại diện cho đạo đức học có nhiệm vụ đưa chúng vào phục vụ và hướng chúng theo nghĩa tốt, giống như nhà kỹ thuật làm chủ được sức mạnh của tự nhiên và sử dụng nó cho những nhu cầu kinh tế con người.

Tại sao những con người, tuy có những vũ khí khác nhau nhưng nhắm cùng một đối thủ lại hiếm khi đoàn kết nhau như thế, trong khi họ là những đồng minh tự nhiên? Tại sao những người này thỉnh thoảng lại vui mừng trước sự thất bại của người khác? Họ đã quên chăng rằng một sự thất bại như thế đồng nghĩa với sự chiến thắng của kẻ thù truyền kiếp, một sự giảm bớt giá trị tài sản chung của cha ông? Cho nên chúng ta cần đến tất cả sức mạnh tiềm tàng trong chúng ta và không có quyền xem thường bất cứ sức mạnh nào. Cho nên chúng ta không nên từ chối bất cứ ai, không khinh khi, trách móc ai, trừ khi đó là sự căm thù.

Chắc chắn căm thù là một sức mạnh, một sức mạnh khổng lồ là khác. Nhưng chúng ta không thể sử dụng nó, bởi nó làm nhỏ lại tất cả, giống như một ống dòm khi người ta nhìn ngược vào. Sự căm thù dân tộc này với dân tộc khác là một tội lỗi, và không phải nó làm nên những anh hùng đích thực. Tôi không biết người ta có tin rằng căm thù có thể làm tăng lòng yêu Tổ quốc hay không.

Chúng ta hãy đến gần nhau hơn, học quen biết để kính trọng nhau, và hãy cùng lao động để thực hiện lý tưởng chung. Chúng ta hãy cẩn thận không nên đòi hỏi mọi người rằng họ nên cùng đi một con đường. Điều đó không thể thực hiện, cũng như không phải là điều mong muốn. Quy tất cả về một khuôn mẫu chung, điều đó có nghĩa là tự sát, có nghĩa đóng bít cánh cửa trước mọi sự tiến bộ ngay từ đầu. Tất cả những gì bị cưỡng bách đều không mang lại hiệu quả, và đáng buồn.

    Nguyễn Xuân Xanh trích dịch
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved