Home » » Tùy bút: Mưa và Nguyên

Tùy bút: Mưa và Nguyên

Written By kinhtehoc on Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012 | 16:05



divider
Cứ mỗi lần mưa to, sân trường lại mênh mang ngập nước. Mà trời lại hay mưa buổi chiều, khoảng tiết bốn hay giữa tiết năm. Thế là chẳng còn "lối cũ ta về". Nước dâng đến nửa bắp chân, dĩ nhiên là không sạch sẽ. Nhớ hồi trưa, có đứa làm đổ tô búng bò Huế, có đứa ói dưới căn-tin. Hình như trong sân trường lúc nào cũng có mấy cục phân mèo và nhiều bãi nước bọt thiếu ý thức vệ sinh.
Xăn quần lên mà lội ư ? Còn giày dép, mai khô sao kịp? Cách ấy chỉ dành riêng cho kẻ khá giả nào có hai đôi để thay đổi . Bước vào cổng, giày không đúng qui định là đặc quyền của những ai bị thương ở bàn chân, ngón chân, hoặc du di lắm là ở mắc cá chân, cổ chân không được xếp vào diện ưu tiên này . Vì vậy, nếu chỉ có "độc giày" thì khôn ngoan nhất là nên ở lại, chờ nước rút hãy về. Trời tối, mặc kệ. Gia đình rất thông cảm chuyện về trễ này tại mưa mà.
Nhưng nói thế không phải là tất cả đều ở lại chờ nước xuống. Rất nhiều kẻ "dũng cảm" chạy tung tóe nước mà về, dù có lúc trời vẫn đang sầm sập hay rỉ rả làm mưa . Một số kẻ cẩn thận, tháo giày cằm tay hoặc khoác lên cổ cho chắc ăn. Nguyên cũng ở trong đám đó. Cặp đội lên đầu và cao cẳng chạy . Vừa chạy vừa la hét gì đó. Mưa mưa . Về về. Hoảng sợ. Thích thú. Không thể nào nghe được trong đám đông hỗn độn những tiếng cười nói và rên rẩm than thở vì mưa .
Chưa một bữa nước ngập nào giữ được Nguyên ở lại . Hôm sau, Nguyên đi học, khô ráo tươm tất từ cặp đến giày, cười tươi như lên bảng và trở về chỗ được tám điểm. Không sổ mũi, không ấm đầu . Nguyên trả lời chắc chắc như thế. Mũm mĩm như chú bé quảng cáo sữa con bò. Hồi ấy, Nguyên mới học lớp mười . Lớp mười là lớp nhỏ nhất trong trường, đang giờ học bỗng đứng phắt lên mét moi này nọ "Thưa thầy . Bạn này làm rớt viết em", còn dám đánh nhau với bạn gái và vẫn dám ngồi cho bạn gái chở về bằng xe đạp. Nguyên bảo "Về ăn cơm. Ở lại vừa lạnh vừa đói, chẳng có ích lợi gì hết". Còn mưa, kệ mưa . Nước dơ, về tắm liền. Suốt năm học lớp mười, chẳng cơn mưa chiều nào làm Nguyên chùng bước. Nguyên rủ rê "Cứ thử về một bữa cho biết. Mát lắm."
Lên mười một, sân trường vẫn ngập nước như năm ngoái . Nguyên cao lớn hơn, nếu chạy về trong mưa, nước chẳng còn văng lên đến lưng áo . Nhưng Nguyên thường đứng ngồi thơ thẩn ở hành lang. "Chờ nước rút mới ra về hả ?". Nguyên lắc đầu "Không phải . Ở lại chờ học thêm buổi tối luôn. Khỏi mắc công thay đồ ướt". "Không đói bụng sao ?". Nguyên vỗ vỗ vào túi áo "Lát nữa mua bánh mì gặm đỡ. Học tới bảy giờ rưỡi là về rồi". "Bữa nào không học thêm, mưa vẫn cứ về chứ?". "Ừ, về chứ. Sợ má chờ". Giọng Nguyên nói đã bớt the thé như tiếng còi tre gắn vào bong bóng, thổi phòng lên, nhả ra, nghe toe một tiếng dài chói tai . Mùa mưa này, Nguyên mười bảy tuổi rồi đấy . Chưa thấy Nguyên bẻ gãy sừng trâu cái gì hết mặc dù ngoài giờ học chữ còn học cả đánh võ, đi tập tạ, đi bơi để làm thêm cái dáng mình dây cao một thước bảy kém năm millimet. Nguyên đã cao hơn tất cả các cô giáo trong trường và một số thầy có chiều cao khiêm tốn. Nói chuyện với các bạn gái có số đo một mét năm mươi, Nguyên phải khom như nịnh bợ.
