Ít ai biết về câu chuyện người Việt đầu tiên đã đề thơ tại Lầu Hoàng Hạc, địa danh nổi tiếng đã đi vào thi ca sử sách.
Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu) là một danh thắng nổi tiếng nằm ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, thuộc khu vực miền Trung Trung Quốc. Ngôi lầu này được tôn là một trong ba ngôi lầu lớn nổi tiếng ở vùng Giang Nam (Nam sông Trường Giang) và là một trong bốn “tứ đại danh tháp” của Trung Quốc là Hoàng Hạc lâu, Đằng Vương các, Nhạc Dương lâu và Bồng Lai các.
Tương truyền rằng Lầu Hoàng Hạc được xây dựng trên ngọn Xà Sơn, huyện Vũ Xương vào thời Tam Quốc, cụ thể là vào năm Hoàng Vũ thứ 2 đời Ngô Đại đế Tôn Quyền, vua Đông Ngô thời Tam Quốc (tức 223 Tây Lịch). Mục đích ban đầu của việc xây lầu trên ngọn núi ven sông này là do có nhu cầu về quân sự, nhưng về sau dần dần nó trở thành danh lam thắng cảnh thu hút văn nhân đến kết bạn, viết văn, ngâm thơ và ngắm cảnh tại đây.
Về xuất xứ tên gọi “Hoàng Hạc” có nhiều thuyết khác nhau nhưng đều đề cập đến tiên, đến hạc. Tương truyền có một đạo sĩ tên là Phí Văn Vi, người nước Thục tu luyện đắc đạo thành tiên thường cỡi hạc vàng ngao du. Một hôm, tiên cưỡi hạc bay ngang đất Vũ Hán và dừng chân lại trên “núi Rắn” (Xà Sơn) để ngắm nhìn cảnh đẹp hùng vĩ của dòng Trường Giang và Ngũ Hồ diễm lệ.
Lầu Hoàng Hạc ngày nay
Từ tích đó mà người đời sau đã dựng một tháp lầu đặt tên là “Hoàng Hạc”. Theo sách Nam Tề thư thì viết rằng vị tiên đó tên là Tử An. Sách Báo Ứng lục thì kể về người buôn rượu tên là Tân Thị được tiên giúp nấu rượu mà trở lên giàu có, sau này ông đã xây dựng tòa lầu tại nơi vị tiên cỡi hạc về trời và đặt tên là “Hoàng Hạc”...
Từ bao đời, lầu Hoàng Hạc là nơi gặp mặt tao đàn của các văn nhân, mặc khách đương thời. Họ đến đây vừa thưởng ngoạn phong cảnh non nước hữu tình, vừa uống rượu làm thơ, bình văn. Trong số đó có bài thơ lưu danh thiên cổ “Hoàng Hạc Lâu” của nhà thơ đời Đường là Thôi Hiệu đã khiến ngôi lầu này trở lên nổi tiếng khắp nơi.
Tương truyền một nhà thơ cũng sống ở đời Đường được tôn là “Thi Thánh” là Lý Bạch đến lầu Hoàng Hạc cũng định làm thơ nhưng khi đọc thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề ở trên vách đã quá đầy đủ, không còn thêm gì được nữa nên đành vứt bút ngửa mặt cất lời than cũng như một lời nhắn lại rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
Nghĩa là:
Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã nói hết trong bài thơ đề ở trên đầu
Vì Thôi Hiệu đã nói hết trong bài thơ đề ở trên đầu
Nhiều danh nhân nổi tiếng của nước ta khi được cử làm sứ thần sang giao thiệp với các vương triều Trung Quốc cũng đã ghé thăm, chiêm ngưỡng lầu Hoàng Hạc và làm thơ vịnh danh thắng này như Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du… họ không những không “chùn bút nản lòng” mà còn sáng tác những vần thơ khiến cho thi nhân mặc khách phương Bắc cũng phải kính trọng nể vì.
Trong số những sứ thần nước Việt, Phạm Sư Mạnh là người đầu tiên đề thơ tại Lầu Hoàng Hạc. Bài thơ Đăng lầu Hoàng Hạc (Lên lầu Hoàng Hạc) được ông sáng tác trong thời gian đi sứ nhà Nguyên năm Ất Dậu (1345).
Non xanh chùng chập bào quanh đất Bành Thành
Lấn mây chọc hán như bình phong ngọc
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn ngấm đến trục trái đất
Sóng nhô bọt sủi đổ cả về đông nam
Lầu Hoàng cao ngất lưng chừng trời
Lên cao trông xa ba nghìn dặm
Trước đài Hạng Vương ánh xế hồng
Trên mồ Quán Quân nổi gió thảm
Lấn mây chọc hán như bình phong ngọc
Nước Hoàng Hà cuồn cuộn ngấm đến trục trái đất
Sóng nhô bọt sủi đổ cả về đông nam
Lầu Hoàng cao ngất lưng chừng trời
Lên cao trông xa ba nghìn dặm
Trước đài Hạng Vương ánh xế hồng
Trên mồ Quán Quân nổi gió thảm
Trời hoang, đất cỗi chiến trường cũ
Anh hùng nghìn xưa nay còn đâu
Nhà ta ở tận cõi Nam
Tay cầm tiết ngọc lên lầu Hoàng Hạc
Mài sườn núi khắc chữ Đông Pha
Như nay chẳng phụ chí du lịch bình sinh.
(Bản dịch của Viện sử học Việt Nam)
Đây cũng được coi là tác phẩm đầu tiên của người Việt viết về ngôi lầu nổi tiếng này. Tác giả của nó không chỉ là một sứ thần tài giỏi mà còn là một danh sĩ, một đại quan.
Chính sử không ghi nhận cụ thể về tiểu sử của ông nhưng theo nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, gồm cả dã sử thì Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ, tự là Nghĩa Phu, hiệu Hiệp Thạch, Uý Trai, không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết ông sống khoảng thế kỷ XIV dưới thời vua Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông... Ông quê ở làng Hiệp Thạch, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kim Môn, Hải Dương).
Phạm Sư Mạnh cùng với Lê Quát là hai trong những học trò xuất sắc của Chu Văn An, họ đều đỗ đạt làm quan nhà Trần. Phạm Sư Mạnh đỗ đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) đời Trần Minh Tông (1314 - 1329) và được vua đổi tên là Phạm Sư Mạnh, ông ra làm quan cho nhà Trần năm Qúy Hợi (1323) dần thăng lên đến chức nhập nội hành khiển.
Đến năm Ất Dậu niên hiệu Thiệu Phong thứ năm (1345) đời Trần Dụ Tông, ông được cử đi sứ phương Bắc để tranh luận về địa giới cột đồng, một năm sau ông được giữ chức Chưởng bạ thư kiêm Khu mật tham chính.
Năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Trị thứ nhất (1358) Phạm Sư Mạnh lại đảm nhận chức Nhập nội hành khiển Tri khu mật viện sự và chỉ một năm sau được thăng làm Hành khiển tả tư lang trung.
Năm Nhâm Dần niên hiệu Đại Trị thứ năm (1362) đời Trần Dụ Tông, Phạm Sư Mạnh tiếp tục giữ chức Tri khu mật viện sự, rồi thăng lên chức Nhập nội nạp ngôn. Quãng thời gian sau đó ông được cử trông coi việc phòng thủ biên cương, phòng chống ngoại xâm và giặc cướp.
Phạm Sư Mạnh là một trí thức Nho giáo, sống có hoài bão, mang nặng ưu tư trước bao biến thiên của thời cuộc và cũng như Lê Quát, ông có nhiều trăn trở trước sự suy thoái của đạo Thánh hiền ở cuối đời Trần. Đã nhiều lần ông cùng với Lê Quát muốn sửa đổi một số chế độ nhưng không được triều đình nghe theo.
Phạm Sư Mạnh sáng tác nhiều nhưng nay phần lớn đã thất lạc mất, chỉ còn có Hiệp Thạch tập nay còn 33 bài trong được chép lại trong Toàn Việt thi lục và một bài văn bia. Thơ ông tiếp tục truyền thống thơ yêu nước đời Trần, ca ngợi non sông hùng vĩ, nhắc lại những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc như Đăng Thạch môn sơn tác, Chi Lăng động, v..v…
Một tác gia nổi tiếng thời Nguyễn là Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí khen ngợi về thơ văn của Phạm Sư Mạnh như sau: “Tình thơ cao siêu, hào phóng, là một danh gia cuối đời Trần”; còn về tác phẩm viết về lầu Hoàng Hạc cùng các sáng tác của ông trong thời gian đi sứ, Phan Huy Chú cũng cho hay: “Lời thơ đều có phong thái nhàn nhã, thật có thể hơn người Nguyên”.
Tác giả bài viết: Lê Hùng Phong