Thầy thể dục chọn Nguyên vào đội bóng chuyền. Thế là Nguyên có lý do ở lại với mưa . Nguyên tập chuyền bóng ngay cả lúc trời mưa . Những tiếng kêu thét vui mừng, ai oán tùy theo từng đường bóng loang loáng trong mưa lành lạnh, nghe mà ấm cả lòng. Tiếng của Nguyên, rất dễ nhận ra vì đã vô cùng quen thuộc.
Lớp mười hai, Nguyên đã đo dược một mét bảy mươi sáu trong phòng y tế. Bụng phẳng như mặt bàn ping pong. Tới mùa mưa, chẳng còn nghe tiếng Nguyên ồm ồm la hét dưới sân bóng nữa . Lớp mười hai, mấy kỳ thi dồn dập. Có lẽ tại học thi, mặt Nguyên hết dần bụ bẫm, thay vào đó, thỉnh thoảng một vài đốm mụn trồi lên, xấu xí. Nguyên vẫn cười tươi, nhưng đã có vẻ giống những anh chàng quảng cáo kem đánh răng hay dầu gội đầu có kèm dầu xả.
Nguyên chẳng còn bỏ chạy về trong mưa nữa . Sắp thi, bạn bè nán lại bàn bạc, hỏi han bài học là thường. Vội vàng về chỉ mất công ướt hết tập sách, chẳng được lợi lộc gì.
Có một người cứ yên tâm nghĩ vậy . Để rồi một bữa chiều mưa, vô tình bắt gặp Nguyên vừa nắm tay, rất vụng về một cô bé tóc dài tha thướt. Cả hai đứng khuất ở một khúc gấp cầu thang lầu hai . Vắng vẻ, an toàn (mọi người đã dồn hết xuống sân). Nguyên cười bẽn lẽn như hối lỗi . Tiếng cười trong veo, như tiếng chuông gió treo trong vườn nhà ai, mỗi đêm khuya êm ả, tràn ngập ánh trăng vàng.
Mưa ơi mưa . Mưa thì vẫn cứ vậy thôi . Mưa có khi nhỏ khi to . Mưa có biết, Nguyên đã lớn lắm rồi không? Nguyên chẳng bao giờ sợ mưa khi còn nhỏ. Bây giờ, có lẽ, Nguyên còn mong mưa hãy lâu, hãy dài để được nấn ná ở lại trường thêm chút nữa . Mưa dai dẳng làm cho nhiều người thấy lạnh, còn Nguyên càng thấy ấm áp, ngọt ngào . Mái tóc cô bé ấy lả lướt làm sao .
Mưa ơi mưa . Mưa sẽ còn mãi mãi được đổ mưa ở nơi này . Còn Nguyên, đấy là lần cuối cùng được ở lại chờ mưa tạnh.
Chẳng ai đuổi đi, chẳng ai cấm cản không về, nhưng Nguyên chẳng còn bao giờ được hưởng cái thú những ngày mưa nhìn nước dâng ngập mênh mang sân trường nữa .
Dù mưa có theo Nguyên đi đến nơi đâu, mưa cũng chẳng tài nào làm được mưa như ở sân trường cũ, suốt ba năm Nguyên đã ở.
Hãy ở lại làm ngập nước sân trường vui vẻ, mưa nhé.
Hãy chúc Nguyên và những kỳ thi suôn sẻ, như ngày xưa Nguyên chạy trong mưa chẳng sụp lỗ cống nào .
Mùa mưa 1998
Diệp Bá Hương
divider
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | phuctriethoc@gmail.com
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved